TÌNH MẪU TỬ

Lililka Naros (Hy Lạp)

Nguyễn Văn Sâm dịch

 

Lilika Nakos sanh năm 1903 tại Athens, có truyện ngắn đầu tay in trên tờ tạp chí Europa của Pháp. Bà được coi là tác giả Hy Lạp cận đại khai thác vấn đề nhân bản.

Một trong những truyện nỗi tiếng của bà là Lost Soul (1943). Truyện ngắn Tình Mẫu Tử  (Maternity) được coi là cổ điển và được dạy ở nhiều trường Đại học trên thế giới vì nói lên được hai mặt đối cực của con ngưởi: dửng dưng / giúp đở trưc sự hoạn nạn của người khác. (NVS)

 

Họ đến Marseilles đã hơn tháng nay rồi, trại tỵ nạn của họ, người Armenian, ở ngoại ô trông giống như một ngôi làng nhỏ. Họ sử dụng bất cứ thứ gì có được để che nắng đở mưa: người kha khá thì dùng tăng, dùng lều, phần lớn còn lại không thể tìm thấy gì khả dĩ tốt hơn, bèn tạm trú dưới những tấm thảm treo bốn góc trên bốn cọc cây. Ai may mắn hơn thì tìm được tấm vải treo phủ bốn bên để che ánh mặt trời chói chang. Rồi thì họ coi đây là nhà. Đàn ông đổ xô đi tìm việc-- bất cứ thượng vàng hạ cám việc gì cũng được-- để khỏi bị cơn đói hành hạ, với lại đ lũ trẻ còn có chút gì đó bỏ vô miệng.

Trong đám này, thằng Mikali không thể làm gì được hết. Nó ăn bánh mì dư của những người ở lều kế bên thương hại liệng ra cho. Nặng trĩu lòng nó khi nhận. Nó là thằng bé bự xộn, mười bốn tuổi rồi chúu bộ, lại mạnh khỏe nữa. Nhưng làm sao tìm được công ăn chuyện làm khi nó phải mang trên lưng gánh nặng là một đứa bé sơ sanh?  Thằng bé ra đời tạo nên cái chết của mẹ nó, từ lúc đó tới giờ khóc i-ỉ suốt ngày vì đói khát. Làm sao có thể chấp nhận cho Mikali làm khi mà chính người đồng hương với nó cũng đuổi nó ra khỏi láng vì không chịu nỗi tiếng khóc rĩ rã liên tục của thằng bé, tiếng khóc khiến họ cả đêm mất ngủ. Chính thằng Mikali cũng chán nãn về tiếng khóc nầy. Đầu óc nó trống rỗng, nó lang thang như một kẻ vô hồn. Chết mệt vì thiếu ngủ và rã rời, nó luôn phải lê bước với gánh nặng điếc tai nhức óc trên vai, gánh nặng một sự ra đời làm cho cuộc sống nó vô vàn khổ sở. Đứa bé quả đã chọn không đúng lúc cũng không đúng chỗ để xuất hiện trên trái đất này. Tiếng khóc nó làm mọi người  chán nãn. Họ đã chịu đựng quá nhiều khổ lụy rồi, họ thương hại ước mong thằng bé chết đi cho yên thân h?. Nhưng nó không chết, nó tuyệt vọng tìm con đường sống bằng cách khóc lớn hơn, báo động cái đói khát của mình. Mấy người đàn bà vô tâm đã bịt tai lại, và Mikali đi lang thang như một thằng say. Không đồng xu dính túi để mua s?a cho thằng bé, không nhờ được người đàn bà nào trong trại sẵn lòng giúp cho thằng bé bú thép. Một chút thôi để đở lòng cũng được!

Một ngày kia, không thể chịu đựng hơn được nữa, thằng Mikali đi về phía bên kia trại, về phía trại của người Anatolia: họ cũng là người tỵ nạn, trốn chạy sự tàn sát của dân Thổ Nhỉ Kỳ ở vùng Tiểu Á. Có người nói với Mikali rằng ở đấy có một người đàn bà có thể thương, giúp thằng bé. Nó đi mà lòng hi vọng tràn trề. Lều trại của họ cũng giống như lều trại ở bên nó-- cũng cái nghèo khổ đó. Mấy bà già còng lưng trên sạp ván kê sát đất; trẻ con chân không chơi vọc ở mấy vũng nước dơ. Khi nó tới nơi, vài bà già nhỏm dậy hỏi thăm nó cần gì, nhưng nó tiếp tục tiến bước, chỉ ngừng lại trước một một căn lều mở cửa có treo hình Đức Mẹ, từ bên trong vọng ra tiếng khóc của trẻ thơ.

"Xin vì Đức Mẹ Bác Ái, Đức Mẹ mà quý bà đã thờ phượng,' nó nói bằng tiếng Hy Lạp, 'Hãy thương hại đứa trẻ mồ côi tội tình này, cho nó một chút sửa. Tôi là một người Armenia khốn khổ bần hèn....'

Một thiếu phụ duyên dáng, đen dòn, hiện ra. Tay cô b?ng một đứa trẻ đang nút vú mẹ, sung sướng tuyệt cùng, đờ đẫn, lim dim mắt.

Cô ta hỏi, "Đưa đứa nhỏ coi, trai hay gái đây?"

Tim Mikali đập mạnh vì vui sướng. Vài ba người hàng xóm đến gần để coi, họ giúp Mikali lấy cái bịt đựng thằng bé ra khỏi vai nó, họ tò mò chồm tới nhìn cho rõ. Nó dở tấm khăn ra. Mấy người đàn bà thét lên những tiếng hãi hùng. Thằng bé không còn chút nhân dạng gì nữa. Cái đầu bị bự như trái bí, thân hình đã mỏng thiệt mỏng rồi còn teo rút lại nhỏ xíu nhỏ xiu. Lâu nay thằng bé chỉ có ngón tay để bú, ngón tay bây giờ sưng nở lên, không còn đút vừa vô miệng nó nữa. Thiệt là khủng khiếp! Chính Mikali cũng lùi lại vì sợ hải.

"Mẹ ơi!" một người đàn bà kêu lên, "đây là một con dơi hút máu, quả thiệt rồi, một con dơi hút máu! Có sữa, tôi cũng không dám cho nó bú đâu."

"Chính là một kẻ phản Chúa!" một người nữa nói trong khi làm dấu thánh giá. "Đúng là con của tụi Thổ rồi!"

Một bà già xọm chập choạng đến. "Hu, hu!" bà kêu thét lên khi thấy thằng nhỏ. "Quỷ dữ đây mà!' Rồi quay về phía Mikali bà la m?ng: "Đi! Đi ra khỏi chỗ nầy ngay, đồ ôn hoàng dịch lệ xui xẻo, đừng có héo lánh tới chỗ nầy nữa nha. Mầy đem tai vạ tới cho tụi tao đó!"

Rồi thì tất cả bọn xúm lại đuổi xô, đe dọa nó. Mắt nó nhòe nhoẹt, nó ra đi, mang theo đứa nhỏ vẫn còn bị cơn đói hành hạ.

Không thể làm gì được hết, đứa nhỏ đã bị kết án tử bằng cách bỏ đói rồi. Chính Mikali cũng cảm thấy vô cùng cô đơn và tuyệt vọng. Một luồng hơi lạnh chạy dài trên sóng lưng khi nó nghĩ tới đang mang trên lưng mình một con quái vật. Nó ngã vật xuống trên bóng mát của một căn lều. Trời vẫn còn quá ấm. Khung cảnh trãi rộng ra trước mắt nó là một giải đất rộng, khô cằn, đầy dẫy rác rếnh. Còi trưa kêu lên từ đâu đây. Tiếng còi gợi nó nhớ rằng mình không ăn gì hết từ hôm trước l?n. Phải lỏn ra ngoài phố, quanh mấy quán cà-phê ngoài đường, bóc trộm mấy miếng bánh mì ăn dỡ dang còn bỏ lại trên dĩa mới được; hay là lục lọi trong mấy cái thùng rác kiếm món gì mà chó chưa ăn. Thình thình nó cảm thấy cuộc đời sao mà đầy những kinh hoàng, nó đưa tay lên che mặt, khóc trong nỗi tuyệt vọng vô bờ.

Khi nó ngước mặt lên, một người đàn ông đang đứng trước mặt nó, ngó xuống. Nó nhận ra đây là người Tàu thường đến trại bán mấy thứ trang sức rẽ tiền làm bằng giấy hay là những thứ lẩm cẩm để đeo tay, thấy chú bán mà không thấy ai mua. Thường thường người ta trêu chọc chú vì màu da và đôi mắt xếch của chú, bọn nhỏ hát ghẹo: "Cắc chú ba tàu thằng nào cũng như thằng nấy, thằng nào láng cháng đuổi cha nó đi về Tàu..."

Mikali thấy chú nhìn xuống nó trìu mến, môi mấp máy như muốn nói điều gì. Rồi thì chú nói: 'Đừng khóc, đừng khóc chú bé..." Rồi rụt rè nói thêm: 'Đi theo tôi...."

Mikali chỉ có thể trả lời bằng cái lắc đầu; nó muốn chạy trốn. Nó từng nghe biết bao nhiêu là chuyện kinh khủng về sự tàn ác của người phương Đông rồi! Ở trại nó còn nghe cả những chuyện như họ có thói --- giống người Do Thái--- đi bắt cóc trẻ con Công giáo về giết để uống máu!

Nhưng người đàn ông kia vẫn đứng đó, không nhúc nhích. Vì vậy trong lúc quá tuyệt vọng, Mikali đã đi theo ông ta. Còn chuyện gì xấu xa tồi tệ hơn nữa có thể xảy ra cho nó chứ? Nó đi mà run rẩy, yếu nhớt, gần té với thằng nhỏ trên lưng. Người Tàu đến gần nó, ẳm giùm nó đứa nhỏ, ôm vào lòng, trìu mến.

Họ qua nhiều khu đất trống, rồi thì rẽ vô con lộ nhỏ dẫn đến một cái lều gỗ có vườn rau nhỏ bao quanh. Ông ta ngừng trước cửa, vổ tay hai cái. Có tiếng bước chân nhè nhẹ bên trong, một người nhỏ thó bước ra mở cửa. Nhìn thấy ông ta, khuôn mặt người đàn bà rạng rỡ lên, một nụ cười hạnh phúc nở ra. Bà ta chào họ, đơn giản. Khi Mikali đứng chôn chân ở đó, bối rối thì người Tàu nói với nó: 'Vô đi chứ; đừng ngại ngùng gì hết. Đây là vợ của tôi."

Mikali đi vô trong, phòng rộng hơn mình tưởng, chia ra ở giửa bằng một tấm bình phong giấy màu. Mọi chỗ đều sạch sẽ ngăn nắp, dầu rằng có vẽ bần hàn. Trong một góc nhà, nó thấy một cái nôi mây.

"Đây là con tôi," thiếu phụ nói trong khi duyên dáng nghiêng đầu về một bên, cười với nó. "Con tôi rất nhỏ, đẹp lắm; đến đây coi."

Mikali đến gần, thầm thán phục. Một đứa nhỏ bụ bẩm, nước da không đen như mẹ nó, đang ngủ thanh bình, được đắp bằng một tấm vải có những thêu móc bằng vàng, giống như một tiểu vương gia.

Rồi thì người chồng kêu vợ lại, mời vợ ngồi xuống chiếu, không nói lời nào, ông để lên đùi nàng đứa nhỏ đang chết đói rồi cúi đầu thật sâu trước vợ. Người đàn bà ngạc nhiên, cúi xuống kéo tấm vải che đứa nhỏ ra. Hiện ra trước mặt nàng đầy đủ tất cả bộ xương kinh khủng của nó. Nàng kêu lên-- một tiếng kêu thương hại tuyệt cùng-- rồi ẳm đứa nhỏ xiết vào chỗ trái tim, cho bú. Với một cử chỉ dung dị, bình thường, nàng kéo vạt áo phủ bộ vú căng sữa, đứa trẻ đáng thương, háo đói đang bú chùn chụt ở đó.

(Dịch theo bản tiếng Anh)

Texas, Dec. 2002