Màn trờI chiếu đất

VITA

 

Suốt hai đêm rồi , mưa dai và lạnh. Con nhỏ ''Thái Bình'' ngủ trần, ho bung-bung gần bể ngực. Thân hình chỉ còn một quần đùi tả-tơi, nó nằm co rút trong góc chợ Bến-Thành, run đau và rét mướt. Mình-mẩy hờm-hĩnh, gầy như cây đinh, bày sườn, tóc rối-nùi, trứng chí lợp lấm-tấm tựa cám giã. Khuya. Mưa. Gió lồng-lộng, phố phường yên-tịnh. Thái-Bình thao-thức, giây giây khẽ rên dài.

Bị biện Tây và lính cảnh-sát xua đuổi, nó bỏ ga Sai-Gon-Mỹ tho xề qua chợ, ngày đón hành khách tại bến xe xin ăn, đêm trở lộn về, trèo lên sập vải bỏ trống, nằm chèo-queo, mặc tình bầy muỗi chích. Hễ trời vừa hừng sáng, nghe chuông nhà thờ đổ, nó giụi mắt ra đi ; tối, sau khi nhà hàng đóng cửa, nó đáo về. Cứ như thế, đã được một tuần lễ.

Nhưng suốt hai dêm rồi, mưa dai và lạnh. Con nhỏ Thái-Bình đau bết-bát, không đi đâu nổi. Nó lết từ dưới sập nầy sang sập nọ, bị mấy chị hàng vải chửI-bới, gớm-nhờm.

Trước kia nó ở với cha mẹ nghèo trong một chái lá gác theo vách tường, hẻm Dixmude. Cha làm thợ rèn, mẹ sớm bán cháo đậu, tối tào-thưng, cả hai chạy ăn trối chết cho gia- đình sáu đứa, không kể một đứa nữa chờ bể bầu nay mai, lọt ra, tăng nợ-nần cho cặp vợ chồng mắc đọa. Họ rất siêng-năng, rất tần-tiện, nhưng vẫn thấy thiếu-hụt luôn. Là thợ- thuyền, đồng lương eo-hẹp, tay làm, hàm nhai, lãnh được hôm nay, tiền bay hôm sau, lụi- đụi phải quơ-quàu, vay bợ, mua chịu từ lít gạo, trả lời bạc đứng, chờ kỳ lương tới. Rốt cuộc, ngày như tháng, tháng như năm, áo quần chằm khíu, mảng lo chạy nợ, vợ chồng chị thợ rèn chưa bao giờ dám ăn một cái bánh bao nhuân mặn khi thèm miệng.

May nhờ đứa con gái đầu lòng, vừa lên mười, giỏi-giắn coi trong, coi ngoài, nào giặt- gịệm, chăn bầy em, lo nồi cơm, ơ cá, nào gánh nước, mót củi ; chẳng, mẹ bị ràng buộc trong xó nhà, gia đình cạy đất mà xơi ...

Tuy thiếu-thốn mọi bề, họ nhẫn-nại sống lây-lất, định-nghĩa vui, buồn bằng sức-khỏe của bè con.

Bỗng một buổi trưa, tàu bay Đồng-minh ầm-ầm kéo tới địa phận Sài-gòn, trút mù- quáng xuống vùng Dixmude cả tấn bom, rỉa đạn xối-xả, làm cho nhà cửa tan-tành, thường dân già trẻ, bé, lớn, lớp bị xé thây, lớp chôn vùi dưới hầm, máu tuôn lênh-láng. Cả nhà anh thợ rèn thọ nạn, chỉ còn sót lại đứa con đầu lòng. Trong lúc ấy, nó đang giành hứng nưóc phông-tên tại chợ Thái-bình. Nhờ vậy, nó thoát khỏi họa văn-minh của chiến-tranh.

Con nhỏ mồ-côi bắt đầu lang-thang. Không còn nơi nương-tựa, nó nhập bọn với mấy đứa trẻ hoang, thả theo những dãy phố sập, lượm gạch đem đi bán kiếm cơm. Chẳng ai biết tên tộc nó là gì, chỉ nghe mấy đứa nhỏ trang lứa nó, mỗi lần rũ nó đi ''hôi'' gạch, đứng giữa đường Dixmude, ra ám-hiệu lạ-lùng, gọi :

-Thái-Bình tứa ưa tàn tưa ...

Tự-nhiên con nhỏ ấy trong đống ngói gạch chui ra, vui-vẻ đáp :

-Tàn tưa ...

Đoạn vầy đàn xí-xô xí-xào, kéo nhau, ra đi, chân nhảy cò-cò, tay huơi thanh sắt, miệng rập ca :

''Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng ...

''Kiếm nguồn tươi sáng ...''

hướng về đống tường sụp đổ.

Sống cảnh màn trời chiếu đất được trút tháng, không chuyện gì xãy ra ngoài việc moi ba cục gạch. Thái-bình quen mến cuộc đời tự-do, sôi-nổi. Chỉ thỉnh-thoảng chợt nhớ cha mẹ và mấy em chết một cách thảm-thiết, nó buồn khóc trong khoảnh-khắc rồi lấy cánh tay quẹt nước mắt, vui đùa cùng chúng bạn.

Một hôm, đương lui-cui mê cạy gạch dưới nắng đổ lửa, mồ-hôi nhể-nhãi, Thái- Bình mắc đám mưa to trở về hang, ướt loi-ngoi như chuột lội. Đầu đuôi chỉ còn vỏn-vẹn một bộ đồ rách-rã, nó cổi vắt thật ráo rồi lại mặc vào ngủ mòn. Mãi tới sáng, chỗi dậy, nó sổ mũi, ho-hen và cảm thấy rêm mình. Không cơm cháo, thuốc-men, bệnh càng trầm- trọng. Hơn nữa, chỗ nó nằm không được sạch, hơi bốc lên hôi thúi nặc-nồng. Bên kia đường, dưới chân một đống rác cao ngùn-ngụn, ngót năm trăm cái chòi lá, nhốt gần hai nghìn nhân-mạng, dựng chen chúc quanh lỗ bom nước đọng xanh dờn, chở đồ dơ, thây súc-vật sình chướng mạnh ai nấy vất, phụ thêm những gói cứt nổi lềnh-bềnh, ruồi bu đen- nghẹt ; đố tìm cho ra một cái chuồng tiêu . Vậy hễ chột bụng, cứ việc xách trôn ra đóng gạch ...

Sau một cữ sốt-rét, Thái-Bình ngột hơi, lồm-cồm dậy. Nó nhận thấy mình trần, chiếc áo của nó, ai tha đâu mất. Nó kiếm cả buổi mới tìm đươc, gần bên vũng nước. Thì ra giữa cơn mê sảng, nó bứt áo, tuột liệng, rồi một nhân-vật nào chẳng rõ, lúc khẩn-cấp đã tạm dừng giải-nạn. Nó tức mình, đứng rủa một hồi, đoạn chiều hôm ấy, bỏ chỗ quen , lần mò ra ga.

Nhưng, nó ở chưa được hai ngày, kế xãy ra một vụ móc túi . Cò bót tới bố tất cả bọn ăn xin. Thôi thì, nào bao, nào bị, nào gậy, nào hèo, một đám thú người khốn-khổ đó, từ cái lẫn đực, mang chạy có cờ, bạ đâu lũi đấy . Mắc vạ lây Thái-Bình lỏn qua chợ, chui đụt mảnh thân hèn.

Thái-Bình đau nhẹp. Nó khát nước, rán sức lết ra khỏi sạp. Nhác thấy nó thò đầu, một chị hàng vải đang bưng tô nước hớp, giật mình, ngỡ ma-bom ốm-tanh xuất-hiện. Nhìn kỹ, chị phát gớm-nhờm, ụa, khạc, rồi ó lên :

-Mày cút đi không, hở đồ ôn-dịch ? Tao kêu lính bây giờ ...

Nó hoảng-kinh thụt mất. Chị hàng vải rủa láp-giáp vài câu, kế tạt nước dư xuống sạp, lan-tràn. Thái-Bình khát xé ruột gan, thè lưỡi liếm ngon-lành những đường nuớc đọng.

Qua ngày sau, lần-lần Thái-bình bớt rên, cơ-thể tựa hồ mỏi rục hết hành nó nữa. Nó nằm xếp-ve dưới sạp, lằng xanh bu mất mặt. Trong phút cuối-cùng, nó hồi-dương, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ mấy đứa em mà từ khi gia-đình tan-rã, nó chưa lần nào nhớ đậm như lúc bấy giờ.,Nó lại mơ-hồ nghe văng-vẳng như xa, như gần, như cao, như thấp, tiếng gọi đàn khi thiết-tha, khi thúc-giục của mấy bạn đầu xanh :''Thái-Bình tứa ưa, tàn tưa ...''

''Nào anh em ta cùng nhau xông-pha lên đàng...

''Kiếm nguồn tươi sáng...''

Nó vùng mĩm cười. Nó đem hết tàn-lực nhỏm dậy, toan chạy. Bỗng nó lấy hơi lên, nấc một tiếng nhẹ-nhàng, buông tuổi xuân vô-tội theo dõi gia-đình, bè-bạn ...

Một lát sau, bộ xương khô ấy được chở đi với lời nguyền-rủa tiễn đưa của chị hàng vải :

-Đồ quỉ, đồ yêu ở đâu tắp lại báo đời, đem xui-xẻo tới cho người ta !...

2-5/7/49