Nhân - Bnh

VITA

 

Ta, con số mọn đối cùng toàn thể,

Sống lẻ-loi, ta sống thiếu bình-an.

Cây mọc cô-đơn  ở tận tiên-ngàn

Gặp giông-gió lớn, gãy cành, trốc rễ:

Tựa hạt nước bé nằm trong lòng bể,

Bể cạn nguồn, hạt nước cũng tiêu-tan.

Thuở xưa, lúc mới xuất hiện loài người, có bốn anh em trai, cả thảy đều dị-hình dị- tướng. Mình cao tám thước, lưng lớn ba vừng, sức mạnh dời non lấp bể. Cùng chung một giống, một mẹ, một cha, tính nết hiền-lành, tuy-nhiên mặt-mày khác nhau xa- lắc. Người anh cả tên Bạch, trắng như tuyết; người thứ nhì tên Huỳnh, vàng như nghệ; người thứ bà tên Hắc, đen như lọ chảo; người thứ tư tên Hồng, đỏ nhu son. Cha mẹ mất sớm và mặc dầu có vợ con, họ vẫn sống yên như bát nước đầy, ăn đồng chia đủ, thương nhau khắng-khít. Họ không biết nói, chỉ biểu-diễn tình-cảm hay ý muốn bằng điệu bộ. Ngày, họ rũ vào rừng săn cọp, beo, voi đem về lấy thịt, lột da làm áo ngự-hàn; đêm, chun xuống hang sâu, ngáy vang như sấm. Ấy thế, ăn lông, ở lỗ, vui đồng hưởng, khổ đồng gánh, họ ung-dung tự-toại, kéo cuộc đời chung trong-sáng, không gợn chút ưu-phiền.

Bỗng một hôm dạo chơi, tại bến Kim-giang, Bạch tình cờ gặp một con cá Ngân to lớn, mập núc, vảy chiếu trắng ngời, đang quạt đuôi nổi sóng lội ngược dòng, tiến đến chờn-vờn toan nuốt Bạch. Nhanh-nhẹn, gọn-gàng, Bạch né khỏi, đoạn nhảy ùm xuống, thò tay gân-guốc, vói nắm đuôi con thủy quái. Nó vùng-vẫy ầm-ầm trốc cả nắm vảy nhưng không thoát khỏi. Mừng-rỡ, Bạch điệu nó vào bãi, kéo xển nó về hang.

Bạch bảo người nhà làm thịt con cá nghìn cân; rồi vợ, chồng, anh, em, con cháu nhập tiệc, xem nó ngon dở thế nào. Sướng quá! Thịt nó ngọt, bùi, máu nó tươi rói khiến họ ăn mãi mà không hề biết ngán. Chưa đã thèm, họ lại mót vi, kỳ, vảy, xương nhai rờu-rợu.

Tối đêm đó, họ cảm thấy người khó chịu, bụng ọc-ạch, mình nóng tựa thiêu, tim nhảy hồi hộp và lạ-lùng thay! Sáng ngày họ ngứa miệng, biết nói hết. Họ bắt đầu lừ-nhữ mỏi-mê, ghiền thịt con cá Ngân, không làm sao quên được.

Bỏ cả rừng, núi, dẫy-đầy vật-thực, bao nhiêu mắt quay nhìn ra sông bể. Họ đợi hai ngày, đói gần rã ruột, nhưng không thấy nó nổi lên. Thối chí, họ định kéo nhau ra về, thình lình Bạch nhác thấy con Ngân đang giỡn bóng mặt trời lặn ngoài khơi. Bạch gọi Huỳnh, chỉ-chỏ. Huỳnh co giò nhảy phóc, bay là-là trên đỉnh sóng, đạp lưng con Ngân, cung tay đấm vào hông thật mạnh. Con cá đau buốt, hoảng-kinh, lội trối chết vào bãi tựa ghe bầu chạy vát.                  

Đứng trên mé, Bạch thèm nhểu dãi, phát động lòng tham, vùng nhảy đùa xuống, táp con Ngân hết phân nửa. Mấy người kia giận, nhưng biết anh đói quá làm hỗn, vùng cười xòa ghê rợn. Họ đành chia nhau phân nửa còn lại vậy. Ăn xong, họ kéo nhau ra về chui vào hang sâu rên siết.

Từ ấy, họ bắt đầu điên. Họ nóng-nãy, dữ-tợn, say máu ngà, đánh nhau đến nỗi cây ngã, đá lăn, huyết hồng tràn ngập đất. Càng ăn con Ngân chừng nào, họ càng hung-ác chừng nấy. Kẻ ăn ít cũng đau, kẻ ăn nhiều cũng đau, cho tới kẻ hết được ăn cũng không tránh khỏi.

Rốt cuộc, người anh cả thắng, bắt mấy em làm tôi mọi. Bấy giờ, tình huynh-đệ đã tuyệt, Bạch chỉ biết có con Ngân. Tìm không ra nó, thế nào mấy đứa em cũng bị ăn đấm mềm xương, nát thịt. Nhưng dễ gì! Bị động, chúng khôn nhác thấy bóng người, lặn mất. Mãi rồi chịu hành-hạ, đói-khát không thấu, ba người em lần-lượt dắt cả gia-quyến mạnh ai nấy trốn sang nơi khác. Lâu rồi, sinh cư lập nghiệp chỗ nào, họ chịu ảnh-hưởng phong-thổ, khí-hậu chỗ đó; tiếng nói và tập-tục vì thế khác nhau. Họ quên cội-rễ và cứ vài năm, tới mùa cá Ngân rộ, họ lại phát cuồng-tâm, kéo nhau xáp-chiến long trời lở đất, xô con cháu trong lộ-lạc vào bãi chiến-trường, thây phơi như rạ.

                                                                        *

                                                                    *      *   

Thuở ấy, tại hòn Trí-sơn, ở ẩn một đạo-sĩ tu-luyện nghìn năm có lẻ, gần thành chánh quả. Một hôm, đang ngồi tham-thiền, bỗng thấy lòng xúc động. Đếm lóng tay, ngài mới rõ dưới trần loài người đánh nhau tróc vẩy trầy vi ...

Thương-hại sinh-linh, đạo-sĩ giao am cho đệ-tử, xách hoa-lam và bùa, niệt, chí quyết đơn thân ''tách mình qua Tây thổ'' giải nạn cho đời.

Đến nơi, đạo-sĩ gặp họ đang tranh-đấu. Ngài mới xen vào trận-mạc kêu gọi hòa- bình. Cả thảy đều bỏ binh-khí, lắng nghe, cảm-động. Rồi Ngài được coi như là đấng cứu- thế tối-cao, rảo bước tới bộ-lạc nào, thiên-hạ đón mừng, chạy theo nườm-nượp. Thâu-phục nhân-tâm trong nháy mắt, đạo-sĩ mới ra tài chẩn- mạch. Ngài cho rằng căn bệnh phát tại quả tim vì Ngài thấy máu bầm đen ứ tại nơi đó. Ngài bèn dán một lá phù lên đầu mỗi người, cho trí-huệ sáng-suốt biết phân-biệt giả chơn. Ngài lại lấy hoa Tâm bảo sắc thuốc uống, cho hỏa dục-vọng bớt lừng khiến, họ nhìn nhau biết nhau, mến-thương đồng- loại.

Nhưng bệnh vẫn trầm-trệ, nguy-nan. Kẻ vừa mới bớt, lại bị kẻ không bớt đánh- đập; họ chống trả rồi trở thành điên cả đám. Và chẳng bao lâu, tới mùa cá Ngân, họ dở chứng cũ, họ tàn-sát nhau mãi-mãi, đạo-sĩ khuyên can không nổi. Rồi họ cho đạo-sĩ là lang băm, xuống báo đời họ, họ bắt hành-hình Ngài một cách tàn-nhẫn.

                                                                        *

                                                                     *     *

Sau khi đạo-sĩ mất rồi, lâu lắm, từ trên Thổ-sơn, một đạo-sĩ khác lại giáng thế. Khác hơn ông trước, ngoài những thức ăn dọc đường, Ngài không mang theo thuốc-men gì cả. Tới nơi, Ngài được tiếp-rước rất lạnh-lùng và hơn nữa, họ hăm bằm thầy Ngài làm chả, nếu bệnh-căn chẳng tuyệt. Không do-dự đạo-sĩ nhận lời. Thôi thì, nào già, nào trẻ, nào bé, nào lớn, ở trong hang bò ra, bu quanh, đen-nghẹt. Chẩn mạch mọi người xong, đạo-sĩ cười hả-hả thốt :

-Bệnh của các ngươi gọi là Nhân-bệnh. Nó phát-nguyên từ dạ-dày, chớ chẳng phải tự con Ngân hay tim hoặc tự đâu đâu ca>.

Đoạn đạo-sĩ dõng-dạc đứng dậy hỏi to :

-Bộ-lạc nào xơi nhiều thịt con Ngân nhứt ?

Bạch thét lên :

-Chúng tôi .

-Tốt. Còn bộ lạc nào xơi thịt con Ngân ít nhất ?

Ba người kia cùng la rập :

-Chúng tôi .

-Tốt. Vậy hãy nghe kỹ lời ta dặn ...

Im phắc, bao nhiêu bộ-lạc ngóng chờ. Chẫm-rãi, đạo-sĩ phán:

-Các ngươi ra chân núi hái lá ''Tỳ'' đem vào đây cho ta .

Giây phút, họ mang về cả đụn. Đạo sĩ vừa vò lá, vừa giải :

-Ăn nhiều quá, tức cố thực. Cố thực sinh trúng thực : cực thân. Dạ dầy nhiệt, hơi nóng lừng lên đốt trái tim làm các ngươi sốt buốt, hết biết nhân-bản là gì .

Ngài tiếp :

-Ăn ít qua, tức thiếu thực. Thiếu thực sinh thất thực. Thất thực : cực thân. Dạ dày hàn, hơi lạnh thấm lên trái tim làm cho các ngươi phát lãnh, toan dành thịt con Ngân để sưởi, cho nên các ngươi, bởi lẽ ấy, hết biết nhân-bản là gi. Vậy hãy nghe kỹ lời ta dặn :

-Bộ-lạc đầu ăn nhiều, bệnh nặng uống bốn lá ''Tỳ'', xơi một phần tư thịt con Ngân; còn ba bộ lạc sau ăn ít, bệnh nhẹ, uống mỗi bộ-lạc một phần tư lá ''Tỳ'' chia nhau xơi ba phần tư thịt con ngân.

Hồng vụt hỏi :

-Bỏ ăn phứt con Ngân được chăng, thưa Ngài ?

-Vô-hại, vô-hại. Cứ ăn, Ai cần-dùng ít, ăn ít; ai cần-dùng nhiều, ăn nhiều, tùy ở năng-lực của mỗi người,  đừng thừa, đừng thiếu. Như thế, nhân-bệnh sẽ tuyệt.

Nói xong, đạo-sĩ cởi xe đất bay liền vì sợ có một đám người tham-vọng hại Ngài như đạo-sĩ nhân-từ thuở nọ .

Từ ấy, có vô-số người hết điên; nhưng vì lá ''Tỳ'' đắng, uống vào vật mình vật mẩy dữ tợn, thêm nỗi mê thịt con Ngân, còn một số người không dám uống nên chưa lai- tỉnh.

                                                                        *

                                                                     *     *

Một hôm, những người lành bệnh trở thành tín-đồ củ đạo-sĩ, dìu-dắt nhau lên Thổ-sơn thăm viếng Ngài. Nhưng kiếm tìm tở-mở, họ chẳng thấy Ngài ẩn nơi đâu. Sau cùng, họ gặp một đống xương tàn cốt rụi. Họ chôn-cất rất hậu, đoạn ngậm-bgùi, trở lộn về .

Và từ đó, mỗi năm, đến mùa cá Ngân rộ nơi đâu, họ đồng tâm hợp sức chài. Bộ- lạc nào dư con Ngân, chia cho bộ-lạc khác thiếu hụt không như xưa kia tham hưỡng nột mình . Họ hợp thành một thế-giới thanh-bình, cộng-lạc. Dứt nạn giặcgiã, người bóc-lột người vô-ý-thức, tay siết tay, họ ca hát vang rền từ đầu non tới cuối bể. Họ bắt đầu quan- niệm cuộc đời chung : Họ tự tin nơi họ và cũng như đạo-sĩ, sứ-đồ của hạnh-phúc trần- gian, họ có sống có chết. Thân-thể họ, và linh-hồn họ, sản-phẩm của giác-quan, sẽ biến thành cát bụi.

Và, không như một ông yết-ma kia mơ-tưởng viễn-vông, quên lẫn sự đời, đại để cho rằng ''cái đáng kể trong việm là khoảng trống'', họ nhìn vào thực-tế và nhận thấy chính cái đáng để trong khoảng trống của việm mới là đáng kể hơn mà thôi...