Tội Vạ

VITA

Chị  Bảy đang ngồi trên chõng tre cho con bú, bỗng phát khóc kể, có dây có nhợ. Chị vừa mới hay tin chồng làm phu khuân vác cho một hãng lớn ở Sài-gòn bị máy ép hộc máu và, chịu không nổi vết thương nặng, anh tắt hơi vài giờ sau, trong nhà thương thí.

Chị Bảy tức tối, muốn bồng con lên đó thấy mặt chồng lần chót. Nhưng, một là còn non ngày tháng, hai là tiền nong khô-cạn, lại thêm áo quần tã-tơi rơi miếng, chị Bảy trước sau chỉ có một chình gạo lứt. Nghĩ tới cảnh khốn-nạn, mẹ góa con côi, chòi hư, nóc dột, nghèo-khổ trăm bề, chị tủi phận mình vô-phúc, rồi chạnh xót thương ai xiêu mồ lạc mả, chị khóc như mưa.

Tuy-nhiên cái đói xao-lãng cái đau, nhìn cái chỉnh gạo lưng, chị Bảy dập niềm cảm-lụy, bò đi kiếm cơm nuôi miệng. Chị quơ-quào đủ việc lặt-vặt: khi chẻ củi mướn, khi gánh nước ao, khi xay lúa, giã gạo cho hàng xóm. Chị cố dành-dụm chút-đỉnh tiền, mong- mỏi một ngày kia rời ấp Hòa-thuận, lần mò lên Sai-gòn, tìm biết chỗ chôn anh Bảy.

Hằng bữa, trống vừa trở canh tư, trời còn mờ sương đượm, chị Bảy đã lồm-cồm dậy cho thằng Đực bú xong, để nó nằm trong võng, chị mới sập cửa, giao nhà cho con Phèn cái, ra đi. Nhiều lúc trưa trật, mới lộn về giây phút. Gặp phải chủ khó, chị ở miết tới chạng-vạng, bỏ thằng Đực đói khát, khóc thôi khan tiếng.

Chị Bảy thật cơ-hàn tận xương! Nhà nóc lá dừa nước, cất cheo-leo bên mé rạch, cột, sườn, rui, kèo, toàn bằng tre, vách rơm bện sình, nứt-nở. Chỉ có một cánh cửa lá chằm, chống, sập do một cây nạng vẹt.

Phía trong, lan bóng tối om, hiện lờ-mờ một cái chõng tre xệu-xạo, một chìếc võng u-du, vài ba chén dĩa, hai nồi đất bé tẻo-teo : Ngoài ra, không một vật nào đáng giá nơi túp lều bằng bụm tay ấy. Nhưng muốn biết rõ gia-thế chị Bảy, cứ nhìn con chó là đủ rồi. Con Phèn ốm lòi ba sườn, mắt lem-hem, mình lợp ghẻ, bò-chét và rận, đi hết muốn nổi. Quanh năm, nó có một chút cốt rụi xương tàn nào mà gặm, họa chăng, lâu lâu, tình- cờ trúng mối, được hân-hạnh nhai khu-lẳn vất bỏ dưới mương: kỳ dư, lết ra đồng, thỉnh đồ dơ hoặc moi thây sình chướng. Có một bận, bắt gặp nó tha đầu-lâu thằng chỏng ngồi xơi ngon lành bên bụi tre, con-nít đâm khiếp-vía, đặt tên nó là Phèn tinh. Nhưng chớ sợ! Nó không cắn đâu. Phèn tinh hiền như bụt và không bỏ chủ vì nghèo ...

                                                                        *

                                                                    *      * 

Thằng Đực, tuy bú thất-thường, nhưng không mất sức vì chị Bảy có mạch sữa dồi- dào, mát-rợi. Chừng nó được năm tháng, biết trườn, bỏ tay đòi mẹ, chị thêm một mối lo. Sợ nó té trong cơn chị đi vắng, chị Bảy buộc một chân nó vào cạnh giường rồi lắm khi trở về, chị hổi ôi thấy mình-mẩy nó và miệng nó dính đầy cứt. Thằng bé đói quá, đụng gì mà chả nhét vào? Chị Bảy xót thân con bò lăn bò lóc, nhưng biết gởi nó cho ai ngoài ra con chó?

Chị Bảy đầu đội, vai mang, tay xách, làm-lụng vất-vả gần trút năm, dành-dụm được lối mười ba đồng và té ba giạ lúa mót. Với số tiền nhỏ-nhặt đó, chị muốn nhín chút ít để sắm mặc cho con và cho mình. Nhưng vải bốn năm chục đồng một thước làm sao mua nổi ? Từ mấy năm khởi đầu giặc-giả, chị vẫn mang chiếc quần tây ngắn của chồng chị cho và một cái áo túi, cả hai đã rủ nhau rách teng-beng, hết chỗ lụi kim. Mà không rách sao được ? Đêm nào chị cũng dùng nó làm mền quấn con, nước đái tẩm luôn, chắc như mo-cau cũng mục. Chị phải lấy giấy dán đỡ nơi nào cần-yếu cốt để che ''thẹn'' mà thôi. Dầu vậy chớ có dịp đi đâu, chị Bảy mới dám mang vào: còn ở nhà, chị cổi ra để mình trần, mang độc nhất một tấm bố tời. Còn thằng Đực, sinh sao để vậy.

                                                                        *

                                                                    *      *

Bấy giờ, chị Bảy sẵn vốn-liếng, định tự-lập. Đêm nằm chị tính-toan cố tìm một nghề ít vốn, bán chạy . Bỗng sực nhớ tới ông cả Hên mà chị gặp hôm nào say chúi đầu xuống ao, chị Bảy liên tưởng nghề đặt rượu lậu.

Nhưng chị Bảy sợ tù-rạc. Rồi chị ngần-ngại, băn-khoăn. Sau rốt, chị nghĩ ở chỗ hẻo-lánh nầy, chị cho là thiên-sơn vạn-hải hoặc khỉ ho cò gáy, tào-cáo ở tận Sài-gòn xa-lắc, làm gì biết nổi, trừ có người đi mách. Mà chị cũng không mích bụng ai và thấy chị nghèo hộc-gạch, thương chẳng hết, ai nỡ nào ...

Ấy thế, chị Bảy yên tâm. Chị bắt tay vào việc. Nấu trong ba kỳ, chị sắm cho thằng Đực được một bộ đồ mach-lô để dành Tết cho nó diện và cho chị một cái quần vải đen nhục, mua lại của dâu ông cả. Chị cũng gói cất, chờ dịp lớn.

Chị Bảy nghèo, người ta khinh, người ta lợi-dụng: Chị bảy mới vừa ngóc đầu, nguời ta lại ghét, ganh. Đồng tiền dễ biến đổi lòng người rất lẹ. Chẳng rõ ai tố-cáo chị Bảy mà một hôm, đang ngồi cho con bú, canh chừng trã rượu, bỗng một tốp ba nguời, súng ống hẵn-hòi, dẫn đầu một người Âu oai-phong lẫm-liệt, áp bao vây nhà chị. Chị Bảy điếng hồn, bỏ con, chạy lủi xuống bụi dừa, không kịp phi-tang. Một trong ba anh lính đoan lội theo nắm đầu lôi lên,thoi đá túi-bụi. Chị Bảy mặt xanh-dờn, mình-mẩy đầy bùn non, run lập-cập, mang bao bố tời che thân phía dưới, để lộ thân trên, vú lòng-thòng gai đâm tủa máu, trông tựa mọi cà răng căn tai ở Bù-đốp. Hai anh lính lo thâu tang-vật, còn anh kia còng chị dắt đi.

Chị Bảy van lạy khóc-lóc xin tha nhưng vô-ích. Họ cứ theo luật thi-hành. Chị Bảy vừa bước vừa ngoái lại, trông thấy thằng Đực khóc ngất, giơ tay đòi mẹ, chị đứt từ đoạn ruột. Ông xếp nóng-nảy gọi lính, thét vang:

-Bảo con súc-vật đó mau lên! Lôi bừa nó đi!

Lính bèn kéo-xển chị Bảy. Comn phèn núp trong bụi, ngó theo chủ, sủa khàn- khàn kéo giọng tru dài, tắt tiếng. Chị Bảy nhìn lại đám người quen biết một lần chót, nuớc mắt ràn-rụa, cất tiếng rên, kể-lể não-nùng:

-Ai nuôi con... con ơi!