Phần III – Đất nước và con người

 

CÔNG VIỆC NHÀ NÔNG QUANH NĂM

 

 

Hinh_P84Vác cuốc ra thăm ruộng

(ảnh Quốc Văn Giáo Khoa Thư)

 

 

Nước Việt ta từ xưa lấy nghề nông là chủ yếu. Trong nghề nông thì trồng lúa là chánh, các loại nông phẩm hoa màu khác là phụ. Dân mình xưa nay ăn cơm là chủ yếu, có vùng thiếu lúa, dân phải ăn kèm khoai mì, khoai lang, bắp. Nên ông bà ta có câu:

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.

Hột gạo, hột cơm được cha mẹ dạy ta quí trọng kêu bằng hạt ngọc; vua chúa luôn có chính sách khuyến nông, khuyên dạy dân không nên bỏ ruộng hoang :

Ai ai đừng bỏ ruộng hoang,

Bao nhiêu tất đất, tất vàng bấy nhiêu.

Suốt lịch sử dân mình gắn liền với nông nghiệp, công việc đồng án không ai dạy, trong gia đình cha mẹ tập tành con cháu ra đồng làm lụng quanh năm, tập tành theo lối cha truyền con nối.

Chúng ta hãy xem Quốc Văn Giáo Khoa Thư tả  công việc nhà nông quanh năm:

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai trồng đậu, trồng khoai, trồng ca.ø

Tháng ba thì đậu đã già

Ta đi ta hái về nhà phơi khô.

Tháng tư đi tậu trâu bò,

Để ta sắp sửa làm mùa tháng năm.

Sáng ngày, đem lúa ra ngâm(1)

Bao giờ mọc mầm, ta sẽ vớt ra.

Gánh đi ta ném ruộng ta(2)

Đến khi lên mạ, thì ta nhổ về.

Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê,

Cấy xong thì mới trở về nghỉ ngơi...

Công việc nhà nông quanh năm trích trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Đẳng (Lecture Cours Elémentaire). Công việc nhà nông được mô tả theo sự tuần hoàn của ngày tháng trong một năm, thích ứng với sự biến chuyển của thời tiết. Nước ta ở vùng nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều, độ ẩm cao. Miền Bắc có 4 mùa, Trung và Nam chỉ có 2 mùa mưa và nắng. Qua bài ta biết đây là công việc nhà nông Miền Bắc. Tháng giêng ( tháng âm lịch) là tháng ăn Tết vui chơi, lễ chùa, dân mình ai cũng không muốn đi làm.

Miền Bắc, trồng nhiều hoa màu phụ để tự túc về lương thực gia đình. Khi khoai là thức ăn phụ trộn với cơm gọi là ăn độn, dân Miền Nam sau năm 75 mới biết phương cách ăn độn nầy.

Ở Miền Nam nông dân ngoài trồng lúa, còn trồng các loại khác nhưng chủ yếu là để bán, họ biết chuyên canh, do đất rộng người thưa. Nên trong Nam có Bến Tre xứ dừa, Cổ Cò xứ dưa hấu. Trung Lương xứ mận, Hóc Môn rau cải, Bà Điểm xứ trầu cau v… v...  Các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Bính, Nguyễn Hiến Lê vô Nam đã viết nhiều về đời sống, ruộng vườn miền Nam nói lên xứ Nam Kỳ đã có chuyên canh từ lâu.

Con trâu trong câu ”Tháng tư đi tậu trâu bò cũng nêu lên nét đặc thù trong đời sống nông thôn ta xưa. Trâu là phương tiện chánh của sản xuất, người chủ có trâu phải đăng bộ ở làng xã, được cấp sổ trâu cũng như sổ bộ ghe. Khi Tây vô chiếm Nam Kỳ thì lập ra sở thú y chủ yếu bảo vệ đàn trâu hầu khai thác các vùng đồn điền miền Tây. Ngoài việc đăng bộ ghi sổ, trâu còn được đóng dấu vào mông (dấu bằng đồng, nướng đỏ, đóng vô mông trâu) đề phòng trâu bị trộm. Luật ta xưa phạt người ăn trộm trâu rất nặng, có lúc phải lưu đày biệt xứ.

Việc cấy lúa cần nhiều nhơn công, trong Nam thường thì người ta cấy vần công, chỉ có các nhà điền chủ lớn mới mướn công cấy. Người đứng ra lãnh bao cấy cho chủ điền gọi là đầu nậu. Sáng sớm đầu nậu thổi tù và tập hợp công cấy rồi phân bổ đến ruộng. Chủ điền thường bao ăn cho thợ cấy.

Công việc nhà nông, Quốc Văn Giáo Khoa Thư tả tiếp như sau :

Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,

Nước ruộng vơi mười, cỏn độ một hai . . .

Ruộng cao đóng một gàu giai(3)

Ruộng thấp thì phải đóng hai giàu sòng(4).

Chờ cho lúa có đòng đòng(5)

Bây giờ ta sẽ trả công cho người

Bao giờ cho đến tháng mười,

Ta đem liềm hái(6) ra ngoài ruộng ta

Gặt hái ta đem về nhà

Phơi khô, quạch sạch ấy là xong công.

Sau khi cấy công việc nhà nông chuyển sang giai đoạn hai, chăm sóc nước, cỏ, chờ lúa trổ và thu hoạch.

Trong Nam có 2 loại ruộng lúa : một là loại ruộng đồng, cây lúa chỉ sống nhờ nước mưa; loại thứ hai là ruộng rẫy (đa số) chủ yếu lấy nước sông; loại 2 này thấy ở Hậu Giang, còn miệt Tiền Giang xen kẻ có đồng có rẫy.

Ruộng rẫy thường dùng hệ thống kinh, mương dẫn thủy hoặc xã nước nên không dùng gàu tát. Ruộng đồng gặp khi nắng hạn phải dùng gàu để đưa nước vào ruộng. Trong Nam ruộng phẳng, không có triền, dốc nên thường tát bằng gàu sòng. Ở quê gàu giai thường dùng tát ao, tát đìa bắt cá vào mùa khô gần Tết âm lịch, vì ao đìa rất sâu. Lúa chín được thu hoạch bằng vòng hái  (Bắc gọi là liềm hái), sau khi gặt xong lúa được bó và chở về sân nhà bằng ghe, cộ, gánh bằng đòn sóc như cây đòn gánh nhưng hai đầu nhọn  để sóc (đâm) vào bó lúa. Có người gánh mỗi đầu 1 bó, có người mạnh gánh 2 bó mỗi đầu. Do vậy dân Nam Kỳ thường dùng hình tượng cây đòn sóc để chỉ người không có kiên định, đầu nào cũng theo nhẳm thủ lợi ( Đòn sóc hai đầu). Lúa được tách hột ra khỏi rạ bằng cách cho trâu đạp, sau đó đem phơi khô, dùng quạt (loại xa quạt lúa), quạt cho sạch, cũng có nơi dùng gió để dê”cho sạch.

Lúa hột được chứa trong bồ ở nơi khô ráu, người làm ruộng nhiều, lúa được dựa trong kho lớn đóng bằng ván gọi là lẩm lúa. Tóm lại công việc nhà nông, chủ yếu trồng lúa, suốt năm từ lúc gieo mạ đến gặt lúa. Lúa sớm kết thúc vào tháng 10 ta, lúa mùa vào tháng 11, tháng chạp.

Lúa nuôi sống dân, ai có nhiều lúa là nhà giàu. Xã hội ta xếp hạng : Sĩ -Nông - Công- Thương. Nông dân chỉ đứng sau Sĩ (giai cấp quan lại người có học) mà thôi.

Xem ra mới thấy nông nghiệp là nghề chánh của dân mình  cho đến thế kỷ 21 nầy. Đời sống nông dân một nắng hai sương, vất vả nhưng nói chung vẫn nhàn nhạ hơn xã hội công nghiệp ở Mỹ này. Nên những ai ở độ tuổi lục tuần không quên được câu : “Tháng giêng là tháng ăn chơi” trong bài ca dao  Công việc nhà nông quanh năm của Quốc Văn Giáo Khoa Thư, như tiếc rẽ thuở nhân hạ ngày xưa  ! ! !

 

(1) Trong Miền Nam gọi là ngâm giống.

(2) Trong Nam gọi là gieo mạ

(3) Loại gàu có cột dây 2 bên có 2 người cầm tát

(4) Loại gàu có cáng, treo bằng 3 cọc, do một người tát

(5) Bông lúa non chưa trổ ra

(6) Vòng hái dùng gặt lúa ngày xưa, bằng loại cây quau nhẹ, hình cùi chỏ, một đầu làm cán cầm, đầu kia để quở lúa, có tra lưỡi liềm để cắt.