Đặng Thị Thanh Phương qua thiên phóng sự “Bức tranh thành thị”

Nguyễn Văn Sâm

Lời Vào Đề:

Tình cờ thấy cuốn Bức Tranh Thành Thị của tác giả Đặng Thị Thanh Phương, giấy phép năm 1949, in năm 1950, bèn đọc ngấu nghiến và thấy mình ngày trước thiếu sót khi viết cuốn Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam, Kỷ Nguyên Saigòn, 1969, đã không biết có cuốn nầy nên loại bỏ tác giả Đặng Thị Thanh Phương không giới thiệu vì cho rằng những truyện dài kia của bà không đạt, và không thấy phần đóng góp trong xu hướng văn chương nổi bật của Miền Nam thời đó.

Tranh đấu chống Pháp có mặt trực diện là hầu hết những tác giả đã được tôi nói đến trong cuốn sách đầu tay của mình. Nhưng tranh đấu bàng diện cũng nên được nói tới, đó là những tác giả như Đặng Thị Thanh Phương, Nhất Tâm Nguyễn Bá Thế và những nhà văn nhà thơ có tác phẩm xuất hiện trong các tạp chí Thế Giới, Việt Báo, chẳng hạn như Vũ Hầu, Ái Lan và những tác giả in được chỉ 1 tập thơ và không có điều kiện sinh hoạt văn nghệ với những tạp chí hay nhựt báo thời đó như Phạm Từ Quyên, Ngụy Văn Thông, Vĩnh Sanh, Nhiêu Ân, Trúc Chi, Thanh Nhã… Chỉ in một thi tập nên tên tuổi ít được biết tới. Thiệt là bất công nếu chúng ta bỏ qua những tên được kể trên khi nghiên cứu về nền Văn Chương Nam Bộ 1949-50. Bài viết sau đây như một bổ khuyết cần thiết và cũng gián tiếp trả lời một câu hỏi từ một nhà giáo nghiên cứu văn học rằng có thêm tác giả nào nữa cho những tên tuổi đã được nhắc đến trong cuốn Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam hay không?

Tác giả ĐTTP có tác phẩm năm 1950, trẻ nhứt lúc đó nữ sĩ cũng đã hai mươi, nghĩ là bà sanh khoảng 1920-1930, vì thế cho nên những năm cuối thế kỷ trước ta còn thấy tên ĐTTP xuất hiện trên vài tạp chí ở Âu Châu và Canada. (Nếu hai ĐTTP xuất hiện ở VN ngày trước và ngoại quốc gần đây là một!).

Mong nhận được chi tiết về tiểu sử của bà ĐTTP qua con cháu của bà. Xin coi email ở cuối bài.

Giờ xin giới thiệu Bức Tranh Thành Thị.

Tác giả chỉ muốn cuốn sách của mình như tập hợp những bài phóng sự ngắn vẽ các cảnh đời bất hạnh bằng các chấm phá về đời sống đô thành Sàigòn vào thời gian đặc biệt những năm 1948-1949. Bà không bận tâm viết những truyện ngắn bằng hư cấu dầu là nho nhỏ, hoặc tả cảnh vật, tâm trạng của nhân vật, hay tổng kết lại thành một cuốn truyện dài, mà chỉ vẽ phác, đơn sơ vài ba nét bằng lời văn thiệt sự ngoài đời, không trau chuốt, miễn diễn tả được điều bà muốn đưa ra cho người đọc: Sàigòn còn quá nhiều người nghèo khổ, Sàigòn cũng đương ẩn hiện những vọng hướng ngoài xa xăm kia.

Cuốn sách gồm mười ba mẩu chuyện nhỏ với lời nói đầu và một bài tổng kết cho thấy bà xót ruột vì cái Sàigòn hoa lệ bề ngoài, cái gọi là hòn ngọc Viễn Đông kia cũng là chỗ chứa những cảnh đời đáng thương.

Tựa

Nắng rực rỡ lắm, xe pháo ồn áo trong các ngả đường của thành phố. Người qua lại trên các vỉa hè đông như hội. Thật là tấp nập!

Tất cả một họa phẩm đầy đủ màu sắc linh động trước mắt tôi, gió thổi, bụi của chốn thị thành vùng bay lộn lên, quyện vào nhịp bước của giai nhân, một màu trắng nhẹ như tơ.

Biết bao duyên dáng, thành thị như cô gái làm đỏm, luôn luôn khoe bộ mặt niềm nở chờ đón tất cả mọi người, tất cả khách của tứ phương.

Nhưng sau bức tranh hỗn độn màu sắc ấy, vẫn luôn luôn có một khung cảnh thật của đời sống thị thành.

Cái khung cảnh thật ấy đã luôn luôn làm cho chúng ta phải nghĩ ngợi, dù chỉ thoáng qua trong một phút. Nhưng tất cả những cảnh sống ô hợp, thiếu thốn và giả dối ở đây đã làm cho chúng ta có lẽ không bao giờ quên được cái khoảng tối tăm của xã hội.

Và, biết bao nhiêu nghẹn ngào khi chúng ta thấy rằng chung quanh chúng ta, mọi người còn đang quằn quại đang ngoi ngóp trong cái bóng tối chôn vùi của xã hội ấy.

… Nhưng rồi, giữa chúng ta, ai cũng như ai, chỉ đành lặng lẽ thở dài, hầu như chôn sâu những đắng cay ấy ở một đáy lòng…

Thanh Phương

1. Một tà áo màu. Cuộc nói chuyện giữa hai người bạn. Một có lẽ là tác giả, một là nữ tư chức lương công nhựt thiếu thốn, tiền lương thường chỉ đủ xây xài lây lất tới 20 tây, những ngày cuối tháng phải vay mượn hay cầm cố món gì đó mong có chút tiền giải quyết cấp thời. Người đọc không thấy chồng chị đâu, chỉ thấy đứa con nhỏ chừng 5 tuổi, mẹ nó khi đi làm phải đem gởi cho hàng xóm dầu nó đương rất buồn ngủ. Chuyện thương tâm và trái nghịch là người phụ nữ tư chức kia khổ như vậy nhưng khi đi tới sở phải có chút phấn son, có cái áo dài cho tươm tất. Và tác giả nói lên tâm trạng mình: Dưới con gió Hè, tà áo của Liên bay lên một cách nhẹ nhàng khả ái. Tôi chợt nhớ đến những tà áo màu mà thường ngày tôi vẫn gặp nhan nhản trong thành phố. Thốt nhiên tôi thở dài: Phải, biết đâu những tà áo màu đẹp đẽ ấy và những bộ mặt phấn son duyên dáng ấy chả đang che đậy cho một cuộc đời cần lao thiếu thốn?!! (trang 12)

2. Chiếc nhẫn cuối cùng. Khanh, với vai tác giả, tiếp người bạn gái nghèo, đến than thở vì con và mẹ bịnh mà không có tiền lo thuốc men, lại không được nghỉ làm để chăm sóc. Cuối cùng người bạn đưa cho Khanh chiếc nhẫn vàng - chắc là kỷ vật ngày cưới - nhờ bán giùm, Khanh nói như vậy thì phụ lòng người đương ở xa. Cách nói ưỡm ờ bóng gió của hai người hé cho người đọc chúng ta biết người ở xa đó là người đương ở trong bưng, đương chiến đấu chống Pháp. Viết ngắn nhưng hé lộ nhiều, phù hợp với khuynh hướng văn chương chung lúc đó. Đoạn tiêu biểu nhứt trong truyện:

…. Chị có biết ai mua , bán giùm tôi.

Lòng se lại, tôi gạt tay bạn.

- Biết người ở phương xa sống hay chết mà nỡ hủy bỏ một kỷ niệm duy nhất ấy?

Mắt rướm lệ, Khanh đứng dậy lảo đảo nàng nói qua gượng thổn thức:

- Chính vì nghĩ đến người ở phương xa cho nên tôi vẫn cố gắng… tôi vẫn tìm an ủi ở một ngày mai sum họp, nhưng quả thật tôi đã chán ghét cái cảnh sống giả dối và bóc lột ở chốn phồn hoa nầy lắm rồi. (trang 15)

3. Sen trên vũng bùn. Cũng là cảnh nghèo của một người đàn bà phải chật vật, bương chải buôn bán nhỏ để nuôi con nhưng bị đuổi xô, bị trời mưa sách tập giấy bút học trò món hàng chị bán bị ướt, hết vốn. Cũng như bài trên, tác giá hé lộ cho thấy người đàn bà đó đáng kính vì: Nếu trước kia chị cũng như những người đàn bà tầm thường khác quên đi tất cả những hành vi cao cả của một người chồng đã chết vì nghĩa vụ chị bước đi một bước nữa trong lúc tuổi còn xuân thì bây giờ chắc chị đã ở địa vị một người trưởng giả như các bạn của chị rồi… (trang 20)

4. Vì một người con. Về chuyện một người đàn bà nghèo sống bằng nghề làm tua ren khăn trải bàn. Giá công bèo, bà sống khó khăn nhưng sống để kiếm tiền gởi ra ngoài kia cho con. Con bà là ai? Hình tượng người con độc giả sẽ hiểu qua lời đối thoại của bà ấy với tác giả.

- Một mình tôi thì chả cần, nhưng vì tôi cũng muốn cố gắng làm lấy chút tiền, cốt ý để dành lâu lâu có dịp thuận tiện gửi cho con tôi; thế thôi.

Câu nói của bà chợt nhắc tôi nhớ tới người con trai duy nhứt của bà đã xa nhà từ mấy năm nay…

… Khi bà tiển tôi ra cửa, tôi hỏi vói lại một câu:

- Bà sống như thế này có khổ không nhỉ?

Nhưng bà tươi nét mặt, vuốt những sợi tóc đã đốm sương và đáp:

- Kể thì cũng cực nhưng không mấy buồn vì tôi còn mong đến ngày về của con!... (trang 25)

5. Một buổi trưa Hè. Một người đàn bà nghèo đi bán cà lem cây dạo, mỗi trưa phải ghé lại một chỗ kín đáo trong công viên để cho con bú, đứa nhỏ do chị nó ẵm ra. Ngày nào cũng vậy khiến tác giả để ý theo dõi và nói chuyện để tìm hiểu. Ba mẹ con sống sao đủ với tiền lời bán dạo như vậy nên rất cực khổ. chị khổ nhưng khi nghe hỏi đến người chồng thì chị tủm tỉm cười, ngập ngừng nhưng sung sướng. Cũng là cách dựng truyện như toàn thể cuốn sách, ĐTTP giới thiệu gián tiếp về người chồng của thiếu phụ bán cà lem dạo nầy.

…Anh ấy có việc gấp phải đi xa… Vì bây giờ vắng anh ấy nên tôi phải gần những đứa nhỏ nầy nhiều hơn!...

Tôi đứng ngây người như để lắng nghe cho hết câu nói tuy mộc mạc nhưng có lẽ lo cả một niềm âu yếm và ý nghĩa thốt ra ở miệng một người đàn bà nghèo khổ mà cao quý của đất Việt! (trang 32)

6. Những giọt mồ hôi. Một người đàn bà phụ hồ nghèo, chồng làm thợ điện bị điện giựt chết, nhà bị đuổi, tới xin mượn người thầu khoán chút tiền thì bị từ chối. Chị ta đi ra cửa kéo cái khăn rằn lên lau mặt, tác giả thú nhận là mình không biết chị ta lau mồ hôi hay lau nước mắt tủi nhục của thân phận.

Thoáng nhìn, tôi nhận thấy nét mặt chị đượm một vẻ đắng cay vô cùng. Chị rút chiếc khăn rằng xuống lau lia lịa lên mặt. Tôi không hiểu chị lau những giọt mồ hôi lao khổ hay là những giọt nước mắt tủi cực khóc một cuộc đời tăm tối khốn khổ mà luôn luôn bị tất cả mọi người bỏ quên!... (trang 37)

7. Tiếng sáo trúc. Cặp vợ chồng nghèo sống bằng nghề thổi sáo và hát dạo ở các tiệm ăn. Thực khách thường chẳng buồn nghe. Tiếng sáo ai oán, tiếng ca thê lương bay vô hư không. Và rồi hai năm sau người đàn ông xuống cấp hơn, không còn người vợ đi theo mà phải ôm đứa con nhỏ, tiếng sáo anh trở thàmh tiếng sáo thổi lên để cám ơn ai đó bố thí cho mình vì giọng ca bên đời anh đã không còn. Câu chuyện phơi bày nỗi cơ cực của người đàn ông kia nhưng cũng cho thấy tình cha con cao trọng mà tác giả chỉ phớt qua bằng một vài ba câu đối thoại.

Lúc vợ tôi mới chết, nó còn nhỏ quá nên tôi phải đem cho nhà mồ côi nuôi… nhưng sau vì thương mẹ nó quá, tôi phải xin nó ra để nuôi lấy! Nghèo đói quá nhưng tôi chắc rằng tôi không thể xa nó được.

Bây giờ không thể kiếm ăn bằng nghề thổi sáo này nữa, tôi đành phải đi hành khất… tuy tôi cũng biết như thế này là nhục nhã lắm!... (trang 43)

8. Đứa bé đánh giày. Cuộc đời một đứa bé đánh giày. Vì sao nó phải ra thân như vậy? Cha nó bị bố bắt. Người ta không cho nó mướn nhà nữa, nó không có thân nhơn nên phải kiếm cách tự sống. Cuối truyện tác giả thán:

Đêm hôm ấy trời mưa to quá, gió ở đâu vứt lên từng cơn lạnh buốt. Thốt nhiên, nhìn mưa rơi, tôi chợt nhớ tới những đứa trẻ ‘đầu đường xó chợ’ ấy, không biết chúng đã ẩn núp ở đâu một đêm mưa lạnh lẽo như đêm nay? Và những tấm thân nhỏ bé ấy, những linh hồn cô đơn ấy, không biết chúng có thèm thuồng một cảnh êm đềm dưới một cái nhà ấm áp không? (trang 50)

9. Gánh cỏ xanh. Cảnh đời nghèo của một đứa nhỏ mồ côi, kiếm sống bằng cách cắt cỏ bán cho người đánh xe ngựa nhưng nó cũng chật vật và phải tranh đấu nhiều vì rất khó kiếm chỗ có cỏ để cắt. Xin trích vài ba câu cuối truyện. Cách nói chuyện của thằng nhỏ và tiếng ‘tụi’ nó xài, để thay tiếng mầy nhưng có vẻ thân thương nhiều, gần 80 năm nay tôi, NVS, mới thấy lại.

-Vậy nhà em không có ai à?

Nó nói một cách uể oải:

- Hổng ai hết, mình tui ở đậu với người ta!

- Cha mẹ em đâu?

Nó đáp một cách cộc lốc:

- Chết hết rồi!

Ngồi một lát, nó giận dũi đứng dậy, nói một mình:

- Thứ cỏ hoang đó mà, xin vô cắt dùm cho sạch cũng làm phách, Phải họ chịu, họ có sân bảnh mà mình cũng có tiền xài phải sướng hông?

Và nó nhăn mặt, xoa vào chỗ tay bị đứt, nói một câu rất ý nhị:

- Đừng hành nữa nhe tụi, bộ tính hổng cho người ta đi kiếm cơm sao? (trang 55)

10. Một tối mưa. Chuyện về mấy đứa nhỏ đêm mưa đi bắt cóc bán để kiếm tiền cơm cho ngày mai. Đời nghèo khổ, được một con cóc thì mừng quính, nghĩ tới niềm vui bán lấy tiền hay nấu cháu ăn đỡ đói dễ ngủ để sáng mai còn đi lục thùng rác kiếm lon sữa bò bán kiếm tiền sống qua ngày. Vẫn theo kỹ thuật cũ, bà ĐTTP cuối truyện đưa dòng suy nghĩ của mình đi xa.

- Ê bây, về bán “đại” món nầy đặng mai còn thức sớm đi mò lon sữa bò chớ?

Đứa khác đáp:

- Đói quá xá, ngủ gì nổi! Đi kiếm gạo nấu cháo ăn đi!...

Những tiếng nói chuyện nhỏ dần, chúng đã đi cách xa tôi hàng chục thước. Tôi ngơ ngẩn đứng nhìn theo những chấm lửa đỏ mỗi lúc một khuất dần,…

Mưa vẫn đều đều, từng giọt theo mái nhà rơi xuống thềm gạch ti tách, đằng xa, trong khoảng tối tăm của một đêm mưa dầm, nào ai có biết đâu, đang có những đứa trẻ bơ vơ, không nhà cửa không kẻ thân thuộc sống bằng tất cả những sinh kế kỳ lạ của xã hội!... (trang 61)

11. Dưới cột đèn đêm. Ba mẹ con nghèo không có chỗ ngủ, bị ông trật tự đuổi đá vì đã làm xấu thành phố.

Bên ngoài thành phố, những chiếc xe lộng lẫy, vẫn thi nhau lăn bánh trên giải đường thênh thang, và gần đây, những quán rượu vẫn tưng bừng trong tiếng cười đùa của dạ khách, và trên những từng lầu cao, từ bao khung cửa sổ vẫn tỏa ánh đèn ấm áp…

Ngoài trời, đêm mỗi lúc một yên lặng, nhưng trong tĩnh mịch của đêm thành thị ấy, vẫn còn bao nhiêu những tiếng thổn thức của đám dân đầu đường xó chợ mà cuộc đời của họ luôn luôn bị đè nén giữa bao nhiêu gọng kềm của xã hội… (trang 65)

12. Những chiều thành thị. Tác giả luận về hai đoàn người buổi chiều ở thành phố, một khốn khổ mệt mỏi đi mau ra ngoại ô về nhà sau một ngày mệt nhọc làm việc, một sung sướng nhởn nhơ đi vô thành phố để hưởng nhưng thú vui về đêm.

13. Những chùm me. Những đứa nhỏ hái me, bị bồi trong căn biệt thự gần đó ra đuổi đánh, đạp nát hết những chiến lợi phẩm của chúng…

Bỗng cùng lúc ấy, cánh cổng một tòa biệt thự vụt mở toang, và nhanh như chớp, một bác bồi ở trong nhà chạy ra; bác cầm ở tay một chiếc roi đánh ngựa, nhẩy bổ vào đám trẻ khốn nạn ấy, vừa quất, vừa chửi rủa om xòm.

Trong lúc bất ngờ, lũ trẻ hoảng hốt xô nhau chạy tản mác, bỏ lại ở giữa đàng những chùm me mà chúng đã giành giựt với nhau ban nãy.

Đuổi bọn trẻ xong bác bồi trở về chỗ cũ và giận dữ lấy chân giẫm nát lên những chùm me nõn nà và hầm hừ một lát rồi quay trở vào… (trang 71)

14. Và đây, một nét phác cuối cùng. Tác giả nhắc là hai cảnh đời đã viết ở trên.

Nhìn chung ĐTTP vẻ phác bộ mặt tạo nên điểm đen u ám của đô thành Sàigòn năm 1948, 1949. Họ là những phụ nữ nghèo, những em bé đánh giày, mấy đứa trẻ ăn xin nơi nhà hàng kiếm chút cơm dư canh cặn, người bán cà lem cây, thiếm bán giấy mực, mấy đứa nhỏ hái me, thằng nhỏ cắt cỏ, mấy em nhỏ dầm mưa bắt cóc nhái, người thổi sáo ở các quán ăn, thiếu phụ làm tua ren khăn bàn… Tất cả đều khổ sở vì tiền kiếm được không đủ ăn cho gia đình nhỏ của họ. Có nhiều nguyên nhơn để họ lâm vô tình cảnh đó, tụi nhỏ thì do cha mẹ chết, không nơi nương dựa, đàn bà thì chồng đã quá cố hay đương đi làm nghĩa vụ thiêng liêng. Điều đặc biệt là tất cả đều lăn xả ra ngoài đời tìm cách sống, tuy khó khăn nhưng lương thiện. Người có con hay chồng vắng mặt có lý do chánh đáng thì lòng hãnh diện dâng tràn khi có ai nhắc tới nhắc tới những người ở phương xa đó. Nói chung họ nghèo khổ do hoàn cảnh, nhưng nhân vật của ĐTTP đều có thiên lương, họ than thở nhưng an phận thủ thường, không chưởi trời trách đất cũng không nghĩ cách tranh đoạt của ai để thoát nghèo. Ta không thấy chuyện lường gạt, cướp giật, giết chóc ở đây. Cũng không thấy chánh quyền làng xã địa phương ậm oẹ, chèn ép. Xã hội thời Pháp thuộc, mặc dầu chiến tranh lảng vảng mà thanh bình cách gì, chẳng thấy bất công lớn, không nghe chuyện bị tước đoạt toàn bộ gia tài bằng những cơ chế, cũng chẳng có ai bị giam tù hơn một thập niên do phát biểu về cái xấu của người cầm quyền. Cũng chẳng có ai bị người của chánh quyền quyết đánh cho mầy bị bịnh hậu hay phải tự tử… Cuốn sách đáng coi vì được viết ra từ quan sát và từ thâm tâm của tác giả, không phải từ sự đặt hàng tuyên truyền như những cuốn sách xuất hiện do nhu cầu giai đoạn, in năm 1945, 1946 ở Hà Nội của Hội Văn Hóa Cứu Quốc ngày trước.

Tôi không cho sự mô tả trong tác phẩm của Đặng Thị thanh Phương là tả chân xã hội gì gì hết. Đó là những chấm phá về cuộc đời từ những cái có thiệt. Có thể người đọc ngày nay không thấy hứng thứ vì nó chơn chất quá. Nhưng đó là ý hướng viết của tác giả. Một vài truyện ngắn của Lý Văn Sâm cũng nói về cảnh nghèo của Sàigòn, như Ngoài Mưa Lạnh, Oan Gia, Thèm Một Ngọn Đèn… nhưng đã dùng sự kiện thấy được ngoài đời để nhào nặn thành những tác phẩm văn chương. Hai người hai con đường khác nhau. Một bên là chất liệu thô, một bên đã pha chế thành phẩm. Không có sự hay dở khi so sánh, chỉ có ý thích của người đọc để đánh giá theo chủ quan nhưng cả hai đều có khuynh hướng phơi bày một mặt gì đó bất toàn của xã hội. Dầu sao, nói về sự dám viết, dám phô bày sự bất cập, những tác giả thời nầy nói chung và ĐTTP nói riêng đều dám viết…

Tôi cho là cũng đáng đọc để suy nghĩ đoạn văn sau của Phan Tấn Hải có liên hệ chút ít với cuốn sách của bà ĐTTP:

Truyện Kiều kể về cuộc đời một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, thông minh, đa cảm nhưng đã bị một xã hội vô luân vùi dập xuống bùn đen. Kiều phải tự bán mình để lấy tiền cứu cha mẹ, đi làm đĩ để giữ mạng sống, bị trao qua đổi lại như một món đồ chơi trong tay bọn quan lại và lũ “đại gia”. Chuyện ấy có xa lạ gì với xã hội chúng ta đang sống không? Không, tuyệt nhiên không. Ngày xưa chỉ có một Thúy Kiều, ngày nay là hàng ngàn hàng vạn. Thúy Kiều ở khắp nơi, Thúy Kiều kêu khóc trên mọi miền của đất nước chúng ta.

Cái xã hội mà Kiều sống, với “Người nách thước kẻ tay đao/ Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi”, với “Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh”, với “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” với “Có ba trăm lạng việc này mới xong”; cái xã hội ấy thì có khác gì chốn ta đang sống đây, nếu có khác thì chẳng qua thời của Nguyễn chỉ một hai còn bây giờ thì nhan nhản, phủ kín mặt đất này. Có gì không phải mua bán chạy chọt, có gì không phải “trà nước, lót tay”; những nỗi oan khốc cứ từ trời giáng xuống, bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu phận người bị vứt ra lề đường…

Hãy lấy chính cuộc sống của các em học sinh, cuộc sống của cha mẹ các em, của gia đình các em, xóm giềng các em mà giúp chúng nhìn lại. Quay quắt, bơ phờ, đầu tắt mặt tối, bị móc túi, bị hà hiếp, bị bịt mồm; lo chạy cửa trên cửa dưới, lo đút cửa trong cửa ngoài… Rồi hãy giúp chúng hình dung ra tương lai cuộc đời đời chúng ở ngày mai khi phải sống trong một xã hội giả trá, hư ngụy, một xã hội vì tiền mà tán tận lương tâm, một xã hội dùng quyền mà hà hiếp đày đọa con người. Đó, đó chính là Truyện Kiều đó. Trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ chất liệu sinh động để minh họa cho văn học lại giàu có như thời đại chúng ta đang sống đâu, đừng lãng phí nó.

(Trích lại từ Phan Tấn Hải, bài ngày 20/7/21. Việt Báo online.)

Tóm lại, đọc cuốn phóng sự Bức Tranh Thành Thị của Đặng Thị Thanh Phương, 1950, ta đắng lòng, nhưng đọc sự phân tích của Phan Tấn Hải về thời đại của Kiều ngày xưa và hoàn cảnh của các em học sinh ngày nay thì ta không những đắng lòng còn phải giơ tay lên than: Thua! Hết biết! Bó Tay! Nghĩa là tan nát cõi lòng luôn.

Vài giải thích cần thiết.

Ngày nay người thế hệ sau 1954 ít biết hay không biết về nhiều điều nói đến trong tác phẩm:

1. Bố: Nhà cầm quyền Pháp thỉnh thoảng bố ráp một khu nào đó lùa hết đàn ông từ 18 tuổi trở lên về một địa điểm, chẳng hạn như sân trường học rồi cho một hai bao bố - người đã hoạt động và bị bắt từ trước, đầu bị trùm bằng cái bao bố, chỉ chừa ra hai mắt, nhìn mặt. Hễ ai bị bao bố gật đầu thì người nó bị coi là trước đây có liên hệ với bao bố, sẽ bị bắt để điều tra. Đời của người đó khổ từ đấy. Chuyện nầy xảy ra không biết bao nhiêu là oan ức vì bao bố sẽ bị đòn nếu không gật đầu người nào trong lần bố ráp đó nên thường gật đại gật đùa ai đócho có. Chuyện về bao bố thấy nhiều của văn chương thời nầy.

2. Kiếm lon sữa bò: Thời đó người mua ve chai thâu mua lon sữa bò đem về bán cho cắc chú. Họ lột giấy nhãn các hiệu sữa cao giá ra như sữa Con Chim Nestlé, sữa Trái Núi để dành bán lại cho người ta đem về thay nhãn những loại sữa rẻ tiền hơn, không có nhiều giá trị thương mãi để bán ra cho người tiêu thụ. Cái lon sữa bò được bán cho tiệm làm chao, hồi đó chao bán ra được đựng trong lon sữa bò.

3. Cầm đồ: Tiệm cầm đồ bình dân, cầm bất cứ món gì họ thấy sau nầy bán ra được nếu chủ không chuộc. Cầm đồ mỗi tháng tiền lời là 10%. Quá ba tháng không chuộc thì kể như mất đồ cầm, nếu không tới đổi giấy. Đổi giấy là đóng tiền lời ba tháng, như vậy thì coi như mới cầm, đồ không bị mất có thể chuộc ra được. Nhiều người nghèo làm như vậy nhiều lần nhưng vẫn kiếm không được tiền chuộc được đành để mất đồ mà mình quí hay tiếc của vì trước đó cầm thấp giá.

4. Hái me: Sàigòn lúc đó có một khu rộng gần Sở Thú, quá bịnh viện Đồn Đất ngày nay có một khu cây trên lề đường người Pháp trồng toàn me, thập niên 50 đã trở thành cổ thụ, nhiều người leo lên hái bán cũng kiếm được chút đỉnh. Dĩ nhiên là thỉnh thoảng cũng có tai nạn do trợt tay trợt chưn hay do nhánh khô gãy khi bị leo trèo.

5. Đất Hộ: Tức vùng ĐaKao ngày nay. Đường M: Nghĩ là đường Mitch cũ, ở trong vùng có nhiều cây me nói trên.

Phụ lục: Chuyện số X – MỘT TỐI MƯA

Ngoài ý nghĩa nội dung, bài văn còn đáng chú ý ở phần hình thức với những chữ dùng của mấy đứa nhỏ mà tác giả ĐTTP đã ghi lại trung thực như chữ đại, chữ lợi, chữ hỏng, chữ ăn thua giống gì, chữ chớ bao nhiêu… (NVS)

Trời đã bắt đầu tối hẳn, nhưng mưa vẫn chưa dứt cơn; thỉnh thoảng một luồng gió vút lên, đưa theo từng loạt nước mưa lún phún hắt vào nhà. Xa xa, bắt đầu vẳng lại những tiếng rền rỉ của loài ễnh ương. Ngoài đường, vắng bóng người qua lại, có chăng chỉ vài người đi xe đạp, chùm áo mưa tùm hụp, đạp vội vàng cho mau về đến nhà.

Tất cả cảnh vật như sợ giọt mưa đêm, ngại ngùng nép vào nhau. Vài gian nhà gần đấy, đã khép chặt đôi cánh cửa như để ngăn ngừa gió lạnh đừng lùa vào giữa những khung cảnh sum họp êm đềm của gia đình họ!

Bỗng từ đằng xa, thấp thoáng bốn, năm chấm lửa đỏ chập chờn đi tới, lúc ngừng lại, lúc tiến lên, tạt qua bên này một chút rồi lại khuất đi một chút để một phút sau mới lại hiện ra. Chúng ẩn hiện như con ma trơi. Nhưng một lát sau, khi những chấm lửa ấy tới gần, tôi mới nhận thực, thì ra đấy là một đám bốn, năm đứa nhỏ xách đèn đi bắt cóc.

Chúng đi lặng lẽ, vào những tối mưa dầm, đứa nào cũng cầm theo một chiếc đèn gió. Thỉnh thoảng chúng ngừng lại, soi đèn vào những hóc cây hoặc những lùm cỏ rậm rạp. Chúng có vẻ hình như luôn luôn rình rập những mô đất, những khoảng đường mà chúng vừa đi qua. Một vài đứa trong bọn đội trên đầu những chiếc nón lá rách bươm, có đứa để đầu bù xù như sẵn sàng hứng nước mưa, áo cũng tả tơi và cũn cỡn.

Chúng đeo cạnh sườn một chiếc giỏ nhỏ xíu kín miệng để đựng cóc. Vừa đi vừa vồ cóc, có khi nhằm chỗ có vũng nước, chúng nó cũng không từ, lội bì bõm, cần mò theo những nơi có tiếng ương ợp của cóc nhái. Mưa vẫn rơi và những giọt nước ấy lặng lẽ thấm vào mình chúng, có đứa yếu chịu lạnh, đã bắt đầu run, nó thu một tay qua ngực và lom khom đi cạnh các bạn nó. Chúng đi tản mát ra xa, lúc xúm lại gần nhau. Tò mò, tôi cũng đi theo bước chúng; thấy có bóng người lạ, một đứa trong bọn quay lại nhìn tôi.

Đi độ vài bước, một đứa nhỏ nhứt vồ được một con cóc lớn, thằng nhỏ toan bỏ cóc vào giỏ bỗng hoảng hốt la:

- Ý, nó cắn đau quá mấy anh ơi!

Rồi nó dẫy lia lịa cánh tay.

Mấy đứa lớn quay cả lại, cùng hùa nhau đuổi theo con cóc đang nhủi vào bãi cỏ rậm, một đứa lên tiếng rầy thằng nhỏ:

- Đồ ngu như mọi! Vậy mà cũng đòi đi theo. Rồi sẵn tay nó đánh bừa lên đầu thằng nhỏ; thấy vậy, tôi vội ngăn nó:

- Nó nhỏ, đánh vậy tội quá em!

Thằng lớn nhìn tôi, rồi quay sang mắng thằng nhỏ:

- Ai biểu mầy tham ăn, bửa nào cũng than đói. Rồi đi bắt cóc thì nhát nhũng, mà ăn thì ăn quá trời. Thằng nhỏ bị đòn, ôm đầu mếu máo:

- Mấy anh đánh tôi hoài!!! Cho tôi ăn chút xíu ít bữa má tôi về, tôi kiếm thứ gì tôi cho lại.

- Thôi mầy, mê ăn thấy trời mà ai chịu nổi! Má mầy đi ở đợ với người ta mà dư nổi giống gì đặng cho mầy?

Một đứa nhỏ khác xen vào:

- Sao mầy không theo má mầy đi ở dưới người ta?

Thằng nhỏ bị hắt hủi thút thít vừa đi vừa khóc. Tôi kéo tay nó hỏi nhỏ:

- Sao em không ở với má em?

Nó không buồn nhìn tôi, vừa quệt nước mắt vào cánh tay:

- Dạ người ta chê tôi nhỏ “hổng” làm được “giống” gì, mà ăn cơm hao quá, “hổng” thèm nuôi!

- Thế mấy đứa kia làm nghề gì?

- Tụi nó sáng đi mò thùng rác, đêm nào mưa tụi nó đi bắt cóc bán “lợi” cho người ta!

Tôi chụp hỏi:

- Bán cóc à? Bán cho ai em?

Một đứa đứng gần đấy, thoáng nghe thấy, làm vẻ “dạy đời”:

- Bán cho người ta mua về nấu cháo ăn chớ ai! Ăn cóc còn hiền hơn mấy thứ khác nữa a!

- Mấy em bán bao nhiêu một con?

Nó đáp cộc lốc:

- Ba cắc chớ bao nhiêu!

Vừa nói chuyện với tôi chúng nó vừa chạy theo vồ lũ cóc dơ dáy ấy; báo hại tôi cứ phải chạy theo hoài. Đứa nầy đi xa hơn thì tôi nói đứa kia:

- Bán vậy ăn thua gì em?

Thằng nhỏ nầy có vẻ “hiền lành” hơn, nó đáp:

- Vậy cũng còn hơn đi mò đồ bỏ ở thùng rác a!

- Thế còn những tối không mưa, mấy em làm gì?

- Thì đi tới mấy rạp hát ở T.Đ mà xin bạc cắc!

- Mấy em ở đâu mà tối đi ra ngoài ấy, xa vậy mà sao về kịp?

Nó vừa bỏ con cóc nhỏ vào giỏ xong, liền đứng thẳng người lên đáp tôi bằng một giọng chán nản?

- Ôi! Khỉ khô gì nhà cửa, trễ thì ngủ bậy ngoài hiên chợ Hộ ấy!

Nó lắc lắc chiếc giỏ, nghiêng đầu có ý nghe ngóng xong thò tay vô miệng giỏ, mò mẫm một lúc, nó túm cổ một con cóc lớn nhất lôi ra. Con vật dẫy dụa trong bàn tay nó. Như bằng lòng lắm, nó cười một cách sung sướng:

- Mập dữ ta để dành nấu cháo ăn chơi!

- Sao em nói không có nhà cửa thì làm chỗ nấu cháo?

- Nấu đại ngoài chợ ấy. Kiếm bậy nó cái chi nấu mà không được.

Rồi nó đi lại chỗ cột đèn sáng hơn, ghé mắt nhìn vào trong chiếc giỏ nói một mình:

- Khá rồi ta! Rồi nó nhìn ra phía bọn nhỏ kia mà kêu lớn lên:

- Ơ… ờ…! Về bây ơi!...

Mấy đứa kia nghe tiếng đằng này, lần lượt đứa trước, đứa sau về chỗ cột đèn: một vài đứa còn cố ý tiếc muốn bắt thêm, nhưng rồi chúng cũng đành đi theo cả bọn để về.

Trời vẫn lấm tấm mưa, có lẽ quần áo của chúng cũng đã ướt cả và hình nước mưa đã thấm vào da thịt chúng. Một đứa lên tiếng dục:

- Đi mau lên bây, lạnh quá nổi ốc cùng mình đây!

Rồi cả bọn ríu ríu đi sát nhau. Tôi lững thững theo sau, bỗng một đứa lên tiếng:

- Ê bây, về bán “đại” món nầy đặng mai còn thức sớm đi mò lon sữa bò chớ?

Đứa khác đáp:

- Đói quá xá, ngủ gì nổi! Đi kiếm gạo nấu cháo ăn đi!...

Những tiếng nói chuyện nhỏ dần, chúng đã đi cách xa tôi hàng chục thước. Tôi ngơ ngẩn đứng nhìn theo những chấm lửa đỏ mỗi lúc một khuất dần…

Mưa vẫn đều đều, từng giọt theo mái nhà rơi xuống thềm gạch ti tách, đằng xa, trong khoảng tối tăm của một đêm mưa dầm, nào ai có biết đâu, đang có những đứa trẻ bơ vơ, không nhà cửa không kẻ thân thuộc sống bằng tất cả những sinh kế kỳ lạ của xã hội!...