Đọc “Truyện Kiều ở Nam Bộ” của Nguyễn Thanh Phong

Bản thảo cuốn Truyện Kiều ở Nam Bộ đến với tôi trong những ngày gần sang năm 2020 của một học giả trẻ miền đồng bằng Sông Cửu Long mà mới đọc phớt qua tôi đã cảm thông cái tấm lòng yêu mến Truyện Kiều và sự tha thiết của tác giả trong sự tìm hiểu văn hóa nơi mình sanh trưởng.

Yêu mến Truyện Kiều nên tác giả cất công tìm tòi, sưu tập, giải thích về những phó phẩm của tác phẩm vĩ đại nầy.

Tha thiết với văn hóa nơi sanh trưởng, có thể hình thành trong quá trình sưu tập và khảo sát những phó phẩm trên, nên tác giả đã nhìn thấy nguyên nhân hình thành những phó phẩm của Kiều. Hai yếu tố nầy tạo nên sự thành công và vóc dáng đặc biệt của quyển sách.

Nghiên cứu về Kiều xưa nay sách vở phong phú như lá rừng, bài viết thành kho, đủ khía cạnh, đủ vấn đề từ nội dung đến hình thức, từ triết lý trừu tượng đến con đường lưu lạc cụ thể của nàng Kiều bất hạnh.

Nhưng chưa học giả nào đặt thành một vấn đề lớn như: Người dân Nam Bộ có yêu thích truyện Kiều không? Và họ muốn thưởng thức tác phẩm ấy như thế nào? Dĩ nhiên là có yêu thích nên mới có những bản Nôm Kiều của nhóm Duy Minh Thị được gởi khắc ván nhiều lần tận bên Phật Trấn, Quảng Đông; mới có bản Kiều quốc ngữ đầu tiên của Trương Vĩnh Ký in ở Sài Gòn từ những năm người Pháp mới tới Việt Nam.

Yêu nên muốn đồng hóa nhân vật thành người của vùng đất mình. Quan sát những hình ảnh minh họa trong quyển sách của Trương Vĩnh Ký ta thấy ngay ý hướng đó. Tất cả nhân vật trong truyện đều là người Việt và ăn mặc theo cung cách của dân miền Nam. Họ yêu thích nên không muốn Kiều là một phụ nữ thời nhà Minh bên Tàu mà là một người con gái Việt Nam. Họ yêu thích nên muốn cải biên các kiểu để độc giả Truyện Kiều được nhiều hơn.

Yêu thích nhưng người Nam Bộ vẫn muốn thưởng thức Truyện Kiều theo cách thế đặc biệt của mình là tạo ra những phó phẩm. Phó phẩm là viết lại theo cách Nam Kỳ với lời văn đơn giản và chữ dùng của người bản địa. Phó sản là cải biên theo những thể loại văn nghệ mà người dân ở đây thích như phú bình dân, như bài ca, như tuồng hát bội, tuồng cải lương, hình vẽ tứ bình…

Người góp công cho các phó phẩm nầy được tác giả Nguyễn Thanh Phong nhắc đến là những người Nho học Nam Bộ, những người trí thức Tây học lúc giao thời và những người Minh Hương yêu mảnh đất mình đương sống.

Các truyện Nôm khuyết danh cũng vào Nam như Truyện Kiều nhưng không được yêu thương để được cải biên, được tạo thành phó sản như Kiều. Giải thích điều nầy tác giả cho rằng: Nó (Kiều) là tác phẩm đỉnh cao về nội dung lẫn nghệ thuật, phù hợp với tâm lý và tình cảm của người dân Nam Bộ.

Quyển sách nầy đặc biệt có giá trị ở chỗ đưa ra được nhiều tài liệu khó có, khó gặp liên quan đến Kiều. Phần phụ bản cũng là tài liệu quí về mặt văn bản rất hữu dụng cho bạn đọc tham cứu.

Tôi chắc độc giả sẽ thích thú khi thấy tác giả nhận định rằng người làm các phó phẩm Kiều có những ý hướng làm khuôn thước rất đáng trân trọng là:

1. Chuyển tải cả tâm tư của tác giả:

Có thể thấy, Túy Kiều phú không đơn thuần chỉ kể lại nội dung cốt truyện, nó còn cho thấy trọng tâm chú ý của tác giả khuyết danh, đồng thời chuyển tải cả tâm tư và tình cảm tác giả.

2. Giữ được sự quan trọng của đạo lý làm người:

Mặt khác, dù không quá quan tâm đến vấn đề triết luận mơ hồ, nhưng Nho sĩ Nam Bộ lại rất chú ý đến chức năng tuyên giảng đạo đức luân lý của tác phẩm. Điều này thể hiện ở chỗ trong Kim Vân Kiều ca xuất hiện nhiều câu nhấn mạnh luân thường Nho giáo, như “Chàng có quyết cương thường đại đạo” (câu 45), “Thơ nhà chàng hiếu phục nghiêm thân” (câu 50), “Chữ hiếu trung trông thấy đau lòng/ Hai tay trắng sao xong lẽ phải” (câu 59-60), “Đạo làm con để thế trông vào” (câu 63), “Muốn sao cho trung hiếu vẹn tuyền” (câu 171), hay “Như nàng đủ nhân trung hiếu ngãi” (câu 116)... Rõ ràng, Kim Vân Kiều ca đã không nằm ngoài dòng văn học đạo lý nhân sinh Nam Bộ, mà Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm đi đầu trong việc phản ánh quan niệm trung hiếu tiết nghĩa nơi vùng đất phía Nam đang rất cần nề nếp trật tự.

Đây là một cuốn sách thuộc về tư liệu mở đầu cho một khảo hướng mới về Truyện Kiều và về ý thích chỉ đạo trong sự thưởng thức tác phẩm văn nghệ của người dân Nam Bộ, ít ra là từ nửa cuối thế kỷ 19 tới nửa đầu của thế kỷ 20.

Và tôi biết tinh thần đó vẫn còn tiềm tàng khi nhìn thấy các bài ca tài tử và vọng cổ gần đây được viết bằng tư liệu Kiều vẫn được thưởng thức trên các băng tần phát sóng ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long.