Nhân đám tang nữ sĩ Bùi Bích Hà, suy nghĩ ngắn về sự ra đi của một nhà giáo-nhà văn

Nguyễn Văn Sâm


Nhà văn, nhà báo: Trùng Dương, Nguyễn Xuân Hoàng, Bùi Bích Hà (25/7/2013)

Nhà văn Bùi Bích Hà mất, người quen biết tỏ ý tiếc thương, người không quen cũng viết vài ba dòng tỏ lòng mình trên fb.

Tại sao?

Vì những dòng viết kia là thể hiện lòng thương cảm với người đã khuất, vì mình cảm thấy như có món nợ tinh thần về những đóng góp với đời của người vừa mất. Đó là một nhà giáo, một nhà văn. Nhà giáo góp phần dạy dỗ những thế hệ trẻ sau bà và bà đã làm tròn vai trò mình một cách hoàn hảo từ khi ra trường cho đến khi ra đi được đến bến bờ tự do. Nhà văn, bà viết nhiều bài có giá trị, đưa ra được nhiều cảnh đời đáng cho ta suy nghĩ và có những nhắc nhở chánh đáng cho người hiện tại đương mải mê với những hoạt động của mình mà quên nghĩ đến tương lai khi về già và nhiều vấn đề khác cũng quan trọng không kém.

Nhà giáo Bùi Bích Hà dạy ở Huế một thời gian rồi mới về dạy ở Trung Học Nguyễn Đình Chiểu với tư cách GS THĐ Nhị Cấp, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, ban Pháp Văn. Tiếc là thời gian nầy tôi mới chập chững vào nghề, còn quá tha thiết với việc hoàn thành Luận Văn Cao học nên đi đi về về Mỹ Tho-Sàigòn là chánh, không có thời giờ làm quen với bao nhiên giáo chức trong trường có thể gọi là nhiệm sở đầu đời của mình nên không biết được chị Gs Bùi Bích Hà.

Mấy chục năm sau. Biết sự kiện nầy, trong một lần gặp nhau ở một cuộc Ra Mắt Sách nào đó, tôi thân tình nói với chị: Chị là niên trưởng của tôi ở Trường Nguyễn Đình Chiểu đó. Tiếc là chị em mình lúc đó lại không có dịp gặp nhau nhiều. Cô giáo Bùi Bích Hà chỉ cười mỉm và hỏi ngắn như chị thường dùng với người không thân: Thế à?

Một lần khác gặp chị trong buổi gặp mặt thân hữu tại tư gia của GS Trần Huy Bích, chủ nhân giới thiệu hai người và hỏi đã biết nhau chưa, chị cười: Biết rồi, và chuyển đề tài.

Vậy đó, ngoài đời tôi ít có dịp gặp và làm quen với chị nhưng tôi đọc nhiều bài văn của chị và thấy rằng vị nữ sĩ nầy có sự sâu sắc đặc biệt khi viết văn – cũng như ca sĩ Quỳnh Giao, viết ít mà bài nào cũng gợi cảm, thấm thía tận đáy lòng người đọc.

Ảnh hưởng bởi kiến thức sách vở Tây phương thời còn đi học nên nhà văn Bùi Bích Hà có những nhận xét và so sánh đem tới sự ngạc nhiên trong thích thú cho độc giả.

Nhiều lắm. Chỉ xin trích hai đoạn trong bài chị viết về người bạn Từ Công Phụng.

Tính Phụng ít nói nhưng khi nói, anh hay bắt đầu với một nụ cười đọng ở khóe môi và ánh nhìn lấp lánh của đốm lửa nhỏ trong lò sưởi.

Thời gian chúng tôi quen biết nhau không bao lâu, giữa khoảng 1977 cho đến khi gia đình Phụng vượt biển cuối năm 1979, chia cắt bởi nhiều biến cố đau thương cho cả hai gia đình.

Ðó cũng là quãng đời ghi dấu nhiều kỷ niệm của một tình bạn dệt bằng quá nhiều mất mát và khổ đau mà bây giờ, mỗi khi có dịp nhìn lại, tiếc nhớ dâng lên tràn ngập lòng tôi như biển mặn.

Hay một đoạn khác:

Tiếng hát của anh xa vắng, như gió lùa qua vòm cây, đánh thức những khóm lá cho chúng đùa vui dưới ánh trăng. Tiếng hát của anh làm lay động những khóm hoa, cho chúng thả hương bát ngát giữa trời khuya.

Tiếng hát của anh gọi dậy vùng ký ức ru êm những mơ ước không đạt của đời người. Mà anh không chỉ hát, anh diễn tả bằng thanh âm một nội dung đầy tình tự, khắc khoải, cố vươn tới người nghe như một đền tạ mọi ân tình đã đến cùng anh.
(NVS cho in đậm những so sánh rất hay của tác giả Bùi Bích Hà)

NGƯỜI đã ra đi, đã làm tròn hai sứ mạng giáo dục và văn nghệ trong đời mình. Đáng kính và đáng khen. Như một số ít người ‘hai tay hai súng’, những quân nhân vừa cầm bút vừa cầm vũ khí chống giặc mà chúng ta thấy từ trước 75 cũng như sau nầy ở hải ngoại.

Chị ra đi khi đã để lại cho thế giới nầy bóng dáng đời mình mặc dầu đó có thể không phải là mục tiêu của chị, xin yên nghỉ nhà văn nhà giáo Bùi Bích Hà!