Phật giáo như người Nam tiếp nhận

Nguyễn Văn Sâm

Gió thoảng đời bay những vĩ nhân,
còn trơ những kẻ tâm phàm trần,

Thấp thoáng tư duy còn tại thế.
chút nào lay tỉnh những đam mê.

(Oct. 2020)

Tóm lược bài viết:

Người Nam tiếp nhận Phật giáo một cách đặc biệt, không phải là cách tu, mà là một lối sống, một cách xử thế tiếp vật. Họ không chịu nhiều ảnh hưởng từ kinh kệ bác học viết bằng chữ ngoại quốc (Pali, Sanscrit, Hán) mà họ chịu ảnh hưởng sâu đậm từ những bài kinh ngắn bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ do những vị Hòa thượng, viết, dịch ra hay từ những bài nhận định của những người cư sĩ có thế giá.

Từ đó tinh thần cốt tủy của Phật giáo Miền Nam thường thấy được trong những truyện thơ là thứ văn chương gắn bó với người dân ở đây. Cộng với ảnh hưởng của Nho giáo có từ trước, Phật giáo và văn chương bình dân ở vùng nầy tạo nên một đặc thù văn hóa cho dân Nam, hiền hòa, an nhiên, hào hiệp với nhiều cư sĩ, ông đạo và hai đạo mới dính dáng đến Phật đạo.


Một trang Lược Giải…

Xin được giới thiệu một đoạn hơi dài phiên trích từ một quyển sách Nôm mà người sưu tập tìm được ở Sadec, quyển Lược Giải Tam Qui Ngũ Giới Tập 畧觧三皈五集[1] để thấy người Miền Nam có những kiến thức về Phật giáp một cách đơn giản, dễ hiểu nhưng rất thật tế dễ áp dụng vô đời thường.

Tựa ban đầu:

Lâu nay thường thấy nhiều vị thiện nam tín nữ đến chùa xin qui y thọ giới. Song nhiều vị chưa hiểu được cái yếu nghĩa của sự quy y thọ giới ra sao cả. Vì thế mà giảm mất cái giá trị của Phật pháp. Thấy rõ chỗ khuyết điểm ấy nên bỉ tăng không kể tài hèn học ít, mà lược giải phép tam quy ngũ giới như sau.

Bổn ý mong cho kẻ đã quy y với ngôi tam bảo phải hết lòng gìn giữ năm điều răn cấm của Phật dạy thời thân nầy và thân sau đặng nhiều phước thiện vậy, lại khỏi hổ với bổn phận của người của người đã quy y.

Biên giả cẩn chí.

Quy y là gì?

Quy y nghĩa là nương nhờ.

Sao gọi là quy y Phật?

Nghĩa là nương nhờ theo Phật, Chữ Phật nghĩa là sáng suốt. Mình sáng suốt, làm cho người sáng suốt cũng được như mình.

Mình sáng, người sáng hoàn toàn viên mãn nên gọi là Phật, Vả lại Phật là một vị đại sư trong ba cõi, cha lành của bốn loài.

Trước kia ngài vì chúng ta mà bỏ cả ngôi vua của báu, lìa cả cha mẹ vợ con, chịu đói khát, chịu khổ sở mấy nhiêu năm, hết sức tìm kiếm những nguyên nhân tội khổ của chúng ta vì đâu mà có sanh già bịnh chết, tại sao mà có nghiệp báo luân hồi.

Nhứt thiết điều thiện điều ác, sự nhân sự quả đều chỉ dạy rõ ràng. Chúng ta nhờ đó mà biết cõi phù sinh là giả dối, thân tứ đại thiệt không bền, mới nhàm chán cõi hồng trần mà quy y theo Phật đặng nhờ cái uy đức của ngài phò hộ thân sống đây cho khỏi các điều tai ương hoạn họa, đến khi chết nhờ ngài dắt về cõi không diệt không sinh, cho khỏi sa đọa vào nơi địa ngục. Nên gọi quy y Phật bất đọa địa ngục vậy.

Quy y Pháp.

Sao gọi là quy y Pháp?

Nghĩa là nương nhờ theo Pháp.

Bởi Pháp là một phương thuốc cứu đời, giúp người cho khỏi trầm luân nơi biển khổ.

Pháp là những lời nói của Phật lúc hiện tiền mà các hàng đệ tử của Phật đã ghi chép vào trong kinh điển vậy.

Khi Phật còn hiện thời (tiền) thì nhờ ngài chỉ bảo. Nay Phật tịch diệt đã lâu rồi thời chúng ta nhờ kinh luật dạy răn.

Kinh luật tức là Pháp đó.

Xét ra Pháp của Phật dầu cho vét khô nước biển, nói cạn nguồn lời đi nữa tưởng cũng không cùng tột đặng.

Tóm lại, ngoài đời trong đời có những Pháp gì thì trong Pháp Phật cũng đều có đủ cả.

Vả lại các Pháp phương tiện của Phật để đối phó với hết thảy căn tính của chúng sanh thiệt là huyền diệu vô cùng.

Đối với kẻ khôn thì nói pháp thiệt, đối với kẻ dại thời nói pháp huyền. Gặp người trí thời nói pháp không, gặp kẻ ngu thì bày pháp có. Pháp nào cũng đủ đối trị với hết thảy căn cơ trí ngu lợi độn của chúng sanh khiến cho ai ai cũng bỏ vọng về chơn, xả tà qui chánh.

Cho nên chúng ta phải hết lòng nương theo Pháp thời sau nầy mới khỏi đọa vào loài ngạ quỷ nơi chốn u minh.

Bởi vì thế nên gọi là quy y pháp bất đọa ngạ quỷ.

Quy y Tăng.

Sao gọi là quy y Tăng?

Nghĩa là nương nhờ theo ông Tăng.

Bởi ông Tăng là người đã từ (bỏ) nhà cửa , bỏ mẹ cha, xa cách anh em bậu bạn, cạo bỏ râu tóc, khép mình vào chốn không môn, chịu ăn hẩm mặc hèn, quyết chí làm theo Phật, nói theo Phật, nhứt thiết hành vi động tác gì cũng in như Phật và đem bao nhiêu giáo nghĩa u huyền vi diệu của Phật mà hóa độ chúng sanh.

Ông Tăng lại thường có đủ lục điều hòa.

Một là hòa giới đồng tu nghĩa là khuyên nhau đều sửa, sửa mình sửa người cho đặng tận thiện tận mỹ, toàn trí toàn năng như Phật vậy,

Hai là hòa kiến đồng giải nghĩa là mình thấy biết đặng điều gì thì mình cũng giải bày ra cho người được thấy biết cũng như mình.

Ba là hòa thân đồng trụ nghĩa là mình phải hòa đồng bậc, không phân nghèo giàu cao thấp, không chấp lớn nhỏ quan dân, ai ai cũng coi bình đẳng cả.

Bốn là hòa lợi đồng huân nghĩa là không chứa của nhiều, ai có cúng dường hổ trợ bao nhiêu cũng chia sớt cho kẻ cô bần khốn khó, miễn là mặc vừa ấm thân, ăn vừa no dạ cho qua ngày đặng lo tu niệm mà thôi.

Năm là hòa khẩu đồng tranh nghĩa là không tranh đua điều thị điều phi, không toan tính lẽ hơn lẽ thiệt, bao nhiêu chuyện thấp cao tốt xấu phải trái, hơn thua cũng phó mặc cho đời, chớ không khi nào tưởng đến.

Sáu là hòa ý đồng việc nghĩa là ý tứ của ông Tăng đối với mọi người bao giờ cũng hân hoan vui vẻ, chớ không có cái thái độ buồn bực sân si hay là hờn giận phiền trách ai cả... Cái ý tư cách của ông Tăng thường có lúc điều hòa như thế nên chúng ta phải tôn trọng kính ngưỡng người để nhờ người dắc dẫn ta. Bởi chúng ta vô phước nên không thấy được Phật, không hiểu được Pháp, khiến nhờ có ông Tăng giáo hóa tác cho. (Dạy ta) Sao là nhân sao là quả, sao là tội sao là phước khiến cho chúng ta đương thế đây khỏi sa vào đường tội lỗi, đến khi lâm chung khỏi sa đọa vào loài súc sanh. Vì vậy nên gọi là quy y Tăng bất đọa bàng sanh[2].

Thọ giới. Sao gọi là thọ giới?

Thọ giới nghĩa là chịu những điều răn cấm của Phật dạy.

Phàm người đã quy y với vị tam bửu Phật Pháp Tăng rồi thì phải giữ trọn năm điều răn cấm như sau đây:

  1. Một là không nên làm việc giết hại.
  2. Hai là không nên trộm cắp.
  3. Ba là không được làm điều tà dâm.
  4. Bốn là không nên nói dối.
  5. Năm là không nên uống rượu.

Bởi sao Phật cấm kẻ quy y không nên làm việc sát hại?

Bởi người đã quy y là muốn cho khỏi luân hồi quả báo nên không được làm việc sát hại. Vả lại người đã quy y bao giờ cũng hoài lòng từ bi bác ái luôn luôn, nếu làm việc sát hại thì quên mất lòng bác ái của mình còn gì. Tuy hình vật với hình ta chẳng đồng chớ mạng nó với mạng ta không khác. Chúng nó cũng biết tham sống sợ chết như ta.

Hỏi ta coi tự nhiên ai đánh ta một bạt tai ta có đau không? Thế mà ta đem thân nó ra nào cắt cổ nhổ lông, nào lột da đánh vảy thì sự đau đớn của chúng nó đến thế nào, huống chi ta giết mạng nó thì sau nầy luân hồi cho nó giết lại mạng ta. Ấy là luật định. Phép nhân quả không sai, sự luân hồi thường mạng thì sự ấy không phải Phật nói không điêu. Trong kinh có câu: Sát tha nhứt mệnh, hoàn tha nhứt mệnh, phép nhân quả không khi nào sai chạy đặng. Dầu cho một đời người ăn mặn giết cả muôn con gà thì cũng chiếu theo bao nhiêu số mạng mà đền bù. Dầu cho mấy muôn mấy kiếp cũng đền bù cho đủ số mà thôi...

Than ôi! Xưa nay vật chết làm người, người chết làm vật, cứ thay đổi mà ăn thịt với nhau, nguyên do cũng ở nơi sát hại mà ra. Sự trả vay vay trả cho đủ mà thôi…

Đại khái những lời dạy trong sách nọ rõ ràng, dễ hiểu, nhiều khi lý giải dài dòng để trả lời những vấn nạn thường thấy, nhưng lời văn luôn luôn nhẹ nhàn đủ cho người đọc được thuyết phục.

Để tóm lại năm điều giới trên, tác giả có một câu rất chính xác và được coi như chơn lý: Đừng nói đến bốn giới trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu kia làm chi, chỉ có một giới bất sát mà nhơn loại vâng giữ làm theo thì cũng đủ day trở thế giới thê lương nầy trở thành thế giới an nhàn cực lạc và hết thảy loài người ai ai cũng được đăng lộ tánh Phật tỏ sáng…’

Không thấy chuyện bát chánh đạo, chuyện tứ diệu đế, chuyện sắc sắc không không được chỉ dạy bằng kinh Nôm cho người bình dân. Chỉ thấy những chuyện nhân quả báo ứng (gieo nhân nào thì nhận được quả đó) chuyện địa ngục xử tội (cũng là lý giải cách khác của chuyện nhân quả) và vài thái độ, cách sống của người Nam do chịu ảnh hưởng của truyện thơ bình dân Nam Bộ (TTBD) hơn là kinh kệ.

Đi tìm những điều nầy không khó, cái khó là truyện thơ bình dân Nam Bộ rất phong phú lại có quá trình xuất hiện cả thế kỷ nay nên dầu tốn công cách mấy cũng không ai có hoàn cảnh để đọc hết được hầu dẫn chứng cho đầy đủ. Do đó tác giả bài nầy chỉ nhắc đến một vài tác phẩm gọi là tiêu biểu và đưa ra vài điều căn bản của nhận thức về đạo Phật của người Nam bộ.

1. Tránh kêu hay nói tên Trời Phật vô cớ: Để tỏ lòng kính trọng Trời Phật, trong Nam, ông già bà cả thường không cho con cháu kêu Trời Phật khi chẳng cần thiết, người lớn nói kêu như vậy là không nên, thường trẻ nhỏ cũng chẳng được giải thích sao lại không nên nhưng biết đó đó điều cấm không nên phạm. Và thế hệ nầy truyền thế thệ khác điều coi như cấm kỵ đó.

Truyện Thơ Bảy Tài có đoạn: Tài nói:

Đó con vợ tôi nó dữ vậy, mình làm bứt quá dầu từ bi cũng phải rầy huống chi nó[3]… Bảy Tài thay chữ Trời Phật bằng chữ từ bi, để né.

Trong Tuồng Nôm Tây Du, chỗ tên nhân vật Ngọc Hoàng nói thì người xưa hai chữ Ngọc Hoàng trước chữ viết (biểu ý nhân vật đó nói) đều được bôi đen[4]. Trong dân gian khi ai đó kêu Trời Phật một cách vô cớ thường được người lớn tuổi nhắc nhở rằng không nên làm thế, tội chết!

2. Tin tưởng ở quả báo ngay trong kiếp nầy. Trịnh Hâm bị cá nuốt thây, Thể Loan và mụ Quỳnh Trang bị cọp cõng bỏ vô hang Thương tòng… (Lục Vân Tiên).

3. Tin tưởng có địa ngục là con người sau khi chết phải trả nợ đời đã vay do làm những hành vi ác độc khi sống trên thế gian.

Tác phẩm có nói chuyện về hồn người chết phải đọa địa ngục để trả tội. Xin kể một ít:

- Truyện thơ Mục Liên Thanh Đề[5] với nhiều điều Mục Liên chứng kiến khi đi xuống địa ngục tìm mẹ và chứng kiến mẹ mình là Thanh Đề ‘đầu đội chậu máu mình ngồi bàn chông’ vì khi sống bà tàn ác và đã mắc tội lừa cho các thầy sãi ăn thịt chó.

- Truyện Nôm văn xuôi Báo Ứng Nhân Quả[6] kể chuyện Lưu Kinh, ăn mặn và làm điều ác nên phải đọa nhiều cửa ngục, may nhờ vợ có cốt tiên nên dạy Lưu Kinh tu hành những kiếp sau cho nên thoát nạn đáng lý phải đoạ nhiều kiếp nữa.

- Truyện Nôm Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Ca, hơn 7000 câu, khắc in trong Nam cuối thế kỷ 19 kể chuyện đức bà Quan Âm Diệu Thiện đi các địa ngục tìm cách giải nạn cho vua cha vì khi sống ông tàn ác với người tu Phật.

- Hiện nay, mặc dầu còn lại rất ít, sau thời gian và những biến đổi của xã hội, nhưng thỉnh thoảng ta vẫn còn thấy được trên những tấm kiếng xe bán hủ tíu của người Tàu ở Chợ Lớn vẽ những hình ảnh địa ngục[7]

- Nhiều ngôi chùa ở Miền Nam cho tới ngày nay vẫn còn phổ biến nhiều hình ảnh địa ngục vẽ trên tường với chuyện tội nhơn bị cưa hai nấu dầu, cột vô ống đồng đốt đỏ, đạp xuống sông dơ có rắn có sấu, bị gà mổ, trâu bò báng... vì khi sống đã giết hại động vật.

4. Tin tưởng ba giới Thượng giới (cõi Trời), Trung giới (cõi Người) và Âm phủ (Địa ngục) có thể tương thông. Người trong Nam có tục thiết lập bàn thông thiên (nói trại ra là bàn ông thiên) để chuyển những lời vái van đến Trời, Phật

Sự tin tưởng nầy thấy nhiều trong các tác phẩm có chuyện người tài giỏi vốn là Thái Tử con của Thượng Đế được cho xuống trần (thơ Thạch Sanh Lý Thông[8], thơ Nam Kinh Bắc Kinh[9], thơ Chàng Lúi[10], thơ Lý Công[11]…) hay người đã chết xuống âm phủ rồi được cho sống lại (thơ Lâm Sanh Xuân Nương[12]: Thời may nhờ đức chí tôn/ Thấy con chịu thác oan hồn mà thương/ cho con trần thế hồi dương/ Kẽo mà cha mẹ ngày thường than van, trang 18; thơ Chàng Nhái Kiển Tiên[13]) hay người trần đủ điều kiện có thể đi dạo âm phủ (thơ Phạm Công Cúc Hoa[14]).

Lời dạy Phật pháp đơn giản được chuyển thành những điều răn, điều khuyên trong tác phẩm, nhứt là truyện thơ. Tác phẩm sáng tạo hình thành, uốn nắn để tạo nên thái độ sống của người dân, từ đó có những đạo mang sắc thái Phật giáo bình dân như Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Cao Đài, Hòa Hảo.

Người Nam nói chung hiền hòa, đơn giản nhờ được hun đúc từ những lời dạy Phật pháp dễ hiểu, từ những điều dạy gián tiếp trong tác phẩm bình dân mà làng xóm ê a từ người trẻ cho người già ít chữ[15] khi những thú giải trí không có nhiều thời đầu thế kỷ 20 ở miền đất mà lưu dân vừa mới ổn cư.

Có một điểm cũng đáng ghi nhận thêm là nhiều tác phẩm trong Nam cuối truyện thường có cảnh thoái vị do vua nhường ngôi cho người tài (Trạng Nguyên, con rể). Đó cũng là cách thể hiện tinh thần buông bỏ mà vua Trần Nhân Tôn ngày xưa thực hiện. Xin trích đoạn quan trọng về sự kiện nầy trong tuồng Đinh Lưu Tú[16], lúc nhà vua phát biểu chuyện mình nhường ngôi đi tu:

Vương viết: Nay đã phủi rồi trần tục, chẳng còn vương vấn oan gia. Khẩu niệm A Di Đà, thủ đề đao thí phát.

Bài: Đoạn trái oan, đoạn trái oan! Vô tình vọng tưởng nhơn gian, Danh san độc thọ nhàn minh nguyệt, thắng cảnh thiên tầm ý vị khan. Y bát sổ tùng cơ dưỡng tánh, Ma ha nhứt đích sái kỳ an, Kỷ thời thoát đắc mê tâm tục, Đại đạo đê đầu đoạn trái oan.

Hựu viết: Dốc lánh câu sắc sắc, mau tìm chữ không không. Chuốc hài gai chỉ dặm san trung, Mang nón sắn trông chừng Phật tích.

Vãn: Nón sắn trông chừng Phật tích, Phải hiểu rành câu sắc sắc không không, Rạng dồi gương huệ soi lòng, Khỏi nơi trần tục lánh vòng trần ai. Dốc lòng lên cõi Thiên Thai, mâu ni áo bả hài gai tu trì, bi hoan ly hiệp sự thường.

Kết luận:

Những điều nói trên áp dụng cho người ở ngoài nhân gian để sống đời tốt lành, mong khỏi đọa địa ngục, tránh luân hồi sau khi chết, trong lúc còn sống thì gặp được những điều may mắn, hanh thông do đã gieo nhân lành.

Tuy nhiên Phật giáo MiềnNam cũng không quên khuyến khích sự tu hành, để tạo sự thúc đẩy cho người có căn tu, Hòa Thượng Thích Từ Phong[17] viết cuốn sách Nôm: Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn Diễn Nghĩa 勸𤼵菩提心演義, (trang 5b), trong phần mở đầu ông đưa ra bản dịch bài kệ của Trần Nhân Tông:

Làm đệ tử đức vương Phật.
Dùng chúng của đức Như Lai.
Trong mình mặc áo bá nạp.
Miệng ăn ngàn chén cơm chay,
Ban đêm nằm giường vô úy,
Sớm mai ra mắt đức Di Đà,
Trẫm bằng đặng như vậy,
Muôn việc chi cũng đủ.
滥弟子德王佛
𣳔重𧵑德如來
冲𨉟墨𥜌百衲
𠰘咹𠦳𥗜𩚵 齋
班𣎀𦣰𦍛無畏
𣌋埋𦋦眜德彌陀
朕朋鄧如丕
閍役支拱𨇜

Nói tu thanh nhàn như vậy nhưng không phải làm biếng, không suy kinh nghĩ kệ mà phải siêng năng và quí tưởng đức Phật, với lòng tin mình cố công tu hành thì khi chết sẽ thành chánh quả:

Cảm uy đức Phật cao dày
Ao sen chín phẩm độ nay phàm tình.
Tôi tin có Phật, gởi mình,
Một bề cải dữ theo lành mà thôi.
Phước lành bằng chút mựa lơi.
Gắng làm cho trọn lòng tôi không rời.
Nguyện đồng niệm Phật mấy người,
Cầu cho cảm ứng theo thời hiện ra.
Mãn duyên thấy đức Di Đà,
Tây phương cõi Phật sáng lòa mắt tôi
[18].

Người Miền Nam cũng như người ở miền khác, gắn bó với gia đình, trọng cương thường nên cân phân sự nặng nhẹ giữa xuất gia và phụng dưỡng cha mẹ, nuôi nấng con cái được thấy trong câu ca dao đầy ý nghĩa: thứ nhứt là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa…

Lo lắng cho gia đình cũng là một cách tu được họ chú ý nên cư sĩ ở vùng nầy tương đối nhiều…

Cư sĩ nói chung là người chịu ảnh hưởng giữa Nho Giáo và Phật giáo, nhứt thời họ chưa biết mình phải chọn bên nào một cách dứt khoát, thôi thì ăn ở hiền lương và tôn trọng kinh kệ, năng lui tới chùa chiền.

Tương quan giữa Nho giáo và Phật giáo là một tương quan hữu cơ, rất đặc biệt nhưng vốn là đề tài ngoài bài viết ngắn nầy.

_______________________

Sách tham khảo chủ yếu:

  1. Một số truyện thơ Bình Dân Miền Nam.

  2. Đoạn Dâm Căng. Nguyễn Kim Muôn, Sàigòn, Đức Lưu Phương, 1932.

  3. Thập Sám Diễn Nghĩa Văn, Sađéc.(Sách Nôm)

  4. Thơ tuồng Mà Lòng Tôi Thương, NVS phiên âm, CA, 1913.

  5. Thơ Thạch Sanh Lý Thông, bản Nôm Duy Minh thị, NVS phiên âm, Viện Việt học. CA 1919.

  6. Giác Thế Tân Tân,Trần Đằng Huy, Sàigòn, Xưa nay, 1926.

  7. Tuồng hát bội Đinh Lưu Tú.

_______________________

[1] Người viết sách/kinh nầy là sư trụ trì chùa Phước Vân ở Thị Nghè, Gia Định (nay chắc chùa không còn và Thị Nghè đã từ lâu không còn thuộc về tỉnh Gia Định nữa.). Người sưu tập là ông Nguyễn Văn Thoa, được một ni sư trao lại năm 2000, và đã nhường cho tôi (NVS) sau đó không lâu khi tôi ngỏ ý rằng mình thích nghiên cứu về mảng Phật giáo Miền Nam.

[2] Khỏi nạn không được làm người. (NVS)

[3] Thơ Bảy Tài, Đặng Tam Bá, nhà in Xưa Nay, Sg, 1929, trang 14. Cũng nên nói thêm là ông Đặng Tam Bá thường viết dưới tên Đ. T. B.

[4] Tuồng Nôm viết tay Tây Du Ký Diễn Truyện, hồi sáu. Nguyên bản hiện lưu trữ tại Thư viện EFEO, Paris. Cũng nên nói thêm là bản tuồng nầy rất dài và hiện nơi đây còn đủ 100 hồi, tác giả cuốn Cụ Thủ Khoa Nghĩa và con là Bùi Hữu Tú, Sg, Văn Hóa thơ xã, 1929, trang 17, là người đầu tiên nói tác giả vở tuồng Tây Du là Bùi Hữu Nghĩa. Xin trích vài câu trong hồi 6, chỗ có tên Ngọc Hoàng, vua trên trời, đều bị bôi, không cho thấy hai chữ nầy. (Trích) @@ nói: Bỉ yêu quái thị hà mưu kế,/ Cảm đương ngô thập vạn thiên binh?/Nay Lý vương khất viện chân tình,/ Ta phải chọn thiên thần tương trợ. /(Quan Âm chắp tay, tâu…)

Quan Âm: / Tâu bệ hạ, khoan hoài (TDK6,7) phóng lự, Bần tăng xin phụng cử một thần. /Gã ắt là tảo tĩnh phong trần, / Chi đến nhọc cửu trùng tuấn toán./@@ nói:/ Quan Âm cử thiên thần hà đẳng?/Khá tâu qua trẫm ý ngự tường.

Quan Âm:/ Bần tăng dâng đâu dám tầm thường,/ Thiệt là đứng lịnh sanh Bệ hạ./ Hiệu Hiển Thánh chân quân ấy gã,/ Nay ở miền Quán Khẩu giang tân.

[5] Thơ Mục Liên Thanh Đề, Tác giả Lê Duy Thiện ở Tânan, Tín Đức Thư Xã xb, Sg, không đề năm.

[6] Nguyên văn Chữ Nôm khắc in năm Bảo Đại thứ hai (1926), Vi Thiện Đàn khắc ván, Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu, Gió Việt, CA, 2016.

[7] Nói chung, chuyện địa ngục hành hạ kẻ ác tràn vào Việt Nam một cách cụ thể từ quyển Hồi Dương Nhơn Quả, kể chuyện Lâm Tự Kỳ, đời Thanh, bị quỉ bắt lầm được cho về lại dương gian, thuật lại những điều mình thấy dưới âm phủ. Bản quốc ngữ đầu tiên do nhà in Tín Đức Thư Xã, Sàigòn, không đề năm. Ở Mỹ có bản in lại do Pháp Duyên Tịnh Xá, S. Jose, CA 95115 ấn tống, cũng không đề năm. Hồi Dương Nhơn Quả tạo ảnh hưởng trong Nam trong phong cách sống của người dân sâu rộng và lâu dài.

[8] Thơ Thạch Sanh Lý Thông được xb quá nhiều lần. Cuốn gần đây nhứt, có bản Nôm của Duy Minh thị do Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu, Viện Việt Học, CA, 2019.

[9] Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu với nhan đề mới… Mà Lòng Tôi Thương, Viện Việt Học, CA, 2013.

[10] Bản Nôm khắc thế kỷ 19, thường được phiên âm là Chàng Chuối, kể chuyện SơnTinh Thủy Tinh và vợ con của Thủy Tinh.

[11] Hiện có thể còn hai bản khắc Nôm của Phật Trấn, một do Minh Chương Thị đính chánh, bản quốc ngữ cũng có một vài.

[12] Nhiều bản in, bản Tín Đức Thư Xã, bản Nhà in Xưa Nay, bản nhà in Thạnh Mậu đều không đề năm.

[13] Bản in Đức Lưu Phương của Đặng Lễ Nghi, Sàigòn, 1929.

[14] Nhiều bản in, nay còn thấy bản Nôm Phước Văn Đường, in năm Khải Định thứ tám, Kỷ Mùi (1919).

[15] Xem truyện ngắn Chờ Cho Trăng Lặn, Nguyễn Văn Sâm.

[16] Tuồng Đinh Lưu Tú, Minh Chương Thị đính chánh, Bửu Hoa Các Thư Cục xuất bản, in năm Quang Tự Giáp Ngọ (1894), trang 60 a-b.

[17] Chùa ở Trà Vinh, sách Nôm chữ lớn, gồm 60 tờ khắc in năm Kỹ Mão (1939), nói nhiều về sự ích lợi của việc tu hành, tiểu sử Thích Ca và nhiều điều liên quan đến Phật học.

[18] Thập Sám Diễn Nghĩa Văn, (trang 3a), sách xưa do Đại Sư Thiện Đạo diễn Nôm Yết Ma Từ Huệ khắc in tại Sa Đéc, không biết năm.