Thụy Vũ:  Mỉm cười với nghiệt ngã

Đầu thập niên sáu mươi, tôi bước chân vào nghề giáo. Dạy giờ. Trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Dạy học để có tiền sống đời sinh viên như phần đông đồng cảnh khác. Mỗi tuần hơn chục giờ, thời gian còn lại phải chú tâm vào việc làm luận văn cao học. Nghề giáo môn Việt Văn ai cũng vậy, theo dõi con đường văn học đương thời khá đầy đủ coi như giải trí đồng thời là bổn phận là không được tụt hậu quá đáng về sinh hoạt văn học nước nhà đối với bạn bè và đồng nghiệp. Tác giả nổi tiếng hoặc không, hễ thấy tác phẩm là mua. Đọc hoặc để đó tính sau tùy thời giờ có được. Thường là đọc. Những bài viết trên các tạp chí Văn, Văn Học, Bách Khoa đều sưu tập, đọc, nhiều khi cắm đầu ngấu nghiến trên chuyến xe lô Minh Chánh chạy đường Sàigòn Mỹ Tho. Chuyến đầu, buổi sáng tinh mơ khách còn chút ngái ngủ hay chập chiều sập tối mà bộ hành và tài xế đều thầm vái van khi trời còn sáng qua khỏi những đoạn đường thường bị đắp mô lúc bắt đầu nhá nhem. Và người thầy giáo tài tử đó thường trích dẫn một đoạn văn của Túy Hồng, của Thụy Vũ, của Nguyễn Thị Hoàng trong một số báo văn học nào đó vừa được phát hành cho bài dạy về Kim văn lớp Đệ Ngũ (lớp 8). Dĩ nhiên phải chọn đoạn phù hợp với lứa tuổi của học sinh, dính líu với chương trình chút đỉnh hay không đều được. Học trò thích được học kiểu nầy. Thoải mái, không gò bó theo những quyển Giảng Văn của quí ông Đỗ Văn Tú, Thẩm Thệ Hà hay Nguyễn Quảng Tuân. Thầy trò cùng nhau tìm hiểu về những điều hay ho của tác giả ‘đương đại’ trong sự diễn tả về tình cảm nhân vật, về mô tả cảnh trí bên ngoài, về cách đối thoại giống đời thường hay nhiều phóng lớn quá hơn cuộc sống chung quanh ta… Lắm khi học trò phát biểu những nhận xét khá tinh tế rằng nhân vật được tả chân in hệt thực tế của người bình dân lao động, của gái bán bar Mỹ (Thụy Vũ), đầy tính cách con gái nhiều mơ mộng trăn trở và trách móc (Túy Hồng), quá thông minh, cao sang và mang màu sắc tiểu thuyết (Nguyễn Thị Hoàng). Gặp trường hợp nầy người thầy cười cười phụ họa. Rằng các em biết được như thế đã khá lắm đối với trình độ lớp, ít ra là cũng theo dõi được hiện tình văn học hơn cứ lầy quầy với những trích đoạn khuôn mẫu của những người viết cách độ nửa thế kỷ như Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng của thời Tự Lực Văn Đoàn hay những tác giả cùng lúc. Cổ điển, tốt đó, nhưng tù túng quá, phải mở ra một chân trời, coi người đương sống chung quanh mình viết những gì, họ khắc họa sự kiện gì đáng lưu ý. Một vài trường hợp đối với những nhà văn quân đội trăn trở như Y Uyên, Trần Hoài Thư… thì học trò thường thở dài khi nghĩ đến tương lai mình, một chút u ám và xót xa thân phận. Cả lớp xuýt xoa, nhiều khuôn mặt đăm chiêu và nhiều câu hỏi ngoài lề người thầy phải né tránh, chọn lời giải đáp sao cho không đi vào trường hợp cụ thể bi thương hoặc quá chán chường.

Vậy đó, thập niên sáu mươi, bảy mươi tôi yêu văn của người đương thời và mớm cho nhóm học trò mình mầm thích ham đó. Thực tế tôi rất ít khả năng gặp mặt nhà văn vì không phải là người sáng tác. Lại cũng chẳng có thời gian la cà để được quen biết thêm ngoài mấy người viết gốc thầy giáo như Huỳnh Phan Anh, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Xuân Hoàng, Hoàng Ngọc Biên…

Một lần đi với Huỳnh Phan Anh, trên đường Lê Lợi, anh chỉ một phụ nữ cùng lứa tuổi với chúng tôi, dáng dấp tươi trẻ, nhưng vẻ mặt đầy bâng khuâng, tóc cũng hợp thời trang tuy rằng thiếu một chút trang điểm, nói đấy là nhà văn Thụy Vũ. Vậy đó, tôi thoáng thấy chị Thụy Vũ hơn nửa thế kỷ qua và ba năm trước nhờ cơ duyên mới được gặp làm quen với chị khi cùng đi với Lý Lan và vài Giáo Sư của trường Đại Học Văn Khoa cũ đến Lộc Ninh thăm nhà văn nữ ẩn sĩ nầy.

Điều đánh vào cảm thức của tôi là một Thụy Vũ hiên ngang với số phận. Tôi gọi đó là Sự Mỉm Cười Với Nghiệt Ngã, với hoàn cảnh. Suốt buổi gặp gỡ, chị cười hiền thiệt nhiều lần, nụ cười nở ra làm khuôn mặt rạng rỡ hơn so với bình thường lắm nghiêm nghị. Chị góp chuyện hóm hỉnh, những lời đùa cợt bất chợt, khó ngờ. Suốt buổi viếng thăm không nghe một tiếng than thở nào, cũng chẳng đón nhận được một lời ai oán trách móc ai đó đã tạo nên hoàn cảnh của chị như nhiều người bình thường tôi từng gặp.

Thụy Vũ, chẳng biết gì về tôi, ngoài lời giới thiệu của Lý Lan rằng tôi thầy giáo từ xa về. Trước đó chị đã sai con qua nhà hàng ở cạnh đặt một cỗ bàn lớn, đầy đủ món ngon vật lạ của tỉnh. Khi biết được chuyện, chúng tôi nằn nì xin chị hủy đi cuộc tiệc không cần thiết đó, uống chút nước, ăn vài ba cái bánh ngọt sẵn trong nhà là được rồi, chị vẫn nhứt quyết đãi hậu hĩ phái đoàn. Tôi nhìn thấy sự áy náy trên gương mặt của từng người đến thăm nhưng chị trấn an rằng không sao, cũng chẳng nghèo thêm. Nhóm chữ ‘cũng chẳng nghèo thêm’ đặc biệt của dân Nam kỳ và nụ cười nửa miệng của chủ nhân khi chống dựa cái nạng bốn chưn đi ra phòng khách phía trước ‘nói chuyện cho vui, đợi họ dọn cơm’ tôi thấy rõ tấm lòng quý khách của chị, của một nhà văn đàn chị rộng rãi, hào sảng.

Bàn thờ Phật trong nhà khá tươm tất và sáng sủa, có bông hoa, có cây trái có chuông và kinh tụng xếp đặt ngay ngắn. Thấy tôi tò mò ngắm nghía, chị nói: Lớn tuổi kinh kệ cho lòng nhẹ nhàng, thét rồi thành thói quen ngày nào không tụng kinh thấy thiếu thiếu gì đó.

Tôi chợt buột miệng hỏi, rồi lại hối hận đáng lẽ không nên hỏi, về nhà thơ tác giả bài Ta Về, Anh Hùng Tận, chị không một thay đổi sắc mặt hay bất bình, trả lời như chuyện của người khác: ‘Ổng gọi về nhiều lắm nhưng mà không có nói chuyện với tôi, nói chuyện cả giờ với con dâu.’ Tôi nghe tiếng ổng liền nhớ đến biết bao nhiều lần trong truyện ngắn như là tự truyện chị dùng thiệt nhiều lần từ tía xấp nhỏ vừa thương mến vừa xót xa vừa cách phân. Chị chấm dứt câu nói bằng một cái cười vui để cho người nghe tự hiểu sao đó tùy ý và tự đẩy trí về những liên tưởng nào đó.

‘Chúng tôi, mấy mẹ con đùm bọc nhau may mắn cũng sống được! Nhờ Trời thương!’ Tiếng Trời chắc chị muốn nói đến những yếu tố thực tế và nội tâm đã giúp chị thanh thản sống, giúp chị không buồn bực, cay đắng cho hoàn cảnh và tình trạng không thể tiếp tục viết và khó sống hơn nhiều so với ngày xưa bươn bả viết lách chạy theo thời gian cho kịp những tờ báo ngày. Tôi hiểu sự cay đắng đó bằng kinh nghiệm bản thân đằng đẵng mấy năm sau chiến tranh, muốn viết mà đành lơ là với bút mực vì như là có một động lực vô hình nào đó khuyên là đừng viết, viết cũng chẳng ích lợi gì cho ai và cũng chẳng có điều kiện cho ai coi, ai đọc. Lại thêm còn phải dùng thời giờ lao động chút ít kiếm sống.

Thụy Vũ thú nhận mình không viết từ ngày đó, tác phẩm ngày xưa còn sờ sờ ra đấy, ai nói sao cũng được, gán cho chúng ý nghĩa nào cũng là ý của người phát biểu, tác giả không thể nói gì và không muốn nói gì để giải thích về tác phẩm của mình, ‘chữ nghĩa nó đã nói rồi’. Tôi nhớ có tài liệu đâu đó nói rằng chị đã phản ứng quyết liệt khi bị giải thích nầy nọ về ý hướng viết lách của mình ngày trước. Đó là thái độ thẳng thắn và trung thực với tự thân, không nhận vơ một điều mình không có dầu sự nhận vơ đó chẳng hại ai mà còn đem lại một chút an tâm trong hoàn cảnh đặc biệt…

Hỏi về những gì làm chị vui trong ngày tháng bấy lâu nay, chị cười. Lại cười. Khỏe thì đi Sàigòn, chơi, ở đây thì vui khi có khách, thường là khách không quen chỉ biết tiếng mình ngày xưa viết văn, vui với bạn bè thân thiết, vui với lời kinh tiếng mõ. Rồi chị kể về chuyện mình kết nối người bạn gái trẻ tuổi với nhà văn Văn Quang thân thiết bao nhiêu lâu. Thấy anh ấy lớn tuổi mà cô đơn cũng tội nghiệp. Thành công. Bây giờ họ sống hạnh phúc lắm. Lại cười thay dấu chấm câu.

Tôi nhân dịp xin chị điện thoại và địa chỉ của nhà văn Văn Quang, chị cho không chút ngần ngừ, tánh bộc trực người Nam khi chị nói thêm, cứ nói là tôi cho, đừng ngại. Anh ấy cũng trở thành Nam kỳ rồi! Chúng tôi cả bọn cùng cười, phá tan cái không khí đượm chút gì đó u buồn tương lân.

Phái đoàn ra về trong quyến luyến, hẹn sẽ tìm dịp lên thăm chị nữa. Nắng trưa đã đến lúc gay gắt. Bụi mù tung đỏ khi thỉnh thoảng một xe hàng đồ sộ chạy qua. Con đường vắng như uể oải trong cơn buồn ngủ buổi trưa Hè. Tôi chợt liên tưởng giữa cảnh sống u tịch của nhà văn nữ lừng lẫy từng đoạt hạng Nhì Giải Thưởng Văn Học của Tổng Thống ngày nào (1970)[1] với cảnh sống của nhân vật nữ của chị trong truyện Bóng Mát Trên Đường [2](Lộc Ninh có những buổi chiều bình thản. Phố xá quận lỵ nằm dưới trũng thấp. Xung quanh trũng là rừng cao su trùng điệp che khuất chân trời khoáng đạt. Thơ về Lộc Ninh đã hai tuần rồi. Thơ gặp mãi những buổi chiều không buồn không vui. Suốt tuần lễ sau, Thơ ngơ ngác trước cuộc sống vô vị kéo dài. Chung quanh nàng màu xanh đen của lá cao su, từng áng bụi đỏ trong cơn gió thốc, và cái ngất ngây uể oải chiếm trọn buổi chiều… Nàng nhớ Vĩnh Long, nhưng hình ảnh nơi đó như lùi xa lắm trong một quá khứ sâu thẳm. Suốt ngày nàng ở trong tình trạng lười biếng, uể oải và nhớ tiếc vu vơ.) Thơ là nhơn vật chánh trong truyện của người phụ nữ đương chào từ giã chúng tôi. Bà có uể oải như nhơn vật của mình không trong những năm tháng dài đối diện với con đường bụi đỏ? Chúng tôi, phái đoàn thăm viếng đã lên xe, nhìn lại thấy bà vẫn vẫy tay chào và mỉm cười, con người luôn mỉm cười với Nghiệt Ngã.


Thụy Vũ viết nhiều cũng như bốn nhà văn nữ thời danh lúc đó mà báo Văn đã thực hiện số đặc biệt về năm nhà văn nữ đương được ưa chuộng: Túy Hồng, Trùng Dương, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ[3]. Không ai có thời giờ đọc hết tác phẩm của một nhà văn nào viết hơn chục quyển truyện dài, trừ phi muốn làm luận văn Cao Học (Thạc Sĩ) hay luận án Tiến Sĩ hoặc viết về sinh hoạt văn học của một thời Miền Nam sung mãn. Tôi chắc chắn như vậy. Càng xa thời gian tác phẩm xuất hiện người đọc càng có khuynh hướng đọc để biết hơn là thưởng thức và đồng cảm với những vấn đề ‘đương đại’ mà tác giả lấy làm bối cảnh. Đọc để biết thì vài tác phẩm là đủ. Ngày xưa chúng tôi thông cảm với những nhân vật có lời nói và cử chí rất ba búa trong truyện ngắn Đàn Kiến Lửa [4], cũng xót xa cho nhân vật Loan trong truyện Mèo Đêm [5] vì nghĩ rằng thời chiến tranh thì biết bao nhiêu chuyện xảy ra, cách nầy hay cách khác. Người dân quê thì Đàn Kiến Lửa phản ảnh, đàn bà thành thị nghèo khổ thất thế thì phản ảnh trong Mèo Đêm, phụ nữ trí thức thành thị thì tiêu biểu bằng cô Thơ trong Bóng Mát Trên Đường. Nhân vật ngoài đời nhảy vào truyện của Thụy Vũ rất thực và rất kiên cường, kiên cường như người khai sanh ra họ, đã mỉm cười với Nghiệt Ngã suốt từ ngày ấy đến giờ. Điều nầy thấy rõ nét khi Thụy Vũ than về cái nghèo của nhân vật xưng tôi trong truyện ngắn rất gần năm 1975 là Nghề Mới [6] mà ai đọc cũng thấy rằng Thụy Vũ qua nhân vật nói về mình: Năm Giáp Dần này, tôi xui tận cùng tận mạng, ngóc đầu không nổi, chổi đầu không lên, chạy chọt miếng ăn cho cả nhà là cả một việc mệt cầm canh, mệt tóe phở. Đã vậy, tôi cứ đau ốm quặt quẹo luôn. Lũ con thì hễ thấy tôi có đồng vô đồng ra là thay phiên nhau đau bịnh… hay nói về những cuộc đời làng nhàng, đầy thất bại của những người con gái bạn với nhân vật xưng tôi trong truyện Loài Rau Hoang Dại[7]. (Nhân vật xưng tôi không nhứt thiết là tác giả, nhưng trong mấy truyện ngắn vừa nêu sự đồng hóa nầy đa phần là có thể. Xin nhường vấn đề nầy cho người nghiên cứu chuyên sâu về nhà văn Thụy Vũ.)

Khi viết những dòng nầy tôi nhớ đến bịnh tình đeo đẳng chị khi biến khi hiện, Thụy Vũ làm hòa với nó - làm hòa với nghĩa khinh bạt, xem thường, bỏ đó chẳng cần để ý làm gì cho mệt - bằng những nụ cười, bằng các thời kinh, bằng niềm thanh thản hằng ngày kể cả thanh thản đối đầu với ngày cuối khi mới đây chị nói với người chụp ảnh mình bằng câu nói thản nhiên: Để Thờ. Ôi sao mà giống y chang với ý của mấy câu thơ : Sống chết không làm thắt ruột gan… Có thể ngày mai chửa biết chừng [8].

Thụy Vũ, nhà văn biết sống hết cuộc đời mình một cách có ý thức mà không phải ai cũng có được. Tôi kính phục chị!

___________

CHÚ THÍCH


[1] Nhất và Ba: Túy Hồng, Nhã Ca

[2] Tạp chí Bách Khoa, 168, tháng 06, 1964, trang 71-80

[3] Tạp chí Văn số Đặc Biệt về năm nhà văn nữ.

[4] https://nguoitinhhuvo.wordpress.com/2014/09/12/dan-kien-lua-truyen-ngan-nguyen-thi-thuy-vu/

[5] Bách Khoa T. Đ. số 214.

[6] Bách Khoa số 416, trang 61-69

[7] Bách Khoa số 411, trang 61-68

[8] Tô Thùy Yên, Anh Hùng Tận.