Truyện thơ Bạch Viên Tôn Các

Trích đoạn 4. Tôn Các lạc giữa rừng, Bạch viên sai người đến cứu.

Đoạn nầy nói chuyện Tôn Các đi xuyên qua một khu rừng trong khi nhóm Bạch Viên vui chơi gần đó. Tôn Các nghe tiếng người thì cố tới gần nhưng trogn rừng già trời xụp tối mau, không còn thấy đướng sá gì nữa. Bạch Viên (như có phép mầu) biết Tôn Các mắc kẹt trong rừng đêm hôm nên sai tì nữ đến dẫn về.

Tâm lý nhân vật Tôn Các lúc nầy là người trong trạng thái lo sợ nên khi nghe tiếng cười nói hát hò của nữ nhân thì lo sợ nghĩ rằng là của ma quái đến khi được gặp người thì quýnh quáng, hứa hẹn đủ điều là sẽ trả ơn sau nầy.

Người nữ tì có thể rất vui tánh nên nói chuyện đó tính sau, bây giờ về chỗ của chúng tôi..

Bạch Viên trong khi chờ đợi gặp Tôn Các thì bâng khuâng mặt ngọc khó ngơ lòng vàng. Tôn Các là một khách thư hương? Cũng có thể duyên trời đã định và Bạch Viên biết điều đó.

Đoạn văn nầy khó hiểu nhứt trong toàn truyện nên người sửa lại bổn cũ để có bản quốc ngữ đã biến cải hơi nhiều cho dễ hiểu đối với người bình dân. Sự sửa đổi tạo nên một phiên bản mới có giá trị phục vụ một giới riêng trong một giai đoạn nào đó nhất định nhưng đồng thời làm mất đi nguyên bản xưa của tác phẩm. Dầu sửa đổi cẩn thận thế nào đi nữa cũng không tránh khỏi sự chủ quan. Nhà nghiên cứu cổ văn Kiều Thu Hoạch khi viết lời dẫn cho cuốn phiên âm truyện Ngọc Kiều Lê do Trần Văn Giáp chấp bút đã nói rất chính xác: ... chẳng qua là sự sửa văn tuỳ tiện theo hứng thú thẩm mĩ riêng của người hiệu đính mà thôi.

Chúng tôi chỉ làm việc phiên âm và giới thiệu, không dám làm chuyện hiệu đính,thỉnh thoảng lắm mới đề nghị sửa một vài ba chữ chắc rằng khắc lộn, khắc sai, chẳng hề dám vì câu văn dở, khó hiểu, lạc vận mà đề nghị nầy nọ.

Bản văn xưa có cái bí mật của nó. Trong một đoạn nào khó hiểu cũng có thể chứa đựng những viên ngọc xưa bằng từ ngữ, bằng cách nói, lời văn, không thể vì ta không thấy được điều bí mật, không có mắt nhìn ra viên ngọc cũ mà chê bai , liệng sách xuống hay sửa nầy sửa nọ…

Bạch Viên đương lúc thừa nhàn,
Thầy tớ một đoàn hứng cảnh Hành sơn.
Theo hầu mươi đứa dã nhơn,
Tưng bừng rập trỗi Hành sơn ca nhiều.
Sanh nghe trong núi dập dìu,
Kẻ ca người hát tiếng nhiều lao xao.
Trông chừng qua lãnh non cao.
Phút đâu trời tối biết sao trốn đào.
Một mình thơ thẩn ra vào,
Biết đâu tá túc phương nào tạm an.
Bạch Viên bãi tiệc[1] ca xang.
Tai nghe có tiếng thở than rõ ràng[2].
Tối tăm giữa núi lâm toàn,
‘Phải ta chẳng cứu[3] ắt chàng thác oan’.
Nữ đồng kíp tới vân san[4],
Rước cho đặng gã hỏi han tiếp vời[5].’
5a. Tiểu thơ[6] cúi: ‘Dám vâng lời[7],’
Vội vàng tăm tối chưn dời[8] bước ra,
Quen chừng[9] ngả ngớn hát la,
Tôn Sanh nghe tiếng gần ta nữ hình.
Tôn sanh ái một ngay tình[10].
Đàn bà đâu dám một mình rừng xanh.
Reo cười ngả ngớn như tinh.
Tôn Sanh hồn phách thất kinh rụng rời.
Nữ nhi tới hỏi mọi lời:
‘Chàng sao tăm tối lạc vời tới đây.
Không kiêng ác thú tượng tây,
Tội chi đày tới bỏ thây rừng già.
Muốn cho một lẽ thuận hòa,
Tánh danh quê quán cửa nhà phân qua.’
Sanh rằng[11] lời mới nói ra:
‘Tôi người sĩ tiện phương xa ứng kỳ.
Qua truông[12] chẳng dám diên trì,
Chang chang trời nắng[13] tối thì không hay!
Gặp nàng may đã quá may,
Chỉ đường làm nghĩa tôi nay đến cùng[14].
Đưa ra khỏi núi lâm tùng[15],
Kiếm nơi thôn lý tạm cùng dã dân.
5b. Sau dầu gặp hội phong vân[16],
Về đây tôi hỡi báo ân cho người[17].
Tiểu thơ nghe nói mỉm cười[18],
‘Tôi xin rước người trở lại lầu son.
Kẻo còn tăm tối trong non,
Nhà ai chẳng có dặm còn xa xuôi.
Đó đà có dạ đãi buôi[19].
Đem tôi về với quê xưa nương mình[20].
Giả chơn nhắm chẳng thấu tình[21],
Nếu không theo đó ắt mình bơ vơ[22].’
Bạch Viên nghe nói khách thơ,
Bâng khuâng mặt ngọc khó ngơ lòng vàng.
Thiếp đà có chí đợi chàng,
Nên sai tì nữ một nàng hỏi han[23].
Tiểu về thưa trước phòng loan,
Rước đà đặng khách thư trang đem về.

_______________

[1] Tiệc, BN viết bằng tuyệt, giọng Nam.

[2] BN rất lộn xộn câu nầy: Tai nghe có thở than người kêu la. Tạm xếp và sửa lại như trên.

[3] Phải ta chẳng cứu: Phải mà ta chẳng cứu, nếu ta chẳng cứu.

[4] Lời sai nữ tì.

[5] Hai chữ tiếp với không rõ nghĩa nên bản QN thay bằng đôi lời.

[6] Tiểu thơ ở đây là cách gọi khác của nữ đồng.

[7] Tạm chấm câu như vậy. Cúi: Cúi đầu tỏ ý vâng lời. Dám vâng lời: Lời thưa kính trọng như ta nó dám vâng, dám thưa, gám gởi…

[8] Chưn dời: dời chưn, chữ chưng viết bằng chưng, giọng Nam lại viết đơn nên khó đọc.

[9] Quen chừng: Quen cách thế cũ.

[10] Ái một ngay tình: Rất là ngay tình, thích việc gì rõ ràng.

[11] Chữ rằng nầy phải là chữ bèn thì hay biết mấy.

[12] Vì BN mờ hết, không thấy nên đọc tạm truông.

[13] Chang chang trời nắng: Nắng nhiều, giờ trưa. Chữ chang chang khó tìm thấy trong thơ…

[14] Đến cùng: đây hiểu là đến chỗ được chỉ. Chữ đến viết bằng đán, nhưng sai nét.

[15] Lâm tùng: Rừng tòng.

[16] Cả câu: Sau nầy nếu mà tôi thi đậu. Dầu, nghĩa xưa là nếu mà. Gặp hội phong vân tức gặp hoàn cảnh thuận lợi, như cọp gặp gió, rồng gặp mây. Đây chỉ việc đậu cao.

[17] Câu nầy nói ra chẳng hay chút nào.

[18] Đọc miệng cười cũng được.

[19] Có dạ đãi buôi: Có lòng trả ơn. HTC, Đãi buôi: Hay chiêu đãi, hay vừa lòng kẻ khác, hay làm môi miếng, ăn nó bô lô ba la, không làm cao cách. Ngày nay chữ đãi buôi mang nghĩa lời nói môi miếng, nghĩa chiêu đãi đã mất.

[20] Câu nầy rất lạ như một lời đùa cợt cũng là lời hứa hẹn về sau giữa trai và gái.

[21] Bây giờ thì chuyện thiệt hư về sau không thể biết được.

[22] BN mờ quá mượn hai chữ của bản QN

[23] Bốn câu: Thái độ của Bạch Viên trong khi chờ đợi người đến.