Văn Bia, Người ký giả dễ mến

Nguyễn Văn Sâm

Ký giả Văn Bia mới qua đời vài hôm trước (Juin 08, 2021) vì bệnh già, tại thành phố Charlotte, tiểu bang Nord Carolina, nơi ông cư ngụ mấy chục năm nay. Ông thọ 93 tuổi (1929-2021), là một ký giả kỳ cựu của làng báo Sàigòn từ những năm 1946, 47 với vai trò lấy tin tức từ những cơ quan cảnh sát Quận về những chuyện trộm cướp, tai nạn, tự tử, đâm chém, nhà cháy, đánh ghen, cờ bạc bị tóm... mà báo lúc ấy để dưới tiêu đề Từ Thành Đến Tỉnh - nhưng tiếng ngoài dân gian bình dân kêu là Tin Xe Cán Chó. Những tin nầy đối với chúng ta ngày nay thiệt là bình thường nhưng lúc đó rất được nhiều người ưa thích, nhứt là nếu có tin báo về một cô nào đó dầu còn trẻ đẹp, có chồng cũng vào bực trung lưu, nhưng thua tài xỉu hết tiền, túng cùng quá phải nhảy cầu Bình Lợi tự tử. Tin viết ngắn gọn theo chuẩn của chủ báo nhưng cũng đủ làm bài học để tránh xa nạn cờ bạc ác ôn nầy.

Ông thường nói với tôi, trong tiếng cười nhẹ, đại ý là: Lúc đó mình còn quá trẻ, nhờ biết chút ít tiếng Tây nên dễ moi tin từ Ty Cảnh Sát các quận ở Sàigòn-Chợlớn, nhứt là Quận Ba quen nhiều và có nhiều tin (Commissariat De Police 3è Arrondissement). Những năm đó các cơ quan Cảnh sát đô thành đều do Tây điều khiển dưới là các biện Chà có quốc tịch Pháp. Tin bán cho một lượt nhiều báo, mỗi báo một số tin riêng và vài tin chung, như vậy họ mới chịu. Giá không cao nhưng cũng đủ sống dư dả của người mới lớn bước đầu náu nương ở thành phố mà không nhờ cậy gia đình. Tôi quê ở Bình Dương, ông trầm ngâm, lên Sàigòn mà, phải bươn chải… Tôi không có ý tiến thân bằng nghề làm báo nên khi có hoàn cảnh thì lơ là với chuyện đi tìm kiếm, moi lục tin tức như khi mới bước chơn vô đời.

Người viết bài nầy lúc nhỏ, nhớ là từ 9 tới 14 tuổi ở Sàigòn, các sạp báo đều cho coi cọp, còn nhớ mục của ký giả Văn Bia chạy dài 8 cột ở cuối trang nhứt, có tên Văn Bia đàng hoàng, mục nầy thiên hạ thường coi trước rồi mới tới tranh hí họa bàn đề 40 con, nên đánh con gì cho cuộc xổ chiều hôm đó ở Đại Thế Giới (trên đường Trần Hưng Đạo, Chợ Lớn ngày nay) và Kim Chung (khu Dân Sinh đường Yersin bây giờ)…

Tôi quen với anh Văn Bia độ chừng ba chục năm nay khi anh mở mục Vui Cười trên mạng. Tánh anh xuề xòa, đơn giản, hào phóng, chẳng biết giận ai, không bao giờ tranh hơn thiệt với ai.

Một lần, năm 2000, chúng tôi tổ chức Ra Mắt Sách tập truyện ngắn Khói Sóng Trên Sông ở Houston, ông từ xa đến sớm hơn một ngày, nói là để giúp chuẩn bị phòng ốc, máy ảnh để ghi lại nhiều hình về buổi đặc biệt đó. Ông cũng đã order một cái bánh chúc mừng nhà văn trông thiệt là bắt mắt. Ai cũng cảm động về cách hành xử đó của ông.

Khi anh đưa bản thảo cuốn Tôi Đã Gặp Thủ Tướng Ngô Đinh Diệm (có thể tôi, NVS, không nhớ chính xác cái tựa sách nầy, nhưng đại khái là như thế) nhờ tôi viết lời tựa, tôi viết và có đề nghị anh mấy điểm, chẳng hạn như phải nói nhiều hơn về ông Ngô Đình Diệm, nên khai thác các chỗ có thể giúp người đọc hiểu thêm về những bước đầu của chiến tranh quốc-cộng sau nầy. Chẳng hạn nói thêm về những trường hợp cụ thể mà dễ gây xúc động người đọc như chuyện người nữ giao liên đẹp quá, tóc dài, biết nói tiếng Pháp, dẫn đường ông đi, rồi sau đó không lâu ông nghe cô nầy đã bị bắn chết trên đường nhiệm vụ (sau nầy khi những bản in tái bản chuyện người con gái ấy được viết thêm nhiều, và có một cái tên là Ngọc Anh!). Ông trầm ngâm không nói gì nhưng chẳng có nét giận hờn như nhiều nhà văn khi được khuyên nầy khuyên nọ, nhứt là từ bạn bè nhỏ tuổi hơn.

Một lần, năm đó, chúng tôi đương ở căn nhà tạm trú của mình ở Củ Chi thì được ông gọi điện thoại báo mình sẽ ghé thăm. Rồi ông tự đến, bằng xe ôm, quần áo thể thao, hình dáng mạnh khỏe, chắc nịch, sinh khí, tiếng nói rổn rảng tươi vui. Ông khuyên chúng tôi nên tập như ông nhảy đầm nhịp điệu kết hợp vui sống với thể dục. Người nghe chấp nhận ông nói có lý nhưng biết mình không thể thực hiện được vì chưa biết nhảy đầm lấy đâu nhảy đầm phối hợp với thể dục. Tới bây giờ viết mấy dòng nầy vẫn còn nghe đâu đây trong trí tiếng nói vui thích của ông như một người tìm thấy điều gì đó đáng thưởng thức trong khi còn sống trên đời: Không phải xấu máu gì với mấy bà mấy cô nhưng đây là dịp để làm quen, để biết tâm tình của các bà partners của mình. Đứng xa không nói chuyện thân mật làm sao biết được họ suy nghĩ gì, nhiều người có đời sống nội tâm và những suy nghĩ rất đáng để ý…

Anh đến rồi anh đi, như cơn lốc, chỉ cần uống một ly nước, không cho chủ nhà mời một bữa cơm.

Tôi còn nhớ câu dứt khoát của ông: Thôi! Mất công! Rườm rà. Tôi còn có chỗ phải đi…

Nói về anh Văn Bia tôi sẽ bất công nếu không nhắc lại câu nói gần đây của anh:

Vợ chồng Nguyễn Văn Sâm qua nhà chúng tôi nha, nhà không có ai, ở đó ăn hết bao gạo rồi về. Dĩ nhiên tiếp theo sau đó là tiếng cười dòn thiệt tình của người Sàigòn rất dễ làm cho người nghe xúc động.

Tôi thường tự nói với mình, đời anh Văn Bia như là rờ tới đâu chỗ đó cũng biến thành tiền. Anh đi đâu cũng được mời vô chỗ trên trước, làm chuyện gì cũng thành công, từ lúc ở nhà tới lúc ra ngoại quốc. Phải chăng đó là do tính khí hào sảng, thân thiện, nhiệt tình với người quen kẻ lạ? Và Trời đãi lại cho người có tâm.

Đời cụ thể của ký giả Văn Bia bạn có thể biết rõ ràng trong cuốn sách được tái bản - có thêm mỗi lần - tới thứ 11 của ông: Đời một phóng viên và những ngày bên Chí sĩ Ngô Đình Diệm. Sách bây giờ tôi nghĩ là có thể do gia đình tác giả tiếp tục phát hành. Ai thích có thể liên lạc theo email của ông, vanbia@yahoo.com chắc cũng do gia đình giữ và trả lời một thời gian dài nữa khi bạn đọc còn chưa quên ông.

Anh Văn Bia! Xin anh an nghỉ! Nhiều bạn bè thương mến anh. Tôi biết chắc điều đó.