Đôi nét về văn học Công-Giáo Việt-Nam

Trong bài này chúng tôi ghi nhận lịch-sử hình thành và vài đặc điểm của văn-học công giáo xét qua sự có mặt và đóng góp cho nền văn-học chữ quốc-ngữ của một số các tác-giả Việt-Nam.

Nghiên cứu lịch-sử Việt-Nam hơn hai thế kỷ qua đã xác nhận có một nền văn-hóa công giáo và mặt khác đã có sự đóng góp của người Việt-Nam công giáo cho dân-tộc về nhiều phương diện, kể cả văn-hóa, văn-học. Chữ quốc ngữ đã xuất phát từ nhu cầu thực dụng truyền bá Tin Mừng khởi đầu được dùng trong môi trường Nhà Chung từ những thế kỷ XVII, XVIII, rồi do những tình cở và hệ lụy của địa lý, lịch-sử và chính trị, của những tham vọng thương mại, những tranh chấp, đụng độ, từ hậu bán thế kỷ XIX, đã trở thành ngôn ngữ và văn tự cho cả nước. Ngôn ngữ, văn tự qua chữ quốc ngữ được điển chế với các tự điển trong đó có sự tham gia của các tu sĩ người Việt. Mặt khác, người Tây phương đến Việt-Nam (bắt đầu với các nhà truyền giáo) đã đem đến các phương tiện in ấn theo kỹ thuật Âu Tây (in khắc gỗ, in thạch bản, với chữ in rời lúc đầu đúc ở Âu châu, v.v.) và cách tổ chức giáo dục, học đường của họ. Cơ sở, phương tiện vật chất hạ tầng tạo nền tảng thúc đẩy những phát triễn về tinh thần, tư tưởng. Nhu cầu hội nhập, tiếp thu tư tưởng không-Việt được đặt ra, với người Việt, công giáo cũng như trí thức, cả Nho lẫn tân học và dân giả. Và cuối cùng, khi các tu sĩ và giáo dân Việt-Nam nắm giữ các vai trò và chức vụ chính thức của giáo quyền và các cơ cấu tổ chức tôn giáo và giáo dục, xã hội, một nền văn-hóa công giáo đặc tính Việt-Nam, trước đó đã khởi mầm từ thế kỷ XVII trở đi, dần rõ ràng xuất hiện và ngày càng lớn mạnh, song hành với sự lớn mạnh về đức tin và truyền giáo, về số luợng cũng như phẩm tính.

Về giáo quyền, GM Gioan Baotixia Nguyễn Bá Tòng là giám mục Việt-Nam tiên khởi (11-6-1933), nhưng từ một, hai thế kỷ trước đó, các tu sĩ và giáo dân Lữ-y Đoan, Bento Thiện, Phan Văn Minh, Đặng Đức Tuấn, Huình Tịnh Paulus Của, Trương Vĩnh Ký, v.v. đã đi những bước tiên phong góp những viên gạch cho tòa nhà văn-hóa Việt-Nam cũng như công giáo Việt-Nam. Hơn nữa, trái với những gì nhiều người vẫn nghĩ, người Việt đã tham gia tích cực trong việc sáng chế ra chữ quốc ngữ: thầy giảng Bento Thiện đã viết về lịch sử nước ta từ năm 1659 bằng chữ quốc ngữ và cuốn Từ Điển Tabert ‘Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị, 1838’ là công trình của các cộng tác viên người Việt như linh mục Philippe Phan Văn Minh, tác giả Phi Năng Thi Tập 1842. Ngay từ buổi đầu theo như tài liệu văn khố, đã thấy sử dụng những hình thức văn nghệ bình dân Việt Nam, để giáo dân cảm nhận dễ dàng kinh nguyện và giáo lý đạo công giáo. Theo nhà nghiên cứu LM Georg Schuhammer, trong bài “Nền văn chương công giáo về Phanxicô Xavie tại Việt Nam” thì: “các giáo sĩ đã nghĩ đến sự cấu tạo một nền văn chương công giáo bản xứ; bằng Hoa ngữ là chữ thông dụng ở các xứ ấy (chữ Nôm) cũng như bằng La ngữ là thứ chữ mà các giáo sĩ áp dụng cho ngôn ngữ Việt Nam bằng cách thêm giọng và thêm dấu (Quốc ngữ). A-lịch-sơn Đắc Lộ, một trong những giáo sĩ sáng lập giáo hội Đàng ngoài, đã có soạn một quyển sách giảng đạo với một quyển tự vị và cũng vì người Việt Nam có thói quen vừa học vừa hát nên các thi phẩm xuất hiện rất mau chóng. Ca và kịch thường có cơ hội để được sáng tác, đặc biệt vào những ngày lễ Giáng Sinh. Các ngày đó với những cuộc lễ long trọng và máng cỏ luôn thu hút giáo dân và cả người ngoại đạo rất đông đảo đến nhà thờ...”. Sau đó, ông đã giới thiệu ba tác-giả thuộc Dòng Tên, là Girolamo Majorca , João Ketlâm (cũng gọi là João Vuang và Philiphô Rôsariô (cũng gọi là Philipê Bỉnh 1759-1832, có thể xem là một trong những nhà văn hải-ngoại đầu tiên của nền văn-học chữ quốc-ngữ).

Nếu ở các thế kỷ XVII, XVIII, giới tu sĩ Công giáo đã viết chữ Nôm nhiều hơn chữ quốc ngữ thì từ nửa cuối thế kỷ XIX, các tác giả Thiên Chúa giáo đã là những người đầu tiên tiếp nhận những hình thức diễn tả văn hóa của Tây phương, họ đi những bước khởi đầu vì họ gần gũi và theo đa số hoặc vì tiện lợi phổ thông, thực tế: thể nhật ký với Philipphê Bỉnh (Sách Sổ Sang Chép Các Việc, 1822), thể kịch nói với Tuồng Cha Minh (1881), thể ký sự với Trương Vĩnh Ký (Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi, 1876), thể truyện với Nguyễn Trọng Quản (Thầy Lazarô Phiền, 1887), thể hồi ký với Michel Tình (Chơn Cáo Tự Sự, la petite biographie de Michel Tình par lui même, 1910), thể khảo cứu về thể loại văn học với GM Hồ Ngọc Cẩn tác giả loạt bài Thi Phú Qui Pháp trên Nam Kỳ Địa Phận năm 1913, v.v.

Để rao giảng truyền bá đức tin, giáo lý, các thầy giảng, thầy cả và tu sĩ không chỉ tùy theo vào nội dung tư tưởng đạo mà còn chủ yếu vào những hình thức biểu lộ diễn tả mà cả nội dung tư tưởng tìm những cách truyền đạt đáp ứng những quy pháp tâm lý quần chúng về việc tiếp thu một tư tưởng tôn giáo xa lạ từ ngoài được đưa vào - so với tam giáo trước đó, dù ở ngoài nhưng từ địa lý lân cận á-đông và tinh thần tương đối gần gũi người Việt hơn nhiều. Chủ hướng đó tỏ lộ qua việc trước thuật sách giáo lý, mới đầu là bộ sách các truyện thánh bằng chữ nôm của giáo sĩ Majorica, sách chữ nôm về tuần thánh của thầy giảng Gio-an Thanh Minh (1588-1663), Sấm Truyền Ca (1670, chữ nôm, dịch Cựu Ước dùng tư duy ngôn-ngữ ngũ thư và bằng thơ lục bát) của linh-mục Lữ-y (Louis) Đoan, thầy giảng ở Đàng Trong lúc soạn, ngoài ra, thầy Phanxicô, một cựu hòa thượng, soạn bản kinh nguyện Cảm Tạ Cầu Hồn, Cảm Niệm Từ (Phục dĩ chí tôn). Các kinh sách, vãn, v.v. phản ảnh ngôn ngữ bình thường, phải đợi đến các sáng tác thi ca tôn giáo đậm tính chất nghệ thuật, đáng kể là ca vãn phụng vụ bình dân truyền khẩu (như Văn Đức Bà) truyện thơ ca ngợi các danh nhân và các thánh bằng chữ nôm của Gio-an Thanh Minh, Văn và tuồng của nhiều tác giả khuyết danh viết bằng chữ quốc ngữ (như truyện trường thi I-nê tử đạo văn, 563 câu thơ lục bát, và theo Võ Long Tê, đã xuất hiện vào thế kỷ XVIII , được in trong cuốn Tự Vị Latinh-Việt Tabert (1838), trong khi linh-mục Philipphê Bỉnh trước tác nhiều thể loại, trong số là Sách Sổ Sang Chép Các Việc, thánh Phi-líp Phan Văn Minh (Phi năng thi tập), Linh-mục Đặng Đức Tuấn, linh-mục Trần Lục (1825-1899) với những tác-phẩm thơ lục bát Hiếu Tự Ca 1088 câu, Nữ Tắc Thường Lễ 1016 câu, Nịch ái Vong Ân 440 câu,... Đến nửa cuối thế kỷ XIX, những Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản,... đã đóng góp những nền móng ngôn-ngữ, văn tự và thể loại gầy dựng nên một nền văn-học chữ quốc-ngữ cho cả nước!

Có thể phân biệt hai dòng văn-học công giáo: một bác học, một đại chúng; một phân biệt có tính lý thuyết để dễ dàng cho sự trình bày. Ngay từ đầu đã có một hiện tượng hội nhập văn-hóa, từ những công trình của Lữ-y Đoan, v.v. qua đầu thế kỷ XX đã có các nhóm quanh các báo Nam-kỳ Địa phận, Công Giáo Tiến Hành, Tông Đồ, Văn Bút Trần Lục, Bùi Chu, Tiếng Kêu,... rồi sau 1954 những Tinh Việt Văn Đoàn (Văn Đàn), Học hội Ra Khơi, Nhà Chúa, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Thẳng Tiến (tiếp nối của nhóm Nam Kỳ Địa Phận),... Các nhóm và cá nhân người công giáo đã tích cực tham gia, đóng góp cho học thuật và văn-hóa Việt-Nam thời hiện đại. Thời miền Nam 1954-1975, trước những trào lưu, khuynh hướng hiện sinh, vô thần, hoài nghi (Kierkergard), siêu nhân (Nìetzsche),... thì khuynh hướng xã-hội Thiên Chúa giáo (nhân vị trước 1963, dấn thân, phản kháng sau 1964, v.v.) đã như nguồn hứng cảm văn-nghệ và học thuật đóng góp tích cực cho sinh hoạt văn-hóa thời bấy giờ. Cũng trong thời chiến-tranh trước 1975, các nhóm Nam Sơn, Hành Trình, Trình Bày, Đất Nước,... dù bị ngộ nhận và chống đối từ nhiều phía, cũng đã có những đóng góp cách khác cho nền văn-học công giáo, khi giới thiệu, trình trước công luận mảng văn-học phản kháng và đấu tranh xã hội, chính trị trong đó có các tác-phẩm dịch thuật từ văn-học châu Mỹ latinh, Đông Âu, các nước không liên kết, v.v.

Họ là những giáo sư, nhà văn, học thuật, nghiên cứu văn-học, ngôn-ngữ, triết lý, lịch-sử, là những Kim Định, Đỗ Quang Chính, Cao Văn Luận, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Phương, Nguyễn Văn Trung, Lê Thành Trị, Thanh Lãng, Lê Văn Lý, Nguyễn Khắc Xuyên, Nguyễn Hưng, Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, Lê Hữu Mục, Nguyễn Văn Thọ, v.v. trong số có người đã để lại những công trình, sự nghiệp lớn hoặc thiết yếu cho bước đi của học thuật, văn-hóa!

Lưu vong ra hải ngoại, người công giáo tiếp nối sinh hoạt, đã có những tạp chí và nhóm như Dân Chúa, Tin Nhà, Định Hướng, Đường Sống, Thời Điểm Công Giáo, Sứ Điệp, Triết Đạo, Diễn Đàn Giáo Dân v.v Những năm đầu thế kỷ XXI với phương tiện điện toán và Internet, nhiều mạng lưới đã là những quán văn thơ và diễn đàn công giáo sinh hoạt song hành với các phương tiện cổ điển in ấn: Dũng Lạc, Viet Catholic, Trung tâm Nguyễn Trường Tộ,... Các nhà văn thơ đã khởi sự nghiệp trước 1975 tiếp tục sứ mạng và thêm những cây viết mới: LM Nguyễn Tầm Thường, LM Trần Cao Tường, LM Nguyễn Trung Tây, Đường Phượng Bay, Trần Văn Đoàn, Nguyễn Đăng Trúc, Trần Công Tiến, Nguyễn Văn Thành, Song Thao, Nguyễn Ngọc Ngạn, Vinh Hồ, Trần Phong Vũ, Nguyễn Ước, v.v.

Tính đại chúng đã được biểu tỏ qua các hiện tượng: văn đạo dùng tư tưởng Nho giáo truyền thống và bình dân; và sự sử dụng ngôn-ngữ bình dân chằng hạn trong các Vãn và tuồng bên cạnh việc sử dụng văn của nhà đạo, của cung sách, hạnh các Thánh, v.v. Mặt khác, giá trị nghệ thuật ở sự sử dụng những hình thức nghệ thuật quần chúng để làm cho việc trình bày, diễn tả, truyền đạt trở thành dễ nghe, thích nghe, dễ nhớ, muốn nhớ... như thơ, vè của Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Thích,... Văn nghệ đại chúng công giáo khởi từ những sinh hoạt tôn giáo theo nghi lễ và có tính cách cộng đồng như cung sách, cung kinh; hoặc theo đúng nghi lễ phụng vụ hoặc không có tính cách cộng đồng, ngoài nhà thờ: qua các hình thức vãn, vè, truyện, tuồng. Nhờ thế mà người công giáo bình thường không thể cảm thấy nếp sống đạo của mình là xa lạ với nếp sống của người Việt Nam vì đã được diễn tả, biểu lộ bằng những hình thức quen thuộc của tiếng nói nghệ thuật dân gian....

Các văn bản đạo công giáo nhưng đồng thời cũng là những tác-phẩm văn-học đại chúng còn lưu lại có thể kể như sau: Vãn Và Tuồng (nhà in Tân định, khoảng 1874-1877), I nê tử đạo vãn (đã in bằng bốn thứ tiếng quốc ngữ, La tinh, Pháp, Anh trong tự điển Taberd 1838). Vãn, thơ lục bát, và tuồng là các thể loại văn bình dân phổ biến ở Đàng Trong và đã được giới công giáo sử dụng để diễn tả hạnh các thánh, phổ thông giáo lý và cả đạo lý ảnh hưởng Nho học cũng như về các ngày lễ tôn giáo lớn trong năm. Những bài Vãn, Tuồng đã được in trong tập Vãn Và Tuồng và sau đó được in riêng, phần nào chứng tỏ những bài vãn tuồng này được phổ biến rộng rãi trong giới công giáo. Nếu về Vãn có hạnh các thánh, các nhân vật đạo đức, giáo lý, luân lý,.. thì về Tuồng, là những Ceulia đồng trinh tử đạo vãn và tuồng , Đavit thánh vương tuồng, tuồng thánh Antôn, Gioan Lều tuồng... Tuồng có tên tác giả như Trương Minh Ký được diễn công khai là Tuồng Joseph (Tuồng Joseph, tragédie tirée de l’histoire sainte par Trương Minh Ký, représentée à Cholon pour la 1re fois, le 13 Juillet, 1887, Saigon, bản in nhà Rey et Curiel, 1888). Đây là vở tuồng do một người không công giáo viết (đồ đệ của Trương Minh Ký) theo đúng thể loại tuồng cổ Việt Nam và cũng không do nhà xuất bản công giáo Tân Định ấn hành. Đến Tuồng Cha Minh (1881, thật ra gần kịch nói hơn là tuồng, văn đối thoại đã rất gần gũi với lời nói của dân giả, mới mẻ và đơn giản hơn cả câu văn đầu thế kỷ XX như văn Nam Phong sau đó vẫn chuộng lối văn biền ngẫu và cách điệu! Theo giáo sư Nguyễn Văn Trung, đó là “những bài văn đã được làm ra, do những tác giả vô danh mượn các thể văn học bình dân phổ biến ở miền Nam để diễn tả nội dung tư tưởng, tình cảm tôn giáo của mình và được giới bình dân công giáo tiếp nhận, đọc hoặc truyền miệng. Có thể nêu giả thuyết: đã có rất nhiều bài vãn, vè, tuồng, nhưng đó chỉ có một số ít được lưu truyền, những bài in đến lần thứ mười hai trong vòng vài chục năm chứng tỏ chúng được ưa thích như thế nào...”.

Người công giáo Việt-Nam với hành trang văn-hóa nguồn cội và truyền thống, đã tiếp nhận và hội nhập văn-hóa đạo Thiên Chúa; việc đã không dễ dàng khi căn bản nguồn cội đã ăn sâu thành nền, đã nên một với con người và giá trị văn-hóa này lại vẫn bị/được những thế lực chính trị sử dụng khi cần đến. Đấy có thể là một trong những lý do khiến nỗ lực Việt hóa Thánh Kinh của Sấm Truyền Ca đã bị các thừa sai tây-phương nghi ngờ, nên thay vì được in ấn thì đã phải chép tay lưu truyền hạn chế, bản thơ Nôm di chuyển nhiều lần đến phải hư nát, Si-mong Phan Văn cận diễn ra chữ quốc-ngữ chỉ ghi lại được 5135 câu. Lữ-y Đoan là một trong bốn linh mục Đàng Trong đầu tiên được thụ phong tại Kẻ Chàm (Quãng Ngãi) năm 1676, đã Việt hóa và Đông phương hóa Kinh Thánh với một tinh thần dân tộc rất cao, việc làm mà chỉ từ công đồng Vatican II (1962) mới được cho phép. Ông đã dùng những quan niệm Tam cương, Ngũ Thường của nền luân lý Á đông cũng như những thực tế và truyền thống văn hóa dân tộc để giải thích giáo lý của Kinh Thánh về vũ trụ vạn vật. Ông đã theo sát Kinh Thánh Cựu Ước nhưng đồng thời chứng tỏ có óc sáng tạo độc đáo và tầm trí tuệ hiểu Thần học cao hơn cả các vị bề trên người Pháp của ông ; ngoài việc không hiểu văn hóa Đông phương, đó có thể là lý do những người này loại Sấm Truyền Ca cho là dị đoan, sái đạo, đi lệch ra ngoài tinh thần cơ bản của Kinh Thánh. Lữ-y Đoan chứng tỏ giới linh mục, tu sĩ thời đó có tinh thần độc lập, tự chủ, tự hào về văn hóa Việt Nam, bình đẳng với các thừa sai ngoại quốc chứ không mất độc lập và bình đẳng như sau này khi thực dân Pháp đã thôn tính cả nước Việt Nam. (...). Lữ-y Đoan đã Việt hóa tên người tên địa dư của nguyên tác cũng như dịch rất văn hóa tựa Kinh Thánh Cựu Ước là Sấm Truyền Ca, Genesia là Tạo Đoan Kinh, Exodus là Lập Quốc Kinh. Hãy đọc đoạn thơ “Vào Đề” quyển I Tạo Đoan Kinh:

“Ngày ngày trước mắt chúng sinh
Chữ đời chữ đạo phân minh đôi đường
Xưa nay trong kiếp vô thường
Thấy điều vân cẩu mà thương nhơn phàm
Loài người từ thuở A-đam
Đua nhau xây dựng mộng ham làm trời
Một pho Kinh Thánh ra đời:
Chứng minh vạn đại những lời do Thiên...”.

Sấm truyền ca của Lữ-y Đoan (1670) đã sử-dụng những từ ngữ thô sơ, bây giờ vẫn còn thấy trong các sách kinh, sách đạo cũ, nên dễ có thể làm cho hiểu lầm là tiếng nhà đạo, mà thực ra kinh sách truyện đạo chỉ dùng tiếng của ngôn ngữ đương thời: Cả và (tất cả) : “Cả và mặt đất đã chìm dưới sâu” (đoạn 7); “Cả và thiên hạ nhờ đây phước lành” (đoạn 18),.... Rồi những kiểu nói trở thành thành ngữ, hoặc thuần túy Nôm, hoặc Hán Việt, đối hay không đối trong câu bốn chữ: Gần đất xa trời, Nghìn thu an nghỉ, Thiên thời địa lợi, Cứu nhân độ thế, Mưu sự tại nhân, Thế thái nhân tình, v.v.

Thế kỷ XX ghi nhận sự đóng góp của nhiều tác-giả công giáo khác, khi chữ quốc ngữ hết còn là vấn đề: Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Hồ Dzếnh (Tác Phẩm Đầu Xuân 1944), Thụy An Hoàng Dân, Quách Thoại, Phạm Đình Tân, Bàng Bá Lân, Phạm Việt Tuyền, Nhất Tuấn (Truyện Chúng Mình), Hoàng Ngọc Liên (Hình Ảnh Những Mùa Trăng,... ), Quyên Di, Lê Đình Bảng, Thảo Trường, Hồ Minh Dũng, Nguyễn Ngọc Ngạn, v.v, các linh-mục Nguyễn Văn Thích, Xuân Ly Băng, Vũ Đức Trinh, Trăng Thập Tự, Nguyễn Xuân Văn (trường thiên Sứ Điệp Tình Thương 9764 câu lục bát),... Nhìn chung, thế kỷ XX đã cung cấp cho văn học Công giáo nhiều tài năng và tác-phẩm đáng kể. Chúng ta có thể nói đến một truyền thống công giáo với các nhà văn công giáo (kể cả các vị tân tòng), với những tác-phẩm (đề tài, bối cảnh) và nghệ thuật của họ nhưng nội dung và nguồn đạo Thiên-chúa thì lại khác, và có những tác-phẩm bắt nguồn cảm hứng từ tín lý đạo Thiên Chúa dù tác-giả chúng không nhất thiết là tín đồ đạo như Trương Minh Ký cuối thế kỷ XIX cũng như những Nguyễn Viện, Nguyễn Đình Chính, Tạ Duy Anh, Đỗ Minh Tuấn, v.v. trong nước gần đây, như kiếm tìm về một nguồn tâm linh, tư tưởng đáp ứng được nhu cầu tinh thần, cảm xúc. Thật ra, có một khó khăn khi xác định đặc tính nguồn đạo Thiên Chúa qua các tác-phẩm cũng như các tác-giả, vì nhiều đặc tính đạo đã trở thành phổ quát, của cả nhân loại (công bằng, bác ái, đức tin vào một Thiên Chúa hay Thượng đế, vào đời sau, v.v.), và thứ nữa, một tác-phẩm hay một tác-giả, như Hàn Mặc Tử, nhiều nguồn cảm hứng sáng tác (Thiên Chúa, Phật, Lão,...) và đã được nhiều ‘cách nhìn’ phân tích khác nhau (triết lý, biểu tượng, lãng-mạn, siêu thực, thơ loạn,...). Đạo vĩnh cữu phải chăng là Nguyên Lý Đệ Nhất và Thiên Chúa Tối Thượng? Do đó, phân tích nguồn cảm hứng, cơ cấu con chữ, văn bản, đi sâu với văn bản có thể tránh ngộ nhận (tác-phẩm, tác-giả công giáo) và giúp ích cho các công tác hàn lâm, học thuật. Có chấp nhận đa dạng, đa nội dung ở một tác-phẩm hay tác-giả thì mới có thể có những khám phá thú vị và hữu ích. Nguồn đạo đòi hỏi tinh túy, nội dung, tạo thành truyền thống, có thể xếp vào lớp này những tác-giả Phan Văn Minh (thánh), Hàn Mặc Tử, Xuân Ly Băng, Trăng Thâïp Tự, Quyên Di, Đường Phượng Bay,... cũng như những tác-phẩm dịch thuật, phổ thơ, thánh vịnh, phổ thông hóa, v.v. như Sấm Truyền Ca của Lữ-y Đoan, Vè của Trần Lục, v.v.

Thơ là bộ môn văn-chương nghệ thuật nhất, nhất là mảng văn-học tôn giáo, đã khơi mầm từ thời khởi đầu như LM Georg Schuhammer đã đề cập và kho tàng truyện văn vần, vãn và tuồng là những bằng chứng.

Thánh Phi-líp Phan Văn Minh (1815-1853) đã để lại tác phẩm Phi năng thi tập được truyền tụng đến nay, gồm 35 bài lục bát của ngài và 93 bài ngâm vịnh xướng họa của thi đàn. Đối với thánh nhân, thơ “ca tụng lòng lân mẫn vô biên của Thiên Chúa” (Lời phi lộ phần I), thi tập là “một bổn kinh nguyện”. Như vậy, thánh nhân đã đồng hóa thi ca với lờI cầu nguyện:

Đội ơn Chúa Cả Ba Ngôi
Dựng nên muôn vật cho tôi hưởng dùng.
Chúa là vô thủy vô chung,
Thường sinh thường vượng, không cùng không sai.
Chúa là toàn đức toàn tài,
Suốt trong trời đất không ai ví tầy”
(Tạ ơn Chúa Cả Ba Ngôi).

Gia Tô Cơ đốc đấng Con Trời
đặc cách lâm phàm cứu khắp nơi
Chẳng lấy lợi danh mà tạo nghiệp,
Không dùng Vương Bá để xây đời.

(...) Dĩ nhược thắng cương minh chứng rõ:
Kiếp sau hiện hữu sống muôn đời”.

(Đấng Cứu Thế).

Linh-mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) là tác-giả các tập thơ trường thiên Việt Nam Giáo Sử Diễn Ca, Lâm Nạn Phụng Quốc Hành, cùng các bài văn tế và hịch yêu nước: Sát Tả Bình Tây Hịch, Văn Tế Các Đẳng, Văn Tế Giáo Nhơn Tử Nạn,....Ngài được xếp vào hàng Tinh Hoa Công Giáo Ái Quốc Việt Nam mà “cả cuộc đời ông là tấm gương sáng chói về tôn chỉ “độc thư cứu quốc” của người xưa”.

Trần Lục (1825-1899), tác-giả của trên 6.000 câu lục bát, song thất lục bát và thơ 4 chữ trong kho ca vè của Cụ Sáu. Những bài ca vè về Đức Maria, về Chúa “Jêsu”, về “Đức Chúa Lời Ba Ngôi” và “Lễ San-Ti”, và về Chúa Giêsu, về Thánh Anna và Thánh Gioan Kim, v.v. Thơ ca vè nói chung là dạy nên người và dạy làm Kitô hữu. Cụ Sáu dùng thi ca bình dân “Làm Truyền Thống” theo kiểu của mình để gieo rắc ánh sáng Phúc Âm.

1. Mừng Bà Thánh Anna:

“Cúi đầu lạy Thánh Anna
Phúc Người to tát người ta ai bì
Chúa làm phép lạ uyên vi
Cho người sinh đẻ trong khi đã già”.

2. Bản dạy cách lần hạt 15 người:

“Dạy về cách lần hạt chung
Là điều rất dễ mà trông ơn nhiều
Việc tẻo teo mà công to tát
Ơn như mưa giào giạt hơn mưa, v.v...”

Hiếu Tự Ca:

“Mấy lời hiếu tự nói qua
Để cho ai nấy trẻ già nhớ ơn
Làm người sống ở thế gian
Ai không đội đức cao san (sơn) nạng dầy
Nói sao cho hết cho rồi
Biết bao khí huyết tài bồi cho ta
Phần hồn thì Chúa sinh ra
Xác nầy Chúa phó mẹ cha sinh thành
Phụ tình mẫu huyết đúc hình
Cho ta toàn vẹn mà sinh làm người”.

Kho tàng ca vè của Cụ Sáu Trần Lục đa dạng về ngôn ngữ Việt Nam vào hậu bán thế XIX, một ngữ liệu về số lượng cũng như cách diễn đạt tư tưởng vừa đạo vừa Việt.

Trương Vĩnh Ký, tác-giả Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca và hàng trăm công trình biên khảo, nghị luận về ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử và văn-học, đã chứng minh là người thật sự sống đạo, đạo làm người công giáo và trước hết, làm người Việt-Nam, như chúng tôi đã có lần bàn đến : ... Cho đến khi có Cộng đồng Vatican II, người Công-giáo không Tây-phương - trong đó có người Việt Nam, vẫn luôn có mặc cảm hoặc băn khoăn sống tách khỏi nếp suy nghĩ và tâm hồn dân-tộc. Trương Vĩnh Ký, một người hiểu biết lịch-sử và nhu cầu tiến bộ xã-hội, đã vượt được thân phận “dépaysé” (xa lạ trên đất nước mình) và chứng minh người Việt có thể vừa sống đạo vừa giữ được tinh thần dân-tộc - tương quan Đạo-Đời vừa kính Chúa vừa làm người dân yêu nước - điều bất khả thể ở một nước quân-chủ nơi mà yêu nước hoặc có tinh thần dân-tộc phải là trước hết Trung-quân. Ông biết đạo Chúa đến đảo lộn một số giá trị văn-hóa truyền thống, ở những điểm nhân bản hóa, hiện-đại hóa các quan hệ xã-hội kể cả quân-thần, vua-dân (ở trong nước và hải-ngoại vẫn có những người chống đạo và chống Trương Vĩnh Ký cũng ở những điểm này)! Có thể ông nhìn thấy đạo Thiên-Chúa bị thế-lực thực-dân lợi dụng, do đó khi ông đề-cao đạo lý truyền thống dân-tộc (hay đông phương) với người đọc và dân chúng Việt Nam, để trở về nguồn, là vô tình ông đã đi ngược chiều gió - vừa của triều đình, nho sĩ, vừa của giáo-hội La Mã (nhất là các cha Dòng Đa Minh và tiếp đến là Hội Truyền giáo Paris cấm đoán việc thờ cúng tổ tiên; trong khi dòng Tên thì chấp thuận). Ông nối kết Đạo-Đời khiến đời sống tâm linh phong phú hơn và cũng có nghĩa là Trương Vĩnh Ký ý thức rằng bổn phận hiện-tại cũng quan trọng như hy-vọng ở thế-giới ngày sau. Vào thập niên 1960, ở miền Nam một nhóm trí thức Công-giáo (Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung,...) đã cổ võ người Công-giáo “tìm về dân-tộc”, một việc Trương Vĩnh Ký đã làm và làm thật từ cả thế-kỷ trước đó!...”.

Huình Tịnh Paulus Của: Ngoài công trình ngôn-ngữ Quốc âm Tự Vị, giáo khoa và các tuyển tập, ông còn viết Chuyện Giải Buồn cũng như những bài Văn Thánh Minh (628 câu thơ lục bát ) và Văn Lái Gẫm (540 câu thơ lục bát.), v.v. Những bài sau cho thấy một khía cạnh khác của con người văn-hóa thường được gọi là Paulus Của; ông là người “đem đạo vào đời” theo đường lối nhà trường, học thuật. Bài Phụ Văn Đức Tính Cha Minh:

“Hỡi ôi!
Phép Chúa khiến đổi đời,
Lẽ tử sinh khôn dò cho thấu.
Cuộc đời hay tráo chác,
Nghĩa họa phước kho giải cho ra.
Tưởng đến lòng thêm ngao ngán,
Nghe thôi dạ lại thiết tha.
Nhớ cha xưa.
Vốn nhà lương thiện,
Đức tính hiền hòa.
Lúc bé thơ đã khuất bóng tòng duân,
Bề khôn dại chỉn nhờ nơi anh chị.
Vừa khôn lớn sẽ chạnh niềm kiều tử,
Việc ở ăn còn có của mẹ cha.
Tư chất thông minh,
Học hành chẳng lo bề tấn thối.
Nết na khiêm nhượng,
Cư xử hằng giữ mực thật thà,
Dốc một lòng dưỡng tánh tu chân,
Nào chuộng công danh lợi lộc.
Nguyện hết sức an nhơn hòa chúng,
Chi màng phú quí vinh hoa.
Tích đức tu nhơn.
Lòng khắn khắn như vàng như đá.
Răn mình sửa tính,
Gương làu làu tợ ngọc tợ ngà.
Cám mến vì tận tăm báo Chúa,
Đang khi khói lửa nồng nàn,
Ắt không khỏi mắc chưng nạn tám.
Tiếc thương hay thủ nghĩa xả sinh,
Nhằm lúc muông lang lừng lẫy,
Âu đã đành lâm phải tay ba.
Ôi / Thảm bấy Nhan-hồi mạng bạc,
Lạ thay Bành-tổ tuổi xa.
Lẽ còn mất sánh dường chớp nháng,
Cuộc dinh hư khác thể gió qua.
Biết đâu là họa phước,
Một phen đổ máu vì đạo thánh;
Hay đâu nghĩa tử sinh,
Ngàn thuở trả công rạng nghĩa ta.
Hỡi ôi! Thương thay”

Saigon, le 23 Novembre 1900

Giám mục Hồ Ngọc Cẩn (1876 - 1948): Thơ văn sáng tác của Ngài đăng tải rải rác khắp các báo đạo đời, như Nam Kỳ Địa Phận, Nam Kỳ tuần báo, Vì Chúa, Sacerdos Indonensis, Đaminh bán nguyệt san, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí. Ngài còn lập nhà in Thánh Gia; nhà sách Đa Minh và là chủ biên tạp chí Đa Minh bán nguyệt san, Thời Mới,... Tác-phẩm : Ngạn ngữ kinh thư. (1915), Văn chương thi phú Annam (1919), Thánh giáo thuyết minh (1938), Tuồng bảy mối tội đầu (1922),...

Ca dao về Đức Mẹ ngài soạn cho Nghĩa Binh Thánh Thể học thuộc lòng:

“Nghĩa binh con Mẹ dấu yêu
Lắng nghe giót các điều Mẹ khuyên
Mẹ nay đau đớn buồn phiền
Vì lòng người thế đảo điên gian tà

(...) Chúng con cơ đội Nghĩa Binh
Hãy mang khí giới đi bình giặc mau
Súng gươm là sự nguyện cầu
Siêng năng chịu lễ là tàu máy bay
Misa chầu kính hằng ngày
Ấy là xe cát phá mưa giặc thù
Vua la Đức Chúa Giêsu
Tướng là đức thánh Phêrô Giáo Hoàng
Có vua quyền phép cao sang
Có quan tướng mạnh đầy tràn khôn ngoan
Chúng con hãy cứ kiên gan
Ắt là thắng trận khải hoàn chẳng sai
Tiến lên chớ có giật lùi - Amen”.

Bài Ca Tạ Ơn, người công giáo Việt-Nam nào mà không biết, và đã được phổ nhạc:

“Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa
Ngợi mừng thêm nhảy múa tâm thần
Mừng trong Chúa cả muôn dân
Mừng Vì Cứu Chuộc thi ân đền bồi
Bởi vì Chúa thương tôi tớ mọn
Đã khấng thương kén chọn cách riêng
Vậy từ nay, khắp chân thiên
Khen tôi có phúc có duyên lạ lùng
Chúa chí tôn vô cùng phép tắc
Uy danh Người vằng vặc cao quang
Thương tôi nên đã rủ ban
Ơn lành phúc cả chứa chan no đầy
Lòng thương Chúa hằng ngày che chở
Thương những người dái sợ kính tôn
Chúa hằng gìn giữ bảo tồn
Duệ miêu kế tiếp, tử tôn lưu truyền
Chúa ra tay uy quyền sức mạnh
Kẻ kiêu căng Người đánh tan tành
Truất ngôi những kẻ quyền hành
Những người khiêm nhượng Chúa dành nhắc lên
Kẻ cơ bần an tâm nghèo khó
Chúa ban ơn giầu có phủ phê
Những người phú túc no nê
Phải ra thiếu thốn bẽ xiêu nghèo nàn.
Israel thuộc ràn Thiên Chúa
Chúa dành cho vào sổ Dân riêng
Lòng thương quảng đại vô biên
Chúa hằng gìn giữ chẳng quên bao giờ
Hẳn như lời thuở xưa Chúa phán
Phán hứa cùng các đấng tổ tiên
Abraham là đấng thánh hiền
Tử tôn miêu duệ kế liên muôn đời”.

LM Sảng Đình Nguyễn Văn Thích (1891-1978), chủ nhiệm sáng lập tờ Vì Chúa (1935, ba tiếng Việt, Hán và Pháp), tác-giả Sảng Đình Thi Tập (1943), Cổ Việt Phong Dao (1968); tập đầu gồm 152 bài thơ Việt, Hán và Pháp với những thể loại vè 4 chữ, lục bát, tứ tuyệt, v.v. mà năm 2001, giáo sư Đoàn Khoách đã biên tập và thực hiện ấn hành. Ngài còn dịch vở kịch Polyeucte của Corneille thành “Tuồng Phổ Liệt”. Bài Đức Mẹ Ru Con với phong cách Việt:

“Ru Con, Con ngủ cho muồi
Như buồng nho chín trên đồi Bêlem
Ru Con Con ngủ cho êm
Ngày đông thì vắn mà đêm thì dài

(...) Ru Con Con ngủ cho yên,
Đoàn chiên lài lạc, Chúa chiên lạc lài.
Ru Con Con ngủ cho may,
Cho người mau lớn để ngày hy sinh.
Ru Con Con ngủ cho lành,
Bằng yên dưới đất, rạng danh trên trời”...

Hàn Mặc Tử lấy nguồn cảm hứng từ Kinh Thánh nhưng cũng như Lữ-y Đoan của 300 trước, ông đã sử dụng từ ngữ dân gian thông thường, đặt đúng chỗ và biến hóa thành những câu thơ có khi siêu thực, đầy ma lực, khi khác rất kinh nguyện, nhưng nói chung đều làm choáng váng người đọc: lời thơ của ông là những ngọn lửa đức tin, những ánh sáng lúc chói lòa lúc mơ hồ, nói như Trần Tuấn Kiệt : “Nhà thơ đi lọc ánh sáng để gieo vần, đơn độc đẩm mình trong suối ngọc cỏ thơm, trong niềm đau thương xô đẩy đến một thế giới trăng sao lộng lẫy. Thi ca là nguồn suối ở trên cõi siêu hình đảo lộn cả mọi suy tưởng đậm đà của tình nhân gian sầu mộng. Ở đó chỉ có linh hồn thi nhân và trân châu ngọc bích của Thượng Đế. Ở đó sự kỳ lạ được nhà thơ điểm vào óng ánh tinh khí, thực thể trơ thành huyền hoặc lý lẽ cõi đời không có đất nẩy mầm, cõi điên loạn dị thường được soi trong cặp kính của một vì Sáng Thế, được gảy bởi cung đàn thiên tiên bất tuyệt”.

Hàn Mặc Tử đã phát biểu về vai trò thi nhân: “... Đức Chúa trời tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ (éléments de la poésie), nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “ thiên thần” và loài người ta”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài Thi Sĩ ! Loài nầy là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho, rất tinh sạch (but de la poésie)...”.

Nhà văn Đặng Tiến khi viết về Đức tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử” đã xem đức tin ở Hàn là một đề tài hệ trọng và bao quát đã chứng minh “toàn tập thi phẩm Hàn Mặc Tử là một tiếng vọng của Thánh Tự”. Ông đã khai triển các nhận xét của Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, để đi đến “chứng minh là kiến trúc toàn bộ của bài thơ Hàn Mặc Tử đều vang dội lời truyền giảng của Phúc Âm”. Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Có lẽ ông là người Việt Nam ca ngợi Thánh nữ Đồng trinh Maria và Chúa Jésus bằng thơ trước nhất. Ông ca tụng đạo Giatô một giọng rất chân thành. Lần này cũng là lần đầu, thi ca Việt Nam thấy được một nguồn hứng mới”. Theo Đặng Tiến, “nếu Gái Quê là thế giới đợi chờ Điềm lạ, đợi chờ Chúa ra đời thì Đau Thương là một tâm hồn mong mỏi Ngày Chúa trở lại (...) thì Xuân như ý còn nhiều còn nhiều hình ảnh dựa theo tín lý Thiên Chúa, là mùa xuân hồi sinh” toàn bộ tác phẩm Hàn Mặc Tử như một Thánh thể kết tinh triền miên vươn tới Ánh Sáng, vươn tới Ánh hào quang chan chói ngát lưu ly. Hãy trở về Ánh Sáng.

Nhiều người đã viết về thơ Hàn Mặc Tử, ở đây, xin ghi lại dăm ý tưởng chính về khía cạnh tôn giáo và đức tin. Kinh nghiệm đau khổ sống chết của bản thân cộng với đức tin đã giúp Hàn những cảm nghiệm thống thiết:

“Ôi hồn thiêng liêng không hề chết đặng,
Làm sao hồn chẳng hiểu nghĩa vô biên
Ngày tận thế là ngày tán loạn,
Xác của hồn, hồn của xác y nguyên”

(Hồn lìa khỏi xác)

“Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt đời chưa thấu
Hồn tôi bay đến bây giờ mới đậu
Trên triều thiên ngợi sáng vạn hào quang”

(Thánh nữ đồng trinh Maria)

Thi sĩ vội nguyện cầu gội rửa kiêu căng phạm thượng có thể có nơi nhà thơ cũng là con người tội lỗi:

“Tôi van lơn thầm gọi Chúa Giê su
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối
Xin tha thứ những câu thơ tội lỗi
Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng”

(Đêm Xuân cầu nguyện)

Lòng thành tín đưa nhà thơ đến với Chúa, và trong không khí tiết lễ, Chúa đến như tiên tri được thế gian mong đợi:

“... Cả trời bỗng tiêu diêu như báu vỡ:
Nên tiếng vang thầm dội đến thâm tâm,
Mà ta ngỡ đấng tiên tri muôn thuở
Giữa đêm nay còn đứng giảng Phúc Âm.
(...) Ta há miệng cho nguồn thơm trào vọt:
Đường thơ bay sáng láng như sao sa...
Trên lụa trắng mười hai hàng chữ ngọc
Thêu như thêu rồng phượng kết tinh hoa.
Ta cao ngâm giọng vô cùng thanh thoát
Khiến châu thân rung động thể tơ trăng.
Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc
Mẹ yêu dấu liền vội đến tay nâng...
- “Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá,
Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô,
Để sớt cho cả xuân xuân thiên hạ
Hương mến yêu là lộc của lời thơ”.

(Nguồn Thơm, Xuân Như Ý)

Quan hệ không còn đơn thuần cá nhân với Trời, mà còn tỏa ra cùng cả và thiên hạ! Đức Mẹ Maria là một đề tài thường gặp trên con đường khổ nạn của Hàn Mặc Tử:

“Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân-tử ý

... Maria! Linh-hồn tôi ớn lạnh,
Run như run thần-tử thấy long-nhan,
Run như run hơi thở chạm tơ vàng...
Nhưng lòng vẫn thấm-nhuần ơn trìu-mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhânđdức, giàu muôn hộc từ-bi,
Cho tôi dâng lời cảm-tạ phò nguy
Cơn lâm-lụy vừa trải qua dưới thế.

(...) Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều-thiên ngời chói vạn hào-quang?”

(Ave Maria)

Hàn Mặc Tử sử dụng ngôn-ngữ đến tài tình lạ lẫm, tính nhạc phong phú, nhất là ở những bài đạo:

“Trí rất ngợp bởi chưng xuân hồn hậu
Đã ra đời theo lịnh của Ngôi Hai
Ôi thánh tai, thánh tai và thánh tai!
Cả trời bỗng nổi lên muôn điệu nhạc
Rất trọng vọng, rất thơm tho, man mác
Rất phương phi trên hết cả anh hoa
Xuân ra đời!
Điềm ngọc ấm như ngà,
Thơ có tuổi và chiêm bao có tích”

(Ra đời)

Nhà thơ Quách Thoại (1929-1957) bệnh tật, mệnh yểu, hy vọng rồi tuyệt vọng, nhưng đức tin vững mạnh, giúp chống chọi với gian nguy. Từng yêu vô vọng vì Như Băng người “em hồn ngưỡng vọng Chúa Trời” nên “trong tình em” cũng là “trong tim Chúa Giêsu” đành

“viết lời thơ thành lời kinh kêu gọi
Nào vơi chi sầu hận của nhân gian
Như-Băng em, xin ngó nẻo thiên đàng
Để nguy hiểm ta sống đời địa ngục
Ta chỉ sợ rồi đây nơi nhà phúc
Máu tai ương sẽ vấy tấm thân em”
,

đành chỉ xin

“Mà hôm nay ta khóc lạy than rằng
Xin chầm chậm hoàng hôn đừng vội lặn
Ôi, đau thương loài người xin hữu hạn”

(Như Băng trường tình).

Nhưng chỉ là mộng ước, vì chiều tận thế đang chực chờ:

“(...) Đau thương, đau thương dường vô kể
Liệu loài người sẽ quyết định chi đây
Văn minh rồi nguy hiểm nắm trong tay
Tưởng hy vọng ngờ đâu thành tuyệt vọng
Không! Không! tôi vẫn hãy còn trông ngóng
Chúa Trời! - Chúa Trời! - Chúa Trời! - Chúa Trời!
Cả cuộc đời không lẽ chỉ trò chơi
Ôi! ma quỷ và Thánh Thần lẫn lộn
Sáng hôm nay chiều hoang sơ hỗn độn
Đã gặp nhau cùng trong một buổi ngày
Người ra đời bèn bị chặt hai tay
Không ôm kịp lấy đầu hay trí óc
Kể vào đâu những lời than tiếng khóc
Một quả bom chỉ vài quả bom thôi
Ôi thôi rồi chủ nghĩa với xa xôi
Chỉ minh chứng một lời kinh Thánh nói
Chiều tận thế tưởng chừng như réo gọi
Rùng mình thay cho thảm cảnh cuối cùng
Rùng mình thay cho cái phút lâm chung
Ôi! mệnh hệ ai ngờ đâu mệnh hệ
Loài người nay trần truồng không Thượng Đế
Dắt nhau đi trong tiến bộ diệu kỳ
Ngày tàn rồi bóng tối đến lâm ly
Đêm u khổ vào cuộc đời tội lỗi
Đêm đã đến chiều nhân gian hấp hối
Ánh sáng ơi! khao khát đến vô cùng”

(Chiều tận thế).

Phạm Đình Tân (1913-) tác-giả tập Tiếng Thầm-Lời Thiêng (tựa của Thế Lữ, 1952, tb 1960):

“Đau Đớn là Đường lên Ánh sáng!
(...) Tự thuở nào, Người trụt xuống trần gian,
Tổ tiên xưa con cháu cả nhân hoàn,
Vì một tội mà trầm luân muôn kiếp.
(...) Đau đớn là đường lên Ánh sáng!
Chúa hiến mình làm bia bắn của Đau thương.
Tay nâng niu ôm ấp mối sầu trường,
Tim khắc khoải trong muôn nghìn cay đắng,...”

(Đau Đớn)

LM Vũ Đức Trinh (1922-1964): Các tập thơ Ánh Vàng 1956, Hương Thiêng 1956, Đuốc Trời Cao, Thục Nữ Thiên Hương, Bảo Tàng Ân Ái, Những Quả Tim Non, Mấy Áng Phong Dao (dịch sang Anh ngữ, 1957). Thơ ông mang âm hưởng thời đại thập niên 1950 là những vần tươi sáng, vui mầng, nhất là những bài “phong dao”:

“Ánh trăng lộng lẫy, tưng bừng.
Bao loài dương thế đón mừng ánh trăng!
Trời còn yêu đất hay chăng ?...
Đất thì một dạ khăng khăng yêu trời
”.

Thơ đạo ở ông cũng vậy, giọng thành kính nhưng chứa đầy tin yêu:

“Chiều xế bóng, chim ngàn tung khắp nẻo;
Các tầng mây xếp núi rộn chân trời;
Ánh hoe vàng lưu luyến chỗ xa khơi,
Trông tô điểm ngọn cây và đỉnh tháp.

... Chuông hổn hển, ngập ngừng, xong vội vã
Thúc tiếng lòng khiêm tốn nảy lên cao,
Cầu Chúa thương, Chúa đổ trận mưa rào,
Mong tắm rửa muôn hồn vương tội lỗi.
Cung oanh liệt cất vang, chào buổi tối,
Lên trăng ngà, rung chuyển ánh xinh tươi...”

(Chuông cầu nguyện)

Xuân Ly Băng (Đức Ông JB Lê Xuân Hoa 1926-) tác-giả Thơ Kinh 1956, Hương Kinh 1957, Trầm Tư, Kinh Trong Thời Gian,.., đã thường xuyên có mặt trên các tạp chí công giáo từ thập niên 1950. Thơ Xuân Ly Băng ca tụng Thiên Chúa, Đức Mẹ, cuộc đời, với lý lẽ của cảm xúc, đức tin và chữ dùng nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người. Tha thiết như những lời kêu gọi, như một đáp trả ơn trên:

“Hồn ơi!
Thắp lên hai hàng bạch lạp
Vạn nén trầm hương / Cho ta ca hát / Bài ca yêu thương.

(...) Hồn ơi! / Hay chim ơi!
Tung cao lên, cao vút đến tận trời
Nhạc say sưa trong lòng chim kính mến
Cho âm thanh đến muôn đời tuyền vẹn
Khúc trường ca tình ái diệu huyền thay...

(...) Nghĩa yêu thương ai giăng bủa khắp trời mây?”
(Tỏ tình)

Trăng Thập Tự (LM Võ Tá Khánh, 1947-) tác-giả Tâm Tình Tu Viện (1969), Điệu Buồn Học Trò (1971), Có Ai Về Cát Minh (tuyển tập Thơ 1963-2004), v.v... Qua thơ, Trăng Thập Tự đã để hồn mình nhập vào Thánh Kinh, cầu nguyện với lời thánh thiện, diễn tả sự vật và biểu hiện tâm cảm qua lăng kính của Đức Tin. Trong bài dẫn nhập tuyển tập Có Ai Về Cát Minh, Trăng Thập Tự đã cho biết về bút hiệu: “Trăng tượng trưng cho nghệ thuật, thập tự tượng trưng cho đời ta. Một bên tròn một bên vuông, tưởng chừng không sao hòa hợp được, thế nhưng khi Đức Giêsu gục đầu trên cây giá gỗ ấy thì quanh đầu Ngài tỏa ra một vòng hào quang.... Như vậy tuyên ngôn thi ca của Trăng Thập Tự đặt nền tảng trên Thánh Kinh và với ông, có giằng co giữa nghệ thuật và đời tu: “Sau bốn mươi năm nhìn lại, con thấy biểu tượng trăng trong thơ con cũng có nhiều thay đổi, có lẽ phần nào cũng nói lên được sự gặp gỡ ngày càng sâu đậm giữa hai đối cực. Thoạt đầu, nghệ thuật dường như chỉ thuần là một cám dỗ có nguy cơ đe doạ đời thánh hiến”.

“Nàng trăng hỡi thôi đừng trêu ghẹo nữa,
Kẻ tu hành xin khẩn khoản van lơn”.

Thế nhưng rồi một lúc nào đó, trăng đã thành biểu tượng của tình thương Thiên Chúa, như tấm bánh thánh bẻ ra:

“Trăng bẻ làm đôi tấm bánh đời,
Nghe tình dìu dặt, tứ chơi vơi...”.

Và hơn nữa, trăng lại cũng là chính Chúa Kitô:

“Con trăng chết rũ bêu cành
Sáng nay nó dậy hoá thành Vầng Dương.
Con trăng máu nhỏ dọc đường,
Sáng nay đơm huệ kết hường lắm hoa.
Rồi trăng cũng là chính bản thân người đầy tớ Chúa”.

Như ở cuối bài Êlia suy niệm về sứ mạng của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II :

“Con ngoảnh lại mé đồi ngó thử
Con thỏ bạch quỳ dưới chân thập tự
Hoà ánh trăng vào ánh bình minh”.

Nguyễn Tầm Thường (LM Giuse Nguyễn Trọng Tước, 1951-): Tình thơ thập giá, Mùa hoa trên thánh giá gỗ, Nước mắt và hạnh phúc, Chúa biết con cần Chúa, Đường về thượng trí, v.v. Trích đoạn về lời tận hiến:

“... Yêsu ơi Yêsu
Trong nắng thu vàng gió
Với đôi bờ vai nhỏ
Với tóc mây sầu thơ
Con xin dâng Chúa đó
Ân tình lễ yêu thương
Con xin chọn khổ giá
Thay nhẫn cưới gối hoa
Con xin chọn khổ giá
Thay chén ngà rượu quý
Con xin chọn khổ giá
Bằng cả mười ngón tay(...)”

(Gởi Chúa Giêsu).

Hay tâm sự với Chúa:

“... Rừng âm u quán trọ con một mình
Con thắc mắc nhưng không lời đáp trả
Chúa như chết, chết thật trên thập giá
Chiều âm thầm trĩu nặng một niềm thương
Nếu tiếp tục lên đường về thượng trí
Đường thì dài mà lắm quãng hồ nghi
Lắm mưa mùa sa mù nẻo tương lai
Vó ngựa này có cuồng say mãi mãi
Nhưng bỏ thầy đời con biết theo ai
Con hỏi nhỏ nghe lòng hiu quạnh quá
Đường siêu bạo ôi đường về thập giá
Chúa chẳng nhìn chẳng nói chỉ lặng thinh
Trong cô đơn con tự hỏi lòng mình
Tình chỉ đẹp khi âm thầm đau khổ
Giang tay mãi trên gác lầu chuông gỗ
Như thập giá nhện giăng phủ mặt mày
Quán trọ buồn con mỏi mệt chiều nay
Ngựa lững thững chán chường từng bước nhỏ
Thấy trước mặt một đường đời lộng gió
Con u hoài nghi ngại quá Chúa ơi”
(Chiều Bên Quán Trọ)

Bên cạnh các thi nhân khoác áo tu là những giáo dân sống đạo với thơ. Lệ Khánh (1945-), một nhà thơ nổi tiếng thời văn-học miền Nam trước 1975, đã xuất bản 7 tập Em Là Gái Trời Bắt Xấu (1963-), ngoài ra còn những tập Vòng Tay Nào Cho Em 1966, Nói Với Người Yêu 1966. Bà đã có những bài hướng về Thiên Chúa:

“Ngày xưa xin Chúa một điều:
Chúng con mong nhận thật nhiều tình nhau.
Cứ gì pháo đỏ trầu cau,
Mới nên nghĩa nặng tình sâu cả đời.
Chỉ xin được Chúa nhậm lời,
Chúng con thề sẽ suốt đời yêu nhau.
Nhưng rồi Chúa ở trên cao,
Lời thề ai đã bay vào hư không.”

(Nguyện cầu)

“Con ngợi ca Thiên Chúa đến vô cùng
Vinh danh Chúa không bao giờ sao lãng
Dù núi Sọ gập ghềnh con chẳng quản
Nguyện một lòng thờ lạy Chúa toàn năng”.

(Ngợi ca Chúa, 1991)

Thơ Trần Vạn Giã có lời dâng, lời cầu, với Thiên Chúa:

“Chúa ơi trong đời tạm này
Con như một chiếc lá bay xuống đường
Trải qua gành thác, tai ương
Trải qua bao nỗi đoạn trường, trải qua
Lời dâng trong bản Thánh ca
Sông còn có khúc huống là đời con
Dù cho nước chảy đá mòn
Tình yêu Thiên Chúa vẫn còn trong thơ
Mai sau cũng như bây giờ
Cầu xin con tới được bờ tình yêu”

(Lời dâng, 1959)

Thơ Cao Huy Hoàng (1956-) là thơ của một đức tin vật lộn với thực tế đời thường, thơ của những ơn gọi sống thánh thiện giữa lòng đời ô trọc nhiều thử thách:

“Bụi hồng còn vướng gót chân
Dẫu là hơi thở có ngần ấy thôi
Người về hỏi lại lòng ơi
Còn bao mộng ước cuộc đời phù du?
Trái tim chưa thoát ngục tù
Vòng vây gai kẽm: khúc ru dịu dàng?
Thời gian mây nắng chia tan
Kiếp người một thoáng võ vàng tàn vong
Bên kia cơn lốc bụi hồng
Có không một cõi phiêu bồng thiên thu
Hay chăng tiếng búa tình thù
Đóng đinh tội trộm xác phu thê người
Người về khẻ gọi lòng ơi
Trời ơi lòng đã qua đời từ lâu
Cõi lòng rữa dưới vực sâu
Trần truồng nhoi nhúc giữa lầu nguyệt hoa
Bên đời âm động thu ba
Vỡ tràn thành tiếng rên la nghìn trùng
Xót mình bất tín bất trung
Vực sâu thăm thẳm mịt mùng thương đau
Ngửa tay xin tiếng kinh cầu...”

(Ngửa tay xin tiếng kinh cầu)

Về văn xuôi, tính chất đạo nhẹ nhàng hơn về tính nghệ thuật, văn-chương, nhưng biểu tỏ hoặc qua nội dung hoặc qua thành quả đóng góp cho văn học, học thuật nói chung. Hãy đọc văn Bento Thiện và GM Hồ Ngọc Cẩn để biết văn phong, bút pháp và chữ dùng thời các ngài. Văn Bento Thiện của thời 1659:

“... Cả và thiên hạ năm mươi mốt phủ, một trăm bẩy mươi hai huyện, bốn mươi tám chu, bẩy nghĩa chia trăm tám mươi bẩy xã. Nước Annam đi bề dọc từ Kẻ Quảng cho giáp cõi Đại Minh, đi bộ năm mươi ngày. Bên ngang từ biển đến rừng đi hai mươi ngày.

Thói nước, trong nhà thì thờ Tiên sư, là dạy học các nghề nghiệp gì, thì có Tiên sư thay thảy.

Bếp thì thờ Táo quân, gọi là Vua bếp. Nó lấy chồng trước thì sa vào lửa mà chết, nó lại lấy chồng sau mà lòng còn thương nghĩa chồng trước, thì chồng sau đi xem nơi lỗ xưa, thì mình cũng sa xuống mà chết. Chồng sau thấy vợ chết, thì cũng gieo mình xuống mà chết, thì ba người vào một lỗ ấy; thì người ta nói bày đặt rằng: ấy là Vua bếp, thì phải cậy cho làm mọi việc nên...”.

GM Hồ Ngọc Cẩn qua bài Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo: “Đấng Tạo hóa cho con người một thiên cơ xảo gài máy nhơn tâm, ấy là cái lưỡi mềm giữa hàm răng cứng. Tính coi một miếng thịt ngó chẳng bao lăm mà mấy hòn cân nhấc lên cũng không nổi. Ngó trùi trùi không mài ma sát, biết bao nhiêu mạng cũng chém như không. Coi nhỏ nhỏ tưởng vắn mà dài, dẫu mấy dặm đàng phóng đưa cũng thấu. Nằm núp cửa hang chật hẹp, hai hàng cừ đóng tựa thảo lang; ngo ngoe một chỗ tối mù, liếc dao găm độc hơn vuốt hổ. Bởi vậy thiên hạ có ca rằng: Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Đường tắc đường rì, đường bát đường cạy, đường Nam Bắc Đông Tây, đường thượng hạ tả hữu, thì lưỡi cũng uốn theo được hết, nghĩa là uốn xuôi cũng được, uốn ngược cũng xong, uốn dữ cũng lanh, uốn lành cũng lạ.

“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo
Khen ngạn đời đã khéo ngâm nga,
Gẫm coi quanh khắp sơn hà...
Không chi lắt léo cho qua miệng người.
Khoanh mình giấu ẩn một nơi,
Giết người có thủa, bán trời đòi phen
Dầu chua ngọt, dầu trắng đen,
Ngược suôi tự tại, chê khen cũng mình.
Nhớ lời Tuân Tử đinh ninh:
Gươm chém dễ lành, lưỡi cắt khó tiêu.
Khuyên người nghe luận mấy điều,
Kíp lo sửa lưỡi, chớ liều uổng oan.
Nhớ câu: bế khẩu thâm tàng,
Mình đà khỏi rối, người vàng được yên”.

Chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu khi phê bình văn thơ ngài, nhất là bài Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, đã kết rằng: “Thật là một lối văn chém sắt chặt đanh vậy”.

Nhưng văn xuôi tiểu thuyết thì Nguyễn Trọng Quản là tác-giả đầu tiên theo ảnh hưởng Âu Tây Thầy Lazarô Phiền trong đó ý tưởng đức tin đạo Thiên Chúa cùng những ý niệm sám hối, ăn năn. Truyện Thầy Lazarô Phiền cho thấy tác giả chịu nhiều ảnh hưởng của tiểu thuyết Âu tây, kể cả cách diễn tả tiếng Việt. Nội dung phân tích tâm lý, tả đời sống nội tâm, sự hối hận - một loại tiểu thuyết tâm lý. Kỹ thuật kết cấu và thắt mở câu chuyện lúc đó hãy còn xa lạ với người đọc. Các nhân vật lại chỉ là những người thường mà không phải là những anh hùng liệt nữ. Tác giả tin tưởng và đề cao một số lý tưởng văn hóa đạo đức căn bản của thời đại, tin ở một trật tự và tin ở lương tâm con người. Truyện được mở đầu như sau:

“Ai xuống Bà-rịa, mà có đi ngang qua đất thánh ở trong Cát tại làng Phước-lễ, thì tôi xin bước vô đất thánh ấy, kiếm cái mồ có cây thánh giá bằng ván, sơn nửa đen nửa trắng, gần một bên nhà thờ những kẻ Tử-đạo mà thăm mồ ấy kẻo tội nghiệp! Vì đã hai năm nay không ai thăm viếng, không ai màng ngó tới.

“Mồ đó là mồ một thầy đã chịu lương tâm mình cắn rứt đã mười năm, bây giờ mới đặng nằm an nơi ấy.

(...) tôi có bịnh tức đã hai năm nay; song tôi tưởng đi cũng vô ích, vì tôi biết tôi không còn sống đặng hơn nửa tháng nữa đâu.” Tôi nghe lời ấy, thì tôi nói rằng: “Xin thầy đừng nói làm vậy. Chúa lòng lành vô cùng người thường làm phép lạ hoài, nên thầy đừng có ngã lòng nản chí, ít ngày đây thầy sẽ lành.” Thầy tu ấy lắc đầu mà nói rằng: “Thầy ôi ! Phải thầy biết tội tôi thì thầy không muốn cho tôi sống làm chi...” Nói chưa dức lời thầy lấy tay che mặt mà khóc ròng. Tôi thấy vậy mới nói cùng thầy rằng: Dầu mà tội thầy nặng thể nào thì Chúa cũng đã tha cho thầy rồi: vì thầy chịu cực cũng đã đủ cho nên xin thầy chớ muốn chết làm chi, vì thầy còn thuộc về những người phải dạy những kẻ chưa biết đạo Chúa; nên thầy phải sống mà đem những kẻ ấy vào đàng ngay.” Thầy tu nghe tôi nói như vậy mới cất đầu lên chùi nước mắt mà nhìn tôi...”.

Văn bản tiểu-thuyết văn xuôi đầu tiên bằng chữ quốc-ngữ này kể một câu chuyện tình tiết tâm lý éo le nhưng lại được đặt trong khung cảnh nhà tu và đất thánh nơi có “nhà thờ những kẻ Tử-đạo tại Bàrịa là nhà thờ nhỏ cất nơi mồ chôn xương những kẻ chịu đốt tại Bàrịa. Trong nhà thờ ấy, ở giữa có một cái mồ nơi đầu mồ có một cái bàn thờ, nơi mồ ấy thì có sáu câu như vầy:

“Ba trăm bổn đạo xác nằm đây
Những trông sống lại hưởng phước đầy
Vì chúa tù lao dư ba tháng,
Cam lòng chịu đốt chết chỗ nầy,
Lập mồ táng chung vào một huyệt,
Giáo nhơn coi đó nhớ hằng ngày”.

Với những nhân vật nhà tu và ngôn-ngữ liên hệ do đó có thể đã bị tưởng là chuyện nhà thờ. Tiếng Việt bị gán là tiếng “nhà thờ” đó thực ra là tiếng Việt của thời đó! Chính Phan Khôi, một trí thức không công giáo khi làm báo (Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, v.v.) và dịch kinh sách hội Tin lành ở Sài-Gòn, đã hơn một lần quả quyết nhận xét rằng “Chữ quốc ngữ hồi đầu chỉ có tín đồ đạo Thiên Chúa dùng mà thôi. Họ lấy nó mà dịch kinh, dịch sách rồi đem dạy trong các nhà trường của họ. Sự đó suốt từ Bắc chí Nam như nhau, không khác. Nghĩa là trong dân Annam thì người có đạo Thiên Chúa dùng chữ quốc ngữ trước hết thảy. Mà họ lại dùng theo y một lối; Bắc phải theo sự đúng của Nam, Nam phải theo sự đúng của Bắc, từ đó cho đến bây giờ.... Tôi muốn nói xứ Nam Kỳ là thầy dạy chữ quốc ngữ cho cả và dân Annam cũng không phải là quá đáng... Mà là thầy thiệt. Hồi đó có hai ông đại sư về quốc ngữ, là ông Trương Vĩnh Ký và ông Paulus Của, tức là Huỳnh Tịnh Trai. Vì mỗi ông có làm ra một bộ tự vị tiếng Annam. Các ông cũng là học trường bên Đạo mà ra, cho nên các ông viết chữ quốc ngữ y như người bên Đạo, nghĩa là viết đúng”.

Phan Khôi cũng đã có lần chứng minh “Kinh thánh có quan hệ với văn-học ngày nay”, và khuyên “văn quốc ngữ ta cũng nên dùng chữ Kinh thánh vào. Làm như vậy thì tiếng mình được dồi dào thêm, chớ có hại gì đâu...”.

Nay xin xét qua một số tác-giả công giáo thời hiện đại. Thụy An Hoàng Dân trong Một Linh Hồn (1940) kể chuyện tình yêu rất đẹp nhưng đổ vỡ vì ngang trái gia đình, vì đạo đức thanh giáo (mẹ cô gái sống nghề bị xã-hội xem là xấu xa), đưa đến cái chết của cô gái và cuộc sống còn lại của người nam trong hối hận ăn năn phải tìm đến nhà Chúa. Hoàn cảnh khác nhưng cùng chủ đề sám hối như Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản thế ký XIX.

Nguyễn Thạch Kiên (1926-) tác-giả các tiểu-thuyết lý tưởng Hương Lan (1947), Màu Hoa Phượng (1959), Mái Tóc Huyền (1970), và gần đây, tập hồi ức tình cảm xã-hội Búp Xuân Đầu (2004). Nguyễn Duy Diễn (1920-1965) ký bút hiệu Phương Khanh (1953), tác-giả Những Ngày Đẫm Máu là cuốn tiểu thuyết đầu tiên về các Thánh Tử đạo Việt Nam. LM Petrus Vũ Đình Trác đã là tác-giả của tiểu-thuyết lý tưởng Đời Anh (1959) và tập thơ Đắc Đạo Thi Nhân (1960) trước khi xuất bản những tham luận triết học và văn-hóa. Phạm Đình Tân ngoài thơ và khảo cứu, còn là tác-giả truyện Duy Đức học-sinh trinh-thám, tiểu thuyết giáo dục (Văn Đàn, 1966). LM Nguyễn Duy Tôn tác-giả các tiểu-thuyết tôn giáo và tình cảm Trái Cam Máu 1959, Hai Tâm Hồn 1959, v.v.

Bùi Hoàng Thư tác-giả nhiều tiểu-thuyết tình cảm, xã-hội vào thập niên 1960 ở miền Nam : Sống Cho Nhau, Ảo Ảnh, Nàng, v.v. Nhân vật ông trẻ, sống vội. Trong khi đó, nhà văn Thảo Trường để các nhân vật của mình dấn thân sống đạo giữa đời, ngay cả trên bãi chiến trường, với những Thử Lửa (1962), Chạy Trốn (1965), Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Th. Trâm (1969), Bên Trong (1969), Ngọn Đèn (1970), Mé Nước (1971), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Bên Đường Rầy Xe Lửa (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Lá Xanh (1972), Cát (1974) và sau khi ông tái định cư ở Hoa-kỳ năm 1993, đã xuất-bản Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (1995), Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2005) và mới nhất, cuốn truyện dài Thềm Đá Xanh Rêu (2007) - trong các tác-phẩm mới này, đời sống tâm linh được chú tâm hơn và một cái nhìn khác về sống đạo ở đất người (Hoa-kỳ).

Hà Thúc Sinh ngoài thơ, nhạc, còn là tác-giả Đại Học Máu (1985) hồi ký tù ‘cải tạo’ nổi tiếng về tính văn chương và nhiều truyện dài ngắn cũng như tuyển tập truyện, kịch và thơ Tống Biệt Hai Mươi (1999),... Quyên Di chủ biên tạp chí Tuổi Hoa và tác-giả nhiều truyện và tiểu-thuyết giáo dục, hướng thượng từ trước 1975: Tuổi Trăng Tròn, Cánh Phượng Rơi, Tuổi Ươm Mơ, Chuông Đêm,... cho đến thời hải ngoại Hoa Hồng Nhà Kín (1995).

Đường Phượng Bay một thời nổi ở ngoài nước với các tiểu-thuyết tình cảm xảy ra ở các họ đạo và các nhân vật chính thuộc giới tu hành: Mây Vẫn Nhớ Ngàn (1984), Yêu Màu Áo Đen 1989, Qua Cửa Thần Phù 1989, Tạm Biệt Rừng Hoa (1990). Mây Vẫn Nhớ Ngàn còn đựợc biết với tựa đề Vì Tôi Là Linh Mục, là một chuyện tình đẹp nhưng buồn thảm của Cha Thảo và cô Nga. Đoạn kết : “... Thảo bỗng ngước lên tháp ngôi nhà nguyện phía bên phải, cây thập giá gỗ sơn trắng vươn lên bầu trời mờ đục tự nhiên làm chàng lóa cả mắt. Ô hay, sao hôm nay bóng cây thập tự lại hùng vĩ khác thường thế kia! Thảo mở to đôi mắt: Không, vẫn là cây gỗ mọi ngày. Nhưng sao giờ đây như đang phóng ra những luồng điện siêu tần làm rúng động đầu óc chàng thế này? Chàng bỗng thấy rõ ràng tinh thần trở nên sảng khoái tươi tỉnh, như vừa giật mình thức giấc sau một cơn mê loạn đắm chìm. Giác quan chàng tự nhiên thông suốt, như cảm, như thấy, như nghe được tiếng nói dịu dàng của cả sỏi cát, cỏ cây. Chàng hít một hơi dài để làn khi mát nhập đầy buồng phổi khiến toàn thân bỗng thấy nhẹ lâng lâng. Gió sớm mai như bất ngờ tấu lên những nốt nhạc trầm bổng réo rắt gọi mời. Khoảng không gian như đầm ấm lạ lùng, mặc dù mặt trời còn e ấp chưa ló dạng. Đây rồi, bóng đêm phải nhường chỗ cho một ngày mới rạng sáng sắp sửa khởi đầu. Mau tan đi những uẩn khúc tăm tối để đón chào nét diệu kỳ của nguồn hoan lạc từ Trên Cao. Đăm đăm nhìn lên bóng thập tự, Thảo thấy một thoáng như xuất thần. Như một bàn tay vô hình đang nhấc kéo. Như một nụ cười vừa nồng nàn mời đón và cũng như một giọng nói thiết tha khích lệ. Phải rồi, câu giải đáp của vấn đề là đây. Vươn lên đi...

... Vui lên Nga ạ. Đời mình đâu chỉ là điêu tàn hoang phế và hạnh phúc mình nào mãi tan vỡ hư hao! Chúng mình đã biết tình yêu không thể trung lập, nên Nga và tôi cũng chấp nhận như đã được tiền định sẽ không thể sống bên nhau.

Hôm nay tôi lại ra đi vì tôi vẫn luôn là một linh mục”.

Yêu Màu Áo Đen khởi đầu bằng chuyện tình thường của một nam một nữ và kết thúc bằng con đường hiến thân của người nam nay là cha Hoàng và nữ nay là sơ Têrêsa Quế Thanh.

Nguyễn Ngọc Ngạn trong Xóm Đạo (Tokyo: Tân Văn, 1998) nêu vấn đề tôn giáo ở xã-hội Việt-Nam, đã trình bày đời sống và các sinh hoạt của những người công giáo ở một xóm đạo di cư sau 1954 ở miền Nam, vai trò của các chủ chăn, những liên hệ giưã các giáo dân và với người bên lương, tình yêu và ngăn trở giữa những người trẻ không đồng đạo, v.v.

Thánh Kinh từ nhiều thế kỷ đã là nguồn mạch văn hóa và văn chương của nhân loại. Các tác-giả Việt Nam về mặt này cũng không ra ngoài nguồn mạch vô tận đó. Đức Ki Tô, những sứ điệp, Tin Mừng, mầu nhiệm, các nhân vật Cựu Ước, Tân Ước.., đã là những tứ thơ văn và đề tài quen thuộc.

Các thể loại đều được các tác-giả công giáo sử dụng, và đã có những tác-phẩm sáng giá, để đời, nhưng ngược lại, đối với một số thì các hình thức văn-chương được sử dụng như phương tiện sống đạo và giảng đạo. Các truyện ngắn, tùy bút và thơ của linh-mục Nguyễn Tầm Thường, Nguyễn Trung Tây, v.v. là những thể hiện khác của những bài giảng hay suy niệm, tĩnh tâm. Về thể loại, nguồn Đạo tỏ rõ hơn qua thi ca vì kỹ thuật thơ giúp thể hiện, trình biểu.

Các tác-giả văn-học công giáo Việt-Nam ít nhiều đã đụng đến ý nghĩa cuối cùng của đời người trần thế, và đa số họ nói đến đời sống hôm nay của người công giáo như là một người Việt-Nam, một thành phần của dân-tộc. Tư tưởng đạo Thiên Chúa, tư duy đạo, đã thật sự thấm nhuần vào văn-hóa và văn-học nghệ thuật nước ta. Và đã sinh ra một truyền thống văn-học có nền nếp và hiển nhiên trong thực tế lịch-sử và đất nước. Nguồn Đạo tỏ rõ hơn qua thi ca. Một hội nhập đức tin và văn-hóa cội nguồn Việt-Nam phát sinh hoa trái nghệ thuật. Trong Thi Nhân Việt Nam, nhà phê bình Hoài Thanh đã công nhận tài năng và vai trò chứng nhân đức tin Công giáo của Hàn Mặc Tử đã nhập thể trong dòng sống chung của một dân tộc. “Với Hàn Mặc Tử, Chúa gần lắm... Thơ Hàn Mặc Tử ra đời, điều ấy chứng rằng đạo Thiên Chúa ở xứ này đã tạo ra một cái không khí có thể kết tinh lại thành thơ. Tôi tin rằng chỉ những tình cảm có thể diễn ra thơ mới thiệt là những tình cảm đã thấm tận đáy hồn đoàn thể”.

Một đặc điểm của công giáo: trong khi tam giáo Khổng-Phật-Lão từ khi được đưa vào Việt-Nam, kinh sách đã chỉ bằng chữ Hán, một ngăn trở hiểu biết cho tín đồ bình dân. Trong khi đó, người công giáo, thừa sai ngoại quốc cũng như thầy giảng và tín đồ người Việt, đã bắt đầu trước tác, ghi chép với chữ Nôm (rất ít chữ Hán) và đã rất sớm phiên âm ngôn-ngữ Việt ra chữ alphabet cũng như tiếp đó đã chú tâm phiên dịch ra chữ Nôm và chữ quốc-ngữ Kinh thánh và các kinh sách khác.

Nói chung, các nhà nghiên cứu về văn-học công giáo Việt-Nam cũng như chúng tôi qua bài này, đã đồng thuận rằng người công giáo, tu sĩ cũng như giáo dân, trí thức cũng như các nhà văn thơ, đã sống chung thuận hảo với tập thể cộng đồng dân-tộc. Hơn thế nữa, trước khi là người công giáo, họ đã là người Việt, và khi đã chịu các phép bí tích làm người đạo Chúa, họ đồng thời là những con người Việt-Nam đúng nghĩa. Sự thực đó thể hiện qua những trang văn thơ và qua các nỗ lực thực thi văn-hóa. Người Việt-Nam đã theo đạo Chúa trước khi thực dân Pháp đặt chân đến nước Việt, trước khi Hội thừa sai Paris gửi người đến; người Việt đã góp phần “sáng tác” nên thứ chữ Việt alphabet về sau được gọi là chử quốc-ngữ trước khi guồng máy hành chính đô hộ của người Pháp ra nghị định và chỉ thị sử dụng chữ quốc-ngữ đó. Những ngộ nhận về người công giáo Việt-Nam từ khi thực dân Pháp đặt nền đô hộ miền lục tỉnh Nam-kỳ lan ra bảo hộ Trung và Bắc, do những người chống Pháp (như Văn Thân, cộng-sản) hoặc chống người Công giáo ngay trong những năm gần đây cũng có, mà do cả chính những người công giáo vì một lẽ gì đó, vì nhu cầu nghiên cứu lịch-sử, văn-hóa, đặt giả thuyết chẳng hạn, khiến những ngộ nhận đã ngày càng nặng nề dù bên cạnh đã có những hiểu biết chân chính và thật sự. Giáo sư Nguyễn Văn Trung trong tập tài liệu Vấn Đề Công Giáo Đặt Cho Dân Tộc (1988) đã hết lòng chứng minh chống lại cái “thiên kiến hần như đã trở thành chân lý là người công giáo Việt-Nam liên hệ với thực dân đế quốc và lai căng về văn-hóa”, thành kiến mà chính một số người công giáo (trong đó có giáo sư thời trước 1975) đã nhìn nhận và từ đó tìm trở về dân-tộc (như nhóm Đối Diện, Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, v.v.). Trong chiều hướng thời thượng đó, trong Chữ Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc (1974), giáo sư Trung đã đưa ra luận điểm bôi đen thành quả đóng góp với dân-tộc, cho rằng việc “sáng lập và sử dụng chữ quốc-ngữ nhằm mục đích cô lập người công giáo Việt-Nam với cộng đồng dân-tộc bằng cách xóa bỏ chữ Nho, chữ Nôm,...”. Ông tiếc việc có những người ngoài công giáo đã trích dẫn những lập luận của ông thời đó. Ông lập lại và chứng minh thêm qua hai biên khảo khác là Đạo Chúa Ở Việt-Nam (1999?) và Dịch Thuật Và Lý Luận Dịch Thuật (2002).

Tóm một chữ, người công giáo Việt-Nam, các giáo dân cũng như các văn-nghệ sĩ, đã và luôn sống đạo với tinh thần dân-tộc; riêng các vị sau đã sáng tác, làm văn-chương và đã thể hiện đức tin một cách chân thành và sâu sắc qua tác-phẩm.