Nỗi lòng Trương Vĩnh Ký và hậu-sinh

Nguyễn Vy Khanh

[Chương kết. Trương Vĩnh Ký: Tinh-hoa Nước Việt (Toronto, Canada: Nguyễn Publishings, 2018, tr. 382-395)]

Bất cứ ai khi nghiên cứu, suy nghĩ về đất nước, lịch-sử và quá-khứ, khi đi vào tác-phẩm và các văn-khố, thư tịch liên quan đến Trương Vĩnh Ký, không thể không nhận ra nỗi lòng, tâm sự của ông cùng những oan ức, thị phi mà ông phải gánh chịu từ lúc sinh-tiền cho đến khi đã mất hơn 120 năm qua!

Lời nói đầu viết bằng chữ Hán ở đầu cuốn thư mục Sĩ Viện Thư Phả năm 1892 cũng như 1894 có thể tóm lược hành-trạng và tâm sự của Trương Vĩnh Ký: “Tôi sinh vào vận cuối. May nhờ ân quang của Vua, nghĩ cũng được thấm nhuần sách Thánh hiền cho nên mới có ý sáng-tác. Trước khi đi học, chẳng khi nào sách lại rời tay. Hiểu người xưa chuyện sự học là học để thành người chứ không phải học để hưởng tước lộc vậy. Vì cũng nghĩ thế cục ngày nay như những lớp sóng xô tình người đến chỗ phụ nghĩa, chính đạo mỗi ngày một suy đồi, thuần phong mỹ tục ngày càng bị buông xuôi. Nếu không có ý e rằng những điều đó sẽ bị mất dần đi thì làm sao mà có cái tâm để chấn hưng lại vậy. Những muốn lo việc trở về chính đạo tất nhiên là phải nhờ vào kinh điển mà phát huy. Nếu mà dám quên đi những thành kiến cũ chật hẹp để mà góp nhặt những điều hay cũng có nghĩa là giúp cho chính mình. Cái ý của tôi ở đây là trình bày cho nhau rõ việc lấy bút thay lời làm phương-châm cho người đời sau chứ không có ý gì hơn. Chẳng dám toan sánh với cổ nhân mà có “tam bất hủ” vậy. Kế đến là mong những người có chí hướng mục kích được lòng thành không hổ thẹn của tôi mà quan sát cơ duyên, kiễng chân chờ đợi những người cùng chí hướng, nối gót người trước để dạy người sau chỉ mong được trên an dưới lạc, há chẳng tốt sao.

Đây chính là cái nguyện vọng sâu dầy của tôi mà tôi luôn luôn lấy đó làm niềm vui và niềm an ủi vậy. Thành tâm dâng bức văn này để các ngài soi xét. - Sĩ Viện đề bút”[1].

Đặng Thúc Liêng năm 1927 từng xưng tụng Trương Vĩnh Ký là “tân quân tử thật của nước Việt-Nam ta”[2]. Dương Mạnh Huy xem Trương Vĩnh Ký là “Một người tốt của nước Việt-Nam” như tựa bài đã viết đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn năm 1927[3]. Nay non trăm năm sau và qua nhiều dâu bể lịch-sử, chúng tôi nghĩ rằng Trương Vĩnh Ký đã là một đấng “hiền-nhân quân-tử” theo nghĩa gốc, “hiền-nhân quân-tử” trong bản chất con người đạo-đức và hành-trạng ngay chính thuở bình-sinh, “hiền-nhân quân-tử” làm công việc mà bản thân nghĩ có lợi cho đất nước và đồng bào (ban đầu và ít ra Nam-kỳ) (“Sic vos non vobis”), bất chấp thị-phi của người đời, của kẻ thù thực-dân và của phe phái chính-trị, xã-hội, bất chấp người sau phẩm bình thế nào (“cuốn số bình sanh công với tội...”)! Một nhân-sĩ của Nam-kỳ và của cả nước vào thời nước Nam bắt đầu mất chủ quyền!

Khi Trương Vĩnh Ký bắt đầu “hợp tác” với người Pháp (làm thông-dịch, công-chức, giáo-sư,...), ông đã hành-cử đúng chức-vị, vai-trò của ông. Làm thông-ngôn cho chính phủ Tây-Ban-Nha và Pháp liên hệ đến các hiệp-ước 1862, 1863, 1870, 1874, 1886,... ông đã làm với công-tâm, đạo-đức chức-nghiệp (éthique) và hoàn thành tốt đẹp, như một thông-dịch-viên – nếu kết quả không như ý một bên nào thì do ở nội-dung các điều đình chớ nào do lỗi ông thông-dịch mà kết án ông (ông có quyền gì mà can thiệp, xúi bẩy hoặc chuyển đạt sai ý,...?). Và có thông-dịch-viên Việt-Nam nào từ 150 năm nay, mà danh tiếng của thời-gian-một-sứ-bộ đã trở nên hoàn-cầu như thông-ngôn Trương Vĩnh Ký? - Nếu là “tay sai” của Pháp thì Tây-Ban-Nha, Nga, Vatican, trí thức Pháp bản-quốc,... gặp gỡ, tiếp xúc với ông làm gì?

Khi Trương Vĩnh Ký nhận trách nhiệm Chánh-tổng-tài tờ Gia-Định-Báo năm 1865, ngoài việc tiếp tục đăng công-báo và thông tin của Nhà nước thuộc-địa, ông đã thêm phần truyền bá chữ quốc ngữ, khuyến khích dùng thứ chữ này để viết báo viết văn - báo khuyến khích độc giả viết chuyện ở các địa phương họ ở bằng chữ quốc ngữ; và cổ động cho lối học mới, và từ 4 trang lên 16 trang. Vô tình, Gia Định Báo đã đóng vai trò tiền phong truyền bá cái về sau gọi là văn học chữ quốc ngữ. Đến năm 1874, J. Bonet được cử làm chánh tổng tài thay Pétrus Ký, thì tờ Gia Định Báo trở lại với vai trò thông tin tuyên truyền cho chính quyền thuộc địa và rút lại 4 trang như trước. Trương Vĩnh Ký chỉ làm báo cho Pháp một thời gian ngắn trong suốt quá trình hoạt động văn hóa của ông. Với Trương Vĩnh Ký và cộng tác viên, Gia-Định-Báo đã trở thành viên gạch đầu tiên xây dựng nên nền văn-học chữ quốc-ngữ với những sáng-tác và sưu tầm, chuyển sang chữ quốc-ngữ văn thơ, kinh truyện cổ điển và của thời bấy giờ,...

Khi về hưu, Trương Vĩnh Ký thường trao đổi thư từ với ba người bạn Pháp là BS Alexis Chavanne (1824-), nhà báo Pène-Siéfert và nhà văn Albert Kaempfer (1826-1907) và các bức thư này giúp hiểu được tâm sự của ông. Trong các trao đổi bằng tiếng la-tinh, BS Chavanne luôn gọi Trương Vĩnh Ký là “Nhà bác-học thân mến của tôi” (“Ad doctissimum sodalem TV Ký”), hay “Hiền hữu” (“Carissisme amice”),

Trong thư ngày 6-6-1887 gửi BS Chavanne, một nghị viên người Pháp, Trương Vĩnh Ký viết: “Phải chiều theo cuộc-sống mà phục-vụ nó. Phải làm sao cho nó có ích-lợi hoặc cho bản thân chúng ta, hoặc cho đồng loại của chúng ta, hoặc cho những sản vật của thiên nhiên. Đó là cứu cánh quan-trọng đã được hoàn thánh”[4].

Một người bạn khác là J. Piène-Siéfert cũng đã viết về Trương Vĩnh Ký trong cuốn Année républicaine: “Trương Vĩnh Ký là một hạng người tinh hoa của hàng nho-sĩ Annam, quả là một nhà sử học, một nhà triết học, một nhà thông thái về ngôn-ngữ học mà cảm-tình chân thành của ông đối với nước Pháp không bao giờ nặng-trĩu xuống được, dù rằng vua Tự-đức đã ký kết hòa-ước nhận cuộc bảo-hộ cùng nước Pháp hoặc là những chính-kiến bất đồng về nền chính-trị của hai bên...”[5]. Nhà văn Siéfert là người thông thạo các vấn-đề Pháp-Việt và từng theo Paul Bert sang Việt-Nam năm 1886 và trở về Pháp cùng năm sau khi ông Bert mất.

Nhà văn Léon Gautier, bạn của Victor Hugo và Trương Vĩnh Ký đã gặp gỡ, đàm đạo ở Paris năm 1863 rồi tiếp tục thư từ, đã có nhận-xét đáng để ý: “Ở tại trường Thông-ngôn luôn luôn tiên-sinh đóng vai-trò giới thiệu và phát triển tinh-hoa của hai nền văn minh Đông và Tây để cho họ dễ dàng gặp gỡ nhau hơn nữa. Trong những công việc thuần túy giáo-dục và văn-hóa như vầy, sao tiên-sinh lại đam mê (passion) hào-hứng, tỉ-mỉ đến như thế. Có lẽ đó là một bổn-phận: bổn-phận chân-thành và vô cùng thiêng-liêng của mình!

Phổ biến bằng sách vở, phổ biến bằng đường lối giáo-dục, xây-dựng tư-tưởng, liệt tiên-sinh vào hàng ngũ các chiến-sĩ văn-hóa tiền-phong của nước An-nam trong thời-kỳ cận-đại này, đâu có phải là một lời tâng-bốc, đâu có phải là lời nói ngoa! Chỉ đứng vào hoàn cảnh của một nước nhược-tiều để đánh giá-trị của tiên-sinh, điều này cũng đủ cho ta thấy vai-trò kia càng vững-chắc, kiên-cố lắm rồi!”[6].

Riêng với chuyến Âu-du năm 1863, Trương Vĩnh Ký đã thành công giới thiệu văn-hóa Việt-Nam cho người Âu-Châu - dù đó không phải là mục-đích đầu tiên, đưa Việt-Nam ra trước công luận, ra với thế-giới, một Việt-Nam văn-hóa chứ không chỉ là một phần đất có thể trao đổi và tiêu thụ hàng hóa Âu-Tây. Ông đã mở đường cho những khám phá về văn minh, khảo cổ, nhân chủng và cả văn-học, nghệ-thuật!

Tâm sự của Trương Vĩnh Ký còn có thể tìm thấy thêm trong các bài báo như bài “An phận tùy duyên thơ” và “An phận tùy duyên là hơn” đăng trên Miscellannées / Thông-Loại Khóa-Trình (số 4, 8-1889, tr. 3-4):

“An phận tùy duyên là hơn.

Con người ta ở đời, bậc nào bậc nấy, cũng như nhau; chỉ có cái ngằn nó khác nhau, tùy phận tùy duyên. Mà kì chí giả nhứt dã. Biết mà xử thế, thì là giỏi, tri mạng mà xông đời thì là tài. Cứ theo tố mà làm thì là xong xuôi cả; đã yên lòng mình thì chớ, lại thuận mạng trời. Cho nên cả đời an-nhàn vui vẻ thong thả khỏi lúng túng trí khôn, khỏi mệt nhọc thân-thể. Vì vậy: [“gia đương thủ phận tùy duyên quá, tiện thị tiêu diêu ‘tự tại tiên’].

“Giàu ngày ba bữa khó ba chìu,
An-phận là hơn hết mọi điều;
Khát uống trà mai hơi ngác-ngác,
Nực kề hiên trước gió hiu-hiu;
Giang-san tám bức là tranh vẽ,
Hoa thảo bốn mùa ấy gấm thêu;
Đỏng-đảnh khuya nằm sớm thức;
Khác chi dân thuở đời Nghiêu?

“Hôm mai gió thổi hiu hiu, cỏ hoa là bức gấm thêu nên đồ;
Thanh u sẵn cảnh bốn mùa, lựa là cứ chốn giang-hồ mới vui?
Cảnh ưa lâu cũng quen mùi, bên song hóng mát ngỡ người Bào-thi;
Hẹp-hòi nào sá quản chi, phen thì dặm liễu phen thì ngàn mai”
[7].

Hoặc có thể nhận ra trong các bài văn xuôi Kiếp Phong Trần, Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi trước đó không lâu (1882), khi ông để cho hai nhân-vật nói chuyện đời và thời sự. Tâm tình ái-quốc còn kín đáo thể hiện khi ông viết sử, phiên âm kho tàng văn-học yêu nước như đã trình bày.

Trong chuyến Âu-du năm 1863, lúc đó Trương Vĩnh Ký 25 tuổi, đã gây chú ý trong giới trí thức và chính khách người Pháp. Richard Cortambert đã ghi lại những trao đổi với Trương Vĩnh Ký và xuất-bản sau đó như chúng tôi đã dịch-thuật và giới thiệu năm 2004 (X. phần Trương Vĩnh Ký và chuyến Âu du 1863-64), khi được hỏi là “nếu nước Pháp (Gallia), cứ địa của văn học, chẳng phải là đất nước của trí thức ông và như thế thì đó cũng là quê hương thật sự của ông?”. Trương Vĩnh Ký đã đáp lại rằng “con người ta có hai quê hương, một của lý trí và một của con tim; người ta nâng niu quê này nhưng đồng thời tha thiết với quê kia, và có cả hai, ông nhận chân rõ rằng trong tâm hồn ông rằng ông được sinh ra ở vùng Đông-phương; rằng đó là quê hương đích thực của ông”[8].

Từ khởi điểm đó, Trương Vĩnh Ký đã dấn thân làm cây cầu nối liền Đông-Tây, Pháp-Việt, văn minh khoa học - truyền thống và Nho giáo, và ông đã hết mình trong mọi hoàn cảnh. Trong các thư gửi bạn hữu người Pháp ông thường nói đến vai-trò làm trung gian giữa hai dân-tộc mới gặp gỡ nhau vì ông muốn hai dân-tộc đối đầu này đi đến hiểu biết nhau; do đó ông làm công việc dịch-thuật từ tiếng Việt sang tiếng Pháp và từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Một dịp khác, khi viết thư gởi cho Alexis Chavanne, ông xác nhận: “Tôi tính sẽ tiếp tục nghiên cứu và phụng sự cho sự thông tuệ của hai đất nước – hai mối lo duy nhất trong đời tôi”. Tuy nhiên, mối lo chính của ông vẫn là mong muốn người Việt học hỏi văn-minh, tiến bộ để tiến bước về tương lai thoát khỏi gánh nặng nề của truyền thống và quá-khứ!

Sau khi ông mất, danh tiếng, tư cách của ông tiếp tục đúng là bậc “hiền-nhân quân-tử”, dù bao ngộ-nhận đã xảy ra, do ông cam phận làm và không đính chính cũng như do cố tình, ác ý, ghen tương của người khác.

Phía người Pháp, họ đã cần đến Trương Vĩnh Ký khi mới đặt guồng máy cai trị lên miền lục-tỉnh, họ đã sử-dụng Trương Vĩnh Ký trong những nhiệm vụ và lãnh vực chuyên môn của ông (thông-ngôn, “professeur de langues orientales”, dạy tiếng Pháp cho vua Đồng-Khánh, ra Bắc-kỳ năm Ất-Hợi, dạy tiếng Việt và tiếng Cao-Miên cho người Pháp-thoại, làm báo, làm giám đốc Trường Thông ngôn,...),... nhưng ngay sau đó sẽ bỏ rơi, nghi kỵ Trương Vĩnh Ký (sau khi Paul Bert mất, ...) kể cả khi ông rơi vào túng thiếu vì công tác vẫn làm như trước (Pháp không mua sách báo của Trương Vĩnh Ký nữa, khiến ông phải viết thư chào mời và cũng vì vậy, khiến người đời sau kết án ông sống nhờ ... thực dân kẻ thù dân-tộc!),...

Từ khi Trương Vĩnh Ký mất cho đến năm 1927, người Pháp ở Đông-Dương không quan tâm đến ông, và từ 1927 họ mới “giật mình” khi thấy nhân sĩ và người dân Nam-kỳ lục-tỉnh tỏ lòng kính mến ông. Người Pháp đã dựng tượng Trương Vĩnh Ký – cho mọi người nghĩ rằng người Pháp “tốt” và đồng thời khiến những kẻ xấu miệng tuyên truyền rằng Trương Vĩnh Ký là người của Pháp! Đường hướng dư luận này kéo dài đến nay trãi qua nhiều thế hệ. Ở miền Nam, trước biến cố 30-4-1975 đã có những Nguyễn Văn Trung, phê phán, buộc tội họ Trương vì đã cộng tác với thực dân, cũng như trước đó Lê Thanh trong quyển Trương Vĩnh Ký (1943) hay Trần Huy Liệu trong Lịch sử 80 năm chống Pháp (Văn Sử Địa, 1956-); Phạm Long Điền và Nguyễn Sinh Duy trong quyển Cuốn sổ bình sanh của Trương Vĩnh Ký, và Nguyễn Văn Trung trong Chữ, Văn Quốc-Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc (Nam Sơn, 1-1975) – mà sau biến cố tháng 4-1975, giáo-sư Trung đã cho biết chính ông đã đề ra “một cuộc vận động phê phán Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký về phương diện chính-trị và văn-hóa (...) nhắm mục-đích “hóa giải” chính sách thực dân bằng sách báo” qua cuốn trên và đề tựa cho cuốn Cuốn Sổ Bình Sanh của Trương Vĩnh Ký (Nam Sơn, 3-1975) của Nguyễn Sinh Duy và Phạm Long Điền! Và lần gần đây nhất, giáo-sư Trung xác nhận thêm “trước 75 tôi đã viết nhiều bài, sách phê phán nghiên khắc Trương Vĩnh Ký đặc-biệt về chính-trị, hơn nữa tôi còn gợi ý khuyến khích một vài bạn trẻ đi vào con đường đó như Phạm Long Điền, Nguyễn Sinh Duy...”[9].

Sau 1975, tiếp tục ở Việt-Nam hải-ngoại với những người Giao Điểm, Đỗ Mậu, Vũ Ngự Chiêu, Lê Trọng Văn,... với não trạng của Phạm Quỳnh, Phạm Duy Tốn hoặc thấm tuyên truyền của thực dân Pháp hoặc Cộng-sản, những kẻ này tiếp tục bôi tro lên Trương Vĩnh Ký, nay thêm não trạng chống Công-giáo (và Đệ nhất Cộng hòa)!

Một số người Việt viết bài phỉ báng Trương Vĩnh Ký thường dựa trên những lời khen của người Pháp rồi suy diễn hễ Tây khen Trương Vĩnh Ký tức thị ông là “tay sai”, “bán nước”, v.v. Lấy thí dụ lời khen của E. Luro, Thanh tra và Giám đốc trường Sư phạm Thuộc địa Pháp tại Việt Nam, trong một bản nhận xét đề ngày 16-6-1875: “Ông Pétrus Ký làm việc rất nhiều... Rút cục, đó là người An Nam Pháp hóa duy nhất mà chúng ta có, và gương mẫu. Sự trợ giúp của ông thật đã rất ích lợi cho ảnh hưởng của chúng ta và cho nền học chính nói chung”. Đó là những lời người Pháp muốn lôi kéo về phe của họ.

Trương Vĩnh Ký có một sự nghiệp văn-hóa đối với đất nước Việt-Nam. Ông đã để sự nghiệp đó không phải nhân danh là người Công-giáo hay cộng sự viên với người Pháp một thời-gian ngắn. Ông thường nói “Ta muốn làm ích cho anh em” (Cours d’histoire annamite...) - câu nói đã trở thành châm ngôn của “bình sinh” đời ông – về sau trở thành “Sic vos non vobis”! “Làm ích cho anh em” cũng là cho học trò của ông - tất cả xuất thân từ các trường Thông ngôn và Hậu-bổ, ra trường làm công chức cao cấp hoặc hoạt động văn-hóa, chính-trị, báo-chí, v.v. Các môn-sinh nổi tiếng có thể kể: Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản tác-giả truyện Thầy Lazarô Phiền, Lương Khắc Ninh, Nguyễn Khắc Huề, Lê Phát Đạt, Đặng Thúc Liêng, hoặc học-trò của môn sinh ông như Lê Hoằng Mưu, ...

Ông có ước nguyện mở mang dân trí: Muốn vậy, phải mở mang giáo dục, học vấn, có hiểu người Pháp và nói tiếng Pháp thì mới tiếp thu được văn minh tiên tiến, ông nghiên cứu và đối chiếu các ngôn-ngữ, giảng giải căn bản của ngôn-ngữ Pháp, tìm ra phương pháp học tiếng Pháp – như muốn đào tạo những người Việt mới khai phóng và kiến thức trang bị sẵn sàng để xây dựng đất nước mình. Trương Vĩnh Ký không nói nhưng việc ông làm khởi từ nhận-thức về sự lỗi thời của chữ Hán và chữ Nôm. Súng đạn triều đình đã không thể cự lại vũ khí hiện-đại của Âu Tây, thì lối học từ chương, chữ dùng Hán Nôm, khó khăn, mất nhiều thì giờ, chỉ dùng cho một thiểu số nhà nho, đã đến lúc phải ý thức rằng sự tiến bộ và cập nhật phải qua con đường chữ quốc-ngữ là một vô tình đến với dân-tộc Việt-Nam. Chữ quốc-ngữ do đó đã là khí giới hiện-đại có thể giải phóng dân-tộc Việt-Nam! Dĩ nhiên, chính quyền thuộc-địa Pháp ở Nam-kỳ đã ngập ngừng rồi dứt khoát bắt buộc học sinh phải học chữ quốc-ngữ và sử-dụng trong mọi văn thư, tiếp xúc, nhưng Trương Vĩnh Ký đã dựa trên căn bản đó để làm giàu chữ quốc-ngữ và đưa thứ chữ này lên hàng “quốc-ngữ” có thể dùng trong mọi lãnh vực khoa-học, tư tưởng, giáo dục, văn-hóa, văn-học, báo-chí, v.v. Ông quan tâm cả đời công việc giáo dục vì ông đã nghĩ giáo dục, học vấn là con đường và là phương tiện để dân-tộc Việt có thể vươn lên và tiến bộ đồng hành với thế-giới!

Mặt khác, Trương Vĩnh Ký còn muốn người Pháp học tiếng Việt và hiểu biết nhân-chủng, văn-hóa, văn-học, lịch-sử, địa lý Việt-Nam, do đó ông đã trình bày một cách thực tiễn và hợp lý các môn này.

Trước tình thế địa lý và sức mạnh vật chất, kỹ thuật của thời bấy giờ, không riêng gì Trương Vĩnh Ký mà trước và sau ông đã có những người thức-thời từng đi du học, xuất ngoại hay không như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Bùi Viện, Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Hiệp, Phan Liêm, Lê Đỉnh, ... cũng đã bằng cách này hay cách khác lên tiếng, điều trần,... những giải pháp có thể đưa đất nước ra khỏi chậm tiến về khoa học, kỹ thuật, v.v. Chính đại thần Phan Thanh Giản trước khi quyên sinh cũng đã dặn dò hậu sinh: “Ta đã biết rõ cơ trời. Dầu làm thế nào cũng không qua thiên ý định. Vậy khi ta thác rồi, ai nấy cứ an cư lạc nghiệp lo việc học hành. Không nên dục lợi cầu vinh mà làm những việc nhẫn tâm hại lý. Nay ta đã tuổi cao sức yếu, thành ra kẻ vô dụng cho nước nhà, dầu có thác cũng không đủ tổn hại cho quê hương, còn ta sống cũng không đủ ích lợi cho xứ sở. Hãy cố học hỏi cho bằng người Âu Tây. Hãy rán phò vua giúp nước, toan lo hết sức người, họa may sau này đặng vẻ vang cho Tổ quốc”. Trương Vĩnh Ký tin tưởng và làm hết mình những việc “tới tay” và có thể làm trong một số hoàn cảnh, vì ông mong muốn nước Việt-Nam phải chuyển mình, thay đổi từ phía lạc hậu về tư tưởng và kỹ thuật, hành động, cố sức để trở thành một quốc-gia tiên tiến từ những “cơ hội” tiếp xúc hoặc phải chịu nhận của người Pháp và Âu Tây nói chung. Tuy nhiên, cùng lúc, Trương Vĩnh Ký cũng trình bày và đề cao tính-chất và căn cước Việt, như ông đã đón nhận và lớn dậy như một người Việt, nghĩa là đầy dấu ấn của đạo Nho và truyền-thống. Với mô hình Nho giáo, ông chủ trương hài hòa và đổi mới, tiến tới

Trương Vĩnh Ký trước sau luôn là một người Việt truyền thống với nhân sinh quan thấm nhuần đạo Nho, một đạo Nho nền tảng, một đạo-học bao trùm văn-hóa, chính-trị, xã-hội - chứ không phải đạo hay tôn-giáo hình-thức. Khi được tham khảo tìm người giúp vua Đồng Khánh, ông đã tiến cử các nhà Nho – như ông đã nói trong thư gởi Paul Bert ngày 17-6-1886 từ Huế rằng người có tài không thiếu, thành thử cứ chọn trong đám Nho học theo đạo Khổng là chỗ ông đã trông cậy trong việc dìu dắt xã-hội, vì hành chánh phải trung-lập, nên ông không đặt nặng vấn-đề tôn giáo. Nhà Nho chính-thống (dĩ nhiên không phải Tống Nho, Thanh Nho,...) nhận và hành xử trách nhiệm với xã-hội, gia-đình, sau khi đã và liên tục tu thân, cần cù tức thực hành và chứng minh giá trị làm người nhập thế!

Trương Vĩnh Ký thẳng thắn, nhiệt tình nhưng và do đó đã bị cô lập bởi người Pháp và bởi chính người Việt bảo thủ, “bảo hoàng hơn vua”! Triều đình và giới lãnh đạo, sĩ phu, không thật sự tán đồng, nghe theo mà còn nghi ngờ cả phái bộ Phan Thanh Giản – cũng như với Nguyễn Trường Tộ, v.v. ! Giải pháp và con đường Trương Vĩnh Ký đề ra sẽ được các nhà trí-thức của Minh Tân trong Nam và Đông Kinh Nghĩa Thục (1907-1908) ở ngoài Bắc tiếp nối như là một giải pháp thiết thực sau những thất bại của Văn Thân và Cần Vương!

Suốt hơn một thế kỷ qua, người ta đã nói nhiều đến Trương Vĩnh Ký như một người Nam-kỳ Công-giáo hợp tác, làm việc cho người Pháp và không ít người đã dễ dàng kết luận một chiều là ông “phản quốc, tay sai”; nhưng không mấy ai nhìn ra tấm lòng yêu nước thực tế và ôn hòa của ông ở vào giai đoạn lịch-sử đó, ở cái thế yếu của người Việt nhược tiểu mà lại chủ trì “bế môn tỏa cảng”! Bằng Giang gọi đó là giải pháp “phi truyền thống” của một con người “cô đơn” vì “có can đảm và rõ ràng” là Trương Vĩnh Ký – cũng như Nguyễn Trường Tộ[10].

Và đã có hiện-tượng lạm dụng ngôn-ngữ, xuyên tạc nội-dung của ngôn-ngữ, hùa theo những cắt nghĩa nhận định cực đoan, v.v. trong việc phê phán Trương Vĩnh Ký! Các “sử gia” và các nhà biên-khảo, phê-bình, phê phán lịch-sử các triều đại, thời đại và các nhân-vật lịch-sử hãy thử một vài phút bình tâm (vứt bỏ áo khoác chống Công-giáo, kỳ thị Nam-kỳ, áo Cộng-sản, ghen tị, v.v. và thói quen “chụp mũ”) rồi hãy tưởng tượng hình ảnh Trương Vĩnh Ký, một người Việt-Nam áo dài khăn đóng, vào năm 1863 đã đặt chân lên đất Âu châu đi nhiều nước khác nhau, đã tiếp xúc với các thành phần ưu tú của xã-hội Âu Tây về văn-học, chính-trị, ngôn-ngữ, nhân chủng học, v.v., đã được gặp đức Giáo hoàng ở Vatican, nói trực tiếp nhiều thứ tiếng – không cần thông dịch, và sau đó trong nhiều năm cho đến khi mất, tiếp tục thư từ, tham vấn, trao đổi,... với nhiều bậc trí thức, vĩ nhân của thế-giới, về nhiều vấn-đề, nội-dung, chuyên môn, và được nhiều nhà khoa học, văn-hóa, chính-trị nhìn nhận và đánh giá cao những công trình của Trương Vĩnh Ký! Chúng tôi nhấn mạnh thời điểm 1863 vì đó không phải là lúc Trương Vĩnh Ký bắt đầu nghiên cứu mà ông đã sẵn sàng – kiến thức đã có và nội-dung trí thức đã thành hình: ông đã thuyết trình, tiếp xúc về các đề tài khoa học và nhân văn khác nhau và đăng bài trên các tạp-chí chuyên môn! Trước đó và sau này, và cho đến nay, đã có những “tương đương” như vậy chưa? Giáo-sư Trần Đức Thảo từng nổi tiếng, nhưng chỉ trong giới triết gia! Các vị khác như Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Phạm Duy Khiêm, Trần Đức Thảo, v.v., họ cũng nổi tiếng đấy, nhưng cũng trong giới hạn!

Về phần tín-ngưỡng đặc-biệt của Nam-kỳ lục-tỉnh, Trương Vĩnh Ký đã được đạo Cao-Đài Tam Kỳ Phổ Độ phong chức Thánh là Đức Hậu-Sư Chí-Thánh và được thờ phụng bên cạnh những Khổng Tử, Trưng Vương, Trần Hưng Đạo, Victor Hugo, v.v.

Trương Vĩnh Ký cuối cùng đã là danh nhân nước Việt, là vĩ nhân dân-tộc sau khi đã từng là nhà bác học và giáo dục! Bình sinh ông rất khiêm cung, không hề tự cao tự đại với đồng bào và cũng không hề khuất phục trước thực dân người Pháp – dĩ nhiên ông phải làm tròn vai-trò và bổn phận một công chức của chế độ thực dân, nhưng ông không hề lợi dụng vị thế để vinh thân phì gia, làm quan to, chức lớn với bổng lộc vô hạn. Khi Trương Vĩnh Ký qua đời, đã để lại nợ nần và sách báo ế ẩm tồn kho trong nhà, kết cục đó họ Trương không thể không đoán trước, nhưng ông vẫn thẳng đường đi với lựa chọn của mình: giáo dục, giảng dạy từ căn bản dân-tộc qua nếp sống và ngôn-ngữ tiếng Việt ròng!

Trương Vĩnh Ký với tinh thần khai phóng, dân-tộc, đã tự thoát khỏi hàng rào bế tắc của “phong kiến”, “cựu trào”, và đồng thời muốn đưa người khác, nhiều người – người nào muốn, cùng đi đến khung trời trí thức cấp tiến, khai phóng, và ông đã chứng tỏ và đã sống như nguyện ước hiện sinh và thực tế của người dân bị đô hộ vào nửa cuối thế kỷ XIX!

Trương Vĩnh Ký biết là người đời sẽ lời khen tiếng chê và mấy ai sẽ hiểu được tâm sự và việc làm của ông, cho nên ông trối trăn:

“...Cuốn sổ bình-sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm-phán để thừa khai”.

Trương Vĩnh Ký cả cuộc đời làm báo, soạn sách, để lại khoảng hơn trăm tác phẩm lớn nhỏ. Ông làm những việc đó toàn thời gian cả cuộc đời trong khi ông lãnh lương của Pháp khoảng 20 năm. Về chính trị ông đã cô đơn; nhưng ông đã làm với lòng yêu nước, muốn nước được hùng mạnh, dân tộc được trường tồn. Mặt khác, lúc bấy giờ thực dân Pháp muốn sử-dụng chữ quốc ngữ như là công cụ, phương tiện đô hộ; nhưng ông cũng như Huình Tịnh Paulus Của và các vị tiền bối khác lại tận dụng kẻ hở đó để gây dựng một nền văn học hiện đại. Đi xa hơn trong thái độ tìm hiểu tiền nhân đã làm gì trong những hoàn cảnh đặc biệt thì tốt, nhưng nếu phê bình gay gắt họ, thì ai sẽ phê phán những cá nhân và tập thể đã nhận viện trợ hoặc chịu áp lực của Hoa Kỳ, Trung-quốc, Liên Xô, Pháp để đè nén nhân dân, gây chiến tranh chống những đế quốc nghịch thù qua anh em mình hoặc để làm những việc gọi là “làm mới” văn học? Và thế nào là yêu nước? Lịch sử sẽ luận xét sự “yêu nước” của tất cả, từ những vị Cần vương, Văn thân Tống Nho tổ chức chống Pháp, chống chữ quốc ngữ, từ những Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, ... tích cực xông xáo với khả năng và cơ hội, Trần Chánh Chiếu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,... chủ trương minh tân và duy tân, đến các nhà cựu học Đông-Kinh nghĩa thục chủ trương dùng chữ quốc ngữ, hoặc Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, v.v. !

Công của Trương Vĩnh Ký qua các trình bày trong biên-khảo này, thì khá nhiều trong các lãnh vực văn-hóa, văn-học, giáo dục – và qua cuộc-đời sinh hoạt, ông đã chứng minh là một nhà khoa-học, nhân chủng học, địa-dư học, sử học đúng nghĩa, còn Tội thì chỉ có một tội mà lại bị gán ghép hoặc với suy đoán: làm việc cho Pháp, lãnh lương chính quyền thuộc-địa để thông dịch, dạy học, làm hiệu trưởng,..., không hẳn đã là Tội; Tội nếu có chăng là trong suy đoán, tưởng tượng, huyền thoại về việc ông làm (chứ không trên công trình và hành-cử trong đời ông có thể gây hiểu lầm). Làm cho Pháp trong công việc mà ông được trả lương, làm cho Pháp với ước vọng đem lại hiểu biết, hòa hợp Pháp-Việt, làm cho Pháp với các giáo trình, biên-khảo, ... nhưng cũng là đã để lại cho người đời ông cũng như đời sau.

Dù sao, cái gọi là Công của Trương Vĩnh Ký cho người Pháp không hẳn đã được người Pháp hài lòng, vì sau các phong trào Duy Tân, Minh Tân, Đông-Kinh Nghĩa-Thục, chính quyền thực dân sẽ thiết lập các cơ cấu văn-hóa, chính-trị ở Hà-Nội và các ông Nguyễn Văn Vĩnh và nhất là Phạm Quỳnh sẽ là những người cộng tác (“tay sai”) “tốt” hơn cho chính sách văn-hóa của thực dân! [Cũng là “tay sai” cho thực dân Pháp nhưng PQ sẽ không bị “nặng tay” phê phán và sau này có bị/được “xét lại” một cách nhanh chóng và dễ dàng như với Trương Vĩnh Ký phải chăng vì họ Trương là người Nam-kỳ và Công-giáo? (ngoại trừ giáo-sư Nguyễn Văn Trung trước và sau 1975 đối với PQ)]. Lý do phải chăng như một nhân sĩ, ông đã “đứng mũi chịu sào” để bá tánh còn có lợi trong tình cảnh bị trị, và như văn-hào, ông đã đi tiên phong làm báo, trước-tác và lập-ngôn, cổ động cho chữ quốc-ngữ và nền văn-học dựa trên chữ viết này cũng như làm công việc của một nhà Việt-Nam-học giới thiệu con người và tài sản tinh thần, vật chất,... cho thế-giới hiểu biết hơn về con người và đất nước Việt-Nam, khiến cho những kẻ hậu sinh viết “sử” ngồi trong “thư phòng chăn êm nệm ấm” - tức từ xa, không ở trận tiền, không nhập cuộc,... tiếp nối thi nhau phủ nhận, bỏ qua,... một cách bất thường?

Sống thân-thế lưỡng-phận: - làm việc cho Pháp, và - làm công-tác văn-hóa dân-tộc, Trương Vĩnh Ký đã làm việc mưu sinh (thông ngôn, giáo sư, hiệu trưởng và làm quan triều vua Đồng Khánh) có việc 6 tháng, 2, 3 năm và hơn 20 năm, nhưng đồng thời trong suốt thời-gian hơn 40 năm cho đến ngày tạ-thế, ông miệt mài lo cho tương lai dân-tộc, lo cho văn-hóa, văn-học Việt-Nam và nền giáo dục hiện-đại nhất. Trương Vĩnh Ký đã là gạch nối bất bạo động nhưng có ý-thức giữa cựu-trào và thời hiện-đại cùng tương lai trước mặt!

___________

Chú-thích


[1] Bằng Giang. Sương Mù Trên Tác Phẩm Trương Vĩnh Ký. (TpHCM): NXB Văn Học, 1993, tr. 137-138.

[2] Đặng Thúc Liêng. Trương-Vỉnh-Ký Hành-Trạng. Sài-Gòn: Xưa Nay (Nguyễn Háo Vĩnh), 1927, tr. 4.

[3] Dương Mạnh Huy, “Một người tốt của nước Việt Nam”, Lục Tỉnh Tân Văn, từ số 2661 (5-7-1927) đến số 2702 (24-8-1927) (Trích theo Bằng Giang. Sđd, tr. 94-95).

[4] Trích từ Khổng Xuân Thu. Trương Vĩnh Ký. Sài-Gòn: Tân Việt, 1958, tr. 61.

[5] Trích theo Khổng Xuân Thu. Sđd, tr. 109.

[6] Trích theo Khổng Xuân Thu. Sđd, tr. 146.

[7] Miscellannées/Thông-Loại Khóa-Trình, năm 2, số 4, août 1889, tr. 4.

[8] Impressions d’un japonais en France suivi des impressions des annamites en Europe: l’interprète Pétrus Truong Vinh Ky, 1864, tr. 190.

[9] Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã nhiều lần cho biết: “Có thể chúng tôi cũng có trách nhiệm phần nào trong việc dẹp bỏ tượng Trương Vĩnh Ký vì nhiều năm trước 1975, chúng tôi đã đề ra một cuộc vận động phê phán Phạm Quỳnh, Trương Vĩnh Ký về phương diện chính trị và văn hóa” (Trương Vĩnh Ký, Nhà Văn Hóa . Sđd, tr. 44); “Trước 1975 tôi đã viết nhiều bài, sách phê phán nghiêm khắc Trương Vĩnh Ký đặc biệt về chính trị, hơn nữa tôi còn gợi ý khuyến khích một vài bạn trẻ đi vào con đường đó như Phạm Long Điền, Nguyễn Sinh Duy. Những loạt bài phê phán của chúng tôi đã gây phiền muộn bất mãn trong giới văn hóa miền Nam lúc đó đặc biệt hai người Hồ Hữu Tường và Vương Hồng Sển...” (“RFI phỏng vấn nhân dịp 100 năm ngày giỗ Trương Vĩnh Ký”, Đi Tới (Montréal, Canada), số 13, 9-1998, tr. 22. In lại trong Nhận-Định X (Montréal: TGXB, 1999), tr. 151).

[10] Bằng Giang. Sđd, tr. 170-1.