Trương Vĩnh Ký và các tác-phẩm văn xuôi quốc-ngữ tiền phong

Nguyễn Vy Khanh

[Trích Chương 3. Trương Vĩnh Ký Tinh-hoa nước Việt (Toronto: Nguyễn Publishings, 2018, tr. 158-208)]

Trương Vĩnh Ký trước hết là một nhà văn-hóa lớn của Việt-Nam vào thời tiếp xúc với người phương Tây – trong hoàn cảnh triều đình Việt-Nam thua trận và mất đất vào tay người Pháp; ông còn là một nhà báo và là một nhà văn tiên khởi của nền văn-học chữ quốc-ngữ: chữ quốc-ngữ đạt được được tầm phổ biến và quan-trọng là nhờ công của tiền bối Trương Vĩnh Ký; ông đã mạnh dạn sử-dụng, phát huy và phổ-dương không mặc cảm khiến chữ quốc-ngữ trở nên quan-trọng vào thời đó nếu không muốn nói ngang hàng với tiếng Pháp! Hơn thế nữa, Trương Vĩnh Ký đã là gạch nối thiết yếu giữa truyền thống, dân-tộc với hiện-đại, khoa-học, về văn-hóa, văn-học cũng như giáo dục, nghiên cứu. Các tác-phẩm thuộc loại sáng-tác của ông có thể ghi nhận: Chuyện Đời Xưa, Chuyến Đi Bắc-Kỳ Năm Ất-Hợi 1876, Chuyện Khôi Hài, Kiếp Phong Trần, Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi, v.v. Như vậy, với Trương Vĩnh Ký, lần đầu xuất-hiện thể văn xuôi truyện ngắn, ký-sự và lối văn xuôi, lối văn bình-dân, tương đương với văn bạch-thoại của văn-học Trung-Hoa ở đầu thế kỷ sau, thế kỷ XX.

[Mở ngoặc: Nguyễn Sinh Duy đã nhận xét sai lầm khi cho rằng: “Chỗ đứng của Trương Vĩnh Ký, vẻ vang và đồ sộ không phải trên văn đàn dân tộc Việt Nam mà chính ở trong nền văn chương thuộc địa (une littérature coloniale) của người chính quốc và những ngòi bút phục vụ quyền lợi thuộc địa”[1]. Người Pháp khi viết văn-học sử có nói đến một “văn chương thuộc địa” thì chỉ là tác-phẩm và tác-giả viết tiếng Pháp hoặc viết về các thuộc địa như Pierre Loti,..., chứ chưa hề đưa những tác-phẩm bằng tiếng Việt của bất cứ ai chứ không riêng gì Trương Vĩnh Ký vào loại “văn-chương” này! Và vì quá căng thẳng và cường điệu nên Nguyễn Sinh Duy - một thời cựu sinh viên Văn khoa Sài-Gòn cũng chứng tỏ ông ta chẳng hiểu thế nào là “văn đàn dân tộc Việt Nam”! Vì “dân-tộc Việt-Nam” thời Trương Vĩnh Ký cũng như hôm nay ngoài bản chất Việt còn được phong phú hóa, ảnh-hưởng, tổng hợp hoặc pha trộn, v.v. với Tam-giáo và các triết lý, tín-ngưỡng và văn-hóa khác; và “dân-tộc” là thực-chất, là hiện-hữu trãi qua thời-gian và quá-trình lịch-sử đủ đắng cay, vinh nhục, thắng thua,... chứ không phải là tranh vè vội và sản phẩm cường điệu của tuyên truyền, cổ võ chiến-tranh!].

Trương Vĩnh Ký chủ trương viết tiếng Việt ròng, tức tiếng nói thường ngày, dù ông thông thái đủ về các cổ ngữ và Hán, Nôm,....

Về chính tả, Trương Vĩnh Ký viết gần đúng như hiện nay về hỏi ngã, và vì chủ trương viết như nói nên có một số sai biệt với tiếng Việt chung do phát âm địa phương. Ông lại dùng nhiều gạch nối cho từ kép và những chữ ông cho là từ-kép – đúng theo nguyên-tắc nhưng không thực tế vì không cần thiết. Dĩ nhiên tiếng Việt biến-hóa theo sử-dụng và thời-gian, do đó có những chữ dùng, ngữ-vựng Trương Vĩnh Ký dùng trong các tác-phẩm và báo-chí, công trình của ông, đã không còn được người ngày nay dùng đến nữa.

Ông đặt câu ngắn như theo ngữ pháp Âu Tây, nhưng ngắn ở đây khẳng định là không phải câu văn dài dòng như Đàng Ngoài vào thời đó, ngắn vì không cần đến biền ngẫu, du dương, làm văn và phần nữa, ngắn theo tiếng nói cụ-thể của con người đời thường sống vào thời đó và gần với lối văn đối thoại trong các truyện và tiểu-thuyết hiện nay.

Ông không cố tình làm văn-chương nghệ-thuật trong các tác-phẩm văn xuôi; ông chỉ muốn phổ biến thể-loại văn xuôi mà ông nghĩ sẽ giúp người Việt dễ dàng hấp thụ tư tưởng học thuật Âu Tây – ông cũng có làm thơ nhưng chỉ để ứng-xử trong một số hoàn cảnh biên soạn hoặc bút ký. Văn xuôi của ông cũng như của Huình Tịnh Paulus Của, Trương Minh Ký,... ở vào giai đoạn mở đường, do đó chưa cần đến những phong-cách, hình tượng hay quan niệm văn-chương nghệ-thuật. Nguyễn Trọng Quản đến sau, sẽ khai mở phong-thái, hình-thức làm văn-chương trong tiểu-thuyết Thầy Lazarô Phiền (1887) của ông.

Chúng tôi lần lượt điểm qua các tác-phẩm mang tính văn-chương hoặc nằm trong các thể-loại văn-học này của Trương Vĩnh Ký. Trước hết là hai tập Chuyện Đời Xưa và Chuyện Khôi Hài, với những chuyện hay truyện-thật-ngắn theo thiển ý, là một thể-loại từ văn-học dân gian truyền khẩu đi ra với Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của (Chuyện Giải Buồn, 1880 & 1886), rồi Trần Phong Sắc (Tân Tiếu Lâm, 1913), Phụng Hoàng San (Chuyện Tiếu Lâm, 1912 và Tiếu Đàm, 1914),... và Thi An (Phạm Duy Tốn, Tiếu Lâm An-nam, 1924), Nguyễn Văn Ngọc (Truyện Cổ Nước Nam, 1932-34) và kéo dài đến thời nay với những truyện-thật-ngắn văn-chương hơn, kỹ thuật hơn!

Các tác-phẩm này của Trương Vĩnh Ký mang tính văn-chương vì “văn xuôi” từ nay sẽ là thể-loại văn-học Việt-Nam mới – xin lưu ý, chính Trương Vĩnh Ký đã ghi trên bìa các tác-phẩm này là “tự thuật” (với nghĩa “dụng quốc-ngữ tự thuật”).

Nhân đọc lại các chuyện đời xưa và khôi hài của Trương Vĩnh Ký, chúng tôi xin ghi lại một số nhận xét. Ở Việt Nam ta, hành trình thể loại truyện ngắn kéo dài cả nghìn năm, khởi đầu với những truyện truyền kỳ như Truyền-Kỳ Mạn-Lục, Việt Điện U Linh Tập được viết bằng chữ Hán, là những chuyện cổ tích, huyền thoại có tác giả đứng tên viết lại thay vì truyền tụng, vô danh. Ở mỗi giai đoạn, truyện ngắn thay đổi theo môi trường xã hội, thời thế, tâm tình con người thời đại đó. Từ Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ sau với truyện ngắn của Nam-Phong tạp-chí thường có tính cách kể lại, giảng dạy như những chuyện luân lý, đó là lúc xã hội Việt Nam bị động và xáo trộn vì phải dung hợp đông-tây. Truyện của các tác giả thuộc Tự Lực văn-đoàn và Nguyễn Công Hoan, v.v. một số có chủ ý luận đề, một số tả cảnh đời nho nhỏ, một số tả tâm trạng, thoáng nghĩ; thời người dân bị trị chấp nhận ngưng chống kháng bằng võ lực, sau những thất bại của các phong trào Duy tân và Đông du, tìm kiếm phương thức văn hóa để canh tân đất nước.

Các truyện do Trương Vĩnh Ký viết lại cho thấy không những chỉ liên kết những mảnh vụn của thực tại hoặc những kinh nghiệm sâu xa, mà như còn đi tìm ý nghĩa cuộc đời và những giá trị tiềm tàng. Có những truyện có vẻ đơn giản nhưng lại gây bất ngờ, kỳ thú. Biên giới thực-mộng rõ rệt với truyện cổ tích hoặc luân-lý, một cách đơn sơ và cả huyễn hoặc!

Ở Trương Vĩnh Ký, có lựa chọn kỹ lưỡng những yếu tố tình tiết diễn tả, kỹ thuật và cả giọng văn dù là của tiếng nói thường nhật. Nói chung, trong các chuyện, hành động thống nhất, thu gọn, ngắn gọn, như một bi-kịch hoặc hài-kịch nhỏ thoáng qua. Nói chung, một kỹ thuật bỏ hàng ngang mà đi nhanh, tiến theo bề dọc hay chiều sâu. Kỹ thuật quên, cố tình quên những cắt nghĩa, biện luận. Rồi những sự kiện, diễn tiến sẽ đến và không hẳn phải hợp luận lý đương nhiên, bình thường!

CHUYỆN ĐỜI XƯA

Tập gồm 74 truyện, được Trương Vĩnh Ký sưu tầm, biên soạn - “lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích”, từ trong văn học dân gian và truyền khẩu với nhiều thể loại như:

- truyện cổ tích: Tích hang ông Từ Thức, Trần Miên (Minh) Khố Chuối,...;

- truyện ngụ ngôn: Hữu dõng vô mưu, Con cóc với con chuột, Con chó với con gà,

- chuyện khôi-hài, tựa chuyện thường đã tóm lược tính cách đó: Mẹ chồng nàng dâu ăn vụng, Cha điếc, mẹ điếc, con điếc, rể điếc, Chàng rể bắt chước cha vợ, Thằng đi làm rể, Thằng cha nhảy cà tứng, Hai anh sợ vợ, Thằng khờ đi mua vịt, Thằng chồng khờ,…

- các truyền thuyết và giai thoại cũng được ghi lại: Hang Từ Thức, Bài thơ cái lưỡi….

Chuyện Đời Xưa xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1866; sách được tái bản nhiều lần và được ghi trong chương trình các lớp trung học Bộ Quốc gia Giáo dục thời 1954-1975.

Với chủ trương dùng tiếng “Annam ròng”, nghĩa là thuần Việt và mang tính dân-gian, cho nên Trương Vĩnh Ký dùng lời văn và giọng văn kể chuyện tự-nhiên, chân-chất, nôm-na dễ hiểu như lời nói của tiếp xúc thường ngày và vào thời ông ghi lại. Tính đặc-biệt của các chuyện là từ Hán Việt được tránh sử-dụng tối đa (trong khi Huình Tịnh Paulus Của vẫn còn nhiều dấu ấn ảnh-hưởng của văn-chương cổ-điển). Văn đối thoại không khác gì tiếng nói đời thường thời bấy giờ, văn kể chuyện của ông cũng cùng ngôn-ngữ bình dân, tự nhiên và hiện-thực – tức văn-chương rời xa văn ước-lệ, sáo rỗng... của văn-học thời lịch-triều Hán Nôm. Trương Vĩnh Ký đã muốn chứng tỏ sự đa dạng của kho tàng truyện kể đồng thời cho thấy khả năng và sự phong phú của tiếng Việt, và ông đã thành công!

Về giá trị văn-họcvị-trí trong văn-học sử của Chuyện Đời Xưa, linh-mục Thanh Lãng đã có những đánh giá đáng kể, chúng tôi xin ghi lại đây nhận-định của nhà văn-học sử này:

“Đó là một cuộc cách-mạng quan-trọng trong văn-học giới,

- Một quan niệm viết truyện mới ra đời: viết truyện không phải đề cao những nghĩa cao cả mà là đặt ra một truyện đơn sơ, dí dỏm, lắm khi chỉ là một thái độ trước cuộc-đời. Lối xây dựng truyện của Trương Vĩnh Ký là lối xây dựng các truyện truyền miệng lưu hành trong dân gian.

- Những truyện đó không bị bao vây trong bầu không khí trịnh trọng, trưởng giả mà hầu hết đều phát khởi từ đám bình dân quê mùa.

- Lối văn dùng để viết truyện không còn phải là lối văn đài các mà là lối văn bình dị, mộc mạc, quê mùa, trơn truột như lời nói.

Văn của Trương Vĩnh Ký, so sánh với văn của nhiều nhà truyền giáo lúc ấy có lẽ không xuôi bằng. Nhưng văn của Trương Vĩnh Ký có ảnh-hưởng hơn vì vừa phần Trương Vĩnh Ký có uy tín hơn, vừa phần chúng không bị màu sắc tôn giáo làm cho người ta nghi kỵ, vừa phần chúng được phổ biến ở ngoài dân chúng”.

Linh-mục Thanh Lãng sau đó đã nhận định:

“Với Linh-mục Bỉnh (cuối thế kỷ XVIII), mới chỉ chớm nở, với Trương Vĩnh Ký, mới thật khai mở một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của văn xuôi. (…) từ Trương Vĩnh Ký trở về sau, địa vị văn vần cứ mỗi ngày một yếu để nhường cho văn xuôi. Với Trương Vĩnh Ký, văn xuôi Việt-Nam bắt đầu hứa hẹn một ngày mai tươi sáng, một cuộc cách-mạng toàn diện đã do ông lãnh đạo. Trương Vĩnh Ký đã cho văn-học Việt-Nam một dòng sông mới, mới trong cảm nghĩ, mới trong cách lựa chọn đề tài (đề tài thiết thực gần đời-sống hơn), mới trong cách hành văn (quan sát tế nhị hơn, nhất là bình giản hơn) (…) Trương Vĩnh Ký đã không kèn không trống, đứng ra kêu gọi người mình hãy trở về với Cha ông tổ tiên, với non sống đất nước. Các truyện cổ tích của ông là hướng theo đà ấy. Đề tài của ông không còn là của các nhân-vật cao quí của xã-hội trưởng giả hay quí phái giả tạo cóp nhặt trong các sách Tàu. Truyện của ông Trương Vĩnh Ký phần nhiều có tánh cách bình dân cũng như các đề tài của ca dao. Tuy nhiên bên dưới cái lần áo ngây thơ, thành thực của bình dân, vẫn dấu [giấu] những sự thật sâu xa của tâm hồn loài người muôn thuở. Trương Vĩnh Ký cũng khác tất cả các văn gia ta thời xưa: ông không đạo mạo, không đài các, không cao kỳ, ông trai trẻ hơn, ông mới hơn, ông nhí nhảnh hơn, ông vừa nói vừa cười và muốn cho người nghe cũng phải nhoẻn một nụ cười ý nhị nhưng suy nghĩ. Đó là cảm nghĩ của chúng ta khi đọc những truyện như truyện “Chàng rể bắt chước cha vợ”, “Thằng chồng khờ”, “Thằng khờ đi mua vịt”.

Cùng với Trương Vĩnh Ký, câu văn Việt-Nam được giải phóng khỏi những xiềng xích của chữ Hán ...”[2].

Học giả Nguyễn Văn Sâm trong Lời Vào Sách Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký, Những Điều Thú Vị sử-dụng ấn bản năm 1914 của Imprimerie de Qui-Nhơn, đã nêu vấn-đề “Tại sao quyển truyện khổ nhỏ mỏng chưa tới 100 trang nội dung thì chẳng có gì gọi là hấp dẫn lại có sức thu hút như vậy?”, và ông đã cho biết: Chính là nhờ ông Trương khi viết đã nhằm vào hai mục tiêu căn bản rất hợp lý. Và ông đã đạt được gần như trọn vẹn điều mình đưa ra:

1. Giáo dục về luân lý. Cho người đọc thấy những bài học tốt dùng trong cách ở đời của cả nam lẫn nữ, các ứng xử phải đạo vào trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin, chớ cho rằng mình hay giỏi…

2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển chuyện không sự kiện cố gắng làm văn chương một cách kịch cỡm, mặc dầu làm văn chương không hẵn là xấu, ông chỉ sử dụng tiếng Việt thường nhựt, với những từ ngữ của giới bình dân (lo đái ra cây, tưởng đã xong đời, dồi quách, lẻo đẻo theo quấy, đút trây, trơ trơ mặt địa, đói xơ mép…). Người đọc đón nhận nồng nhiệt cũng vì lẽ đó. Nó gần gũi với người đọc trong từng câu chuyện đã đành, nó còn không cách xa về ngôn từ để kén chọn độc giả như là những tác phẩm bác học kiểu Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Tần Cung Nữ Oán Bái Công, Lưu Nữ Tướng, Dương Từ Hà Mậu, Kim Thạch Kỳ Duyên, Lôi Phong Tháp, Tây Du Diễn Truyện…. Nó cũng dễ bắt ta tiếp tục đọc cho tới hết quyển, trái với những tác phẩm lớp trung lưu mà những nhà làm văn học sử gọi là tác phẩm bình dân như Trần Đại Lang, Trinh Thử, Trê Cóc, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lý Công, Nữ Tú Tài, Nhị Độ Mai, Phan Trần…

Đó là nói về lời văn. Ở mặt sự kiện trong truyện, tác giả còn khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng hầu hết là vào đầu thế kỷ 19 nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy, không thể hiểu cho tường tận do sự thay đổi của xã hội (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, đèn ló của ăn trộm, mõ ống, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể, thách cưới, ăn chè trưa, thầy pháp trừ tà…)...”[3].

Một số chuyện đời xưa và chuyện khôi-hài ban đầu được đăng trên Gia-Định Báo, Nam-Kỳ Nhựt-Trình trước khi xuất-bản – cùng với Chuyện Giải Buồn của Huình Tịnh Paulus Của, đã là những văn-bản văn-xuôi bằng chữ quốc-ngữ đầu tiên. Tuy nhiên, Trương Vĩnh Ký và Huình Tịnh Paulus Của đã ghi chép lại các “chuyện” này từ kho tàng truyện cổ, chuyện truyền khẩu dân-gian và sách, truyện Trung-Hoa; tính văn-chương do không thực sự thiết-yếu trong các tuyển tập vừa kể, vả lại đó cũng chẳng phải là mục-đích của các vị này - Trương Vĩnh Ký đã cho biết để làm tài liệu học tập theo tiêu chi “đế học trò coi chơi cho vui” và được đưa vào trường lớp để học tiếng Việt!

Văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ và theo hình thức mới thật ra đã bắt đầu với những truyện đời xưa đăng trên Gia Định Báo rồi sau được in thành sách: Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (xuất bản năm 1866, ấn phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên) và Chuyện Giải Buồn (1880) của Huình Tịnh Paulus Của. Trương Vĩnh Ký kể chuyện xưa Việt Nam kể cả những chuyện huyền thoại, truyền thuyết, văn rời rạc, theo lối nói bình dân, không trôi chảy trong khi đó Paulus Của phỏng theo truyện Tàu nên văn nhiều biền ngẫu – vả, phần lớn phỏng dịch từ Liêu Trai Chí Dị. Ngoài ra thể loại ký-sự thường là bước đầu dẫn tới sự thành hình của thể tiểu thuyết. Thể loại này cũng đã bắt đầu ở miền Nam.

Nói chung, nghệ thuật kể chuyện là nguồn gốc của văn chương, là nguồn hứng khởi, thu hút, khiến người đọc tra vấn, ngưng đọc để suy tư, thẩm thấu. Toà nhà do những người thợ là tác giả và nhân vật của tác-giả xây lên như lý lẽ hiện tồn, nhưng một khi hoàn thành, truyện đã hết và nay thuộc về Lịch sử viết hoa. Tác giả cấu trúc thành tác phẩm nhưng ý nghĩa, dụ ngôn nếu có là do người đọc khám phá, với những chìa khóa riêng tư. Khi người đọc có cử chỉ đó là tác giả đã biến mất, đã chết ! Tác giả bị xét lại và kết án tử. Vấn đề vai trò người đọc và tác phẩm là sợi dây trung gian. Văn bản không hiện hữu nếu không có sự kiện có người đọc. Nếu tác giả không còn đó thì người đọc hiện hữu, sống thật!

Văn học quốc-ngữ Việt Nam từ nửa sau thế kỷ XIX nói chung là một nền văn học nặng truyện kể hơn là sáng tạo! Sau những bước tiên-phong của Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký và Huình Tịnh Paulaus Của, Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản tiếp nối kể chuyện có thể đã xảy ra và cho người đọc suy nghĩ về tâm lý và hành động của nhân vật. Sau đó, Tản Đà kể những Giấc Mộng Con, Giấc Mộng Lớn. Rồi đến những truyện kể của buổi giao thời mới cũ như của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt,... trong Nam và Tố Tâm, Đoạn Tuyệt, Cô Giáo Minh,.. ngoài Bắc. Nhìn chung, tính chất truyện kể bao trùm văn học sử Việt-Nam và truyện kể dù hay hoặc dở, dù trải qua bao thăng trầm, biến động lịch sử, vẫn sẽ là yếu tố trung tâm của đời sống con người, một bạn đồng hành vừa bí ẩn vừa không có gì thay thế được![4].

Trương Vĩnh Ký cho biết khi kể những chuyện này vì chúng “hay” và “có ích” - tức là nhắm giải trí, mua vui bên cạnh việc dùng để học và nói tiếng “An-nam ròng”, dù có khi ẩn chứa phần lý-giải hoặc nói chuyện phong-hóa luân lý, đạo-đức ở đời.

Xin trích lại “Ý sách” và một số chuyện đời xưa của Trương Vĩnh Ký, ngoại trừ truyện chót, chúng tôi sử-dụng bản xưa nhất in trong tập Chuyện Đời Xưa = Contes plaisants annamites của Abel Des Michels (Paris: Ernest Leroux, 1888. (http://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k692060)) – gồm 27 trang gốc của 20 truyện đầu bằng chữ quốc-ngữ của Trương Vĩnh Ký:

Ý SÁCH: CHUYỆN ĐỜI XƯA

Kêu rằng: CHUYỆN ĐỜI XƯA, vì nó là những chuyện kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn, nết ở cho tử tế.

Ta cũng có thêm một hai chuyện thiệt tích mà có ý vị vui, dễ tức cười, cũng để cho người ta thấy khen mà bắt chước, thấy chê mà lánh.

Góp nhóp trộn trạo chuyện kia chuyện nọ, in ra để cho con nít tập đọc chữ quốc ngữ, cùng là có ý cho người ngoại quốc muốn học tiếng Annam, coi mà tập hiểu cho quen.

Nay ta in sách nầy lại nữa; vì đã hết đi cũng vì người ta dùng sách nầy mà học tiếng, thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng Annam ròng; có nhiều tiếng nhiều câu thường dùng lắm.

P.J.B. TRƯƠNG VĨNH KÝ”.

CHUYỆN KHÔI-HÀI

Sau Chuyện Đời Xưa xuất-bản năm 1866, Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi (1879) xuất-bản năm 1881. Trương Vĩnh Ký cũng sưu tập thêm một số chuyện dân gian và xuất-bản năm 1882 cuốn Chuyện Khôi Hài, chúng tôi ghi lại đây một số chuyện từ tập này, được lựa chọn in riêng và hình-thức ngắn hơn - tuy nhiên một phần khá lớn Chuyện Đời Xưa cũng đã mang tính khôi hài, châm biếm!

6. Chữ Thiên Trồi Đầu

Lão kia hay chữ, mà cà-xốc thấy con kia đề-đạm nhủm nha có duyên có sắc thì hát chọc rằng: Thấy em cũng muốn làm quen, lại sợ em có chữ thiên trồi đầu.

Con kia đáp lại: Anh ơi, chớ nói thêm rầu, chữ Thiên trồi đầu lại có phết vai.

(Chữ THIÊN trồi đầu trong chữ Hán là “PHU” nghĩa là “chồng”, còn chữ THIÊN trồi đầu có phết vai là chữ “THẤT” nghĩa là “mất” - tức muốn nói có chồng nhưng chồng đã chết).

21. Anh kì-cào

Nhà kia có hai anh em đều đi tu cả hai. Người anh làm cụ sở, người em còn làm thầy tu (bốn chức) mà yếu đuối. Cho về đi giúp cụ anh.

Bữa kia người ta rước cụ anh đi kẻ liệt xa. Thầy em xin đi theo:

- Cụ đi, mình cùng đi với.

Anh rằng:

- Sợ thầy đi không nổi ở nhà thì hay.

Thầy ấy nói không hề gì.

- Thôi, đi thì đi.

Đi đã hơn trót nửa phần ngày mỏi chơn mỏi cẳng, vừa tới cái suối, nước trong vắt. Ở trong đá chảy ra ro-re ro-re; thầy em vùng nói:

- Mình ở lại đây, mình tắm một cái chơi cho mát, rồi mình về thôi; việc cụ đi thì cụ đi, nó phải việc chi mình mà mình hòng phải đi cho mệt xác.

Lần kia thầy ấy về thăm nhà. Đâu lại gặp chị nằm bếp, mà yếu, ít sữa, lại không được sỏi cho mấy. Anh rễ mới cậy:

- Cậu chịu khó đi mướn giùm cho một vú chút.

- Ừ, biểu trẻ đưa quan tiền cột lưng.

Ra đi tối ngày, ăn hết tiền, lơn-tơn về. Anh rễ mầng chạy ra hỏi:

- Sao mướn được vú hay không?

- Ôi thôi! Đi khắp cả cùng làng cùng xứ mà coi, mà coi thì người nào người nấy đều có hai vú cả, không ai một vú mà hòng mướn.

Với Chuyện Khôi Hài, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ ông là một nhà văn-hóa khai phóng, một người theo đạo Thiên-Chúa nhưng không thanh-giáo, không đạo đức giả.

CHUYẾN ĐI BẮC-KỲ NĂM ẤT HỢI

Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi 1879 của Trương Vĩnh Ký là tác phẩm bút-ký đầu tiên bằng chữ quốc-ngữ được xuất bản - năm 1881, tiếp sau đó có “Tây Phù Nhật Ký” của Tôn Thọ Tường (đăng Gia Định Báo - thực ra ông diễn Nôm tập Như Tây Sứ Trình Nhựt Ký của cụ Phạm Phú Thứ dâng vua Tự Đức năm 1864), rồi Như Tây Nhựt Trình de Saigon à Paris (Impr. Rey & Curiol, 1889) của Trương Minh Ký,...

Đây là du-ký đầu tiên viết bằng chữ quốc-ngữ của văn-học Việt-Nam – ngay trang bìa Trương Vĩnh Ký đã ghi “Vãng Bắc-Kì tự-thuật”. Trương Vĩnh Ký dùng thể bút-ký kể chuyện đi ra Bắc bằng tàu thủy Duchaffaud từ Sài-Gòn, cùng “thầy ba Hớn với ông sáu Thìn (…) vào trong Nam-kỳ đã lâu, đi theo trước là cho có bạn, sau nữa là cho họ về thăm quê-quán”; trình bày theo thứ tự thời gian, đi đến đâu ghi, tả đến đó. Chuyến đi khởi hành ngày “18 tháng chạp”năm Ất-Hợi âm-lịch (tức 14-1-1876) và trở về bến tàu Sài-Gòn ngày 26 tháng Ba năm Bính Tý (tức 20-4-1876). Du-ký pha lẫn biên chép địa-chí và guồng máy hành chánh, cai trị cùng nhân-sự tiếp xúc (gặp lại Phạm Phú Thứ đang làm Tổng-đốc Hải Dương, người từng chung chuyến Âu-du 1863,...), cạnh những ghi chép về thắng cảnh và sự việc (như khám bắt thuyền người Ngô (Hoa) bắt cóc thiếu nữ người Việt,...). Trương Vĩnh Ký cũng ghi lại “ít bài thơ vẽ cảnh, thì biết thắng cảnh là chừng nào” như khi ở Phát-Diệm và được tiếp kiến linh-mục Trần Lục (cụ Sáu Trần-Triêm) – gọi là thơ nhưng hình-thức văn vần chung chung không theo thể-loại thơ nào cả, không thơ luật cũng chẳng phải lục-bát hay song thất lục bát:

“Sực xem thấy nhà thờ Phát-diệm
Thật nguy nga cung điện hẳn hòi.
Đọc kinh rồi đứng đó mà coi,
Hồ sơn thủy lầu-đài như tạc
Sách có chữ rằng: Thị chu lưu bàn bạc
Bất dĩ Tần nhi bất dĩ Hán,
Nhờ đội ơn trên ra sức phù trì,
Cho người thế biết đường giữ đạo,
Sách có chữ: Hữu công vi văn giáo.
Thị thánh hiền, vi vạn thế sanh dân,
Chữ rằng: đức dữ nhật tân”
(Trần Thiệt)

Gốc đã tươi hoa quả cũng tươi
Có luân thường đạo lý mới ra người
Nen phải cậy trái tim cho chắc chắn.
Thơ rằng: bỉ thới tuy nhân vân,
Quân-tử bất ưu bần,
Chữ rằng: phụ hảo tâm nhân,
Vậy phải giữ chữ tâm cho vững
Nhờ Chúa cả hộ cho mạnh khoẻ,
Nọ mới hay bỉ cực thới lai.
Hữu nhân hữu thổ hữu tài...
Thấy phong cảnh Phát-diệm thật nên ghê,
Nhân ngồi chơi tay tả bút đề,
Vịnh phong cảnh vài câu quấc-ngữ:
Thơ rằng: Tứ thời giai hứng dữ,
Vạn vật tỉnh quan nhi,
Trên cửa lầu chuông trống uy-nghi,
Trước hồ thấy hoa sen đỏ chói,
Đường thập-đạo đá xây bốn lối,
Cửa ngũ môn xuất nhập đạo cung môn,
Tứ thời phong cảnh tứ thời xuân...”
(Nhà-Thờ Trái-Tim)

Mặt khác, Trương Vĩnh Ký đã ghi (kể) lại hai bản “Nhựt trình đàng biển nước Annam từ kinh-đô cho tới phố Vạn-Ninh kể vô cho tới Cửa Cần-Giờ” và “Nhựt-trình từ Chụt sấp ra Đà-nẵng”, bằng thơ lục bát, tức thể-loại thời đó thường được dùng để kể chuyện; và chuyến đi đã xảy ra trước vì được xuất hiện năm 1887 trong Manuel des Écoles Primaires Ou Simples Notions Sur Les Sciences...[5].

Trích vài đoạn của bài đầu:

“Trên thì vua ngự ngai vàng,
dưới thì văn võ hai hàng đai cân.
Chín châu bốn bể xa gần
khang cù kích nhưỡng muôn dân thanh-nhàn.
Tôi nay là khách bán buôn,
nhựt trình xin kể na-nôm mặc lòng.
Con thuyền phàm lệ thong dong,
bảo nơi nương-tựa mặc lòng vào ra.
Mầng nay án hải thanh hà,
tự Thừa-thiên-phủ tới hòa Vạn-ninh.
Trong nhựt trình địa đồ xin kể:
phủ Thừa-thiên lạch Thuận [cửa Thuận-an] nhà đài.
Trình đồn các việc thảnh-thơi,
sửa-sang thuyền-bá tới lui hải tần.

(…) Quảng-bình đây kim thành thổ bích,
khác bộ-hành giọi đó Đông-quan.
Đầu-mầu núi ấy là ngàn,
Hải-môn Nhựt-lệ nghênh-ngang ra vào.
Sóng đâu Phục địa xôn xao,
gò lèo kéo lái cận vào không nên.
Cồn Chùa hòn Náu bên trên,
Lý-hòa Dá-nhẩy kề liền Linh-giang.
Tấn đây có trạm có đồn,
rạn đâu sóng bổ lạch Ròn trông ra.
(…) Ngoài Thùa-vân trong thì Giếng-bộng,
ngàn Vũng-tàu lộng-lộng cao phong.
Thuận buồm ba cách thẳng giong,
Ba non xấp-xỉ là đông Vũng-tàu.
Nước non thú vật mọi màu,
Bãi-tiên, Giếng-ngự nước trong cam tuyền.
Lăn buồm mà dựa cho yên,
Ba non thẳng lái chỉ ngay Cần-giờ...”

và bài sau:

“Kể từ dựa Chụt mà ra,
Mũi-mác, Chà-là là cửa Nha-ru.
Buông lên một đỗi mù mù,
Nha-ru đã rồi, cửa Bé lại qua.
Đồi-mồi chớn-chở gie ra,
bên trong có bãi Bà-gia vịnh vào.
Hòn Gầm sóng bổ lao-xao,
bắt mặt xem vào đè dặm xông ngang.
Thương con nhớ vợ ghe đàng,
nước mắt hai hàng châu lụy thâm biên.
Đá chồng rựng-rựng mọc lên,
tạc đề bia truyền nối đời Hùng-vương.
Buông lên một đỗi dặm trường,
Ô-rô núi tấn bốn phương như nhà.
Đầu gành mũi Nậy ghe ra,
bên trong có vũng hiệu là Vũng-môn (…)”.

Xin trích những đoạn văn cho thấy văn phong và cách thuật sự của Trương Vĩnh Ký – văn bản trích theo ấn bản in lại (số trang mới) từ Bulletin de la Société des études Indo-chinoises de Saigon (b.m., t. IV, số 1, 1929, tr. 4-35 & 37-76; http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk/wa_files/voyage.pdf).

Đây là đoạn tả Đền Kính Thiên, Cột Cờ, tới Đền Công, tượng Ông Thánh Đồng đen và Chùa Một Cột:

Trước hết vô hoàng thành cũ. Lọt khỏi ngũ môn lâu, lên đền Kính Thiên. Đền ấy nền cao lắm, có 9 bậc xây đá Thanh, hai bên có hai con rồng cũng đá lộn đầu xuống. Cột đền lớn trót ôm, tinh những là gỗ liêm cả. Ngó ra đàng sau còn thấy một hai cung điện cũ chỗ vua Lê ở thuở xưa, bây giờ hư tệ còn tích lại đó mà thôi.

Ra ngoài cửa ngũ môn lâu, thẳng ra cửa Nam, có cột cờ cao quá xây bằng gạch, có thang khu ốc trong ruột nó mà lên cho tới trên chót vót. Leo lên thôi đã mỏi chân mỏi cẳng. Ra tại chuồng cu đứng ngó mông, thấy núi non xa gần, ngắm nhìn chót núi Tân Viên. Không dám ngó xuống, vì ngợp lắm. Một bận đi xuống cũng hết hơi.

Đi lại cửa tây ra ngoài thành đi coi đền công. Chỗ ấy huyền vũ có cây cao lớn sum sê rễ nó xỏ xà leo với nhau như rễ, mát mẻ, im rợp quá.

Ra cửa ô Bưởi đi coi chùa Trần Võ Quan, tục kêu là ông thánh đồng đen, ở một bên mép hồ Tây. Tượng ấy là tượng ngồi cao lên tới nóc chùa, đúc bằng đồng đen cả. Tóc quăn như đầu Phật; mặt cũng tựa tựa; còn từ cổ sắp cuống thì ra như hình ông thánh Phao Lồ, một tay chống lên trên cán cây gươm chỉ mũi lên trên mu con rùa, một tay thì ngay ngón trỏ mà chỉ lên trời, chân thì đi dép. Có chữ đề mà đã mòn đã lu đi coi không ra.

Coi rồi mới ra đi đến xem chùa một cột, là cái miễu cất lên trên đầu cây cột đá lớn trồng giữa ao hồ.

Nguyên tích ai thiết lập ra thì người ta nói mờ ớ, không biết lấy đâu làm chắc cho mấy. Cứ sách sử kí và Đại Nam nhứt thống chí, thì chùa ông thánh đồng đen kêu là Trần Võ Quan Tự, ở về huyện Vĩnh Thuận, phường Đoan Chương đời nhà Lê, năm Vĩnh Trị năm Chánh Hòa, vua Hi Tông (1675) sửa lại đúc tượng đồng đen cao 8 thước 2 tấc, nặng 6600 cân, tay hữu chống trên cây gươm, chỉ mũi trên lưng con rùa, có rắn vấn doanh theo vỏ gươm. Trong sử nói đời Thục vua An Dương Vương bị tinh gà ác và phục quỷ núi Thất Diệu, mà nhờ có thần hiện trên núi Xuân Lôi thuộc về tỉnh Bắc Ninh trừ ma phá quỷ hết đi, thì vua dạy lập miễu phía bên bắc thành vua mà thờ là thần, đặt hiệu là Trần Thiền Chấn Võ Đế Quân.

Thuở Minh Mạng năm thứ 2 vua ngự ra Bắc có ban 50 lượng bạc, lại một cái áo võ tư vàng.

Năm Thiệu Trị thứ 2, vua ngự có ban tiền vàng 1 đồng, áo vàng 1 cái, 1 bài thơ, và 1 đôi liễn nữa.

Còn chùa một cột, thì cũng ở hạt huyện Vĩnh Thuận, làng Thanh Bửu, ở giữa cái hồ vuông, có trụ đá cao trót trượng, yên viên chừng 9 thước, trên đầu có cái miễu ngói chồng lên, như cài hoa sen ở dưới nước ngóc lên. Sử chép rằng: Thuở xưa vua Lý Thái Tông nằm chiêm bao thấy Phật Quan Âm ngồi tòa sen dắt vua lên đài. Tỉnh dậy học lại với quần thần, sợ điềm có xấu có hệ chi chăng. Thì thầy chùa thầy sải tâu xin lập ra cái chùa thể ấy, đặng cho các thầy tụng kinh mà cầu diên thọ cho vua, thì vua cho và dạy lập ra.

Qua đời vua Lý Nhân Tông sửa lại, bồi bổ, lập tháp, đào ao, xây thành, làm cầu, tế tự, hễ tháng tư mồng 8 vua ngự ra đó kỳ yên. Lại đúc chuông, mà đúc rồi, chuông đánh không được kêu, nên bỏ ra ngoài Quy Điền. Đời vua Lê Thái Tổ đánh giặc với quan nhà Minh, vây trong thành đông Quan binh khí hết đi ,nên quan Minh lấy mà đúc súng, đúc đạn đi”.

Sau đó ông đến thăm cảnh Hồ Tây và Miếu Văn Thánh:

“Cái hồ Tây ở tại huyện Vĩnh Thuận, phía tây thành Hà Nội; kể châu vi nó được 20 dặm, nước sâu từ 1 thước cho đến một trượng; thuở xưa tên nó kêu là Làng Bạc. Nước trong ve trong vắt như mặt kính vậy. Thường người ta phiêu hàng lụa thì đều dùng nước hồ ấy mà làm. Tục ngoài ấy hay nói: Làm người phải cho cả ý; người nào mang bị là người Tây Hồ; mang bị là mang hàng lụa đi đến đó mà giặt mà xả.

Đời xưa các vua, có làm cung điện mà chơi đó. Như đời vua Lý Nhân Tông ngự thuyền nhỏ đi chơi, mà bị Lê Văn Thạnh làm thuật hóa cọp mà nhát, nhờ Mục Thận vãi chài chụp được… Vua Trần Dũ Tông, khi còn nhỏ đi dạo thuyền té dưới hồ Tây, nhờ có thầy Trâu Canh cứu được cho khỏi chết v.v…

Người ta truyền miệng rằng: có con kim ngưu ở núi Làng Kha chạy nhủi dưới hồ ấy. Rốt đời Cảnh Hưng, nước hồ nó đổi sắc đi, lại nói bên phía đông hồ thường đêm có thấy một con trâu ăn cỏ đó, mà hễ người ta lại gần thì nó hụp xuống hồ mất đi. Cách ít lâu sau, mưa dông sấm chớp luôn cả một đêm, sáng ra thấy dấu trâu ở trong hồ ra mà sang qua sông Nhĩ Hà. Sau tiệt đi không thấy nữa. Xung quanh mép hồ nhà dân sự ở đông. Đã nên là mộït kiểng sơn thuỷ quá vui quá đẹp; phải mà sửa soạn bồi bổ cho hẳn hoi, thì lại càng ra xinh ra đẹp hơn nữa bội phần.

Đó rồi đi coi Văn Thánh miếu ở tại phía tây nam thỉnh thành, tại huyện Thọ Xương, làng Minh Giám, là chỗ thuở đời nhà Lý vua Thánh Tông đi tế tượng thánh Khổng Tử, và 4 vị á thánh, lại 72 sĩ hiền. Sau miễu hai bên tả hữu có bia tấn sĩ tạc đá xanh, dựng lưng quỳ sắp hàng, từ đời kia qua đời nọ nhiều lắm. Đời nhà Trần, nhà Lê cũng nhân đó mà làm luôn. Đời Gia Long có lập thêm cái khuê văn các trong cửa Nghi Môn...” (tr. 7-10).

Nhiều lúc tức cảnh sinh tình, ở Trương Vĩnh Ký là những phê phán đôi khi nhẹ nhàng mà thâm thúy:

Đi coi cảnh chùa ông Nguyễn Đăng Giai lập một bên mép hồ Hoàn Gươm.

Nguyên thuở ông Nguyễn-đăng-Giai ngồi tổng đốc tại Hà-nội, người bày ra cho đi thú quyên tiền quan dân mà lập nên kiểng chùa thờ Phật. Làm cũng đã công phu lắm, tốn tiền gạo hết nhiều, nên mới có bài thơ học-trò Bắc chê ông ấy rằng:

“Phước-đức chi mầy bố đĩ Giai?
Làm cho tổn Bắc, lại hao Đoài,
Kìa gương Võ-Đế còn treo đó,
Ngạ tử Đài thành, Phật cứu ai?”

Cảnh chùa ấy thật đã nên là tốt: vô cửa hai bên có tháp cao. Vào trong có hồ đi quanh-co vòng theo chùa, lại ăn lọt dưới chùa nữa, hai bên mép xây gạch xây đá cả. Cầu bắc tứ phía qua chùa đều cũng xây đá gạch hết hẳn-hoi. Xung-quanh bốn phía có nhà hành-lang chạy dài ra sau giáp nhau. Trong chùa đàng trước để tượng Phật đứng bàn cả đám, hình lớn-to, quang-thếp cả. Hai bên có làm động và tháp điện, đều bong hình nổi ra hết. Đàng sau có đền, có tạc hình-cốt ông Nguyễn-đăng-Giai. Phải chi nhà-nước lo tu-bổ giữ-gìn thì ra một cái kiểng rất xinh rất đẹp. Mà nay thầy chùa thầy sãi ở đó, dở ngói, cạy gạch bán lần đi mà ăn, nên hư tệ đi uổng quá...” (tr. 5).

Trương Vĩnh Ký thường quan tâm đến các sinh hoạt của người dân đủ mọi thành phần ở những nơi ông có dịp đi qua hay ở lại. Chợ ở các nơi được ông quan sát ghi lại như sau, ở đề mục “Chợ” trong phần thăm Hà-Nội:

Chợ búa nội cả tỉnh cũng nhiều lắm. Mà chợ lớn có tiếng và đủ đồ hơn hết tại Bắc-kỳ, thì là những chợ kể trong câu ví nầy : Xứ Nam là chợ Bằng Vồi ; xứ bắc Giâu, Khám, xứ đoài Xuân Canh ; nghĩa là tỉnh Hà-nội, Hưng-yên, Ninh-bình, Nam-định là phía nam, thì có chợ Bằng, chợ Vồi có tiếng hơn hết. Còn bắc là Bắc-ninh, thì có chợ Giâu, chợ Khám ; xứ đoài là trên Sơn-tây thì là chợ Thâm-xuân-canh...” (tr. 19).

Về thức ăn, theo ông: “Về đồ ăn có tiếng ngon hơn, như trong Nam Kỳ kêu chiếu Cà Mau, thuốc Gò Vấp, rượu Gò Cát v.v…, thì ngoài Bắc Kỳ có cái cá như vầy: Dưa La, Cà Láng, nem Báng, gỏi Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét. (chỉ tên xứ: Kẻ La, kẻ láng, kẻ Báng, kẻ Bắn, Vạn Vân, kẻ Đấm Sét).

Cơm Văn Giáp, táp (thịt tái) cầu Giền, chè quán Tiên, tiền Thanh, Nghệ.

Cơm quán dọn tử tế thì là tại quán làng Văn Giáp đường lên tỉnh Hà Nội, vào Cửa ô Đồng Lầm; còn thịt tái thịt thấu ngon có tiếng thì là tại quán Cầu Giền; chè cháo nấu ngon thì là tại quán Tiên cũng tại đường lên Hà Nội; tiền xe gánh ra nhiều thì là phường buôn ở trong Thanh trong Nghệ đem ra” (tr. 19).

Về tiệc tùng, ông ghi trong “Cỗ nhắm”: “Tiết tháng 8 tục có làm cỗ nhắm tại đình, cúng tế thần kỳ yên. Đua nhau dọn cỗ, một cỗ tế rồi ngồi ăn cùng nhau, còn một cỗ mâm án thư chồng đơm lên nhiều từng, lấy mía róc vấn giấy đỏ làm đồ kê mà chưng có từng, trên có làm con phụng, con long, con lân, con quy đứng đầu mâm, để tối chia nhau, biếu xén nhau. Dịp ấy thường coi hát nhà trò, đánh gậy (đánh quờn, nghề võ), vật, múa rối cạn (hát hình), múa rối nước, leo dây, bài điểm, cờ người, nấu cơm thi, dệt cửi thi, bắt chạch, tạc tượng (đục (giục) tượng), thảy đều có ăn cuộc ăn dài cả.

Nấu cơm thì là phải nấu thi coi thử ai chín trước, và khéo khỏi cháy khỏi khê khỏi khét. Người ta đưa cho ít cái đóm với bã mía hay là rơm, thắp cầm hơ đút nồi mà nấu.

Còn dệt cửi thì làm sàn ra ngoài ao vừa để cái không cửi, ả chức ra đó lên ngồi dệt, đâm thoi bắt thoi cho liền cho lẹ, nếu trật thoi văng rớt xuống ao thì thua.

Bắt chạch là một trai một gái tay choàng cổ ôm nhau, tay kia thò vô chum sâu có thả con chạch, ai bắt được thì ăn dải*. lượt thưa rểu, quần lãnh bưởi có ngời ngồi ra tại giữa giàn làm trên ao hồ. Trai lãnh chàng đục, đóng khổ giấy ra đó, làm bộ đẽo phạm, hễ giữ không được thì tâm hoả động, dương vật dậy rách khố mất ăn; khi ấy đâm đầu xuống ao lặn đi đỡ xấu. Ấy ít lời về phong tục sơ lược cho biết qua vậy” (tr. 17).

Trong Chuyến đi này, ông đã tham dự một số lễ lạc, nghi thức, và cả đi xem hát ả-đào ở Hà-Nội. Ông ghi lại trong Chuyến đi... ở Mục:

NHÀ TRÒ

Khi đám-tiệc, hội-hữu, hôn-tế, kỳ-yên, chạp-miễu, thường hay dựng nhà-trò. Nhà trò là con gái đương xuân-sắc chuyên-tập nghề ca xướng, tục kêu là cô-đào. Có đám tiệc, thì người ta rước tới hát, thường hát theo ca-trù, giặm Túy Kiều, câu hát, thơ phú, hoặc kể truyện. Hát cũng khi ngồi khi đứng, tay nhịp canh, miệng hát nhiều cung bậc giọng thấp giọng cao ngân-nga hay và êm tai lắm, có chú kép ngồi một bên gảy (khảy) cái đờn đáy, lại có người đánh trống nhỏ cầm chầu. Có khi lại đứng bắt bớ và múa và hát. Có khách thì chủ đám lại bắt phải quỳnh-tương rượu, Tay bâng chén rượu, miệng hát câu chi, hoặc tình ái, hoặc nhân ngãi, để mời cho khách uống đi. (Câu hát là giọng quỳnh, chén rượu là chén quỳnh-tương), tích chén nước Vân-anh đem dua Bùi-hàn uống...

Giọng nhà trò thường là những giọng sau này: mấu-dụng, thiệt nhạc, ngâm vọng, tì-bà, tắt-phản, hát nói, gỏi thơ, huỳnh hãm, cung bắc, của quyền, non-mai, nường-hạnh, chữ-khi, thơ, thống, v.v...” (tr. 16).

Tưởng cũng cần nhắc là Trương Vĩnh Ký từng viết và dạy về các đề tài này như biên-khảo Hát, lý, hò Annam (1886),...

Bút ký / du-ký của Trương Vĩnh Ký cũng đã để lại dấn ấn ngôn-ngữ, phương ngữ, thành ngữ, cách phát biểu, đối thoại,... của thời bấy giờ và ở những địa phương khác nhau. Qua bút ký này, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ chữ quốc-ngữ có thể sử-dụng cho mục-đích văn-chương và một đời-sống hiện-đại hơn: dùng ngôn-ngữ của đời thường, dùng giọng văn của hôm nay, nói đến những chuyện và nhân-vật đang sống, đang xảy ra, như là chuyện thật – chứ không phải là trong một thế-giới ảo của văn-chương cổ điển.

Sau Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi 1879 năm 1881, Trương Vĩnh Ký đã cho xuất-bản cùng năm 1882 tập Chuyện Khôi-Hài và đặc-biệt hai tập truyện Kiếp Phong Trần Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi có thể xem như là hai “truyện ngắn” đầu tiên của văn-học chữ quốc-ngữ Việt-Nam: toàn bài chỉ là những lời đối đáp nhịp nhàng với đôi chỗ người viết can thiệp để chuyển tiếp; kỹ-thuật kết cấu tiểu-thuyết không hề hiện diện, cả ý-hướng làm văn-chương cũng không – phải đến năm 1887 xuất hiện Thầy Lazarô Phiền của P.J.B. Nguyễn Trọng Quản được xem là “tiểu-thuyết” hay “truyện vừa” đầu tiên của văn-học Việt-Nam vì như chúng tôi đã hơn một lần phân tích, tiểu-thuyết của Nguyễn Trọng Quản có những yếu tố cấu thành tiểu-thuyết và một tác-phẩm văn-chương!). Cũng cần ghi nhận, hai truyện của Trương Vĩnh Ký với ý hướng cách tân và đưa vào văn-học thể văn xuôi, nhưng con người thời ấy như chưa làm quen được ngay, do đó mới có những bài diễn ra văn vần như Antoine Trần Hữu Hạnh đã diễn hai truyện này ra bài ca lục-bát (“Ca sách Bất cượng” đăng Miscellannées, số 10, 2-1889, tr. 8-10 và số 11, 3-1889): trong khi Trương Vĩnh Ký sáng-tác, Trương Minh Ký phóng tác ra văn xuôi truyện nước ngoài và thơ ngụ-ngôn La Fontaine, thì có những bài văn vần diễn lại những bài bản văn xuôi!

Nhìn chung trong hai “truyện ngắn” này, Trương Vĩnh Ký đã viết văn như một nhà báo và nhà giáo dục. Ông sử-dụng lời nói thường ngày của người Việt lúc bấy giờ (tiếng Việt ròng) ở miền Nam-kỳ lục-tỉnh, thành ngữ và tục ngữ của văn-chương bình dân cùng điển tích của kinh truyện Trung-Hoa và với ít nhiều ảnh-hưởng văn xuôi kinh sách của người Công-giáo. Ngoài ra, Trương Vĩnh Ký còn để lại một văn bản mà thư tịch ghi bằng tiếng Pháp mang hình-thức như của hai truyện này, “Dialogue entre T. et N. sur les thèmes: 1. Les vices féminins – médisance – entêtement – jalousie; 2. Les devoirs de la femme envers – son époux – ses beaux-parents – ses enfants”.

KIẾP PHONG TRẦN

Giáo-sư Nguyễn Văn Sâm ở hải-ngoại đã “giới thiệu và sơ chú” truyện “Kiếp Phong Trần” trên đặc-san Dòng Việt (số 19, Xuân 2006, chủ đề Nam-kỳ lục-tỉnh - tập 1, tr. 254-264) và đã xem Kiếp Phong Trần là “bài văn quốc-ngữ đối thoại đầu tiên của nước ta. Đầu tiên nhưng thể hiện được đến tuyệt cùng tính giản-dị trong cách viết, tính đôn hậu trong cách trình bày, cũng như sự uyên bác của tác-giả...” (tr. 254). Gần đây, Trần Nhật Vy thì đặt vấn-đề niên-đại cho tiểu-thuyết bằng chữ đầu tiên, trái với khám phá của hơn bốn thập-niên qua (của Bùi Đức Tịnh, 1974) là cuốn Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản xuất-bản năm 1887; ông đã đặt vấn-đề Kiếp Phong Trần có phải là “tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam?” và kết luận “So với Phansa diễn ra quấc ngữ in năm 1884, Kiếp phong trần đi trước hai năm. Song trên thực tế, một số truyện trong Phansa diễn ra quốc ngữ [của Trương Minh Ký] lại được in vào cuối năm 1881, nên chúng tôi xếp Kiếp phong trần đứng sau”[6]. Trần Nhật Vy nói đến các truyện Tên chăn bò Thằng ăn trộm với con heo đăng Gia Định Báo ngày 1-12-1881).

Xét theo thể-loại văn-học, thì đây là thể “văn xuôi” và các Chuyện Đời Xưa (1866) là những văn-bản văn-chương đầu tiên mở đường cho các thể-loại văn xuôi khác. Kiếp Phong Trần Bất Cượng Chớ Cượng Làm Chi xuất hiện 16 năm sau, cùng thể văn xuôi, nhưng Trương Vĩnh Ký đi xa hơn “truyện kể”, đưa vào văn-học thể-loại “truyện” bắt đầu với hình-thức đối thoại bên cạnh kể chuyện. Ông đã khai mở con đường đi của thể-loại truyện và tiểu-thuyết. Kỹ thuật hãy còn sơ sài, nhắm chuyển tải nội-dung hơn là làm văn-chương, nhưng khi sáng-tác, Trương Vĩnh Ký chắc chắn đã muốn mở đường cho thể-loại văn-chương xuôi, thoát khỏi biền ngẫu và thơ. Lời văn là của tiếng nói đời thường, văn nói và mang tính địa-phương. Có thể nói với hai tác-phẩm này, Trương Vĩnh Ký đã rời khỏi “truyện thơ” là thể thịnh hành vào thời cho đến bấy giờ, để đi đến và mở đường cho thể “tiểu-thuyết” theo hình-thức của văn-học Tây-phương.

Cho nên, các truyện dịch của Trương Minh Ký xuất hiện sau Chuyện Đời Xưa khá lâu (ít nhất 16 năm, vì nếu tham khảo được các số đầu của Gia Định Báo, có thể đã có những truyện Chuyện Đời Xưa đã xuất hiện năm 1865?!). Thứ nữa không thể xem các truyện và thơ ngụ ngôn trực-dịch hoặc phỏng-dịch có giá trị nguyên sơ của “tác-phẩm văn-học”, cho nên Phansa Diễn Ra Quấc Ngữ (1884, với diễn-dịch ra văn xuôi 16 truyện ngụ ngôn của Laphôngten và 12 truyện ngụ ngôn của các tác giả Âu-Tây khác) không phải là “tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam”!

Trong “truyện” hay “truyện ngắn” này, Trương Vĩnh Ký kể chuyện nhân-vật Trương Đại-Chí rời nhà đi lãng du “vài mươi năm” nay trở về quê nhà gặp thăm bạn là Lê Hảo Học. Hai người bạn lâu ngày gặp lại nhau nói đủ chuyện về tình người, tình đời và thế-gian biến đổi - Trương “ở chơi với anh một ngày một đêm cũng đã thoả cái tình”. Cách Trương Vĩnh Ký đặt tên nhân-vật đã tóm gọn “chân dung tinh thần” mỗi người: chàng họ Trương nuôi chí lớn đi khắp phương để cầu học làm người, anh Lê đã lập gia-đình nhưng vẫn muốn học hỏi, may mà gặp lại được chàng Trương.

Trích phần mở đầu chương 1:

“Anh Trương Đại Chí đi ra kinh học, rồi về đi xứ kia xứ nọ chơi cho phỉ chí, đâu cũng vài mươi năm mới về thăm quê nhà. Bữa kia mới đi tới nhà anh Lê Hào Học là bạn chơi với nhau thuở nhỏ mà thăm. Lê Hào Học mừng rỡ hết sức, hối trầu, nước; rồi lay trẻ trong nhà dọn cơm đập vịt gà uống rượu mừng bạn đi xa lâu năm mới về.

Ăn uống chuyện trò rồi, trời vừa tối, Trương Đại Chí mới kiếu về; mà anh Lê Hào Học cầm một hai ở lại chơi một đêm mà hỏi thăm chuyện.

Thấy gắng vó lắm không phép làm sao, Trương Đại Chí mới ở lại đó. Nhằm bữa trăng tỏ, trời thanh, gió mát, Lê Hào Học mới nói rằng:

- Anh thật có phước! Cũng nhờ âm đức cha mẹ ông bà, mà được học hành thông kim bác cổ, lại thêm châu lưu khắp miền khắp xứ, điều nghe thấy rộng lắm, từng trải việc đời...

Trương: - Thật cũng là phước đó chúc. Nhưng mà kiếp phong trần người ta, phước, ôi! Có bao nhiêu mà hoạ biết mấy?

Lê: - Thiệt tình, tôi vô phước ăn học chẳng được bao nhiêu, dốt nát lắm, xin cho tôi học theo. Chớ kiếp phong trần anh nói đó là kiếp gì? Tôi không hiểu rõ, xin anh cắt nghĩa cho tôi nghe thử?

Trương: - Phong trần nghĩa là gió bụi, chỉ là cái đời tạm đời gởi này, hay đổi dời biến cải, nay vầy mai khác, vui đó buồn đó, giàu đó nghèo đó, sướng đó cực đó,... vinh nhục bĩ thới đắp đổi; ấy là cuộc bể dâu (thương tang).

Lê: - Làm sao kêu là bể dâu kìa?

Trương: - Là cuộc cồn hóa vực, vực hóa cồn.

Lê: - Cái anh thật hiểm thì thôi đó! Nói cái gì vậy tôi hiểu không được: Cồn làm sao lại hóa vực, vực sao lại hóa cồn? Nghĩa là gì?

Trương: - Ấy mới dốt cho chớ! Tại anh một năm tới tôi, những lục đục ở nhà, không có nới ra mà đi đâu, nên mới không biết. Trong sách Lý khí người ta có luận rằng: có một ông già kia ở chòi gần mé biển; thấy trong cõi hồng trần này, hễ 30 năm thì có một lần biến nhỏ, mà hễ 300 năm thì có một lần biến lớn thì trời đất đổi xoay cồn hóa nên vực vực biển nên cồn; biển cạn thành cồn trồng dâu được cũng có; đất liền lở sâu thành biển cũng có. Mỗi khi có biến thì ông ấy làm một cái thẻ tre mà để trong nhà. Nên sau có một người khách tới đó thấy ông già già lắm, thì hỏi thăm tuổi bao lớn. Ông già nói rằng: tôi không biết mà mỗi khi có biến thì tôi có bỏ 1 cái thẻ làm chứng; ông đếm lấy thẻ thì biết tuổi tôi. Sách nói làm vậy mà cũng chưa đủ tin. Anh đi ra ngoài Bắc coi thử: đất mé sông đất màu mỡ đang tốt hết sức, vùng lở ầm xuống một cái thành cái vực sâu thăm thẳm dò không tới đáy. Chỗ khác đang sâu thuyền bè ghe cộ đi thường ngày, ở đâu vùng nổi cồn lên, người ta trồng dâu lên đám kia qua đám nọ. Nói ở đâu xa làm chi? Trong ta này, lên lối trên Gieng đây cũng có thấy được. Người ta lấy đó mà ví cái cuộc hay dời đổi ở đời này.

Lê: - À! Vậy hay sao? Dữ không! Bây giờ có anh cắt nghĩa tôi mới hiểu đó. Còn anh nói cái kiếp phong trần thì vinh nhục bĩ thới đắp đổi nhau chẳng khi dừng là làm sao?

Trương: - Người ta có hồn có xác, nên phải kể xác là cái tợ con mắt mình ngó thấy được trước rồi, hãy nói qua việc hồn là trí là giống không hình không tượng, mắt xác thịt không có ngó thấy.

Con người thoát lọt ra khỏi lòng mẹ, liền cất tiếng khóc oa oa, biết mình sinh ra ở thế sẽ cực khổ lao đao cho đến chết. Ba bốn năm đầu, bằng không có mẹ có cha lo nuôi dưỡng cho bú mớm, lo lắng cho thì làm sao mà sống cho đặng? Có miệng, miệng không biết nói; có tay, tay chẳng hay làm; có chơn, chơn chẳng hay đi. Phải tập lần lần sau lâu mới cử động (day trở) được: nằm ngửa cho hết sức, mới nghiêng mới lật, mới trườn mới sụt, mới xổm, mới bò, mới ngồi; sau mới đứng chựng, mới bắt bén bước đi. Vậy mà cũng còn phải có cha mẹ giữ gìn coi sóc luôn luôn. Biết mấy khi hiểm nghèo? Ươn ê ốm đau, bệnh hoạn, cheo leo khốn khó. Không ai lo cho, thì còn gì là thân?

Lê: - Nào! Có thấy đắp đổi sướng cực đâu nào?

Trương: - Có chớ: chẳng những nội trong một năm, nội trong một tháng, nội trong một ngày, mà nội trong một giờ cũng có dời đổi cả.

Này: cười đó, rồi khóc đó; vui đó, rồi buồn đó; giỡn đó, rồi quạu đó; nay mạnh, mai đau; chơi ít bữa, rồi lại biến lại tước, sọt sẹt nóng rét... ba bữa ê mình, ba bữa khoẻ; tháng này cam tích, tháng kia sọp bụng; năm nay khá giỏi, sang năm bê tệ, vân vân... Hơi sức đâu mà kể những cái biến thường ngày, thường tháng, thường năm; một năm tới tôi không biết mấy lần mà kể. Vậy chẳng phải là luân phiên thay đổi nhau mãi hay sao? (...)”.

“Lê: - Vậy sao có người sướng người cực, người sang người hèn, người giàu người nghèo; kẻ lành mạnh, kẻ yếu đuối, tật nguyền, tràn đồng thiên hạ?

Trương: - Người ta ở đời Trời đất sanh ra đều có cho nó một cái vai tuồng nào mà làm, không ai không, mỗi người đều có một nghề riêng hết thảy. Lấy việc hát bội mà ví: từ bầu gánh chí nhẫn chú nhưng, hoặc làm tướng, vua, đào, kép, sắp đến kẻ chạy hiệu, mỗi người đều có phiên thứ vai tuồng riêng cả. Con người ta ở đời là một bọn con hát, ai có vai nấy mà làm. ấy là mỗi người riêng mỗi kiếp là làm vậy”.

Lê: - Còn anh nói người người có tài, vật vật có ích, thì là làm sao?

Trương: - Là mỗi người đều có một cái sở trường riêng, ai cũng có; còn vật mỗi vật mỗi có ích riêng cả. Mà đâu nó theo thứ nó đó. Hãy xem trong bàn cờ tướng thì hiểu mau. Trước có 5 con chốt đứng giăng, kế sau 2 bên 2 con pháo; sau nữa, ở giữa có tướng, 2 bên 2 con sĩ, 2 con tượng, 2 con ngựa, 2 con xe. Trong ấy đều nhờ nhau cả. Tướng một mình thì làm gì được? Phải có tả hữu vây cánh mà đỡ mà che, là sĩ, tượng, xe, pháo, ngựa. Lâu rốt hết là con chốt, đến chừng nó qua được nước người ta nó mạnh là dường nào? Khi nó đứng đầu, nó lại đỡ cho những con chạy (thối) về, người ta không dám ăn. Vậy hết thảy con nào đều cũng có tài nghề riêng con nấy; mà tới phiên tới thứ nó mới ngó thấy sức nó cho. Vì vậy người ở đời, vang danh phú quý, vinh hiển, cao quờn lớn chức, cùng là hèn mọn, bần tiện, vô danh, cô thế độc một, cũng chả biết lấy đâu làm chắc: còn trong tục lụy biết ai công hầu? Nên có khác nhau chăng là vì một chữ thì”.

“(...)

Lê: - Nói như anh làm vậy, tôi nghe kịp, mà còn một cái tôi hiểu chưa ra là ở đời sao kẻ sướng người cực, có kẻ lành mạnh, có người tật nguyền khốn nạn; kẻ sao cả đời thong thả giàu sang, người sao cả đời lao đao lận đận, nghèo nàn? Té ra Trời phân không có đều? Nên tục hát rằng: Trách trời trời chẳng hay phân: kẻ ăn không hết, người mần không ra!

Trương: - Coi thì vậy thôi, mà xét ra cho kỹ, thì sướng cực cũng bằng nhau cả; có như vậy người ta sống mới được; bằng không thì kẻ cực khổ khốn nạn hại mình mà chết đi hết còn gì?

Lê: - Nói vậy chớ ai cũng tham sanh húy tử (ham sống sợ chết); cái ấy là nhơn chi thường tình. Chớ anh không có nhớ trong sách Luận ngữ, có câu rằng: Phú dữ quí thị nhơn chi sở dục, bất dĩ kì đạo đạo đắc chi, bất khứ dã; bần dữ tiện thị nhơn chi sở ố, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất khứ dã là làm sao? Là giàu với sang ai lại không muốn, nhưng mà gặp cái thì không nên giàu không nên sang; hay là làm điều bất nhân bất nghĩa mà giàu sang thì người ta cũng chẳng thèm; nghèo khó cùng là hèn hạ, ai mà không ghét? Nhưng vậy nghèo mà phải nhơn phải nghĩa, hèn hạ mà phải thói phải thì, thì cũng chẳng nên bỏ làm chi.

Trương: - Phải, cái cũng có, nào ai nói không; nhưng dầu vậy cũng có kẻ cùng trí hoặc thắt cổ, hoặc cắt họng, hoặc cắn lưỡi, hoặc uống thuốc mà chết đi cũng có hiếm lắm, thiếu gì? Mà xét cho đến lẽ mà coi, thì ai cũng như vậy sướng cực bằng nhau; nghĩa là sự cực trí cũng một ngăn với nhau, nên nói là bằng nhau. Thí dụ như một người nghèo túng một quan tiền, chạy không ra, mượn không được, vay mượn không ai cho thì trong lòng người ấy cực cũng bằng người có ăn mà túng 1 chục, hay là giàu hơn túng 1 trăm, hoặc một ngàn, mà kiếm không ra, vay mượn không được, thì cái cực trong lòng những người ấy cũng một ngăn với cái cực cái người túng có 1 quan vậy. Giả như nhà kia giàu sang lỡ có khách tử tế tới nhà, mà thiếu trà ngon, thiếu rượu tốt, thiếu thịt tươi mà đãi khách, thì trong lòng người ấy lấy làm cực lòng, bực mình cũng một ngăn với cái nghèo kia rủi có bà con ruột ở xa tới nhà mà không có đồ thường dùng, như trà Huế, như nước mắm, như cá tươi mà đãi bà con một bữa phải cực lòng, phải bực mình vậy chẳng hơn chẳng kém chẳng khác chi chút nào. Nên tục rằng: lớn thuyền lớn sóng.

Lê: - Nói vậy có lý nghe được; mà sao mắt từng thấy có người sao cả đời sướng mãi, không lo sự chi, thong thả, mà có người thấy lao đao chạy ngược chạy xuôi, lo sấp lo ngửa mà cực hãy còn cực hoài; cái tôi xét chưa tới lẽ, tôi chưa hiểu được cho rõ vì làm sao mà có như vậy.

Trương: - Thấy thì vậy, vì trí mình tưởng như vậy đó mà thôi, chớ thiệt sự có ở đâu? Chẳng qua là vì lạ con mắt; phải chi mà mình ở liền ngày liền đêm với người mình lấy làm lạ được lấy một ít lâu coi thử thì sẽ chưng hửng, vì thấy người ấy cũng có gánh cũng có cục tội riêng mình như mọi người hết thảy chẳng sai. ấy coi nhà ta có kiểng có hoa, có chậu tùng, có bồn hoa, mà nhà kia ở cách ta, năm ba tháng ta mới tới một lần, cũng có hoa có kiểng, ta ghé vào thấy tùng thấy chóa con mắt nghĩa là lạ con mắt, coi tùng của người ta xanh hơn của mình, hoa của người ta tốt hơn hoa của mình ở nhà. Mà như nhắc của hai bên ra mà đọ nhau thì của mình thấy xoáng qua đó thua xa lắm, của mình ăn mười phần có năm ba, mà bởi lạ con mắt mới ngó qua thì tưởng của người ta tốt hơn của mình; vì của mình coi đã nhàm con mắt, mà của người ta mình mới thấy một lần, lạ con mắt; hóa ra trong trí nó bắt tưởng cái mới cái lạ là tốt hơn. ấy cái ta lầm là chừng nào!

Lại ý làm sao mà cái gì của mình thường dùng thì không sá chi mấy, đến khi rủi mất đi thì liền tiếc làm sao là tiếc; giục chừng có ai được lại, thì dầu tốn ít nhiều cũng chẳng màng mà chuộc lại cho được mới nghe? Là vì khi của nó còn ở tay mình, mình thường thấy thường dùng nó đã nhàm lờn đi, nên lấy làm thường, mất đi rồi nghĩ lại cái cần cái ích của nó mà sinh ra tiếc nó. Mình có một cái nhẫn nhận ngọc, mà người kia cũng có một chiếc, mua một chỗ với nhau; mình coi cái của người kia đeo thì thấy tốt hơn, lanh hơn, nháng hơn, coi như tốt nước hơn của mình đeo trong tay mình; người kia coi cái của mình đeo thì cũng lấy cái của nó ngó thấy mình đeo làm hơn của nó. Nhơn vì tánh con người ta làm vậy, nên tục nói rằng: Người ta hay chuộng lạ tham xinh... Mới chuộng cũ vong... Có mới nới cũ...

Lê: - Còn làm sao có người dong dảy, có người cùi đày? Có kẻ thảnh thơi an nhàn? Có kẻ việc vàn không rời tay? Mà rằng cực sướng cũng bằng nhau làm sao.

Trương: - Ấy là tại phận riêng mỗi người; người nào kiếp phận nấy, không chạy chối được. Phải khác nhau mới được. Trời đất đã sinh ra làm vậy mà thật là hay: ấy người ta muôn muôn vàn vàn như kiến cỏ ở trên mặt trái đất này, mà có phải khác mặt nhau hết thảy không? 5 ngón tay trong bàn so dài vắn lớn nhỏ đều khác nhau cả. Lâu đến cái nết, cái chết là cái chung thiên hạ cũng khác nhau hết; Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật. Nói chi cho dài? Bấy nhiêu nầy cũng đủ mà cắt nghĩa cho anh hiểu thôi: nguyên là vì kẻ phải lao tâm (nhọc lòng), người phải lao lực (nhọc xác), mắc cái nầy thì trừ cái kia. Những kẻ coi bộ dong dày thong thả, thì lao tâm tiêu tứ biết là bao nhiêu? Còn những kẻ dãi nắng dầm mưa, trèo non lặn suối, giày sành đạp tuyết, thức khuya dậy sớm nhọc xác, mỏi mệt chơn tay, đổ mồ hôi xót con mắt; tuy vậy mặc lòng yên lòng yên trí, không lo tha cầu biệt sự bá ban trong bụng, như kẻ lao tâm, tuy coi bộ thong dong mặc lòng, mà trong bụng trăm lo ngàn tưởng; hao tổn tinh thần, ăn không ngon, nằm không ngủ, thao thức bối rối bồi hồi áy náy tâm thần; thì chẳng phải là trừ nhau sao? Một người cực một thế. Vậy thì cũng bằng nhau.

Lê: - Ờ! Vậy mới nghe được chớ. Té ra kẻ đau hạch ngoài da nhức la, kẻ đau trong bụng cũng rên hì hì, hai người cũng là đều nhau cả.

Trương: - Hay a! Vậy thì đã hiểu đó.

Lê: - Nghe anh nói đó, thì việc trong thiên hạ muôn vàn kể không xiết, mà mình biết ở làm sao, làm làm sao cho xứng ngôi xứng phận mình được?

Trương: - Hề gì mà lo? Cứ tố kì vị nhi hành thì xong thôi.

Lê: - Ấy! Lại thêm một cái không hiểu nữa đó ấy.

Trương: - Trong sách Trung dung rằng: quân tử tố kì vị nhi hành... Tố phú quí, hành hồ phú quí; tố bần tiện hành hồ bần tiện; tố di địch hành hồ di địch, tố hoạn nạn hành hồ hoạn nạn... nghĩa là, người quân tử gặp ngôi nào thì cứ ngôi ấy là làm...: Nhằm cuộc phú quí, thì làm theo phú quí; nhằm cuộc khó hèn thì làm theo khó hèn; nhằm cuộc mọi rợ làm theo ngôi mọi rợ, nhằm phải hoạn nạn, thì làm theo phận hoạn nạn; nghĩa là, người cho ta phải phận nào thì ta phải làm theo phận nấy; sướng cũng phải; cực cũng phải, lành cũng phải, dữ cũng phải; sang cũng phải, mà hèn cũng phải. Có lời rằng: nên hư có số ở Trời, bồn chồn sao đặng, đổi đời sao nên? ... Dầu mà chước quỷ mưu thần, phong trần cũng luỵ phong trần như ai”.

Trương Đại-Chí sau “một ngày một đêm cũng đã thoả cái tình” nên xin kiếu về thăm và sắp đặt việc nhà. Lê Hảo Học mời lần sau ghé thăm trò chuyện; còn người nhà họ Lê thì “trầm trồ với nhau:

Đó! Có thấy không, người văn vật chữ nghĩa văn chương người ta thông lắm; nói đâu hẳn hòi, chắc chắn; nói xuôi rót như chảy! Hèn gì thiên hạ hay trượng con nhà học trò, phải lắm chớ! Có thấy có nghe người giỏi mới biết mình dở, mới hay mình dốt”[7].

BẤT CƯỢNG CHỚ CƯỢNG LÀM CHI

Theo nội-dung thì bài văn xuôi hay truyện ngắn này nối tiếp theo truyện Kiếp Phong Trần với cùng hai nhân-vật Trương Đại-Chí và Lê Hảo Học. Sau lần tái-ngộ trước, Trương Đại-Chí sau khi về thăm gia-đình đã tìm gặp trở lại Lê Hảo-Học. Với tiểu tựa “Chớ có cượng làm chi”, Trương Vĩnh Ký kể tiếp chuyện hai nhân-vật này nói qua chuyện khiêm tốn và an-phận:

“Lê-hảo-học: - chào anh. Cha-chả, hổm nay trông anh hết sức là trông đi đó. Mấy ngày anh em với tôi may tới gặp anh ở nghe anh nói chuyện hay, họ dám mê đi; họ hỏi thăm tôi hoài, chừng nào anh lại; họ dặn anh có lại, cho họ hay họ tới họ nghe anh nói chuyện đời, mà học mót một hai điều.

Trương-đại-chí: - Hay gì mà nói rằng hay? Như có ăn có học, lại có đi chỗ nọ chỗ kia, nó mới mở trí rộng thấy việc đời vậy mà-thôi, có giống-gì mà hay?(...)

Trương: - Con người-ta ở đời có ra cái gì? Trên đầu có đấng tạo-hóa (tục hay kêu tắt là Trời) ta ở trong tay người như cá ở trong nước, người cầm quờn sanh tử trong tay người. Vì-vậy sách có nói rằng: thiên rõng khôi-khôi sơ nhi bất tận = lưới Trời lồng-lộng thưa mà chẳng lọt. Nên người xây-định cho ta thế nào, thì phải chịu vậy mà-thôi, chẳng nên cượng-cầu mà khôn.

Lê: - Ấy đó! Mới nói có một chút mà đà có cái phải hỏi ròi đó! Thấy không? Cượng cầu là gì? tôi không có hiểu.

Trương: - Cượng là không đặng cũng gắng-vó rán sức mà làm cho được mới nghe. Giả như, mình ra tay làm việc gì đó, lần đầu không xong, lần thứ hai cũng không xong, lần thứ ba nữa cũng không đặng; mà còn rán mà làm. Có rán thì cũng vô ích; ấy sự bất-quá tam; không có đặng là tại số tại mạng mình không có cho, thì cượng làm chi?

Lê: - Số, mạng lại là giống gì mà dữ làm vậy?

Trương: - Số mạng người-ta hay tin là việc Trời đã tiền-định rồi, không ai đổi đặng. Mà chính nghĩa nó là làm-vầy; Khi sinh mỗi người ra, thì đấng Tạo-hóa đã tùy bổn-tánh mà liệu cho sau sẽ làm những việc vừa bổn-tánh nó. Cũng như thợ khi đóng tàu, thuyền, ghe-cộ thì cũng cứ tùy sức mình làm cho nó, mà nó phải làm theo phận theo sức nó.

Như tàu, như ghe-bầu đã đóng cho tiện mà đi biển chịu sóng gió, mà lại muốn đi trong sông trong rạch, thì sao cho khỏi mắc cạn mắc cồn mà hư? Như ghe lồng, ghe lườn làm mà đi trong sông trong rạch, mà lại cải mà cả gan đi ra ngoài biển, thì sao cho khỏi gió dập sóng dồi mà chìm mà chết? Vì vậy nghịch thiên giả tử.

Hãy nhớ lại hôm trước tôi có lấy con cờ tướng cùng vai-tuồng con hát mà ví cho mà nghe. Vậy thì biết mỗi con cờ đều có việc hay việc giỏi nầy cả, mỗi con hát đều có phiên-thứ vai-tuồng khác nhau, đều có cái sở-trường riêng cả.

Lê: - Nếu như-vậy thì thôi: cứ ngồi khoanh tay rế đó mà chờ vận, đừng làm gì hết, để tới đâu hay đó cũng xong vậy.

Trương: - Ừ, đó thì hãy làm như-vậy mà coi thử có đói nhăn răng đi không? Có chết rục xương đi không? Ai theo phận nấy, thú nào theo thú ấy phải làm việc luôn. Trâu cày, ngựa cỡi, chó sủa, mèo bắt chuột, con nào con nấy cứ việc mình mà làm chớ.

Lê: - Mà phải làm làm-sao cho khỏi sái số sái mạng kia chớ?

Trương: - Hễ làm người mờ ra làm việc gì thì phải làm cho hết sức hết lòng, được ấy là nhằm, mà không được ấy là sái. Trong việc lớn cả thể, trước khi làm, phải xét trước xét sau cho kĩ-càng cho cùng lý rồi hãy làm: làm thì làm cho sân-sước đừng có dụ-dụ, làm cho hết sức mình; mà không được thì thôi, thì biết là Trời chưa cho mần nên: tận nhơn lực tri thiên mạng. Việc lớn hơn nữa, thì lại càng phải suy-xét trước sau, tìm góc ngọn, coi mòi coi gièo cho chí-lý rồi đã hãy làm. Cũng chẳng cần gì mà phải là chí-thành, cao-minh, bác-hậu mới biết, vì quốc-gia lương hương, tất hữu trinh-tường, quốc-gia tương vong, tất hữu yêu-nghiệt... đâu có điềm đó. Làm chưa được thì chưa tới. (...)” (tr. 3-4).

“(...) Trương: - Vì-vậy cho nên kẻ có trí hay xét, không hề dám cượng cầu điều gì hết. Phận mình phải sao chịu vậy, trên không oán trời, dưới không trách người, phân-bì ganh-gổ ai” (tr. 5).

Khi nói đến “con kên-kên bộ tướng xấu-xa, lông-lá lùi-xui không ra gì” ganh dại với con công, bị con công đuổi đi khỏi bầy: “mầy đã chê loại nầy mà đi mượn lốt người-ta mà kiêu ngạo thì thôi, đi đâu đi cho rảnh; ta chẳng nhìn mầy nữa”, chàng Trương lý luận thêm “Đua-tranh là muốn cho hơn người-ta, bằng không nữa thì cũng cho bằng đừngcó thua-sút người-ta. Chớ ganh-gổ là thấy người-ta đặng sự lành, thì ghét người-ta muốn cho người-ta mắc sự dữ; một cái nên khen, một cái đáng ghét; một cái có ích, một cái vô ích. Thấy người-ta có phước may-mắn, được quờn đưỡc chức, hoặc làm ăn phấn-chấn, làm ra tiền ra của, thì đem lòng ghét, giận, muốn cho tàn-mạt đi; mà muốn cũng không được, đến phước-mạng người-ta, người-ta hưởng, mình có ghét, có giận, có làm sao đi nữa cũng chẳng thấm chi người-ta. Trời cho ai, nấy được. Mình giận mình ghét thì nhọc lòng mình mà-thôi, có ích gì?”(tr. 6).

Trương nhắc đến lời Mạnh-tử trước khi kể rằng trong ca-trù cũng khuyên người ta không khác hơn. “bài Nói-nam có khúc rằng:’... ngất-ngưởng thay Tạo-hóa khéo cơ-cầu! Rắp giáng nhậm lại chen cho lúng-túng ...... hãy đành lòng đừng mấy-chút oán-vưu, thì dị chí ngư long biến hóa; ấy mới biết cùng thông là nghĩa cả, cũng đừng đam hình-dịch ngoại câu chi. Vì khác nhau chăng là một chữ thì, thiếu gì là ngộ thiếu gì lương duyên; cứ để linh-đài một tấm tự nhiên mà thôi...”.

Và Trương kết thúc cuộc nói chuyện:

“... kẻ đi thuyền, cơn dông-tố sóng-gió bão-bùng, thì phải cầm lái cho vững, phải cho tỉnh đừng nao. Người cỡi ngựa, khi nó cất nó đá nó trớ thì phải cầm cương cho chặt, phải kềm cho cứng vế, thì mới khỏi trôi khỏi chìm khỏi té.

Cứ làm việc gì thì làm cho hết sức mình, đến chừng nào, không có được thì hãy hay: Tận nhơn lực nhi tri thiên mạng, chớ khá cượng làm-chi uổng công vô-ích” (tr. 8)[8]. Đây cũng có thể xem như là phương châm sống của chính Trương Vĩnh Ký, “Sic vos non vobis” - mà ông chỉ bày tỏ tâm sự với bạn thân hiểu ông! Và cũng có thể ông đã bày tỏ thái độ chính-trị của mình trước tình thế đất nước bị Pháp xâm lăng, bất lực vì không võ khí (đã lường trước hoặc đã thấy trước cái sẽ xảy ra) nhưng làm được gì thì phải làm cho đến nơi đến chốn[9].

Qua hai bản truyện văn xuôi này, Trương Vĩnh Ký đã chứng tỏ tài quan-sát nhân-sinh khi gần gũi con người đời thường và đồng thời trình bày quan điểm và nhân sinh quan của mình về con người, về sinh hoạt đời-sống, ý chí tiến thủ, v.v. - tất cả không ra ngoài giáo huấn đạo Nho, nhất là sự tuân thủ đạo làm con. Và được viết ra để người đọc nghiền ngẫm mà hiểu đời, hiểu người và nhất là hiểu chính bản thân mình. Truyện và các nhân-vật là cái cớ để Trương Vĩnh Ký trình bày triết lý về con người xã-hội, về lý do làm người, theo thuyết định-mệnh. Và phải chăng ông còn có ý gửi gấm tâm sự về cuộc-đời và hành-trạng của mình, sau gần 20 năm “cộng tác” với người Pháp?

_______________

Chú-thích

[1] Nguyễn Sinh Duy. Trương Vĩnh Ký – Cuốn sổ bình sanh. Hà-Nội: Văn-học, 2004, tr. 101.

[2] Thanh Lãng. Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam, Q. Hạ. Sài-gòn: Trình Bày, 1967, tr. 31, 32-33.

[3] Nguyễn Văn Sâm. Chuyện Đời Xưa, của Trương Vĩnh Ký, Những Điều Thú Vị TGXB, 2017, tr. 13-14.

[4] X. Nguyễn Vy Khanh. “Tiểu thuyết hay truyện kể?” in Văn-Học Việt-Nam Thế Kỷ 20 (Glendale CA: Đại Nam, 2004), tr. 172-178; Hợp Lưu (CA), số 66, 8&9-2002, tr. 60-65.

[5] Trương Vĩnh Ký. Manuel des Écoles Primaires Ou Simples Notions Sur Les Sciences... 1er volume: 1- Syllabaire quốc-ngữ (1877), trang 16-26 và 27-28.

[6] Trần Nhật Vy. Văn Chương Sài Gòn 1881-1924: Văn xuôi, tập 1, NXB Văn-hóa Văn nghệ, 2017, tr. 43.

[7] Trích theo hai nguồn: Bằng Giang. Sđd, tr. 225-238) và Trần Nhật Vy sưu tầm. Văn Chương Sài-Gòn 1881-1924. Tập 1 (NXB Văn-hóa Văn-nghệ, 2017. tr. 43-53.

[8] Trích từ văn bản gốc tại http://gilbert.tvt.free.fr/ddpk/fais.html

[9] Antoine Trần Hữu Hạnh đã diễn sách truyện này ra bài ca lục-bát, “Ca sách Bất cượng” đăng Miscellannées, số 10, 2-1889, tr. 8-10 và số 11, 3-1889, tr. 3-8.