Căn nhà cổ xưa hơn 100 năm tuổi đẹp bậc nhất miền Tây

Huỳnh Biển

(Xây dựng) – Thành phố Cần Thơ có một căn nhà cổ xưa kiến trúc độc đáo đã xây dựng hơn 100 năm nay, nhưng vẫn vững chãi và đẹp mãi với thời gian. Căn nhà này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia (Quyết định số 314/QĐ-BVHTTDL ngày 22/01/2009).


Cổng rào được kiến trúc theo dinh thự Pháp.

Đó là Nhà thờ họ Dương, số 142-144 Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Theo ông Dương Đăng Khoa (hậu duệ thứ 7) đã 60 tuổi, quản gia Nhà thờ họ Dương cho biết: Căn nhà này do ông Dương Chấn Kỷ (1880-1950) xây dựng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX và được xây dựng mới từ những năm đầu thế kỷ XX. Chủ nhân là một thương gia trí thức giàu có và là điền chủ có óc mỹ thuật thích tìm tòi cái mới, cái lạ của trào lưu Tây phương đang thịnh hành và có mặt ở các lĩnh vực trong đó có kiến trúc. Vì vậy mà việc xây dựng căn nhà này kéo dài đến khoảng năm 1911 mới kết thúc. Chủ nhân căn nhà hiện nay là ông Dương Minh Hiển (hậu duệ thứ 6) đã 95 tuổi.


Căn Nhà thờ họ Dương.

Căn nhà được kiến trúc giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây theo kiểu “nội ứng ngoại hợp” (bên trong được thiết kế theo mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông, bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây và quang cảnh thiên nhiên). Cùng với việc xây dựng nhà mới, ông Kỷ còn xây thêm ngôi nhà gồm một trệt một lầu cách đó khoảng 50m để nghỉ ngơi. Ngôi nhà cổ có một thời gọi là “Vườn lan Bình Thủy” bởi hậu duệ thứ 5 của ngôi nhà là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, nhất là hoa lan.

Nhà thờ họ Dương tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 6.000m2 theo hướng Đông-Tây. Trước mặt là đường giao thông và sông rạch để đón khí hậu trong lành và thuận tiện trong việc di chuyển. Xung quanh nhà là vườn cây ăn trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt, tạo không khí mát mẻ vừa thể hiện sự trù phú, bình dị nhưng rất đỗi tao nhã.

Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, là một cổng phụ nằm thẳng hàng với cổng rào chếch về bên trái, xây dựng kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, hệ thống rui, xà ngang bằng gỗ, mái lợp ngói ống, gờ bó mái che bằng men xanh lục. Mặt trước cổng có gắng bảng “Phước An Hiệu”.


Đoàn nữ du khách Hà Nội chụp ảnh lưu niệm với Nhà thờ họ Dương.

Sân Nhà thờ họ Dương khá rộng, lát gạch Tàu, trồng đủ các loại hoa kiểng: Cau, tùng, phát tài, sứ Thái Lan... Đặc biệt, ở góc sân bên trái có trồng một cây xương rồng Mexico từ năm 1960 cao khoảng 10m. Giữa sân bố trí một hòn non bộ cao 4m, vừa trang trí vừa làm bức bình phong cho khu nhà chính. Có 04 cầu thang lên nhà chính: 2 cầu thang lên thẳng 2 gian ngoài cùng, 2 cầu thang hình cánh cung uốn lượn rất đẹp dẫn vào gian giữa; cửa gỗ lá sách theo phong cách Art-Nouveau, một nghệ thuật trang trí châu Âu thịnh hành vào đầu thế kỷ XX với vòm cửa hình vòng cung, cột gạch vuông được đắp nổi hoa văn, dây lá nho, con sóc bằng xi măng.

Nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn, theo kinh nghiệm dân gian, chủ nhân đã cho đổ một lớp muối dày 10cm, trước khi lát nền gạch bông. Xung quanh nhà xây tường gạch kết dính bằng vôi ô dước. Mái lợp ba lớp ngói: 2 lớp dưới hình lòng máng, lớp 1 nhúng vôi trắng nên khi nhìn lên trần có cảm giác khoáng đãng, sáng sủa, lớp trên cùng sử dụng ngói ống. Nhờ đó, tạo nên không khí mát dịu thường thấy ở kiến trúc xưa.


Cầu thang lên nhà được thiết kế hình cánh cung uốn lượn rất đẹp.

Nhà có nhiều cửa dẫn vào nội thất, không gian nơi đây rộng 352m2 (ngang 22m, dài 16m), được chia làm ba phần: nhà trước - nhà giữa - nhà sau. Nhà trước gồm 5 gian dùng làm nơi tiếp khách trong các nghi lễ quan trọng, được trang trí theo phong cách Tây Âu. Nền nhà được lát gạch bông nhập từ Pháp, trần đóng plafon, trang trí hoa văn, đèn treo Tây Âu. Dẫu thời gian đã đi qua hơn 100 năm, nhưng gạch bông lát nền và plafon còn rất sáng đẹp. Bộ bàn ghế bằng gỗ được chế tác theo kiểu Louis XV, đặc biệt là chậu rửa (lavabo) bằng men sứ trắng hoa xanh đặt trên bục gỗ và một máy hát đĩa của Pháp rất hiếm. Ở vị trí trang trọng nhất của nhà trước có treo bức ảnh tráng men chân dung ông Dương Chấn Kỷ - người đã xây dựng ngôi nhà hoàn chỉnh như hiện nay.


Ông Dương Chấn Kỷ người xây dựng Nhà thờ họ Dương.

Ngăn cách nhà trước và nhà giữa là một hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được tạo tác bằng gỗ tỉ mỉ bởi các nghệ nhân Việt tài hoa với các đồ án, quy ước quen thuộc trong kiến trúc cổ, gần gũi với đời sống của người Việt Nam ở Nam bộ. Đó là mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng, lộc, dơi, thỏ, công, tôm, cua, khổ qua, nho... Các ô hộc được trạm khắc công phu, sắc xảo nằm trong khung hình chữ nhật, hình vuông, hình lục giác, trông thích thú và không đơn điệu nhàm chán. Tiếc rằng, trong chiến tranh chống Pháp đã bị kẻ trộm lấy mất một bao lam.

Nhà giữa gồm 5 gian, 3 gian trong được bố trí làm nơi thờ tự, các bàn hương án, khánh thờ, liễn đối đều bằng gỗ khảm xà cừ. Cách bày trí thuần Việt. 2 gian bìa dùng để ngăn cách với gian thờ bởi hai hàng tủ gỗ để vừa trang trí vừa làm vách ngăn. Nhà sau được dùng để tiếp khách nữ, nằm phía sau một vách gỗ chạy dài từ dưới lên trần gồm nhiều ô hộc, con tiện, tranh gốm sứ. Các cấu kiện chi tiết kiến trúc không khác nhà trước.


Gian chính Nhà thờ họ Dương.

Bộ khung nhà dựa trên 24 cột tròn gỗ căm xe, cà chất, cao 4-6m đặt trên khung đá tảng cổ bồng, các cột, kèo được kết nối bởi một hệ thống vì kèo truyền thống cấu trúc Nam bộ, đó là kèo xuyên chính hay còn gọi là kèo cánh én, cánh dơi.

Kiến trúc ngôi nhà rất độc đáo. Phòng khách được bày trí theo phong cách Tây Âu nhưng nơi trang trọng nhất là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao tiếp văn hóa Đông - Tây một cách hài hòa, chọn lọc, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ tinh tường của chủ nhân.


Nền lát gạch bông, trần plafon cùng đèn treo nhập từ Pháp cũng trăm năm nhưng còn rất đẹp.

Nhà thờ họ Dương hiện là một trong những căn nhà cổ xưa nổi tiếng đẹp bậc nhất của miệt vườn sông nước miền Tây. Căn nhà đã thu hút nhiều đạo diễn phim ảnh trong và ngoài nước, chọn làm phim trường để quay những khung hình đẹp và đắt giá. Nổi tiếng nhất là phim Người tình - L’amant (Pháp) của đạo diễn Jean Jacques Annaud, dựa theo tiểu thuyết của nữ tác giả Marguerite Duras, với nữ diễn viên người Anh Jane March và nam diễn viên Hongkong Lương Gia Huy. “Người tình” là câu chuyện đau thương giữa một thiếu nữ da trắng con của một gia đình người Pháp bị phá sản và một chàng trai người Hoa, con một gia đình giàu có ở Sa Đéc vào những năm 30.

Nhà thờ họ Dương hiện là điểm đến hấp dẫn và ấn tượng tham quan du lịch và nghiên cứu của các nhà khảo cứu trong và ngoài nước. Bởi căn nhà có kiến trúc độc đáo, ấn tượng, không tàn phai với thời gian và còn lưu giữ được nhiều cổ vật xưa quý hiếm khó nơi nào có được. Nhiều du khách từ Hà Nội đến với Nhà thờ Họ Dương, phải thốt lên rằng “Nhà đẹp quá”, và chụp ảnh lưu niệm nhiều nơi với ngôi nhà này. Không ít du khách nước ngoài Pháp, Ý... đến tham quan và thích thú biết rằng đây chính là căn nhà trong phim “Người tình” nổi tiếng mà họ đã xem.