Vĩnh Bảo
Đờn ca tài tử ngày nay bắt nguồn từ Đờn ca cổ nhạc ngày xưa, như Cầm Kỳ Thi Họa, mang tính cách giải trí thanh tao lúc nhàn rỗi, được tổ chức vào đêm trong nhà, dưới ánh đèn dầu, về sau ánh đèn măn-xông (manchon), sau này là đèn điện, đèn néon với ánh sáng mờ mờ hay đêm trăng.
Làng cũng như xóm, nơi nào cũng có người biết đàn biết ca, trong tuần tụ họp lại, xóm nào theo xóm nấy, làng nào theo làng nấy, đàn chơi với nhau, và đôi khi xóm này, làng này chơi giao lưu với xóm kia làng kia để phô tài, tìm hiểu, trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Không phân biệt tuổi tác, giàu nghèo giữa người đàn, người ca, lẫn người nghe.
Tụ điểm chơi là di động, luân phiên, lần này tại nhà anh A, lần khác tại nhà anh B, anh C.
NHẠC CỤ: gồm có đàn kìm, đàn tranh, đàn cò, đàn độc huyền, tuyệt đối không có đàn ghi-ta (guitare), đàn vĩ cầm (violon), đàn gắng điện và micro như ngày nay, nhạc sĩ ngồi hàng ngang trên sân khấu ngó xuống thính giả ngồi trên ghế bên dưới cách mình năm bảy thước. Điều này vô tình triệt tiêu phần nào nguồn cảm hứng của nhạc sĩ trên sân khấu bởi nghĩ rằng những người đang nghe mình đàn chưa hẳn là khách mộ điệu, do hiếu kỳ mà có mặt.
PHỐI KHÍ DÀN ĐỜN:
- Độc tấu: đàn kìm hay đàn tranh
- Song tấu: đàn tranh và đàn kìm
- Tam tấu: đàn kìm, đàn tranh, đàn cò hoặc đàn kìm, đàn độc huyền, đàn cò và ống tiêu
Hoà tấu trơn và hòa tấu có ca
Nhạc mục gồm 20 bản tổ trong 4 điệu Bắc, Nhạc lễ, Nam và Oán
ĐIỆU BẮC: 6 bản (xếp theo thứ tự nhứt định)
- Lưu Thủy Trường
- Phú Lục chấn
- Bình Bán chấn
- Xuân Tình
- Tây Thi
- Cổ Bản
ĐIỆU NHẠC LỄ: 7 bản (tục gọi là 7 bài cò)
- Xàng Xê
- Ngũ Đối Thượng
- Ngũ Đối Hạ
- Long Ngâm
- Lang Đăng
- Vạn Giá
- Tiểu Khúc
ĐIỆU NAM: 3 bản
- Nam Xuân
- Nam Ai
- Đảo Ngũ Cung
ĐIỆU OÁN: 4 bản
- Tứ Đại Oán
- Phụng Cầu Hoàng
- Phụng Hoàng Cầu
- Giang Nam
Đờn ca cổ nhạc ngày xưa người đàn ngồi theo kiểu đối diện nhau trên bộ ván gõ, trên ghế, trên chiếu trải trên nền nhà. Người nghe thì ngồi xen kẽ hay xung quanh những người đàn. Người đàn không chỉ là người diễn tấu đơn thuần mà là còn là người theo tâm tư tình cảm ngay khi đàn ứng tác ứng tấu, chấm phá câu đàn, tô điểm vẻ vời từng nốt đàn để mang lại sức sống mới cho bản mình đàn, do đó cách ngồi như thế nó tạo hào hứng cho người đàn lẫn người ca. Ăn mặc thì ai có gì mặc nấy, áo quần vá cũng được miễn là chỉnh tề, không khăn đóng áo dài, hay ở trần, mặc áo lá, hay quần cụt, đầu đội nón, đội khăn rằn, khăn rằn quấn cổ.
Vào đàn là khởi sự với vài bản thuộc điệu Bắc, độc tấu, song tấu hay tam tấu trơn hay có ca.
Ngừng nghỉ, hút thuốc lá, uống trà, cà phê (không có rượu), khen, góp ý về phong cách đàn của nhau, trao đổi sự hiểu biết, học hỏi lẫn nhau, kể chuyện vui cho nhau nghe rồi đàn tiếp vài bản thuộc điệu nhạc lễ, điệu Nam. Đàn tới đây thì nửa đêm, nghỉ, dùng cháo trắng hay cháo gà.
Tiếp theo là điệu oán: tứ đại oán, phụng cầu hoàng, phụng hoàng, giang nam. Khi đàn hết các bản oán thì gà gáy canh ba, nghỉ đàn. Nhạc sĩ chia tay nhau, nhạc sĩ nhà xa ở lại ngủ đêm, sáng về.
Người ta có câu: “nhạc cổ điển chơi tới kiểng đổ”.
Tư thế ngồi ôm đàn nghiêm trang ra vẻ tiên phong đạo cốt, cách sắp nhịp sắp chữ đàn sắc sảo, tròn vành rõ nghĩa, cung bực phân minh chửng chạc, chắc chiu uốn nắn tô điểm từng nốt đàn âm vang tròn trịa phong phú gợi cảm cho người cùng đàn lẫn người nghe, khi đàn khi nghỉ, lặng mọc, ra vô, kẻ tung người hứng theo kiểu mượn tiếng đàn để đàm đạo với nhau
Người ca ngồi nghiêm chỉnh, không ra điệu bộ, ca từ đầu bài đến cuối bài. Không có lối ca giao lưu giữa hai ca sĩ, nữ nữ, nam nữ như thường thấy trên sân khấu hát cải lương.
Người nghe phần đông là biết thưởng thức. Họ lắng nghe kỹ tiếng đàn của từng cây đàn, giọng của ca sĩ, nội dung của lời lẫn lối hành văn.
Trong số người nghe cũng có vài người biết đàn biết ca. Giỏi dở vẫn được vào đàn chơi vài bản. Điều này cho thấy đây là sân chơi chung rất là tri âm và thân thiện.