Võ Trường Kỳ
Đờn ca tài tử Nam bộ là dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Đờn ca tài tử cũng là một danh hiệu UNESCO ở Việt Nam có vùng ảnh hưởng lớn, với phạm vi 21 tỉnh thành phía Nam.
Hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, đờn ca tài tử bắt nguồn từ nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.
Là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, đờn ca tài tử được người dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động.
Xuất hiện hơn 100 năm trước, đờn ca tài tử được diễn tấu với ban nhạc gồm bốn loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt).
Về sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm.
Trong bối cảnh cuộc sống của người dân Nam Bộ, loại âm nhạc này được xem là là loại nhạc thính phòng thường trình diễn trong phạm vi không gian tương đối nhỏ như trong gia đình, tại đám cưới, đám giỗ, sinh nhật, trong các lễ hội.
Sau khi thu hoạch mùa vụ, đờn ca tài tử thường được biểu diễn vào những đêm trăng sáng ở xóm làng.
Nhưng để cho đờn ca tài tử hình thành và phát triển như một loại hình nghệ thuật không chỉ mang tính chất dân gian, mà còn mang tính “hàn lâm, bác học”, không thể quên công lao của tác giả Trần Phong Sắc (Đằng Huy) cùng với nhạc sĩ Lê văn Tiếng (Cử Thiện) trong việc biên soạn quyển sách “Cầm ca tân điệu” in tại nhà in Joseph Nguyễn văn Viết – Sài Gòn , năm 1926.
Bởi lẽ hầu hết những cuốn sách, hoặc tư liệu, ấn phẩm sưu tầm được trước đó, bài bản đờn ca tài tử chưa có sự phân loại hơi, điệu, câu cú, lớp lang gì cả.
Nhờ có quyển sách, các bài hát đờn ca tài tử ưa được sắp xếp thành hệ thống các điệu thức như Bắc, Hạ, Nam, Oán và các hơn như Xuân, Ai, Đào, Ngự.
Bìa quyển sách “Cầm ca Tân điệu” của soạn giả Trần Phong Sắc và nhạc sĩ Lê Văn Tiếng.
Tương truyền qua các thế hệ nghệ nhân học trò của nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại (tục danh Ba Đợi) xuất thân từ nhạc cung đình Huế.
Khi vua Hàm Nghi xuất bôn, những người này theo phong trào Cần vương vào miền nam dạy nhạc, ở vùng Cần Đước Cần Giuộc, Sài Gòn, Chợ Lớn.
Vào khoảng những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ 20, nhạc sư Ba Đợi, cùng với các nhạc sư tiền bối tên tuổi vùng này như các ông: Sâm, Hồ, Ngô, Đạo đã tổ chức cuộc họp với các các nhạc sư, nhạc sĩ nổi tiếng đương thời cả hai miền Đông, Tây Nam Kỳ Lục Tỉnh.
Tại nhà ông Tư Trì ở làng Tân Thành, quận Cần Đước, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), các ông đã trao đổi về chuyên môn, đi đến thống nhất hệ thống đờn ca tài tử như Bài, Bản, Hơi, Điệu, Lớp lang, Câu cú, Nhịp nhàng.
Trên cơ sở đó các nhạc sư đã cho ra đời hệ thống hai mươi bài bản Tổ và nhiều bài bản lớn, nhỏ, vắn, dài khác, hình thành nhạc mục Đờn ca tài tử Nam Bộ và sân khấu Cải Lương Nam Bộ. (*)
Bản gốc quyển sách Cầm ca tân điệu (mất bìa) bên cạnh bản photo lưu trữ ở Thư viện Quốc gia Pháp ở Paris.
Những bài bản này được nghệ nhân nhạc sư Lê văn Tiếng (người quận Thủ Thừa, nay thuộc huyện Thủ Thừa, tỉnh Long an) sưu tầm ghi chép đầy đủ.
Soạn giả Trần Phong Sắc (người thị xã Tân An, nay thuộc thành phố Tân An, tỉnh Long An) là người soạn lời, từng câu, từng lời ca đều trùng khớp với chữ nhạc, rất dễ đờn ca đối với những người mới học.
Mở đầu quyển sách, chẳng những các tác giả có lời tiểu dẫn nêu rõ mục đích, yêu cầu, là ngoài việc hệ thống hóa Bài, Bản mang tính học thuật, đã được các nhạc sĩ, nhạc sư thống nhất, mà còn đề cập ý nghĩa nội dung giáo dục đạo đức gia đình và xã hội của môn âm nhạc dân tộc cổ truyền này.
Kế đến là phần hướng dẫn, có hình minh họa trên cây đờn Kìm thật chi tiết, tỉ mỉ.
Từ cách lên dây theo thang âm ngũ cung: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống.
Rồi các loại dây tương ứng với các giọng điệu, các loại nhịp như: nhịp Trường canh, nhịp Song lang, nhịp Nội, nhịp Ngoại…
Cho đến:
“Cách đặt bài ca thì cần phải tùng theo dấu của chữ đờn…”.
Phần còn lại của quyển sách gồm 60 bản nhạc, in song hành với 60 bài ca trên từng trang sách, tuần tự theo hệ thống.
Trước tiên là 20 bản Tổ gồm:
- Sáu bắc (Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản)
- Bảy bắc lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc)
- Bốn Oán chính (Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu hoàng)
- Ba Nam (Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung)
Và bốn mươi bản còn lại đến cuối quyển sách là những bài bản khác.
“Cầm ca tân điệu” ra đời đã nhanh chóng trở thành quyển sách gối đầu giường của giới nghệ nhân nhạc sĩ đờn ca tài tử và sân khấu cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh.
Từ đó trở đi quyển sách có vai trò nền tảng cơ bản, để các thế hệ hậu bối vừa luyện tập, vừa sáng tác bổ sung ngày càng hoàn thiện danh mục bài bản âm nhạc đờn ca tài tử và sân khấu cải lương phong phú như ngày nay.
Ngày nay, đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng phát triển cả số lượng và chất lượng, trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa tinh thần thường nhật trong đời sống cộng đồng người Việt, không chỉ ở Nam Bộ, mà lan tỏa cả nước và hải ngoại.
Ngoài nghệ nhân nhạc sư tiền bối Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) được xem như Hậu Tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, không thể không nhắc đến công lao đóng góp to lớn và rất quan trọng của hai ông Trần Phong Sắc và Lê Văn Tiếng với quyển sách “Cầm ca tân điệu”.