Qua bà Năm Sa Đéc, hiểu nghệ thuật cải lương hơn

  Anh Lưu

Khi nhắc về giải thưởng sân khấu dành cho nghệ sĩ (NS) trước 1975 tại miền Nam, hầu hết người trong giới chỉ nhắc đến giải Thanh Tâm do nhà báo Trần Tấn Quốc sáng lập.

Với quyển “Nữ NS tiên phong Năm Sa Đéc và Nghệ thuật Sân khấu Nam Bộ” (NXB Tổng hợp TP HCM), tác giả Thiện Mộc Lan còn nhắc đến vai trò của Hội Khuyến lệ Cổ ca Sài Gòn. Chính hội này đã chọn và phong tặng danh hiệu “Ngũ trân châu” của sân khấu hát bội miền Nam, gồm 5 nữ NS: Năm Nhỏ, Năm Đồ, Năm Sa Đéc, Cao Long Ngà và Ba Út.

Cuộc đời của NS Năm Sa Đéc (1907-1988) lần đầu tiên được tái hiện tương đối đầy đủ trong tập sách vừa nêu trên. Với niềm say mê nghệ thuật từ thời bé và khả năng thiên phú, bà đã tự học, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành NS đa năng, có thể nhập vai và diễn xuất thành công trên nhiều lĩnh vực như: hát bội, cải lương, kịch nói, phim ảnh...


Bìa sách “Nữ nghệ sĩ tiên phong Năm Sa Đéc và Nghệ thuật Sân khấu Nam Bộ”.

Bà tên thật là Nguyễn Kim Chung. Sở dĩ thân phụ bà đặt tên này là vì mong muốn về sau, cô con gái cưng của họ cũng sẽ tài danh, nổi tiếng như NS hát bội nổi tiếng đương thời là cô Kim Chung ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Quả nhiên, trải dài theo năm tháng, cuộc đời bà Năm Sa Đéc đã nối gót theo bậc đàn chị lừng lẫy một thời. Khi nhắc tới bà, giới mộ điệu sân khấu vẫn còn nhớ đến những vai diễn “để đời” như vai Đổng Trác trong vở tuồng “Lữ Phụng Tiên”, vai bà Phán Lợi trong vở “Đoạn Tuyệt” (phóng tác theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nhất Linh)… Với nghệ thuật thứ bảy, thời trẻ, bà đã được khán giả yêu thích khi tham gia bộ phim “Chân trời tím”, “Lệ đá”… Sau năm 1975, bà lại có mặt trong các phim như “Cho đến bao giờ”, “Mùa nước nổi”, “Con thú tật nguyền”, “Nơi bình yên chim hót”… Riêng vai Hai Lành trong phim “Phù sa” là vai diễn cuối cùng, sau khi quay xong ở Sa Đéc, quay về TP HCM, bà ngã bệnh đột ngột rồi mất.

Về đời riêng, nhiều người vẫn còn nhắc đến mối tình của bà với nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển (1904-1996), từ năm 1947.

Không chỉ viết về cuộc đời NS Năm Sa Đéc, trong tập sách này còn lướt qua nghệ thuật sân khấu Nam Bộ với nhiều chi tiết rành mạch, rõ ràng. Có thể nói, cách làm “2 trong 1” đã giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về loại hình nghệ thuật này từ thuở bình minh đến nay. Chủ yếu thể hiện qua các NS cùng quê với bà Năm Sa Đéc, đó là các tài danh như soạn giả Lê Hoài Nở, danh ca Tám Thưa, NSND Đinh Bằng Phi, NSND Diệp Lang, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo…

Có thể xếp quyển sách này vào loạt sách cùng chủ đề vừa phát hành trong thời gian gần đây, như: “Bước đường của cải lương” (Nguyễn Tuấn Khanh), “Nghệ thuật sân khấu: hát bội, đờn ca tài tử và cải lương ở Sài Gòn và Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đến 1945” (Nguyễn Đức Hiệp)… Những cuốn sách này đã giúp bạn đọc có điều kiện hiểu sâu hơn nữa về một sự kiện văn hóa vừa diễn ra: Kỷ niệm 100 năm cải lương (1918-2018).