Nhà văn Nguyễn Văn Sâm

Thật ra khó mà biết được chính xác một quyển sách nào ảnh hưởng lên cuộc đời mình. Sách vở nó chằng chịt vào trong trí não ta với những tư tưởng quyển này chồng chất lên quyển kia. Với tôi ảnh hưởng quan trọng là một giai đoạn văn học ở Miền Nam từ 1945-1950.

Tôi còn nhớ trước khi có sự xuất hiện ồ ạt của các nhà văn di cư từ Bắc vào Nam, tạo nên phong trào mới về cách viết truyện, làm thơ cũng như tạo cách suy nghĩ khác con đường có từ trước cho nhà văn và độc giả ở đây thì chúng tôi, những người sánh trưởng trong Nam đang chịu ảnh hưởng của các nhà văn tôi gọi là những nhà văn Kháng Chiến Nam Bộ. Đó là những Hồ Hữu Tường, Lý Văn Sâm, Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh, Dương Tử Giang, Việt Tha, Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Tam ích, Thiên Giang, Thê Húc, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Tấn, Khổng Dương (dầu ba người sau này sanh ra và lớn lên ở Miền Bắc, họ vào Nam sánh sống và gia nhập làng văn trong thập niên 40).

Tôi biết đọc sách và hiểu nội dung của tác phẩm khi 11, 12 tuổi, năm 1951, 1952, lúc này các tác phẩm thuộc trào lưu Kháng Chiến Nam Bộ không còn xuất hiện nữa nhưng kết quả của nó vẫn còn. Trong "thùng sữa" đựng sách cũ của gia đình, không biết người nào trong họ nhà tôi để lại gần như một nửa những tác phẩm của các nhà xuất bản Chân Trời Mới, Nam Việt, Dân Tộc, Đại Chúng, Tiếng Chuông, Tân Việt Nam. Tôi trốn thực tế nghèo khó của gia đình mình bằng cách ngoài những giờ phải bán thuốc lá lẻ trên đường, chui đầu trong một góc nhà đọc ngấu nghiến các truyện xã hội hiện thực phơi bày bất công và tình đời ô trọc của Lý Văn Sâm, Phi Vân và say mê các hình ảnh lý tưởng cũng như những sinh hoạt tươi vui đầy nhân tính trong các truyện của Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh, Hồ Hữu Tường...

Và tôi chịu ảnh hưởng của họ, tất cả những nhà văn này. Tôi oán ghét bất công, muốn phá bỏ những bất bình đẳng khi mình lớn lên. Tôi muốn chống lại cái xã hội thối nát mình đang sống. Sau này một vài người bạn của thời sinh viên thường nói rằng "lúc đó anh có khuynh hướng là người thiên tả".Thiên tả hay khuynhh hữu tôi không chú ý lắm, chỉ biết mình không chịu nỗi sự áp bức, những điều bất nhân do bọn nhà giàu như điền chủ, cai tổng, hương quản giáng lên đầu những người dân nghèo, tá điền, tá thổ.

Ghét, nhưng chưa biết làm cách nào để giải quyết những nguyên nhân sanh ra các tệ nạn này. Vài năm sau đó trong khi cắp sách đến trường, tôi thấy nhiều người cùng học bỏ đi bưng, họ thoát ly. Tôi không làm được chuyện đó. Có thể mình nhát, có thể tánh mình không hợp. Xét mình không phải là người hành động. Tôi sợ những thay đổi của cuộc sống với những người bạn mới và những hoạt động mới. Tóm lại, kiểm điểm lòng mình tôi thấy mình là người không có máu phiêu lưu, sợ chém giết và sợ chết chóc, thích đắm chìm trong tác phẩm hơn là thích hành động và chường mặt ra đời. Và tôi cứ đi học như bao nhiêu người khác, đời đưa đẩy đi dạy, tôi quên đi khía cạnh thực tế do những tác phẩm vừa kể mà chỉ chú ý đó là những tác phẩm thuần túy như các quyển thi tập, tập truyện khác chung quanh. Tôi đọc lại chúng để biết những suy nghĩ của một thời đại, những vấn đề của một thời đại hơn là tự mình mặc lấy chiếc áo nhiệm vụ phải giải quyết vấn đề quan trọng của một thời đại do những quyển sách đó trình bày.

Dần dần với thời gian, cuộc sống bên ngoài đổi thay. Những vấn đề đặt ra của những tác phẩm Kháng Chiến Nam Bộ tự nhiên được giải quyết, những chuyện tá điền, những hình ảnh người phu xe nghèo khổ bị bóc lột không còn là hình ảnh tiêu biểu của xã hội trước mặt tôi nữa, chúng, nếu còn thì cũng như nắng tà dương trên đường rút lui vào dĩ vãng. Lý tưởng đánh Pháp để đem về độc lập cho Việt Nam cũng không còn. Chuyện quan trọng bây giờ là cuộc chiến tương tàn quốc cộng.

Đời làm thầy giáo cho tôi cơ hội nhiều hơn đi vào sách vở thực sự. Tôi khảo sát lại Văn Chương Nam Bộ không còn với tinh thần nóng hổi của người trai mới lớn nóng mặt vì những bất bình. Tôi coi đó là chuyện văn chưong. Và thấy mình có nhiệm vụ khác, giới thiệu giai đoạn văn chương bị bỏ quên này, một bên vô tình một bên cố ý, cho mọi người. Tôi bỏ ra nguyên đời mình sưu tập các tác phẩm của giai đoạn này. Chuyện binh lửa, chuyện vượt biên, chuyện đốt sách của một thời khiến sự sưu tầm càng ngày càng khó. Những nhà văn Kháng Chiến Nam Bộ chính họ cũng không giữ được tác phẩm mình, nên cũng không giúp được gì cho người sưu tập. Tôi chỉ làm quen được một số những nhà văn của thời đại này. Phi Vân dễ thương, nhún nhường, nói rằng sau Đồng Quê, Dân Quê, Tình Quê, thấy rằng mình không viết được nữa. Bối cảnh nhà quê sau này không còn phù hợp nữa. Sơn Khanh lý trí, cẩn thận từng chữ một trong tác phẩm, cố gắng in truyện dài còn xót lại trước đây thì tác phẩm cũng bị chìm như hòn đá ném vào mặt hồ, mất hút, bặt tăm.

Cuộc hôn nhân chính trị vội vã cửa một nhà văn và một tướng lãnh khiến ông tù tội sau này, mất nhiều sức khoẻ, không đối đầu được với cuộc sống ở quê người. Thẩm Thệ Hà già yếu, thiếu thốn, chuyện văn chương như một chuyện xa xôi từ bao kiếp trước. Lý Văn Sâm có nhiều lửa nhiệt tình sau khi về lại Sài gòn, bao lần hăm hở cầm bút viết lại nhưng đều không viết được gì so với chính mình nửa thế kỷ trước. Hồ Hữu Tường vẫn chạy theo lý thuyết siêu văn chương của mình, lập thuyết bằng tác phẩm, say mê giải thích, hướng dẫn kẻ hậu bối, nhưng nói chung ông bị "tụt hậu" so với tư trào văn nghệ chung cho cả Miền Nam. Bùi Nam Tử, Hoàng Tấn, một người ở Sài gòn, một người từ Hà nội vào theo chân đoàn quân tiếp quản, cả hai hiện đều quá già yếu nghèo khổ, bệnh hoạn, đang sống trong sự quên lãng của đời.

Những quyển sách của họ đã ảnh hưởng lên sự suy nghĩ và ảnh hưởng lên chính sự quyết định cầm bút của tôi. Viết về quê hương, viết về bất công với bất cứ hình thức nào. Nhưng dĩ nhiên càng ngày cách viết của người ta càng khác đi.

Cùng cơ bản một vấn đề bất công xã hội mà Hồ Biểu Chánh viết khác, Ngô Tất Tố viết khác, Vũ Trọng Phụng viết khác, Phi Vân viết khác, các nhà văn hải ngoại bây giờ viết khác, những người trong nước viết khác. Sự tiến bộ nằm ở đây, cá biệt nằm ở đây. Dầu sao nhà văn không thoát khỏi từ trường ảnh hưởng của những người đi trước mình. ảnh hưởng mỗi người chịu tác dụng một cách và kết quả tinh hoa phát tiết mỗi người mỗi cách.

Cám ơn Tạp Chí Khởi Hành đã đặt vấn đề cho tôi có dịp nói về chuyện này.