Nhà văn Võ Phiến ra đi

Võ Phiến Là Một Trong Những Người Đầu Tiên Có Công Xây Dựng Nền Văn Học VN Hải Ngoại


QUẬN CAM (VB) – Nhà văn Võ Phiến đã từ trần vào lúc 7:00 PM ngày Thứ Hai 28-9-2015 tại Santa Ana, California. Gia đình nhà văn cho biết, Võ Phiến sinh ngày 20-10-1925 tại làng Trà Bình, huyện Phú Mỹ, tỉnh Bình Định, tên thật là Đoàn Thế Nhơn. Gia đình cho biết nhà văn ra đi êm ả trong sự chăm sóc của vợ con, và trong những ngày cuối đã thọ lễ quy y từ Hòa thượng Thích Viên Lý (Chùa Điều Ngự).

Võ Phiến là nhà văn hàng đầu của Văn Học Việt Nam, viết nhiều thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, tiểu luận, biên khảo, dịch thuật, làm thơ nữa.


Nhà văn Võ Phiến

Theo tài liệu của nhà phê bình văn học Thụy Khuê, Võ Phiến thời tạp chí Bách Khoa còn ký bút hiệu Tràng Thiên. Cha là Đoàn Thế Cần làm giáo học, mẹ là Ngô Thị Cương. Khoảng 1933, cha mẹ xuống Rạch Giá lập nghiệp đem em ông là Đoàn Thế Hối theo; Võ Phiến ở lại Bình Định, sống với bà nội, học trường làng, trung học ở Quy Nhơn. 1942 ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên tựa đề Những đêm đông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật, ký tên Đắc Lang.

1945, Võ Phiến gia nhập bộ đội trong một thời gian ngắn, sang 1946 ra Hà Nội học trường Văn Lang; đến tháng 12/1946, trở về Bình Định tham gia kháng chiến, sang năm 1947 về làm thuế quan tại Gò Bồi. Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố (Võ Phiến là Viễn Phố nói lái) và ông dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V. Cuối năm 1954, ông ra Huế làm việc tại Nha Thông Tin ít lâu rồi xin chuyển vào Quy Nhơn, tại đây ông tự xuất bản hai tác phẩm đầu Chữ tình (1956) và Người tù (1957), gửi bài đăng trên hai tạp chí Sáng Tạo và Bách Khoa. Từ tác phẩm thứ ba Mưa đêm cuối năm (in năm 1958, tại Sàigòn), Võ Phiến bắt đầu nổi tiếng, ông xin đổi vào làm việc tại Sài Gòn, cộng tác thường xuyên với các báo Sáng Tạo, Thế Kỷ 20, Văn, Khởi Hành, Mai, Tân Văn... và trở thành một trong những cây bút chính của tờ Bách Khoa, cùng với Nguyễn Hiến Lê, Vũ Hạnh v.v... 1962, Võ Phiến lập nhà xuất bản Thời Mới.

Rời nước một tuần trước ngày 30/4/1975, một thời gian sau ông định cư tại Los Angeles, làm công chức thuế vụ.

Võ Phiến là một trong những người đầu tiên có công xây dựng nền văn học Việt Nam Hải Ngoại, chủ trương tập san Văn Học Nghệ Thuật từ 1978 đến 1979, rồi từ 1985 đến 1986. Tờ Văn Học Nghệ Thuật của Võ Phiến là nguyệt san văn học có uy tín đầu tiên tại hải ngoại, là tiền thân của tờ Văn Học mà sau này Nguyễn Mộng Giác tiếp nối. Văn Học Nghệ Thuật đã mở đầu cho một trào lưu văn học đích thực mà sau này trở thành Văn Học Việt Nam Hải Ngoại, hội tụ những cây bút cũ và mới, tạo ra một lớp người viết và người đọc tham dự vào văn chương tiếng Việt.

Từ tháng 7/1994, Võ Phiến nghỉ hưu.

Tác phẩm đã in:
  • Tiểu thuyết: Giã từ (Bách Khoa, Sài-gòn, 1962), Một mình (Thời Mới, 1965), Đàn ông (Thời Mới, 1966), Nguyên vẹn (Người Việt, California, 1978).

  • Truyện ngắn: Chữ tình (Bình Minh, Quy Nhơn, 1956), Người tù (Bình Minh, 1957), Mưa đêm cuối năm (Tự Do, Sài-gòn, 1958), Đêm xuân trăng sáng (Nguyễn Đình Vượng, 1961), Thương hoài ngàn năm (Bút Nghiên, 1962), Về một xóm quê (Thời Mới, 1965), Truyện thật ngắn (Văn Nghệ, California, 1991).

  • Tùy bút: Thư nhà (Thời Mới, 1962), Ảo ảnh (Thời Mới, 1967), Phù thế (Thời Mới, 1969), Đất nước quê hương (Lửa Thiêng, 1973), Thư gửi bạn (Người Việt, California, 1976), Ly hương (in chung với Lê Tất Điều, Người Việt, California, 1977), Lại thư gửi bạn (Người Việt, 1979), Quê (Văn Nghệ, 1992).

  • Tiểu luận: Tiểu thuyết hiện đại (bút hiệu Tràng Thiên, Thời Mới, 1963), Văn học Nga Xô hiện đại (Thời Mới, 1965). Tạp bút, ba tập (Thời Mới, 1965-66), Tạp luận (Trí Đăng, 1973), Chúng ta qua cách viết (Giao Điểm, 1973), Viết (Văn Nghệ, 1993), Đối thoại (Văn Nghệ, 1993).

  • Biên khảo: Văn học miền Nam tổng quan (Văn Nghệ, 1986), Văn học miền Nam, 6 tập, gồm 3 tập về truyện, 1 tập ký, 1 tập kịch - tùy bút và 1 tập thơ (Văn Nghệ, 1999).

  • Dịch thuật: Hăm bốn giờ trong đời một người đàn bà (Stéfan Zweig) (Thời Mới, 1963), Các trào lưu lớn của tư tưởng hiện đại (André Maurois) (Thời Mới, 1964), Truyện hay các nước, 2 tập, cùng dịch với Nguyễn Minh Hoàng (Thời Mới, 1965), Ông chồng muôn thuở (Dostoyevsky) (1973). Toàn bộ tác phẩm Võ Phiến được in lại trong Võ Phiến Toàn Tập, 9 cuốn (Văn Nghệ, 1993).

Năm 2010, Võ Phiến cho in Cuối Cùng, gồm tạp bút và thơ mới viết của ông. Đây cũng có thể là tác phẩm cuối cùng của nhà văn.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc nhận định về Võ Phiến như sau:

“Theo tôi thì Võ Phiến là một trong những nhà văn lớn nhứt của Việt Nam trong nửa sau của Thế Kỷ 20. Xin lưu ý là tôi dùng chữ Việt Nam chớ không phải là Miền Nam hay là hải ngoại; trong phạm vi cả nước thì Nam cũng như Bắc, quốc nội cũng như quốc ngoại...”

Nhà văn Ngô Thế Vinh trong bài “Bốn Mươi Năm Võ Phiến Nhà Văn Lưu Đày” đã ghi lại hình ảnh Võ Phiến trong những tháng cuối cùng:

“...Và cuộc sống của Võ Phiến “vẫn cứ tiếp diễn đều đều”. Chị Viễn Phố, vợ anh vẫn che dù cho anh đi bộ mỗi ngày với walker có bánh xe lăn. Nhìn chung theo khía cạnh y khoa, ở nhóm tuổi 90 ấy, thể lực của anh Võ Phiến được xem là khá tốt cho dù trí tuệ anh đã có nhiều phần lãng đãng, cái lãng của người cao tuổi/senile dementia. Anh không nhớ hết những khuôn mặt thân quen nhưng với vài người “bạn cựu” - vẫn chữ của Võ Phiến - thân thiết lâu năm như Hoàng Ngọc Biên, Đặng Tiến, Lê Tất Điều... anh vẫn giữ được một trí nhớ xa/ remote memory qua các cuộc nói chuyện điện thoại gần đây và cả ở những lần gặp mặt....”

Nhà văn Nguyễn Mộng Giác từng nhận định về nhân vật truyện Võ Phiến: “họ là những người giống chúng ta, nhưng không tìm ra xứ sở, chênh vênh trên cuộc sống đời thường. Những người từ nông thôn ra thành thị mà không tìm ra lẽ sống của thành thị, không tìm ra quê hương. Một số nhân vật cảnh tỉnh chúng ta về hiểm họa Cộng Sản, một số nhân vật lưu lạc bốn phương trời, sống đời thăng trầm như chính số phận chúng ta ! Đó là điều khiến tác phẩm Võ Phiến làm chúng ta ngẩn ngơ, xúc động”. Nhưng, ông nhận ra “Nhân vật truyện Võ Phiến lạc loài, mà làm cho đời sống được trân trọng hơn, nên đọc truyện ông tuy thấy buồn nhiều hơn vui, mà niềm vui thì thật là lý thú...”

Nhà văn Vũ đình Minh trong buổi ra mắt “Tuyển Tập Võ Phiến” dày 1080 trang xuất bản năm 2006 đã nhận định:

“Yếu tố chính khiến truyện Võ Phiến có chỗ đứng cho đến ngày nay, là giá trị nhân bản thể hiện trong đó.”

Nhà phê bình Nguyễn hưng Quốc đến từ Úc cũng trong buổi ra mắt sách trên đã nói:

“Phong cách tùy bút bàng bạc khắp tác phẩm của ông, bởi đằng sau tuyện hay bài phê bình, có 1 nhà tùy bút.Và sau lưng nhà tùy bút có nhà nghiên cứu văn học!”

Việt Báo trân trọng từ biệt nhà văn Võ Phiến – ông ra đi, nhưng sức mạnh văn học độc đáo của ông sẽ còn in dấu mãi trong văn chương Việt.