Ra mắt sách ‘Chuyện Đời Xưa’ Giáo sư Nguyễn Văn Sâm chú giải

WESTMINSTER (VB) –Văn nghệ phong phú. Nhận xét xúc tích từ nhiều diễn giả về một tác phẩm thời văn học quốc ngữ sơ thời. Tình cảm trân trọng giữa những người cùng hoạt động trong học giới và văn giới…

Trong bầu không khí đó, nhà văn Nguyễn Văn Sâm đã ra mắt sách quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký với lời chú giải hôm Chủ Nhật 24/9/2017 tại Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu 14550 Magnolia #205 Westminster.

Tổ chức buổi ra mắt sách là Phan Tâm, tức nhà văn Tâm Vô Lệ (Giám đốc Thư Viện Việt Nam Toàn Cầu), Nha Sĩ/Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng và CLB Tình Nghệ Sĩ tổ chức. Người giữ vai trò MC xuất sắc là cô Hồng Vân.

Khởi đầu là chào cờ VNCH, cờ Hoa Kỳ, một phút mặc niệm… do NS Cao Minh Hưng điều hợp.

Tham dự có nhà thơ Nguyễn Tiến Quỳnh Giao, Phó Thị Trưởng Garden Grove Phát Bùi, GS Dương Ngọc Sum, cư sĩ Bùi Đức Nhượng, cư sĩ Tâm Diệu (NXB Ananda Foundation), nhà hoạt động Frank Trần, nhà văn Nguyễn Thị Ninh Thuận, nhà báo Lâm Hoài Thạch, nhà truyền thông Lê Huỳnh…

Giáo sư Đàm Trung Pháp đã kể về giao tình với nhà văn Nguyễn Văn Sâm, cùng làm việc trong ngành giáo dục Sài Gòn trước năm 1975, gặp lại năm 1980 ở San Antonio (Texas). GS Pháp nói rằng, bản thân là người tới Mỹ trước, nên phải hướng dẫn  người bạn tới Mỹ sau, là khẩn cấp phải lấy một văn bằng cử nhân: đó là Cử nhân Bằng Lái Xe. GS Pháp dạy GS Sâm lái xe, “Tuyệt vời, ngay thi lần đầu. Nhà văn Nguyễn Văn Sâm đậu ngay Cử Nhân Bằng Lái Xe,” và rồi hướng dẫn các sinh hoạt khác để hội nhập.

GS Đàm Trung Pháp nói rằng bản thân là Bắc Kỳ di cư, nhưng từ thuở ở Sài Gòn đã mê ông Giáo sư Nguyễn Văn Sâm đặc chất Nam Kỳ, và học được qua GS Sâm rất nhiều về Nam Kỳ, từ văn hóa tới ngôn ngữ. GS Pháp nói, “Cuốn đầu tiên tôi học về ngôn ngữ Nam bộ là cuốn ‘Khói Sóng Trên Sông’ của GS Nguyễn Văn Sâm.”

GS Đàm Trung Pháp nói rằng cuốn Chuyện Đời Xưa của tác giả Trương Vĩnh Ký do GS Nguyễn Văn Sâm chú giải có giá trị về giáo dục, mỗi truyện đều có dàn bài, có kết cục thường là bất ngờ trong tâm độc giả. GS Pháp nói truyện đặc biệt thích là về chuyện con chó cứu chủ, hóa ra con chó có lòng từ bi, thương xót chủ, người suýt đem bán con chó đi… và đó là nhân quả nhãn tiền, làm thiện gặp thiện….

Trong lời cảm ơn, GS Nguyễn Văn Sâm nói rằng GS Đàm Trung Pháp là người vào được dòng chánh ngành giáo dục Hoa Kỳ, dạy trong các  đại học Mỹ, đào tạo ra nhiều tiến sĩ người Mỹ… “trong khi tôi chỉ nghiên cứu tiếng Việt và viết văn Việt ngữ.”

Nhà văn Phan Tấn Hải trong phần trình bày ý kiến đã nhận định về “Chuyện Đời Xưa” của Trương Vĩnh Ký, có vài ý như sau:

“…Tại sao Trương Vĩnh Ký lựa chọn thể văn viết như nói? Để gần với đời thường? Hay vì là chuyện kể cho nên phải ngắn? Có lẽ, để phục vụ cho nghề báo lúc đó, và như thế nghĩa là, phục vụ nhu cầu đọc của độc giả lúc đó.

Theo tiểu sử trên Wikipedia, ông mưu sinh trải qua nhiều nghề bận rộn: thông ngôn, giáo sư ngôn ngữ, Tổng biên tập Gia Định Báo, tri huyện, Đốc học (Giám đốc) trường Sư phạm, Ủy viên Hội đồng cai trị Sài Gòn, Cơ Mật Viện Tham Tá, Thị giảng học sĩ, từng được chính phủ Pháp ban tặng huy chương Đệ Ngũ Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh. Có lúc, lương của Trương Vĩnh Ký đứng cao hàng thứ ba toàn quốc, chỉ sau hai viên chức cao cấp nhất người Pháp. Nghĩa là rất bận rộn. Cùng lúc, ông để lại hơn 100 tác phẩm về văn học, lịch sử, địa lý, từ điển và dịch thuật,...

Như thế, chúng ta có thể hiểu được, tác phẩm "Chuyện Đời Xưa" cần viết ngắn, gọn, nhanh… Không thể viết công phu như kiểu “Truyện Kiều” của cụ Nguyễn Du, hay “Cô Gái Đồ Long” của Kim Dung.

Nhưng ưu thắng là, cách viết của Trương Vĩnh Ký phù hợp với cả hoàn cảnh xã hội lúc đó: nền văn học chữ Nôm đang lụi tàn, trước đà trổi dậy nền văn học chữ quốc ngữ, tức là vần abc. Nhà bác học họ Trương đã chọn cách đơn giản là kể chuyện đời xưa…

…trong khi chúng ta hình dung được một ông Nguyễn Du ngồi viết trong nhiều năm, rồi mới ấn hành Truyện Kiều… chúng ta dễ dàng hình dung về một ông Trương Vĩnh Ký mỗi kỳ báo viết một bài, hay hai bài, để rồi lâu về sau sẽ gom vào, in thành sách. Nhưng như thế, “Chuyện Đời Xưa” mới đa dạng. Có thể là, lúc nhớ ra chuyện này, chuyện kia thì viết…

Một điểm xuyên suốt và nổi bật là: văn viết bằng chữ quốc ngữ, ghi lại tiếng nói người Miền Nam. Và rất hấp dẫn, rất khác lạ. Nói theo kiểu văn học bây giờ, đó là cách tân nghệ thuật. Và cũng là điểm thành công của tác giả, vì quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhứt của nhà văn nầy. Sách in nhiều lần, năm 1914 đã in tới ngàn thứ chín.

GS Nguyễn Văn Sâm ghi rằng, “Những lần in không đề tái bản lần thứ mấy và in bao nhiêu thì phải nói là cơ man.”

Nghĩa là, đây là một cuộc bỏ phiếu cho chữ quốc ngữ. Khi bỏ tiền ra mua sách này, nghĩa là chấp nhận rằng nền kinh tế thị trường đã chọn ngòi bút Trương Vĩnh Ký, và một cách lặng lẽ, độc giả Miền Nam đẩy dần văn học chữ Nôm vào quá khứ…

Có thể Trương Vĩnh Ký không ngờ tới ảnh hưởng của cuốn “Chuyện Đời Xưa”… trong khi không có bao nhiêu độc giả nhớ tới 99 tác phẩm khác của ông. Dòng chảy văn học dân tộc đã cuốn trôi 99 tác phẩm kia của ông, trong khi cuốn “Chuyện Đời Xưa” đã trở thành một tượng đài văn học, bất kể những sơ khai và vội vã trong nghề làm báo lúc đó.”

Giáo sư Trần Huy Bích được mời phát biểu, nói rằng ông luôn luôn khâm phục sức làm việc của GS Nguyễn Văn Sâm, đưa cao cuốn “Báo Ứng Nhân Quả”  và nói đó là cuốn sách vừa là tiểu thuyết vừa là một quyển kinh viết bằng chữ Nôm cũng do GS Sâm phiên âm và chú giải – trong đó có lời giới thiệu của hai vị: Hòa Thượng Chơn Thành và Hòa Thượng Nguyên Trí…  Và bây giờ GS Nguyễn Văn Sâm cho ra cuốn Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký, đều là các tác phẩm hiếm. GS Trần Huy Bích nói, GS Nguyễn Văn Sâm là chuyên gia về văn chương Nam Bộ, chuyên sưu tầm và phiên âm nhiều tác phẩm chữ Nôm, và “theo tôi, GS Nguyễn Văn Sâm là người giỏi nhất về văn học Nôm hiện nay còn sức làm việc, vì những vị giỏi khác đều hoặc đã từ trần, hoặc không còn sức viết nữa.”

Cô Nguyễn Thị Kim Ngân, một viên chức điều hành Viện Việt Học, trong phần ý kiến đã nói rằng trong lịch sử có nhiều chữ “nếu”… Rằng nếu người Pháp không vào VN, sẽ chỉ có Trương Vĩnh Ký, và sẽ không có Petrus Ký… Khi người Pháp vào cai trị, thấy rằng cách cai trị ổn định là phải tìm hiểu văn hóa bản địa để chuyển hóa, và áp đặt nền văn hóa Pháp vào VN bằng nhiều cách, từ việc đem Đạo Thiên Chúa vào, cũng dựng lên một Viễn Đông Bác Cổ để nghiên cứu văn hóa VN. May mắn, cũng có những nhân sự có tấm lòng, nhân bản, trong đó có Petrus Ký đã tìm giữ những cái đẹp trong văn hóa VN.

Tiếp theo, cô Kim Ngân trình bày sơ lược về  GS Nguyễn Văn Sâm, từ ban đầu của Viện Việt Học đã là Trưởng Ban Văn Chương Viện Việt Học, người thực tế bây giờ là giáo sư của mấy thế hệ giáo sư tiến sĩ… Đã có lúc Viện Việt Học bàn tính về việc cấp bằng Tiến sĩ cho GS Nguyễn Văn Sâm, nhưng vì GS Nguyễn Khắc Kham qua đời, nên không ai bàn chuyện này nữa.  Cô Kim Ngân nói rằng các công trình của GS Nguyễn Văn Sâm là một hướng đi làm sống lại những tác phẩm chính là làm sống lại một phần văn học chữ Nôm, và đó là những mảnh hồn dân tộc: “Xin nói rằng GS là một nhà giáo dục, nhà sáng tạo, trong đó mơ mộng được đặt vào lý tưởng của người yêu nước… Không thể có một GS Nguyễn Văn Sâm thứ hai nào nữa.”

GS Nguyễn Văn Sâm trong phần phát biểu đã cảm ơn các diễn giả. GS nói ông viết cuốn này cũng ghi nhận rằng nhiều chữ bây giờ không còn nghe nữa, thí dụ chữ “chày mổ” hay chữ “đèn ló”… Trương Vĩnh Ký ghi lại như chứng tích thời gian, về một xã hội thời đó, “Trương Vĩnh Ký xứng đáng ghi tên trong văn học VN, nhưng Miền Bắc cố ý  hạ bệ Trương Vĩnh Ký một cách không chính đáng. Trường Petrus Ký lại bị đổi sang tên một Tổng Bí Thư Đảng CSVN… Thực tế, Trương Vĩnh Ký từng đăng trong một số báo một bài viết có câu ‘từ ngày giặc Pháp sang đây’ lộ ra tinh thần chống Pháp…”

Một thông báo từ ban tổ chức cho biết vào lúc 12:20PM có hơn 7,000 người theo dõi chương trình ra mắt sách qua Internet (trực tuyến live stream qua các mạng FaceBook, YouTube, Daily Motion)…

Các ca sĩ đã xen kẽ chương trình với nhiều  ca khúc đơn ca, hợp ca, nhạc cảnh…. Trình diễn xuất sắc với các ca nhạc sĩ như Đức Huỳnh, Lisa Trần, Hạnh Cư, Khánh Vân, Dương Viết Đan, Huỳnh Anh, Thu Hương, Minh Yên, Hoa Phượng, Mai Chi… và nhiều nghệ sĩ khác.

Cư sĩ Tâm Diệu, phụ trách NXB Ananda Foundation, trình bày bên ngoài hội trường với phóng viên Việt Báo: “Trương Vĩnh Ký đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc khai sáng đối với văn học nước nhà. Ông là một nhà văn tiền phong của nền văn học chữ quốc ngữ, là một học giả nổi tiếng. Nên chúng tôi, nhà xuất bản Phật giáo Ananda Foundation đã vượt ra ngoài các phạm trù chính trị, địa phương và tôn giáo để quyết định xuất bản cuốn sách này.”

Mua sách có thể vào Amazon.com và gõ chữ “chuyen doi xua” sẽ thấy bìa sách hiện ra.

Được biết, cùng ngày Chủ Nhật 24/9/2017 có nhiều sự kiện khác tại Quận Cam, và cũng thu hút sự chú ý của cộng đồng gốc Việt…
Độc giả có thể xem bằng hình buổi ra mắt sách này ở: https://youtu.be/UEOGoVoyDjM hoặc vào YouTube và gõ chữ: “chuyen doi xua nguyen van sam


Hình lưu niệm.


Chào cờ.


Từ trái, GS Đàm Trung Pháp, Cô Kim Ngân, GS Nguyễn Văn Sâm, GS Trần Huy Bích.


GS Nguyễn Văn Sâm và một nữ nghệ sĩ.