Trường Châu Văn Liêm, Cần Thơ: Xây mới vì không thể trùng tu?

TT - Trước giờ “G” khi cơ quan hữu quan chuẩn bị đập bỏ Trường THPT Châu Văn Liêm - ngôi trường “trăm tuổi” hiếm hoi của ĐBSCL - để xây mới, nhiều người dân TP Cần Thơ và cựu học sinh trường này đã đề nghị TP nên trùng tu ngôi trường.



Trường THPT Châu Văn Liêm được xây dựng từ năm 1917 - Ảnh: Chí Quốc

Những ngày qua, khi biết Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ) sắp được xây mới, nhiều cựu học sinh của trường từ nhiều nơi đã cố gắng một lần nữa về thăm trường cũ để kịp ghi lại hình ảnh ngôi trường trăm tuổi trước khi bị phá bỏ.

Kêu gọi ký tên bảo tồn ngôi trường

Hiện trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ đang chia sẻ, kêu gọi ký tên vào trang “Triệu chữ ký cần bảo tồn di tích kiến trúc THPT Châu Văn Liêm”.

Lời kêu gọi cần cùng có tiếng nói bảo tồn một di tích văn hóa lịch sử có tuổi đời 100 năm, gắn liền với lịch sử 276 năm được phát hiện, hình thành, xây dựng, phát triển của thủ phủ miền Tây và có vị trí rất quan trọng trong tâm thức cựu học sinh Phan Thanh Giản (xưa) và cựu học sinh Châu Văn Liêm (nay) nói riêng, người dân thành phố Cần Thơ nói chung...

Những ngày cuối tháng 6, anh Võ Khắc Tâm - học sinh của trường niên khóa 1985 - 1988 - cùng các bạn đã họp mặt với thầy cô giáo cũ tại trường ôn lại kỷ niệm.

Những hình ảnh đẹp về ngôi trường cũ và cả những đoạn video clip về cảnh sinh hoạt đầu tiết học năm xưa được chia sẻ trên Facebook khiến nhiều người xem không tránh khỏi bùi ngùi, xúc động.

“Mặc dù ngôi trường sẽ bị phá bỏ để xây mới nhưng tôi và các bạn hoàn toàn ủng hộ vì ngôi trường đã “hết tuổi” nhiều năm nay. Tôi cũng làm trong ngành kiến trúc nên hiểu rõ cho dù có trùng tu cũng không đảm bảo an toàn. Những hình ảnh đẹp của ngôi trường giờ có rất nhiều cách để lưu giữ, phải đảm bảo sự an toàn cho học sinh là điều quan trọng trước mắt” - anh Tâm nêu ý kiến.

Trong khi đó, thầy Lê Văn Quới - giáo viên dạy văn tại Trường THPT Châu Văn Liêm suốt 39 năm (từ năm 1964 đến 2003) - cho rằng hai ngôi trường ông từng học là Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) và THPT Lê Hồng Phong (tên cũ là Trường Pétrus Ký, TP.HCM) có “tuổi thọ” tương đương với Trường THPT Châu Văn Liêm nhưng hiện vẫn giữ được “cốt cách” vì được trùng tu.

Theo thầy Quới, “cái gì qua thời gian thì cũng phải thay đổi” nhưng ông vẫn mong muốn nếu có thể gia cố, trùng tu được thì nên giữ lại và nên phối hợp với các kỹ sư Pháp. “Đi tới dãy hành lang, thấy cửa sổ cũ, mái ngói tường vôi làm mình bồi hồi không yên” - thầy Quới chia sẻ.

Một giảng viên Trường đại học Cần Thơ cho rằng ngôi trường có bề dày lịch sử đáng tự hào này đã đào tạo ra hàng vạn thanh niên có học thức, tài năng, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển Cần Thơ.

Mọi người đều nhận thấy rằng ngôi trường rất xứng đáng được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia. Ngoài ra, nhiều người còn đề xuất nên giữ lại trường như một di tích, còn Trường Châu Văn Liêm thì xây mới ở nơi khác...

Sẽ xem xét thận trọng

Trao đổi với Tuổi Trẻ về các ý kiến mà dư luận đặt ra, ông Trần Trọng Khiếm, giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo TP Cần Thơ, cho biết “bỏ thì thương, vương thì tội” đối với Trường THPT Châu Văn Liêm.

“Tội”, theo ông Khiếm, là nếu trùng tu và tiếp tục cho sử dụng thì không khỏi lo ngại đến sự an toàn cho cả ngàn học sinh. Theo ông Khiếm, Sở Xây dựng TP Cần Thơ đã có khuyến cáo đóng cửa trường này hơn 10 năm nay nhưng chưa thực hiện được.

Năm ngoái, Đại sứ quán Pháp cũng đã cử hai kỹ sư đến khảo sát trường này và đưa ra khuyến cáo là không thể trùng tu được nữa. Vì vậy, sau bốn năm bàn bạc giữa các cơ quan hữu quan và được Thành ủy, HĐND, UBND TP Cần Thơ cho ý kiến, sở đã chọn phương án xây mới trường.

Tuy nhiên phương án này phải đảm bảo điều kiện: xây trên vị trí cũ, số tầng như cũ và kiến trúc như cũ, chỉ thay bằng vật liệu mới.

Theo ông Khiếm, dự án xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm có tổng vốn đầu tư khoảng 100 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong tháng 8-2015. Năm học tới, trường sẽ di dời toàn bộ học sinh sang học tạm ở Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều).

Chiều 6-7, ông Lê Văn Tâm - phó chủ tịch thường trực UBND TP Cần Thơ - cũng cho biết tại cuộc họp chiều cùng ngày, ông đã chỉ đạo văn phòng UBND TP Cần Thơ phải làm báo cáo vụ việc, xin ý kiến thường trực Thành ủy một lần nữa về việc xây dựng lại trường.

Theo ông Tâm, trước đây TP đã quyết định xây lại trường trên cơ sở kiến trúc cũ, vị trí cũ nhưng trước ý kiến của người dân và sự quan tâm của công luận, TP sẵn sàng lắng nghe, thận trọng và sẽ trình thường trực Thành ủy có ý kiến, xem xét vụ này.


Trường THPT Châu Văn Liêm được xem là một trong hai trường có kiến trúc cổ thời Pháp hiếm hoi của ĐBSCL, cùng với Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) - Ảnh: Chí Quốc

Phát triển và bảo tồn cần đạt hiệu quả cao nhất

Tôi may mắn có biết về Trường THPT Châu Văn Liêm (tiền thân là trường Collège de Can Tho - một trong những ngôi trường lâu đời tại VN, vốn được đánh giá tương đương với Trường THPT Lê Hồng Phong - Trường Pétrus Ký tại TP.HCM) và cũng vừa có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Trương Công Mỹ (chủ tịch Hội Kiến trúc sư, phó giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ) và kiến trúc sư Lương Hoàng Cần (TP Cần Thơ) về việc này.

Qua xác minh vụ việc và trao đổi mang tính chất chuyên môn với các đồng nghiệp, tôi thấy trong ý định thực hiện các công việc trùng tu kiến trúc trường hay là những ý kiến bức xúc có nhiều phần hoài cảm về việc lưu giữ thì rất may không có sự đối chọi, mà vấn đề hiện nằm ở chỗ làm cách nào để tránh việc thiếu thông tin để dẫn đến sự thiếu cảm thông về sự việc.

Với việc bảo tồn một công trình có giá trị lớn như thế, các bên đều có cùng một thái độ trân trọng. Tuy nhiên ứng xử cấp bách đối với an toàn sử dụng, nhất là một công trình luôn có sự tập trung đông người như trường học thì phải bằng giải pháp cụ thể.

Về giải pháp thì phía các cơ quan có trách nhiệm đã khẳng định sẽ xây mới với hình thức, quy mô hết sức trung thực với nguyên bản, nhưng điều này cũng có nhiều bất cập vì vật liệu nào cũng có “ngôn ngữ” riêng của nó.

Biết là có văn bản xác định hết thời hiệu trong trách nhiệm vận hành công trình của nhà thiết kế từ Pháp nhưng điều đó cũng không có nghĩa phải ngay tức khắc tháo dỡ công trình.

Vì ai cũng phải thừa nhận có những công trình, dù rất nổi tiếng trên thế giới hay chỉ là một quán cà phê nhỏ ở Pháp, ở Ý hiện vẫn tồn tại hàng thế kỷ và trở thành những điểm đến “bất hủ” với du khách.

Vì thế, theo tôi vẫn có thể phải thẩm định, rà soát lại toàn diện công trình để có giải pháp phù hợp, đảm bảo an toàn khi muốn tiếp tục sử dụng...

Và thực chất vấn đề này không ở tầm mức một sự kêu cứu có tính cấp bách mà thể hiện mục đích tốt đẹp của việc cân đối phát triển với bảo tồn, sao cho đạt hiệu quả cao nhất, đảm bảo và phát huy được giá trị của văn hóa bảo tồn.

KTS Nguyễn Văn Tất (ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư VN)


Một lãnh đạo Trường THPT Châu Văn Liêm (tiền thân là Collège de Can Tho) cho biết trường này được xây dựng năm 1917 và đưa vào sử dụng năm 1921.

Theo website của trường, đến năm 1924 việc xây cất trường mới hoàn tất, đến tháng 8-1945 trường mang tên Trung học Phan Thanh Giản và từ tháng 11-1995 mang tên Trường THPT Châu Văn Liêm cho đến nay.

Quy mô của trường gồm ba dãy nhà ngang, mỗi dãy có hai tầng dài khoảng 75m, rộng 12m; một dãy hành lang có mái che và một nhà hai tầng dài 24m, rộng 9m, có các sân rộng tiếp giáp với các dãy nhà.

Về kiến trúc, trường có diện mạo kiến trúc cổ, kết cấu tường chịu lực, mái ngói, sàn bằng gạch hỗn hợp, cửa sổ lá sách truyền thống nhiệt đới đẹp và chuẩn theo lối kiến trúc đặc trưng của thời kỳ này, nằm trong tổng thể kiến trúc đô thị đầu thế kỷ 20.

Chí Quốc