Đặng Mai Lan và Phan Thị Trọng Tuyến phỏng vấn Kiệt Tấn

- Truyện ngắn đầu tay anh viết lúc nào, trong bối cảnh nào?

Truyện ngắn đầu tay của tôi? Thiệt tình mà nói, tôi cũng không nhớ rõ. Bởi lẽ tôi đã viết lai rai từ thuở còn học trung học và đại học. Hình như truyện ngắn đầu tay tôi viết về Diane, người em xóm học, khi tôi từ Paris trở về Québec năm 1961, không còn nhớ rõ tựa, đăng trên nội san Đất Lạnh số 1 của nhóm sinh viên Việt du học tại Québec chủ trương. Đất Lạnh ra có mỗi một số thì toà soạn đóng cửa đình bản vì cụt vốn, các mầm non đại văn hào đều bị bắt buộc nghỉ dài hạn không ăn lương.

- Trước khi nói về văn chương, xin lạc đề một chút: hình như anh hơi kì thị chủng tộc? Anh đã chẳng mê toàn mấy cô đầm, hết đầm Âu đến đầm (bắc) Mĩ. Hay là đầm dễ mê Kiệt Tấn hơn Mít?

Nói kì thị chủng tộc thì hơi quá đáng...

- Hay là vì dạo đó có lẽ thiếu con gái VN đi du học? Hay là việc «giao du» trai gái VN có nhiều khó khăn, trở ngại (thí dụ: không thể có «sex» nếu không cưới nhau?). Con gái VN khó «thương» hơn. Anh nói sơ về khoảng thời gian du học ở Québec...

Thời buổi đó ở Québec chỉ có mỗi một cô sinh viên người Việt, lại lớn tuổi hơn tôi và chỉ có những là xương. Đành chịu thua. Sức người có hạn!

Mấy cô đầm mới ngó vô thấy lạ, bồ bịch rồi thì cũng quen lần. Lên giường, lúc lâm trận mịt mờ thì cô gái nào cũng chỉ là một cô gái thôi. Chỉ có chia động từ thì khác... Còn rên rỉ thì cũng y chang như nhau... Còn chuyện viết lách. À!... Để tôi động não ráng nhớ lại coi. Nếu không lầm thì Trước Mặt là truyện tình đầu tay của tôi được lên mặt báo, nhưng báo nào thì tôi không còn nhớ rõ. Đó là sự nối tiếp của cuộc đời tình ái lăng nhăng của tôi. Truyện kể tôi đến nhà đón một cô vũ nữ bồ bịch đi chơi. Trong lúc ngồi chờ cô em trang điểm, tôi hồi tưởng lại những cuộc tình đã qua ba trật bốn vuột của mình mà ngán ngẩm. Những Hoa, những Tuyết, rồi Diane, Louise, Danyèle, những Nguyên, Hường, Nhung… đều lần lượt giã biệt. Buồn ơi! Ta xin chào mi. Truyện kết thúc bằng những câu hỏi miên man không dứt: Cô em sẽ phụ tôi, tôi sẽ bỏ nàng, tôi và nàng sẽ yêu nhau dai dẳng, nàng sẽ có con với tôi, tôi sẽ cưới nàng, nàng sẽ bỏ tôi bất thần để đi lấy chồng? Hoàng hôn lần lữa năm hầu hết, hờ hững ai xui thiếp phụ chàng... Tôi không còn dấu vết nào của truyện Trước Mặt.

- Thời đó đưa vũ nữ bồ bịch đi chơi có «dễ dàng» không? Vì giới nghiêm, thiết quân luật, vợ nhà… vân vân

Đưa vũ nữ bồ bịch đi chơi có «dễ dàng» hay không là tuỳ ở tài nghệ và tâm tánh của mỗi người. Giới giang hồ có câu «chịu chơi thì đừng có run». Nhắc giới nghiêm, tôi nhớ một lần đó, còi giới nghiêm vừa hụ, tôi lật đật nhảy lên xe bốn bánh phóng ào ào từ quán nhậu ở Chợ Đũi về Hàng Xanh, quẹo cua lỡ trớn lạc tay lái ủi sập bót cảnh sát ở gần nhà, may nhờ chỗ công chức quen mặt nên sếp bót thông cảm ...

- Khi trở về VN, anh làm việc ở đâu? Làm công chức cao cấp có chán không?


Tôi làm chuyên viên ở bộ Kinh Tế. Tánh tình, tóc tai, áo quần dị hợm nên bị đì làm chuyên viên dài dài. Cho đến mười năm sau, đùng một cái, được đề cử lên làm Giám đốc Định chuẩn. Nghề đó không ai giành, không do bè cánh hay piston đẩy lên chi hết. Khi làm giám đốc một cơ quan tự trị gồm toàn những người trẻ do mình tuyển dụng, tôi rất phấn khởi...

- Truyện của KT đa số đều đưa vấn đề tình dục vào? Tại sao?

Câu trả lời thật ra khá đơn giản: Cuộc tình nào của tôi cũng tay chưn rối beng, thịt da bát ngát, đồi núi chập chùng, cỏ non mút mắt. Khi hồi tưởng và viết lại thì nó y chang như vậy thôi, cũng đất trời choáng váng, thịt da bấn loạn, đâu có mất công gì phải đưa với đón tình dục vào truyện hoặc hư cấu làm chi cho nó nhức cái đầu, mệt thằng nhỏ (Cười cười). Xin cô Hai thông cảm.

Có lần, khi nói về tình dục, tôi đã minh định: «Tôi viết về tình dục với mục đích cho độc giả thấy tình dục là một điều tự nhiên và đẹp đẽ». Lần khác, khi viết về tôi, Nguyễn Hưng Quốc đã nhận xét: «Nhiều người cho là Kiệt Tấn viết bạo. Thêm điều này nữa: Bạo nhưng không bao giờ nhớp nhúa. Thiếu cái trong sáng của Thạch Lam, tình yêu trong truyện Kiệt Tấn lại gần hơn với sự thực, với cuộc đời» (Tuyển tập Kiệt Tấn, trang 476).

- Anh có thể đưa ra một vài đoạn văn tiêu biểu của anh khi viết về tình dục?

Khi đọc những truyện tình hôi hổi tình dục của tôi trong Tuyển Tập, ở trang 17, Đoàn Nhã Văn đã phân tích và để ý được điểm này: «Một trong những điểm đặc thù ở chữ nghĩa của KT, trong vùng cấm địa này, là đặt nhiều cặp tính từ đằng sau một câu nói để nhấn mạnh điều diễn tả. Cặp chữ này nối liền cặp chữ kia tạo nên những đợt sóng dập dồn trong dòng suy nghĩ người đọc. Vì thế, người đọc thấy mình tham gia đủ đầy qua những vùng chữ nghĩa mang hơi hướm đàn bà»:

Tuyết vừa ngồi xuống là tôi đi thẳng vào nỗi ám ảnh của mình. Bàn tay tôi sục sạo tìm kiếm đoá hoa thầm kín của nàng. Mềm mại, ấm áp, trơn mượt, nhung êm. Mê mẩn, sung sướng, hạnh phúc. (TNBN, Đêm Cỏ Tuyết, tr. 56).

Chân tay hai đứa quấn quýt chằng chịt rối beng, tưởng không thể tháo rời được nữa. Rên rỉ, năn nỉ, xô ra, quấn vào, cuồng nhiệt, mê tơi, cực điểm, chết ngất… (TNBN, Người Em Xóm Học, tr.105)

- Cái gì anh cũng ngó, cũng mó, cũng sờ, cũng nếm tuốt tuột. Ừ, dê dễ sợ: anh cầm cái bông bưởi, anh hửi cái bông hồng, anh bồng cái bông cúc, anh hít cái bông mai, anh liếm luôn bông lys... Chẳng còn chi là đoá hoa thành thị/ núi rừng/vương giả! Chẳng lẽ với đàn bà anh luôn «phàm tục» như vậy sao? Chuyện tình của anh chóng vánh đi đến... đỉnh cao xác thịt, phải chăng anh cố ý bỏ quên phần... trái tim? Trái tim thì rất khó sờ mó! Bởi cách một lớp thịt mỡ!


(Đưa hai tay lên trời) Ối! Tôi chỉ sờ nếm cái gì mà đàn bà có thôi, chớ tôi đâu có sờ mó cái gì đàn bà không có đâu mà cô Hai cự nự? (Giở Tuyển Tập ra) Ở trang 492, Thụy Khuê đã nhận xét: «Đứng trước vẻ đẹp của người đàn bà, Kiệt Tấn trở thành thi sĩ. Văn ông không hề gợi dục, khi viết dường như có chất thơ đâu đó lãng đãng bước vào. Nhục cảm của thi nhân bỗng nhiên trong sạch lắm:

- Hương nắng còn đọng trên da lụa, tay khua tưởng đánh thức mặt trời, dục lên sóng biển và điệu tây ban cầm sẽ phả ra từ khung cửa sổ khuất kín của nàng. Dấu cỏ mất còn đó? Dấu bầm bên vú trái còn đó. Lời thề yêu em suốt đời còn đó. Tôi nựng nịu gò tình. Hôn lên ẩm ướt. Yêu. Yêu.» (TNBN, Người Em Xóm Học, trang 113)

Đó! Cái cung cách yêu đương và thưởng thức đàn bà của tôi là như vậy đó. Viết về tình dục kiểu đó cô Hai có bị dị ứng không?

- Dạ dị ứng thì không dị ứng, chỉ thấy hơi sấm chớp... giùm mấy nàng. Toàn là những người nữ tội nghiệp hết sức. Thôi xin hỏi tiếp câu sau. Rất nhiều ca dao trong truyện KT. Tại sao?

Tôi được cái may mắn là từ thuở lọt lòng, tôi sống ở nhà quê và xóm bình dân. Lối xóm ai ru con cũng đều biết ầu ơ ví dầu vài ba câu ca dao. Má tôi cũng biết ầu ơ… Ví dầu ví dẩu ví dâu, ví qua ví lại ví trâu vô chuồng. Hoặc: Má ơi đừng đánh con đau, để con hát bội làm đào má coi. Rồi lớn lên, khi đi học, nhờ học giỏi, tôi được lãnh thưởng mấy quyển sưu tầm tạp lục ca dao, tôi đọc thấy sướng ran, bèn đọc đi đọc lại nên thuộc lòng hồi nào không hay. Khi cầm bút lên viết thì nó cứ rỉ rả tuôn ra vậy thôi chứ chẳng có bí quyết gì hết ráo. Hơn nữa, khi viết về miền Nam ruộng đồng mút mắt, sông nước tư bề, khi viết về những người bình dân sống nơi miền đất này mà không có hò hát, không có ca dao, tôi nghĩ là một thiếu sót lớn. Hò hát và ca dao tạo được bầu không khí quê mùa cho truyện viết, cũng hợp tình hợp cảnh lắm chớ. Nên lắm! Ngoài ra, khi còn đi học, đôi khi tôi còn dùng ca dao để chim gái, như dụ dỗ cô Hoa trong Bến Đò Trao Thơ khiến cho cô xiêu lòng mà trao duyên cùng tướng cướp: «Hãy thề với anh hết miễu qua chùa, Ai cho anh uống thuốc bùa anh mê?» Rụng rún chưa em Hai?

- Dạ rụng là cái chắc, nhất là mấy em nào tưởng ca dao là thơ anh... làm thiệt. Tiêu tùng mấy hồi cả một đời huê!! Bây giờ xin nói chuyện liên hệ... với nhóm sáng tạo (Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền…) như thế nào?


Nhóm Sáng Tạo à? Để coi… Nói gần nói xa không qua nói thiệt. Tôi nghĩ sở dĩ nhiều người tưởng rằng tôi có liên hệ nhiều với nhóm Sáng Tạo là vì Sáng Tạo đã đứng tên xuất bản Điệp Khúc Tình Yêu Và Trái Phá, tập thơ đầu tay của tôi năm 1966. Thiệt ra, khi tôi về nước khoảng cuối năm 1963 thì tờ Sáng Tạo đã đình bản. Tôi cùng nhiệm sở với Cung Tiến nên nhân một dịp đi chơi chung, Cung Tiến có ghé ngang Thị Nghè giới thiệu tôi với Mai Thảo và Anh Ngọc ca sĩ khi đó đang lai rai ba sợi.

- Giao tình Kiệt Tấn với các vị ấy ra sao?

Rủi thay, Chưa gặp anh, em đã có bầu! Mới gặp nhau lần đầu mà tôi và Mai Thảo đã chạm súng lẻ tẻ (Cười cười).

- Anh còn nhớ lí do cuộc chạm súng đó không? Sau này bác Mai Thảo mỗi lần sang Pháp có gặp lại anh không? Và rồi sao nữa hả anh Kiệt Tấn?

Cũng chẳng có trăng sao gì hết. No stars where! Nói tiếp. Sau khi tờ Sáng Tạo đình bản thì Mai Thảo quay sang làm tờ Nghệ Thuật, toà soạn toạ lạc tại đường Phạm Ngũ Lão, máy in cũ mèm chạy xầm xập như trời đổ mưa. Viên Linh làm thư ký toà soạn, Anh Ngọc thủ quỹ. Ca sĩ nhà ta thủ rất kỹ nên tôi chẳng bao giờ được trả nhuận bút. Tới toà soạn chơi thỉnh thoảng gặp Thanh Nam, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền, Tạ Tỵ, Phan Lạc Phúc, Cung Trầm Tưởng và nhiều tay khác nữa. Bài thơ đầu tiên của tôi đăng báo Nghệ Thuật hình như là bài Biết Bao Giờ tặng Lộc và Diane. Trong những bài kế tiếp, có nhiều anh ngợi khen bài thơ Dòng Sông Và Con Thuyền 20 Tuổi của tôi. Trong nhóm, có lẽ tôi còn lỏi nhứt thời đó.

- Còn chuyện «bắn» nhau?

Mai Thảo khi đó tiếng tăm lẫy lừng trong giới văn nghệ, "rằng nghe nổi tiếng cầm đồ". Mai Thảo ra cái vẻ đàn anh văn nghệ, còn tôi thì chẳng có viết lách gì. Văn nghệ văn gừng không mắc mớ gì tới tôi hết. Do đó mà có chạm súng lẻ tẻ. Sau này, thỉnh thoảng Mai Thảo sang Paris chơi, có gặp tôi vài lần. Một bận, tôi rủ Mai Thảo và một số bạn bè: Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Nguyễn Cầm, Nguyễn Hưng Quốc... về nhà nhậu nhẹt. Lần này thì chạm súng lớn hơn với Mai Thảo về chuyện ăn uống. Cứ cái giọng kênh kênh "Bắc kì là nhất" thì làm sao mà chịu đời cho thấu? Còn Thái Tuấn, hồi ở Sài Gòn ngày trước chỉ gặp nhau có một lần: bữa đó tôi xỉn quá xỉn nên bật ngửa cười hả hả trong buổi nhạc thính phòng tổ chức tại nhà một ông Bộ trưởng chịu chơi. Sang Pháp, thường lui tới với nhau vì hợp tính. Thái Tuấn tặng tranh miễn phí là tôi chíp ngay. Thích lắm.

- Có còn cuộc
«chạm súng» nào khác nữa không?

Thì thỉnh thoảng đi ăn nhậu với nhau cho vui vậy thôi. Tôi vốn không thích bàn cãi hay tranh luận văn nghệ. Tôi chủ trương "Viết không có chủ trương", và viết từ bên trái sang phải, từ trên xuống dưới là ăn chắc. Thời viết cho tờ Nghệ Thuật, thỉnh thoảng tôi xách một chai Johnny Đi Bộ tới toà soạn, rồi kéo nhau đi nhậu. Thế là xong.

-Trước đây anh đọc tác giả VN nào. Anh thích ai? Tại sao? Anh có đọc tác giả hiện nay trong nước không?

Tôi đã có dịp trình bày ý kiến mình về văn chương Việt trong bài Thơ Văn Quê Nhà Trong Trí Nhớ đăng trên Văn Học số 203&204 năm 2002. Nhắc lại, khởi đầu tôi đọc và học thuộc lòng Quốc Văn Giáo Khoa Thư, kế tiếp là quyển tiểu thuyết đầu tiên Đồng Quê của Phi Vân, theo sau là các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn cùng với các tiểu thuyết nẩy lửa của Vũ Trọng Phụng, trinh thám của Thế Lữ, Phạm Cao Củng... Vài truyện ngắn và tùy bút của Võ Phiến, Mai Thảo, truyện tình của Nguyễn Đình Toàn, biên khảo và truyện phong tục Miền Nam của Sơn Nam. Thơ thì đầu tiên là Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính, theo tiếp là các nhà thơ Tiền Chiến. Rồi thì chiến tranh Pháp Việt bộc phát, kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ, đình chiến và chia cắt đất nước năm 1954. Thời kỳ từ 1954 đến 1975, chiến tranh Mỹ-Quốc-Cộng phừng phực đổ lửa, đất nước loạn cào cào, tôi đọc sách lung tung nhưng phần lớn thì ham chơi hơn là ham đọc và viết. Thời kỳ này, tôi thích Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Tạ Ký, Dương Nghiễm Mậu, Thế Uyên, Nhã Ca và còn những ai nữa, nhưng quanh đi quẩn lại thì vẫn là những người làm thơ, phần lớn.

Cũng nên nhắc lại là tôi thuộc thế hệ 40 nên lãnh đủ cuộc chiến tranh đằng đẵng 30 năm Pháp-Mỹ-Quốc-Cộng từ 1945 đến 1975. Thiệt là chó chết! (Lắc đầu).

- Anh thích Nguyễn Bính và trích dẫn ông thi sĩ này khá nhiều, nhưng thơ anh không có tí ti âm hưởng của ông ấy.

Tôi khám phá Nguyễn Bính lúc 13, 14 tuổi gì đó. Thuở tôi bắt đầu biết si tình đàn bà con gái... và âm thầm đau khổ y hịch như sư phụ mình vậy. Tôi không hề có tham vọng làm một Nguyễn Bính thứ hai. Bởi lẽ đó là cách tự sát tốt nhất.

- Hiện nay anh còn giữ được liên lạc với ai? Những suy nghĩ của KT về văn học trong và ngoài nước? Và về những bạn văn của anh.

Để đáp câu này, tôi lại dựa vào bài viết Thơ Văn Quê Nhà Trong Trí Nhớ đã nhắc lại khi nãy. Nhưng lập lại những ý kiến đó thì dài dòng lắm. Nếu tò mò muốn biết thì xin tìm đọc bài đó.

- Anh nghĩ sao về tương lai (có vẻ đìu hiu) của văn học Việt Nam ngoài nước?

Khi nói về văn học ngoài nước, tôi tự ý giới hạn trong phần sáng tác bằng Việt ngữ. Theo tôi nghĩ, môi trường sống dài hạn của các sáng tác bằng tiếng Việt phải là nơi mà mọi người đều đọc được tiếng Việt, nói được tiếng Việt và viết được tiếng Việt. Vì có như vậy mới có người thưởng ngoạn, phê bình và bàn cãi. Một điều rõ boong: Môi trường đó phải là đất nước Việt Nam. Ngoài nước, các sáng tác hải ngoại bằng Việt Ngữ chỉ sống ngắc ngoải như người bị bệnh nan y, sống vất vưởng như một lũ cô hồn. Bởi lẽ ấy, tôi mong là một ngày nào đó, một ngày đẹp trời, các sáng tác hải ngoại sẽ được hồi hương, chấm dứt kiếp sống lưu đày, và được in lại trong nước. Chuyện này không mắc mớ gì tới cộng sản cộng siếc gì hết. Chế độ nào rồi cũng phải có ngày chấm dứt. Còn sờ sờ đó cái màn cộng sản Nga sập tiệm, phần cộng sản Tàu thì giờ đây còn tư bản hơn cả Mỹ. Chớ cộng sản mà cứ «kéo dài xa tít tận chân trời» thì bỏ mẹ người ta hết sao? Nếu sau này chẳng may không có cơ hội nào được in lại trong nước thì tất cả những sáng tác Việt Ngữ có giá trị tại hải ngoại sẽ trở thành những mối tình ôm xuống tuyền đài chưa tan ráo trọi!

- Biết đâu được sẽ có những giọt nước mắt Mị Nương bất ngờ? Nói chuyện gần gần cho dễ kiểm chứng, thưa anh. Ai cũng thở than cho tương lai của văn thi sĩ hải ngoại, anh thấy đúng không? Anh xủ cho một quẻ coi.


Thì thôi, thể theo lời yêu cầu của cô Hai, tui cũng làm gan đứng ra làm thầy rùa, rờ mu rùa mà xủ cho một quẻ, nếu không trúng thì thế nào cũng trật, mất mát gì đâu mà sợ! Theo tôi, biến cố lịch sử tháng Tư 75 đã làm phát sinh hiện tượng văn học hải ngoại. Và như mọi hiện tượng trong trời đất, nền văn học hải ngoại đã sống như một hiện tượng, rồi giờ đây mãn hơi đang thoi thóp như một hiện tượng, để rồi sẽ biến đi như một hiện tượng. Một điều rõ rệt, trong lãnh vực sáng tác bằng Việt Ngữ tại hải ngoại, số lượng người viết càng ngày càng ít đi, số lượng người đọc cũng càng ngày càng ít đi. Tuy nhiên bù lại, nhờ có mạng lưới nên hiện nay người viết tại hải ngoại đã mở rộng lượng người đọc của mình về địa bàn trong nước. Nhưng (lại nhưng!), ngày nào tại hải ngoại hết còn ai sáng tác «ra hồn» nữa thì cũng đành ngủm củ tỏi mà thôi! Bó giò! Xin kiếu gia chủ ta thăng!

- Khoan! Khoan thăng đã thưa anh Kiệt Tấn. Anh có bi quan quá đáng không, bởi vì như anh đã nói, nhờ mạng lưới truyền thông, sáng tác, sách vở đôi bên trong và ngoài nước hầu như không còn biên giới nữa, và chuyện giao lưu, du lịch đôi bên cũng mở rộng: thì đến một ngày nào đó, khi chế độ độc tài nhiều ngăn cấm răn đe này cáo chung, khi đó việc phổ biến, in ấn, trao đổi... kể cả tương lai văn học trong ngoài lúc bấy giờ không còn là vấn đề nữa. Nhưng (lại nhưng!) đó là chuyện... tương lai. Anh chưa trả lời mục các bạn văn của anh.

Cô Hai đã trót la «Khoan! Khoan!» rồi thì phải xuống vọng cổ để tui đây / Tây đui còn phựt đèn màu chớ! Thì thôi, khoan khoan ngồi đó chớ ra. Như đã nói hồi đầu, tôi không thích bàn cãi hoặc tranh luận chuyện văn chương. Tôi chỉ chú trọng phần sáng tác. Tôi thấy phe ta cứ cãi gì mà cãi nhau như giặc, cãi như mổ bò. Có cầm bút lên mà sáng tác hay không thì bảo? Cũng bởi lẽ không thích tranh cãi văn nghệ nên không có luôn trao đổi văn-gừng, do đó làm sao mà có được bạn văn-dênh? Bạn nhậu thì có, cái đó thì không. Bạn cầm bút, nếu có gặp nhau thì cũng rủ đi nhậu. Nhưng rủi thay, cũng có người thích uống nước dừa, uống sữa đậu nành, hột é lười ươi hoặc sương sa hột lựu. Mấy cha nội này thuộc phe «trà đá chanh đường». Thì mấy chả rán mà chịu cho quen! Làm gì mà cứ nằng nặc chê rượu như mèo chê mỡ: «Em chả! Em chả!», nghe sốt cả ruột.

- Cách dựng truyện của anh như thế nào? Hình như anh luôn luôn chủ trương «nói hết, nói thiệt chăm phần chăm»?

Hầu hết những truyện tôi viết đều là tự truyện, nên «Có xao nói dậy người ơi! Xin người đừng gian dối đời nhau!». Tuy nhiên, tôi không phải là một người đêm đêm kể chuyện đời xưa cho con nít nghe hay một ký giả chiến trường viết bài tường trình cho một tai nạn tình ái kèm theo ảnh chụp. Về cách dựng truyện, trước khi viết, tôi hồi tưởng lại cuộc tình của mình, sau đó tôi sắp xếp các sự kiện, các chi tiết để cho chúng xuất hiện theo một thứ tự nào đó mà tôi thấy là «hết xẩy». Tôi thường đảo lộn trật tự, cắt đổi thời gian, hoán chuyển không gian. Khi viết, tôi cố gắng tôn trọng sự thật tới mức có thể được. Thứ nữa, thêm một điều quan trọng: Độc giả chỉ muốn đọc một truyện hay chứ không nhất thiết phải là truyện thật một trăm phần trăm. Họ cóc cần, có thể nói thẳng ra như vậy. Thế nhưng nếu hư cấu quá trớn, truyện viết thấy «xạo» rõ ràng thì độc giả cũng chịu đời không thấu. Xem xong nàng khẽ thở dài, người đâu tả ở mấy dòng thơ đây?

- Khi viết anh quan tâm điều gì nhất? Chủ đề? Hình thức? Anh hạ bút viết thẳng một lèo hay «đứt rồi lại nối», cần một chỗ yên tĩnh, nghe nhạc, uống rượu, hút thuốc lá?

Có những truyện tôi viết suông sẻ, có truyện viết xong tôi xé hết, viết lại từ đầu. Tôi viết chậm, có thể nói là rất chậm, sau đó là đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại, có khi thời gian sửa còn nhiều hơn cả thời gian viết. Không hiếm những lần tôi sửa tới sửa lui sửa xuôi sửa ngược một câu cho chán chê rồi cuối cùng trở lại giữ câu đầu tiên viết ra. Khùng thiệt! Tùy cảm hứng, có khi tôi viết cho tôi, nhưng phần lớn là tôi viết cho người đọc. Khi sửa chữa bản văn, tôi đặt mình vào địa vị người đọc, tôi sửa tới sửa lui, đọc đi đọc lại nhiều bận rồi tự hỏi: Liệu đọc như vầy đã sướng chưa? Cái cảm giác chung chung mà tôi đón nhận được ở những người đọc truyện của tôi là «đã». Đọc thấy đã (sướng ran!). Như đã đời! Như nuốt vô thấy đã. Nhậu biết đã. Gãi đúng chỗ ngứa, đã quá đã! Nhứt gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu. Đã ơi là đã! Tui nói thiệt đó cô Hai. Cô cứ thử đi thì biết.

Hầu hết những người phê bình sáng tác của tôi đều đi tới cùng một nhận xét chung chung: Kiệt Tấn sống thật, viết thật. Kiệt Tấn sống hết mình, viết hết mình. Và Thụy Khuê đã chung kết nhận định: «Cung cách đặc biệt dấn vào văn chương như thế, mấy khi chúng ta gặp được.» (Tuyển Tập, tr 499)

Bên cạnh cái cảm giác đã là cười. Khi theo dõi truyện của tôi, bỗng phát bật lên cười một tiếng. Có nàng cho biết đã bị đấng ông chồng yêu dấu chất vấn: «Bộ khùng tới nơi rồi hả? Sao khi không phát cười khơi khơi một mình vậy?» Dẫu cho truyện tôi viết có kết cuộc không khá, kết cuộc không có hậu, kết cuộc buồn hiu buồn hắt đi nữa thì vẫn cười hoặc mỉm cười lai rai suốt khi đọc truyện. Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ!

Những nhà phê bình đều cùng nhau đi tới chung nhận xét: Kiệt Tấn dí dỏm, hóm hỉnh, tinh nghịch. Rất tiếc chưa có ai viết một bài đặc biệt có dẫn chứng về điểm này cho vui nhà vui cửa. Theo chỗ tôi nghĩ, trong đời sống, nụ cười giải toả được rất nhiều chuyện rắc rối, loạn tâm, nhức đầu, táo bón. Tôi rất nghi ngờ, dị ứng và sợ run sự nghiêm chỉnh. Một điều hiển nhiên: bộ mặt đạo đức giả bao giờ cũng phết lên mình một lớp sơn nghiêm chỉnh. Ai không đồng ý điểm này xin hãy thay bộ đồ lớn, thắt cà vạt đen, giơ cao tay lên và đứng dậy bước lên bục gỗ lớn tiếng phản đối… một cách nghiêm chỉnh! Một cách nghiêm chỉnh, please! S'il vous plaît! Yakitori! Phần tôi, tôi xin được phép bận xà lỏn rằn, ngồi tại chỗ, giơ cao tay lên và đứng dậy… dết toa lô, dô toa lết. Sorry ! Désolé ! Hara kiri !

- Khi dựng và viết truyện, anh chú trọng phần nào nhứt? Phần đầu, phần giữa hay phần cuối?


Khi thực hiện Tuyển Tập Kiệt Tấn, tôi bắt buộc phải đọc lại hầu hết các truyện mà tôi đã viết ra. Nhứt là với những truyện đã được tuyển chọn, tôi phải dò tới dò lui để sửa chữa từng chữ một, hoặc để bổ túc hay cắt bỏ một vài chỗ, một vài đoạn mà mình không ưng ý. Trong lúc đọc lại các truyện viết của mình, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy phần lớn cách dựng truyện với nhiều đề tài khác nhau của tôi, dù không cố tình, cũng có điểm giống nhau chung chung. Đó là cách thức vào truyện và phong cách ra khỏi truyện. Mở đầu, bằng một hình ảnh lóa chóa, tôi thường ném độc giả thẳng vào cuộc tình hay câu chuyện sắp được kể, đâu khoảng giữa chừng, khiến cho độc giả hoang mang không biết chuyện gì đã xảy ra trước đó, để rồi tò mò theo dõi, chờ đợi được giải thích, sự lôi cuốn đã được tạo nên. Rồi câu truyện được kể ra, không nhứt thiết theo thứ tự thời gian. Tôi sử dụng rất nhiều hình ảnh, rất nhiều sự kiện, rất nhiều chất sống thực, rất nhiều trải nghiệm, nói tóm rất cụ thể. Phần kết thúc, tôi thường đưa độc giả ra khỏi truyện bằng một xúc động. Cái cảm giác mà tôi muốn để lại cho người đọc là một nỗi bâng khuâng, man mác, có khi là một chút ngậm ngùi, tiếc nuối, có khi là một hoang mang, nghi vấn. Truyện tôi viết hiếm khi có kết thúc vui, một happy end. Ý thì vậy nhưng không biết là tôi có tạo được xúc động mong muốn hay không, ngòi bút tôi có dẫn dắt độc giả vào những vùng cảm giác đó được hay không. Một đôi lần, có người cho biết là sau khi đọc xong truyện tôi viết đã ngùi ngùi sa nước mắt. Còn tôi thì khi viết, tôi đã nhiều lần khóc nghẹn ngào, đành phải buông bút ôm mặt khóc ngất. Hoài niệm thương động. Ôi! Những hoài niệm thương động! (cúi mặt, bùi ngùi)... Theo cảm quan của tôi, sau khi đọc xong bất cứ một truyện nào đó, điều đáng kể là một chút cảm giác khó quên, một chút ám ảnh khôn nguôi, một chút không khí lạ lùng, một chút ấn tượng nhớ hoài còn sót lại ở người đọc. Truyện viết được như vậy mới có thể gọi là thành công, là «đạt». Bởi lẽ đó nên khi cầm bút, tôi viết theo cảm quan của tôi, tôi viết theo tính khí của tôi chớ tôi không viết theo một chủ trương nào hết, cho dù chủ trương đó mới toanh hay cũ mèm.

- Anh viết rất ít về tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của chính đàn bà? Bà nào cũng «đồi núi chập chùng, cỏ hoa tưng bừng rậm rạp, động hang thăm thẳm» nhưng nhịp đập trái tim và sóng gió tâm hồn họ ra sao ít ai biết? Chỉ thấy «họ» rất «dễ thương», nhiều tình cảm, chất phác, mộc mạc, nhất là... dễ tin. Nhưng đó cũng chỉ là « cảnh trí » bên ngoài. Anh có thấy vậy không? Thật sự anh nghĩ sao về họ?

Đàn bà… Lại đàn bà! (Gật gù, đầy vẻ cảm khái)

«Nghĩ sao về đàn bà?», cô Hai hỏi chi khó vậy? Có câu nào dễ hơn không? Chẳng hạn đàn ông gặp đàn bà nơi thanh vắng thì làm cái gì? Hoặc: Thấy người đàn bà mặc áo hở ngực rộng có đôi vú lớn thì KT ngó cái gì trước? Ôi thôi! Thiếu gì những câu hỏi dễ ợt, sao cô Hai không chịu hỏi? Lại đi hỏi «nghĩ sao về đàn bà?», Là giết đời nhau đấy biết không? Nhưng giờ đây cô Hai đã trót quăng câu hỏi nhớn lên không trung rồi thì tui cũng phải cố gắng động não để giả nhời sao cho lọt lỗ tai cô Hai: Trước nhứt, tôi đến với đàn bà khôâng bằng trí tuệ cho nên hỏi tôi nghĩ sao về đàn bà thì tôi đành quăng khăn lên đài chịu thua. Tôi đến với đàn bà bằng đam mê, bằng rung động, bằng linh tính và bằng năm giác quan trời cho: Thấy, nghe, sờ, ngửi, nếm. Y chang như loài thú vậy. Có đi thực tế mới hiểu được lòng dân. Bằng không thì chỉ nói khơi khơi về đàn bà, hư cấu khơi khơi về đàn bà mà chưa hề đụng tới một sợi lông, một sợi tóc nào của nàng hết. Như thầy tu chính cống mà lại đi thuyết pháp về đàn bà thì nhứt định phải hỏng bét là cái chắc!

«Sờ nếm nghe thấy» đàn bà? Vẫn rất là cụ thể! Vẫn rất là thể xác. Anh xác nhận đến với đàn bà không bằng trí tuệ, mà bằng đam mê, bằng rung động, bằng linh tính và bằng năm giác quan trời cho: Thấy, nghe, sờ, ngửi, nếm. Y chang như loài thú vậy.

Vì sao? Vì theo tôi, chỉ có cách đó mới thực sự xâm nhập được đối tượng và thực sự thấm nhập được tâm trạng người nữ ...

- Thấm nhập được bên trong bằng «sờ» bên ngoài: nghe ra cũng rất là... tụng ca thân xác; rồi thì sao ạ? Người đàn bà nào cũng chỉ duy nhất «lồ lộ, dày dày» một thể xác? Mà về thể xác ấy, độc giả cũng không nghe thấy anh hỏi như ai kia «cỏ trên mình mẩy em sầu ra sao?» Những người nữ của anh hình như là những con búp bê tội nghiệp, yếu đuối và... nạn nhân. Bộ anh không có ý nghĩ nào về đàn bà «siêu» hơn một chút?

(Ngần ngừ). Thiệt khó mà diễn tả được rốt ráo những gì tôi nghĩ về đàn bà. Mà nghĩ lại, thiệt tình có bao giờ tôi nghiêm chỉnh bóp trán nghĩ ngợi về đàn bà đâu! Tôi chỉ biết ham sống. Tôi chỉ biết si tình và đam mê đàn bà. Nhưng sự ràng buộc mật thiết giữa tôi với đàn bà nó kỳ lạ lắm. Nó vượt ngoài lý luận, ngoài phân tích. Tôi không diễn tả nổi!

- Anh thú nhận là không nghiêm chỉnh suy nghĩ về họ, nhưng nếu chẳng diễn tả nổi thì anh cứ thử nói đại coi. Tuy nói vậy chứ anh hãy thận trọng, nhiều nhà nữ quyền đang «dòm chừng» anh đó. Coi như đây là câu hỏi thách thức: về đàn bà, dường nhừ anh chỉ biết «yêu» cái thể xác, còn về cái «tinh anh»? Có ai thấy anh viết về nỗi đau, ước mơ hay nhu cầu, hoài bão, khó khăn của họ trong đời sống? Và nếu đàn bà mặt mũi xấu xí, ngực lép, mông teo hoặc quá dữ dằn, quá trí thức, hoặc «đòi» được «yêu toàn diện» thì anh... tính sao?

(Cười cười): Nói đại? Chết bỏ! Lại mấy bà nữ quyền! Mấy bà dòm chừng thì có dòm chừng thiệt đó, nhưng «ngó thấy» thì chưa chắc đã ngó thấy được cái gì. Các bà «nữ quyền» có cái quyền của người nữ, thì cứ tha hồ phất cờ khởi nghĩa đòi cái quyền của mình. Tôi không có quyền gì hết ráo, bởi lẽ đó muốn giành quyền với tôi cũng khó lắm thay! Lạ lắm: khi đàn ông chúng tôi mó tới các bà là các bà la toáng cả lên: nào là đồ lợn lòi, chỉ biết ham muốn hành dục với đàn bà, thứ đồ mắc dịch! Nhưng thử tưởng tượng, một ngày đẹp trời nào đó, nhờ ánh sáng Phúc Âm chiếu rọi, bọn lợn lòi chúng tôi hết còn ham muốn mó tới các bà nữa thì chừng đó các bà chỉ còn nước rút khăn mù soa ra mà lau lệ thương tiếc cho thời đại vàng son đã mất. Rồi đây các cô gái già biết đổ đâu cho hết! Đổ xuống sông sấu chê, đổ xuống biển cá mập lắc đầu! A, vẫn còn câu hỏi thách thức: Về đàn bà, dường như anh chỉ biết «yêu» có cái thể xác? Với tôi, cái thể xác của người nữ là để ôm ấp, thưởng thức và chung vui. Còn cái «tinh anh» là để chiêm ngưỡng, trân quý và duy trì liên hệ. Nếu cứ đem cái tinh anh ra mà «blablaba» thì cũng chỉ là bói mò, tán hươu tán vượn để kiếm điểm với các nàng (hầu kiếm chút cháo?)... Trong truyện tôi, qua các cuộc đối thoại và hành xử của các nhân vật nam nữ, người ta cũng có thể đoán biết được cái «tâm tình» và cái «tinh anh» của các nàng. Bởi lẽ nếu đem cái linh hồn ra mà cắt xẻ cho «banh xà rông» thì còn chi là nghệ thuật? Còn hỏi tôi tính sao với mấy bà «xấu xí, ngực lép, mông teo»? Nói gần nói xa chi cho mệt. Mẫu người đó tôi không có cơ hội xáp vô nên chưa hề bị đòi yêu trí thức, hoặc «yêu toàn diện». Vì vậy tôi chưa biết «giả nhời sao cho phải lẽ». Phải hỏi lại thằng bé. Thằng nhớn tuy hết sức xuề xoà nhưng ngược lại thằng bé vô cùng khó tính. Nhiều khi «trên» bảo mà «dưới» nó cứ nhứt định không nghe. Cứ gục mặt «em chả! em chả!» Thiệt là kẹt! «Giờ thì cũng yêu mà yêu... yếu xìu!»

- Hình như anh dùng những luận điểm luận cứ rất chung chung, y như lúc phòng trào nữ quyền phát triển trong những năm 70 thế kỉ 20. Khi các nhà nữ quyền... phất cờ ở phương Tây, các ông tây cũng phản pháo bằng từng ấy lời phê (vu cáo). Nói như thế là giản tiện hoá vấn đề.

Nếu các bà nữ quyền cứ nằng nặc «Em chả! em chả!» hoài thì sẽ có ngày: đi đâu mà chẳng lấy chồng? Người ta lấy hết, chổng mông mà gào. Mở ngoặc, một giai thoại: bữa nọ một cô gái già từ lâu sống một mình, lén gọi điện thoại đến bót cảnh sát nhờ ông Cò tới bắt hai cha con thằng ăn trộm đang trốn dưới gầm giường của mình. Cô dặn thêm: «Ông nhớ chỉ bắt thằng cha già thôi nghe, còn thằng nhỏ để lại cho tui». Đóng ngoặc.

Trở lại tiết mục «đàn bà». Hồi đầu, Nguyễn Hưng Quốc đã nói lai rai về ba cái tình dục của KT rồi. Giờ xin để cho kép Đoàn Nhã Văn lên tiếng dùm tôi. (Lật lật Tuyển Tập). Đây nè, trang 16: «Với ông (Kiệt Tấn), đàn bà là cả một thế giới bí mật. Con gái cũng vậy. Càng nhỏ tuổi càng bí mật. Nhưng khi lớn lên, các nàng lại tăng thêm bí mật một cách khác (EOBDT, tr. 40). Càng bí mật, ông càng nhứt mực tôn thờ. Ông đến với họ như một thứ tôn giáo của riêng ông, mà ở đó đã mở ra những đắm đuối, say mê, cởi mở, hạnh phúc, hừng hực, dập dồn, xốn xang, xao xuyến, thèm thuồng, quyến luyến v...v... Và ông bơi lội trong vùng không gian này thỏa thích. Thiếu họ, ông mất quân bình, như một bình điện hết hơi, nằm cú rũ, phế thải.» Ổng nói tôi tôn thờ và ghiền đàn bà như vậy đó, chịu chưa?

Trở lại chuyện này, tôi xin trích dẫn tiếp theo: «Ông viết về họ là muốn cho họ sống lâu dài trong lòng độc giả bằng một sự trân trọng của mình. Ông minh định một điều: «Tôi không thể yêu một người đàn bà không có thân thể. Thứ đến, tôi không tách rời nhục cảm ra khỏi tình yêu chớ tôi không nhìn đàn bà với con mắt thuần nhục cảm (EOBDT, tr, 70)».» Sao? Vừa lòng chưa cô Hai?

- Dạ thưa chưa. Ai dám đòi anh tách rời nhục cảm ra khỏi tình yêu bao giờ đâu! Dĩ nhiên, yêu ai cũng vậy, yêu tôi, tôi cám ơn vì tôi sẽ... cất hết vô túi!! Yêu kiểu đó thì ai (ông nào) lại không ham! Yêu nhiều ở đây là nhiều người (cùng một lúc - như hai bà... đầm đụng độ thời anh ở Canada !! Thiệt anh đúng là... đào hoa nước Việt. Nói nôm na thì là... anh chắc cầm tinh con... dê!

Ạ! ạ… Thì ra cô Hai vẫn chưa chịu tin mấy qua là người lớn tuổi. Nhưng không tin lời đàn ông nói thì chẳng lẽ lại không tin lời đàn bà luôn sao? (Lật lật Tuyển Tập). Thì đây nè, trang 491-492 đào Thụy Khuê viết: «Tôi không chắc thứ tình Kiệt Tấn đối với đàn bà chỉ là tình yêu, mà còn đa mang, pha trộn giữa yêu thương, đam mê, ham muốn và che chở. Qua cái vỏ ngoài có vẻ sống sượng, trần truồng của ngôn ngữ, bên trong ấp ủ một tình yêu dịu dàng, êm ái. Tiếng Pháp có chữ tendresse, tôi không tìm được chữ tương tự trong tiếng Việt, để chỉ cái tình yêu của Kiệt Tấn đối với đàn bà: Âu yếm đã đành, mà thắm thiết cũng chưa gói tròn hết nghĩa. Kiệt hay Kiệt Tấn ngó đàn bà trong trạng thái nguyên thủy (không quần áo), với con mắt một hoạ sĩ trước vệ nữ khoả thân: Ông trân trân nhìn cái đẹp. Sự thèm muốn trước cái đẹp thể xác là điều tất đến như đói thì ăn, khát thì uống, không có gì xấu xa, không có gì cần phải che đậy, thật thà và hiện hữu như những nhu cầu chính yếu của con người.» Qua lời phân tích của Thụy Khuê và Đoàn Nhã Văn, tôi cũng không dè tôi yêu, tôi mê, tôi ghiền đàn bà tới mức kỳ cục như vậy nữa. Giờ đây, sau phần trình bày, tôi để cho cô Hai tự nghiền ngẫm mà suy ra «cái nghĩ» của tôi về đàn bà. Thôi, tạm ngưng trình diễn cái tiết mục đàn bà ở đây. Đã câu giờ nhiều quá rồi. Cô Hai hỏi dùm cho câu khác.

Dạ, thì đành phải hỏi câu khác tuy vẫn còn ấm ức. Và vì ấm ức nên xin hỏi thêm: Đặc biệt đối với người đàn bà của Kiệt Tấn: Ánh, người yêu nữ sinh. Anh hãy nói đôi chút về người ấy.

Suỵt! Suỵt!... Cô Hai hỏi chi mà kẹt tôi quá vậy? Bộ tính làm khó dễ đàn anh văn nghệ đó hả? (Xuống nhỏ giọng). Mà tui có lỡ thành thật khai báo gì về nàng rồi thì cô Hai cũng đừng có méc lại với bả nghe. Cô Hai hứa với tui đi.

- Thì xin hứa. Mai mốt báo tới, anh giấu chị ấy. Dễ ợt!

(Sau khi ngẫm nghĩ hồi lâu). Ánh, bà xã tôi, là mối tình duy nhứt mà kết cuộc có hậu. Còn những mối tình kia, những Hoa những Tuyết những Diane những Louise, những Danyèle những Nguyên những Hường… đều đi trớt quớt hết. Mà giả như những mối tình lăng nhăng này kết thúc bằng «hai mái đầu xanh chung một túp lều lý tưởng» thì có thể giờ này tôi đã trở thành ông chủ bến đò bụng phệ, hoặc đã mở tiệm cà phê, mở quán bán hủ tiếu, bán bia ôm, bán nước dừa, mở tiệm cắt may hoặc trở thành mục sư, mở nhà chứa lén hay là cái chi chi nữa đó, tôi cũng không rõ.

- Không rõ vì rất có cơ may anh sẽ là tất cả các thành tựu nói trên: chủ đò kiêm chủ quán bia ôm & cà phê kiêm chủ tiệm hủ tíu & tiệm may, chủ chứa vân vân? Vì sao đây là cuộc tình có hậu? Chị Ánh có những «đường nét», cá tính nào đã khiến anh «dừng bước giang hồ» trái tim đa mê?

Ngoài những mối tình đầu với những bà-già-quê-hương, thiệt ra Ánh mới thực sự là mối tình đầu của tôi chớ không phải là Hoa. Tôi chíp Ánh từ thuở tôi còn học lớp đệ tứ, 15 tuổi. Còn tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba… Sau khi đậu xong tú tài 2, lúc 18 tuổi, tôi mới tỏ tình với Ánh và được nàng mở rộng vòng tay đón nhận… kẻ bạc tình. Tôi bạc tình Hoa. Lúc ấy Ánh có mái tóc đẹp và đôi mắt to đen, nhưng gầy lắm. Tôi thường hát tán tỉnh «Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy...». Có lẽ thời đó tôi còn thích gậm xương. Chớ nếu như thời đó mà tôi mê mấy cô vú bự như bây giờ thì chắc chắn là mộng sẽ không thành.

- A, ra là vậy... Mối tình đầu cũng là tình cuối (?!... Dấu chấm hỏi này lơ lửng vì nghe đâu dạo này anh hay bay về VN, những Hoa, những Tuyết, Hường... bây giờ nhiều, trẻ đẹp, và lắm cô cũng rất cần được thương yêu, che chở!!) Biết đâu anh sẽ có dịp... tái bản những cuộc tình trong một hoàn cảnh hậu hiện đại, hậu chiến, hậu hoà bình... Tha hồ mà sờ mó «chiêm nghiệm sự thật»... Chết, lạc đề rồi! Xin trở lại cuộc tình có hậu. Kể ra thì anh đã thầm yêu trộm nhớ Ánh suốt ba năm liền. Nhưng sau khi kết tình với Ánh rồi thì thấy coi bộ anh... tỉnh bơ như chưa bao giờ... cưới vợ? Ra đường anh hãy còn ngon, về nhà anh đã lội non mấy lần!

Thì tôi vẫn tiếp tục... bạc tình (Dụi dụi mũi). Cùng lúc bắt bồ với Ánh, tôi lại cặp với Tuyết bán quán. Tình với Ánh thuộc loại tình phẳng lì, platonique, ngược lại tình của tôi với Tuyết thuộc loại tình áp rún đổ mồ hôi hột, tình lăn lộn trên bãi cỏ, tình ôm nhau ra rít trong nhà đêm đêm. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, có thể đó cũng là một điều may mắn cho Ánh. Sau này, thỉnh thoảng tôi có nói với Ánh: «Em nên cám ơn cô Tuyết, vì Tuyết đã dang thân ra đỡ đạn dùm em, Tuyết đã chịu trận sự ham muốn tình dục của anh ở thời mới lớn. Nếu không có Tuyết, anh sẽ trút hết dục tình lên em thì chắc là em đã bỏ chạy có cờ». Và Ánh đã gật đầu tán đồng.

- Xin lỗi lại hỏi anh lần nữa chuyện đời tư: hình như chị không đọc truyện của anh hoặc chị không ghen với những gì có thể đem lại hứng cho anh tiếp tục viết?

Ánh vốn thuộc nòi chung thủy, còn tôi thì vốn có máu không được chung tình gì cho lắm. Dĩ nhiên là làm khổ nàng ngất ngư. Chết đứng chết ngồi nhiều phen. Tình yêu của Ánh rất sâu đậm, đằm thắm, chịu đựng và bền bỉ, thương chàng phải lụy cùng chàng. Còn nhớ lúc tôi vào bệnh viện tâm thần lần thứ hai ngót ba tháng, trưa nào Ánh cũng tất bật phóng xe vèo vèo vào bệnh viện để được lên giường nằm song song bên cạnh mà thoi thóp với tôi cho đủ cặp uyên ương. Các cô y tá thỉnh thoảng ghé mắt vào buồng không khỏi ngạc nhiên, không biết ai là người thăm nuôi, ai là con bịnh thiệt.

Hồi ở VN, khi ra đường Ánh thường vái trời cho đừng bắt gặp đấng lang quân chung tình của mình đang cặp kè với một yêu nữ, bởi lẽ thịt da ai cũng là người, lẽ nào hồng rụng thắm rời chẳng đau? Bận nọ, một bà chị dâu điệp viên của tôi báo cáo với Ánh là tôi có bồ và rủ nàng đi bắt ghen. Ánh sợ xanh mặt, khoát tay lắc đầu lia lịa. Thà chết sướng hơn!

- Thảo hèn nào, bây giờ thì bạn đọc sẽ không còn thắc mắc sao chị Ánh để yên cho anh viết những truyện tình nhăng nhện của anh. Viết thiệt kỹ, viết tận tường, đầy đủ hết, không thiếu một món nào, như thể làm báo cáo cho chị...


Có lẽ nên hỏi bà xã tôi thì hơn. Nhưng theo chỗ tôi nghĩ, những chuyện tình của tôi, tôi đã kể cho Ánh nghe hết rồi, nàng đã biết hết từ khuya. Có khác chăng là giờ đây tôi viết ra trên giấy trắng mực đen như một tờ tự thú. Mà tôi thì có tật không quen nói dóc, viết dóc. Vả lại cũng chớ nên lo lắng cho nàng lắm. Vì «Bụt nhà thì không thiêng», bởi lẽ đó nên ít khi nàng ghé mắt vào sách của tôi mà khán binh thư.

- Có lẽ chị lí luận: chuyện đã qua, ma nữ đã lặn hết, chỉ còn lại chàng Kiệt! Trở lại câu hỏi về bạn bè. Anh cho biết những người bạn tâm đắc là ai? Đề tài những cuộc nhậu: Cuộc đời? Văn chương?

Như đã nói, tôi vốn không có bạn văn nghệ văn gừng. Cũng không thích bàn chuyện văn chương. Hồi ở VN trước 75, tôi cũng chẳng viết lách được bao nhiêu, phần lớn là lách nhiều hơn là viết. Đi nhậu nhẹt và trai gái vui hơn. Cái gì khiến tôi suy nghĩ về cuộc đời? Thì cái đó chính là cuộc đời chớ chẳng có cái gì khác hơn! Với tôi, người ta sinh ra ở đời là để sống, mọi thứ khác chỉ là bày đặt. Còn văn chương hay nghệ thuật? Tôi chẳng dành cho nó một vị trí đặc biệt nào cao hơn hoặc thấp hơn trong đời sống. Nó chỉ là một sinh hoạt cũng như mọi sinh hoạt khác của con người, vậy thôi. Với tôi, đời sống bao trùm văn chương nghệ thuật chớ không phải văn chương nghệ thuật bao trùm đời sống. Bởi vậy khi nghe ai đó đánh trống dọng chuông ì xèo quanh văn chương nghệ thuật và đặt nó lên bàn thờ mà quỳ mọp, tôi rất lấy làm khó chịu. Vừa phải thôi chớ! Nhờ anh tí! Việc gì mà phải nghiêm trang và long trọng đến thế?

- Vậy theo anh, cái gì quan trọng trong đời sống?

Từ lâu, tôi đã đi tới ý nghĩ sau đây: «Trong đời sống cái gì cũng quan trọng. Nhưng nghĩ cho cùng, cũng chẳng có cái gì quan trọng». Tôi xin nói rõ, ý nghĩ của tôi có hai mệnh đề chớ không phải chỉ vỏn vẹn có một mệnh đề là «trong đời sống chẳng có cái gì quan trọng». Có bí hiểm lắm không?

- Trong thời chiến tranh Quốc-Cộng, anh viết «Điệp Khúc Tình Yêu Và Trái Phá» với tâm trạng như thế nào?

Trong thời chiến tranh Mỹ-Quốc-Cộng (1954-1975), ngay tại Sài Gòn, đảo chánh chỉnh lý liên miên, xuống đường và hít lựu đạn cay như ăn cơm bữa, chính khách xôi thịt thì trơ mặt mo ra mà giành ăn. Tôi viết Điệp Khúc Tình Yêu Và Trái Phá trong tâm trạng phẫn nộ. Phẫn nộ! Phải, phẫn nộ.

- Bây giờ nhìn lại «Điệp Khúc Tình Yêu Và Trái Phá», anh nghĩ gì? Hình ảnh Kiệt Tấn ngày đó khác với bây giờ như thế nào, ở chỗ nào?


ĐKTYTP xuất hiện vào thời điểm chiến tranh khốc liệt, trong môi trường lửa đạn dai dẳng ở VN. Thời đó đã qua, tôi không muốn khơi lại nữa. Về hình ảnh tác giả khác nhau như thế nào à? Dễ ợt! Điểm nổi bật nhứt: Kiệt Tấn bây giờ già hơn khi xưa rất nhiều, đó là cái chắc! Còn nghĩ gì? Tôi cố gắng không nghĩ tới, hay đúng hơn là không muốn để ý tới chiến tranh. Như vậy tốt hơn. Tốt cho sức khoẻ, đỡ nhức đầu mà cũng chẳng làm được gì hết ráo.

Còn chiến tranh à? Thì từ thuở còn lông lá sù sụ ở trong hang động có đốt lửa ấm cho tới thế kỷ 21 ngày hôm nay rụng gần hết lông và ở trong nhà có gắn máy lạnh này, con người có ngớt đánh nhau bao giờ đâu? Chỉ có vũ khí thì càng lúc càng tinh vi, chớ còn lòng người thì trước sau vẫn vậy, vẫn tham lam, vẫn gây hấn, vẫn xuẩn ngốc. Trên mặt đất này chưa thấy có loài nào tìm cách giết và tiêu diệt đồng loại kỹ như con người. Vậy mà là «đỉnh cao trí tuệ» đấy! Đừng có giỡn mặt tử thần! Mẹ rượt! Bởi lẽ đó, lúc cuộc chiến VN sắp kết thúc, trong vài năm cuối cùng còn lại, tôi đã lấy một quyết định sáng suốt: bỏ làm thơ Tình Yêu Và Trái Phá, quay sang làm thơ bia ôm và trái cóc. Vui hơn là cái chắc!

- Bia ôm đã có từ dạo ấy rồi ư ? Không phải nó xuất hiện sau tháng tư 1975?

Hình như vào 1970, 1971 gì đó. Sau «giải phóng», khoảng 75 đến 85 làm gì có bia để mà tu và làm gì có em để mà ôm? Hoặc giả có bia thì phải uống lén, có em thì ôm lén, có «xúc cát» thì cũng phải «xúc cát» lén. Cả thịt heo, nếu có cũng phải ăn lén! Tới lúc «đổi mới» (lấy cũ) năm 1989 thì mấy em mới lai rai được phép hành nghề trở lại. Và bây giờ thì không chỉ phải có bia ôm mà thôi. Bây giờ cái gì cũng đều «ôm» hết ráo!

- Bây giờ nhìn lại, anh nhớ tiếc điều gì của thời đó? Cái đau khổ rất «Romantique» (Anh trai thời loạn)? Tuổi thanh niên?

Nhìn lại, tôi chẳng thấy tiếc nuối một điều gì hết, ngay cả tuổi trẻ của mình. Thời buổi gì mà bầm vập như vậy, nhưng đó là lẽ trời, biết làm sao mà cãi bây giờ? Chẳng lẽ hát tuồng «con kiến mà kiện củ khoai»? Còn nhớ những gì? Cái đó còn tùy. Nhưng nói ra sợ vợ nhà cho ăn đòn. Đối với tôi chẳng có anh hùng và chẳng bao giờ tôi chiêm ngưỡng anh hùng hết ráo. Toàn là phỉnh gạt và ba xạo. Cái ba xạo chết người.

Hỏi tôi về đau khổ? Cái đau khổ nào cũng đều đau (đau lắm!) và cũng đều khổ (khổ lắm!) Anh, trai thời loạn (hề!); Héros romantique! Người hùng lãng mạn! Mấy em gái hậu phương nghe tới tên người ắt phải rụng rún. Đã làm anh hùng mà còn đèo thêm lãng mạn nữa thì chỉ có nước chầu Diêm Vương sớm!

- Anh theo dõi và biết rất rõ về tình hình chính trị thế giới và cả VN, anh vẫn nói tình dục là «hơi thở của đời sống» nhưng còn chính trị? Chính trị có là hơi thở của đời sống?

Nói rằng tui «biết rất rõ về tình hình chính trị thế giới và cả VN» thì tội nghiệp tui lắm cô Hai. Vô tình cô đã xô tui vào «vũng lầy của chúng ta», tui sẽ phản đối trước Liên Hiệp Quốc tới cùng.

«Tình dục là hơi thở của đời sống». Ờ! Gì chớ cái đó thì quả nhiên tôi có nói. Một điều rất rõ rệt, sờ sờ trước mắt: Tình dục ban cho ta hơi thở đầu tiên và tình dục cũng cho phép ta ban hơi thở kế tiếp, và vân vân, vân vân, cứ thế mà làm. Sự tiến hoá đã xui khiến đất trời bày ra âm dương, đực cái, nam nữ, đàn ông đàn bà, lấy tình dục làm phương thức sinh sản. Nếu bây giờ đột nhiên tình dục biến mất trên mặt đất này thì sẽ có rất nhiều loài tắt thở, trong đó có phe ta: Loài người.

Còn chính trị? Theo tôi nghĩ, chính trị phát xuất từ nhu cầu sống xúm xít của con người. Xúm xít rồi thì chia phe, chia nhóm, chia bè, chia đảng: Chính trị phát sinh. Có tình dục thì đời sống có cơ tiếp tục. Có chính trị thì đời sống có cơ tiêu diệt. Bằng cớ: Thế chiến thứ nhứt, thế chiến thứ hai. Chưa hết. Năm 1962, Nga Mỹ kình chống, Kennedy và Khrouchtchev chơi trò chính trị thượng tầng và dùng vũ khí nguyên tử để thấu cáy nhau, thiếu chút nữa đã đẩy loài người vào con đường hủy diệt tập thể, đưa tới cơ hoạ tuyệt chủng, và muôn loài khác cũng bị vạ lây. Vì vậy, nói rằng «Chính trị là hơi thở của đời sống» tôi nghi ngờ lắm, và quyết cự nự cho tới cùng. Chính trị từ xưa tới nay, theo tôi, là một tai hoạ chẳng đặng đừng đặc thù của loài người.

- Chính trị có lẽ còn là cách thức tổ chức đời sống sao cho hài hoà sung sướng, khỏi tranh chấp, chiến tranh v...v... nhưng không lẽ chúng ta lại đi định nghĩa chính trị ở đây. Câu hỏi là sống đời thi sĩ cách nào trong một hoàn cảnh chính trị đảo điên, ngoài tác phẩm (Tình Yêu và Trái Phá) một công dân thi sĩ (đã) có thể làm gì khác?

Tôi không biết thế nào là một công dân thi sĩ. Theo tôi, công dân và thi sĩ là hai ý niệm tách biệt nhau. Đã là công dân thì phải thi hành bổn phận công dân. Tới tuổi quân dịch thì đi lính đánh giặc. Dĩ nhiên cũng có thể trốn quân dịch hoặc đào ngũ, nhưng phải chịu trách nhiệm hoàn toàn sự chọn lựa của mình.

Còn thi sĩ? Muốn đáng được gọi là thi sĩ thì phải làm thơ cho ra hồn. Thi sĩ chẳng có đặc ân hay đặc quyền gì trong chiến tranh hết ráo. A lê hấp! Cũng nón sắt, ba lô, giày đinh và ắc ê như mọi người. Lạng quạng là hít đất, là phạt dã chiến. Tuy nhiên, cũng có thể vừa đánh giặc vừa làm thơ, có sao đâu. Nhưng coi chừng, nếu rủi ro trúng nhằm số con rận hay lơ mơ không biết ẩn núp là sẽ bị bể gáo như chơi. Nếu may mắn còn sống sót thì lấy bút lấy giấy ra mà mần thơ tiếp tục. Như Quang Dũng thời kháng chiến Pháp-Việt chẳng hạn: Giăng giăng mưa bụi qua phòng tuyến, Quạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề (…) Áo bào thay chiếu anh về đất, Sông Mã gầm lên khúc độc hành (…) Hoặc gần đây hơn, Tô Thùy Yên trong cuộc chiến Mỹ-Việt: Di tản khó - sâu dòi lúc nhúc, Trong vết thương người bạn nín rên. Người chết mấy ngày chưa lấy xác, Thây sình mặt nát lạch mương tanh… Hoặc một Lâm Hảo Dũng giận điên người: Mai ôm đầu mộ dăm thằng chết, Hát lại bài ca hận chiến trường. Lúc điên muốn bắn dăm ba phát, Cho đã tay cò lãng việc quân. Muốn làm thơ chiến tranh thì phải có kinh nghiệm chiến trường, như vậy thơ mới đạt. Lỡ có gục ngã ngoài trận mạc thì đành thôi chứ biết làm sao bây giờ? Chết bỏ! Trời kêu ai nấy dạ. Chết bỏ! Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?

- Nghĩa là một con người là con người sống trong xã hội, vừa làm công dân vừa làm thi sĩ, hay bác sĩ kiêm nhạc sĩ, chẳng có gì tách rời hay loại trừ! Cũng như... đàn bà con gái không phải chỉ có cái thể xác... Về điểm này, xin phép trở lại vấn đề tình dục với Kiệt Tấn. Vì nói gì thì nói, thấy KT vẫn cứ còn lẩn quẩn bên bóng dáng, bên nhục thể, bên «núi non, thung lũng» của người đàn bà và nhất là chỉ để ý nghe ngóng, diễn tả cái đê mê của mình. Nhưng còn trong thâm tâm anh, anh nghĩ gì? Có bao giờ anh hỏi: còn ẻm, ẻm đam mê và sung sướng thoả mãn ra sao? Thoả mãn, đam mê ấy có «xứng đôi vừa lứa» với cái «đê mê chết giấc» của mình không?

Em Ba đã trót hỏi khó qua quá thì qua sẽ trả lời dễ ợt. Nói đến thoả mãn thể xác thì đành phải nói thẳng? Dĩ nhiên tôi không nói theo kiểu «Xúc cát trước bàn thờ». Làm vậy kỳ chết!

- Dạ, cám ơn, anh lịch sự với mấy em ...

Em Ba thắc mắc tại sao tôi không đả động đến cái thoả mãn của người nữ trong truyện của tôi? Đọc kỹ lại đi, tại tôi chỉ nói loáng thoáng, nói tế nhị, bởi lẽ tôi tôn trọng người nữ...

- Ô, I don' t agree with you, cái này là dường như hơi... nguỵ biện!! Anh mải lo nghe ngóng cái tôi của mình...

Thiệt mà cô Hai, khi vầy cuộc, người nữ biểu lộ cảm giác của mình hơn người nam rất nhiều: môi lệch lạc, miệng rên rỉ, đầu vật vã, tay cào cấu, mắt mở hờ, tuy có mở thiệt đó mà... đã hết thấy đường! Không lẽ tôi đem hết mấy món này vào trong truyện và cho các nàng la toáng lên:
«Sướng quá! Đã quá! Khoái quá! Chết em rồi? Ối làng nước ôi!» Thì còn chi là nghệ thuật? Khi đó em bé hậu phương chắc chỉ còn nước độn thổ và không quên xỉ vả tôi là đồ thô bỉ trước khi lặn xuống dưới mặt đất.

- Ha ha, xin ngắt lời anh Kiệt Tấn, anh có nhớ cái màn diễn tả xuất thần trong quán ăn của Meg Ryan trong phim Quand Harry rencontre Sally chưa? Dạ, thôi, không sao, xin anh nói tiếp, hấp dẫn quá... bí quyết của nhà văn Kiệt Tấn đây rồi...

Cô Hai hỏi tôi chớ cái khoái cảm của các nàng có xứng với cái đê mê của tôi hay không? Xứng làm sao được mà xứng! Nếu đem ra mà so sánh thì cái tột đỉnh (đôi khi rất nhiều đỉnh) của mấy em nó chập chùng như Hi Mã Lạp Sơn, còn cái đê mê của tôi (và của bọn đàn ông nói chung) thì ôi thôi, nó giống như núi Bà Đen hay là cái núi Sam núi Sập lè tè bên xứ ta vậy đó! Khi viết, tôi đâu có nhằm mục đích tả chân tả cẳng những giây phút tơi bời hoa lá đó làm gì. Nếu thiệt sự tôi muốn viết dâm thư? Ạ, cái đó thì khác! Bảo đảm báo Playboy sẽ không dám đăng. Vả lại, chỉ những người nữ đã có trải nghiệm cái tột khoái, cái orgasme, mới hiểu được tôi muốn nói gì. Còn những người nữ không may mắn, cứ bị bất mãn kinh niên về tình dục thì khi đọc truyện của tôi, sẽ cảm thấy khó chịu, ấm ức và tức anh ách. Bởi lẽ họ tưởng tôi là
«con yêu râu xanh» chuyên môn tấn công và dày vò người tình của mình. Đối với họ, trong truyện, người đàn bà là nạn nhân, chỉ có thể cảm thấy đớn đau chứ không thể nào khoái lạc được - y chang như họ vậy, bất mãn kinh niên (Đàn bà mà biết khoái lạc à? Đồ nói dóc!) Bèn bất bình, bèn tức khí! Và vớ lấy ngọn cờ nữ quyền mà phất loạn xị...

- Xin ngắt lời anh, và lập lại: lí luận này của anh (féministes = mal baisées: mấy bà (làm) nữ quyền (là vì) không được thoả mãn tình dục) nghe xưa quá rồi! Có những ...

Tôi không có ý chụp mũ là các bà nữ quyền đều bị bất mãn tình dục, nôm na tiếng Tây là mal baisées. Tôi chỉ muốn nói các nàng bất mãn tình dục kinh niên khó thể có cảm tình với bọn đực rựa (vô tích sự!). Xin nói tiếp ý khi nãy. Các bà vừa phất cờ nữ quyền vừa la toáng lên
«Ối làng nước ơi! Cái thằng Kiệt Tấn nó hiếp dâm con bồ của nó!» hoặc hợp ca thống thiết bài Nữ quyền hành khúc: «Thằng Kiệt Tấn macho nó giành độc quyền, nó chửi, nó cấm nữ phái viết về tình dục!» Thiệt là ỳ xèo! Oan ơi ông địa! Về tấm lòng của tôi đối với đàn bà, tôi lại lôi kép Đoàn Nhã Văn ra làm chứng (Lật Tuyển Tập). Đây nè, trang 15, ông kép viết: "Mỗi người một vẻ, mỗi kẻ một đam mê, và mỗi nàng một cháy bỏng khác nhau. Tất cả những nhân vật đó góp phần làm nên văn phong vui tươi, sinh động của KT trong vùng tình cảm đầy ướt át này. Tuy vậy, chỉ cần để ý một chút, ta sẽ thấy ngay ông viết về những người đàn bà với một tấm lòng, một đam mê và đằng sau đó là chiêm ngưỡng, là trân quý».

- A, ông Nhã Văn sẽ trả lời bà Nguyễn Trần Khuyên giùm anh ra sao: bà là người đã làm
«pétition» xin chữ kí sau khi đọc bài viết bất hủ «Sục c. truớc bàn thờ», bà Khuyên kết án anh khinh thường phụ nữ. Mà hai đứa chúng tôi nghĩ khác: bài nói trên chỉ là phản ứng anh muốn trả lời những bài viết về sex tả chân quá sức văn chương đẹp đẽ nhưng vô cảm và vô cùng giả tạo hoặc coi vậy mà hổng phải vậy (chẳng khác nào phim érotique thiếu budget và tài tử yêu... sex thứ thiệt!) cũng như anh điểm mặt những tên đàn ông «voyeur» (khoái dòm trộm) khiêu khích đàn bà viết về tình dục cho họ được rửa mắt và thoả mãn lòng tò mò bệnh hoạn? Có đúng như vậy không? Theo như anh giải bày, là oan ơi ông địa, vậy anh trả lời thế nào cho «hiểu lầm» này?

Khi viết về tình dục, tôi đặt nghệ thuật lên hàng đầu. Thiệt tình mà nói, viết gì cũng dễ, nhưng viết cho hay mới thiệt là khó. Viết về tình dục mà viết cho hay, quả thiệt là thiên nan vạn nan! Nói
«hay» là có chủ quan trong đó rồi, dĩ nhiên. Vì vậy người viết phải tự lựa chọn một bút pháp riêng cho mình. Phải cẩn thận và tôn trọng người đọc. Không được cẩu thả, ném bừa bất kỳ rác rến tạp nhạp nào vào mặt độc giả. Ngay cả viết dâm thư thứ thiệt, cũng phải viết cho có nghệ thuật. Trừ phi viết với mục đích nhục mạ, buộc tội và làm cho người ta nhợn tình dục thì đó là chuyện khác. Người ta cứ tưởng bở: Gì chớ viết tình dục thì dễ ợt! Cứ việc cầm bút lên mà kể lể ê hề ba cái chuyện nằm sấp nằm ngửa, chổng mông, gậm củ cải... của mình ra. Thế là văn chương! Thế là nghệ thuật! Dễ ợt! Nói vậy thì mấy em sến biết đọc biết viết chỉ việc cầm bút lên mà kể lại tuốt tuột các cuộc hành dâm của mình là có thể ở truồng dồng dổng mà đi vào văn học sử như chơi! Xin nhắc lại: viết về tình dục mà viết cho hay thiệt là vô cùng khó khăn. Bởi lẽ quanh đi quẩn lại, diễn viên chỉ có hai người nam và nữ. Chỉ có ngần ấy bộ phận, chỉ có ngần ấy động tác, chỉ có ngần ấy cảm giác và rất ít đối thoại, ngoại trừ rên rỉ và thở ào ào. Loay hoay chỉ có vậy thôi. Trừ phi viết dâm tưởng và viết hoại dâm thì tha hồ! Nhưng chính vì vậy mà viết tình dục một cách nghệ thuật đòi hỏi một sự điêu luyện và một bản lĩnh rất cao ở người viết. Chỉ cần sai chạy một chữ là hỏng bét...

- Hát nữa đi Hương, hát điệu nhạc... tình nghe Hương...

Trở lại cái vụ mal baisées. Tôi nghĩ có lẽ phải chờ một dịp may chó dắt, được rớt đúng vào vòng tay một tướng cướp điệu nghệ, khi trải nghiệm được cái « tột khoái », người nữ bất mãn tình dục sẽ bớt táo bón và bớt hằn học với bọn đàn ông (lợn lòi) chúng tôi. Nhắc lại lần nữa: viết về tình dục một cách nghệ thuật không phải dễ. Cũng bởi lẽ đó mà sau khi đọc những trích đoạn tình dục của các ngòi bút nữ trên Hợp Lưu (số 81/2005) tôi cảm thấy «nhợn» nên có phản ứng nóng. Dĩ nhiên, không có gì chứng minh rằng tôi đúng hay một ai đúng hết. Ở đây chỉ có vấn đề cảm nhận và thưởng ngoạn, và điều này vốn rất khác biệt nhau ở từng người một. Nhưng viết về tình dục như chèo xuồng tát nước, như đốn cây bửa củi, như phóng uế chùi đít. Viết để ơi ới nước nhiều nước ít, hay nó chảy re re. Viết để so sánh cu nhỏ cu lớn, cu ngắn cu dài (có cho cả kích thước chính xác). Viết để chấm điểm coi thằng nào chơi sướng thằng nào chơi dở, một ngày ta hạ được mấy thằng (ăn bứt cái bọn đàn ông le lói rất xa!). Nhiều cảnh hành dâm và bạo dâm để lộ tính cách hư cấu quá trớn (có ác ý?). Thú thiệt cái lối viết đó, cái chuyện làm đó, hồi mới lớn và tập tễnh đi chơi bời ba bốn chục năm về trước ở Gò Vấp, Ngã Ba Chú Ía, Cầu Hàng, tôi đã thấy mấy chị em ta làm rồi và có ghi chép sổ sách hẳn hòi. Đâu đợi gì phải học cao hiểu rộng, có bằng phó tiến sĩ hay Ph D. mới làm nổi cái loại thống kê dương vật đó. Tôi có cảm tưởng các ngòi bút nữ viết tình dục của phe ta chưa hề đọc (nhiều) văn chương gợi dục (érotique) và ngay cả dâm thư (porno). Viết sần sùi kiểu đó, các nàng chỉ cần bỏ năm ba đồng và bước ra sạp báo vỉa hè là có ngay. Và hơn nữa, bài viết còn ly kỳ hấp dẫn hơn thập bội, đôi khi còn có cả phụ đề hình màu cho dễ hiểu. Than ôi! Văn chương (?) tình dục của phe nữ ta mà như thế đó ư? Theo chủ quan của tôi, nghệ thuật nó chẳng nghệ thuật, mới nó chẳng mới, nhưng om sòm thì nó lại rất là om sòm. Vì thế, tôi bị dị ứng sau khi đọc các trích đoạn trên Hợp Lưu. Dị ứng vì thấy cách viết về tình dục kiểu như vậy vô tình đã bôi nhọ và hạ bệ hình ảnh người đàn bà, nói riêng người đàn bà Việt Nam, trong đó có bà Khuyên (hy vọng rằng như vậy). Bởi lẽ ấy bèn xâm mình viết bài «Xúc cát trước bàn thờ» để đả kích loại viết đó cũng như để binh vực người đàn bà nói chung. Trước khi cầm bút lên, tôi biết chắc chắn bài viết của mình sẽ bị hiểu lầm và cá nhân mình sẽ bị các bà nữ quyền bề hội đồng.

Quả nhiên! Vừa mới xáp vô bài «Xúc Cát», bà Khuyên đọc ba chớp ba nháng, hiểu chưa chắc đã hiểu được một chút gì, mà lại còn đổ quạu, te te thảo liền cái kiến nghị, cái pétition, đưa lên mạng lưới xin chữ ký khắp nơi để chụp mũ tôi «khinh thường phụ nữ»! Chẳng biết bà đã xin được chữ ký của Monica Lewinsky và Hilary Clinton chưa? Luôn tiện, xúi bà đưa luôn Bill Clinton vào liên danh tranh cử của Kiệt Tấn cho đỡ khỏi phải mất công thảo một kiến nghị thứ hai. Bà Khuyên kiến nghị để kiện tôi trước toà án nữ quyền? Nghe đâu đây tiếng hò hét như ong vỡ: «Thiến dái nó! Thiến dái nó!» Than ôi, trời đã hại Sa Vệ! Chắc phen này Hạng Võ phải biệt Ngu Cơ, xuống sáu câu vọng cổ thiệt mùi rồi gạt nước mắt hiên ngang vác chiếu ra hầu Toà án Quốc Tế La Haye. Sạt nghiệp văn chương là cái chắc! Thôi nàng ở lại nuôi con một mình! Và hãy lấy chồng (người) khác mà làm ăn lương thiện!

- Cám ơn anh Kiệt Tấn!