Ông điên Kiệt Tấn

Trước khi quen Kiệt Tấn, có một cô nhà báo ở Paris nói với tôi: Ông KT lúc này điên nặng, ông ngồi ở công viên ăn một cây kem, cây kem chảy ràn rụa trên tay ông mà ông không hề biết. Tôi tin răm rắp vì ai nói còn nghi ngờ, không tin, chứ nhà báo nói thì phải tin. Lý do rất đơn giản là nhà báo gần gũi thân thiết với nhà văn mới biết rõ như thế. Lúc đó tôi chưa đọc « Em Điên Xoã Tóc ».

Điên là những kẻ mất tri giác, không còn khả năng lý luận. Động tác, cử chỉ của một người điên là những tác động không thể có nơi một người bình thường. Thế mới gọi là « điên ». Và một người điên, sau khi đã bình phục, họ có thể nhớ lại được không những gì đã trải qua, những gì họ đã làm trong cơn điên ấy? Đây là những suy nghĩ rất tầm thường. Dĩ nhiên! Tôi không cố công tìm hiểu, phân tích sâu xa hơn về chứng bệnh tâm thần này vì nó chẳng liên hệ gì đến cá nhân tôi. Nhưng câu hỏi - sau cơn điên, người điên có nhớ gì không? - nó cứ đeo theo tôi kể từ khi tôi đọc « Em Điên Xoã Tóc » của Kiệt Tấn.

Ông Kiệt Tấn điên, rồ, hay chỉ khủng hoảng tâm lý? Ông điên Kiệt Tấn không thể viết văn nhưng ông nhà văn Kiệt Tấn thì có thể dựng bao nhiêu truyện tình, lồng vào những cơn điên loạn tuyệt vời. Đương nhiên là tôi biết thừa điều đó nhưng câu hỏi vẫn nhất định không bứt ra khỏi đầu tôi.

Tôi tin Kiệt Tấn. Tôi ít tin nhà văn nào như tôi đã tin Kiệt Tấn. Ở những nhà văn khác, tôi thấy tài hoa. Ở Kiệt Tấn tôi vừa thấy tài hoa vừa thấy sự thành thật (1)

Ông Nguyễn Hưng Quốc đã giải mã hộ tôi điều này. Em Điên Xoã Tóc là một tự truyện. Nhưng tôi và ông Nguyễn Hưng Quốc ai tin KT nhiều hơn? Vì tôi không chỉ tin đó là truyện đời ông. Tôi còn thắc mắc, nghi hoặc nhiều chuyện khác nữa. Evelyne, có phải là tên thật của người con gái tóc dài ở bệnh viện Paul Brousse. Thật, như Ánh, Hoa, Tuyết, Diane, Danyèle… những người đàn bà đã hiện diện trong đời sống tình ái của ông có lai lịch gốc gác rõ ràng. Hay Evelyne chỉ là tên ông đặt cho một hình bóng cất dấu chìm sâu nhiều năm dưới lòng ao tù tiềm thức, bỗng một ngày bờ vỡ đê tràn, sông nước ào ào vươn mình tuôn ra biển nhớ. Sao ông lại có một trí nhớ mồn một như thế nhỉ?

Chị Ánh vợ ông nói: Ổng đã điên rồi mà còn tìm cách đi cứu một người điên khác. Chuyến này thì tôi lại càng tin ác. Còn ai biết rõ ông hơn ngoài vợ ông. Ông có điên thật không? Nhưng chắc tấm lòng nhân hậu của ông bao la mạnh mẽ lắm, nó biểu hiện ngay cả lúc ông bị khủng hoảng tinh thần. Tôi lại tin thêm điều đó.

Có một lần bàn về chuyện văn chương của ông qua điện thoại. Tôi đề cập ngay đến truyện Em Điên Xoã Tóc. Tôi hỏi: Em Điên Xoã Tóc là một hồi tưởng của anh, anh vận dụng trí nhớ để viết lại hay dựa vào những giòng nhật ký? Mà anh có viết nhật ký thật không hay chỉ là những tiểu tiết để anh dựng truyện? Hỏi rồi tôi thấy mình hụt hẫng, vớ vẩn. Tôi đâm ra lo sợ vì cả vài phút không nghe ông đối đáp gì cả. Sau đó, tôi biết mình vừa chạm vào một nỗi đau nào đó nơi những vết thương tâm tưởng của ông. Ông im lặng, không trả lời câu hỏi của tôi vì ông xúc động. Tôi cảm được sự nghẹn ngào qua ống nghe điện thoại. Một con người coi nhẹ mọi chuyện, lúc nào cũng dí dỏm cười cợt như ông mà nghẹn đến không nói nên lời.

Dạo sau đến nhà ông chơi, ông tự ý mở tủ sách lấy ra cho tôi xem một tập vở, những trang giấy úa vàng chi chít từng giòng chữ của ông. Tôi không đọc, chỉ nhìn thoáng những nét lượn lờ như vân, như vẽ.

- Em điên đây!

Ông nói và cho tôi xem thêm một cuốn sổ khác, nhỏ hơn, cũng cũ vàng như tập nhật ký, bìa giấy cong, gẫy, loại sổ dùng ghi địa chỉ, có tên Evelyne và những con số điện thoại.

- Sau năm năm rời khỏi bệnh viện, tình cờ tôi tìm thấy cuốn sổ này, nhìn thấy cái tên này. Tôi có gọi điện thoại nhưng không ai trả lời và bỗng dưng tôi nhớ rõ lại hết mọi chuyện, nhớ cả gã đàn ông sún răng và anh chàng râu quai nón. Vậy đó, ML còn thắc mắc gì nữa không ?

Tối đó tôi về nhà, đọc lại truyện Em Điên Xoã Tóc, nhớ tới khuôn mặt ông lúc cho tôi xem cuốn sổ địa chỉ. Nhớ tới cơn nghẹn ngào của ông thuở nọ. Tưởng như nghe ông than thở: Evelyne! Giờ này anh đang ngồi trên băng đá, nước mắt lưng tròng. Còn em ở đâu? Em đã bớt điên hay có còn sống sót.(2)

Tôi đọc Người Em Xóm Học, Nụ Cười Tre Trúc, Đêm Cỏ Tuyết và nhiều truyện khác của ông. Đọc thấy hay, cảm động, và cười. Cười mãi, cười khỏi nói, cười hết biết! Đó là câu trả lời vắn tắt của tôi khi ông hỏi đọc truyện của ông tôi thấy thế nào?

Nhớ lần đầu tiên đến nhà ông. Gặp ông tôi hơi bỡ ngỡ. Vì trước đó không lâu ông có gửi tặng tôi Tuyển Tập Kiệt Tấn vừa in, có chân dung ông sau tập sách. Một thanh niên trẻ trung, khoẻ mạnh với làn da rám nắng. Ông có giọng nói khàn khàn, có lúc nghe như giọng một thằng con trai vừa vỡ tiếng. Tôi nghĩ ông cũng còn trẻ nên khi nhìn thấy ông mập mạp, hồng hào, tóc muối tiêu, đã ra dáng cụ với cặp kiếng lão trên gương mặt. Tôi không ngần ngại hỏi :

- Anh Kiệt Tấn đây hả? Sao ăn gian quá vậy? Cái hình ở bìa sách trẻ măng hà.

Ông cải chính giọng đặc sệt Nam Bộ:

- Hình đó là hình thời tui viết “Vườn Chanh Miệt Biển” chớ tui đâu có ăn gian. Ăn gian hồi nào? Tui là tui. Tui có lấy hình Alain Delon bỏ vào đâu mà ML nói tui ăn gian.

Lâu lâu bặt tin tôi, ông điện thoại hỏi tôi làm gì mà không nghe tiếng. Tôi trả lời, lúc này tôi bận lắm. Ông nói, sao bận hoài, phải cởi ra bớt đi chớ, bận hoài chịu gì nổi.

Kiệt Tấn là như vậy. Ngoài đời cũng như trong truyện, hầu như chuyện gì ông cũng có thể đem ra diễu được.

Tôi đắc ý Nụ Cười Tre Trúc nên hễ ai nhắc tới văn chương Kiệt Tấn là tôi bàn ngay đến truyện này. Làm như Kiệt Tấn chỉ viết duy nhất Nụ Cười Tre Trúc. Cho tới khi đọc những bài phê bình về tình dục trong văn chương Kiệt Tấn. Dĩ nhiên là những lời khen ngợi. Tôi lại tra vấn mình. Người ta khen nhiều quá. Ông viết bạo, hay, không nhớp nhúa. Hầu như ở hải ngoại chưa ai xông xáo vào lãnh vực này mà thành công như ông. Ô hay! Những câu văn được dẫn chứng để khen thưởng ông tôi đã đọc rốt ráo, sao tôi không cảm thấy gì hết vậy? Ông yêu thương đàn bà. Chắc chắn rồi. Ông nâng niu, tôn trọng đàn bà. Chắc chắn rồi. Nhưng những người đàn bà trong cuộc, trong vòng tay ông, cô Diane, cô Tuyết, chẳng hiểu tâm trạng họ thế nào? Thật sự tôi thấy tội nghiệp họ quá. Họ như một chú chim non, bị rơi khỏi tổ mà cậu bé Kiệt Tấn nhặt được một trưa hè. Cậu nưng niu, nựng nịu… Và vì thương quá, yêu quá nên chim non gần như trở thành nạn nhân của cậu bé. Tôi không dám nói với ông về sự suy nghĩ này. Tôi chỉ nói mi mí với ông rằng ai khen văn chương tình dục của ông chứ tôi thì không chê mà cũng không khen đâu. Khi nghe tôi nói ông lại giải mã vì tôi là độc giả đàn bà, đa số độc giả đàn bà không mặn lắm với loại văn chương nhục cảm do đàn ông viết.

Ông sống thật, viết thật. Điều này ai cũng biết. Thật quá nên chân dung của ông trong lòng độc giả, nhất là những độc giả nữ, ông là một con yêu râu xanh. Chữ “yêu râu xanh” này cũng do chính ông hay dùng những khi trò chuyện. Hồi chưa gặp ông, tôi cũng nghĩ ông này ghê lắm. Thuộc loại dê cụ, tổ sư sàm sỡ đây. Quen thân với ông rồi thấy ông vui, hào sảng, một công tử Bạc Liêu thứ thiệt. Bạn bè đến nhà ông. Khen cái cây này đẹp quá, tươi tốt quá! Ông lấy để sẵn cửa cho bạn cầm về. Bạn khen tấm gương soi gắn trên tường này nhìn đẹp quá. Ông hỏi: Vác nổi về nhà không? Thích gì ông cho nấy. Thuyết phục để nhận, để cho. Không lấy ông giận. Nhưng nhằm nhò gì những đồ vật làm cảnh cho vui ấy. Ngày đông tháng giá, ông vác cả áo khoác Cachemire của vợ đem tặng những kẻ không nhà đang run rẩy ngoài đường phố. Lý do, quần áo để hoài không mặc, đem cho bớt. Vợ khóc, áo em mua để dành mặc đi tiệc tùng. Ông tỉnh queo, hứa sẽ mua cho vợ cái áo khác, lòng vẫn mãn nguyện rằng ít nhất mình đã cứu được một người.

Tôi biết một điều, ông vui vẻ, trung thực, bộc trực nhưng dễ nổi cộc. Đối với ông trắng là trắng mà đen là đen. Có sao nói vậy người ơi, đừng điệu bộ “em chả, em chả...” là không xong với ông. Điệu đàng thục nữ, nghiêm chỉnh, quy tắc... tôi nghĩ chắc không thể trò chuyện lâu được với Kiệt Tấn. Quan niệm của ông thấy gì trái khoáy thì nói. Im lặng tức là đồng loã. Điều này chắc ông đã làm mất lòng khá nhiều người.

Bây giờ thỉnh thoảng trò chuyện, tôi gọi ông là ông điên. Nhưng có lúc tôi nói:

- Anh mà điên khỉ gì.

Ông cười,

- Ừ, khôn bỏ mẹ. Sức mấy mà điên.

Điên hay không Điên?

Nơi ông ở, ngoại ô Paris. Nhà chung cư nằm trên tầng thứ mười lăm, cùng một phố với Cao Hành Kiện mà ông vẫn trách đùa là Hàn Lâm Thụy Điển đã gửi lầm địa chỉ khi trao giải Nobel cho ông nhà văn Trung Hoa này. Nếu cái thư bay nghiêng đi một chút thì đã tới tay Kiệt Tấn.

Mỗi ngày, ông ngồi đó, rượu đầy ly, nhạc đầy không gian nhỏ. Không gian xanh mướt cỏ cây, hoa lá. Ông có nhiều đĩa nhạc hay. Tôi có nói với ông, tôi luôn động lòng tham mỗi lần nhìn thấy tủ nhạc của ông, chỉ muốn nhặt vài đĩa bỏ túi. Lúc nghe nhạc, hứng chí, ông đứng lên tự khiêu vũ, nghiêng nghiêng, ngả ngả với đôi mắt lim dim.

Ông ngồi đó, giữa đám thú nhỏ hiền lành, ngây ngô. Con cóc xanh biếc chễm chệ giữa những hòn sỏi ở một chậu hoa. Chú vịt vàng nhung đôi mắt đen nhánh hạt huyền ngoan ngoãn trên kệ sách. Con trâu nấp dưới bóng cây. Ông ngồi đó, quanh những phiến đá nho nhỏ. Những phiến đá đẹp, phẳng, ông nhặt ở những bãi bờ nào đó, nom như những ngọn núi nhỏ phương đông vì những hàng chữ Tàu ông nắn nót viết lên. Thấy đẹp thì ông viết lại, hoạ lại. Thực sự chính ông cũng chẳng hiểu nghĩa là gì. Nói theo kiểu Hà Nội thì Kiệt Tấn “Vô tư thôi”!

Ông ngồi đó, giữa những bức tranh. Tranh của bạn ông vẽ tặng, tranh ông mua. Thích gì mua nấy, thích gì treo nấy. Tranh cổ, tranh hiện đại hoà bình bên nhau. Vườn tược thôn dã hay thâm cốc hoang vu? Điên đấy! Với những bày biện như thế có người thẳng thừng cho là ông điên, ông bị chạm dây thần kinh.

Điên hay không Điên?

Ông ngồi đó, ông là ông điên, ông tiên, gã sinh viên tài hoa đa tình của Paris một thuở hay là cậu bé Kiệt non nớt của mấy mươi năm trước? Đâu dễ gì giữ được sự hồn nhiên thơ trẻ ở vào lứa tuổi đã được xếp hàng ông nội, ông ngoại như ông. Em vịt vàng nhỏ. Cóc nhái ao lạch quê xưa... Hẳn là kỷ niệm, quá khứ, là tình cảm tha thiết cất dấu trong tim ông.

Gọi ông là ông điên nhưng tôi thấy ông vui, vui lắm, có vẻ ông đang thoả hiệp với cuộc đời. Thời điên qua rồi. Nhắc đến ông bây giờ là phải nói đến rượu, say, cười. Say khướt, say cuồng, say bí tỉ. Ông say như thế nào tôi cũng chưa từng được chứng kiến. Nhưng mỗi lần nhìn ông ngồi với ly rượu, dù ông cười nói huyên thuyên, tôi vẫn nghĩ đến một “nỗi buồn”... cất dấu đâu đó, sau những nụ cười.

Hình ảnh một người say không còn biết đất trời, say đến té gục xuống lề đường. Vậy mà vẫn lảm nhảm, van vỉ được quên, được hủy diệt trí nhớ.

…Je veux détruire ma mémoire…
Je veux détruire ma mémoire... (3)

Nghe xót xa quá, thương tâm quá! Đâu phải là lời nhảm nhí của một người điên hay một gã say.

Tôi vẫn tự hỏi – Suốt năm năm, sau khi rời khỏi bệnh viện, bao nhiêu điều ông đã quên rồi lại nhớ? Còn có những gì ông không muốn nhớ và đã được quên?