Một người Việt Nam tại San Jose qua đời do Covid-19: Hà Túc Đạo – Thế gian không tri kỷ…

  Đỗ Vẫn Trọn
Di ảnh – nhà báo Hà Túc Đạo.

Sáng ngày 26 tháng 11, anh Nguyễn Xuân Phác bảo tôi làm cáo phó cho anh Phan. Tôi ngập ngừng: “Ai mất vậy anh?”. “Cậu không biết sao, anh Phan mất 2 ngày rồi”.

Thật bàng hoàng. Tôi ngồi bất động. Thế là, anh Hoàng Ngọc Phan – nhà báo Hà Túc Đạo đã đi thật, đi một nơi rất xa vào ngày 24 tháng 11 năm 2020 tại nhà riêng ở San Jose, do mắc phải Covid-19, hưởng thọ 72 tuổi. Được biết, trước đó vài ngày, Anh có triệu chứng khó thở. Anh tưởng do mệt mỏi nên chỉ uống thuốc. Khi không còn chịu nổi cơn đau nữa, Anh gọi 911. Xe cứu thương chưa kịp đến thì Anh đã trút hơi thở cuối cùng.

Anh sinh ngày 15 tháng 1 năm 1948 ở Vạn Tượng – Lào rồi về Việt Nam sống. Anh tốt nghiệp Đại học Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt – phân khoa Báo Chí. Khởi nghiệp, Anh viết cho báo nguyệt san Thời Nay của giám đốc Nguyễn Văn Thái, thư ký tòa soạn Khánh Giang cùng với những cây bút như Song Thao, Đoàn Vinh, Nguyễn Hoàng Quân, Hoàng Hà…

Trổi bật nhất của nhà báo Hà Túc Đạo là khi cộng tác với tờ báo Đại Dân Tộc của chủ nhiệm Võ Long Triều và tờ báo Sóng Thần của chủ nhiệm Trùng Dương.

Thời đó, nhà báo Hà Túc Đạo và nhà báo Nguyễn Tú A là những cây viết trẻ sắc bén, liều lĩnh, trọng lượng và hái ra tiền qua những bài xã luận và chính trị.

Bút hiệu Hà Túc Đạo – nhân vật của Đại Văn Hào Kim Dung, xuất hiện trong phần đầu pho truyện “Cô Gái Đồ Long” nhưng để lại cho người xem nhiều nuối tiếc, được giang hồ tán tụng đặt cho danh hiệu Tam Thánh (Cầm Thánh – Kỳ Thánh – Kiếm Thánh). Nổi danh với chữ “Thánh” đi sau mỗi tuyệt kỹ, thế nhưng với tính tình nho nhã và cách sống ẩn dật, nên chọn danh hiệu Hà Túc Đạo, có nghĩa là “Có Gì Đáng Nói” thành ra cái tên Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo là do ý khiêm nhường. Có lẽ, chính vì điều này mà anh Hoàng Ngọc Phan yêu thích và chọn tên Hà Túc Đạo.

Anh viết báo tuy có tiền nhưng không dành dụm được bao nhiêu. Bỗng một ngày nọ, Anh trúng số độc đắc, ngưỡng cửa Hà Túc Đạo mở rộng thênh thang, nhà lầu, xe hơi. Tên tuổi Anh – triệu phú Hà Túc Đạo xuất hiện trên khắp mặt báo. Anh còn dự định ra riêng một tờ nhật báo, nhưng ngày tháng trôi qua, tiền trúng số tiêu xài cạn dần theo thời gian, cuối cùng Anh không thực hiện được ước muốn này.

Sau năm 1975, Anh làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, gia đình Anh có quốc tịch Pháp nên được chính thức xuất cảnh qua Pháp. Ở đó một thời gian, rồi Anh qua Mỹ định cư tại San Jose. Anh cùng với anh Nguyễn Xuân Phác xuất bản tuần báo Dân Tộc, tòa soạn đặt trên đường William, trên lầu nhà hàng Đà Lạt. Lúc đó, San Jose chỉ có tuần báo Dân Tộc, Thằng Mõ, Triều Thành, chưa có Đài Truyền Hình – Phát Thanh nào cả.

Năm 1982, tôi từ Orange County lên San Jose, phát hành ấn bản Tuần Báo Tay Phải và Tạp Chí Nhân Chứng của nhà thơ Du Tử Lê. Một thời gian sau, tôi xuất bản tuần báo Yêu và chọn San Jose làm miền đất hứa. Thời gian này, anh em chúng tôi có nhiều chuyện vui buồn và gắn bó với nhau.

Đầu tiên, trên báo Dân Tộc “nện” tôi một bài viết như thể nhà văn “bảnh bao”, lúc nào cũng veston cà vạt. Một lần khác, báo Dân Tộc đưa tin trang nhất vụ xung đột giữa tôi và bầu Đức Khoát để tranh ngôi vị độc tôn tổ chức văn nghệ. Vụ này có thể nổ bom – nổ súng? Tin nóng bỏng – hấp dẫn. Bài viết thật lôi cuốn. Người San Jose tìm cho bằng được tuần báo Dân Tộc để đọc. Người viết tin rất khá, không có ác ý gì với hai bên tranh chấp. Anh chỉ dựa trên những sự kiện xảy ra bằng thư mạo danh gửi đến các cơ sở thương mại dịch vụ trong vùng nhằm cảnh báo người tham dự Dạ Vũ CBC do tôi tổ chức có thể thiệt mạng…

Báo Tay Phải công kích Báo Dân Tộc bằng một bài viết khá nặng ký.

Báo Dân Tộc kiện Báo Tay Phải. Tôi tổ chức một buổi tiệc ở nhà hàng Ngân Đình trên đường Santa Clara để giảng hòa với sự tham dự đặc biệt của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh và giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từ Texas qua. Nhà thơ Du Tử Lê, nhà báo Nguyễn Xuân Phác, nhà báo Hà Túc Đạo vui vẻ, mọi chuyện đều bỏ qua, anh em thông cảm, việc kiện tụng kết thúc.

Và cũng từ đó, tôi càng thân thiết với Anh hơn.

San Jose, với tôi là nỗi nhớ và ký ức về tình thân. Người đi – người ở lại. Bốn mươi năm qua đầy ắp thân tình. Chuyện làm báo, hương hoa của chữ nghĩa như một mạch sống tìm đến nhau trong nỗi tha hương ngậm ngùi. Hà Túc Đạo, chỗ ngồi của quán Đà Lạt, của quán Sài Gòn, quán Quảng Đà, của những trang báo ấp ủ, hoài vọng, khát khao mầm mống, duy trì ngôn ngữ Mẹ, tiếng Việt yêu quý. Dấu chấm phá đầu tiên cho giòng sóng lưu vong, dạt trôi về miền đất xa lạ.

Khởi đi của chúng tôi là thế, là nhu cầu thực thể đem lại một món ăn tinh thần cho người Việt xa xứ, và cũng xoa dịu phần nào nỗi buồn ly biệt.

Báo Dân Tộc, nội dung phong phú, chuyên nghiệp, quy tụ nhiều cây viết nổi tiếng như nhà văn Nguyễn Bá Trạc, nhà văn Giao Chỉ, tiến sĩ Trần An Bài, Hồ Quang Nhựt, nhạc sĩ Trần Quảng Nam, nhà báo Từ Hiếu Côn, nhà báo Tâm Nguyên, nhà thơ Trần Nghi Hoàng… nhưng không thọ được lâu, vì thiếu người giao dịch quảng cáo.

Thôi thúc không ngừng nghỉ, nhà báo Hà Túc Đạo chuyển sang làm ấn bản cho Nhật báo Người Việt, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì đình bản.

Lúc này, Anh phụ việc cho một công ty du lịch. Một ngày nọ, Anh cho tôi biết, Anh sẽ về Việt Nam mở trường dạy Anh Văn. Hiện thời thì rất khó khăn, Đỗ Vẫn Trọn giúp anh một vé máy bay, tôi vui vẻ đồng ý ngay. Tôi còn đùa với Anh: “Vé một chiều hay hai chiều?”

Khoảng mấy tháng sau, Anh cho biết việc mở trường Anh Văn đang tiến triển tốt đẹp. Anh cần sự giúp đỡ của những người thân, trong đó có Đỗ Vẫn Trọn, góp cho anh 10 ngàn đô. Tôi không do dự, gửi ngay số tiền đó cho Anh. Thật ra, tôi không nghĩ là tôi hùn vốn gì cả và cũng không nghĩ sẽ đòi lại Anh. Tôi chỉ mong Anh tạo được một công việc để ổn định đời sống. Bên Mỹ Anh đã vất vả và cực nhọc quá nhiều, việc làm lại bấp bênh.

Một hai năm sau, tôi không nhớ rõ, anh Hà Túc Đạo gọi cho tôi biết là trường Anh Văn Hội Việt Mỹ đang phát triển và có lời. Mỗi tháng anh gửi cho em 3 triệu tiền Việt Nam. Tôi rất mừng vì Anh đã làm được việc Anh muốn. Tôi nói: “Số tiền 3 triệu đó, mỗi tháng anh gửi cho người nghèo là được rồi”. Và đều đặn như vậy, mỗi tháng Anh gửi tới cho những gia đình nghèo – bất hạnh.

Tổng giám đốc Anh Văn Hội Việt Mỹ – nhà báo Hà Túc Đạo nhanh chóng phát triển khắp tỉnh thành với 30 trường Anh Văn qui mô, mời giáo sư Mỹ về dạy. Số học sinh lên đến vài chục ngàn người. Anh trở thành người tiên phong đưa giáo dục Anh Ngữ đến Việt Nam bằng phương pháp giảng dạy Quốc Tế.

Thời rực rỡ của nhà báo Hà Túc Đạo đã trở lại, xe hơi, nhà đẹp nguy nga là chuyện nhỏ. Nhà giáo Hoàng Ngọc Phan – Hà Túc Đạo lúc này rất bệ vệ, được nhiều người nể trọng, lúc nào cũng sơ mi trắng – cà vạt, xách cặp da đựng đầy dự án và tiền đếm không xuể. Mỗi lần nhà giáo Phan bước vào trường là hàng hàng lớp lớp học sinh kính cẩn chào Thầy. Tên tuổi của nhà báo Hà Túc Đạo vang lừng khắp nơi trong nước qua chức danh Người đương thời Tổng giám đốc Hoàng Ngọc Phan.

Bút danh Hà Túc Đạo không được nhắc đến nhiều, chỉ có người thân mới gọi Hà Túc Đạo. Địa vị và xã hội của nhà giáo Hoàng Ngọc Phan rất được tôn trọng, nhiều công ty ngoại quốc muốn liên kết với trường Anh Văn Hội Việt Mỹ. Nhiều quan chức, cán bộ cấp cao gửi con theo học tại các trường Anh Văn, nên chỗ dựa của nhà giáo Hoàng Ngọc Phan rất vững chãi.

Từ một số vốn ít ỏi, trú ngụ trong một con hẻm nhỏ, mỗi ngày chạy chiếc xe Honda cũ kỹ khắp nơi để xin cho bằng được giấy phép mở trường. Sự nhẫn nại và ý chí của Anh thật phi thường. Nói một cách nào đó, Anh là một trong số ít ỏi Việt Kiều ở Mỹ về Việt Nam thành công từ bằng không. Anh còn làm phim điện ảnh, phim Bẫy Tình là một trong những cuốn phim do Anh thực hiện và sản xuất.

Bạn bè ở Mỹ, ở Pháp, ở khắp nơi về Việt Nam, Anh đều tiếp đãi rất ân cần, cho tài xế đưa rước, mời ăn ở những nhà hàng sang trọng. Những người thân không thể nào phủ nhận cách đối đãi tử tế của Anh. Anh Lưu Thế Ngọc luôn nhắc về điều này.

Một kỷ niệm khó quên trong tôi đối với anh Hà Túc Đạo là chính Anh đã can thiệp và bảo lãnh cho tôi về Việt Nam, vì tôi có tên trong danh sách cấm nhập cảnh Việt Nam. Đó là cuối thập niên 90, Anh đón tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất cùng với hai người công an mặc thường phục. Sau đó, họ đưa tôi về văn phòng của anh Hà Túc Đạo ở đường Phan Thanh Giản để chất vấn. Anh Hà Túc Đạo phải ký giấy chịu trách nhiệm với họ trong thời gian tôi lưu trú tại Việt Nam.


Nhà báo Hà Túc Đạo – nhà văn Đỗ Vẫn Trọn cứu lụt miền Trung năm 1999.

Sau bao năm xa cách, giờ gặp lại, hai anh em say khướt. Chuyện San Jose, chuyện Việt Nam, bao nhiêu chuyện để nói… Cách nói của Anh vẫn chậm rãi, từ tốn, nụ cười rất có duyên so với làn da bánh mật, khuôn mặt lầm lì.


Họp mặt với nhà báo Hà Túc Đạo sau bao năm xa cách.

Tôi nhìn được bên ngoài sự thành công tột đỉnh, Anh vẫn mang một nỗi buồn, một sự cô đơn lạ lùng, khác hẳn với những ngày tháng Anh ở San Jose. Dường như, trong Anh có rất nhiều áp lực, nhiều thử thách để vượt qua. Thời kỳ cực thịnh của Anh đang nở rộ, Anh định mở trường Anh Văn ở mỗi Tỉnh. Bất ngờ, Anh bị người phụ tá chiếm lấy thương hiệu “Anh Văn Hội Việt Mỹ” khiến Anh không được dùng tên này nữa, mà phải đổi thành tên “Anh Văn Việt Mỹ”.

Chiến trường “Anh Văn Hội Việt Mỹ” và “Anh Văn Việt Mỹ” trở nên khốc liệt.

Muôn vàn khó khăn đã đến với Anh. Một thời gian sau, Anh bắt đầu bán tất cả trường Anh Văn. Số tiền lên đến nhiều triệu đô. Anh gửi tiền lời gấp đôi cho những người giúp Anh góp vốn ban đầu. Tôi tưởng rằng với số tiền có được, và với số tuổi có thể nghỉ hưu. Anh phải có đời sống an nhàn và hưởng thụ, nào ngờ, Anh phải trốn qua Campuchia để về lại Mỹ. Không hiểu chuyện gì đã xảy đến với Anh?

Trở lại San Jose với bàn tay trắng, cầm bằng như gió bay. Lúc đầu Anh tá túc nhà anh Nguyễn Xuân Phác, sau đó thuê một chỗ nhỏ ở riêng. Mỗi ngày Anh đi học. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi tự hỏi, với số tiền vài triệu đô Anh có được khi bán trường, đâu rồi! Và với lứa tuổi này, Anh vẫn đến trường để đi học, quả là một Hà Túc Đạo ngoại hạng. Nhiều người bạn nghĩ rằng Anh cháy túi vì đã nướng hết số tiền “kếch xù” đó trong nhiều canh bạc. Tôi không tin điều đó, và đã từng hỏi thẳng Anh điều này. Anh nói: “Không như mọi người nghĩ. Chỉ có Đỗ Vẫn Trọn mới hiểu được”.

Chuyện Hà Túc Đạo như một cuốn phim, một cuốn tiểu thuyết, như nhân vật Bun Ted Ngoy – Vua Donut người Campuchia mà tôi dự định làm phim.

Hà Túc Đạo đã lên tột đỉnh của vinh quang và tận cùng của đáy vực.

Thương trường vẫn là giòng chảy trong con người của Anh. Anh rủ tôi qua Miến Điện mở trường Anh Văn, tôi từ chối vì đã quá sợ hãi với khối công việc tràn ngập mà tôi theo đuổi 40 năm qua. Chỉ muốn buông mà chưa buông được.

Thỉnh thoảng tôi gửi cho Anh những chai rượu ngon, những chai OPUS One mà Anh thích, để nhớ lại thời vàng son của Anh.

Nhớ những buổi chiều cùng Anh, với anh Nguyễn Công Chánh, với anh Năm Ảnh, với anh Tư – Tâm – Giang, với luật sư Nguyễn Hữu Liêm… ngồi nhâm nhi ở Trần Quang Khải, ở Cao Thắng. Một khoảnh khắc, Anh trầm tư bên giòng định mệnh trôi dạt, nhìn những làn khói tan dần trong không khí mờ ảo và huyễn hoặc như muốn bộc lộ một điều gì chất chứa.

Anh ra đi vào mùa Thu, mùa Lễ Tạ Ơn, mùa đoàn viên sum họp, mùa mà yêu thương đang giục lòng tìm đến nhau, thế mà Anh đành ngoảnh mặt chia xa.

Những chiếc lá vàng héo hắt buồn ủ rũ, giọt nắng tơ vương trên màu lá vàng đổi màu rơi rụng. San Jose im ỉm một nỗi buồn đáng sợ, một nỗi kinh hoàng đang bao phủ cả thế giới. Màu tang như đối diện từng ngày, từng giờ với cơn bão Covid. Và Anh, cũng không ngoại lệ.

Thêm một nỗi lo nữa là Trần Hữu Định vẫn còn trong bệnh viện để chữa trị Covid. Cầu mong Định sớm bình phục. Định không biết, có phải mình đã lây bệnh cho Anh không? nên rất ray rứt và ân hận.

Đọc những lời nhắn giữa Anh và Định, tôi nghẹn ngào, không ngăn nổi những giọt nước mắt thương tiếc nghĩ về Anh.

“Anh Đạo gọi 911 nói nóng và không thở được, xe cứu thương đang đến để đưa đi”…

“Bác sĩ gia đình đang cho uống thuốc, nếu ông trời bắt phải chết thì chạy kiểu nào cũng sẽ chết”

San Jose thật vô tình, lạnh nhạt gọi tên Anh, tên người Việt Nam đầu tiên ở thành phố này ra đi vĩnh viễn do Covid tạo ra.

Anh có rất nhiều người con. Trong đó, nổi tiếng nhất là võ sĩ Lê Cung, nay là tài tử điện ảnh võ thuật. Riêng Hoàng Khắc Nguyện, thứ nam của Anh và là người con phụ giúp nhiều công việc cho anh, cháu đã từng trông nom nhiều trường Anh Văn cho Anh. Hoàng Khắc Nguyện cho biết, gia đình sẽ làm Lễ An Táng Anh vào lúc 10 giờ sáng ngày 8 tháng 12 năm 2020 tại Darling & Fitcher Garden Chapel, San Jose, sau đó đưa linh cửu của Anh về Los Gatos Memorial Park để làm Lễ hỏa thiêu.

Còn gì nữa không Anh. Còn gì bảo với em không. Còn điều gì mà Anh muốn làm, hay chưa làm được như nhân vật Hà Túc Đạo của Đại Văn Hào Kim Dung.

“Với Thiết Huyền Cầm tấu nên khúc nhạc khiến chim muôn hòa nhịp. Với Bạch Điểu Triều Phụng khiến Quách Tường xao xuyến. Vậy mà Hà Túc Đạo còn than thở “Ôm trường kiếm, trợn ngược lông mày; than ôi sao nước xanh đá trắng lại rời rạc nhau đến vậy, thế gian không tri kỷ, ta sống ngàn năm có ích chi”.

Còn Anh. Nước Xanh, Đá Trắng có làm Anh buồn bã để sớm vội ra đi không?

Anh Hà Túc Đạo!

Ra đi – ở lại em rất nhớ Anh, nhớ những chỗ ngồi của anh em mình, nhớ những nơi chúng ta đến. Ở đâu em cũng thấy một nỗi nhớ. Thật buồn! buồn vô cùng khi Anh đi, khi có những điều trăn trở mà tâm nguyện Anh chưa đạt thành.

Dễ gì có một Hà Túc Đạo, một đĩnh trời lừng lẫy, một sân trường Đại học xanh tươi. Cuộc sống và con người Anh là một cuốn phim đầy sóng gió, phiêu bạt.

Sau này và mãi mãi, em luôn nhớ Anh, nhớ đến tình thân sâu đậm của chúng ta. Và em tin rằng, nhiều ngàn sinh viên ở Việt Nam rất nhớ và biết ơn nhà giáo Hoàng Ngọc Phan, người đã sáng lập, người có công đưa tiếng Anh chuẩn mực đến với người Việt trong nước.

Anh đi bình yên, bình yên như bút danh Hà Túc Đạo!