Nỗi buồn hậu ‘trăm năm’ - Giọt nước mắt đêm tôn vinh

Ngay cả với thầy mình mà mình còn vô cảm thì làm sao chịu trách nhiệm cho một chương trình tri ân Tổ nghiệp?


Tôi là Đoàn Mai Trang - con gái út của NSƯT Đoàn Bá. Thông qua Báo Phụ Nữ TP.HCM, tôi xin được chia sẻ câu chuyện của gia đình mình quanh chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương. Số là trước chương trình, gia đình tôi nhận được lời mời tham dự đêm tôn vinh nghệ thuật cải lương, để nhận tri ân cho cha tôi - cố NSƯT Đoàn Bá.

Tối 13/1, khi mẹ tôi đến sân khấu, hỏi ban tổ chức vị trí chỗ ngồi dành cho gia đình những nghệ sĩ được tri ân thì sau khi kiểm tra danh sách, người trong ban tổ chức trả lời “không có tên NSƯT Đoàn Bá”, bảo mẹ tôi tự kiếm chỗ nào trống thì ngồi. Mẹ tôi phải ra tận hàng ghế xa để tìm chỗ trống và... ngồi chờ.


Được nhiều khán giả và người trong nghề chờ đợi, nhưng chương trình vẫn để lộ những thiếu sót khiến nhiều người thất vọng.


Chờ đến gần cuối giờ vẫn chưa nghe đọc tên chồng mình. Sự thật là, trước khi nhận được thư mời, gia đình chúng tôi còn nhận được cuộc gọi thông báo và sáng 13/1, chúng tôi cũng đã gọi điện xác nhận sự có mặt. Một lần nữa, gia đình tôi lại hỏi ban tổ chức và được xem một danh sách… không có tên NSƯT Đoàn Bá được vinh danh. Thật là xấu hổ!

Chợt thấy chạnh lòng và cả bức xúc khi biết tổng đạo diễn chương trình chính là học trò ruột của cha tôi. Cứ cho là danh sách các nghệ sĩ, gia tộc... được tôn vinh do bộ phận khác hoặc ban tổ chức quản lý và chịu trách nhiệm, gia đình tôi cũng không tìm được lý do nào để biện minh cho việc tổng đạo diễn đã quên thầy mình trong kịch bản nhắc nhở những tên tuổi của sân khấu cải lương và những đóng góp của họ. Ngay cả với thầy mình mà mình còn vô cảm thì làm sao chịu trách nhiệm cho một chương trình tri ân Tổ nghiệp?

Nếu bỏ qua mối quan hệ thầy trò giữa cha tôi và tổng đạo diễn chương trình thì cha tôi là Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trong nhiều năm liền, nhưng vẫn không được nhớ để nhắc tên trong kịch bản tri ân của chương trình thì liệu tổng đạo diễn đó có đủ sự am hiểu và vốn sống về cải lương để phụ trách chương trình 100 năm cải lương, với ngồn ngộn những tư liệu trong hành trình hình thành và phát triển của bộ môn nghệ thuật này?


Đạo diễn - NSƯT Đoàn Bá dàn dựng vở diễn và truyền nghề cho diễn viên trẻ.


Có thể sẽ có người nghĩ tôi quá nóng nảy hoặc cực đoan khi lên tiếng, nhưng nếu nhìn thấy mẹ tôi hạnh phúc, nôn nao chờ đến dự chương trình mà cha tôi sẽ được tôn vinh, để rồi hụt hẫng khi được mời ra hàng ghế phía sau, vì không có tên cha tôi trong danh sách; nếu nhìn thấy cảnh mẹ tôi gục đầu ở hàng ghế rất xa sân khấu, rồi lủi thủi ra về trong tiếng hò reo của ê-kíp thực hiện và cả tổng đạo diễn phía trên sân khấu, khi chương trình kết thúc (dường như khi đó họ đang hát vang chúc mừng sinh nhật ai đó trên sân khấu), thấy nụ cười héo hắt và những giọt nước mắt rưng rưng vì cố kìm nén của mẹ khi về đến nhà sẽ hiểu tâm trạng của gia đình chúng tôi.

Cha tôi mất cách đây chưa lâu. Gia đình và nhất là mẹ tôi vẫn chưa hồi phục, nay bị đặt vào tình huống đau lòng này thì quả thật quá tàn nhẫn. Nỗi cô đơn sẽ càng tăng cao và mặc cảm sẽ chồng mặc cảm. Nếu đứng ở vị trí mẹ và gia đình tôi, sẽ hiểu đây không đơn giản chỉ là sự đáng tiếc.

Chúng tôi muốn hỏi tổng đạo diễn chương trình - một trong những học trò của cha tôi - về ý nghĩa thực sự của đêm tôn vinh. Có bao giờ chị tự hỏi mình đã thật lòng làm tất cả từ cái tâm trong sáng dành cho Tổ nghiệp hay chỉ dùng lịch sử và Tổ nghiệp để tô điểm cho những thứ chị coi là ích lợi cho sự nghiệp của chị? Thiết nghĩ, gia đình tôi và tất cả những nghệ sĩ chân chính khác đều hiểu rõ ràng thế nào là sự tôn kính, trân trọng Tổ nghiệp.


Vợ NSƯT Đoàn Bá lặng lẽ ngồi chờ nghe tên chồng được vinh danh.


“Tôi khen Kim Ngân ở sự mạnh mẽ, tự tin cần thiết của một nghệ sĩ chuyên nghiệp khi bước ra sân khấu. Tôi không phủ nhận nỗ lực của Kim Ngân. Nhưng nỗ lực và tài năng trong nghệ thuật lại có sự tách bạch, nhất là khi Kim Ngân không có nhiều thời gian theo nghề hát. Với nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga, Kim Ngân không điều tiết được cảm xúc và diễn xuất của mình. Nghệ thuật phải có sự trầm tĩnh nhất định, không thể lúc nào cũng ồn ào.

Tất nhiên, không thể đòi hỏi Kim Ngân diễn như các nghệ sĩ trước đây; cũng sẽ rất khập khiễng nếu so sánh Kim Ngân với bất kỳ nghệ sĩ nào khác. Hơn nữa, mỗi đạo diễn cũng có cách dàn dựng khác nhau đối với diễn viên của mình. Tuy vậy, tôi cũng từng nói thẳng với Kim Ngân về lối diễn xuất quá ồn ào, sau khi xem cô diễn ở Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc. 100 năm cải lương - nơi tôn vinh nghệ thuật và các nghệ sĩ cải lương đã có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương - không phải là nơi để Kim Ngân phô diễn. Tôi không hiểu đằng sau đó có ẩn tình gì không, chỉ cảm thấy ngậm ngùi.

Nói chuyện 100 năm, không thể quên những người có nhiều đóng góp cho cải lương, nhất là những người đã khuất. Với nghệ sĩ cải lương, những người đã khuất cũng là Tổ nghiệp”.
Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng


Việc vinh danh thiếu sót những tên tuổi có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương thể hiện sự vô trách nhiệm của những người thực hiện chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương hình thành và phát triển. Điều này đã làm tổn thương nghệ sĩ và người thân của họ. Nhưng nếu xem hết chương trình, có lẽ chúng ta sẽ công nhận, những người thực hiện còn làm tổn thương cả những khán giả mộ điệu cải lương.

Nếu những chuyện như thế này còn tiếp diễn, các nghệ sĩ chân chính sẽ đi về đâu, cải lương sẽ đi về đâu? Những gì mọi người được học, đam mê, cống hiến sẽ bị bóp méo bởi những bàn tay kiểu như vậy, khi mà Thái hậu Dương Vân Nga từ uy quyền lẫm liệt, yêu nước nồng nàn qua diễn xuất của cô Thanh Nga nay lại thành… Xin lỗi vì đã so sánh cô Thanh Nga với diễn viên diễn trích đoạn trong đêm tôn vinh, nhưng vì đạo diễn đã “chọn” để cô này biểu diễn như đại diện cho cải lương 100 năm, nên không thể không nhắc đến. Thật đau lòng và thất vọng!
Lê Hóa - Cựu sinh viên Trường Nghệ thuật Sân khấu 2



________

NKLT chú thich: Tổng đạo diễn cho chương trình này là đạo diễn Hoa Hạ.