Đông Kha
Cái garde-manger (gạc măng rê), nếu dịch ra chữ thuần Việt, có thể gọi là cái chạn bát (giọng Bắc), hoặc cái tủ bếp (giọng Nam). Có lẽ loại tủ này xuất hiện ở Việt Nam từ những năm Pháp thuộc, nên người Việt gọi vật dụng thân thuộc này bằng một cái tên rất Pháp: gạc măng rê.
Từ những năm giữa thế kỷ 20, hầu như gia đình người Việt nào cũng có một cái gạc măng rê. Đó là đồ nội thất bằng gỗ được đặt trong nhà bếp dùng để cất trữ thực phẩm, gia vị, dụng cụ nấu nướng,… Ở Việt Nam, nó được thiết kế thành một dạng tủ kệ chia nhiều tầng, nhiều ngăn, dùng để đựng bát đĩa, xoong, nồi, thức ăn. Gạc-măng-rê thường có bốn chân và nhô cao khỏi mặt đất. Để tránh các loại kiến, gián bò lên đồ ăn, người ta thường đặt chén nước (thường là bằng sành sứ) dưới 4 chân tủ.
Tuỳ theo vùng miền và độ giàu nghèo của gia chủ mà cái gạc măng rê có kích thước khác nhau, nhưng thường được đóng thành ba tầng. Dưới cùng là tầng không cánh (hoặc có cánh) để cất trữ xoong, nồi, đồ dùng nấu nướng,.. Tầng giữa có nan gỗ thưa để xếp chén dĩa hoặc đặt để lỉnh kỉnh các loại gia vị nấu nướng. Trên cùng thường để đựng các loại gia vị, đồ khô, thức ăn nấu dùng trong ngày. Tầng này luôn có một lớp lưới bọc kín các mặt tủ kể cả cánh để tránh chuột, gián, ruồi muỗi, côn trùng,… xâm nhập. Tuỳ theo loại tủ mà cách sắp xếp có khác nhau, nhưng phía trước hoặc bên hông tủ thường có giá gài giao và treo một chiếc giỏ chia 2 ngăn để cắm đũa muỗng.
Còn trên nóc tủ, nơi thường được tận dụng đặt để những vật dụng lớn như rổ rá cũng là chỗ ngủ yêu thích của những chú mèo.
Nhiệm vụ của những bà mẹ và các cô con gái trong nhà là giữ cái bếp và cái garde-manger luôn sạch sẽ, gọn gàng…
Tới đầu những năm 2000, cái “gạc măng rê” đã bị thay thế bởi các loại tủ lạnh, tủ chén nhôm, nhựa hiện đại hơn, nhưng trong nhiều gian bếp quê thì gạc măng rê vẫn đứng đó, như chứng nhân của những đổi thay thời thế và chứa đựng thật nhiều kỷ niệm của các gia đình.
Xin chép lại bài viết đong đầy cảm xúc về cái gạc măng rê sau đây của tác giả không rõ tên, có lẽ là một người Sài Gòn xưa…
Những năm 50s, khi dân Saigon chưa có tủ lạnh, trong bếp mỗi nhà đều có cái garde-manger đựng thức ăn.
Garde-manger thường làm bằng gỗ, được đóng thành hai tầng. Tầng dưới trữ đồ khô, đồ linh tinh hoặc dụng cụ để nấu nướng, tầng trên để đồ ăn trong ngày tránh ruồi, dán, kiến, tầng trên cùng để mấy hộp sữa mấy lon guigoz bột, đường hoặc gia vị. Cạnh bên hông trái có một thanh gỗ ngang để giắt dao kéo các loại, còn cạnh bên phải Mẹ tôi treo cái vỉ nướng, cái vá, nắp nồi. Garde Manger có 4 cái chân được đăt trên 4 cái chén cù lao bằng đất nung để chống kiến!
Nhớ lúc còn thơ, sau giấc ngủ trưa, việc đầu tiên là xuống bếp mở cái garde-manger để coi bữa nay Mẹ có mua gì ăn xế hông. Bữa nào hổng có là cái mặt tiu nghỉu, hờn giận hông chịu nói năng đùa giỡn… cả buổi chiều…
Garde-manger có cái mùi rất riêng, cái mùi gỗ cũ ám khói, pha lẫn mùi thức ăn, thực phẩm các loại trong cái nóng oi bức của Saigon… Ấy vậy chứ mỗi lần đi đâu xa về, chị em tui cứ chạy xuống bếp hít lấy hít để cái mùi ở trỏng, lục lọi hết cái tủ, như chỉ để biết chắc mình đã về nhà…
Có nhiều cái, nhiều thứ, có muốn níu giữ cũng chẳng được. Cuộc sống đổi thay vèo vèo thì sứ mệnh của Garde Manger cũng thay đổi theo cho kịp thời đại! Với tôi, cái garde-manger chứa cả một trời kỷ niệm ngọt ngào, như những chén chè đậu, những chiếc bánh dân dã mà tôi hằng yêu thích. Hoặc như khi len lén ăn vụng nửa tán đường của Ngoại để dành, cho đến khi kho cá bà mới phát giác.
Ôi tuổi thơ của tôi…, nó nằm trong cái garde-manger cũ xì này đây!