Khóc cho người đồng môn và đồng điệu

Một tuần năm ngày làm việc vất vả trong hãng xưởng. Trời mùa hè thì nóng bức không chịu nổi. Trời mùa đông thì lạnh tái lạnh tê. Vậy mà chiều thứ sáu không thấy bóng dáng ông Cai xách giấy xuống ghi tên những người thứ bảy đi làm giờ phụ trội thì trông ngóng, có lúc còn hơi buồn buồn nữa chớ. Dân bỏ nước bôn đào tị nạn Cộng Sản như chúng tôi được đến vùng đất tạm dung tự do nầy là nhờ phước đức ông bà để lại. Khi trốn chạy, chúng tôi chỉ mang theo hai bộ đồ. Nổi trôi ở hoang đảo, từ đảo nầy qua đảo khác 9, 10 tháng trời thừa chết thiếu sống. Cả gia đình vợ chồng con cái mỗi người có lại bộ đồ dính da.

Đến đây, thân thể tả tơi, sướt mướt, mặt mày còn xơ vơ xửng vửng. Tâm tư tơi bời chưa hoàn hồn mà phải đương đầu với sự quá khác biệt của: người và người, khí hậu, lời ăn tiếng nói, phong tục, tập quánẨ Nếu người bảo trợ xin cho việc làm thì mừng húm. Vợ chồng con cái đứa nào tới tuổi làm được việc, thì đi làm ngay không kén chọn.

Bởi thời gian dù ngắn hay dài sống với Cộng Sản rồi thì mới thấm thía tình người, tình đời, mới biết quý tự do và cái gì cũng quý. Hôm qua tôi trông ngóng thằng cha Cai mắt toi tên Ted, có cái bụng bự thùm lùm còn hơn thùng nước lèo của chú ốn bán hủ tíu ở chợ Vòng Nhỏ, chú Cẩu bán thịt heo ở chợ Hàng Còng  (Mỹ Tho). Ted là người Ba Lan (Phố Lần) theo gia đình di dân qua Mỹ từ hồi còn nhỏ. Hắn lớn con và ột ệch chậm chạp như con dolphin (cá heo). Bởi ú na, ú nần mập quá nên hắn đi còn cách khoảng cả chục thước mà người khác đã nghe tiếng khọt khẹt và tiếng thở khò khè của hắn rồi. Có lẽ vì chung cảnh ngộ của người tị nạn Cộng Sản kẻ trước người sau. Nên hắn rất tốt và dễ dãi với những người làm dưới quyền của hắn. Nhứt là vợ chồng chúng tôi lúc mới vào làm ở xưởng nầy. Và sau đó thứ bảy nào cần người làm thêm thì hắn luôn gọi chúng tôi trước.

Sáng thứ bảy hôm nay không phải đi làm thêm giờ phụ trội. Từ sang sớm tôi đã thức dậy nhưng vẫn trở trăn nằm nướng, nghĩ chuyện nầy chuyện kiaẨ Có những chuyện xa xưa từ mấy mươi năm về trước tưởng chừng đã quên mất nhưng nó vẫn lù lù hiển hiện trở về trong trí nhớ. Phu quân tôi đã thức dậy nấu nước pha trà cúng, và mùi cà-phê vâng vê bay tỏa bát ngát cả căn nhà bếp. Bỗng chuông điện thoại reo vang, tôi chồm qua bàn lấy điện thoại. Nghe giọng nói quen thuộc. Tôi cười trả lời:

- Tôi đây đại ca. Hôm nay sao gọi sớm quá vậy? Không sợ tốn tiền điện thoại sao?

- Thôi mà bà chị! Gần 10 giờ sáng rồi còn sớm nỗi gì? Phải gọi sớm chớ, cuối tuần gọi trễ hai ông bà đi mất lại huốt nữa. Anh chị và mấy cháu có khoẻ không? Hôm nay hai người không đi đâu?

- Có, chiều đi đám cưới. Anh chị và hai đứa nhỏ thế nào, vẫn khỏe chớ? Mấy hôm rày vùng tôi ở có dịch cúm sao mà người ta bịnh quá trời! Ờ, còn vụ đi dự ngày họp mặt của trường hai ông bà tính sao rồi?  “Yes or no?” Đừng có hứa lèo hứa cuội rồi lặn mất đó nghen xếp!

- Hôm nay tôi gọi chị để nói vụ đó đa. Chị nói chuyện với bà xã tôi nghe.

- Khoan đã! Bộ sợ bả đánh hay sao mà không dám nói bán cái cho bả sớm vậy?

Bên kia đầu dây phát ra tiếng cười ha hả ròn rả của Nguyễn Văn Ba. Anh cười rớt cả điện thoại. Đầu dây điện thoại bên đầu dây nầy tôi cũng cười và hỏi:

- Bộ trúng tim đen, tim đỏ, tim chì rồi sao mà cười dữ vậy?

Tiếng cười càng lớn hơn và kéo dài xen lẫn với tiếng sặc:

- Đây, bà xã tôi đây, hai bà cứ thong thả mà nói chuyện. Đừng có ngại chi cả, Nguyễn Văn Ba nầy không có “kẹo” như bà chị đâu.

Tôi cũng cười ha hả:

-  Xì, ngày xưa kìa! Chớ bây giờ tiến bộ lắm rồi xếp Ba à. Đừng có nhắc đến chữ ỀkẹoỂ đó nữa, sẽ mích lòng bà con cô bác lắm nghen!          

Nguyễn Văn Ba hay gọi tôi là bà chị, nhà tôi là ông anh, còn tôi thì hay gọi Nguyễn Văn Ba là đại ca (đại ca của tôi có nghĩa là anh cả thân thiện. Xin chớ hiểu lầm đại ca trong băng đảng, bang hội). Bạch Mai (vợ anh Ba) và tôi chưa gặp bao giờ, nhưng nói chuyện rất hợp từ những chuyện ăn uống, áo quần, xí xọn, nữ trang v.v... Chúng tôi có nhiều điểm rất giống nhau. Cho nên mỗi lần nói chuyện đìện thoại thì bên kia Nguyễn Văn Ba, bên nầy ông xã tôi phải giật dây dụi. Nếu không thì hai chúng tôi quên trời trăng mây gió tha hồ nói, tha hồ kể, tha hồ cười để cho hai ông chồng cuối tháng tha hồ trả tiền điện thoại viễn liên chết luôn.

Ở bên kia phương trời xa xứ lạ miền Bắc Canada, mà từ Chicago chúng tôi đang tạm trú qua đó, phải mấy giờ máy bay mới tới. Xa lắm, vậy mà tôi vẫn nghe giọng nói giòn giã của Bạch Mai như reo:

- Chị Diễm hả?

- Ừa, tui đây! Hôm nay chị không đi làm sao? Tháng trước hai người đã hứa là đi dự đại hội của trường, năm nay tổ chức ở Toronto. Vậy có đi không?

- Có chớ chị. Tụi tui định đi một chuyến để gặp lại bạn bè xưa và nhất là chị. Tụi mình cứ nói chuyện hoài mà không biết mặt nhau. Vả lại ông Ba nói hơn 30 năm rồi chưa gặp lại, không biết bây giờ chị ra sao?

- Vậy hả? Vậy chị nói với mít-tờ Ba dùm: Tui dạo nầy nặng 250 lbs. Đi lệt bệt như con vịt xiêm già. Tóc 3 tuần phải nhuộm một lần, chớ không còn là mái tóc huyền gần chấm eo của ngày xưa nữa. Nếu không nhuộm sẽ là tóc tuyết mùa đông Chicago đó chị ơi.

Bạch Mai (tên bút hiệu của chị Ba) vừa cười vừa nói:

-  Ờ, ở đây sao dễ bị mập quá hén chị Diễm? Tui cũng mập ù hà, nhưng nhờ cao nên cũng đỡ một chút.

-  Chị ơi, mình may mắn được ở xứ tự do. Tiền làm ra cũng dễ, có đồng ra đồng vô. Và thịt thà, cá tôm, rau cải, bánh, trái thứ gì cũng có, cũng rẻ mà lại tươi ngon. Đồ ăn nấu chín vô hộp ở đây vừa rẻ, vừa ngon và đầy đủ chất bổ. Tâm hồn mọi người thoải mái, không lo âu, sợ sệtẨ Thì không mập ú sao được, có đúng không?

Thế là chúng tôi hò hẹn gặp nhau ở Toronto vào ngày 4 tháng 7 năm 1998. Đó là ngày họp mặt của cựu học sinh trường Trung Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm (Cần Thơ). Cứ mỗi năm vào mùa hè những con chim xa đàn từ khắp năm Châu tìm bay về họp mặt. Năm rồi tổ chức ở Houston Texas. Nguyễn Văn Ba không có đi. Nghe tôi đi về kể lại coi bộ ấm ức dữ lắm!

Tôi và anh Thái Minh Kiệt bằng tuổi, nhưng năm tôi học Đệ nhị, anh ta học Đệ nhất, hơn tôi một lớp và học rất giỏi. Tôi quen anh nhờ anh ở cùng nhà trọ với Nguyễn Lăng Thạch. Anh Thạch là quân nhân thuộc binh chủng Hải quân lúc đó đơn vị đóng ở trại Yết Kiêu tại (bến Ninh Kiều).

“...Tàu về bến anh hẹn mình dạo phố “ nhưng “Tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm ...”  thì không! Bởi lẽ nhóm bạn của chúng tôi gồm có: Dương Quốc Hồng, Nguyễn Lăng Thạch, Lâm Văn Ri, Thái Minh Kiệt, Nguyễn Văn Tường cùng vợ là Nguyễn Thị Thu Liễu, Nguyễn Thị Thu Cúc, Nguyễn Thị Bạch Huệ (Thu Liễu là chị của Thu Cúc và  Bạch Huệ), người sau cùng là tôi.

Mỗi lần hẹn nhau đi xem chiếu bóng, nghe nhạc chiều thứ bảy ở bến Ninh Kiều hay đi ăn thì chúng tôi đều đi chung cả nhóm. Đôi khi vắng mặt một hoặc vài người thôi, còn vắng mặt nhiều quá thì không đi. Những người vắng mặt thường nhất là vợ chồng anh chị Tường (kể từ khi họ có con nhỏ). Anh Thạch (hay đi công tác). Kế đó là anh Ri. Chúng tôi đa số còn là học sinh Trung học, nên niềm vui của chúng tôi hạn hẹp trong phạm vi học trò hơn. Có lẽ vì thế nên không mấy thích hợp lắm với anh Ri đang là sinh viên Đại học (Cần Thơ).

Trong nhóm chúng tôi người điềm đạm, dễ cười hơn nói và thật tình nhất là anh Thái Minh Kiệt. Tôi nhớ có một hôm anh rủ cả bọn (ai rủ thì người đó trả tiền) tối đi ăn mì ở quán Bà Tiều (tên nầy do tôi đặt) vì quán không có tên. Chúng tôi không ai chịu nhận lời anh Kiệt. Vì gần đến ngày thi lục cá nguyệt rồi nên cần phải có thời gian để ôn bài.

Nhưng chiều tối hôm đó, Tây Đô chìm trong cơn mưa thu. Mưa phất phơ, mưa giọt ngắn giọt dài, mưa tỉ tê tha thiết hòa với gió hiu hiu lành lạnh chỉ làm lay động những cành cây mỏng. Ngồi học bài nghe mưa rơi lộp độp rào rào bên ngoài. Nhìn bầu trời tối đen không có một ánh sao. Qua ánh sáng của bóng đèn điện vàng vỏ bên ngoài, mưa lất phất xiên xiên theo từng cơn gió nhẹ. Chịu không nổi tôi xếp sách lại, kéo vội áo mưa mặc vào đến nhà chị Huệ gõ cửa rủ đi ăn mì.

Chị Huệ vừa cài nút áo mưa, vừa nhìn tôi hỏi:

-  Sao mấy bữa trước anh Kiệt rủ đi ai cũng từ chối? Giờ trời đang sụt sùi mưa rơi thì bà lại muốn đi? Tôi biết bà mượn cớ thôi chớ đói khát gì, có đúng không?

Tôi háy chị, cười nhẹ rồi hối:

- Thôi lẹ lên! Cứ hỏi hoài hà. Ừ, thì chị biết tui rồi thì còn phải hỏi

Chị Huệ lắc đầu, mắt mơ màng nhìn mưa rơi đều đều, miệng lẩm bẩm:

- Chịu bà thôi! “...Mưa rơi, mưa rơi cho lòng thêm nhớ ai? Hạt mưa...” Đúng là mưa hành bà thật đó!

Đường phố vắng người, lâu lâu mới có chiếc xe lôi đạp chở khách chạy ngang. Tôi cùng chị đi qua những cột có bóng đèn điện giăng mắc trên cao, tỏa ánh sáng mờ nhạt úa vàng. Chúng tôi đi dọc từ hẻm Hai Địa ra đến đường Phan Thanh Giản thì rẽ sang trái. Thời đó hỏi đến hẻm Hai Địa ai cũng biết nhứt là những người phu xe. Vì con hẻm dài ăn thông qua các con đường lớn khác ra cầu Cái Khế, bến Nhị Kiều, đường vào chùa Nàng Tiên... Tuy gọi là hẻm nhưng xe nhà và xe lam chạy vào được. Trong hẻm có nhiều nhà lầu kín cổng cao tường, có những nữ sinh duyên dáng yêu kiều của hai trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm.

Nhưng đó không phải nguyên nhân chánh để nổi tiếng. Mà nổi tiếng (người ta đồn?) ở hẻm Hai Địa có nhà bà Tư chứa lén các cô gái phong hoa tuyết nguyệt.

Tôi và chị Huệ, mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng tư của mình. Chúng tôi không nói lời nào, chầm chậm bước đi trong cơn mưa đêm. Hồn tôi hòa nhập theo những bản nhạc buồn văng vẳng ở quán kem, quán sinh tố rải rác hai bên đường từ đầu hẻm đến hông có hàng rào đá cao của trường Phan Thanh Giản. Đôi song ca Duy Khánh và Hương Lan ngọt ngào thấm đậm tình quê: “…Từ ngàn xưa trong sách sử đến ngàn ngày sauẨ Ta ra đi mang bóng hình của người con gái, trong bóng hình những dòng sông dàiẨ Em ơi ghi nhớ ngày ta cùng sánh bước/ Khi phố phường lên ngập ánh đènẨ Bàn tay âu yếm một bàn tay…”  Đến giọng ca thiết tha lã lướt của Duy Khánh “…Con đường tình sử nằm đây, đường khuya mắt đỏ còn gầy dấu xưa/ Đường chẳng riêng hai đứa mình…” Rồi giọng trầm khàn khàn như ru hồn người của Thanh Thúy: “…Đêm chưa ngủ nghe ngoài trời đổ mưa từng hát rơi… Xin nhớ nhau như tình nhân, tình nhân nhớ, lúc người xa chưa về…”

 Tiếng sấm gầm gừ trong bầu trời âm u. Những tia chớp vội sáng lòe rồi tắt ngấm. Tiếng mưa rơi lác đác hòa với những giọng hát, lời ca buồn trải mênh môngẨ Ngoại cảnh êm đềm đã làm cho tâm hồn tôi xao xuyến, bồi hồi xúc động. Cái bồi hồi xúc động hồn nhiên của tuổi học trò, và của thời con gái vừa mới lớn.

“Thật sự, thuở ngày xưa đó tôi có diễm phúc hơn nhiều người khác ở lứa tuổi mình, như người bạn đang đi bên cạnh chẳng hạng. Tôi cảm nhận được, để hưởng được cái: ỀTôi buồn không biết vì sao tôi buồnỂ. Mà những kỷ niệm đó vẫn còn mãi trong ký ức để rồi mấy mươi năm sauẨ khi gặp cảnh tình gợi nhớ thì dòng hồi tưởng thân thương mảnh liệt êm ả sống lại trong lòng tôi. Như làn gió mát trong trời nắng hạ. Như mạ mới trổ đồng đồng, đơm hột lúa trên đám ruộng thấm đậm nước phù sa của dòng cửu Long giang. Như cây nhú nụ để nở hoa kết trái lành. Như mật ngọt ướp vào hồnẨ Đã vun bồi tạo cho cuộc sống nội tâm của đời tôi thêm yêu thương và thêm phần ý nhị!”

Chúng tôi vào đến tiệm, hàng quán gì mà vắng teo chỉ nghe tiếng mưa rơi và tiếng lách tách lò củi nấu nồi nước lèo đang sôi ùng ục. Ông bà chủ tươi cười chào, chúng tôi chào lại và còn đang loay hoay tìm chỗ máng hai chiếc áo mưa lên thì sau lưng có tiếng cười ha hả và tiếng càm ràm:

- Thua ông Kiệt lần nầy thật đau còn hơn bò đá!  

Tôi và chị Huệ, không ai bảo ai cùng hướng mắt ra cửa. Thấy anh Thái Minh Kiệt và anh Nguyễn Lăng Thạch bước vào tiệm. Ngạc nhiên, chị lanh miệng hỏi:

- Mưa gió thế nầy mà hai anh cũng tới đây? Tôi tưởng có bà nầy “mát-dây” không ngờ bả còn có đồng minh! Cá độ gì mà ăn với thua vậy anh Thạch?

Anh Thạch chào chúng tôi, trả lời:

- Tôi lên giường ngủ rồi thì ông Kiệt lôi dậy bảo với tôi là ra đây sẽ gặp hai cô. Tôi không tin, nói với ổng là tối rồi đường phố mưa gió ướt nhem ai mà đi. Thế là ông ta cá với tôi. Nếu gặp hai cô ở đây thì tôi phải trả bữa ăn nầy, còn nếu không gặp thì hắn sẽ trả. Tôi không hiểu tại sao mà hắn biết hai cô sẽ ra đây. Ê, bộ ông hẹn trước với hai cô để gạt tôi hả ông Kiệt? 

 Chị Huệ lắc đầu cười. Anh Kiệt đứng phía sau anh Thạch cười mím chi cọp đắc ý. Rồi anh trợn mắt phùng mang quạt lại anh Thạch:

- Thua thì chịu đi còn “théc méc” cái nổi gì nữa? Ai mà hẹn với mấy cổ hồi nào đâu? Bộ ông muốn “xù” không trả tiền mì hôm nay hả? Chẳng những ông trả cho tôi mà còn phải trả luôn phần cho hai cổ nữa đó.

Anh Thạch cười như mếu, tôi cũng cười, chị Huệ bảo:

- Thôi tha cho anh Thạch đi anh Kiệt ơi. Hai người cá nhau gì thì chúng tôi không biết. Nhưng chúng tôi ăn thì để chúng tôi trả. Anh Thạch không biết chớ cái bà nầy (Huệ chỉ tôi) rất thích mưa, và cũng ưa đi trong mưa.

- Sao lạ vậy?

Anh Thạch nhăn mặt mở to mắt hỏi. Anh Kiệt cười hì hì trả lời:

- Có gì đâu mà lấy làm “lọa”? Xin ông hãy nghe đây: Thái Minh Kiệt thích đánh cá với người ta và luôn thắng như đêm nay. Ri uống bia như uống nước lả. Chị Huệ thích may áo quần và nghe nhạc tình. Chị Cúc thích ca Giọng Cổ. Còn ông thì thích... Có đúng không?

Khách của tiệm mì Bà Tiều thường là những học sinh xa nhà như chúng tôi. Những người lính trực đêm bên Quân Đoàn IV. Lâu quá rồi tôi không còn nhớ tiệm ấy trên con đường tên gì? Nhưng nếu đứng góc trường nam tiểu học nhìn qua, thì nó ở sau dãy nhà công chức. Từ trường Phan Thanh Giản đi lại không xa lắm.

Mì ở đây nấu không gì đặc biệt. Nhưng nước mì trong, cọng mì ráo, giòn, vừa miệng và nhứt là rẻ. Khung cảnh ở đây đơn sơ bình dân không gì là sang trọng. Nhưng những ngày cuối tuần, những chiều tối mưa rơi rỉ rả, gió lành lạnh. Hai đứa bạn ghé qua ăn tô mì, uống tách trà nóng hay tách cà-phê rồi về nhà trọ thật là dễ chịu và ấm bụng vô cùng.

Cứ mỗi lần anh Kiệt về quê lên là đem cho chúng tôi nhiều mận da người. Loại mận nầy ngon có tiếng cũng là đặc sản của miền quê anh. Trái mận không to lắm khi chín màu da trắng ngà, trên cuống có ít lằn nứt nẻ thì ngọt ơi là ngọt. Vì tôi rất sợ thịt sống nên anh không cho tôi nem Nha Mân như các bạn (loại nem nổi tiếng ngon ở vùng Châu thổ). Còn tôi lần nào về thăm quê ngoại ở Cái Bè trở lại. Ngoài việc mang quà ngoại gửi cho gia đình, tôi không quên xách khoai lang dương ngọc, khoai từ cùi, ổi xẻ có da trắng xanh, nõn nà, bóng lưỡng, ngọt lịm và giòn khưu khứu.

Một hôm bọn chúng tôi ngồi nói về chuyện ăn uống. Kẻ thì thích món nầy, người thì thích món kia, chị Huệ khều tôi:

- Ê, bọn họ đang nhìn bà và chờ kìa. Bà thích món ăn gì? Sao mắt đăm chiêu nhìn trời hiu quạnh không nói gì ráo trọi vậy?

- Tôi à? Tôi thì thích cơm gạo mới ăn với canh khoai từ cùi nấu tép lột vỏ. Cá bóng trứng kho khô để thêm mỡ xắt hột lựu và rắc tiêu cho cay thì tuyệt! Ngoài ra tôi còn ưa khoai lang, chuối nấu, chuối nướng, chuối xào dừa, chuối chưnẨ  Nói tóm lại, tất cả các loại chuối tôi đều ưa thích.

Anh Kiệt chợt hỏi:

- Chị có biết khoai lang đem ngâm nước cách đêm nấu ăn thơm, bùi vô cùng kể không? Và quý vị có ăn khoai lang ăn mày chưa?

 Chị Huệ chưng hửng nhìn anh? Tôi ngạc nhiên thật tình hỏi:

-  Bộ có khoai lang ăn mày nữa hả? Sao tôi chưa bao giờ nghe vậy?

Anh Tường ngồi gần, chọc ghẹo:

-  Có thì nói, không thì thôi đừng đặt ẩu nghe cha nội.

Anh Thạch, anh Hồng ồn ào:

-  Lần đầu tiên tui mới nghe ông nói đó thôi.

Anh Kiệt cười, giải thích:

-  Có gì đâu. Hồi nhỏ, lúc đuổi trâu ra đồng vào mùa khoai, tui cùng lũ bạn rủ nhau đi đào khoai trộm. Bọn tui lấy khoai bó lại bằng đất sét rồi hốt lá cây khô nướng. Khi thấy đất khô có lằn nứt thì biết khoai đã chín. Chu mẻ mẹt ơi! Khoai mới đào mà nướng kiểu nầy ăn thơm và ngọt tuyệt vời. Không tin tui, nếu có dịp quý vị nướng theo kiểu ăn mày tui nói ăn thử, thì sẽ biết ngay.

Tôi cười:

- Thật sao? Nhưng ở đây chúng ta làm gì có đất dẻo mà nướng khoai ăn mày như anh Kiệt nói. Nhà tôi còn khoai lang dương ngọc. Để thứ sáu tôi ngâm nước, chiều thứ bảy đem lại nhà chị Huệ nấu ăn. Mời hết mọi người nghen.

Thế là chiều thứ bảy hôm ấy chúng tôi ráp lại nhà chị Huệ đánh domino, nấu khoai ngâm nước. Nấu chuối xiêm đen chín hườm hườm chẻ đôi lột vỏ. Má chị Huệ còn làm cho chén mở hành, tô nước cốt dừa. Ôi ngon ơi là ngon, làm ai nấy ăn no muốn phát ách, nhưng cái miệng vẫn muốn “thiếm xực” nữa. Vậy mà trước khi về mỗi người còn ăn thêm chè đậu xanh nấu nước dừa xiêm, khổ tai, bột bán cho mát lòng mát dạ.

Đến mùa hè bãi trường thì kẻ về quê, người đi thăm bà con ở xa để thay đổi không khí và quên những tháng ngày miệt mài kinh sử. Trong nhóm bạn đi hết rồi, chỉ còn tôi không về thăm quê ngoại được như những mùa hè đã qua. Vì bên ấy bây giờ động lắm! Đêm đêm Việt Cộng hay mò về đánh mõ đánh trống rùm beng, đào hầm đắp mô... Chúng gây biết bao nhiêu xáo trộn, tai ương thương vong cho dân lành.

Sáng hôm đó, chị Huệ đến nhà chơi cho biết, và rủ tôi tham gia những ngày cắm trại của đoàn thanh niên Thiện Chí (Sài Gòn) về tổ chức trong khuông viên trường Phan Thanh Giản. Ngại tôi không đi, chị ân cần bảo:

- Nhà trường có thông báo, học sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm ai muốn dự thì ghi tên. Bà có muốn ghi tên không? Chút nữa tôi ghi tên, ghi luôn cho bà.

Rồi mùa Giáng Sinh đến. Nhà nhà trang hoàng đèn hoa, phố phường rộn rịp náo nhiệt đón mừng ngày sinh nhật Chúa. Tôi đưa người bạn ở xa đến thăm đi dạo thành phố Tây Đô. Anh là sinh viên năm cuối của ngành Dược (chúng tôi quen trong những ngày cắm trại ở trường mùa hè vừa qua).

Tây đô chẳng có nhiều thắng cảnh như những nơi khác. Sáng tôi đưa anh đi thăm chùa Phổ Quốc. Ngồi thuyền nhìn cảnh hoàng hôn và thành phố về đêm dọc theo bến Ninh Kiều. Chúng tôi đi xem cảnh phồn thịnh ồn ào của chợ vào buổi sáng. Đi qua những gian hàng bán bánh, bán các loại trái cây của miền Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Chúng tôi còn đang la cà qua mấy tiệm sách thì gặp anh Thái Minh Kiệt. Tôi giới thiệu hai người bắt tay nói vài câu xã giao rồi đi. Là người ngoại đạo, nhưng trước khung cảnh rộn rã tưng bừng của những ngày cận lễ Giáng Sinh, tôi cũng nghe lòng mình rộn rã vui tươi và hạnh phúc tràn đầy. ỀBởi vì cô nữ sinh quê mùa vô tư đó!  Đã chập chững bước vào đường tình yêu!Ể

Sáng thứ hai đi học, trên đường đến trường tôi gặp anh Kiệt. Anh hỏi:

-  Hôm cuối tuần chị đi dạo phố với ai vậy?

-  Tui đi mình ên chớ đi với ai? Mà anh thấy hồi nào?

Chợt nhớ, tôi trả lời gọn hơ:

-  Ờ, ở tiệm sách Văn Nhiều đó hả? Bạn tui!

- Quen ở “mô” mà kín dữ quá. Bọn nầy không nghe chị nói tới?

- Quen hôm cắm trại! Anh đâu có dự, thì “răng” mà biết được? Hôm nay sao lạ vậy? Vì tánh tò mò đó không phải của Thái Minh Kiệt?

- Bởi có chuyện rất quan trọng “người ta” nhờ tôi hỏi dùm! Nhưng bây giờ thì khỏi hỏi cũng đã có câu trả lời rồi.

Câu chuyện đến đây thì anh Kiệt rẽ vô trường Phan Thanh Giản. Còn tôi thì phải đi qua khỏi cửa trường, quẹo trái đi cặp theo hông trường qua ngang chợ cầu Cả Đài để đến trường Đoàn Thị Điểm.

Đến giờ chơi gặp chị Huệ. Tôi lật đật đem câu chuyện gặp anh Kiệt kể cho bà ta nghe. Nghe xong  bả nheo mắt sáng ngời, cười chúm chím chẳng nói chẳng rằng? Thấy cái mặt khinh khỉnh của mụ làm tôi ứa gan. Nhưng cuối cùng tôi phải xuống nước nhỏ, đề nghị hối lộ.  Chúng tôi là thế đó, hay cá, hay hối lộ nhau để có dịp đi ăn hàng. Mụ nầy hôm nay chơi tôi vố coi bộ nặng đòn! Tôi phải đãi mụ ta đi xem chiếu bóng ở rạp Tây Đô, ăn mì, uống sinh tố v.v... Ôi nhiều thứ lắm thì mụ mới ỏng ẹo bật mí:

- Thì có gì đâu ! Anh Kiệt muốn làm ông mai cho bà đó mà.

Mụ nói xong cười tòe cái miệng trêu ghẹo! Tôi tròn mắt ngạc nhiên quá đỗi, rồi sừng mặt nạt tưới hột sen:

- Trời đất! Nói bậy nói bạ gì đây? Ê đừng đặt điều nói xạo nghen. Anh Kiệt không có tào lao như vậy đâu! Bà gạt tui, thôi huề không đãi gì ráo!

- Ê, ê... ăn gian quá vậy... Ê, ê ... đồ mắc toi đừng có ăn gian đó nghen?

Tôi không thèm quay lại, cắm đầu đi nhanh!

Anh Thái Minh Kiệt đậu phần hai thì vào Đại học khoa học, và sau đó làm giảng viên trường Đại học Cần Thơ. Anh Dương Quốc Hồng về Long Xuyên làm cậu hai nối nghiệp thương gia của ông già (thương gia thuộc về loại bán xi măng cốt sắt cho người ta xây nhà) và sau đó vào binh chủng quân y. Anh Thạch theo tàu chiến ra khơi. Chị Cúc chết vì đạn pháo kích của VC. Chị Huệ học Sư phạm ra trường đi dạy học ở Châu Đốc và kết hôn với một đồng nghiệp trong vùng. Anh Ri vào quân trường Thủ Đức ra làm việc và lấy vợ đâu ở ngoài miền Trung. Tôi học ngành y, sau khi ra trường về làm ở Mỹ Tho.

Quê hương giặc giã càng ngày càng ác liệt. Mỗi người chúng tôi có mỗi hoàn cảnh, không còn vô tư nhìn thiên hạ sự như thuở tuổi học trò. Tôi rất là bận rộn với nghề của mình rồi lập gia đình, có con. Ngày anh Dương Quốc Hồng cưới vợ nghe đâu có anh Kiệt đến dự. Tôi nhận được thiệp mời, nhưng không đi được chỉ điện tín chúc mừng...

Mấy năm sau ngày 30 tháng tư 1975 Việt Cộng cưỡng chiếm toàn cõi Việt Nam. Trong dịp theo toán y tế đến công tác tại bệnh viện Long Xuyên. Vùng đất Phật nước ngọt muôn đời. Trên đường đi về Châu Đốc có bến Năng Gù, đò đưa vào làng Hòa Hảo. Có rặng núi Sam, núi Sập xám nhạt mơ màng xa xa. Có ghe thương hồ xuôi ngược trên dòng An Giang êm đềm chảy. Có cô lái đò đưa đẩy mái chèo vang câu hò tình tứ giữa đêm khuya trăng sáng. Ở trong những nhánh sông rạch dọc theo dòng Cửu Long có nhiều cá tôm ở từ biển Hồ đổ về vào mùa nước. Có chợ bán trái cây một chục đủ đầu (16, hoặc18 trái). Còn nhiều, nhiều lắm. Và nhất là người dân ở đây hiền lành chân thật. Tôi không được sinh ra và lớn trong vùng đất hiền hoà nầy, nhưng Long Xuyên đã cho tôi thật nhiều thương mến.

Sau ngày làm việc ở bệnh viện, tôi và hai người công tác chung đi dạo phố. Tiện dịp tôi rủ họ tìm thăm người bạn mà trước năm 1975 gia đình anh cư ngụ (ở tại số 8-10, đường Tự Do, Long Xuyên).

Khi đến nơi, tôi mới hay nhà đã đổi chủ. Nón cối dép râu đang chiếm ngụ! Tôi thở dài chán nản.Tôi lang thang trở về quán trọ, lòng suy nghĩ miên man: cơ trời, vận nước nổi trôi rồi không biết ngày sau sẽ ra sao? Bỗng nghe tiếng chân chạy lịch bịch phía sau lưng, quay lại tôi thấy một cậu bé chừng mười lăm, mười sáu tuổi thở hổn hển hỏi:

- Cô ơi, cô muốn tìm ai trong nhà đó vậy?

- Tôi muốn tìm anhbạn xưa tên...

- Nhà bị kiểm kê lâu rồi. Gia đình chú ấy bây giờ ở đường... quẹo trái...  quẹo phải thì cô sẽ gặp ngay.

Theo lời cậu bé chỉ, chúng tôi đã đến đúng nơi và gặp đúng người. Anh vẫn cười nói vui vẻ như xưa, nhưng có vẻ già dặn và tháo vát hơn. Nói chuyện một hồi tôi hỏi:

- Sao chị và cháu đâu rồi anh?

- Cô xui thiệt, tôi mới đưa mẹ con bả về ngoại chơi hồi sáng, ngày mốt mới về, không thì hai người gặp nhau rồi. Bà xã tôi là em của ông N đó, cô có biết không?

- Nghe tên quen lắm, không biết gặp chưa? Tôi còn nhớ trong bọn chúng mình ai cũng gọi anh là “D Q H vĩ đại”. Nay biết bao nhiêu là thay đổi của cuộc đời, anh vẫn “vĩ đại” như xưa! Trời có sập đi nữa mặt mày anh vẫn tỉnh bơ, tươi rói.

Hai người đi chung với tôi xin đi nhà vệ sinh. Anh Hồng cười ha hả bảo:

- Cô nhỏ tiếng một chút chớ. Ngày xưa gọi như thế thì được, bây giờ coi chừng đi học cải tạo cả đám bây giờ. Vì những chữ  đó chỉ để dành cho bác thôi ! Tôi hỏi thật, gia đình cô có suy tính gì không? Tôi muốn hỏi có định dời đổi đi đâu không?

Tôi nhìn vào phía nhà vệ sinh, chưa thấy hai người bạn trở ra, vội nhỏ giọng nói nhanh:

- Chúng tôi định “đi”. Còn gia đình anh thì sao? Bên nầy có chỗ nào không, nếu được chúng tôi đi chung với?

- Cô còn nhớ ông Kiệt không? Nhà hắn ở chỗ rất tiện cho việc ra đi, để tôi liên lạc, có tin gì sẽ cho cô hay.

Tôi cười buồn:

- Trước sau gì chúng tôi cũng đi anh ơi. Ông xã tôi vừa bị cải tạo về cứ lo sợ phập phồng hoài, sống kiểu nầy chắc chết sớm quá! Ờ nếu chúng ta đi chung thì tốt, không đi chung mà còn sống sót ra được ngoài đó nhớ hãy tìm lại nhau nghen.

Khi cuộc sống ở xứ người tạm thời ổn định, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm gia đình những người bạn xưa của phu quân tôi và của tôi. Sự tìm kiếm hết sức khó khăn vì người Việt sống rải rác, báo chí Việt ngữ lúc bấy giờ thật hiếm hoi ít ỏi, thư gởi qua lại Việt Nam phải mất cả nửa năm. Mãi đến gần mười năm sau chúng tôi mới tìm được địa chỉ của anh chị Dương Quốc Hồng ở nước Úc. Thư đầu tiên anh Hồng gửi cho chúng tôi có viết mấy câu: “Cô còn nhớ Thái Minh Kiệt không? Ông ấy bây giờ là nhà văn Nguyễn Văn Ba đó... Địa chỉ đây, điện thoại đây, hãy liên lạc với nhau đi nhà thơ nhà văn bạn của tôi ơi”.

Tôi hồi hộp đọc đi đọc lại số điện thoại hoài, nửa muốn gọi, nửa lại ngại, nghĩ rằng anh Thái Minh Kiệt bây giờ là nhà văn lớn, không biết có còn nhớ người bạn đồng môn nầy không? Thôi thì hãy nhẫn nại viết vài chữ xem tình hình ra sao đã.

Khoảng mười ngày sau, bất ngờ tôi được cú điện thoại viễn liên:

- Chị Dư Thị Diễm Buồn phải không?

- Dạ, tôi đây.

- Biết ai gọi không?

- Dạ thưa không. Xin lỗi vị nào ở đầu dây bên kia vậy?

- Thái Minh Kiệt, nhớ chưa? Mừng quá được tin chị. Gia đình chị đang ở Chicago tiểu bang Illinois thì phải?

- Dạ đúng, tôi cũng mừng lắm. Anh chị được mấy cháu? Tôi có biết bà xã anh không? Tôi muốn hỏi bả có học trường mình không đóẨ

- Chắc là không đâu, nhưng bả đây nè hai người nói chuyện làm quen đi.

- Chào chị Kiệt.

- Chào chị Diễm...

Thế là chúng tôi hỏi thăm nhau từ người trong gia đình, từng đứa con, học hành tuổi tác của chúng v v...

Trước khi gác điện thoại, chị Kiệt có nói với tôi:

- Chị Diễm ơi, chúng tôi rất hiếu khách, khi nhận được thư chị, ông Kiệt mừng quá “chời” lật đật gọi vào cho tôi biết còn dặn tan sở về nhà đừng có ghé đâu để cùng nói chuyện điện thoại thăm chị. Vậy từ rày rỗi rảnh mình gọi điện thoại cho nhau nghen. Nhớ nghen chị Diễm...

Lời nói chân thật của chị Kiệt, là sợi dây thắt chặt thêm tình bạn, tình đồng môn đồng điệu giữa anh chị và vợ chồng tôi. Thế là tuần nào cũng điện thoại, chúng tôi không gọi thì anh chị gọi qua. Có lần anh Ba hỏi tôi :

- Thơ chị phổ biến có được nhiều không, ai bỏ tiền in ấn vậy?

- Ông xã tôi bỏ tiền chứ ai, nhờ độc giả thương nên cũng được... Chắt mót đủ tiền là tôi in tác phẩm mới ngay. Thật ra tôi sáng tác với tính cách văn nghệ thôi anh ơi, không nghĩ đến chuyện lời lỗ, chỉ mong văn thơ mình đến với càng nhiều người và càng xa càng tốt...

- Chị gởi cho tôi xin mười lăm, hai mươi cuốn được không?

- Trời đất, sao muốn nhiều dữ vậy đại ca? Nhưng thôi cũng được để hôm nào tôi sẽ gởi cho anh.

Bên kia đầu dây anh cười tồ tồ không trả lời. Anh biết vì chúng tôi hay nói chơi với nhau như lúc còn đi học. Khoảng đôi ba tháng sau, tôi nhận được những tờ nguyệt san, bán nguyệt san ở khắp nơi gởi tặng và cảm ơn tôi biếu thi phẩm. Hơi lấy làm lạ tôi gọi điện thoại hỏi, Nguyễn Văn Ba trả lời rằng: “Thơ chị có hồn lắm, phải bung ra cho người ta biết chớ. Nên tôi đã gởi cho mấy tờ báo tôi đang cộng tác...”.

“... Khi đặc san Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm sắp lên khuôn. Chúng tôi nhận được thư cấp tốc của nhà văn Nguyễn Văn Ba gởi bài của nhà thơ Dư Thị Diễm Buồn đến và anh cho biết chị là cựu học sinh của trường...” Đó là lời nhắn tin của ban biên tập đặc san đầu tiên. Về sau anh còn giới thiệu cho chúng tôi quen biết được rất nhiều bạn tốt. Tôi với anh dự định sẽ viết chung một quyển sách, và nếu không gì trở ngại sẽ ra mắt những tác phẩm của anh và của tôi ở Louisiana vào dịp Tết Kỷ Mẹo do một nhóm anh chị yêu thích văn nghệ ở đây có nhã ý tổ chức. 

Một hôm anh Ba điện thọai cho tôi, nói chuyện vòng vo tam quốc một hồi rồi hỏi:

- Chị Diễm về làm việc và ở Mỹ Tho bao lâu?

- Trước sau gần khoảng 15 năm. Chi vậy, bộ có ai đòi nợ tôi hả?

- Không, vì đặc san cựu học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu và Lê Ngọc Hân sắp ra. Tôi biết ông anh nhà là cựu học sinh từ đệ thất đến đệ nhất, nên muốn anh chị gởi bài qua để tôi gởi cho kịp...

- A, thì ra nhờ hơi hám của nhà văn Nguyễn Văn Ba, nên họ mới cho đăng thơ của tôi há...

- Thật khổ quá bà chị ơi, bà chị có ít tác phẩm hơn Nguyễn Văn Ba, nhưng đã qua mặt Nguyễn Văn Ba rồi. Thật tình mà nói cho dù một người khó tánh đến đâu khi đọc tác phẩm chị rồi, họ cũng có ít nhiều mỹ cảm với văn thơ của chị...

- Thôi đủ rồi, tội nghiệp quá Nguyễn Văn Ba! Đừng cho tui đi tàu bay giấy!

- Tôi nói thật đó, chị phải nhận rằng mình có thực chất chớ. Nếu không thì học giả Thái Văn Kiểm, nhà văn Nguyễn Thị Vinh, nhà văn Hồ Trường An làm sao mà viết tựa cho những thi tập của chị. Bộ chị tưởng ai họ cũng nhận viết cho sao?

Nghe anh khen tôi khoái chí trong lòng lắm, nhưng vẫn nói:

- Thôi thì cứ thả cho diều bay cao rồi lấy kéo cắt dây đi xếp...

Tiền họp mặt của đại hội cựu học sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm được họp tại nhà anh chị Trần Ngọc Xướng. Bắt đầu từ 4 giờ chiều, quý anh chị đến gần như đã đủ mặt. Sao 6 giờ rồi còn chưa thấy vợ chồng Nguyễn Văn Ba? Bạch Mai thì tôi không biết mặt nhưng anh ấy chắc chắn phải biết chớ? Sao lạ vậy cà? Trước ngày đi dự đại hội, vợ chồng anh nói là 11 giờ sáng thì có mặt tại Toronto rồi mà. Tôi còn đang nghĩ ngợi thì anh Nguyễn Văn Thùy ở Michigan (Ngày xưa làm chung với Thái Minh Kiệt) nắm tay tôi kéo lôi đi:

- Lại đây Diễm Buồn, lại coi ai đây!

Hắn không thay đổi nhiều, vẫn cao ráo, mặt mày điềm đạm, tươi vui và đang bắt tay chào hỏi bạn bè. Hắn chỉ có hơi mập hơn xưa một chút thôi. Tôi nhịn không được, gọi lớn:

- Thái Minh Kiệt! Nguyễn Văn Ba!

Chúng tôi tay bắt mặt mừng mà tôi cảm thấy nghẹn ngào như muốn khóc! Qua bao nhiêu vật đổi sao dời. Mấy mươi năm rồi chúng tôi mới gặp lại nhau. Cả buổi tiền họp mặt tôi và bà xã anh tăng lăng tíu líu, cười cười, nói nói, chào hỏi anh nầy, nói chuyện với chị kia... Trước ngày đến đây anh Ba và tôi hẹn là sẽ có một buổi họp với một vài bạn văn nghệ để chuẩn bị ra “Tuyển Tập Những Cây Viết Miền Nam tập 3”. Nhưng tôi không ở lại họp được, vì 11giờ đêm xe phải đưa một số về khách sạn trong đó có tôi. Bởi xe anh chị có phận sự đưa đón, còn phải đi rước một số người ở xa. Mãi 12 giờ họ  mới đến phi trường. Anh chị Ba thì ở nhà anh chị dược sĩ Hai, còn tôi thì ở khách sạn. Tôi nói với anh Ba cứ họp đi, vì sáng ngày mai chúng tôi có hẹn sẽ đi ăn sáng chung với anh Thùy, với một số anh chị đồng môn khác.  Sau đó sẽ dạo phố Tàu Toronto, chụp hình kỷ niệm. Nhứt là ăn trái cây của vùng Á Châu như nhãn, sầu riêng, bòn bon, mít, sa bô-chê... Thì chúng tôi sẽ có rất nhiều thời gian để bàn chuyện.

Như đã hẹn chúng tôi gặp nhau, rồi đi suốt từ 8 giờ sáng đến hơn 4 giờ chiều mới về tới khách sạn. Tôi lanh lẹ đi tắm rồi thay đồ để đi đến địa điểm buổi tổng họp mặt ở đại hội và sau đó dự tiệc. Tôi quá giang xe của anh Phạm Thành Tính và gia đình Mỹ Châu. Đến nơi tôi vừa lấy sách để lên bàn thì Nguyễn Văn Ba cũng tò vò mang sách tới. Năm nào cũng vậy, trong buổi họp mặt, ban tổ chức luôn dành riêng một dãy bàn dài, cho anh chị văn nghệ sĩ cựu học sinh trường trưng bày và phổ biến tác phẩm của mình. Ngoài những tác giả tôi đã diện kiến năm rồi, năm nay có anh Phạm Phong Dinh, Nguyễn Văn Ba, Diễm Phượng...  Tôi hỏi anh Kiệt:

- Ụa ai chở anh lại đây? Còn hị Ba đâu?

- Con anh Hai chở đến. Bả đi sau với anh chị Trần Thanh Nhiên.

Anh Ba trả lời. Chúng tôi ai nấy lo xếp sách của mình lên bàn. Có một chị đồng môn đến cầm thi tập xem một hồi rồi. Chị nhìn tôi hỏi:

- Chị Diễm học Đoàn Thị Điểm hả? Có phải tên thật của chị là MT không?

- Dạ đúng, sao chị biết?

- Tôi nghe các bạn gọi. Xin lỗi ngày xưa chị có phải là bồ của nhà văn NV không?

Tôi chưng hửng nhìn, không biết tại sao chị hỏi vậy? Nhưng mỉm cười, tôi hỏi lại:

- Bộ giống lắm sao? Hay tên lại trùng tên? Không phải đâu chị ơi, tôi làm gì có được diễm phúc đó...

Đợi chị ấy đi rồi, anh Ba cười hì hì:

- Chị già rồi mà cũng còn có duyên...

Tôi cũng cười:

- Thôi được rồi nghe Nguyễn Văn Ba. Tui kỵ nhất là chữ  “già” đó!

Chợt Nguyễn Văn Ba hỏi tôi:

- Chị Diễm có biết Lý Tòng Tôn không ?

Tôi ngưng tay, châu mày cố nhớ. Nhưng mỉm cười lắc đầu trả lời anh:

- Không biết, đồng môn hả ? Nhưng tên nầy tôi cảm thấy quen quen, hình như đã nghe được ở đâu rồi?

- Ờ, bạn thân lắm, rất thân với tôi. Ngày xưa có dạo chúng tôi làm việc chung ở Đại học Cần Thơ. Chắc là chị nghe giống với tên Lý Tòng Bá chớ gì?

- Vậy thì làm sao tôi biết được? Tại sao anh hỏi tôi về người nầy? Có lẽ đúng ông Lý Tòng Bá! Phải  ngày xưa ở binh chủng Thiết Giáp phải không?

- Tôn là em ruột ông Lý Tòng Bá. Coi bộ chị cũng nhớ dai giữ đa.

- Anh quên rồi sao? Chúng ta đi dự lễ ngày Quân Lực, Ngày Quốc KhánhẨ Trong khi diễn hành luôn nghe xướng danh đến những vị Ẩ

Thế là anh Ba say sưa kể về ông bạn Lý Tòng Tôn của mình. Anh kể nhiều chuyện. Trong đó Nguyễn Văn Ba có nói:

- Lý Tòng Tôn đẹp trai, vui tánh, chân thật, dễ thương, ăn nói hoạt bát... Dù người khó tánh đến đâu cũng không nhịn được cười khi nghe anh nói tếu. Thấy anh ta từ xa đi lại là thấy hàm răng trước…

Tôi lanh miệng hỏi:

-  Anh ta có nhiều ưu điểm vậy à? Có phải là anh Bảy Chà quảng cáo kem đánh răng Hynos không? Nên mới thấy hàm răng trắng trước?

Anh Ba cười ha hả, cười đến sặc và làm rơi mấy cuốn sách xuống nền gạch. Hụt hẩng trong tiếng cười, anh sua tay bảo:

-  Không, không đâu, tôi muốn nói ảnh vui vẻ thấy mình thì cười trước rồi chào sau đó mà. Chị biết không? Những người có tướng như Lý Tòng Tôn sung sướng cả đời.

Tôi cười:

- Vậy sao? Ai biết đâu. Tại anh nói không rõ chi. Ụa, anh bây giờ có thêm nghề coi tướng nữa hả? Bộ được trả tiền công sao mà nãy giờ tôi nghe anh khen ảnh nhiều đó?

- Làm gì có. Bởi chị với bà xả của ảnh có tướng hao hao giống nhau. Bà xả ảnh mảnh khảnh, có dáng như liễu, như mai.

Tôi biết Nguyễn Văn Ba muốn chọc ghẹo mình, nên ngắt lời:

- Thôi, anh có muốn nói tui mập thì nói đi, còn làm bộ nói quanh nói quẩn để chọc quê tui nữa. Chị Tôn gì đó, vóc dáng thanh cảnh như liễu yếu mai gầy. Còn tui ỡmình hạt xương cối đạpữ, mập như cái bồ lúa thì giống nổi gì mà giống? Đừng có xạo nghen!

Các đồng môn đang nhìn, và đọc những tác phẩm bày trên bàn. Chợt nghe tôi và anh Ba nói chuyện. Không ai bảo, cả bọn chúng tôi cùng phá lên cười muốn vở nóc ngói.

Mấy anh chị xếp sách của mình lên bàn xong tản mác đi tìm bạn bè nói chuyện. Ở đây giờ chỉ còn tôi và anh Ba. Anh đang ghi lại gì đó trên giấy. Tôi thì sửa lại những tập thơ, các băng thơ CD, cassette cho ngay hàng thẳng lối. Tôi bảo:

- Anh Ba, một hồi sắp sách vở xong nếu anh đi thì tôi ngồi đây. Còn nếu anh ở đây thi tôi đi một chút sẽ trở lại. Để tìm coi có người nào quen đến, mà hôm qua mình chưa gặp không?

Thời gian như cơn gió lốc, sự lão hóa không chừa một ai! Qua cơn quốc nạn, cùng thăng trầm biến đổi của quê hương. Đồng môn, thầy cô hình dáng đổi thay, tóc đã phai màu khó mà nhận ra ngay được. Mấy mươi năm rồi chớ có ít ỏi chi đâu! Nơi xứ người, bây giờ mới có dịp gặp lại. Họ kể cho nhau nghe những kỷ niệm vui buồn thuở học trò và thời thanh xuân. Buổi đại hội của trường hôm nay thật tưng bừng, rộn rã tiếng nói cười vui tươi, thân thương, nồng ấm.

Không nghe tiếng Nguyễn Văn Ba trả lời. Tôi quay lại thấy anh như nửa ngồi nửa nằm trên ghế, đầu tựa lên bàn, mặt mày tái mét. Biết chuyện chẳng lành, tôi bước lại gần anh hỏi nhanh:

- Anh Ba, anh Ba! Anh có sao không? Anh có sao không anh Ba?

Anh dưa tay ra dấu như muốn viết. Tôi chụp ngay giấy viết trên bàn. Nhưng tay anh cầm viết không vững, không viết được. Tôi bước lẹ sang bên hông, đưa tay đỡ đầu anh lên vì sợ anh té. Tôi nói với anh:

- Tôi gọi mấy người kia giúp nghe anh Ba?

Anh quơ quơ tay có ý không cho! Nhưng anh nặng quá tôi không thể đỡ lâu nổi. Người đầu tiên tôi thấy và biết tên để gọi là anh Mậu. Nhiều anh chị chạy đến, có bs Hên. Chị Ba cũng hớt hải chạy lên cầu thang! Rồi xe cứu thương chở anh vào bệnh viện.

Nơi xứ lạ quê người, dư thừa vật chất thiếu thốn chân tình! Có được một người bạn như anh chị Nguyễn Văn Ba chúng tôi thật may mắn vô cùng. Trong thi tập “Những Ngày Xưa Thân Ái” tôi xuất bản đầu năm 1998, anh Ba viết lời bạt lấy tựa đề là “Viết Cho Người Đồng Môn Và Đồng Điệu”.

Kể từ sau ngày 4 tháng 7 năm 1998, vào cuối tuần chúng tôi không còn nghe giọng nói tiếng cười của Nguyễn Văn Ba Ố Thái Minh Kiệt bên kia đầu dây điện thoại nữa.

Đêm 14 tháng 8 năm 1998.
Thái Minh Kiệt - Nguyễn Văn Ba
Đã vĩnh viễn từ giã cõi đời.


Anh ra đi để lại bao nhiêu tiếc thương cho gia đình và bè bạn...

“Sau hơn 33 năm, chúng ta mới gặp lại nhau. Không ngờ đây là lần gặp sau cùng! Tôi xin đốt nén hương lòng khóc thương anh! Người đồng môn Thái Minh Kiệt! Người đồng điệu Nguyễn Văn Ba. Anh Thái Minh Kiệt ơi! Hôm nay tôi viết những dòng tâm sự nầy để tưởng nhớ đến anh. Nhớ đến thuở chúng ta còn tuổi học trò và thành nhân trên quê hương và nơi xứ người”.
 
Mùa Thu năm 1998
Tệ xá Diễm Diễm Khánh An