Lâm Vĩnh Bình, gạch nối lịch sử hôm qua và ngày mai?

Tác phẩm “Giá Tự Do” của tác giả Lâm Vĩnh Bình. (Hình: Người Việt)

Ba năm trước đây, tác phẩm “Giá Tự Do” của nhà nghiên cứu, Lâm Vĩnh Bình đã được Đại Hội Nha-Y-Dược Thế Giới kỳ thứ 8, ở Úc, trao tặng giải thưởng văn học chủ đề “Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Sau 39 Năm: Chân Dung, Thành Quả và Tương Lai.”

Mới đây, tác phẩm công phu này lại được Người Việt Books ấn hành tại Hoa Kỳ, 2017.

Tìm hiểu tiểu sử tác giả “Giá Tự Do,” người ta được biết, nhà nghiên cứu, Lâm Vĩnh Bình là một nhân sĩ của cộng đồng người Việt Canada. Ông là tác giả nhiều bài viết về các vấn đề giáo dục, văn hóa, xã hội đã đăng trên báo giấy và báo mạng thế giới.

Năm 1964, họ Lâm tốt nghiệp Ban Sử Địa trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn và cử nhân Văn Khoa Đại Học Sài Gòn. Từ năm 1964 tới 1975, ông lần lượt là giáo sư, hiệu trưởng trường trung học Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, ngôi trường đầu tiên do người Pháp lập ở Nam Kỳ năm 1879 và cũng là trường trung học lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sau đó ông là Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh tỉnh Định Tường: Quản trị các trường trung, tiểu học công lập, bán công trong một tỉnh có gần nửa triệu dân. Ông cũng được đề cử kiêm nhiệm chức vụ tổng thư ký viện Đại Học Tiền Giang. Ông đảm nhận hai chức vụ này tới Tháng Tư, 1975.

Định cư tại thành phố Montréal, Canada, từ Tháng Năm, 1975, sau khi tốt nghiệp cao học Thư Viện Học tại Université de Montréal, tác giả “Giá Tự Do” đã làm việc tại Đại Học Polytechnique và thành phố Montréal qua nhiều chức vụ chỉ huy cho tới khi về hưu năm 2007.

Đề cập tới lý do đưa tới nỗ lực hoàn toàn tất công trình đáng kể, viết về “Tị Nạn và Lập Cư,” nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Bình cho biết, ông rất băn khoăn về thế hệ con cháu của chúng ta, khi thế hệ cha, ông lần lượt vĩnh viễn ra đi mà, không có:

“…một văn bản ghi lại quá khứ, để chúng biết lý do của cuộc ra đi, hành trình gian khổ của ông cha trên đường vượt biển vượt biên cũng như những ngày tháng họ phải khiêng vác trong các hãng xưởng hay phải đi học lại buổi tối sau một ngày làm việc cật lực cốt để đưa chúng bằng mọi giá trở lại trường học hầu có một ngày mai tươi sáng trên trường đời…”

Gần hơn, trong “Lời Nói Đầu” trước khi bước vào “Giá Tự Do” do Người Việt Books xuất bản tại Hoa Kỳ, 2017, họ Lâm viết:

“…Là người được đào tạo trong ngành sử học và thư viện học, chúng tôi không tránh được nỗi bi phẫn khi đọc những sử liệu gian dối viết bởi những người Cộng Sản và được lập lại, đôi khi được huyễn hoặc thêm bởi những luận điệu thiên vị bởi các tác giả Tây phương mà các thế hệ thứ hai thứ ba đang bị nhồi nhét vì không đọc được chữ Việt.”

“Quyển sách này được viết trong những ưu tư vừa kể. Bị thôi thúc vì nhu cầu cần một tài liệu trung thực cho độc giả đại chúng, bị giằng co vì khả năng giới hạn đối với độ lớn của chủ đề, cuối cùng chúng tôi cố gạt bỏ mọi ý tưởng tiêu cực để thực hiện dự án mà chúng tôi đã thao thức từ ngày bắt đầu vô ngành thư viện. Một mình, như người điếc không sợ súng.”

“Tuy vẫn biết như vậy, cuốn sách vẫn được thực hiện với những nguyên tắc căn bản của ngành biên khảo”


Đúng như lời “bộc bạch” của họ Lâm, tác phẩm “Giá Tự Do” được xây dựng trên số tài liệu phong phú, chọn lọc, khách quan.

Đồng thời ở mỗi chương mục của tác phẩm dày hơn 400 trang khổ lớn này, luôn có những bảng liệt kê, hay những biểu đồ so sánh các con số, cho thấy tác giả thận trọng với từng dữ kiện, cân nhắc từng chi tiết để trả lại sự thật khách quan cho một giai đoạn lịch sử quan trọng và, cũng đầy thương đau của tập thể Việt tị nạn, rải rác khắp năm châu.

Ở tác phẩm “Giá Tự Do,” người đọc gần như không thấy chỉ dấu cảm xúc cá nhân mà, chỉ có những dữ kiện, những con số, tự chúng nói lên sự thật, từng bị chôn vùi, xuyên tạc bởi nhiều học giả, với nhiều lý do, uẩn khúc khác nhau!

Ngay với phần “Thay Lời Kết,” trước khi cuốn sách được khép lại, họ Lâm cũng đã chọn một phần trong “Lời Bạt” của tác phẩm “A Reporter’s Love for Awounded People” xuất bản năm 2013 của ký giả Uwe Siemon-Netto – một nhà báo người Đức, từng có mặt trên các chiến trường miền Nam Việt Nam, từ Pleime tới Mậu Thân/Huế, 1965 tới 1972. Ký giả này đã không che giấu sự bất mãn trước những sự thật của chiến tranh miền Nam, bị bôi bẩn của quá nhiều những “sử gia” và những “học giả!” Ông viết:

“…Tôi không có mặt vào lúc Sài Gòn thất thủ khi toàn bộ các đơn vị Quân Lực VNCH thường xuyên bị bôi bẩn một cách ác độc bởi truyền thông Hoa Kỳ, giờ đây bị những người đồng minh Mỹ của họ bỏ rơi, đã chiến đấu một cách cao thượng, dù biết rằng họ không thể sống sót sau trận đánh cuối cùng này. Tôi đang ở Paris, lòng sầu thảm khi tất cả chuyện này xảy ra và tôi ước gì có dịp tỏ lòng kính trọng với năm vị tướng lãnh VNCH trước khi họ quyên sinh lúc mọi chuyện chấm dứt, một cuộc chiến mà họ có thể thắng: Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, và Phạm Văn Phú…”

***

Với nhiều người, tác phẩm “Giá Tự Do” của Lâm Vĩnh Bình, không chỉ là một nỗ lực trả lại sự thật, trả lại danh dự cho tập thể người lính cũng như mấy triệu đồng bào tỵ nạn Việt khắp năm châu, mà “Giá Tự Do” của họ Lâm còn như một ném hương thắp muộn, gửi tới gần nửa triệu đồng bào vùi thân dưới biển sâu, hay mất xác giữ rừng sâu… trên đường đi tìm tự do.

Chính những nén hương thắp muộn, tưởng nhớ tới những người đã nằm xuống kia, của nhà nghiên cứu Lâm Vĩnh Bình, sẽ là đường dẫn tâm linh, giúp những thế hệ trẻ mai sau, cảm nhận được sự thật của bi kịch không thể to lớn hơn trong lịch sử cận đại Việt Nam, giai đoạn 1954-1975. (*)

—–—–—–—–

(*) Được biết, ngoài bản tiếng Việt, cũng có bản tiếng Anh nữa.