Nguyễn Vy Khanh: ‘Đòi hỏi tính văn học 100% là không tưởng’


Nhà văn Nguyễn Vy Khanh (Hình: Hoàng Trọng)

Cùng lúc tập thể tị nạn của người Việt khắp thế giới nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, tưởng niệm Tháng Tư Đen lần thứ 44, là sự xuất hiện của bộ sách “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” do ba tác giả Khánh Trường, Nguyễn Vy Khanh và Luân Hoán thực hiện.

Bộ sách gồm bảy cuốn khổ lớn, bìa cứng, mỗi cuốn dày trên dưới 700 trang, tổng cộng 4,900 trang, được dư luận ghi nhận là công phu, đồ sộ nhất của sinh hoạt văn học hải ngoại trên 40 năm qua. Chúng tôi phỏng vấn tác giả Nguyễn Vy Khanh, hầu gửi đến bạn đọc cái nhìn sát thực với ít nhiều trân trọng dành cho công trình đó.

*Du Tử Lê: Là cây bút phê bình văn học tên tuổi, xin ông cho biết vai trò và trách nhiệm của ông trong việc thực hiện bộ sách “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)?”

-Nguyễn Vy Khanh: Khoảng Tháng Tư, 2018, anh Khánh Trường đã liên lạc mời tôi và nhà thơ Luân Hoán cùng anh thực hiện bộ sách “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” tiếp nối bộ sách “20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-1995)” do nhà Đại Nam xuất bản.

Cả ba chúng tôi nhận bài và tài liệu mà các tác giả gửi đến cho ban thực hiện, nhưng để tránh thất lạc và sai sót, tôi là người chính thức tiếp nhận các hồ sơ, chọn giữ lại theo tiêu chuẩn cả ba đã đề ra, đưa vào sơ thảo toàn tập để rồi sau đó gửi lại cho hai anh Khánh Trường và Luân Hoán xem xét và quyết định về nội dung đã nhận. Dĩ nhiên ba chúng tôi bất cứ lúc nào cũng có thể xem xét lại và bỏ phiếu – như sau khi đăng danh sách trên truyền thông xã hội Facebook… Tôi gửi bản thảo cuối cùng bảy tập cho hai anh, gửi người dàn trang và nhà xuất bản.

*Du Tử Lê: Lý do nào khiến ông nhận lời tham dự vào việc thực hiện “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” này?

-Nguyễn Vy Khanh: Hai lý do. Thứ nhất, tôi biết tình trạng sức khỏe của anh Khánh Trường không cho phép anh làm công việc như gần 25 năm trước. Ước muốn của anh cũng có thể là của nhiều người khác: Ghi nhận toàn cảnh sinh hoạt văn học ở hải ngoại trong 44 năm qua.

Lý do sau có tính cá nhân: Chúng tôi đang soạn một biên khảo về văn học Việt Nam hải ngoại từ sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, khởi đầu với tổng quan “Nhìn Lại 30 Năm Văn Học Hải Ngoại” đăng trên tạp chí Văn Học (số 225) năm 2005 và tập biên khảo đã gần như hoàn thành, nhưng chúng tôi hãy còn ngần ngại xuất bản. Nay tham gia vào ban thực hiện bộ sách “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” sẽ cho tôi lý do để không vội xuất bản biên khảo của mình vào lúc này.

*Du Tử Lê: Được biết, 44 năm qua, ở quê người, ông viết nhiều bài cũng như in nhiều sách về lãnh vực văn học ở hải ngoại. Do đó, xin ông cho biết ghi nhận tổng quát của ông về diễn tiến 44 năm văn học của người Việt ở hải ngoại?

-Nguyễn Vy Khanh: Nếu chúng ta nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của nền văn học này trong 44 năm, sẽ thấy đã có nhiều giai đoạn: Di tản, lưu vong (phôi thai, 1975-1979), trở nên tị nạn chính trị (hình thành, 1980-1986), rồi thời hy vọng và hợp lưu (trưởng thành, 1987-1991), kế tiếp là hoài niệm (1992-2000) và sau cùng là lão hóa và chuyển động thế kỷ (2001-2019).

Trước hết và trải qua các thập niên, văn học hải ngoại có một đặc điểm có tính bao trùm là tính “chính trị” vừa là động cơ, là lý do tồn tại, hiện hữu, vừa là mục đích. Nếu không tranh đấu tiêu diệt chủ nghĩa Cộng Sản và những thế lực làm kiệt quệ đất nước, làm dân tộc mất quyền tự chủ, thì là tranh đấu, vận động cho tự do dân chủ và quyền làm người – mà nhân quyền và quyền dân sự thì phải đấu tranh mới có.

Lưu vong vì đất bằng nổi sóng, vì “vua quan” thời mới độc ác, mất nhân tính, vì xã hội nhiễu nhương, khủng hoảng mà bản thân không được quyền hay không thể ra tay; lưu vong do đó là để sống còn đồng thời để thực hiện những mục đích và công tác này dưới nhiều hình thức mà văn chương là một. Di tản, tị nạn, lưu vong, định cư, di trú,… qua nhiều giai đoạn, người miền Nam rồi cả nước và rồi cả những người từng theo chủ nghĩa Cộng Sản và gia đình của họ.

Tính chính trị đã bớt nồng độ ở các thế hệ nhà văn xuất hiện gần đây. Tuy nhiên, tất cả đã xây dựng, góp phần làm nên nền văn học hải ngoại. Từ đó là chính nghĩa, có chính nghĩa khiến công tác văn học trở thành bổn phận, trách nhiệm, có lý do tồn tại, có nội dung, để đi tới trước, khiến văn học hải ngoại khác và đối nghịch với thứ gọi là “văn học chính thống” nhưng thật ra chỉ là “minh họa” và một giọng điệu “lưỡi gỗ” của trong nước.

Nội dung và các khuynh hướng văn học, ít ra là các tác phẩm xuất hiện trên tạp chí văn-học và được xuất bản thường thay đổi theo những biến cố quan trọng về chính trị, xã hội và văn chương. Suốt 44 năm văn học hải ngoại đã cho thấy sức sống của một số khuynh hướng, nội dung. Nói chung, đặc điểm đầu tiên của văn học hải ngoại từ 44 năm qua, là sự gắn liền mật thiết với thời gian dù yếu tố không gian cũng quan trọng không kém. Do đó, cần có những nghiên cứu chuyên biệt về các giai đoạn, về nội dung, các thể loại, cách tân văn chương và các hiện tượng của nền văn học này.

Đây không phải là một bộ lịch sử văn học – dù phần “Tựa” dẫn nhập đã trình bày lược sử và nhân tố của nền văn học này; đây là một tuyển tập các tác giả gồm hơn 300 nhà văn nhà thơ và phê bình, biên khảo văn học góp mặt là những người đã từng hoặc đang sinh hoạt văn học nghệ thuật ở hải ngoại và gần 50 vị sinh sống ở trong nước nhưng đã cộng tác, đăng bài hoặc xuất bản tác phẩm ở ngoài nước.

*Du Tử Lê: Có người cho rằng trong bộ sách “44 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-2019)” ngoài số tác giả sinh sống ở hải ngoại là chính, còn có sự hiện diện của gần 50 tác giả trong nước nữa. Mặc dù số nhân vật này từng phổ biến sáng tác của họ ở hải ngoại, nhưng nó vẫn có phần khiên cưỡng, không chính danh khi các ông ghép họ vào bộ sách. Ông có chia sẻ ghi nhận này?

-Nguyễn Vy Khanh: Biên giới địa lý trong ngoài trải qua 44 năm đã có những thay đổi. Hồ Khanh (Doãn Quốc Sỹ), Cung Tích Biền và một số tác giả mới định cư sau này đã xuất bản ở hải ngoại trước khi rời Việt Nam. Các tác giả trong nước khác đã phải xuất bản, đăng báo ở ngoài trước rồi mới được xuất bản chính thức trong nước, trong khi có người (hoặc tác phẩm) vẫn tiếp tục bị cấm đoán.

Gần 50 tác giả trong nước (tập 7) đều đã xuất bản hoặc đăng bài ở hải ngoại, có người đã từ lâu, có người mới hơn. Phần này phản ảnh sự đa dạng và tính chính trị như tôi đã trả lời ở câu trên. Cho nên tôi không chia sẻ được điều mà ông gọi là “khiên cưỡng, không chính danh;” điều mà người làm văn học sử vẫn đặt nghi vấn về “chính danh” của những cây viết và báo chí thiên Cộng hoặc Cộng Sản ở hải ngoại!

*Du Tử Lê: Ai là người quyết định sau cùng về số tác giả và tác phẩm được chọn in trong tuyển tập?

-Nguyễn Vy Khanh: Chúng tôi khởi đi từ số các tác giả của bộ sách “20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại (1975-1995)” (giữ lại đa số các nhà văn thơ hoặc văn thơ của các văn nghệ sĩ đa ngành), đón nhận cập nhật của các tác giả này cùng các tác giả mới sau khi đã kêu gọi trên các báo giấy, trang mạng và truyền thông xã hội cũng như liên hệ văn hữu. Do đó, là một công trình “mở,” ban thực hiện không quyết định con số tác giả; tuy nhiên chúng tôi đã cố gắng khách quan trong việc lựa chọn và bổ khuyết, đặc biệt các tác giả mới hoặc trẻ.

*Du Tử Lê: Xin ông cho biết về phương diện văn học, ông thấy bộ sách đạt được bao nhiêu phần trăm tính văn học? Cách khác là có bao nhiêu phần trăm sáng tác chưa đạt tới tiêu chuẩn văn học tính, theo ông?

-Nguyễn Vy Khanh: Đối với ban thực hiện, “văn học” trong thực tế khá đa dạng và quan niệm “tính văn học” vừa mở rộng theo bộ môn, thể loại vừa tương đối trong phê phán, đành giá – ông Du Tử Lê hẳn biết chuyện “văn mình, vợ người.”

Dĩ nhiên chúng tôi đã phải gặp một số vướng mắc – thật ra cũng là bình thường. Nếu đây là một tuyển tập văn học sử hay phê bình chẳng hạn, nội dung và con số tác giả, tác phẩm đã khác. Nhưng đây lại là một tổng tập ghi nhận lịch sử và bức tranh của văn học Việt Nam hải ngoại, do đó tính văn học 100% là một đòi hỏi không tưởng.

Ban thực hiện cũng vì tính văn học như ông đặt vấn đề, đã phải từ chối một số người muốn tham gia. Các tác giả gửi đến chúng tôi bài của họ, phần lớn chúng tôi giữ nguyên, phần còn lại chúng tôi đã liên lạc lại để thay bài, kể cả các tác giả đã thành danh. Các tác giả chúng tôi không liên lạc được hoặc đã mất, chúng tôi tự chọn lựa và bổ sung cũng như đã hỏi ý kiến của một vài văn hữu. Ngoài ra, chúng tôi có mời một số tác giả tham gia nhưng những người này hoặc không hưởng ứng hoặc chỉ trả lời xuông “cảm ơn!”

Thứ nữa, “tính văn học” ở bộ sách này vừa mở rộng theo bộ môn, thể loại và “văn học” được hiểu theo nghĩa bao gồm thơ, văn – “văn” lại gồm truyện ngắn, tiểu thuyết (trích đoạn), kịch bản, hồi ký, bút ký, phê bình, nhận định, văn học sử. Đối với Ban thực hiện, “văn học” khác với “văn chương” do đó có sự “mở rộng” này!