Sài Gòn: nền ca nhạc cổ truyền đi về đâu?

WESTMINSTER (NV) - “Trước sự lấn áp ào ạt của tân nhạc, nhạc ngoại quốc du nhập vào Việt Nam cũng như giới trẻ chịu ảnh hưởng nặng nề về nhạc phương Tây thì hiện nay tại Sài Gòn âm nhạc cổ truyền hay nhạc đàn ca tài tử chỉ là sống nhưng rất yếu ớt, không có gì đáng nói,”

Giáo Sư Hoàng Cơ Thụy phát biểu với nhật báo Người Việt về hiện trạng đàn ca tài tử tại Sài Gòn hiện nay.

Bài viết dưới đây là phần nói chuyện về những nét đặc trưng của nền ca nhạc vọng cổ, đàn ca tài tử tại quê nhà giữa phóng viên Đức Tuấn với ông Hoàng Cơ Thụy, bà Nguyễn Xuân Yên, bên cạnh đó còn có sự góp mặt của thầy Nguyễn Châu và cô Nguyễn Mai từ Hội Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng.

Giáo sư Hoàng Cơ Thụy (đàn kìm) và Giáo sư Nguyễn Xuân Yên (đàn tranh)

- Đức Tuấn (NV): Trước hết xin chào hai giáo sư, xin hai giáo sư có thể cho biết sơ qua về quá trình đi dạy âm nhạc tại nhạc viện thành phố Sài Gòn từ năm nào đến năm nào?

- Hoàng Cơ Thụy: Chúng tôi là Hoàng Cơ Thụy và bà xã của chúng tôi là Nguyễn Xuân Yên, cả hai vợ chồng chúng tôi đều là giáo sư dạy bộ môn đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị và đàn nhị tại nhạc viện thành phố Sài Gòn từ năm 1967 đến 1976, sau đó cả hai người chúng tôi chuyển sang dạy tại trường Nghệ Thuật Sân Khấu Sài Gòn cho đến năm 1984 thì nghỉ hưu và hiện tại chúng tôi chỉ nhận dạy thêm cho học trò tại gia thôi.

- NV: Là những vị giáo sư đã có một quá trình dạy học lâu dài, gắn bó với nền âm nhạc cổ truyền, vậy ông có thể cho biết nhận xét của ông về bộ môn cổ nhạc hiện nay còn tồn tại tại Việt Nam như thế nào?

- Hoàng Cơ Thụy: Nói chung là bộ môn cổ nhạc năm nay cũng có nhiều sự phát triển, như tại mỗi tỉnh đều có thành lập những nhóm kêu là nhóm ca nhạc tài tử, còn riêng tại thành phố Sài Gòn thì ở các trung tâm hay nhà văn hóa thành phố hoặc quận huyện cũng có những bộ phận chuyên về ca nhạc tài tử, thì nhìn chung tất cả những nhóm ca nhạc tài tử đó đều đang phát triển mạnh.

- NV: Tại sao lại có danh từ “ca nhạc tài tử” mà không phải là “ca nhạc chuyên nghiệp”?

- Hoàng Cơ Thụy: Theo như các vị thầy dạy của chúng tôi cho biết thì chữ tài tử ở đây không phải là amateur mà là để ám chỉ các giai nhân, tài tử nhưng dĩ nhiên họ phải là dân có kiến thức sâu rộng, khả năng sử dụng nhạc cụ cổ truyền rất chuyên nghiệp.

- NV: Thế hệ thầy cô lão thành của dòng nhạc cổ truyền hiện nay có còn lại nhiều tại Việt Nam không?

- Hoàng Cơ Thụy: Hầu như các bậc thầy cô của thế hệ trước của chúng tôi đã mất khá nhiều, chỉ còn lại thầy Vĩnh Bảo năm nay đã 91 tuổi.

- NV: Những đoàn hát bội, cải lương, hồ quảng tại Sài Gòn còn sinh hoạt như thế nào?

- Hoàng Cơ Thụy: Theo như tôi được biết tại Sài Gòn đã không còn những gánh hát chuyên nghiệp như ngày trước nữa, mà các ca nghệ sĩ tách ra chạy show riêng lẻ.

- Nguyễn Xuân Yên: Tại các tỉnh thì khán giả họ coi cải lương nhiều hơn.

- NV: 20, 30 năm trước tại Sài Gòn vẫn còn những đoàn hát như Sài Gòn 1, Sài Gòn 2… Tại sao theo như ông nói bây giờ những gánh hát như thế đã tan rả, không còn nữa?

- Hoàng Cơ Thụy: Có nhiều lý do hệ lụy để làm cho các đoàn hát cải lương, hồ quảng, hát bội không còn hoạt động được nữa tại thành phố Sài Gòn thí dụ như làn sóng tân nhạc hiện nay quá mạnh vì thế lấn áp nền nhạc cổ truyền, bên cạnh đó băng đĩa CD, DVD cũng tràn lan khắp nơi nên giới thưởng ngoạn nếu muốn họ chỉ cần mua về nhà xem là đủ rồi.

Tuy nhiên hiện nay vẫn còn một dạng đoàn hát đó là đoàn văn công, nhưng nói đến đoàn văn công thì họ chỉ đi phục vụ quần chúng khắp nơi chứ không hề bán vé.

- NV: Theo như thế thì con số các ca nghệ sĩ chuyên nghiệp về nhạc tài tử hiện nay ở Sài Gòn còn được khoảng bao nhiêu?

- Hoàng Cơ Thụy: Nếu nói về các anh chị em ca nghệ sĩ ca nhạc tài tử thì chỉ còn lai rai chứ không nhiều như là cô Bạch Huệ và thêm một vài ca nghệ sĩ tên tuổi khác.

- Nguyễn Xuân Yên: Từ lâu rồi chúng tôi vẫn nuôi một ước muốn dùng tất cả những kiến thức cũng như tài liệu chúng tôi sẵn có để đào tạo thế hệ mới “chơi” nhạc cải lương, nhưng mà phải là “chơi” cho hay và đúng. Tôi thật sự vẫn nuôi ước vọng đó nhưng tôi nghĩ sẽ khó có thể thành công được, có thể vì tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, thật ra cũng có nhiều các anh chị em ca nghệ sĩ hát cũng tốt đấy nhưng nếu để tìm một vài nhân tố có chất giọng đặc biệt như Thanh Nga, Út Bạch Lan. Thì có thể nói là chưa có phát hiện được.

Có một vài điều thú vị đó là trong những tuần lễ vừa qua ở đây, chúng tôi phát hiện có những em học sinh tại đây rất giỏi, và có thể nói là họ có khả năng tiếp thu giỏi hơn học trò chúng tôi tại Việt Nam nữa.

- Hoàng Cơ Thụy: Cũng xin nói thêm chỗ này một chút là nhạc tài tử miền Nam là viên ngọc quý trong văn hóa của mình, nó đi theo dòng lịch sử từ thời Pháp thuộc cho đến sau này.

- NV: Thế hệ trẻ tại Việt Nam hưởng ứng ra sao đối với dòng ca nhạc tài tử hay cổ nhạc?

- Nguyễn Xuân Yên: Thế hệ trẻ tại Việt Nam hiện nay hình như chưa đủ quan tâm đến nền cổ nhạc Việt Nam, chúng tôi cũng thấy buồn khi nói ra điều này… Nhưng nghĩ lại có thể do hoàn cảnh kinh tế hiện nay, điều làm cho chúng tôi trăn trở mãi đó là trong biết bao nhiêu sinh viên, học sinh học nhạc, học đàn về cổ nhạc hay đàn ca tài tử thì chúng tôi vẫn chưa tìm ra viên ngọc sáng nào để có thể gọi rằng có đủ nội lực để tiếp nối chúng tôi mai sau…

- NV: Được biết ngày 11 tháng 11 sắp tới sẽ có một chương trình biểu diễn mang chủ đề: “Đêm Hội Ngộ, Ca Nhạc Tài Tử Miền Nam” sẽ được tổ chức tại nhật báo Người Việt vào lúc 7:30 tối. Cảm nghĩ của ông bà như thế nào?

- Nguyễn Xuân Yên: Chúng tôi hơi bỡ ngỡ và đột ngột. Đột ngột vì những tình cảm của các bạn ở đây cho dù xa cách bao nhiêu năm nhưng tình cảm vẫn không có gì là thay đổi, trong chương trình biểu diễn này ông xã tôi là Hoàng Cơ Thụy sẽ biểu diễn bài: Thanh Dạ Thuyền Quyên. Đây là một tác phẩm rất ít người biểu diễn, ngay cả ở trong nước cũng thế… Chính vì vậy chúng tôi muốn nhân dịp này giới thiệu đến mọi người đàn ca tài tử là như thế nào?

- NV: Trước khi thầy cô lên máy bay sang đây du lịch, chắc thầy cô đã nghe và hiểu thế nào về nước Mỹ này?

- Nguyễn Xuân Yên: Ngày hôm nay ở Việt Nam khi nói về nước Mỹ thì không còn ai lạ lẫm gì về đất nước này nữa, chúng tôi biết và hiểu khá nhiều về đất nước và con người ở đây. Lúc trước có một thời gian chúng tôi làm kế toán cho công ty của Đức nên cũng đã từng được đi công tác nhiều lần ở Âu Châu, nói thật nếu như tôi còn trẻ thì chắc cũng xin chọn nước Mỹ để du nhập sang đây sinh sống, nhưng bây giờ tuổi đã cao rồi, ăn uống đâu được bao nhiêu? Sang đây chỉ để vui chơi với bạn bè thôi chứ chắc chắn là không ở luôn đâu.

- NV: Có nghe là ông Hoàng Cơ Thụy đã từng được mời biểu diễn cho UNESCO phải không?

- Nguyễn Xuân Yên: Dạ đúng, hồi Tháng Tư theo chủ trương của Bộ Giáo Dục làm một bộ hồ sơ để xin UNESCO phong tặng cho nhạc tài tử chức danh là di sản văn hóa thế giới, và ông Hoàng Cơ Thụy đã được mời để thu các CD nhạc tài tử đó để gửi sang cho UNESCO, điểm tôi muốn nói ở đây đó là cho dù thế nào đi nữa người ta cũng vẫn còn công nhận ông Hoàng Cơ Thụy là bậc truyền nhân duy nhất của dòng nhạc tài tử còn lại tại Việt Nam và đó cũng là một niềm vui nho nhỏ cho gia đình cũng như sự hãnh diện cho tất cả những lớp bạn bè cùng khóa với chúng tôi.

Có một câu hỏi, trăn trở mà chúng tôi vẫn cứ giữ mãi trong lòng đó là không biết rằng 30 năm nữa những thế hệ trẻ sau này sẽ đón nhận đàn ca tài tử như thế nào? Chuyện tam sao thất bổn sẽ như thế nào? Thế hệ sau sẽ nhận dạng sai hết về đàn ca tài tử.

- NV: Cô nói chữ “tam sao thất bổn” là như thế nào?

- Nguyễn Xuân Yên: Có nghĩa là đàn sai mỗi lúc một chút, một chút rồi cuối cùng tất cả chẳng đi vào đâu hết, thí dụ tôi muốn nói đến bài “Dạ Cổ Hoài Lang” ngày xưa người ta đàn có hơi vui vui, chỗ hơi buồn buồn chứ không đàn buồn hẳn như sân khấu cải lương bây giờ như vậy, nhưng cách đàn hồi xưa thì ngày hôm nay ít ai đàn giống hệt như các tài tử hồi xưa lắm. Tôi còn nhớ ông thầy tôi đã từng nói hồi xưa các tài tử, giai nhân không phải khóc òa lên mới gọi là buồn nhưng mà thật sự trong lòng chính là đang buồn, còn thế hệ trẻ hôm nay thì khi họ buồn hay vui đều lộ rõ ra tất cả.

“Ca nhạc tài tử là dòng nhạc nếu chúng ta không gìn giữ sẽ bị mai một trong nay mai vì nhiều yếu tố đưa đến, và như chúng tôi đã từng nói vì nó là viên ngọc quý nên cần phải lau chùi, rèn luyện để càng ngày càng bóng hơn, đẹp hơn, những tinh hoa của dân tộc có thể nói nằm rải rác trong nhiều mảng khác nhau và đàn ca tài tử, âm nhạc cổ truyền cũng là một trong những mảng của văn hóa lâu đời dân tộc Việt” Giáo Sư Nguyễn Châu, từ Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng nói như thế.