Vai trò của dĩa hát trong sự phát triển bộ môn Cải lương

Dương Kiều

Nét đặc sắc rất đáng phải chú ý của bộ môn sân khấu Cải Lương là: sự song hành, hỗ trợ lẫn nhau giữa sàn diễn với công nghệ quảng bá ngay từ thuở ban đầu của trang sử Cải Lương. Chèo, Hát bội ra đời từ thời xa xưa, dĩ nhiên, là không có “công nghệ quảng bá”; nhưng ngay cả sau này, trong thời đại có công nghệ, cả hai bộ môn này cũng không tạo được sự song hành mạnh mẽ như Cải Lương đã từng thực hiện thành công.

Xin nhắc lại, lướt qua để cùng nhớ: Vào năm 1922 gánh hát của thầy Năm Tú tại Mỹ Tho đánh dấu Cải Lương đã hoàn chỉnh “vóc dáng” (trước đó, gánh hát của André Thận năm 1919 ghi nhận sân khấu Cải Lương đã hình thành nhưng còn ở dạng “phôi thai”). Ngay từ năm 1922, thầy Năm Tú đã phối hợp với hãng dĩa hát Pathé Phono ở Sài Gòn để thâu tiếng ca của các đào kép. Những đĩa hát Pathé (loại 78 vòng, có hình con gà trống) lúc đó thường được mở đầu như sau: “Đây là ban hát cải lương của thầy Năm Tú ở tại Mỹ Tho, ca cho hãng dĩa Pathé Phono nghe chơi”. Nhờ những dĩa hát này mà Cải Lương không quẩn quanh chỉ trong vùng, mà ngay lập tức lan tỏa ra nhiều vùng khác nữa.

Đến giai đoạn đất nước phân đôi, trong miền Nam nở rộ rất nhiều hãng dĩa giúp cho sân khấu Cải lương có những bước phát triển vượt bực.

I/ Tổng quan sân khấu Cải Lương tại miền Nam * Trước hết, xin đưa ra cái nhìn tổng quát về sự phát triển của Cải lương miền Nam, tập trung chủ yếu tại Sài Gòn, trong giai đoạn đất nước còn chia đôi.

Hồi đó có những đoàn hát lớn, trong Nam gọi là “đại ban”, chẳng hạn: “Nhất Chưởng, nhì Long, tam Thơ, tứ Út”. “Chưởng” là đoàn Kim Chưởng, rồi bầu Long của đoàn Kim Chung, “Thơ” là bầu Thơ (Nguyễn Thị Thơ) của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, và “Út” tức nghệ sĩ Út Trà Ôn lần lượt lập một vài đoàn đều có tên “Út Trà Ôn” trong bảng hiệu.

Ngoài ra còn hàng chục đoàn nhỏ nữa, các đoàn liên tục xuất hiện hay biến mất, có đoàn “nở nồi” ngày càng lớn mạnh, lại có đoàn hoạt động vài năm thì rã, trong một bối cảnh cạnh tranh về nghệ thuật lẫn “bí quyết” kinh doanh giữa các đoàn.

Chẳng hạn, ở “đại ban” Kim Chung từ năm 1964 liên tục phát triển, cho tới cuối thập niên 60 đã có đến “đoàn Kim Chung 5”, “đoàn Kim Chung 6”, cùng thuộc bảng hiệu “Công ty Kim Chung”. Nhờ nguồn tài chánh dồi dào, ông bầu Long đã qui tụ được lực lượng diễn viên hùng hậu, song song đó là lăng-xê diễn viên trẻ.

Hoặc như sân khấu Thanh Minh Thanh Nga duy trì được hoạt động rất lâu so với nhiều đoàn khác, ổn định tài chánh, đa dạng nguồn diễn viên. Không chỉ có những nghệ sĩ trong gia đình như nữ nghệ sĩ Thanh Nga, nghệ sĩ Hữu Thìn (anh của Cô Thanh Nga), nghệ sĩ Bảo Quốc (em của Cô Thanh Nga), nơi đây còn mời được những nghệ sĩ nổi tiếng như Út Bạch Lan, Hữu Phước…

Các “đại ban” nhờ có nguồn tài chánh ổn định nên thuận lợi trong việc ký “công-tra” (contract) mời diễn viên có tiếng, cùng với những tài năng trẻ đang lên. Do có ưu thế về diễn viên kỳ cựu, “ăn khách” nên các đại ban thường xuyên diễn tại các rạp ở Sài Gòn, thỉnh thoảng kéo đi lưu diễn ra miền Trung hoặc xuống miền Tây.

Trong khi đó, các đoàn nhỏ như Sao Ngàn Phương, Tân Hoa Lan, Hoa Mùa Xuân, Trăng Mùa Thu… và hàng chục đoàn khác nữa ít khi trụ nổi tại Sài Gòn mà thường xuyên đi lưu diễn tìm kiếm khán giả.

* Hết thảy các đoàn hát Cải Lương trong Nam đều phải dựa trên nhu cầu / thị hiếu khán giả, tức qui luật thị trường sàng lọc, để tồn tại. Do đó, phải không ngừng tìm hiểu nhu cầu biến động từ khán giả để thích ứng. Điều này giải thích bộ môn sân khấu Cải lương ở miền Nam vô cùng đa dạng về các “dòng” tuồng (tâm lý xã hội, kiếm hiệp, “hương xa”, phóng tác từ tiểu thuyết VN cho tới tiểu thuyết phương Tây, tiểu thuyết Trung Hoa cổ điển…).

Lực lượng diễn viên được phát hiện tài năng khá sớm, được đào tạo và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật qua bàn tay của những đàn anh đàn chị đi trước. Hoặc được các soạn giả kiêm vai trò “thầy tuồng” (mà nay ta thường gọi là “đạo diễn”) nâng đỡ, đưa diễn viên vào vai thích hợp theo cách mà người trong giới Cải lương gọi là “đo ni đóng giày”. Có thể kể đến tên tuổi soạn giả kiêm “thầy tuồng” Năm Châu (Nguyễn Thành Châu), Hà Triều - Hoa Phượng, Ngọc Văn, Ngọc Linh, Hoàng Khâm, Nhị Kiều, Nguyễn Phương, Nguyên Thảo, Yên Lang, Thiếu Linh…

Và không thể không nói đến sự đóng góp của những nhạc sĩ cũng tham gia viết tuồng, với lợi thế am hiểu bài bản cải lương, như nhạc sĩ Bảy Bá nổi tiếng với biệt danh “Vua viết Vọng cổ Bảy Bá” khi ông viết tuồng lấy tên là Viễn Châu...

* Đặc biệt, vào thập niên 60 chứng kiến sự song hành giữa sân khấu sàn diễn với thị trường dĩa hát nhựa. Để giữ những diễn viên nổi tiếng ở lại trong “biên chế”, một số đoàn lớn (đại ban) không chỉ ký “công-tra” (“contract”: hợp đồng) với cát-sê cao mà còn ký hợp đồng độc quyền thâu dĩa với diễn viên. Điều này đem lại lợi nhuận cho đôi bên: tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư (giới bầu chủ các đoàn) và tăng lợi nhuận cho nghệ sĩ.

Không chỉ vậy, việc thâu dĩa các vở Cải lương, thâu dĩa các bản ca cổ - đặc biệt là “Tân cổ giao duyên” - còn đáp ứng nhu cầu của khán giả khắp các thành thị cho tới thôn quê!

II/ “Cải lương đến với mỗi nhà”

* Máy hát dĩa đã được nhập vào Việt Nam từ năm 1910. Tuy nhiên, đến thập niên 60 của thế kỷ XX, lượng máy hát dĩa mới tương đối phổ biến rộng rãi hơn.

Chỉ cần một cái máy hát dĩa nhựa (lúc đó máy móc được nhập nhiều) cùng một số bộ dĩa là khán giả có thể đáp ứng nhu cầu mê Cải lương của mình.

Về dĩa hát, những tuồng Cải lương thường được ghi trong dĩa nhựa lớn (có 33 vòng). Một tuồng Cải lương như vậy gồm mười mấy dĩa hoặc có những tuồng Cải lương trích gọn gồm hai dĩa lớn, gọi là dĩa số 1 và dĩa số 2 để trong hai hộp bìa cứng riêng để tránh trầy xước. Còn dĩa nhỏ (45 vòng) thường dùng để ghi những bài Tân cổ giao duyên (hoặc tân nhạc).

Dĩa hát hồi đó, khán giả phải mua dài dài vì tuồng tích cứ được sáng tác và thâu mới hoài, mặt khác còn vì… dĩa hát dù có giữ kỹ cách mấy thì sau một thời gian cũng bị trầy xước khiến cho âm thanh phát ra bị “cà lăm”, phải mua dĩa khác.

Tôi còn nhớ một số bộ dĩa nhựa cải lương mà tôi nghe ở dưới quê như Người phu khiêng kiệu cưới, Xin một lần yêu nhau, Giai nhân và loạn tướng, Áo vũ cơ hàn, Trinh nữ lầu xanh, Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca 1, 2 ,3 (tức "Ông cò quận 9"), Tình mẫu tử (1 dĩa, 33 vòng)… Ở quê ít khi có điều kiện coi sân khấu sàn diễn, nên đa số bà con mở máy hát dĩa, nghe cũng sướng. Nhiều người ưa nghe một vở tuồng nhiều lần đến nỗi thuộc làu cả tuồng. Những lúc ra ruộng, họ hay hát các lớp trích đoạn cải lương, vừa hát vừa bỏ mạ cho quên mệt nhọc.

* Lúc bấy giờ các vở tuồng Cải lương nổi tiếng đều được các hãng dĩa tranh nhau thâu dĩa, và hầu hết những diễn viên đoạt giải Thanh Tâm cùng với những giọng ca trứ danh đều được các hãng dĩa mời thâu với hợp đồng hậu hĩnh. Nói về nghệ sĩ cộng tác với các hãng dĩa, có thể kể đến “Ông hoàng dĩa nhựa” Tấn Tài mà thù lao cho mỗi lần thâu một tuồng cải lương qui ra hơn một cây vàng; rồi “Bốn Nữ hoàng dĩa nhựa” là Út Bạch Lan, Phượng Liên, Mỹ Châu, Lệ Thủy; cùng với “Khôi nguyên Vọng cổ” Minh Vương, Út Trà Ôn, Thanh Nga, Minh Cảnh, Minh Phụng, Hữu Phước, Bạch Tuyết, Hùng Cường...

Nghệ sĩ Tấn Tài, HCV giải Thanh Tâm năm 1963, với giọng ca nổi tiếng trầm ấm đã thâu hơn 400 dĩa nhựa với hàng ngàn bài ca cổ. Ông cũng thâu những tuồng Cải lương như: Bóng hồng sa mạc (vai Alikhan), Cát Dung Phương Tử (vai Điệp Nhứt Lan), Chiêu Quân cống Hồ (vai An Lộc Sơn)...

Út Bạch Lan nổi tiếng với danh hiệu "Sầu nữ", đã được thâu tiếng trong nhiều dĩa như: Thuyền ra cửa biển, Con gái chị Hằng (vai chị Hằng), Nửa đời hương phấn (vai Hương)...

Nghệ sĩ Phượng Liên có giọng ca rất chắc nhịp, HCV giải Thanh Tâm năm 1966. Cô thâu dĩa khá nhiều vở Cải lương nổi tiếng: Tâm sự loài chim biển (vai Diệp Thúy Oanh) , Sân khấu về khuya (vai Giáng Hương) , Hẹn một mùa xuân (vai Kiều Yến Phương) , Lấy chồng xứ lạ (vai Liễu), Quán khuya sầu viễn khách (vai Hoàng Tuyết Hương) , Nhạn về xóm liễu (vai Cẩm Tú), Tuyệt tình ca (vai Lê Thị Trường An), Nửa đời hương phấn (vai The/Hương), Lá trầu xanh (vai Hồng), Xin một lần yêu nhau (vai Hạ Cơ), Đời cô Hạnh (vai Hạnh), Phận gái 12 bến nước (vai Phương), Cô gái Đồ Long (vai Hân Ly), Dập tắt lửa lòng (vai Hoa), Tướng cướp Bạch Hải Đường (vai Dung), Mùa thu trên Bạch Mã Sơn (vai Chu Mộng Thúy)… Bên cạnh đó, Phượng Liên còn thâu các bài Tân cổ giao duyên, như: Hoa mua trắng (đơn ca), Luật sư nhà sư (với Hùng Cường), Chuyến xe lam chiều (với Minh Cảnh), Chút tình Dạ cổ hoài lang (với Hồng Nga, Chí Tâm), Xuân này con không về (với Thanh Tuấn), Tâm sự Mộng Cầm (với Tấn Tài), Con đường mang tên em (với Tấn Tài), Chiều (với Thanh Sang), Nỗi buồn đêm đông (với Minh Cảnh), Phút cuối (với Minh Vương), Đêm đông (với Thành Được), Nửa đêm ngoài phố (với Minh Phụng), Xa vắng (với Minh Vương)…

Mỹ Châu nổi tiếng với giọng thổ, trầm ấm, Cô xuất hiện trong khá nhiều tuồng cải lương thâu dĩa như: Trinh nữ lầu xanh (vai Mai Thảo), Áo vũ cơ hàn (vai Cát Mộng Thùy Dương), Mùa thu trên Bạch Mã sơn... Mỹ Châu đã gặt hái nhiều thành công, được trao HCV giải Thanh Tâm 1967.

Lệ Thủy, trên sân khấu đoàn Kim Chung, được xem là cô đào ngoại hạng. Cô đã nhận HCV giải Thanh Tâm năm 1964. Cô càng nổi tiếng hơn nữa khi thâu dĩa các bài ca lẻ như: Cô hàng chè tươi, Chàng là ai?..., một số dĩa cải lương như: Xin một lần yêu nhau (vai Hồ Như Thủy), Đêm lạnh chùa hoang (vai Bảo Xuyên), Kiếp nào có yêu nhau (vai Quế Minh), Người phu khiêng kiệu cưới (vai Cát Mộng Thiên Lang), Tiêu Anh Phụng (vai công chúa)…

Thanh Nga, với dĩa Con gái chị Hằng, Chuyện tình tuổi 17, Hoa Mộc Lan (ca với nghệ sĩ Hữu Phước) , Tấm lòng của biển (với Út Bạch Lan, Minh Cảnh, Hữu Phước), Tình là dây oan (với Ngọc Nuôi, Hữu Phước)…

* Cải Lương của sàn diễn, trong bối cảnh đặc trưng của thời chiến tranh giai đoạn 1954-1975, chúng ta đều biết không phải lúc nào cũng đi lưu diễn dễ dàng. Nhưng Cải Lương vẫn đến được mỗi nhà -  là nhờ vào phương tiện công nghệ thời đó: dĩa hát audio!

Nói cách khác, công nghệ dĩa hát đã quảng bá cho bộ môn sân khấu Cải lương đến các tỉnh lỵ, vùng quê xa xôi, tạo được tầm ảnh hưởng đáng kinh ngạc. Không ít người dân thuộc lòng các lớp tuồng, thậm chí thuộc nguyên vở, nhớ như in cho đến tận hiện nay sau cả nửa thế kỷ.

III/ Sự nở rộ các hãng dĩa hát

Thị trường dĩa hát thập niên 60 và những năm đầu 70 của thế kỷ XX rất sôi động với sự ra đời nhiều hãng dĩa như: Sơn Ca, Quê Hương, Thủ Đô, Tân Thanh, Thiên Thai, Dạ Thanh, Capital, Sống Mới, Nhạc ngày xanh, Vô Tuyến, Kim Cương, Hoành Sơn … Trong đó, có 4 hãng dĩa nổi bật với số lượng danh mục dĩa hát Cải lương và Tân cổ giao duyên thuộc hàng “đỉnh”, các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ở miền Nam đều từng cộng tác với bốn hãng dĩa này. Đó là: hãng dĩa Continental, Hồng Hoa, Việt Hải, và hãng dĩa Việt Nam.

* Hãng Continental:

Vào năm 1960, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cùng một doanh nhân lập ra hãng dĩa Continental Sơn Ca, ngoài tân nhạc và dân ca, đã ưu tiên thâu dĩa cải lương và cổ nhạc. Nguyễn Văn Đông là giám đốc chịu trách nhiệm về nội dung và nghệ thuật. Ông Huỳnh Phú Tứ lo về khâu sản xuất, kinh doanh.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sử dụng hai bút danh: bút danh Phương Linh để dành cho các chương trình hòa đàn hay sáng tác các chương trình nhạc đệm và viết các bài tân nhạc (đưa vào thâu dĩa Cải lương, phối hợp với các danh cầm cổ nhạc như Văn Vỹ, Năm Cơ, Hai Thơm…); và bút danh Đông Phương Tử là dành cho các sáng tác Tân cổ giao duyên và đạo diễn các chương trình Cải lương thâu vào dĩa cho hãng nhà Continental.

Hãng dĩa Continental thâu hơn 50 bộ dĩa nhựa cải lương nổi tiếng lúc bấy giờ như: Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Sân khấu về khuya, Mưa rừng, Tiếng hạc trong trăng..., và hàng trăm chương trình hòa đàn ca cổ, như: Hận tình Tô Ánh Nguyệt (với các giọng ca Ngọc Giàu, Hữu Phước, Thành Được), Hái lộc đầu năm (giọng ca Ngọc Giàu), Điệu trầm tháng 8 (Bạch Tuyết), Cô nữ sinh Gia Long (Tấn Tài - Ngọc Giàu hát), Ngày mai tôi đi (Phương Quang - Phượng Liên), Hoa lòng năm cũ (Hùng Cường), Cánh thiệp hồng (Mỹ Châu), Xác pháo nhà ai (Bạch Tuyết)...

* Hãng Hồng Hoa (mà “tiền thân” là hãng dĩa Asia đã từng thâu tiếng những danh ca cải lương nổi tiếng trước đây như Năm Nghĩa, Tư Sạng, Năm Cần Thơ...):

Có thể kể một số dĩa cổ nhạc và vở Cải lương, như: Tôn Tẫn giả điên (Út Trà Ôn), Anh nhớ về thăm em (giọng ca Lệ Thủy), Đêm tàn bến Ngự (Ngọc Giàu), Hận tình vương nữ (Thanh Nga), Cô hàng chè tươi (Lệ Thủy), Tiếng hát mường Tênh (Út Trà Ôn - Diệu Hiền); Con cò trắng (với dàn nghệ sĩ là Ngọc Hương, Ngọc Lan, Bo Bo Hoàng, Bạch Lê, Hữu Phước, Thanh An, Bảy Xê, Hề Minh...), Nắng chiều trên sông Dịch (có Hữu Phước, Thanh Hải, Trường Xuân, Thanh Hương, Ngọc Hương…), Thoại Khanh Châu Tuấn (với Tấn Tài, Ngọc Giàu, Phượng Liên), Anh hùng Xạ điêu (với Mỹ Châu, Ngọc Giàu, Kim Ngọc, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài), Trăng rụng sau chùa, Thôi Tử thí Tề quân…

* Hãng Việt Hải:

Đã phát hành trên thị trường những dĩa tuồng Cải lương, như: Đêm khuya trông chồng (Út Bạch Lan), Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (Thành Được - Phượng Liên), Tình mẫu tử (Ngọc Giàu), Mồ chồng còn xanh cỏ (Tấn Tài - Minh Phụng - Mỹ Châu - Ánh Hồng), Tâm sự Mộng Cầm (Tấn Tài - Phượng Liên)...

San Hậu (với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Út Trà Ôn, Minh Phụng, Út Hiền, Văn Hường…), Tiết Giao đoạt ngọc (Minh Phụng, Mỹ Châu, Phượng Liên…), Nhất kiếm bá vương (Minh Phụng, Hữu Phước, Dũng Thanh Lâm, Phượng Liên, Lệ Thủy, Hồng Nga…), Vú sữa đầu mùa (Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm, Phượng Liên, Lệ Thủy...), Nhạn về xóm Liễu (Minh Phụng, Hữu Phước, Minh Đức, Phượng Liên, Lệ Thủy, Hồng Nga, Kim Ngọc…), Người trai sa mạc (Minh Cảnh, Minh Phụng, Lệ Thủy, Phượng Liên...), Kẻ bên trời (Minh Phụng, Minh Cảnh, Phi Thoàn, Kim Ngọc, Diệp Lang...);

Về dĩa ca cổ, có: Mưa lạnh Thảo cầm viên, Phạm Lãi biệt Tây Thi (Út Trà Ôn, Ánh Nga, Minh Cảnh), Tiếng ve sầu (Minh Cảnh, Út Bạch Lan), Ghét thương, thương ghét

* Hãng Việt Nam:

Là một hãng dĩa nức tiếng, được nhiều nghệ sĩ thừa nhận hãng có công trạng to lớn đối với sự sống còn của ngành Cải Lương. Do Cô Sáu Liên lập vào năm 1968, nối tiếp ngành nghề của gia đình. Trước đó, hồi năm 1947 song thân của Cô Sáu Liên là ông Lê Văn Tài và ba Ngô Thị Mão đã lập hãng cũng mang tên “Việt Nam” từng thâu rất nhiều giọng ca vàng thời ấy như Tám Thưa, Minh Chí, Năm Phỉ, Phùng Há...

Sau khi cha mẹ của Cô Sáu Liên qua đời, hãng đĩa được giao cho các con quản lý. Đến năm 1968, Cô Sáu Liên quyết định tách riêng ra, giữ lại nhãn hiệu “Việt Nam”.

Thời vàng son của hãng dĩa hát Việt Nam, dĩa chất đầy trên kệ, đánh hàng về tận các tỉnh.

Cô Sáu Liên có nhạc cảm tinh tế, trong giới nói Cô có “đôi tai thần kỳ” mà giới nghệ sĩ lẫn thầy đờn (nhạc sĩ) đều nể nang. Có những nghệ sĩ khi ca bị “chinh dây” hoặc “lỗi nhịp” mà nhạc sĩ chưa kịp phát hiện thì cô Sáu Liên đã phát hiện trước nhất.

Chính đôi tai đó đã “bắt” được tương lai rực rỡ của Minh Vương, Thanh Kim Huệ, Chí Tâm, Thanh Tuấn..., đưa về hãng để lăng-xê. Còn với Lệ Thủy, Minh Phụng, Mỹ Châu, Minh Cảnh... đã nổi tiếng ở sân khấu Kim Chung, cô Sáu cho thu âm, phát hành rộng rãi mà nhờ vậy cát-sê của những nghệ sĩ này được bầu chủ đoàn hát cho tăng lên nhằm “giữ chân”.

Chính nhờ vào những hợp đồng thu dĩa ở hãng Việt Nam mà nhiều nghệ sĩ khẳng định được tên tuổi, công thành danh toại.

- Dù “sinh sau đẻ muộn” so với vài hãng khác, nhưng hãng dĩa Việt Nam vươn lên rất mạnh mẽ, không chỉ về số lượng dĩa tung ra mà cả về phẩm chất nghệ thuật, được đông đảo thính giả mộ điệu từ thành thị cho đến nông thôn.

Về dĩa cải lương, đa số là các vở tuồng kiếm hiệp, màu sắc “hương xa” đang thịnh hành thời đó,  như: Bóng hồng sa mạc (với Tấn Tài, Minh Phụng, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Văn Chung...), Mùa thu trên Bạch Mã Sơn (Minh Cảnh, Mỹ Châu, Đức Lợi, Phượng Liên, Phương Bình, Thanh Thanh Hoa, Diệp lang, Nam Hùng…), Gái rừng ma (Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Hà Bửu Tấn, Ngọc Hương, Ngọc Giàu, Bạch Lê…), Bạch Xà Thanh Xà (Dũng Thanh Lâm, Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Tám Vân…), Tây Sương ký (Thành Được, Thanh Nga, Kim Ngọc…), Người phu khiêng kiệu cưới (với Tấn Tài, Minh Phụng, Minh Vương, Phượng Liên, Lệ Thủy, Hồng Nga), Kiếp nào có yêu nhau (Tấn Tài, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm, Thanh Sang, Mỹ Châu, Lệ Thủy...), Đợi anh mùa lá rụng (Tấn Tài, Phượng Liên, Mỹ Châu, Minh Phụng), Hỏa sơn thần nữ, Khi rừng mới sang thu, Tâm sự loài chim biển, Xin một lần yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang…

Cũng có một số tuồng xã hội nhưng không nhiều, như Lên voi xuống chó (với Hề Minh, Bo bo Hoàng, Ngọc Hương), Nạn con rơi, Sài Gòn thác bạc…

Ngoài ra hãng dĩa Việt Nam còn thu những chương trình Tân cổ giao duyên, tức là những bài tân nhạc viết thêm lời Vọng cổ. Dĩa dành thu những chương trình này là loại dĩa 45 vòng, mỗi mặt là một bài Tân cổ giao duyên.

IV/ “Nước lên thuyền lên” (tác động của dĩa hát đối với sàn diễn)

* Sự phát triển rần rộ của ngành dĩa hát đã dẫn tới “hiện tượng”: nhiều nghệ sĩ ban ngày đi thâu dĩa, ban đêm hát trên sân khấu, tức “chạy show” (nói theo ngôn ngữ thời thượng hiện nay).

Do sự kén chọn chất giọng khi thu dĩa nên đã hình thành một lớp “ông hoàng bà hoàng” trong ngành cải lương dĩa nhựa. Nhờ vào các nghệ sĩ có chất giọng “hút hồn” nên nghệ thuật Cải Lương dễ đi vào lòng người, và sống hoài trong lòng khách mộ điệu.

* Sự nở rộ công nghệ thâu âm qua dĩa có tác dụng “kích thích” tình cảm ái mộ của thính giả, và thính giả mong muốn trở thành khán giả khi có dịp. Tức là: Cải lương của dĩa hát tạo tác động tích cực đối với sự phát triển cải lương của sàn diễn. Nói cách khác, dĩa hát và sân khấu nương theo nhau để cùng sống.

Tôi xin phép ghi đôi dòng về ký ức cá nhân… Hồi đó, lúc còn ở quê Gò Công, tôi thường nghe tuồng cải lương trong máy hát dĩa: Ông cò quận 9, Người phu khiêng kiệu cưới, Đêm lạnh chùa hoangđến mức thuộc lòng, nên chỉ mong muốn được dịp xem mặt đào kép. Và rồi những đoàn hát lần lượt xuống chợ quận Hòa Tân. Một hôm, có đoàn hát lớn về. Tôi ra chợ thấy đèn đuốc sáng rực, tiếng loa thúc giục mọi người mua vé vô xem. Tôi đi lòng vòng, thích thú xem hình đào kép. Hôm sau, tôi ráng vá mấy chiếc xe đạp để có tiền mua vé tối đi coi hát.

Tối đó, tôi thấy choáng ngộp khi sân khấu lên đèn. Cảnh trí đẹp và mới lạ... Người kéo micro cũng rất điêu luyện, dù đào kép liên tục di chuyển trên sân khấu. Tôi khoái nhất là cảnh bay lượn trên sân khấu. Câu chuyện lên đến cao trào, đào kép hát xong câu Vọng cổ, cả hai lui dần về phía cánh gà. Đèn sân khấu xuống màu. Nhân viên hậu đài móc dây vào người của đào kép. Ánh đèn chớp tắt. Nhạc tùng xèng nổi lên như báo hiệu cho người giựt dây, đào kép co giò lên bay, lao vào nhau đấu kiếm. Tôi thấy họ chỉ huơ huơ thậm chí kiếm không chạm vào nhau mà sao tôi vẫn nghe loảng choảng đến điếc tai. Tôi tình cờ thấy nhân viên hậu trường dùng hai mảnh thép đập vào nhau dưới cái micro treo cao. Hèn gì nó kêu to quá chừng... Đoàn hát lớn có khác, vừa múa vừa hát tuồng, mọi người say mê coi mà quên cả thời gian.

Đến bữa diễn cuối, đoàn có mời thêm kép Hùng Cường xuống. Buổi chiều kép Hùng Cường vừa bước xuống xe, mọi người tụ tập lại đông ơi là đông, chào đón. Chợt có tiếng một bà má già vang lên rối rít: “Hùng Cường đâu? Hùng Cường đâu? Cho má xem mặt chút coi”. Kép Hùng Cường đáp: “Con đây nè má”. Hai người nắm tay nhau vui mừng làm như hai người thân lâu ngày gặp lại không bằng. Mọi người chung quanh cũng cảm thấy vui lây.

* Như đã nêu trên, cải lương của dĩa hát có tác động giúp phát triển cải lương của sàn diễn. Nhưng do bối cảnh của thời chiến tranh, mặc dù các đoàn cải lương có muốn mở rộng địa bàn lưu diễn để khán giả được dịp “biết mặt đào kép” cho thỏa lòng hâm mộ, thì cũng khó thực hiện.

Sau ngày hòa bình được lập lại, tức sau ngày 30/4/1975, điều kiện lưu diễn đã trở nên thuận lợi hơn, vậy là khán giả rần rộ đến bãi diễn ngoài trời hoặc đến rạp. Đây cũng chính là một phần hệ quả tích cực từ sự tác động của cải lương trên dĩa hát, tích tụ qua nhiều năm, nay được dịp thỏa nguyện đến với cải lương trên sàn diễn. Từ kênh “nghe” chuyển sang kênh “nhìn”.

V/ Làm cách nào, công nghệ nghe/nhìn thúc đẩy Cải lương?

Nhiều năm qua chúng ta không ít lần nghe giải thích rằng: các loại hình “nghe/nhìn” hiện đại đẩy lùi Cải lương, rồi… video cải lương đã “bào mòn” cải lương của sàn diễn. Tôi nghĩ, cách giải thích như vậy không thỏa đáng.

Như phần trên đã cho thấy công nghệ dĩa hát không làm cho cải lương của sàn diễn thu hẹp, mà trái lại, thúc đẩy ngành Cải lương phát triển. Cũng vậy, công nghệ “nghe/nhìn” (audio-video), cụ thể là video cải lương lẽ ra giúp cho sân khấu Cải lương phát huy ảnh hưởng của mình nhiều hơn mới phải.

Tiếc thay, thực tế của những năm qua, lại cho thấy điều trái khoáy là: video cải lương –  sau một thời gian “ăn khách” – đã giống như “rắn tự cắn đuôi mình”, làm cho cải lương của sàn diễn mất khách.

  1. Trước hết, “tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”, trách mình trước khi trách người, xem xét những lỗi thuộc về chủ quan thay vì đổ rịt cho những lý do khách quan.

    Phần nhiều video cải lương thu playback, nhép miệng một đàng còn tiếng ca đi một nẻo. Rồi cách quay & dựng vội vàng, mà chúng ta gọi là “mì ăn liền”, đã khiến cho công chúng phát ngán.

    Công nghệ audio của một số hãng dĩa trước đây, như hãng Việt Nam, hãng Continental… đều được thực hiện chăm chút, chu đáo.

  2. Nếu như công nghệ video những năm vừa qua cũng được làm kỹ lưỡng, ắt hẳn chúng ta không lãnh tác dụng “ngược” từ video đối với sàn diễn.

  3. Vấn đề kế tiếp cần giải quyết, không thuộc về chuyên môn nghệ thuật, mà thuộc pháp luật về bản quyền.

    Xin kể lại câu chuyện của cô Sáu Liên hãng dĩa Việt Nam. Sau giai đoạn “cải tạo tư sản”, cuối cùng, nhà nước có chủ trương trả lại hãng dĩa cho cô Sáu Liên. Cô Sáu trở về, nhặt lấy “những đứa con” là kho dĩa hát, rồi lau chùi cho hết ẩm mốc. Nhờ vậy, thính giả mới còn có những bài Vọng cổ để đời mà nghe.

    Rồi Cô Sáu Liên bỏ tiền đầu tư dàn thiết bị kỹ thuật số mới toanh để chuyển từ dĩa nhựa, dĩa than, và băng cassette sang dĩa CD. Có một thời gian dĩa CD được bán ra với số lượng “khủng”, nghe mà đã lỗ tai. Hàng ngàn bài Vọng cổ và tuồng Cải lương xưa với các giọng ca vàng lại hồi sinh mãnh liệt.

    Đâu ngờ… bị chép dĩa lậu dễ dàng. Thêm mối nguy nữa, người ta “chôm”, rồi tải lên mạng, thế là mỗi album đầu tư cả trăm triệu đã bị mất bản quyền chỉ sau nửa giờ phát hành!

    Không nhà sản xuất nào, cả audio lẫn video Cải lương, có thể cầm cự nổi trong tình trạng bị ăn cắp bản quyền liên tục.

    Chúng ta, những người quan tâm đến hiện trạng và mơ ước tương lai cho Cải lương, không thể tự giải quyết mà cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý. Chỉ khi nào bảo vệ bản quyền một cách nghiêm ngặt nhất, chúng ta mới có thể dự tính đâu ra đó về công nghệ nghe/nhìn (audio/video) thúc đẩy sự phát triển cho Cải lương.

    Khi đã an tâm vì được bảo vệ bản quyền, lúc đó điểm mấu chốt - dĩ nhiên - nằm ở khâu thực hiện những sản phẩm audio/video sao cho chất lượng kỹ thuật & nghệ thuật được tốt nhất.

Tôi tin rằng, sân khấu Cải lương muốn trỗi dậy mạnh mẽ thì không thể thiếu được sự đồng hành của công nghệ audio/video.