Tiểu thuyết quốc ngữ diễm tình đầu tiên của Việt Nam

TP - Đầu tháng 10/2014, PGS - TS Võ Văn Nhơn (Đại học KHXH & NV TPHCM) đã tìm lại được bản in bộ tiểu thuyết vốn ra đời từ 100 năm trước - tác phẩm Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu (1879-1941) tại Thư viện Quốc gia Pháp. Mới đây, ông đã hoàn tất việc khảo cứu để có thể dẫn đến kết luận: Đây là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, lại thuộc thể loại diễm tình.


Nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn trong chuyến đi làm việc ở Paris.

Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi với ông về bộ tiểu thuyết từng gây tranh cãi nảy lửa, làm hao tốn rất nhiều bút mực này.

Nhà văn Lê Hoằng Mưu đã tâm sự trên báo Lục tỉnh tân văn: “Dòm thấy trong xứ cứ ôm truyện Tàu mà dịch mãi, chưa thấy ai viết bộ tiểu thuyết nào cả. Tưởng rằng dầu hay dầu dở cũng của mình. Tôi khởi đầu viết bộ Hà Hương phong nguyệt”.

Ngoài tính chất đầu tiên, bộ tiểu thuyết này có gì đặc biệt, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Bằng Giang trong công trình Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 - 1930 có một ý kiến khiến chúng tôi đặc biệt lưu tâm: “Còn tiểu thuyết (không nói truyện ngắn) thì cũng chỉ bắt đầu với Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu đăng báo năm 1912 và in thành sách năm 1915”. Nhà văn Bình Nguyên Lộc trong cuộc phỏng vấn trên The Vietnam Forum số 13/1990 lúc sang Mỹ định cư cũng cho biết: “Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu.

Cuốn này được xuất bản vào khoảng năm 1917, và tôi tin đó cũng là cuốn tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên của Việt Nam”. Ông Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm CLB Sách Xưa & Nay trong Hồi ký 60 năm chơi sách cho biết có người đã từng yêu cầu ông “làm bất cứ cách nào” và mua hộ “bằng bất cứ giá nào” quyển sách này của Lê Hoằng Mưu.

Đây là tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Lê Hoằng Mưu, một nhà văn khét tiếng của văn học Nam bộ đầu thế kỷ 20. Việc xuất hiện Hà Hương phong nguyệt, theo Lê Hoằng Mưu là một phản ứng, là lòng tự trọng của một nhà văn Việt Nam trước cơn sốt dịch “truyện Tàu” lúc đó.

Vậy vì sao Bằng Giang và Bình Nguyên Lộc cho đây là tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam?

“Trong lúc vấn đề tình dục vẫn được xem là một điều cấm kỵ trong văn chương thì tác phẩm lại có nhiều cảnh nhạy cảm khi miêu tả những chuyện tình tự trai gái”.
Nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn

Như chúng ta đã biết, trước Hà Hương phong nguyệt, Nam bộ đã có Thầy Lazarô Phiền (1887, chỉ dài 32 trang) của Nguyễn Trọng Quản, Hoàng Tố Anh hàm oan (1910, 54 trang) của Trần Chánh Chiếu, Phan Yên ngoại sử - Tiết phụ gian truân (1910, 49 trang) của Trương Duy Toản… Vì thế việc xác định thể loại cho các tác phẩm này, đặc biệt là Thầy Lazarô Phiền, cũng còn gây tranh cãi. Hà Hương phong nguyệt so với các tác phẩm trên có số trang dày dặn hơn nhiều, in feuilleton trên báo Nông cổ mín đàm từ 1912 đến 1915 vẫn chưa kết thúc, in thành sách năm 1914 với 6 tập dài đến 284 trang (chưa kết thúc).

Nhưng Hà Hương phong nguyệt không chỉ có số trang dày dặn. Hiện thực được phản ánh trong tác phẩm khá rộng lớn, có thể xem đây là một xã hội Nam bộ ở đầu thế kỷ 20 được thu nhỏ. Trong tác phẩm có các gia đình giàu lẫn những gia cảnh nghèo hèn; có cảnh Sài Gòn đô hội phồn hoa bên cạnh cảnh nghèo hèn thôn dã; có cảnh tòa xử án, trạng sư biện hộ... Số lượng nhân vật trong Hà Hương phong nguyệt cũng rất đông đảo, da dạng, từ thường dân cho đến quan chức.

Có nàng Hà Hương xinh đẹp, buông thả bên cạnh một Nguyệt Ba đẹp người, đẹp nết. Có Nghĩa Hữu đam mê sắc dục, ích kỷ bên cạnh một Ái Nghĩa chung tình. Có cả người nước ngoài như khách trú người Hoa, có anh Bảy Chà Và (người gốc Ấn) và những trạng sư người Pháp như Portrait... Đặc biệt là Lê Hoằng Mưu còn có khả năng phân tích tâm lý sắc sảo. Thay vì kể chuyện, ông đã sớm đi vào miêu tả tâm lý nhân vật, đã chú ý những diễn biến tâm lý, cảm giác của nhân vật.

Nhân vật Hà Hương chẳng hạn, không phải là một nhân vật chức năng mà mang tính nhị nguyên, phức tạp. Đó là dấu hiệu của tiểu thuyết hiện đại, là một sự mới mẻ về bút pháp so với tiểu thuyết truyền thống.


Bìa tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Thế thì việc tìm được Hà Hương phong nguyệt có ý nghĩa gì về mặt sử liệu?

Trước đây, do thiếu thông tin về Hà Hương phong nguyệt nên các công trình như Địa chí văn hóa TPHCM, Tiến trình văn nghệ miền Nam của Nguyễn Q. Thắng, Chân dung văn học của Hoài Anh, Từ điển tác gia văn xuôi Việt Nam do Vũ Tuấn Anh và Bích Thu chủ biên, Từ điển tác gia văn học Việt Nam thế kỷ 20 của Trần Mạnh Thường… đều viết về tác phẩm này không chính xác. Đó có lẽ là do các công trình này kế thừa quyển Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (Sài Gòn, Lửa Thiêng, 1975) của Bùi Đức Tịnh. Nhưng Bùi Đức Tịnh trong công trình này đã ghi chép cốt truyện Hà Hương phong nguyệt theo trí nhớ của Vương Hồng Sển nên nội dung có phần sai lệch.

Về thời điểm xuất bản Hà Hương phong nguyệt, các công trình trước đây như Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ 1865 – 1930 của Bằng Giang, Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 do Nguyễn Kim Anh chủ biên, Văn học Việt Nam nơi miền đất mới của Nguyễn Q. Thắng, Từ điển văn học (bộ mới), Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (tập 1) do Vũ Tuấn Anh - Bích Thu chủ biên,… đều ghi Hà Hương phong nguyệt xuất bản năm 1915, bởi nhà Imprimerie J. Viết, với 5 tập. Điều này cũng không chính xác, bản ở Thư viện Quốc gia Pháp ghi rõ là Hà Hương phong nguyệt được in năm 1914, bởi nhà in Saigonnaise L. Royer, với 6 tập.

Hình như Hà Hương phong nguyệt đã bị thực dân Pháp tịch thu và tiêu hủy. Vì sao lại có chuyện ấy?

Sau khi được xuất bản thành sách khoảng 10 năm, đã có một cuộc bút chiến dữ dội xung quanh Hà Hương phong nguyệt. Nhiều nhà văn, nhà báo như Nam Kiều Trần Huy Liệu, Hốt Tất Liệt Nguyễn Háo Vĩnh, Nguyễn Chánh Sắt, Cao Hải Để, Trì Nam Tử... đã phê phán kịch liệt tác phẩm này cùng với tác giả của nó. Có những ý kiến hết sức gay gắt, thậm chí có người còn lên án Lê Hoằng Mưu như là “một đứa tội nhơn lớn nhứt của nước An Nam”. Trước áp lực của dư luận, cuối cùng Hà Hương phong nguyệt đã bị chính quyền thuộc địa ra lệnh tịch thu và tiêu hủy vì lý do tác giả đã miêu tả những cảnh “ăn chơi trác táng trái với thuần phong mỹ tục”.

Việc Hà Hương phong nguyệt bị dư luận lên án mạnh mẽ, đó là bởi diễn ngôn tính dục mới mẻ của tác phẩm này. Trong lúc vấn đề tình dục vẫn được xem là một điều cấm kỵ trong văn chương thì tác phẩm lại có nhiều cảnh nhạy cảm khi miêu tả những chuyện tình tự trai gái. Những đoạn tả cảnh tình tự trai gái giữa Nghĩa Hữu và Hà Hương, giữa anh Bảy Chà và Hà Hương, giữa Ái Nhơn và Bảy Nhỏ… khá táo bạo so với “tầm đón nhận” của độc giả thời đó.

Việc đưa một nhân vật phản diện làm nhân vật chính, tô đậm những sắc thái của một thứ tình yêu quay lưng với đạo lý, chạy theo những hấp dẫn của xác thịt thuần túy, là nguyên nhân chính khiến cho Hà Hương phong nguyệt bị dư luận lên án mạnh mẽ. Nàng Hà Hương xinh đẹp, còn biết làm thơ nhưng không phải là nhân vật lý tưởng như trong truyền thống mà lại mang rất nhiều tính xấu: đua đòi, cờ bạc, lợi dụng nhan sắc của mình để quyến rũ đàn ông. Kiểu nhân vật biểu tượng cho sự cám dỗ của sắc dục này chưa hề có trong văn học truyền thống. Tác phẩm của ông bị lên án vì đã chuyển tải một quan niệm không truyền thống về tình yêu, luân lý trong thời điểm nhân dân Nam bộ cần cổ súy cho đạo đức truyền thống, cho tình yêu nước để có sức mạnh chiến đấu với giặc ngoại xâm hơn là những tình cảm cá nhân ngang trái, buông thả.

Tiểu thuyết này lại còn quá mới mẻ trong thời điểm ảnh hưởng của văn minh phương Tây vẫn chưa thật sự lấn át được những quan niệm khắt khe của Nho giáo về tình yêu nam nữ. Tình yêu cá nhân mang tính nhục thể và dục vọng thầm kín của con người vẫn là những điều khá xa lạ đối với những quan niệm truyền thống đương thời.