Hứa Hoành
Các bạn có biết trong tỉnh Mỹ Tho có hai ngôi mộ chôn đứng là của ai không? Xin thưa rằng ngôi mộ thứ nhất của một người con bất hiếu bị “trời trồng” chôn trong xã Khánh Hậu, sau này thuộc tỉnh Long An. Ngôi mộ thứ hai là của Trần Bá Lộc, đi tàu gần tới Mỹ Tho thấy ngôi mộ sừng sững ở đầu ngã ba sông.
Trần Bá Lộc là một trong những người oán hận triều đình Huế chỉ vì gia đình ông có đạo, đã bị ngược đãi. Thân phụ Lộc là Trần Bá Phước, người Quảng Bình, đổ Tú Tài vào Nam lập nghiệp với tư cách một thầy đồ. Ban đầu cụ Phước dạy học tại Cái Nhum Rau Má (Vĩnh Long) sau đó đổi lên cù lao Giêng (Châu Đốc). Đây là các xứ đạo lâu đời nhờ vào vị trí khuất lấp với bên ngoài, nên các giáo sĩ vẫn lén lút truyền đạo. Trần Bá Lộc chào đời tại đây năm 1838, cuối đời vua Minh Mạng. Lớn lên nhằm lúc triều đình cho thi hành một chánh sách cấm đạo khắt khe vì sự khiêu khích của người Pháp. Nhiều cố đạo bị bắt giam, có vị bị hành quyết như Thánh Minh bị giết năm 1854 tại bến đò Đình Khao (Vĩnh Long). Nhiều tín đồ bị đánh đập tàn nhẫn buộc phải bỏ đạo. Có kẻ bị lưu đày. Thân phụ Lộc, cụ Trần Bá Phước bị bắt giam tại Châu Đốc một thời gian rồi đày đi Bình Định. Năm đó Lộc 16 tuổi. Bao nhiêu thù hận Lộc đổ trút lên đầu quan lại địa phương và triều đình Huế. Càng thương cha bao nhiêu, Lộc càng căm thù bấy nhiêu.
Theo nhận xét của người Pháp lúc còn học ở trường nhà dòng, người Pháp nhìn nhận rằng Lộc tỏ ra thông minh, có chí khí, học hành tiến bộ. Trong thời gian cha bị phát lưu tại Bình Định, giáo hội tiếp tục nuôi nấng và dạy dỗ Lộc. Mối cảm tình với thực dân phát sinh từ đó. Sau khi cưới vợ, một người có đạo Công giáo, được hơn một năm Lộc bị quan lại địa phương bắt bớ, đánh đập rồi giam luôn. Nhưng sau đó Lộc trốn thoát được. Lúc đó Pháp cũng vừa làm chủ tình thế ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, cần mua chuộc người bản xứ ra hợp tác. Khai thác hận thù trong tâm của Lộc, giáo hội khuyên Lộc nên gia nhập hàng ngũ Pháp để tránh bị trả thù. Lộc âm thầm đem gia đình lên Mỹ Tho, rồi nhờ một ông cố đạo gọi là cha Marc che chở để sống trong lãnh thổ của Pháp.
Cũng do sự tiến dẫn và giới thiệu của Marc, Lộc xin vào làm lính mã tà. Lộc lập nhiều thành tích nhờ dọ thám, điềm chỉ cho Pháp bắt các thân hào nhân sĩ ủng hộ nghĩa quân, nên Lộc được thăng Cai, rồi lên Đội rất nhanh. Năm sau, Lộc đã lập nghiệp vững chắc ở đây rồi, Pháp cấp cho Lộc một căn nhà lá, vợ thì nuôi heo kiếm thêm tiền. Từ đó, tiền bạc và địa vị của Lộc thăng tiến nhanh như diều gặp gió. Vốn có ác cảm với quan quân của triều đình, Lộc đàn áp các nghĩa quân không nới tay. Nhờ biểu lộ lòng trung thành với thực dân qua các vụ đánh dẹp, chém giết, lại biết chữ quốc ngữ, chữ Hán, cho nên mới 26 tuổi, Lộc được bổ làm tri huyện, tức chủ quận Cái Bè năm 1865. Lộc là người Việt Nam đầu tiên được Pháp bổ làm chủ quận Nam Kỳ. Hai năm sau, Lộc được thăng Đốc Phủ Sứ. Lúc nầy Lộc vừa đóng vai trò võ quan để bình định các cuộc khởi nghĩa cho Pháp, vừa giữ vai trò cố vấn cho Pháp về vấn đề an ninh lãnh thổ, hành chánh và chánh sách cai trị nữa.
Kinh nghiệm cho biết rằng hễ kẻ có tài hay tự phụ. Lộc không thoát khỏi thông lệ đó. Khi đã thăng phủ, vẫn còn ngồi ở quận Cái Bè, Lộc lấn quyền cả người Pháp. Lộc coi như mình có quyền hành trên những người Pháp đang phục vụ tại đây. Ông ta viết đơn gởi cho Giám Đốc Nội Vụ đề nghị thăng cấp cho người Pháp trong quận, và coi đó như nhiệm vụ của mình. Ngồi quận Cái Bè trong 30 năm, công lao hãn mã đã nhiều, mà vẫn không còn tiến thân được nữa, điều đó chứng tỏ người Pháp không thích ông và dùng người có giai đoạn. Những cuộc đánh dẹp trong Đồng Tháp Mười, Vũng Liêm, Cầu Ngang, Rạch Giá, Phú Quốc... có thể nói bất cứ cuộc khởi nghĩa nào ở Nam Kỳ cũng có Lộc dẫn quân đi đàn áp dã man.
Có một lần Lộc họp cùng Phủ Đức, ruồng bắt cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân ở vùng Gò Công lên đến Chợ Gạo, khiến cho cọp, chồn, nai chạy tán loạn vào các thôn xóm. Khi ngồi chủ quận Cái Bè, mỗi lần báo cáo điều gì lên Thống Đốc Nam Kỳ, Lộc luôn luôn dùng chữ “Phụng lệnh quan lớn Nguyên Soái”, nịnh bợ cấp trên hết lòng. Theo Lộc, nhà cầm quyền cần dạy dân chúng về luân lý, đạo đức của Pháp. Lộc nói người Công Giáo luôn luôn trung thành với Pháp, chỉ có các phần tử theo Nho giáo mới làm loạn.
Ông Durrwell nhận xét về Trần Bá Lộc như sau: “Lộc đàn áp dã man các cuộc khởi nghĩa, và thẳng tay dùng bạo lực để dẹp các cuộc bạo động. Dưới con mắt của người Pháp, Lộc là một trong những viên chức Việt Nam ra hợp tác đáng tín nhiệm nhứt, và là một thí dụ điển hình để những người Việt khác noi gương!”
Lộc chém giết các nghĩa quân dã man hơn cả người Pháp rất nhiều, nên dân chúng oán hận mà không làm gì được. Có một lần Lộc đi dự lễ khánh thành một nhà việc làng ở Mỹ Tho, bị ám sát, nhưng thoát chết. Để dẹp tan các cuộc khởi nghĩa và dụ hàng, Lộc bắt cha mẹ, vợ con các lãnh tụ phải chỉ chỗ họ ẩn núp, kêu họ ra đầu thú, nếu không đạt mục đích, Lộc sẵn sàng hạ sát họ. Đối với Lộc, phương tiện nào cũng tốt miễn đạt tới mục tiêu thì thôi.
Nhìn về nông thôn, theo báo cáo của Lộc với Thống Đốc Nam Kỳ, thì đó là một bức tranh ảm đạm: “Các viên chức làng xã thường thụt két, biển thủ tiền bạc để ăn xài riêng, hút á phiện và lạm dụng quyền hành. Mỗi khi bắt dân chúng làm sưu thì họ hàng với những người ấy được miễn, không ai dám kêu ca. Tiền bạc thâu góp trong các dịp lễ lạc, họ bỏ túi xài riêng”. Lộc nói thêm: “Các món tiền trợ cấp cho dân quê đều vô túi mấy ông làng (Nên nhớ đây là tiền trợ cấp tử tuất cho gia đình những người lính đã theo Pháp bị tử trận). Khi trả lương cho họ, phải làm sổ sách hẳn hòi. Mỗi lần có lễ lạc như cúng đình là đóng góp tự nguyện, không bắt buộc. Sau cùng, làm sưu phải đồng đều”. Với báo cáo đó, Lộc tỏ ra nắm vững tình hình ở thôn quê và am hiểu luật lệ hành chánh, vì lẽ đó nên Pháp rất tin cậy.
Năm 1886, Lộc được Pháp điều động ra Bình Định để đánh dẹp cuộc khởi nghĩa của Mai Xuân Thưởng. Xong việc, Lộc được thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh và thăng hàm Tổng Đốc Thuận Khánh, nên dân chúng gọi ông là Tổng Đốc Lộc. Sau đó, Lộc về quê tại Cái Bè và Mỹ Tho. Lộc rất tự phụ, chê cả người Pháp là bất lực, kém hiểu biết tình hình địa phương. Cũng chính vì thế người Pháp không ưa ông ta, nhưng phải nhìn nhận rằng: “Lộc là người dùng phương tiện cẩu thả, nhưng đạt mục đích chắc chắn”. Tham Biện Mỹ Tho phê bình Lộc như sau: “Người ta có thể phàn nàn lão già nầy về hành động dã man lúc trước nhưng tôi nghĩ trong hàng ngũ viên chức bản xứ hiện nay, khó tìm được người biết kính bề trên và tận tụy với quyền lợi của nước Pháp như hắn”. (Hồ sơ Trần Bá Lộc của Durrwell, năm 1931)
Toàn quyền Paul Doumer vào Nam nhiều lần. Lần nào ông ta cũng có xuống nhà thăm Lộc. Theo P. Doumer vào những năm cuối đời của ông ta, Lộc là một trong những người giàu nhứt ở Nam Kỳ. Trước khi chết, Lộc còn hơn hai ngàn mẫu ruộng và làm chủ cả cù lao Qưới Thiện. Để tưởng thưởng công lao hãn mã của Lộc, năm 1899, P. Doumer cho Lộc làm thành viên của phái đoàn, tháp tùng với P. Doumer viếng thăm Bangkok. Ân huệ đó làm cho Lộc rất hãnh diện. Ngoài ra P. Doumer còn cất nhắc Lộc trước khi chết được vào Hội Đồng Tối Cao Đông Dương, có nhiệm vụ lo về an ninh lãnh thổ.
Lộc mất năm 1900 trong sự lãnh đạm của Pháp lẫn Việt. Trước khi chết, Lộc dặn con phải chôn đứng. Đám ma của Lộc quàn đủ 100 ngày để khách khứa xa gần viếng thăm. Mỗi ngày đều có làm heo, bò đãi khách khứa rần rần. Lễ động quan có binh lính bắt súng chào và đưa tới huyệt. Lộc chết không ai tưởng nhớ, nhưng người Pháp cho lấy tên Lộc để đặt tên cho một con kinh từ Bà Bèo tới Rạch Ruộng do chính Lộc chỉ huy dân phu đào. Công việc đào kinh rất nặng nhọc, giữa đồng nhiều muỗi, vắt, đĩa và thiếu nước uống, khiến cho nhiều người chết vì bệnh sốt rét và dịch tả. Kinh Tổng Đốc Lộc đã góp phần làm cho vùng hai bên bờ kinh được phong phú.
Phải chăng cây độc không trái, hay ít trái, nên Trần Bá Lộc chỉ có một người con duy nhứt là Trần Bá Thọ. Theo cuốn “Sự có mặt của người Pháp ở Nam Kỳ và Cam Bốt” thì từ năm 1886 trở đi Nam Kỳ đã bắt đầu gởi người du học qua Pháp. Bốn năm sau số du học sinh lên đến 90 người . Thọ là một trong những người du học đầu tiên đó, cùng với Huỳnh Công Miêng con Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn (1). Thọ và người chú ruột là Trần Bá Hữu theo học trường Laseyne ở Pháp. Những người đi Pháp học trong buổi đầu không phải để lấy bằng cấp, mà chỉ học chữ Pháp đủ sức làm thông ngôn, giao dịch với Pháp mà thôi.
Sau khi ở Pháp về, Trần Bá Thọ vừa làm Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ, vừa lo quản lý ruộng đất khổng lồ của cha để lại. Cũng giống như cha, khi ra làm việc với Pháp, Thọ vẫn nóng tánh, hay có những ý kiến trái ngược với quyền lợi của Pháp. Trần Bá Thọ có một người con gái gả cho con trai út của cụ Trương Vĩnh Ký là Trương Vĩnh Tống. Trong thời gian làm hội đồng, Trần Bá Thọ có nhiều hoạt động đáng lưu ý.
Trước hết, trong các phiên họp hội đồng, Thọ đưa ra nhận xét: “Vai trò cai tổng trong mỗi quận rất quan trọng, nhờ họ làm trung gian truyền lệnh từ quận xuống xã, và đốc xuất việc thâu thuế. Cai tổng do các làng bầu ra, nhưng phải được nhà cầm quyền cấp tỉnh hợp thức hóa. Mỗi cai tổng có phó tổng phụ tá. Thọ nói tìm và bổ nhiệm một cai tổng có khả năng không phải dễ, và Thọ cũng phàn nàn lương cai tổng quá thấp, nên khó kiếm người có khả năng, mà còn làm cho họ tham nhũng, hối lộ. Còn các ông làng, mỗi lần đi công tác lên tỉnh, lên quận mất nhiều ngày mà không có công tác phí, khiến họ phải ăn hối lộ”.
Trong một phiên họp hội đồng, Thọ nêu ý kiến báo chí sẽ tường thuật các phiên họp ấy cho dân chúng biết. Viên Thống Đốc Nam Kỳ chủ tọa trả lời rằng:
“Me-sừ Thọ rất thông minh, nhưng không hiểu biết nội bộ. Nếu cho dân chúng biết mọi cuộc thảo luận của Hội Đồng Quản Hạt, chúng ta sẽ khó đạt mục đích. Cần phải giấu họ.”
Đã từng nghe dân chúng phàn nàn về việc làm của cha trước đây nên vào năm 1908, Trần Bá Thọ cho xuất bản quyển: “Nhị Thập Tứ Hiếu” bằng Pháp văn và Quốc ngữ để giáo dục dân chúng về luân lý, đạo đức của Nho giáo. Trong lời tựa sách, Thọ viết:
“Người Việt không kính trọng các kẻ hợp tác với Pháp và nói tiếng Pháp vì họ bị cô lập không nói được tiếng ấy và cũng không được giáo dục nữa.”
Trước kia, Lộc đã từng chủ trương dạy chữ Quốc ngữ cho người Công giáo. Thọ nói rằng vì thiếu sách nên ông phải soạn ra. Lập luận này bị ông Diệp Văn Cương không tán thành bằng cách nói rằng không có lý do gì mà không dạy Nho giáo bằng Pháp văn, trong khi tiếng Pháp chính là công cụ để khai hoá. Còn Hội Đồng Lê Văn Phát thì cho rằng cần duy trì tiếng Pháp để người Pháp hiểu sinh hoạt, lịch sử Nam Kỳ mà họ đang cai trị. Trong khi đó, Giám Mục Mossand phàn nàn nhờ hấp thụ văn hoá Pháp do nhu cầu cai trị, mà một số người tỏ ra ít trung thành với Pháp. Ông Diệp Văn Cương, du học Pháp, đổ Tú Tài 2, về làm Hội Đồng đã phản đối:
“Lời tuyên bố xuất phát từ một vị đứng đầu Giáo Hội Truyền Giáo Nam Kỳ như một sự tố cáo tất cả người Việt du học bên Pháp đều chống lại Pháp, trong đó có tôi chẳng hạn. Điều đó không đúng.”
Dư luận Nam Kỳ cho rằng Trần Bá Thọ giống cha, lúc làm Hội Đồng dám ăn nói, tỏ ra cứng đầu, không nể nang ai hết. Về sau Thọ quy dân lập ấp, xây chợ, cất nhà ở Sa Đéc, lúc ấy thuộc phủ Tân Thành, nơi Lộc từng trấn nhậm và có rất nhiều đất đai. Dân chúng Sa Đéc còn nhắc đến Trần Bá Thọ bằng hai câu liễn đối:
Tân thị Mỹ Thành, chánh bổ Lục na sáng tạo
Quy dân lạc lợi, Hùng đường, Trần Bá Thọ kinh dinh
Về sau, không biết buồn việc gia đình ra sao, Thọ dùng súng lục tự tử.
Trần Bá Lộc còn hai người em trai khác là Trần Bá Tường và Trần Bá Hựu. Cả hai đều ra cộng tác với Pháp rất sớm, vì nhờ lập được nhiều thành tích đàn áp, bắn giết các nghĩa quân, nên được Pháp rất tin cậy. Trần Bá Hựu làm chủ quận Long Thành, còn Trần Bá Tường ngồi quận tại Long Xuyên. Năm 1875, Trần Bá Tường tham gia vào cuộc càn quét nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Làng Linh do Phó Quản Cơ Trần Văn Thành lãnh đạo. Pháp nhiều lần dụ hàng, đem quan chức ra làm mồi câu nhử, mua chuộc nhưng Trần Văn Thành khẳng khái:
Thà thua xuống láng, xuống bưng
Bỏ ra đầu giặc, lỗi chưng quân thần
Trong trận nầy, Trần Bá Tường có người dọ thám trước, rồi tự mình dẫn một cánh quân, phối hợp với quân của Quản Hiếm (một người Việt theo Pháp) đánh úp đồn Bảy Thưa là bản doanh của lãnh tụ Trần Văn Thành. Khu vực này được tổ chức phòng thủ kiên cố, và tinh thần chiến đấu của binh sĩ rất cao. Từ đó về sau người ta không còn nghe nhắc tới Trần Bá Tường nữa.
Có một giai thoại về Trần Bá Thọ như sau:
“Tại Gia Định có một sĩ phu tên Nguyễn Văn Thạnh quê quán ở Định Tường, đậu khoá thi Hương (cử nhân) làm quan tại Bình Thuận. Ông Thạnh là một nhà Nho có khí tiết. Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Cử Thạnh từ quan trở về tìm cách liên lạc với nghĩa quân để tham gia. Ghe bầu của ông vừa vào cửa Cần Giờ thì bị quân Pháp khám xét. Sau khi lục soát, chúng tìm được nhiều mã tấu, gươm giáo giấu dưới khoang hầm. Âm mưu bại lộ, Cử Thạnh bị bắt giải về Sài Gòn. Nghe tin, Tôn Thọ Tường tới xin bảo lãnh, mời về nhà đãi tiệc để dụ dỗ. Thạnh khẳng khái từ chối. Tường không dám ép mà chỉ nói:
- Nhân các hữu kỳ chí (Ai có chí hướng của người nấy).
Mấy tháng sau, Cử Thạnh về quê sống ẩn dật. Lúc nầy Trần Bá Lộc đã ngồi chủ quận Cái Bè, nghe danh Cử Thạnh nên mời ông ta về nhà làm gia khách dạy con là Trần Bá Thọ. Cha nào con nấy, Trần Bá Thọ tuy còn là học trò, nhưng cũng bộc lộ nhiều cử chỉ ngang ngạnh. Một hôm thấy thầy đồ Nguyễn Văn Thạnh rậm râu, hay hút thuốc, Trần Bá Tọ liền tới gần và nói:
- Thưa thầy, thầy có thể cho phép con ra một câu đối?
- Được, trò cứ làm trước. Cử Thạnh trả lời.
Trần Bá Thọ liền đọc:
“Râu ba chòm lém dém, miệng hút thuốc phì phèo”.
Nhìn lại thấy Thọ tuy còn nhỏ tuổi, nhưng đầu hói, tóc thưa, đi đâu cũng cầm ba-ton ra vẻ hống hách, nên Cử Thạnh ứng khẩu đối ngay:
“Tóc vài sợi le the, tay cầm gậy ngúc ngắc.”
Chưa thoả mãn, Thọ xin thầy đối một câu nữa của hắn:
“Phụ từ, tử hiếu, sanh con thế ấy là vàng”
Bực mình, thấy đứa học trò ngạo mạn, Cử Thạnh liền đáp:
“Tham phú, phụ bần, đụ mẹ thằng nào ở bạc!”
Xấu hổ, từ đó Trần Bá Thọ không còn xấc láo với thầy học nữa”.