Giờ học Hán văn

Nhớ lại hồi nhỏ, tôi thường nghe nói nhiều đến tiếng tăm của trường trung học công lập Nguyễn Ðình-Chiểu. Thỉnh thoảng có dịp đi ngang qua đại lộ Hùng Vương, nhìn thấy các anh học sinh quần dài xanh dương áo trắng và đặc biệt là chiếc huy hiệu nho nhỏ may trên miệng túi áo, có thêu chữ Nguyễn Ðình Chiểu màu xanh lam và viền khung đỏ là tôi mê thích hết biết luôn! Tôi thầm ao ước có ngày cũng được mặc bộ đồng phục tươm tất với chiếc phù hiệu xinh xinh của trường. Thật đúng vậy! Vào đầu thập niên 60, học sinh thi được vào trường công lập nầy không phải là dễ, vì số thí sinh hàng năm quá đông mà trường lại tuyển học sinh vào chỉ có giới hạn.

Năm 1960, sau khi thi đậu bằng tiểu học chữ Tàu ở trường Sùng-Chánh, tôi chuyển sang học chương trình Việt lớp nhất ở trường Thầy Dòng Thánh Giu-Se. Năm sau, tôi thi được bằng Tiểu Học và đậu luôn vào trường Nguyễn Ðình-Chiểu. Tôi quá đỗi vui mừng vì ước mơ từ lâu nay được toại nguyện. Các chị tôi đang học bên trường công lập Nữ Trung Học cũng chung vui với tôi.

Niên hóa 1962-1963, đệ thất được chia làm tám lớp mà tôi được xếp vào đệ thất 2, sinh ngữ Pháp văn. Lớp học nằm ở dãy lầu mới xây bên phải, từ cầu thang đi lên phía bên trái, phòng học thứ nhì là đệ thất 2 gồm hơn 60 học sinh mà chỉ có tôi là người Hoa. Nhập học không bao lâu thì chúng bạn biết được điều đó, nên tụi nó thường trêu chọc tôi đủ thứ, nào là “Ba Tàu sống hay đầu cơ tích trữ, chết thì làm mất trật tự giao thông”, nào là “ngọ đập bể cái chén, nị đập bể cái tô…”. Nhưng tôi không lấy làm buồn giận chuyện không đáng kể đó mà trái lại còn cảm thấy hãnh diện nữa là khác, vì cả trường Nguyễn Ðình-Chiểu lúc bấy giờ, số học sinh người Hoa mà giỏi chữ Việt, tôi tin rằng chỉ đếm được trên đầu ngón tay mà thôi! Ngoài chuyện nhỏ nầy ra, phải nói là không khí lớp học lúc đó rất vui nhộn. Mỗi lần đến giờ ra chơi, chúng tôi thường chạy ra kiosque có nhiều bóng cây phía sau để uống nước đá đậu, nước đá sương sáo và mua những chiếc bánh trắng có nhưn dừa hình bán nguyệt ăn rất thơm ngon. Vì trường lớn mà chỉ có một quán nhỏ nên bán rất đắt, bởi thế nên chuyện chờ đợi mua chưa kịp ly nước đá mà đã nghe tiếng chuông vào lớp học là thường. Tiếc rằng trường không có các bộ môn thể thao để cho học sinh giải trí trong giờ ra chơi như ở các trường Tàu, nên đa số học sinh thường tụ tập lại từng nhóm nhỏ, để nói chuyện hoặc bàn luận nhau về bài vở vừa mới học trong lớp.

Nhóm bạn chúng tôi thỉnh thoảng đi học sớm hơn chừng một giờ, để hẹn nhau đá banh bàn ở tiệm bán tạp hóa và văn phòng phẩm Huỳnh Bá, ở gần ngả tư đường Hùng-Vương và Lê Ðại-Hành, nơi đây có cả bàn bi-da nữa! Kế bên là nhà may Hồng-Ðức mà chị tôi thường dẫn tôi đến may áo quần mới trước Tết hàng năm. Những lúc đi học sớm rỗi rãi chờ đến giờ vô trường, chúng tôi thường hay đứng ở ngả tư đường trước tủ kính lớn của tiệm chụp hình Bạch-Ðằng, mà ngắm nhìn những kiểu hình lớn chụp người đẹp Mỹ-Tho khác nhau được lồng trong khuôn. Phải công nhận có tấm chụp bán thân rất đẹp, nhưng vì chủ tiệm để chưng trong tủ kính quá lâu mà không chịu thay đổi, nên nhìn riết rồi cũng phát nhàm! Thời điểm đó phải nói nơi ngả tư nầy là một giao điểm trọng yếu của học sinh Mỹ-Tho, nhất là vào lúc đến trường cũng như khi tới giờ tan học. Khung cảnh nơi đây luôn nhộn nhịp đầy bóng dáng học trò, cũng tại khu vực ngả tư nầy,các tiệm buôn nhỏ, hàng quán, xe bán nước giải khát, bánh mì thịt cũng nở rộ hơn các nơi khác nhiều, vì trên con đường lớn nhất nầy và các con đường phụ cận xung quanh đó, gần như tập trung hầu hết các trường học lớn nhỏ của Thành Phố Mỹ-Tho.

Thời gian mai một qua mau…Mới đây mà đã gần năm thập niên rồi! Nhưng tâm trí tôi còn in đậm những kỷ niệm đẹp của niên học đầu lớp đệ thất 2 năm xưa. Tôi vẫn nhớ rõ và hình dung được từng khuôn mặt, dóc dáng, tướng đi, giọng nói của một số Thầy Cô kính thương. Thầy Nguyễn Văn Tường dạy âm nhạc. Trong kỳ thi cuối năm, ngoài phần lý thuyết, học sinh phải thi hát một bản nhạc. Lúc đó tôi hát bài “Em bé quê” của nhạc sĩ Phạm Duy được Thầy cho điểm rất cao, bởi nội dung bản nhạc rất dễ thương và âm điệu lại dễ nghe. Thầy Phan Thế-Ðức đeo kính trắng, dáng người hơi thấp dạy Lý-Hóa. Ðến giờ hóa học, Thầy thường gọi một vài học sinh trong lớp đi theo xuống phòng thí nghiệm mượn các học cụ như bình thủy tinh có hình thù đặc biệt, các dung dịch pha chế hay chất đốt .v.v. Chúng tôi rất thích thú khi học môn “ảo thuật” cùng cách giảng dạy dễ hiểu của Thầy. Môn Pháp văn thì do thầy Hoàng dạy. Trong số giáo sư của lớp, Thầy Hoàng được xem là cao niên nhất nên học sinh thường gọi Thầy là Ba Hoàng. Mỗi khi Thầy Hoàng chép ngữ vựng trên bảng, trong lớp có một vài đứa ngỗ nghịch hay lầm bầm đọc: “giỏ cá bự lại rẻ”, khiến Thầy bực mình quay xuống hỏi đứa nào đọc tầm bậy, khi ấy thì mấy đứa “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” đó mới chịu im lặng. Cô Vân có mái tóc thề rất đẹp, tính tình thùy mị, ít nói, dạy môn Công Dân. Các môn Kim Văn, Cổ Văn và Hán Văn thì do Cô Tạ Kim-Yến phụ trách. Cô Yến dáng người cao, thon thả, tóc uốn ngắn, có vẻ đẹp như minh tinh điện ảnh vậy. Cô trang điểm đậm và thích mặc những chiếc áo dài bông màu đỏ. Gia-đình cô ở Long-An nên mỗi lần có giờ dạy, Cô phải chịu  khó ngồi xe đò xuống tới Mỹ-Tho. Trong lớp Cô thương tôi nhất vì tôi là đứa học trò giỏi của các môn Cô dạy. Tôi còn nhớ có một kỷ niệm đẹp, mà mãi cho tới bây giờ vẫn không sao quên được.

Trong giờ Hán Văn, để cho việc giảng bài được dễ dàng, Cô Yến dùng cuốn tập cũ của một học sinh giỏi nhất lớp trong niên học trước để dạy lại chúng tôi. Vì là lớp đệ thất, nên môn Hán Văn chỉ dạy những chữ ít nét dễ viết mà thôi! Một lần trong tiết học, Cô đang chăm chú đồ từng nét đậm chữ Hán trên bảng cho chúng tôi ghi chép theo. Bất ngờ tôi phát hiện chữ THỦY trông sao nghịch mắt quá! Chữ nầy có bốn nét mà nét thứ nhất là một gạch thẳng từ trên kéo xuống rồi móc lên, thay vì móc bên trái, Cô lại móc qua bên phải. Cả lớp đang yên lặng cố gắng chép bài, vì chữ Hán mới học không phải là dễ. Viết đúng theo thứ tự các nét đã khó mà muốn viết cho đẹp lại càng khó hơn! Tôi là người Hoa, lại vừa đậu xong bằng Cao Tiểu chữ Tàu hơn một năm trước, nên giờ học môn Hán Văn vỡ lòng đối với tôi quá dễ dàng, nêu không muốn nói là…buồn ngủ. Thấy Cô viết sai, đợi cho Cô quay mặt xuống lớp tôi liền giơ tay lên. Ðang cầm cây thước dài chỉ bảng, Cô điểm hướng về tôi hỏi to:

- Cái gì vậy Minh?

Tôi đứng dậy nghiêm nghị trả lời:

- Thưa Cô, chữ THỦY viết như vậy là sai!

Tỏ vẻ ngạc nhiên, Cô quay lại nhìn lên bảng rồi đối chiếu sang với cuốn tập đang cầm trên tay, đoạn Cô nói:

- Ðúng rồi! Có sai gì đâu?

Tôi khẳng định lại một lần nữa:

- Thưa Cô, chữ THỦY không đúng!

Nhìn lên bảng một lần nữa, có vẻ bực tức, Cô quay lại nói với tôi:

- Em nói sai, mà sai chỗ nào, đâu em lên bảng sửa lại coi!

Cả lớp ngồi thật yên lặng theo dõi lời đối thoại giữa Cô và tôi với đầy vẻ phân vân. Tôi bước ra đi thẳng lên bảng cầm lấy cục phấn trắng, dùng ngón tay trỏ quẹt bỏ cái móc ngắn bên phải của chữ THỦY và viết nối lại cái móc đá về bên trái. Quay mặt sang Cô, chỉ tay về hướng bảng đen tôi quả quyết nói:

- Thưa Cô, như vầy mới đúng!

Vội vàng Cô bước lại mở cập táp trên bàn, lấy cuốn sách giáo khoa Hán Văn ra rồi lật nhanh qua nhiều trang để tìm chữ THỦY. Nhìn chăm chú trong giây lát theo ngón tay trỏ chỉ vào trong sách, đoạn Cô gấp sách lại. Quay sang tôi, Cô bật cười vui vẻ nói:

- Em nói đúng! Cô đã viết sai mà không hay!

Từ trên bục giảng, tôi đi trở về chỗ ngồi với bao cặp mắt của các bạn nhìn theo có vẻ thán phục lắm! Thì ra cuốn tập Hán Văn của học sinh giỏi niên khóa trước đã viết sai chữ THỦY mà chính Cô không ngờ. Riêng đối với tôi người Hoa mà thông suốt được những chữ Hán căn bản ít nét là một điều đương nhiên thôi!

Giờ đây, bao nhiêu hình ảnh thơ mộng của tuổi hoa niên học trò tuy đã chìm sâu vào quá khứ xa xưa. Nhưng tôi tin rằng, cho dù có ở tận nơi phương trời xa xôi nào đó, khi Cô Yến tình cờ đọc được bài viết nầy, không khỏi khiến Cô lại một lần nữa phải bật cười. Hiện tại, chắc hẳn Cô Yến khả kính ngày xưa của tôi đã là một bà nội, bà ngoại của một đàn cháu, vì cuối niên học đó, Cô sắp có cháu đầu lòng.

Ngày nay, tôi đã thực sự đi xa và ở thật xa, nhưng ấn tượng đẹp nhất của một thời áo trắng tôi vẫn luôn ưu ái dành cho ngôi trường thân thương nầy. Trong cuộc sống đầy khẩn trương và buồn chán thiếu tình người ở hải ngoại, những lúc rỗi rảnh ngồi ôn lại chuyện cũ năm xưa với nhà tôi, thỉnh thoảng tôi hay nhắc đến những kỷ niệm đẹp khó quên ở ngôi trường mà ngày xưa mình đã học: Trường Nguyễn Ðình-Chiểu Mỹ-Tho.

Ðã  gần  năm  thập  niên  dài
Tâm  tư  lưu  luyến  nhớ  hoài  trường  xưa.

(Bài viết nầy đã được đăng trong Ðặc San năm 2000 của Hội Ái-Hữu Nguyễn Ðình-Chiểu & Lê Ngọc-Hân Mỹ-Tho ở CA-USA)