Đạo đức giả?
(Chuyện gia đình: 8)


Một Chuyện phiếm

Chuyện kể, có một tri huyện rất mực thanh liêm, lúc còn tại chức không bao giờ nhận hối lộ, luôn luôn từ chối của đút lót các dân các làng. Người ta có việc phải chạy ngã sau, bà vợ ông vẫn môt mực từ chối: Tôi mà sơ suất, một chút tham nhũng, 15 năm sau ông nhà tôi mà biết đuợc thì tôi khó sống với ông ấy. Nhưng dân làng trên chợ duới không buông tha, luôn luôn quấy mhiễu bà, không cơ hội nào mà không mang quà cáp đến và bà cứ một lòng khăng khăng từ chối. Đến một lúc nào đó bà vợ không còn đủ kiên nhẩn nữa, nhứt là lúc sắp về hưu của chồng mà trong tay hai vợ chồng không có mấy đồng tiết kiệm sau hơn 20 năm quan truờng. Dân các làng biết quan trên sắp ra đi, nên càng năng nổ ráo riết van xin bà nhận cho một chút gọi là lòng thành biết ơn của dân. Bất đắc dĩ bà vợ phải nhuợng bộ:

- Các anh quá lắm, tôi chỉ còn cách bày các anh một kế: ông tôi sắp về hưu nay mai, lợi dụng cơ hội nầy, các anh có thể biếu vợ chồng tôi chút quà nhỏ bé nào đó. Vốn chồng tôi tuổi Tý, một món quà nhỏ như con chuột gì đó là quí hoá rồi!

Thế là truớc ngày ra đi, bà vợ đã lén lút nhận một con chuột nhỏ bằng bạc, mang theo với chồng về hưu. Vì luôn luôn tnanh liêm, hai vợ chồng về quê sinh sống cho qua những ngày già nua đau yếu, cơm canh không thiếu nhưng luôn luôn rất đạm bạc, nếu không nói là nghèo nàn. Đến một lúc nào đó thì trong gia đình khởi sự túng thiếu. Ông chồng sanh ra có phần lo âu, nhưng không biết làm thế nào bà vợ vẫn giữ được mức sống, không giàu có nhưng khá đầy đủ, có cơm trắng, có cá, có canh... trong rất nhiều năm liên tiếp. Chẳng bao lâu, ông chồng sanh ra ngờ vực, đoán già đn non, chắc bà vợ cất giấu của chìm bất tận. Ông cứ tra vấn hoài, mà bà vợ luôn luôn nói nầy nói khác, cho là nhờ mình tảo tần nên không đến nổi nào. Nhưng ông chồng không tin và tiếp tục tra vấn.

Không còn chịu nổi chuyện lèo nhèo của ông chồng già, bà vợ mới thú nhận:

- Ông luôn luôn một mực thanh liêm, nhưng dân làng vẫn luôn luôn bao vây tôi, quấy rầy tôi luôn, bất đắc dĩ tôi phải bày cho họ một cái mẹo là chỉ nên biếu chút gì, như một con chuột bằng bạc chẳng hạn, vì vốn ông là tuổi Tý.  Và họ đã biếu một con chuột bằng bạc, tôi cắt xén lần lần từ chút mới có tiền đổi lấy gạo, mua lấy cá lấy rau, để cho hai vợ chồng sinh sống tới ngày nay. Nhưng con chuột bị cắt bi đẻo lần hồi, cũng đã gần hết rồi!

Nghe đến đây ông chồng phát cáu:

- Hóa ra mợ mầy mới thật là bậy! Tại sao hồi đó không nói tôi tuổi Sửu? Có phải đở thân không!  

 

Một Chuyện sống 

Sinh là một thanh niên, con cháu của một gia đình đại diền chủ miền Tây, từ năm 8 tuổi, vì quá thân thiện với một nguời bác (HNL) du học bên Pháp về, nên sinh ra mơ mộng, ao uớc một ngày nào đó duợc du hoc như bác của mình, để biết Đô thành Ánh sáng, biết văn hoá La mả-Hy lạp. Gia dình giàu có, dư sức cho con du hoc, nhứt là thấy trời phú cho con mình đầu óc thông minh, tánh tình siêng năng cần mẫn, có tiếng là học rất giỏi, dù luôn luôn hay đau yếu. Nhưng không may, đến 16 tuổi Sinh đã mất cha, tình trạng mẹ góa con côi một bầy, bắt buộc Sinh phải để qua một bên cái mộng du học, để rồi lại đến lúc Sinh lại mất mẹ (1943) và Cách mạng tháng 8, 1945 đã đến, toàn thể gia đình sinh phải tảng lạc, mỗi nguời một nơi, nhà cửa tài sản bị tan nát. Nên một lần nữa cái mộng du học Sinh đành phải gác lại để đó. Bãy giờ xem ra sinh đã luống tuổi rối (23)!

Ngoài ra chuyện sinh sống một mình còn phải lo cho ba em gái nữa đã là khó rồi, nói chi là chuyện du học. Trong 4 năm, Sinh phải vật lộn với đời, có lúc gần như tuyệt vọng, thất nghiệp ở cái xứ hoa Anh đào lạnh lẽo, làm những cái nghề không tuơng xứng với học vấn của Sinh như làm thợ hớt tóc chỉ chia 40/60 vì chưa lành nghề, tập sự may quần áo tây, vài ba trăm một tháng.

Song vận may thoạt đến với Sinh, lúc hoàn toàn không ngờ đuợc, Sinh thi vào ngạch thư ký Ngân khố còn của Pháp lại đổ cao, có quyền chọn nhiệm sở, và Sinh đã chọn Dalat, vì khí hậu rất tốt cho sức khoẻ. Sinh vẫn bị bệnh rét rừng kinh niên, mắc phải từ hơn 10 năm truớc, lúc đi bắn với bác hai HKC trong rừng Kompong Cham. Cambốt.

Thế là Sinh đã có một công việc làm khá tốt, luơng thư ký tập sự đuợc những 1,500 đồng tháng. Chổ ở thì Sinh ở đậu vợ chồng nguời làm vườn cho dinh cựu Thống đốc Nam kỳ, trên đuờng Yersin, cách bên kia ty Ngân khố Dalat, nơi Sinh làm việc dưới quyền của một truởng ty Ngân khố có tên là Greffe, với phó truởng ty nguời Việt có tên là Đặng văn Sách. Trong sở nầy còn có hai cô đầm và năm bảy bạn đồng nghiệp khác nữa. (trong đó có 2 nguời sẽ là nhân viên của Sinh 20 năm sau, 1967)

Cái may thứ hai cũng đến với Sinh một cách bất ngờ là Sinh đuợc cha sở họ đạo C.G. St.Nicholas là cha Ferdinand Parrel, một thời là thầy dạy Pháp văn cho Sinh ở Saigon. đã mời Sinh gia nhập hội Nghiên cứu Xã hội học mà cha vừa thành lập với ông Ngô đình Nhu và ông Wesmer, giáo sư triết học truờng trung học Yersin. Hơn nữa, các hội viên đã bầu Sinh làm thư ký cho Hội. Ngoài ba nhân vật nói trên, Sinh còn gặp đuợc ông Nguyễn Đệ, sau là chánh văn phòng của Quốc truởng Bảo Đại, ông Trần văn Lý một thời là thủ hiến Trung phần. Lúc bấy giờ ông Ngô đình Nhu đang miệt mài nghiên cứu thuyết Nhân vị (personnalisme) của Mounier và kinh tế nhân bản của cha Lebret và ông đem ra thảo luận trong Hội mỗi tuần. Đây là một cơ hội quí báu cho Sinh thu nhận thêm đuợc một mớ kiến thức xã hội và chánh trị học cho hành trang văn hóa của mình khi vào đời.

Cái may khác nữa cũng đã đến với Sinh: một nhà thầu khoán lớn tên Ng.v. H. đã đến mời Sinh đến nhà (ở đầu rue d'Annam) dạy toán mỗi tối 2 giờ cho 2 đứa con trai 12, 13 tuổi có tên là Bình và An, thỉnh thoảng cũng kèm thêm cho em gái của An, mới 9 tuổi. Tiền thù lao rất hậu mà còn đuợc mời ở lại dùng cơm tối rất ngon lành với gia đình, có nhiều con em, trong đó có một người em gái khoảng 22 tuổi, tên là Nguyễn thị N.. Trong gia đình nầy, từ những ngày đầu Sinh đã gặp một truờng hợp không xử lý đuợc. Vốn Sinh là thứ Tám, mà nguời em gái ông H. cũng thứ Tám, nên bà chủ nhà đã bắt buộc trong nhà ai ai cũng phải gọi Sinh là thầy Bảy, có ý tránh cho nguời làm nguời ở và hàng xóm láng giềng khỏi phải dị nghị khi phải gọi cô Tám, thầy Tám, lúc giữa hai nguời không có một liên hệ nào hết. Nhiều lần Sinh phản đối, nhưng vô hiệu quả. 

Tình trạng xã hội của Sinh đến đây là năm 1948 kể như là ổn định, nhưng lại đưa Sinh về cái mơ mộng ôm áp xưa nay, tức là muốn đi du học bên Pháp. Tính đi tính lại thì rất có thể lắm: nếu Sinh biết tiết kiệm, biết trì chí thì giấc mộng chắc thành sự thật. Và đúng vậy, sau hai năm ky cỏm, Sinh thấy có thể đủ tiến để xin đi du học tự túc trong ba bốn năm. Đầu năm 1949,  dùng ba ngày nghỉ Xuân, Sinh về Trà vinh thăm chị Tư (H.thi C) và ngỏ ý cho chị biết, chị liền giúp cho thêm 4,000 đồng, còn giao lại cho Sinh 15 luợng vàng, của mẹ đã trối lại cho Sinh mà chị Tư đã cất giữ từ 1945, dù chuyện buôn bán gà vit của chị không phải luôn luôn đuợc may mắn. Trên con đuờng trở về Dalat, Sinh ghé Vĩnh long thăm gia đình ông Lê trạch G. mà Sinh đã một thời dạy con em của ông (1941). Mục đích là muốn cầm cố số vàng của mẹ để lại, gọi là cầm cố vì trong số vàng nầy có mấy chiếc vòng tay mà mẹ Sinh đã trang diểm khi đi về nhà chồng là năm 1910 mà Sinh không nở bán đứt, Sinh hy vọng có ngày chuộc lại (và đúng vậy, 6 năm sau)

Trở lại Dalat. Sinh nhận thấy sự thực hiện cái mộng của tuổi lên 8 đang ở trong tầm tay của mình, nhưng vẫn chưa phải là dễ. Vốn thời đó, du học làm như là độc quyền của con ông cháu cha (chasse gardée), của giới có quyền và có nhiếu tiền, đang khi Sinh chỉ là một thanh niên nghèo và đơn độc, dù bây giờ đã có sẳn trong túi trên dưới 50, 000 đồng, nhưng chỉ có bao nhiêu đó thôi, không ai có thể tài trợ thêm đuợc nữa. Chính đó là vấn đề. Nhưng Sinh lại có đuợc một vài điều kiện thuận lợi khác là Sinh đủ kiến thức (trung học cộng thêm 2 năm triết) và đã quá tuổi quân dịch. Điều kiện còn lại là phải tìm cho ra một correspondant ở Pháp, để bảo lãnh về hạnh kiểm và kinh tế trong thời gian ở Pháp. Thường thường mỗi tháng Sinh vào bệnh viện Đalat để khám bệnh và xin thuốc rét, vì nhiều khi Sinh vẫn còn thấy ơn ớn lạnh. Tình cờ, Sinh thổ lộ với Xơ Paul, là Xơ chich thuốc Quino-Bleu chửa bệnh rét cho Sinh. Cũng lại không dè, Xơ Paul có bà dì ở Paris, số nhà 54 đuờng Breuteuil, quận 7, có thể làm correspomdant cho Sinh. Và một sớm một chiều từ Paris đã có thơ trả lời là : Sẵn sàng, còn có thể cho thuê 1 phòng nhỏ trên gác thuợng đang bỏ không. Thế là đối với Sinh 'Hoạ vô đơn chí' đã đúng rồi, mà 'phúc bất trùng lai' đến đây lại không đúng chút nào hết! Hay là 'hết cơn bỉ cực, đến thời thái lai'.

Đầu tháng 8, Sinh đã sẵn sàng từ giả hội Nghiên cứu, từ giả Ngân khố, từ già Đàlat... để xuống Saigon làm thủ tục xuất duơng. Hai hôm truớc ngày ra đi, Sinh dùng cơm tối với gia đình ông bà H., có mặt đầy đủ các cha mẹ và con em. Bữa cơm vừa xong, đến lúc nguời làm ra dọn dẹp chén bát. Sinh hớn hở tuyến bố:

- Thưa ông bà, các em, tôi thành thật cám ơn ông bà và các em, cho tôi có việc làm thêm, đối đãi với tôi thật rất hậu, trong hai năm nay xem tôi như người nhà, thật là thân tình. Nhưng hôm nay tôi phải xin từ giả hai ông bà vá các em, ngày mốt nầy tôi sẽ đi xuống Saigon để lo giấy thông hành và lấy tàu đi Pháp, để học thêm.

Nói đến đây bỗng dưng Sinh mủi lòng, vì thấy em gái của Bình An òa lên khóc, không khí trong phòng cơm như tối lại, ai ai cũng bở ngở, guơng mặt sầm lại, cô Tám N. đúng dậy bỏ vào trong bếp, Bình An bây giờ mới sững sờ... Cũng là lúc nguời hầu bàn mang khai trà ra, ông H. đứng dậy bảo: Bưng trà theo tôi! và ra dấu mời Sinh theo ông vào phòng làm việc của ông.

Vừa an toạ là ông H. vào đề ngay, làm cho Sinh lắm phần lúng túng.

-  Hôm nay tôi phải nói thật với thầy Bảy câu chuyện nầy. Tại sao thầy phải ra đi như vậy? Em Tám tôi lâu nay đã thuơng thầy, rất tiếc là thầy không biết. Bây giờ tôi có một đề nghị nầy với thấy. Nếu thầy ở lại, tôi sẽ giao hẳn nghiệp vụ cung cấp hàng hoa cho quân đội Pháp để thầy và em tôi tự do khai thác, thu hoa lợi lấy. Mỗi tháng hai vợ chồng cũng thu đuợc tối thiểu là 50,000 đồng. Đi du học bốn năm năm về, làm bác sĩ kỹ sư chưa chắc gì làm hơn đuợc. Thầy nên nghĩ kỹ lại!

Câu chuyện của ông H. nói ra quá đột ngột cho Sinh. Thật ra thì bấy lâu nay, nhiều lần Sinh cũng đã nói chuyện với cô Tám trong nhà nầy, nhiều lần cũng nói chuyên với cô Tám những lúc gia đình đi picnic, khi ở thác Prenn, khi tận thác An Kroet hay hồ Than thở… nhưng toàn là chuyện trên trời duới đất hay học hành của các cháu. Sinh biêt cô Tám có rất nhiều cảm tình với minh, nhưng chưa tin là cô thuơng mình thật mà mình cũng chưa bao giờ thuơng cô thật.Thành ra qua một phút lúng túng, Sinh trả lời ngay:

- Cám ơn hai ông bà đã nghĩ tới tôi, cám ơn cô Tám đã dành cho tôi những cảm tình tốt đẹp của cô, tôi không bao giờ quên ơn hai ông bà và cô Tám. Nhưng phải thành thật với ông bà và cô Tám là tôi đã quyết định từ lâu. Tại sao? Thật ra tôi còn quá nhiều tham vọng! Xin hai ông bà và cô Tám thông cảm cho...

Thế là sau vài ba phút lẳng lặng, ông H. đứng dậy, kéo hộc bàn ra lấy phong bì tiền thù lao hằng tháng, trao cho Sinh, vẻ mặt thật buồn Sinh chưa từng thấy. Sinh cũng đứng dậy, tiếp lấy phong bì và đưa tay bắt tay ông H. và nhẹ nhẹ đi ra cửa. Ngoài cửa phòng đã có bà H. và các con đang đứng sụt sùi. Sinh dừng lại, Binh An và em gái đến ôm Sinh khóc. Nhìn lên thấy cô Tám đứng sau lưng bà H., miệng gượng gạo cuời, nuớc mắt vẫn rơi:

- Thầy Bảy đi bình an…  nhớ giữ gìn sức khoẻ!

- Cám ơn bà H, và cô Tám!  

Sinh buớc ra đuờng lấy chiếc xe đạp và đạp nhanh về đuờng Yersin, nhớ lại mấy vần thơ:

''Non nuớc ơi! Vũ trụ sáng lên rồi!

Em xếp hộ hành trang ra truớc ngõ

Thôi! Niếu áo làm chi, hãy lau hàng lệ nhỏ,

Đừng đợi anh trong những buổi trăng tròn!

...

Ta lên yên vó ngựa đuổi hoàng hôn...''

Vào nhà, Sinh thấy trong người mệt mỏi, nên lên giường ngủ ngay, như là sau một trận tranh đấu quần vợt ăn thua với anh em cùng sở. Hay là trong hệ thống cân não đã xảy ra một cuộc xung đột nào đó, mà Sinh không ý thức?

Ngày hôm sau là ngày đi từ giả, từ giả hội Nghiên cứu, từ giả Ngân khố...

Xuống Saigon, di làm thủ tục xin giấy thông hành, đi mua vé tàu, đi đổi tiền...mọi sự đều xuôi chạy, chỉ kẹt một việc là xin miển tiền đóng truớc tiền tàu bận về. Tiền tàu một chuyến đi Saigon-Marseille chỉ 2,500 đồng, nhưng những thuờng dân như Sinh phải trả truớc bận về 2,500 đồng nữa, mục đich là nếu bị trục xuất về, thì đã có vé tàu rồi, chánh phủ Pháp khỏi phải đài thọ. Nguời có quyền cho miễn là Thủ hiến Nam phần, lúc bấy giờ là ông Nguyễn tấn Nẫm. Sinh tìm đủ mọi cách để gặp và xin cho miễn tiền bao đảm khứ hồi 2,500 đồng thì đuợc trả lời là ''Ai sao Sinh cũng phải vậy''. Đó là cái láo của quan lớn, vì có truờng hợp của một Lê phát Đ., của một Nguyễn Th., của Bùi kiến Th... và bao nhiêu truờng hơp con ông cháu cha khác nữa mà Sinh biết, lại là con nhà giàu hay cháu của nguời có chức có quyền. Sinh đi ra mà không khỏi hậm hực và tự hứa là khi có quyền có tiền là không bao giờ bất công và láo như thế.

Ngày 15 tháng 8, Sinh xuống tàu Champollion cuả hảng Messageries Maritimes, đi hạng 4, nằm võng duới hầm, xưa nay là hầm chở bò chở ngựa, vẫn còn hôi hám và nhứt là sét rỉ, tai hại cho áo sơ-mi Sinh vừa mua sắm ở Grand Magasins Charner, Saigon. Trong gần 3 tuần lễ ở hạng tư, cũng xảy ra vài chuyện đáng nói. Đầu tiên là ngay ngày đầu, vừa ra khỏi Vũng tàu, trên con đuờng tới Singapore là có sự xô xát giữa anh em sinh viên  (240 mạng) và thủy thủ tàu. Vốn có nhiều sinh viên chưa quen sóng đã ọi mữa duới nền hầm và có hai thủy thủ làm vệ sinh lại chửi : Sales Annamites! Thế là năm bảy sinh viên lực luởng xúm lại đánh cho hai anh thủy thủ một trân nên thân, máu me đầy mặt. Thế là ông phó cò tàu, một sĩ quan nhỏ tuổi nhưng rất tế nhị và lễ độ, xuống hầm tàu mở cuộc điều tra. Không biết ai xuôi khiến hay là bản tánh Sinh hay bất bình truớc sự việc gì ngang trái, hoặc có thể vì Sinh tự nhận mình là nguời lớn tuổi hơn cả, 27 tuổi trong cả bọn sinh viên 17, 18, 20 và 22 là cùng, nên tự động đứng ra trả lời: ''Chúng tôi toàn là sinh viên con nhà có giáo dục, chính nguời của các ông là mất dạy, dám chửi chúng tôi là Sales Annamites!... ''

Chưa nói hết câu là anh phó cò tàu xìu ngay và xin lỗi toàn thể anh em sinh viên và để tránh truờng hợp nầy sẽ không xảy ra nữa, anh ta mời Sinh lên gặp cò tàu để nói chuyện. Tất nhiên là Sinh đi ngay và không quên kéo theo hai anh sinh viên khác nữa, nếu còn nhớ rõ là anh Hoàng anh T.. và anh Nguyễn quang L. Sau khi trình bày đời sống vất vả kể như là tù đày, cũng không biết ai xuôi khiến mà Sinh lại đám đề nghị với ông cò tàu là từ rày: chúng tôi tự tổ chức đời sống của chúng tôi, nhơn viên tàu không cần chen vào, làm xáo trộn trât tự của chúng tôi. Chúng tôi biết tự cai trị lấy. Vệ sinh, Y tế, Tiếp tế (ăn uống), Trật tự, Giải trí... cần gì chúng tôi sẽ có nguời đại diện liên lạc với cò tàu. Như thế là sinh đã quan niệm ngay ''một tiểu chánh phủ'' cho một tiểu xã hội chưa tới 250 nguời.

Trở xuống hầm tàu, chúng tôi tự động tổ chức một đại hội gồm tất cả sinh viên hạng 4. Sinh không còn nhớ là có mời cả 30 sinh viên đi hạng ba, trong đó phân nữa là nữ sinh viên, hay không? Thế là trong khoảnh khắc đã hình thành một tiểu chánh phủ: Có 1 thủ tuớng, 1 bộ truởng tư pháp hay trât tự, 1 bộ truởng tiếp tế (đi lấy thức ăn nuớc uống), 1 bộ truởng Y tế, kiêm Vệ sinh, 1 bộ truởng Văn hóa (đơn ca hat xuớng, đọc sách kể chuyện, đánh cờ). Sinh không đòi hỏi, nhưng gần như tự động tất cả đều mời Sinh làm thủ tuớng. Tất nhiên là bất đắc dĩ Sinh phải đảm nhận, một chức vụ không thù lao mà lại trách nhiệm, vì phần lớn sinh viên trên tàu là con ông cháu cha, nhiều sinh viên cũng mất dạy thật, như sẽ thấy sau. Trong gần 3 tuần lễ, đời sống tồi túng của cái xã hội tí hon nầy cũng sanh ra nhiều biến cố tốt xấu không thua gì một xã hội rộng lớn trên bờ, cũng đầy đủ những tấn kịch hỉ nộ ái ố, chỉ khác tầm cở thôi.

Ghé bến đầu tiên là Singapore, sinh viên đuợc lên bờ nửa ngày, tha hồ mua trái cây, tha hồ ăn, nhứt là sầu riêng, vừa rẻ vừa ngon, hơn sầu riêng V.N. nhiều. Sau Singapore, tàu vào Ấn độ duơng là gặp bảo. Tình trạng say sóng của anh em thật là thảm bại, đâu đâu cũng ói mữa, cái tệ hại của con ông cháu cha là vì cưng kiêu mà sanh ra mau bạc nhuợc tình thần lẫn thể xác. Có năm bảy anh lại năn nỉ thủ tuớng phải lên điều đình với cò tàu cho tàu trở lại Saigon. May mà tình trạng bão tố nầy chỉ kéo dài chưa tới 48 tiếng đống hồ và khi gần tới Columbo thì ai ai cũng tỉnh táo lại và trông mau lên bộ để ăn cari cay và anh chị em đã có 20 giờ đi ăn và mua sấm những cái không cần thiết.

Sau đó thì tàu đi vào vịnh A-rạp và ghé Djibouti, đoạn đuờng nầy, không còn bão tố nữa nhưng lại vào địa ngục thiêu nguời, không nóng lắm, nhưng mà hầm ơi là hầm, không thở nổi, khi mặt trời vừa xuống là cò tàu cho sinh viên thay phiên nhau lên boong tàu để khỏi chết ngạt và chết khô. Nguời ta chỉ uống nuớc, mà không ăn gì đuợc. Những khi thay phiên nhau lên boong, thì xảy ra một chuyện có đổ máu. Vốn 18 nữ sinh viên thì đi hạng ba, nhưng khi các nam sinh viên từ hạng tư lên boong thì đi ngang qua hạng ba, cho nên có cơ hội trai gái gặp nhau. Tuy nhiên trên hạng 3 cũng có khoảng trên 10 sinh viên đã là bồ bịch với các cô nữ sinh viên nầy rồi, thế là làm sao mà có sự kình địch giữa trai hạng ba và trai hạng tư và họ đã choảng nhau, có anh đã dùng dao con chó đâm một bạn khác, tất nhiên là hạng tư đông nguời hơn, lấn áp các anh hạng ba đễ dàng, bênh nhau vì giai cấp mà! Ban trật tự báo cáo lên Sinh, Sinh yêu cầu hạng nào về hạng nấy và xem sự thật như thế nào, một mặt cho người lên báo cáo với y tá có nguời bị thuơng và xin y tá băng bó giùm. Sự thật là lỗi về bên hai anh sinh viên hạng ba, mấy anh sinh viên hạng tư không biết là mấy cô nầy đã có bồ rồi, nhưng ai cấm chọc ghẹo sơ sơ đuợc. và chính các anh hạng ba sanh sự và khiêu khích trước, chính các anh Nguyễn quang L., Nguyên bá L. hạng ba làm chứng cho hạng tư. Để giảng hoà Sinh yêu cầu các anh sinh viên liên hệ chỉ xin lỗi nhau là xong, Sinh giải thích là chỉ vì một nguời con gái mà nam nhi choảng nhau thì không phải là hảo hớn: sá chi một nải chuối xanh, năm bảy nguời giành cho mủ dấy tay. Thật ra thì cũng đáng thuơng hại cho anh em sinh viên đi tàu hạng dành cho bò ngựa, quá tồi túng, lại chưa quen gian truân như Sinh. Phần Sinh thì luôn luôn sung suớng với một cuốn sách...

Sau Djibouti thì vào biển đỏ ghé hải cảng Le Caire, Ai cập , không lên bờ đuợc nhưng con buôn trên bờ cập tàu tha hồ bán những loại hàng như cập sách, bị tay bằng da bò, rất rẻ, nhưng tiền nào của nấy. Sau đó tàu chạy vào Địa trung hải, thời tiết  thay đổ mau chóng, có nghĩa là mát mẽ hơn nhiều, đứng trên boong tàu buổi chiều có thể lạnh là đàng khác. Trạm dừng chơn tiếp là quân cảng Mers-Kebir của thủy quân Pháp. Ai ai cũng biết là món hàng thông dụng nhứt của những quân cảng là đàn bà con gái, có nguời  xuống tận tàu để rao hàng, năm ba anh em sinh viên đã hưởng ứng đi chơi thành phố Oran, khuya lắc khuya lơ mới trở về. Nguời ưu tư cho số phận của các bạn phiêu lưu đó chính là thủ tuớng. Khi họ về đủ rồi thủ tuớng mới ngủ đuợc, nhưng có ngủ đuợc đâu. Vì có những tiếng cười cợt tới sáng, họ thuật lại cho nhau nghe những chuyên phiêu lưu ''tình tang'' cua họ, sự thật bao nhiêu, thiêu dệt bao nhiêu, đố trời biết đuợc? Hy vọng họ không mang vi trùng lên đất Pháp! Lưu ý là thời đó, vấn đề ''protection'' không mấy ai đặt ra như bây giờ.

Sau Oran, chỉ còn chưa tới hai ngày nữa là đến Marseille. Câu chuyên sau đây là một câu chuyện gọi đuợc là khốn nạn nhứt cho thủ tuớng. Sinh ăn ngủ không yên vì đó.

Anh Hoàng anhTuấn đến gặp Sinh và đề nghị tổ chức một đêm văn nghệ để đánh dấu những ngày sống chung đụng với nhau để rồi hôm sau mỗi nguời mỗi nơi trên xứ nguời. Tất nhiên là Thủ tuớng chẳng những là chấp nhận mà còn cổ vũ nên làm cho thật lênh đềnh với bao nhiêu tài nghệ anh em hiện có. Anh Tuấn còn cho biết mấy tháng truớc lúc còn ở Hà nội anh đã nhiều lần cùng anh em sinh viên đã tổ chức nhạc hội và thành công mỹ mãn. Thế là nội trong một ngày anh em văn nghệ ngồi lại bàn với Sinh một chuơng trình ca nhạc kịch, chủ đề là lòng ái quốc của nguời quốc gia nhứt là thanh niên.

Đại diện cho anh em, Sinh lên kính cẩn mời tất cả cò tàu và quan chức trên tàu, Pháp có Việt có và anh chị em sinh viên từng ba.

Đến giờ khai diển là sau cơm tối, hầu hết quan Tây quan Việt đều xuống hầm 4 tham dự ngồi hàng ghế đầu, (chỉ thiếu ông cò tàu), trong đó Sinh lưu ý nhứt là vợ (Pháp) chồng ông Tôn thất Cẩn, một đại biểu của Liên hiệp Pháp (Union Francaise) và một cô gái lai 10 tuổi gì đó. Không cần phải nói là từ những bài bài hát ái quốc đến những bài hát đưa tình, tất cả đều tha thiết tuyệt vời, với những giọng đơn ca cũng như hợp ca, ai ai cũng nhiệt liệt hoan nghênh. Nhưng đến một màn kịch Sông Lô, diển tả một trận đánh ác liệt giữa quân Pháp và quân Việt, mà quân Pháp thua to, quân ta chiến thắng oai hùng. Màn kịch chưa xong thì lẳng lặng các quan khách Việt Pháp đứng dậy rút lui, mà chính nguời dẫn đầu sự phản kháng thinh lặng đó lại là một nguời Việt, ông đại biểu Tôn thất Cẩn. (1)

Anh em chạy lại hỏi ý kiến Sinh. Sinh bảo anh em cứ tiếp tục, ca nhạc kịch nầy ưu tiên là cho anh em chúng mình. Và đúng vậy, anh em tất cả  200 sinh viên đều vui vầy cho tới 2 giờ sáng mới chấm dứt. Chỉ có Sinh là hơi lo! Và đúng vậy vì cũng là lúc ông Cẩn cho người mời Sinh lên phòng ông ngay, một phòng hạng nhứt sang trọng. Ông Cẩn đứng tiếp Sinh ra vẻ ta đây lắm, mà thật ra Sinh cũng lúng ta lúng túng thật tội nghiệp! Sợ không? Linh tính của Sinh đã bảo cho Sinh ngay là Sinh đang gặp vấn đề. Ông Cẩn nói:

- Anh có biết là bao lâu các anh còn ở trên tàu nầy, là các anh còn ở duới quyền cai trị của nguời Pháp, họ có thể gửi trả các anh trở lại Saigon, mà các anh không có một chút quyền phản đối. Các anh làm như thế chẳng hoá ra là chửi vào mặt nguời Pháp à?

- Thưa ông đại biểu, Sinh muốn cải buớng lại, tôi nghĩ anh em sinh viên còn trẻ tuổi, có lẽ cũng không dè động đến lòng tự ái của nguời Pháp, ngoài ra trận Sông Lô đúng là như vậy!

- Anh nói sao nói, các anh còn ở trên tàu là các anh có thể bị gửi trả về, mà tôi không làm sao bênh các anh đuợc!

Nói đến đây, Sinh không thấy còn gì phải nói nữa, Sinh lễ phép chào ông Cẩn và ra khỏi phòng chạy một mạch xuống hầm 4, lên võng nằm nghỉ ngay. Bây giờ Sinh mới sợ thật! Năm bảy anh em bu lại hỏi xem có chuyện gì? Sinh chỉ nói cho anh em biết rất sơ luợc là ông đại biểu hâm dọa Sinh, vì anh em chửi người Pháp. Để trấn tỉnh anh em, Sinh cũng ra vẻ hảo hớn: Bề nào cũng chỉ có Sinh trách nhiệm, anh em khỏi phải lo vô ích. Bây giờ không còn mấy giờ nữa là cập bến Marseille, anh em lo dọn đồ đạc cho vén khéo, khỏi bị chửi Sales Annamites nữa, ngay mai truớc khi lên bờ tôi sẽ lên xin lỗi cò tàu là cùng!

Tuy nói thế nhưng từng giờ từng phút, Sinh thấy trong nguời lo âu, trằn trộc không yên chút nào hết. Sinh tự nói đi nói lại: không lẽ bao nhiêu cố gắng, bao nhiêu công khó, bao nhiêu tham vọng... một sớm một chiều bay theo mây khói, để rồi mang mặt móc về lại Dalat làm một công chức tập sự ba cộc ba đồng, hay giỏi lắm là làm em rể cho nhà giàu bán rau cải cho quân Pháp. Sinh lo và sợ thât!

Tàu dự định cập bến Marseille khoảng 2 giờ trưa, Sinh không ăn nổi một miếng bánh mì, bề ngoài Sinh cuời nói chuyện giả từ anh em, nói cho nhau lời bảo trọng... lo dọn dẹp quân áo giày dép vào ruơng như nguời không hồn! Còn hai tiếng nữa là tàu cập bến, Sinh ăn mặc chỉnh tề quần áo complet màu lợt, giày hai màu, nón panama... đúng mode dân Dalat hay là dân thuộc điạ colon? Lòng hồi hộp, Sinh lên từng nhứt xin gặp cò tàu, dự bị những lời khiêm tốn hết sức để xin lỗi... Nhưng trời ới! Sinh chưa kịp mở miệng thì ông cò tàu. Một sĩ quan đạo mạo to lớn, ăn nói ào ào:

-  Tôi phải xin lỗi các anh, hôm qua tôi không xuống dự buổi ca nhạc kịch (ông đứng lên và bắt tay Sinh) cuả các anh, vì tàu đang chạy qua đảo Sicilia, mà núi lửa lại đang động mạnh sóng quá to. Tôi phải ở lại trên nầy, để cho anh em thủy thủ xuống chung vui với các anh, có phải thành công lắm không? Tôi còn phải cám ơn các anh là kỳ trẩy tàu nầy không có vấn đề gì cho chúng tôi cả! Merci! Merci!

Sinh hoàn toàn chưng hửng, không dè hoàn toàn trái nguợc với cái gì Sinh trông đợi. Trong truờng hợp nầy, chính ông Cẩn, một nguời Việt hoàng gia lại là dân thực dân chớ không phải là nguời Pháp, hâm dọa Sinh, làm khổ Sinh... Sinh hớn hở trả lời:

- Thành thật cám ơn ông cò tàu (commandant) và tất cả équipage, từ nhà bếp, đến infirmerie, sinh viên chúng tôi đã có một cuộc trẩy tàu hứng thú và không đau óm gì hết. Một lần nữa xin thành thật cám ơn!

Sinh chạy xuống thang tàu, nguời như đi trên mây. Năm bảy anh em sinh viên chận đón Sinh lại và hỏi thăm: ''Thế nào?''. Sinh nói lớn: ''Thế nào là thế nào? Cò tàu gửi lời xin lỗi, vì không xuống dự đuợc và còn cám ơn anh em nữa!'' Thế là chúng tôi có một cuộc đổ bộ vui vẻ hân hoan ồn ào cuời nói vui thôi là vui!

Nhưng không có cuộc vui nào trọn vẹn, vui cuời đó rồi miếu máo đó, vì phải chia tay nhau ngay cho kịp chuyến xe lửa 6 giờ chiều, kẻ đổ về miền Tây vùng Toulouse, người đi về miền Đông vùng Montpellier, tôi và năm ba anh bạn lấy xe lửa về miền Bắc, tức là Lyon, Paris...

Lên xe lửa, tìm một couchette hạng 3 của mình, thay quần áo ngủ xong xuôi, Sinh chui vô giuờng nằm xuống là ngủ ngay, bao nhiêu âu lo, bao nhiêu mỏi mệt... kể như là quên đi hết. Khi gần tới Paris, anh Nguyễn văn T. đánh thức Sinh dậy. Sinh mới hay là mình đã ngủ suốt 14 tiếng đồng hồ... Sinh thức dậy thấy nguời khoẻ hẵng ra, như là trẻ ra vài ba tuổi, có lẽ vì  mùa thu đã đến, khí hậu mát mẻ tốt lành khác thuờng cho nguời dân thuộc địa, sau gần một tháng trẩy tàu hạng chở bò ngựa.

Từ Marseille, Sinh đã đánh điện tín cho bà chủ nhà correspondant sẽ đến Paris sáng ngày hôm sau, hy vọng bà sẽ ra đón tận gare de Lyon. Để dễ nhận ra, Sinh cho biết là mình hay đội nón Panama trắng. Sinh nhờ anh T. cùng khiêng ruơng ra cửa gare, thì có một cô gái trên duới 20 tuổi, không son phấn, nhưng rất xinh, mặc quần màu sậm, mặc áo pull-over màu hồng lợt, làm như đã quen với Sinh từ lâu nay, vẹt mấy sinh viên xung quanh và tiến gần Sinh, bịt miệng cuời cuời có vẻ trẻ con vừa đùa nghịch, hỏi ngay Sinh:

- Vous? Monsieur Sinh?

- Oui! Mais Oui!

- Soyez le bienvenue à Paris! Grand Mère m' envoie te chercher...

Thế là bà chủ nhà không đi đón mà lại sai cô cháu đi thay. Rồi cô ta lôi Sinh như chạy ra đón xe Taxi, bỏ mặc cho anh bạn Sinh đứng ngơ ngác, chưa kịp từ giả hay cám ơn một tiếng.

Đến số nhà 54 đuờng Breuteuil, đúng 10 giờ sáng là có bà chủ nhà đang đứng đợi ngoài cửa, thật là quá chu đáo. Bà dì của Xơ Paul là một bà lão khoảng 70 tuổi, nguời mập mạp và khoẻ mạnh, cao lớn, đầu tóc bạc phơ, ăn nói rất đài các lễ độ, luôn luôn cười cuời, rất thân tình, ngay từ phút đầu Sinh đã mến bà cụ nầy và xin phép bà từ rày gọi bà là Grande mère như cô cháu có tên là Thérèse. Bà biết Sinh mệt, nên bảo con cháu đưa Sinh lên gát thuợng ở từng thứ bốn, đi bằng một thang máy nhỏ và rất chậm. Đây là một phòng nhỏ 4m x 5m, có phòng rửa mặt trong phòng, nhưng phòng vệ sinh phòng tắm lại ở ngoài, cùng một từng thứ bốn. Đúng là một phòng cho sinh viên, ngoài lavabo rửa mặt còn có giuờng nhỏ và bàn viết cũng nhỏ, nhưng vừa đủ chỗ học bài và viết lách. Valise quần áo phải để duới gầm giường. Không biết truớc kia ai đã ở đây, có lẽ là phòng cho một nữ sinh viên vì phòng sơn màu vàng ngả về màu huờng, nhưng rất hay vì không chói sángquá, vì mặt trời có thể chiều lại sẽ chiếu thẳng vào phòng, có thể nóng mùa hè mà có thể rất ấm áp mùa thu mùa đông. Cảm giác đầu tiên Sinh cho ở đây là lý tuởng, chỉ có vấn đề là cô cháu Thèrèse xem ra quá liếng xáo và hơi vụt chạt, ăn nói hơi vồn vã, làm cho nguời nhà quê lên tỉnh như Sinh lắm phần lúng túng. Cô phụ đem ruơng đồ đạt Sinh lên phòng và truớc khi xuống có nói bà ngoại mời Sinh tối tám giờ xuống ăn cơm tối với gia dình, gồm bà chủ nhà và nguời cha cô vừa dưới tỉnh mới lên, cha cô nguời Bretagne, làm công chức cho bộ Thương mại, mẹ cô có cửa hàng dưới tỉnh buôn bán hàng hoá lưu niệm cho khách du lịch. Nhà cô có hai con, anh cô lớn hơn cô 9 tuổi, đã đậu bằng Ecole de Commerce de Paris, đi làm cho hảng buôn ở tỉnh lỵ. Đó là những tin sơ luợc cô Thérèse cho Sinh biết khi ngồi xe Taxi đi từ Gare de Lyon về đây..

Trong bữa cơm tối với bà ngoại B. và cha con cô Thérèse, câu chuyện là về V.N., về Dalat của Xơ Paul. Riêng Sinh thì quan tâm nhứt là chuyện ăn ở ở Paris, tốn kém bao nhiêu mỗi tháng. Phòng bà ngoại cho thuê thì như bà nói thì cho nguới khác thì 800 quan mỗi tháng, bà bớt cho Sinh 300 chỉ lấy 500 thôi, ăn thì ăn quán bên kia đuờng, giá bình dân, nhưng khi nhập học thì có cafeteria cho sinh viên giá chỉ bằng 1/3 thôi, nghĩa là 2 hay 3 quan mỗi bữa, có rựơu vang và  dessert. Sau bữa cơm, về phòng Sinh có tâm trạng bất an: số tiền trên duới 50,000 $ Đông duơng chưa chắc gì đủ cho 4 năm đại học ở Sciences Politiques de Paris, phòng ở thì tương đối khá rẻ, ăn ở Café des Beaux Arts gần đó thì cũng đầy đủ, nhưng những chi phí khác thì phải đắn đo lắm mới hòng... Vì thế mà Sinh có mặc cảm nghèo nàn hơn bao nhiêu sinh viên khác.

Bây giờ là thuợng tuần tháng September, còn đúng 3 tuần nữa là phải vào truờng, Sinh đã gửi đơn từ V.N., Sinh có đủ thời giờ để làm giấy tờ nhập học. Thế là Sinh có 3 tuần lễ để đi chơi Paris, và không cần phải xin phép, chính bà ngoại bảo cô cháu làm hướng dẫn viên cho Sinh, mỗi khi Sinh muốn đi.

Không dè chính lòng tốt của bà chủ lại sanh cho Sinh nhiều vấn đề khó xử trong những tháng ngày ở Paris. Chương trình thăm Paris của Sinh cũng không gì đặc biệt: đầu tiên là như người du lịch, đi xem Viện Bảo tàn Louvre, viện bảo tang Guimet, Montmartre, Notre-Dame... là những hình ảnh sinh đã thấy trong sách sử Pháp. Sau du lịch là khởi sự hội nhập vào đời sống của sinh viên mà lúc bấy giờ phong trào Hiện sinh của J. Paul Sartre (Existentialisme) là mode, sinh viên đều gia nhập phong trào cách nầy hay cách nọ, có nghĩa là hoặc lý thuyết suông, nghe Sartre diễn giải lòng dòng văn tự, hoặc đi nghe nhạc ở các hầm ca vũ nhạc rẻ tiền (Caves St. Germain des Prés) hoặc những tiệm nhảy đắc tiền hơn một chút, để nghe cho đuợc giọng hát tha thuớt của Juliette Greco, mà Sinh lưu ý nhứt là hai bàn tay qua xinh của cô. Ngoài việc huớng dẫn du lịch cô cháu bà chủ nhà còn là thầy dạy cho Sinh biết nhảy ít ra những điệu hợp thời của sinh viên, không cầu kỳ khó khăn bao nhiêu, nhưng lại gây cho Sinh nhiều vấn đề tình cảm.

Sau ba tháng, giữa cô cháu bà chủ và Sinh đã nảy sinh ra một thứ tình bạn lảng mạn, nhưng chỉ một chiều, vì Sinh đã đứng tuổi đang khi cô cháu lại quá bồng bột, nếu không nói là một núi lửa. Sinh không phải là thiên thần, nên phải luôn luôn chống trả, nhiều khi gần như tuyệt vọng, như sau đi nhảy nhót chung chạ quá gần gủi giữa trai gái, lại chính người con gái lại đòi hỏi, nhiều lần gần như hoàn toàn loã lồ vào phòng Sinh lúc nửa đêm. Nhưng Sinh đã thành công một cách rất khó khăn, để khỏi phải hệ lụy với vợ con. Nhờ đâu, thử hỏi?

Có phải vì Sinh có mặc cảm quá nghèo, cùng một lúc lại là nguời có tinh thần trách nhiệm, sợ vợ con sẽ làm hỏng tất cả cái mộng '' thành đạt'' mà Sinh ôm ấp từ khi mới 8 tuổi. Nhiều bạn của Sinh, bà con chú bác của Sinh có cha mẹ giàu luôn luôn làm hậu cần, nên họ tự do tha hồ hệ lụy, có con có vợ vẫn tiếp tục học hành thành đạt dễ dàng, như một anh Bá, một anh Lâm hay một anh Hoàng. Bằng không có hậu cần sung túc, thì phải biết tháo vát. Nói ở đây là buôn bán chợ đen như gạo, tiêu… như một Nguyễn Hữu hay một Văn Thế có lắm tiền ra tiền vào, tự cho phép mình có vợ có con hay dính với một cô đầm Boyesse làm phòng mà vẫn học đuợc đến nơi đến chốn. Cho nên tình trạng nghèo khó của Sinh có thể là yếu tố định đoạt lấy tư cách ''không bê tha'' của Sinh.

Hoặc giả nhờ giáo dục của nguời mẹ Công giáo thuờng hay khuyên bảo: con phải kính trọng bạn gái của con như là một nguời em gái nếu  không nói là một nguời chị của con, không bao giờ nên xâm phạm. Ngoài ra đó là tội nặng, phạm điều răn thứ 6 của Chúa.   Cho nên có thể cái giáo dục tiết chế  đó đã trồng vào Sinh những nguyên tắc làm thành yếu tố định đoạt cách xử thế của Sinh, nếu không nói là một thứ đạo đức tương đối. Vì thử nghĩ nếu sinh có cha mẹ còn sống giàu có thì Sinh có xử thế vậy hay không?

Nhưng biết đâu đã có sự đồng loã của 2 yếu tố nói trên là nghèo và giáo dục gia đình đã giúp cho Sinh khỏi bê bối như bao nhiên Sinh viên thời đó (1945-1955) ở Pháp, lúc các cô gái Pháp, sinh viên hay không, vừa nghèo vừa dễ dàng với sinh viên V.N., đang khi những phuơng pháp ''phòng ngừa'' lại không đuợc phổ biến rộng rải và rẻ tiền.

Trên đây là truờng hợp Sinh đi du học ở ngoại quốc (Pháp, Canada và Mỹ). Sau 5 năm cố gắng và kềm hảm, Sinh có đuợc vài cấp bằng đai học, Sinh đuợc mời về cộng tác với Chánh phủ NĐD. Và như trên trời rớt xuống, Chánh phủ giao cho Sinh trách nhiệm quản lý hệ thống tiền tệ quốc gia, đứng đầu một Viện kiểm soát rất quan trọng. Luơng hằng tháng đã gần bằng hai luơng một tổng truởng, mà mỗi ba tháng còn đuợc chia một số tiền thuởng kết xù hai ba trăn ngàn đồng nữa. Nói một cách đơn giản là từ một sinh viên nghèo xát nghèo xơ, một sớm một chiều Sinh thành ra triệu phú.

Vì là người đứng đàu một cơ quan kiểm soát quốc gia, nghĩa là có nhiều luật lệ cấm đoán để bảo vệ quyền lợi quốc gia, giữ vững giá trị đồng bạc V.N., Sinh thành ra đối tượng cho hối mại quyền thế. Thành ra có những con buôn hay kỷ nghệ gia phải chạy chọt để xin biệt lệ nầy khác, và đã có nguời dám mang những 300,000 đồng, 500,000 đồng đến nhà riêng của Sinh. Số tiền lớn thật, nhưng Sinh cuơng quyết chối từ dễ dàng, mà còn đe dọa bắt bỏ tù vì tội hối lộ nhơn viên chánh quyền. Tại sao Sinh thanh liêm đuợc như vậy? Có phải vì Sinh quá giàu rồi, nên việc thanh liêm không phải là một việc khó khăn gì cả. Hoặc giả vì Sinh đã có một căn bản đạo đức truyền thống do giáo dục gia đình truyền cho?

Hay là nhờ hai yếu tố trên hợp lưc nhau để quyết định cho Sinh một thái độ xử thế thanh liêm, trong sạch. Tuy nhiên cũng còn một câu hỏi, yếu tố nào mạnh hơn yếu tố nào, yếu tố nào tương đối, yếu tố nào tuyệt đối?

Hoặc giả tất cả đạo đức đều có giá trị tuơng đối, hay là đạo đức có nhiều trình độ cao thấp khác nhau. Trình độ đaọ đức của quan tri huyện thanh liêm nói trên còn ở một trình độ quá thấp, nếu không nói là giả dối, vì tuỳ theo hoàn cảnh mà bộc lộ.

Huỳnh văn Lang

02-02-08

 

(1) Sinh còn gặp lại ông Tôn thất Cẩn 9 năm sau, và Sinh đã trả đuợc cái thù làm cho Sinh mất ăn mất ngủ, trằn trọc thâu đêm. Vốn 9 năm sau, lúc Sinh làm TGD Viện hối đoái (VHĐ) Quốc gia, đang khi ông Cẩn làm Cố vấn pháp luật cho hảng thuốc Bastos, Saigon, là nguời đi xin xỏ VHĐ để chuyển ngân cho chuyên viên, cho công ty về Pháp. Thật ra thì Sinh không tìm cách trả thù ai bao giờ, chính ông trời sắp xếp cho hai đàng gặp lại nhau. Ngày nọ ông Cẩn đến VHĐ xin gặp ông TGĐ, tất nhiến là Sinh tiếp ngay, Sinh nhận ông Cẩn mà ông không nhận ra Sinh. Vào phòng, chủ khách an toạ, ông Cẩn ngồi đọc bức thư đã gửi cho VHĐ truớc mấy ngày, nội dung là xin cho Công ty thuốc hút của ông đuợc chuyển tiền về Pháp cho chuyên viên và tiền lời ròng (béneéfices nets) cho Công ty. Sinh để cho ông Cẩn đọc xong bức thư, Sinh đứng dậy, không trả lời gì hết mà lại hỏi:

- Ông còn nhớ tôi không? Chính tôi là sinh viên đi trên chuyến tàu Champollion hạ tuần tháng 8, 1949, cũng chính là sinh viên mà ông đã hâm dọa gửi trả lại Saigon, sau buổi ca nhạc kịch ái quốc mà ông cho là chửi Tây. Chỉ nhắc lại cho vui thôi, chớ tôi không có oán thù gì hết. Chuyện chuyển ngân cho các chuyên viên và tiền lởi ròng trong năm qua, thì luật VHĐ đã rõ ràng, quyền lợi của các đuơng sự do chính tôi đặt ra luật lệ thì cũng chính tôi thi hành, luôn luôn công bằng, ông cố vấn đi về yên tâm.

Thật ra thi ông Cẩn có vấn đề với VHĐ, vì ông có vợ con nguời Pháp ở bên Pháp. Theo luật của Pháp thì tự động ông là dân Pháp, nhưng theo luật V.N. thì ông chưa từ bỏ quốc tịch V.N. Ngoài ra truớc đó, lúc còn làm ở bộ Tài chánh, chính Sinh đã đề nghị với chánh phủ Ngô đình Diệm là từ đầu năm 1955, lương bổng và phụ cấp cho các đaị biểu Liên hiệp Pháp phải do chánh phủ Pháp đài thọ, nên không còn có vấn đề chuyển ngân nữa.