Viết về con sông Láng Thé tỉnh Trà Vinh
Nói về dòng họ gia đình mình, nhiều khi chủ quan hay phóng đại những cái tốt và giảm bớt hay bỏ qua những cái xấu, đó là cái lẽ tất nhiên của con cháu. Nhưng đó cũng không phải là cái hay khi câu chuyện gia đình có mang ít nhiều tính chất lịch sử.

Vì lẽ đó mà người viết những trang sau đây cố gắng khách quan hết sức.

Lý do phải viết câu chuyện nầy là để giữ lại một sự kiện địa lý và lịch sử mà thời thế đã thay đổi một cách đại qui mô mà đại gia đình họ Huỳnh chúng tôi liên lụy một cách sâu đậm. Ngoài ra người viết muốn ghi lại cho hậu thế một chứng tích cụ thể mà thời gian sẽ bôi tẩy không một chút nhân nhượng, vì những “đĩnh cao trí tuệ loài người”, nhiều khi lại đồng nghĩa với vực sâu đần độn, tha hồ sai lầm để rồi sửa sai, để rồi sai lầm nữa, để rồi sửa sai nữa…Có người ác ý cho là sai lầm hữu ý, vì là hữu ý tạo dựng những cơ hội để tha hồ và thay phiên nhau “rút ruột”, tham nhủng, chỉ mỗi một địa danh cũng tha hồ sửa đi sửa lại, như trong 30 năm qua, người viết về VN ba lần là ba lần thấy quê hương nhỏ bé của mình thay tên đổi họ.

Phải chăng người dân VN mình là một con chuột lắc để cho đảng, đúng hơn là tay phù thủy mát- xít tha hồ thí nghiệm? HVL.


“Năm 1759, Quốc vương Chân lạp là Nặc Nguyên mất, Nặc Nhuận vừa lên thay đã bị con rể là Nặc Hinh giết chết để cướp ngôi, con Nặc Nhuận là Nặc Tôn trốn sang Hà tiên và nhờ chánh quyền nhà Nguyễn đem quân sang đánh Nặc Hinh giành lại quyền làm vua. Khi lên ngôi, để trả ơn Việt nam, Nặc Tôn đã dâng cho chúa Nguyễn phần đất còn lại nằm giữa miền Ðông và miền Tây Nam phần, tức là vùng đất Tầm-phong-long ở giữa sông Tiền và sông Hậu, gồm các tỉnh Châu đốc, Long xuyên, Sadec, Vĩnh long và Trà vinh ngày nay.” ( Chuyện đường rừng, HVL 1999, tr.25)

Nhìn trên bản đồ Việt nam, chúng ta thấy tỉnh nhà Trà Vinh của mình là một tỉnh địa đầu nhỏ bé nằm trên một địa thế hết sức đặc biệt là ba bề bao vây bằng ba mặt nước bao la là hai nhánh lớn nhứt của sông Mékong, là sông Tiền, sông Hậu và biển Ðông, còn một bề đất liền giáp với tỉnh Vĩnh Long. Có thể cách ngày nay không lâu, 8 chín ngàn năm gì đó, cả vùng đất Tầm-phong-long nói trên chỉ là một hòn đảo, nếu không nói là một cồn cát nhỏ mà sông Mékong lần lần cấu tạo ra, đúng như là một đứa con đẻ của mình.

Nói một cách hết sức sơ lược, đất Tầm-phong-long nói chung và tỉnh Trà vinh nói riêng hình thành làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu, dòng sông Mékong bắt nguồn từ Tây tạng dài dài từ hơn 4,350 kilomét đem phù sa về vun đấp chung quanh hòn đảo đó để hình thành một đồng bằng cùng một lúc vẫn còn riếp tục ôm ấp bao bọc nó như hai tay của một người mẹ. Giai đoạn hai, sông Mékong khai thông nó bằng một hệ thống tưới nước chằng chịt những sông rạch lớn nhỏ để lọc rửa chất phèn, độc hại cho thảo mộc và giữ lại những chất phân phì nhiêu cho cây cỏ. Ba yếu tố cần thiết cho sự sinh sống nẩy nở của cây cỏ thảo mộc là ánh sáng mặt trời, nước và đất.

Sự sung mản của thảo mộc cỏ cây đều do phẩm chất và nhứt là sự dung hợp điều hòa của 3 yếu tố đó. Mặt trời thì sẳn có, ít bị ảnh hường của con người, nhưng nườc và đất và sự dung hợp của 3 yếu tố luôn luôn ở dưới sự chi phối của con người. Nói như trên để thấy vai trò của thiên nhiên và của con người trong sự cấu tạo ra môi trường định đoạt lấy sự phát triển cũng như sự sinh tồn của cộng đồng dân tộc nào sinh sống trong môi trường đó.

Ở đây người viết thâu hẹp câu chuyện nầy riêng cho tỉnh Trà vinh. Tuy nhiên những mô tả, những nhận xét cũng như những kết luận, trong chừng mực nào đó, có thể xử dụng được cho các tỉnh khác miền đồng bằng sông Cửu long Nam phần V.N. Tuy nhiên phải nói ngay là bài viết nầy không phải là một bài nghiên cứu lịch sử hay chánh trị địa lý. Nhưng chỉ là một chuyện kể theo những cảm nghĩ và nhận xét nông cạn của người viết mà thôi.

Tỉnh Trà Vinh của mình, có thể xác nhận như là một điểm chấm dứt cuối cùng (point final) của cuộc Nam tiến hơn hai ngàn năm trăm năm (2500) lịch sử của Ðại việt từ thời đại các vua Hùng, tức là từ thế kỷ thứ 6 thứ 7 trước CN. Cuộc Nam tiến vĩ đại nầy bắt đầu khi vua Hùng từ đất Phong châu (Bắc việt) cầm quân đi về Nam chinh phục bộ Việt thường ( Hà Tịnh, Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) để hoàn thành một nuớc Văn lang gồm 15 bộ.

Cái điểm chấm dứt cuối cùng nầy, tức là tỉnh Trà Vinh của chúng ta có một hình thức địa lý đặc biệt do thiên nhiên, đúng là con sông Cửu long (9 con rồng) cấu tạo ra, không phải hoàn toàn là một đồng bằng luôn luôn ẩm thấp phù hợp cho thảo điền hay lúa nuớc hay hoàn toàn là một đồi cao ráo chỉ phù hợp cho sơn điền hay ruộng rẩy. Song thật sự là một sự phối ngẫu cuả hai khuôn mẫu địa lý khác nhau đó.

Ðúng 2000 năm trước đây một dân tộc gốc người Nam Á, có văn hóa Ấn độ đã đổ bộ lên vùng đất Tầm-phong-long mà Trà Vinh là địa đầu, để lập nghiệp và lần lần lập nuớc, mà sử Trung hoa gọi là nước Phù nam, thế kỷ thứ II, đến thế kỷ thứ VII cn (hải cảng Óc-eo ở gần núi Ba-thê, Rạch giá, kinh đô ở trong tỉnh Tà keo, Kampuchea). Kế nghiệp nuớc Phù nam là Chân lạp, cùng một chủng tộc và một văn hóa. Chân lạp chia ra làm hai xứ, Lục Chân lạp của Chánh vương ở phía Bắc, thủ đô ở Oudong, Thủy Chân lạp của Phó vương ở phía Nam, thủ đô ở Trà vinh. Vốn dân tộc Kampuchea hay Khmer theo đạo Phật Tiểu thừa và rất sùng bái Ðạo, cho nên lập nghiệp ở đâu là xây chùa ở đó, không phải chỉ để thờ phượng mà thôi, mà chùa chiền còn là trung tâm giáo dục văn hóa và y tế xã hội. Cho nên có thể khẳn định một cách dứt khoát là ở đâu có chùa chiền là ở đó có tập trung dân cư và ngược lại ở đâu có dân cư là ở đó có chùa chiền. Mà theo di tích hiển nhiên, trong cả nuớc Kampuchea, một thời là Ðế quốc Khmer (từ thế kỷ thứ IX đến thề kỷ thứ XIII, chiếm cứ địa bàn rộng lớn từ hạ Lào, Thái lan đến Bình thuận hiện giờ) không có một vùng đất nào tập trung nhiều chùa chiền Phật giáo bằng tỉnh Trà vinh, không thua gì Angkorvà Oudong là hai thủ đô của đế quốc Khmer xưa.

Người Phù Nam và sau đó người Khmer đến khai hoang lập ấp lập làng trên vùng đất Tầm- phong-long nói chung và Trà Vinh nói riêng luôn luôn chọn những vùng đất cao ráo gọi là giồng đất cát, để rồi hình thành một thứ văn hóa gọi là văn hóa miệt giồng, tiêu biểu là những sư sải áo vàng màu nghệ đi cầu thực, có những chiếc xe ngựa trên những con đuờng đất cát.

Sau người Khmer, người Trung hoa lần lược đã đến và chuyên về thương nghiệp hay mua bán, nên lập nghiệp và sinh sống theo những tập trung dân số của người Khmer, như là chợ buá, thị thành, họ không có tham vọng chiếm hữu đất đai rộng lớn như người Việt sau đó. Họ chỉ có tham vọng làm trung gian giữa người sản xuất và người tiêu thụ, một vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Ðến đời của ngưới viết, thế kỷ 20 thì họ chỉ đi đến các làng các xã để mua, nhưng chưa ở lại mở cửa tiệm hay kho hàng. Ðại diện của giới người Hoa nầy là những người đàn ông gánh gánh đi mua hàng ve chai trong các làng người Việt, cũng như chủ nhân các thớt thịt heo ở chợ nhỏ chợ lớn.

Sau hết, người Việt nam ào ạt đã đến, ngoài mục đích hành chánh, họ còn có mục đích kinh tế nữa, đó là nông nghiệp, ruộng vườn. Nhưng người Việt, hoàn toàn khác với người Khmer, họ không chọn những giồng đất cao ráo, mà lại chọn những vùng đất hai bên con sông cái rạch, lầy lội ẩm thấp... nhưng lại rất phù hợp cho lúa nuớc và vườn tược, cũng là cận kề hệ thống giao thông của họ là ghe thuyền. Và họ đã hình thành văn hóa miệt vườn, tiêu biểu là nhà cửa chợ búa nằm theo hai bên con sông cái rạch, có những chiếc xuồng chiếc tam bản (ghe nhỏ) chuyên chở thổ sản của vườn tược.

Hai dân tộc đã chọn hai mẫu địa lý khác nhau, cho nên không có vấn đề chen lấn giành giựt không gian với nhau một khi dân số gia tăng. Sự lựa chọn địa lý đó đã tránh sự mâu thuẫn xã hội cho hai dân tộc, nhưng lại chia ra hai giai cấp giàu nghèo càng ngày càng rõ nét. Tuy hai văn hóa khác nhau mà không có xung đột nhau vì biết dung hợp nhau. Vốn văn hóa Phật giáo Tiểu thừa không gây cạnh tranh, dạy hạn chế thụ hưởng và an phận, ngoài ra còn hạn chế cả sự phát triển dân số, tỷ lệ gia tăng luôn luôn rất thấp hơn người Việt. Trong thế kỷ 19, 20, gia đình V.N. 10, 12 người con là sự thường (gia đình của người viết là 13), người viết sống trong lòng cộng đồng người Khmer không thấy một gia đình Khmer nào 7, 8 người con cả.

Hai mẫu địa lý khác nhau nói trên đã định đoạt ra hai kỷ thuật canh tác khác nhau: người Khmer cày khô, dùng bò hay ngựa, đang khi người Việt cày nuớc dùng trâu. Tuy nhiên với sự giao lưu văn hóa hài hòa giữa hai dân tộc, lần lần với thời gian kỹ thuật canh tác cũng trộn lẫn nhau, vì môi trường là đất đai cũng lần lần gần gũi nhau hơn, như gia đình chúng tôi đã thâu nhận nhiều người Khmer làm tá điền tá thổ cho ruộng nước, cùng một lúc khai khẩn thêm những đất giồng khô ráo cho nhửng di dân người Việt từ miền Ðông xuống.

Hai mẫu địa lý nói trên do tay của con người đã sinh ra hai hình thức phát triên thảo mộc rất khác nhau. Ngoài lúa gạo, thảo mộc là cây cối hoa quả phát triển khác nhau. Ở những giồng đất cát pha trộn ít nhiều phù sa, chỉ có những cây ăn trái hoa quả phù hợp là mít, xoài, trứng cá, mảng cầu ta, thanh long...cây là tre trúc, nhứt là tầm vong, sao, dái ngựa, thốt nốt, cau...điệp đỏ và mai vàng. Ðang khi đó thì theo hai bên sông rạch của người Việt là bần, dừa nuớc, ô rô cốc kèn...trên bờ sông là ngoài những cây ăn trái của giồng cát còn có dừa, cam quít, mận, dâu và lần lần cò thêm măng cụt, xoài riêng, lôm chôm, bòn bon, mít tố nữ, xoài hòn... một địa thế, một phong cảnh hoàn toàn đa dạng và phong phú hơn đất giồng nhiều. Nhờ đó mà cộng đồng người Việt giàu có hơn. Ðó là chưa nói đến vai trò văn hóa dân tộc đã đóng một vai trò phát triển hết sức độc đáo, nếu không nói là văn minh hơn. Nói như trên để thấy rằng hệ thống sông rạch đã giúp cho dân tộc V.N. phát triển kinh tế hơn dân tộc Khmer , nói một cách khác văn hóa sông rạch cũng gọi là văn hoá miệt vườn của người Việt đã vuợt khỏi văn hóa giồng cát của người Khmer, nếu chỉ giới hạn trên phương diện văn minh văn hoá.vật chất.

Cho nên yếu tố căn bản của sự phân biệt và vượt bực nói trên là hệ thống sông rạch của vùng đất Tầm-phong-long nói chung và tỉnh hạt Trà vinh nói riêng. Mà trong hệ thống sông rạch nầy, con sông Láng Thé, với những rạch lớn rạch nhỏ của nó đã đóng một vài trò quan trọng vào bực nhứt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tỉnh hạt Trà vinh, không riêng gì cho mỗi một cộng đồng người Việt, mà là cho cả 3 cộng đồng Miên,Việt và Hoa, để hình thành một cộng đồng đồng nhứt đa dạng đa diện, phần nhiều người Việt, cũng như người Hoa, người Miên đều biết nói ít nhiều hai thứ tiếng khác, nói chi là ăn, mặc, lễ lạc, vui chơi.

Vì những lẽ nói trên mà viết về con sông Láng Thé là một công tác tìm hiểu về quá trình phát triển tỉnh Trà Vinh. Trước khi người Việt di cư đến (cuối thế kỷ thứ 18 và nhứt là đầu thế kỷ 19) con sông Láng Thé chỉ là con sông bìa lề của miệt giồng, nhưng từ khi người Việt đến con sông Láng Thé lần lần biến thành căn bàn và tiên phong môi trường văn hóa miệt vườn để bắt tay và làm bạn đời với văn hóa miệt giồng của người Khmer. Gọi là căn bản vì quan trọng hơn các thành tố khác, gọi là tiên phong vì trên đó và trước đó đã có văn hóa miệt vườn của tỉnh Vĩnh Long, đại diện là hai con sông Mang Thít và sông Long Hồ.(Xem bản đồ)

Khi viết về vai trò của con sông Láng Thé nói trên thì không thể nào bỏ qua vai trò của dòng họ Huỳnh của chúng tôi được. Có quá cuờng điệu không?

Sông Tiền, đến Vĩnh Long và Trà Vinh thì mang tên là sông Cổ Chiên. (Có thể tên nầy là do từ Cochin, của thương nhân Bồ đào nha giữa thế kỷ 15 đã đến đây và lấy tên Cochin, một thành phố nhỏ trên đất liền của Ấn độ, chong mặt ra hòn đảo Goa thuộc địa của họ. Ðể phân biệt thì họ thêm từ China, để rồi địa danh nầy - Cochinchina- bao hàm cả vùng đất Nam bộ, gọi là Nam kỳ lục tỉnh sau đó). Hạ lưu sông Tiền không rộng lớn bằng sông Hậu, nhưng lượng nước lại nhiều hơn, tức là khỏe mạnh hơn. Vừa qua khỏi địa phận tỉnh Vĩnh long, thì sông Cổ chiên từ trên xuống đã đẻ cho tỉnh Trà vinh 3 con sông Rạch bàng, Láng Thé và Bãi Vàng, mà sông Láng Thé là đứa con khỏe mạnh nhứt. Tất cả đều theo hướng Ðông Tây. Cùng một lúc sông Hậu cũng đẻ cho tỉnh Trà vinh theo hướng Tây Ðông ba đứa con nhỏ èo ọt, từ trên xuống là sông Cầu Kè, sông Cầu Quang và sông Trà Cú. Ðúng là mẹ nào con nấy.(Xem bản đồ)

Về mặt lịch sử, con sông Làng Thé nầy đã đuợc “tuyên dương” hai lần, lần đầu là năm 1782-83, vua Gia long lúc còn là Nguyễn Ánh, sau khi thất trận thủy chiến đánh với quân Tây Sơn ở Cần giờ, theo đề nghị của Lê văn Duyệt trốn tránh quân binh Tây sơn của Nguyễn Huệ đã chạy về đây nhờ người Khmer đùm bọc và đưa qua Thồ châu và Phú quốc. (Xem lại bài của người viết “Vua Gia Long đã chạy về Trà Vinh”, Ðặc san Ái hữu Trà vinh, số 4, 2004).

Lần thứ hai là khi cử nhân Bùi hữu Nghĩa, thời vua Tự Ðức (1874-1883) khoảng năm 1850 đổi về làm Tri huyện Trà vinh, thuộc tỉnh Vĩnh Long, duới quyền Tồng đốc Trương văn Uyển và Bố chánh Truyện. Và vì câu chuyện người Hoa kiều chiếm đoạt thủy lợi sông Láng Thé mà vua Gia Long đã dành cho người Khmer thừa hưởng khỏi thuế từ 70 năm truớc. Tri huyện Nghĩa đã đứng ra bênh vực người Khmer, đưa đến chỗ tranh chấp có đổ máu giữa hai phe, để rồi tri huyện Nghĩa phải bị Tổng đốc Uyển buộc tội gây loạn và lãnh án tử hình. May nhờ người vợ, bà Tồn, người Biên hoà kịp chạy ra tận Huế, can thiệp với vua Tự Đức, đuợc đổi ra án tội đồ, đày đi trấn thủ tiền đồn Châu đốc.(Xem lại bài “Bùi hữu Nghĩa” của người viết, trên Ðặc san Ái hữu Trà vinh số 6, 2006.)

Ðọc lại hai bài nói trên, người viết muốn phiêu lưu trả lời một câu hỏi còn tồn đọng lại: Nguyễn Ánh chạy vào sông Láng Thé, đổ bộ lên Trà vinh, mà đúng là ở đâu? Theo sự tìm hiểu của người viết thì có thể là Ba Si hiện giờ. Không có một tài liệu nào nói là Ba Si. Tuy nhiên có hai sự kiện mà người viết dựa theo đó để phỏng đoán là Ba Si.

Thứ nhứt: Ba Si nằm sát trên hữu ngạn sông Láng Thé, ăn thông ra sông Cổ chiên, là giang cảng duy nhứt của một công đồng rộng lớn người Khmer, là thủ đô của Thủy Chân lạp, chiếm cứ một địa bàn rộng lớn gần bằng cả tỉnh Trà vinh hiện giờ, nghĩa là từ Ba Si Base, lên đến Bình Phú, Huyền Hội, Tân An, qua Cầu Kè, Trà Cú, Cầu Quang, Cầu Ngang... Cứ xem sự tập trung chùa chiền, cả trăm cái nhiều khi san sát nhau trong chu vi nòi trên thì biết ngay đây là một châu thành to lớn, nhân số đông đúc không đâu bằng. Lưu ý là di tích chùa Khmer có từ Vĩnh long Vũng Liêm, nhưng tập trung nhiều nhứt phải kể là chỉ có ở Trà vinh và ở vùng đất bao gồm những địa điểm địa danh Khmer kể trên.

Cho nên nếu Ba Si là một giang cảng quan trọng của một châu thành quan trọng thì chắc chắn sự giao thông phải dể dàng cho sự xuất nhập cảnh, dể dàng cho sự tiếp nhận đây hơn địa điểm nào khác. Cũng nên lưu ý là từ vàm sông vào bên hữu ngạn sông Láng Thé hiện còn đầy dẫy di tích kiến trúc, thị tứ xưa (làng Long Đức, Phương Thạnh, Bình Phú), đang khi đó thì bên tả ngạn sông Láng Thé lại hoàn toàn vắng bóng, không một di tích chùa chiền hay kiến trúc gì khác, thời đó (thế kỷ thứ 18) chắc chắn là chỉ có những khu rừng già bạt ngàn, từ hạ lưu, ít ra là đến trung lưu là Càng Long, Tân An.

Người viết có thể hình dung là bên tả ngạn, từ vàm sông Láng Thé chạy về hướng Bắc đến vàm sông Rạch Bàng-sông Mai Túc là cả một vùng hoang dại, lúc vua Gia Long chạy về Trà vinh chưa có người đến lập làng lập ấp. (Có một tài liệu của cha Antôn Án đăng trên Ðặc san Ái hữu Trà vinh, số 5, năm 2005 , ghi nhận là họ đạo Bải Xan hiện ở trên Ấp Thượng và Ấp Trung làng Ðại Phước đã được thành lập từ năm 1750. Theo người viết thì năm tháng nầy hoàn toàn sai, sai cả một thế kỷ, có thể là trong thập niên 1850 hơn, là những năm Tự Đức bắt đạo Gia tô, thánh Philippe Minh và trùm Lưụ cũng tử đạo trong khoảng thời gian nầy. Ngoài ra đất Tầm- phong-long chỉ đuợc trao tặng các chúa nhà Nguyễn năm 1759 mà thôi, nghĩa là Bải Xan hay Giồng Tượng chưa là đất của V.N., thì làm gì có người Việt nào dám chạy vào đó đuợc)

Lý lẽ thứ hai là Ba Si, ngoài tính cách giang cảng, còn là trung tâm ngư nghiệp, vì chính vùng Ba Si, Ba Se, Long Đức, Bình Phú, Ðại Phúc, Phương Thạnh bên hữu ngạn, và Ðại Phươc, Dừa Đỏ, Nhị Long bên tả ngân, nằm trên một ngả năm của 4 con sông Láng Thè, Láng Thé nhỏ, sông Rạch Dừa và sông Dừa Đỏ. Cho nên nói về thủy lợi thì chính đây là trung tâm sản xuất thủy lợi mà vua Gia Long đã hứa cho người Khmer đặc quyền khai thác và thừa hưởng, gọi là trả ơn đùm bọc vua trên con đuờng tẫu quốc.

Trên đây là vài nét văn hóa và lịch sử chánh trị của sông Láng Thé đã qua.

Qua đầu thế kỷ 21 nầy, thì con sông Láng Thé không còn là trở ngại giao thông đường bộ nữa, vì đã có những cây cầu lớn bắt ngang, cùng một lúc duới cầu người ta đã đấp những con đê có nhiều óng cống to lớn và vững vàng, có nắp sáng chiều mở ra đóng lại tuỳ theo nuớc lớn hay nuớc ròng. Ðó mới là vấn đề kinh tế và môi truờng...

Nói đến kinh tế hay nông nghiệp thì phải nói đến gia đình họ Huỳnh của chúng tôi. Người viết khiêm nhường kể lại một câu chuyện lịch sử có thật, không chút huyền thoại hay cường điệu, đang khi nhiều người còn sinh tiền, tức là những chứng nhân lịch sử đáng tin được.

Vốn sau khi lên ngôi, năm 1802, vua Gia Long có hai sách lược quan trọng nhứt là thiết lập thái bình từ Bắc vào Nam bằng mọi gíá, thứ đến là phát triển nông nghiệp đại qui mô, là khai hoang lập ấp, đó là sách lược quân điền, tay súng tay cày từ lúc còn đánh nhau với nhà Tây sơn. Ở đây chỉ quan tâm đến sách luợc nông nghiệp, đi đôi với chương trình thủy lợi. Vốn trong gần 1 thế kỷ, sau Trịnh Nguyễn phân tranh, đến chiến tranh giữa hai nhà Nguyễn (Nguyễn Gia miêu và Nguyễn Tây Sơn), toàn cả nuớc Ðại việt phải phung phí không biết bao nhiêu là sinh mạng sinh lực để vào chiến tranh, đang khi đó thì đất đai không khai phá thêm mà còn bị bỏ hoang bạt ngàn. Hậu quả tất nhiên là người dân đói kém, tha hương cầu thực hơn là định cư có nơi cò chỗ làm ruộng làm rẩy. Mà con số những người nầy, nhứt là ở miền Trung phải kể hằng một 2 triệu, trên tổng số nhân dân chưa đến 9 triệu. Cho nên cần phải bắt dân cày bừa không bỏ đất hoang cùng một lúc khai hoang lập ấp mới. Chưa bao lâu thì vua băng hà. Công việc còn đang dang dở.

Vua Minh mạng lên nối ngôi cha (1820) đã tiếp tục sách lược nông nghiệp của vua cha mà còn nổ lực năng động hơn, bằng sách lược đồn điền, nghĩa là ngoài những quân điền dinh điền, còn thành lập thêm những đồn điền, có nghĩa là cùng một lúc có tổ chức phát triển nông nghiệp cùng đi đôi với tổ chức hành chánh và an ninh, có quan chức đứng ra điều khiển.

Ðứng trong khuôn khổ sách lược nầy, tử Gia Định có một tiểu quan đang hành sự tại tam ty (hành chánh, tư pháp và quân binh), không rõ vì lý do gì lại từ quan, cùng đoàn thê tử tự nguyện đi lập dinh điền tại tả ngạn hạ lưu sông Láng Thé, tên ông là Huỳnh văn Viễn, tức là ông sơ của người viết. Ðó là vào khoảng những năm 1820-21. Người viết không rõ đầu tiên đoàn người di dân nầy lớn nhỏ thế nào, chỉ biết một điều là gia đình ông đổ bộ lên đất liền, trên một vùng đất nầy hoàn toàn còn hoang dại, thú rừng nhứt là voi và heo rừng từng đàng mấy trăm con một đêm có thể tàn phá cả trăm mẫu đất vừa gieo giải. Ngoài ra chất đất còn quá chua, đâu đâu cũng là phèn xuống cả hai ba tất. Cho nên ngoài việc khai phá, ông còn phải đào một con kinh để vừa khai thông vừa lọc nước cho lúa và cây trái có thể mộc đuợc và nẩy nở. Con kinh nầy chỉ dài 4năm kilomét, chạy qua cả 4 ấp Long Hòa, Trà Dư, Trà Gút, Trà Gật. Vai trò của nó rất hiệu quả cho cả một vùng ruộng vườn rộng lớn không dưới 20 ngàn mẫu tây. Và vai trò khai thông và lọc nước của con kinh nầy, từ đó đến thế kỷ 21 nầy vẫn còn công dụng và cần thiết. Bằng chứng là đầu năm 2006 ngưởi viết có bơi xuồng vào tận đầu con kinh Ông Viễn nầy để thăm gia đình chú ba Sĩ, cũng là cháu 5 đời như người viết thì thấy ruộng nuớc chung quanh nhà vẫn còn đầy phèn chua, cần phải đuợc tiếp tục lọc thêm nữa.Tức là một dòng nuớc chảy, như con kinh là một phương tiện thiết yếu.

Nói đến con kinh nầy thì thật là một chuyện đau lòng. Vốn ông sơ tôi đã ra đi từ năm 1880, sau khi đã thành lập một làng xã rộng lớn, tức là làng Ðại Phước, gồm cả muời ấp: ấp Thượng, ấp Trung, ấp Hạ, ấp Rẩy Cụt, ấp Trại Luận, ấp Long Hoà, ấp Trà Dư, ấp Trà Gút, ấp Trà Gật, ấp Rạch Dừa. Công trình của ông để lại là một con kinh, mang tên cuả ông, đó là kinh Ông Viễn. Khi ông chết thì dân làng đã lập đình thờ tiền hiền cho ông ở ấp Long Hoà. Rất tiếc là sau tháng 8, 1945, ủy ban nhân dân VM đã quyết định đổi đình thờ thành ra một truờng tiểu học, trong đó phải có một môn quan trọng vào bậc nhứt là chủ thuyết mác-xít, một môn mà nhà văn CS Trần Chiến có viết “học hành của con trẻ, bé tí đã oằn lưng dưới những kiến thức trời bể. Ðến đổi không còn tuổi thơ..”

Còn kinh Ông Viễn thì đuợc đổi ra tên kinh Viễn, bỏ chữ Ông đi. Rãt tiếc hơn nữa là qua năm 2006, về thăm bà con ở làng Ðại Phước, người viết phải chứng kiến công tác xóa bỏ hoàn toàn tên tuổi và cả vai trò khai thông và lọc nuớc của nó. Vốn khi phát triển hạ tầng cơ sở là hệ thống đuờng sá trong vùng, chánh quyền “đĩnh cao trì tuệ loài người” đã chia cắt con kinh nầy ra nhiều khúc, bằng những con đuờng lớn nhỏ, biến thành những ao tù nuớc động, rất tiện lợi cho cá tôm và muổi mồng, nhưng lại rất tai hại cho ruộng lúa và vuờn tược. Phèn và nuớc mặn từ biển Ðông càng ngày đưa sâu và ở lâu vào đất liền là hai yếu tố về lâu sẽ giết chết kinh tế miệt vuờn màcon sông Láng Thé cùng con kinh Ông Viễn đã có công xây dựng gần 2 thế kỷ qua. Nếu sự đần độn của “đĩnh cao trì tuệ loài người” xảy ra cho làng Ðại Phứớc mà xảy ra trong toàn tỉnh Trà Vinh thì tai hại phải thế nào nữa, thử hỏi? (Ðịa danh kinh Viển gần như hoàn toàn bị xoá bỏ, ngoại trừ còn những chữ tắc KV25. KV26...ghi trên những bàn nhỏ 20cm vuôn đóng trên các cột điện cao áp theo một con đuờng làng Ðại Phước.)

Tiếp tục công trình khai hoang lập làng lập ấp của ông Sơ, ông cố tôi là Huỳnh văn Khoẻ và anh em ông nội tôi là Huỳnh kim Thinh đã lập ra hai làng Long Thạnh và Long Thuận, sau nầy đã sáp nhập lại thành ra làng Nhị Long, để nối tiếp theo làng Ðại Phuớc đến trung lưu sông Láng Thé, (khoảng sông nầy có tên là sông sông Dừa Đỏ, một chi ngánh của sông Láng Thé). Làng Nhị Long gồm cả 8 ấp: Dửa Đỏ 1,Dừa Đỏ 2, Dừa Đỏ 3, Rạch Mát, Rạch Rô 1, Rạch Rô 2, Rạch Rô 3 và sau hết là ấp Long Thuận. Ông sơ tôi đã đổ bộ lên ở hạ lưu sông Láng Thé năm 1820-21, và đúng 100 năm sau (1922) chính tôi là cháu 5 đời đã sinh ra tại thượng nguồn sông Láng Thé, tức là ấp Long Thuận ngày nay.

Trên đây chỉ là một trường hợp nhỏ bé sửa chửa môi truờng, nếu đần độn thì sẽ thành ra phá hoại môi truờng. Nếu sự đần độn nầy đã xãy ra cho cả tỉnh Trà Vinh và cả miền Nam nữa thì hậu quả sẽ tai hại vô cùng cho toàn thể nông nghiệp cả nước. Ai là người trách nhiệm về hậu quả đó? Tất nhiên là “đĩnh cao trí tuệ loài người” là Ðảng chớ còn ai vô đó nữa?

Bộ mặt phồn vinh phát triển các đô thị, nhứt là các khu du lịch có thể che giấu đuợc cái tình trạng suy đồi của nông thôn, của đồng quê hay như là một con đĩ me tây môi son má phấn dày đặt mùi nuớc hoa rẽ tiền, nhưng đang mắc bệnh AIDS hay tiêm la thời kỳ thứ mấy?

Vái Trời vái Phật lạy Chúa lạy Bà cho những ý kiến, những nhận xét bi quan của con trên đây đều hoàn toàn sai bét! Có như vậy mới là vạn hạnh cho bà con ruột thịt và dân tộc V.N. của con!