Phong tục Tết của người dân Nam bộ xưa

Nguyên Đán là ngày Tết truyền thống thiêng liêng và trọng đại của dân tộc; vì thế để đón chào một năm mới, người dân khắp nơi đều chuẩn bị chu đáo. Ở mỗi miền đều có tập quán riêng, tuy nhiên xét về tổng thể thì không khác nhau mấy. Trong bài nầy chúng tôi chỉ nói về phong tục “ăn Tết” của người dân Nam Bộ ngày xưa.

Từ đầu tháng chạp, cũng là lúc gặt hái xong, nhà nhà đều nao nức chuẩn bị đón mừng năm mới, mà tiếng quết bánh phồng rộn rã là âm thanh báo hiệu đầu tiên; tiếp theo đó là chuối sứ ép phơi khô. Trước kia ở nông thôn bánh mứt từ tỉnh thành về rất hiếm hoi, vả lại người dân thời ấy cũng rất rảnh rang sau vụ lúa (mỗi năm chỉ có một mùa lúa 6 tháng) nên dư thì giờ chuẩn bị đãi khách bằng cây nhà lá vườn, môt mặt là tiết kiêm, một mặt là để các chị khoe tài gia chánh của mình: Bánh phồng nướng và mứt chuối là hai “đặc sản” không thể thiếu của mọi nhà thời ấy. Phần các anh thì nhà cửa cũng bắt đầu dọn dẹp ngăn nắp, sơn phết từ từ; nếu có cây mai trước cửa thì phải lặt sạch lá, và canh làm sao cho đến mồng một thì hoa phải nở rộ. Đến sáng ngày hăm ba đến hăm lăm âm lịch thì tất cả phải tươm tất, nhất là bàn thờ tổ tiên phải coi rôm rả, đẹp mắt với bộ lư đồng được chùi sáng loáng, mâm ngũ quả phải đầy ắp, lọ hoa tươi rói và không thể thiếu một nhành mai.

Cũng từ hai mươi đến hăm lăm tháng chạp (ít khi trễ hơn), mọi người đi tảo mộ ông bà. Những gia đình có đất rộng thì ông bà được nằm ở một nơi nào đó ngay trong mảnh vườn hay thửa ruộng của mình; còn những người ít đất thì ông bà được nằm ở chòm mả chung (không gọi là nghĩa địa). Cũng nên nói thêm, trước khi quét mộ, mọi người đều phải đem nhang đèn, giấy tiền vàng bạc, trà hay chút rượu thịt đặt trước mộ mà khấn vái để xin phép, vì vô duyên vô cớ mà “động mồ động mả” là điều tối kỵ. Quét mộ xong, người ta phải dằn trên mộ một ít giấy tiền vàng bạc; đây là dấu hiệu để báo với tốp người “chạp mả” biết là mộ nầy đã được quét rồi, (Thực tế mả chưa quét và quét rồi rất dễ dàng phân biệt, nhưng việc làm nầy là do thói quen). “Chạp mả” theo nghĩa được giải thích của bà con là “quét mả từ thiện vào tháng chạp”. Trong những ngày nầy, vì nhiều lý do mà có những nấm mộ không được người nhà chăm sóc (có mả bị bỏ hoang từ năm nầy qua năm khác), thì những thanh niên trong làng, sẵn cuốc xẻng đó, họ… “chạp mả” luôn! Dù là nghĩa cử từ thiện, nhưng trước khi “chạp mả”, họ cũng không quên thắp vài nén hương cung kính khấn vái người quá cố. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng và vẫn còn cho tới ngày nay.

Ngày hăm ba là ngày đưa ông Táo và chư thiên về trời, cũng là ngày đánh dấu Tết đã cận kề. Lễ vật không thể thiếu để đưa ông Táo là chè, tốt nhất là chè trôi nước (sau nầy là thèo lèo, bánh in). Theo bà con giải thích thì ông Táo thích ăn ngọt, hơn nữa là để lúc tâu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế, ông luôn nhớ mà nói tốt cho chủ nhà vì vị ngọt còn thừa lại ở lưỡi môi nhắc nhở; có người còn cẩn thận trét chút nước đường ở miệng ông Táo trong bộ hình nhân “cò bay ngựa chạy” (!). Chè trôi nước cũng không ngoài mục đích mong muốn mọi việc ông Táo tâu rỗi đều trôi chảy như dòng nước (!). Sau ngày đưa ông Táo, bàn thờ ông Táo và “ông Thiên” không được thắp nhang, vì không muốn cho quý ngài bận bịu nhớ về hạ giới trong lúc ở thiên đình!

Chiều hăm chin Tết là mọi việc chuẩn bị phải hoàn tất để sáng hôm sau làm lễ rước ông bà. Nhìn bàn thờ tổ tiên, người ta có thể đánh giá được thành bại của gia chủ trong năm qua. Nhưng dù thế nào, trên bàn thờ cũng phải có dĩa trái cây ngũ quả; hồi trước ngũ quả là cam, quýt, bưởi, dừa, xoài với ý nghĩa tượng trưng sự sung mãn tròn đầy theo hình dáng chúng. Sau nầy vì kiêng cử âm gọi , nên bà con bỏ cam (cam phận nghèo), quýt (húyt háy), bưởi (bưởi bồng) nên có đổi khác hơn; là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, tượng trưng theo tên phát âm Nam Bộ của nó : “cầu vừa đủ xài sung”. Có người thay trái sung bằng trái thơm: thơm tho; trái bắp: đều đặn và… “chắc ăn như bắp”. Một cặp “dưa nhứt”, tức dưa hấu loại to nhứt được dán giấy hồng đơn nằm trang trọng hai bên (bàn thờ) tượng trưng cho sự no đầy và nhành mai ở bình hoa tượng trưng cho sự may mắn, dường như nhà nào cũng có.

Sáng ba mươi là lễ rước ông bà đồng thời rước ông Táo và chư thiên về ăn Tết với gia đình. Mọi nơi thờ phụng như Ông Táo, Long thần Thổ Địa, Thần Tài, Ông Thiên, Phật, thì đơn sơ với bánh tét, hoa quả, khói hương nghi ngút. Riêng hai mâm cơm dành cho cửu huyền thất tổ và đất đai thì thịnh soạn hơn tùy theo khả năng của gia chủ, nhưng không thể thiếu tô cơm, bánh tét tượng trưng cho sự no đủ, mùa màng đắc lợi; dưa hấu tượng trưng cho sự viên mãn, may mắn; bánh phồng tượng trưng cho sự phát triển dồi dào (“phồng” ra); và chủ yếu vẫn là thịt kho tàu, tượng trưng cho sự vuông tròn (vuông của thịt, tròn của trứng). Mâm cửu huyền được dọn sáu chén, sáu đôi đũa; bàn đất đai thì năm (không hiểu sao). Mọi nhà cũng không quên dành một mâm đặt ở ngoài sân để dành cho những kẻ xiêu mồ lạc mả, vị quốc vong thân, hay những tiền nhân khai sơn phá thạch. Đặc biệt mâm nầy phải có chén muối, chén gạo; cúng xong thì đem rải bốn phương. Cùng lúc, giấy hồng đơn (cắt từng miếng vuông nhỏ đều nhau) được dán ở cột nhà, cửa tủ, cửa ngõ và cây trái quanh vườn để cho mọi việc sang năm đều thuận lợi.

Cuối cùng thì ông bà, cha mẹ dặn dò con cháu những điều cần thiết và những kiêng kỵ vào những ngày đầu xuân như tiền bạc và quần áo phải lấy sẵn ra ngoài, vì mồng một mà mở tủ lấy tiền là điều “không nên” (suốt năm tiền cứ ra mà không vô); con cháu không được gây gỗ (năm mới sẽ gây gỗ hoài); với ly tách, chén đũa, nhất là gương soi mặt, cầm nắm cũng phải cẩn thận, không được vuột tay đổ bể (vì chuyện làm ăn sang năm sẽ bị đổ vỡ), trẻ em không được làm gì phạm lỗi để bị đánh đòn (suốt năm bị đánh đòn liên tục). Dù vậy, nhưng nếu lỡ có em nào quậy phá, thì bậc trưởng thượng cũng xí xóa bỏ qua cho những ngày đầu năm được suôn sẻ.

Chiều ba mươi còn có tục “Tết Giếng”: Gia chủ bày một mâm lễ vật gồm bánh tét, trái cây, trầu cau, hoa quả, nhang đèn ngay bên giếng, van vái tạ ơn… ông bà Giếng đã cho nguồn sống. Sau đó họ múc nước cho đầy vào tất cả dụng cụ chứa nước trong nhà đến tràn trề, rồi dán vào thành giếng một mảnh giấy hồng đơn; điều nầy mang ý nghĩa là “không được mở nắp giếng trước ngày mùng ba để ông bà Giếng nghỉ ngơi”: Trong ba ngày Tết mà “khai giếng” là điều đại kỵ. Song song vào đó, ở trong nhà lu gạo, hũ đường, hũ muối, hành tỏi, đều phải đầy ăm ắp để cho sang năm cái ăn cái ở luôn được no đầy. Tục nầy nhiều nhà vẫn còn duy trì đến tận giờ.

Cũng trong chiều ngày nầy, cây nêu được dựng lên trước cửa: đó là một cây tre được tiện hết nhánh chỉ chừa một ít ở trên. Trên đầu cây tre người ta thường treo một khánh đất, một giỏ trầu cau, một bầu rượu, một bó lá dứa hay một nhành đa, một lá bùa bát quái để xua đuổi tà ma; những vật vừa nêu có thể thiếu một vài món, nhưng mảnh vải vàng tượng trưng cho áo cà sa của Phật thì không thể không có (nhiều nơi treo mảnh vải đỏ e không đúng lắm). Dựng (thượng) nêu, theo truyền thuyết là để trừ yêu quái trong mấy ngày Tết, đến mùng năm hay mùng bảy thì hạ nêu. Trong dân gian có câu: “Cu kêu ba tiếng cu kêu / Mong cho đến Tết dựng nêu ăn chè”. Có người thượng nêu vào chiều hai mươi ba, viện lẽ ngày đó ông Táo chầu trời, nên ma quỷ thừa cơ lẻn vào nhà; điều nầy sai với truyền thuyết: Khi yêu quái thua trí Phật, chúng phải chạy về biển đông, và Phật cho phép chúng chỉ được về thăm tổ tiên vào ba ngày Tết mà thôi. Trên thực tế, phần đông đồng bào cũng thượng nêu vào chiều ba mươi.

Tục dựng nêu là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, tiếc thay ngày nay còn tồn tại rất ít ở các vùng quê.

Đến mười hai giờ khuya gọi là “giao thừa”, tức thời điểm từ năm cũ chuyển sang năm mới. Đây là thời điểm trọng đại; mỗi nhà đều có sẵn một mâm bánh trái, hoa quả, nhang đèn dọn trước sân để tống cựu nghinh tân gọi là “cúng giao thừa”.

Mùng một Tết dù có thức dậy sớm để chuẩn bị cơm canh cúng ông bà nhưng không ai mở cửa trước mặt trời mọc vì sợ ma quỷ lẻn vào nhà. Buổi cúng cơm sáng đầu năm xong thì cả gia đình quây quần ăn uống vui vẻ. Xong xuôi, trẻ con mặc đồ mới “mừng tuổi” ông bà, cha mẹ; em nào cũng vẻ mặt hân hoan khi được trao bao lì xì! Mùng hai, mùng ba ngày ba bữa cũng “dâng cơm” cho tổ tiên y như ngày mồng một vậy. Chiều mùng hai thì mấy chị gói bánh tét để chuẩn bị ngày mùng ba “tiễn (đưa) ông bà”.

Sáng mùng ba nhà nhà đều “cúng gà ra mắt”. Hỏi “ra mắt” ai thì hầu hết bà con đều… cười trừ, nói “ông bà dạy sao thì mình nghe vậy”. Sau nầy có người giải thích là “ra mắt” ngài Việt Vương Hành Khiển, nhưng lại không dựa vào một căn cứ nào! Đặc biệt gà cúng mùng ba là gà giò; nhưng không phải do ngài Việt Vương Hành Khiển nào đó thích gà giò mà vì qua mấy ngày Tết mọi người đều không còn tha thiết với mọi loại thịt nữa!

Chiều mùng ba cũng là ngày đưa ông bà. Lễ vật gồm cơm canh như những ngày trước; đặc biệt là những đòn bánh tét to đùng gói ngày hôm qua (có thành ngữ là “bánh tét mùng ba”), để ông bà mang theo cho được no đủ trong suốt cuộc hành trình vạn dặm nước sông (thời khai hoang ông bà đi bằng ghe xuồng).

Sáng mùng bốn là lễ khai Giếng: Lễ vật y như chiều ba mươi, chủ nhà khấn vái xin ông bà giếng phù hộ cho cả nhà đủ nước sinh hoạt suốt năm và bình an khỏe mạnh; xong, miếng giấy hồng đơn bên thành giếng được gỡ ra, cho phép mọi người múc nước bình thường.

Tết Nguyên Đán là một phong tục thiêng liêng đầy màu sắc văn hóa của dân tộc. Mấy ai đã từng xa quê mà ngày Tết không về nhà được mới thấy thấm thía nỗi buồn nhớ quê hương, nhớ cha mẹ, họ hàng . Ngày nay, tuy những tục lệ trong những ngày Tết có đơn giản đi nhiều, nhưng nhìn chung những nét cơ bản thì vẫn còn tồn tại, và chúng tôi chắc rằng nó mãi mãi tồn tại theo thời gian.