Đàn guitar phím lõm

Guitar phím lõm còn có các tên gọi khác như: guitar vọng cổ, guitar cải lương, lục huyền cầm. Đó là loại nhạc cụ độc đáo của Việt Nam được biến cải dựa trên cây đàn guitar của phương Tây trong quá trình phát triển của loại hình âm nhạc tài tử và cải lương ở Nam bộ.

Để có được cây đàn guitar phím lõm như hôm nay, đó là cả một quá trình thử nghiệm, chọn lọc với nhiều nhạc cụ phương Tây khác nhau và chính ngay cây guitar phím lõm tự nó cũng đã là một quá trình điều chỉnh, cải biến để phù hợp với loại hình âm nhạc đòi hỏi những khả năng biểu hiện tình cảm, kỹ thuật đa dạng và phong phú. Đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, guitar xuất hiện trong nhạc tài tử cải lương rồi chìm vào quên lãng, mãi đến những năm cuối thập niên 30, khi nó được các tay đờn lão luyện của âm nhạc tài tử cải lương khoét lõm phím và thổi vào nó những “chữ đờn” mê hoặc lòng người, giới tài tử cải lương mới công nhận rằng nó là nhạc cụ không thể thiếu trong các ban nhạc của mình và guitar phím lõm được sủng ái từ đó...

Câu hỏi “Tại sao phải đi thử nghiệm các loại nhạc cụ Tây phương để bổ sung cho dàn nhạc tài tử?” vẫn còn một lời giải đáp ẩn. Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào trả lời câu hỏi đó. Các nhạc cụ dân tộc của chúng ta không chuyển tải hết nội dung của âm nhạc tài tử cải lương buộc các nghệ nhân phải tìm những nhạc cụ khác để bổ khuyết hay đó chỉ là một sự thử nghiệm với tính chất hiếu kỳ?

Mặc dù ngày nay, guitar phím lõm không còn xa lạ gì với người dân Việt Nam, nhất là đối với khán thính giả cải lương. Song hiểu thấu đáo cội nguồn của cây đàn này không phải là điều đơn giản. Cho đến nay còn rất ít sách vở nói về lai lịch của nó.

Trong một số sách chuyên khảo về nhạc cải lương như: Tìm hiểu âm nhạc cải lương (Đắc Nhẫn), Sân khấu cải lương (Gs. Hoàng Như Mai) không thấy đề cập nhiều đến cây đàn ghi-ta phím lõm. Trong Nhạc khí dân tộc Việt (Võ Thanh Tùng), phần nhạc khí guitar phím lõm chỉ đi vào khía cạnh tính năng nhạc cụ... Chỉ có tài liệu duy nhất tương đối đầy đủ (tuy chưa có điều kiện phổ biến rộng rãi) đó là công trình nghiên cứu dày hơn 100 trang của nhạc sĩ Kiều Tấn với tựa đề “Tìm hiểu cây đàn ghi-ta phím lõm trong âm nhạc tài tử và cải lương” (luận văn tốt nghiệp đại học khoa Lý luận âm nhạc - Nhạc viện Tp.HCM 1991-1992).

Violoncello, violin và piano thử chơi nhạc tài tử cải lương

Năm 1927, tại Sài Gòn có ông Jean Tịnh rồi ông Sáu Hiệu thử dùng violoncello để chơi một số bài bản tài tử cải lương nhưng không thành công do âm vực đàn quá trầm.


Violin

Sau đó ông Jean Tịnh tiếp tục thử nghiệm với cây đàn violin, có khi có sự phụ họa piano của một người bạn Pháp. Cùng thời điểm này, ở Sóc Trăng có các ông Sáu Tài, Bảy Cảnh cũng dùng violin để chơi nhạc tài tử. Âm thanh violin mềm mại, truyền cảm, gần với giọng hát, có thể chơi được các bài bản hơi Nam và hơi Bắc. Vì vậy một số nghệ nhân đàn cò nổi tiếng thời bấy giờ đã dùng violin để chơi nhạc tài tử cải lương. Sự thành công bước đầu đó thúc giục giới nhạc công nhạc tài tử cải lương tiếp tục những thể nghiệm với những nhạc cụ khác của phương Tây.

Mandolin vào cuộc - “dây xề bóp” và “dây xề buông” ra đời


Mandolin

Vào khoảng năm 1930 ở Rạch Giá có các ông Giáo Tiên, Bảy Thông, Ba Lạc, Năm Lắm... rất nổi tiếng trong việc dùng mandolin để chơi nhạc tài tử, cải lương. Song đứng về góc độ của một nhạc công, họ cũng chưa hài lòng lắm vì mandolin âm thanh sáng, trong trẻo nhưng với hệ thống phím điều hòa, nó chỉ đàn được những bản hơi Bắc, còn các bản hơi Nam thì không xử lý được và nhất là thiếu sự trầm ấm gần gũi với giọng hát. Cũng chính vì nhược điểm này mà một số người chuyển qua dùng guitar. Tuy nhiên, có lẽ do người thử nghiệm đàn guitar không phải là những tay đờn cự phách và guitar vẫn chưa được khoét phím lõm nên không lưu lại ấn tượng gì trong giới nhạc tài tử cải lương, để rồi guitar chìm vào trong quên lãng.

Để chơi được các bản hơi Nam, các nhạc công đã liên tưởng đến cây đàn nguyệt với những phím sâu dùng để nhấn ngón, thế là người ta khoét lõm phím đàn của mandolin, và mandolin phím lõm ra đời.

Vào khoảng năm 1934-1935 các ông Hai Nén và Hai Nhành là những người đầu tiên sử dụng mandolin phím lõm.

Mandolin phím lõm mắc dây đơn (thay cho dây đôi) và dùng hệ thống dây: Sol, Do, Sol, Ré thay cho hệ thống dây: Sol, Ré, La, Mi. Trong giới nhạc lúc bấy giờ gọi là “dây xề bóp” (vì phải bấm nốt Xề trên dây Xàng - “bấm” gọi nôm na là “bóp”).

Không lâu sau, người ta thấy rằng, nốt Xề với nốt bấm không hiệu quả bằng nốt Xề dùng trên dây buông. Vì vậy, người ta lên dây Xàng (nốt Do) cao hơn 1 cung để thành dây Xề (nốt Ré). Hệ thống dây bây giờ đổi lại là: Sol, Ré, Sol, Ré. Hệ thống dây này được gọi là “dây xề buông”.

Guitar phím lõm - ông hoàng của dàn nhạc tài tử cải lương xuất hiện


Guitar phím lõm

Mandolin phím lõm ra đời, tuy đã giải quyết được vấn đề trình tấu những bài bản thuộc hơi Nam, nhưng kỹ thuật diễn tấu đã gây nhiều khó khăn cho nhạc công. Đầu tiên, độ căng cứng của dây đàn mandolin làm cho nhạc công quá đau tay với những ngón nhấn, phím đàn quá hẹp khó nhấn sâu, không phù hợp cho việc đệm bài Dạ cổ hoài lang giọng nam ca. Trong lúc này, bài Dạ cổ hoài lang đã chuyển qua nhịp 8 và là bài bản chủ đạo đang tung hoành trên các sân khấu cải lương. Thêm vào đó, âm vực không trầm ấm, không mềm mại khó tạo được sự “mùi mẫn”. Mandolin phím lõm chưa đáp ứng được hết những đòi hỏi của nhạc tài tử cải lương.

Trong lúc mandolin phím lõm chưa chinh phục được giới nhạc tài tử cải lương và chưa kịp đặt cho mình một cái tên thì năm 1937 đàn guitar “tái xuất giang hồ”. Nhưng lần này, guitar mang diện mạo khác, đó là các phím đàn được khoét lõm như mandolin phím lõm. Người thực hiện khoét lõm cây đàn guitar và thay những dây nylon bằng dây kim loại có thể là ông Trần Bửu Lương (Mười Út) - một nghệ nhân đồng thời là một thợ làm đàn guitar ở Sài Gòn.

Ông Chín Hòa được xem là người đầu tiên sử dụng guitar phím lõm để đàn vọng cổ với đĩa hát Asia thu bài Dạ cổ hoài lang nhịp 8 Nặng gánh nợ đời do nghệ sĩ Năm Nghĩa ca. Và cũng từ đó, mandolin phím lõm nhường bước trước sự phát triển và không ngừng hoàn thiện của guitar phím lõm.

Đầu tiên đàn guitar phím lõm ra đời được mang tên là “lục huyền cầm” tuy nó chỉ có 4 dây. Cho đến ngày nay, nó được sử dụng phổ biến với hệ thống gồm 5 dây, đó là cả một quá trình cải biến, điều chỉnh với sự đóng góp của nhiều nghệ nhân danh tiếng trong làng nhạc tài tử cải lương.

Những bước phát triển để hoàn thiện của guitar phím lõm

Dây Sài Gòn

Ông Chín Hòa là người đầu tiên đờn bài vọng cổ bằng guitar phím lõm để thu âm, nhưng tiếng đờn của ông chưa được mượt mà, êm ái, vì ông là người chơi đàn nguyệt. Để mọi người thật sự thích thú, say mê tiếng guitar phím lõm phải kể đến công lao và tài nghệ của hai ông Ba Kéo và Armand Thiều ở Sài Gòn. Hai ông đã tạo nên một phong cách chơi đàn được giới tài tử cải lương Nam bộ tôn trọng như một “trường phái” của Sài Gòn. Cũng từ đó, tuy hệ thống dây các ông đang dùng là hệ thống “dây xề buông” nhưng được mọi người hâm mộ và gọi là “dây Sài Gòn”.

Dây Rạch Giá

Khoảng năm 1938, xuất hiện một lối đánh vọng cổ nghe khác hẳn “dây Sài Gòn”, đầu tiên được ông Trần Bửu Lương (Mười Út) chơi và sau đó là các ông Mười Còn, Bảy Hàm... Hệ thống dây này là hệ thống dây đàn mà ông Giáo Tiên ở Rạch Giá đã thử nghiệm trên đàn mandolin vào khoảng năm 1930 như đã nói trên, nên nên người ta gọi là “dây Rạch Giá”. Người đầu tiên sáng tạo ra các chữ đàn vọng cổ trên “dây Rạch Giá” cho guitar phím lõm là ông Mười Út.

Đàn octavina


Đàn octavina Phi Luật Tân


Đàn octavina Việt Nam

“Dây Sài Gòn” và “dây Rạch Giá” chỉ thuận tiện cho thế bấm ngón tay khi bậc hò là Sol (giọng nam), còn khi bậc hò là Ré (giọng nữ) thì bị tréo ngón tay. Để đàn với bậc hò là Sol mà không có cảm giác phải ca “lòn” đối với giọng nữ, người ta nghĩ đến việc thu nhỏ kích thước cây guitar phím lõm lại. Vì vậy, khoảng năm 1938-1939 một kiểu đàn mới ra đời, cây đàn này nhỏ hơn guitar nhưng lớn hơn mandolin và người ta đặt cho nó tên gọi là “ghi-ta măng-đô”. Điều đáng chú ý là cây đàn này có có bàn phím dày và độ lõm cũng được khoét sâu hơn. Âm sắc lạ và cả nam lẫn nữ đều ca chung trên một bậc hò nên được nhiều người ưa thích. Theo ông Giáo Thinh, sở dĩ cây đàn này sau được gọi là octavina, có lẽ do viết tắt từ 2 chữ: octave (quãng 8) và Việt Nam mà ra.

Dây Tháp Mười (dây hò đậy)

Ở thời điểm này, dây đàn guitar phím lõm cũng như octavina dùng dây số 1 và 2 có tiết diện tương đối lớn nên độ căng của dây khá cứng, gây khó khăn trong diễn tấu. Để khắc phục tình trạng này, khoảng năm 1941-1942, các nghệ nhân vùng Tháp Mười đã hạ thấp cao độ dây xuống (thường là quãng 4 đúng) để dây chùng, bấm nhẹ tay hơn. Vì dây chùng thấp xuống nên khi đờn, các bậc hò phải tăng cao lên, bậc hò là Sol trước đây đờn ở ngăn thứ 5 thì bây giờ phải đờn ở ngăn thứ 10. Do đó, các bậc hò không rơi vào dây buông mà rơi vào ngón bấm, người ta gọi hệ thống dây này là “dây hò đậy” (“đậy” có nghĩa che lại, chỉ các ngón bấm). “Dây Tháp Mười” có ưu điểm là dây mềm, dễ nhấn nhá nhưng thế tay phải bấm liên tục, trên thực tế ít người sử dụng và không phổ biến lắm.

Dây tứ nguyệt

Các dây “Sài Gòn”, “Rạch Giá” không đáp ứng được bậc hò cho giọng nữ, đàn octavina cũng chỉ là một biện pháp tình thế mang tính chất thay đổi âm sắc, dây “Tháp Mười” chỉ là vấn đề kỹ thuật. Bản chất việc giải quyết bậc hò cho giọng nữ cho đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết. Vào khoảng năm 1942-1943, hệ thống dây dành cho giọng nữ ca được ra đời gọi là “dây tứ nguyệt”. Hệ thống “dây tứ nguyệt” như sau:

Giải thích về chữ “tứ nguyệt” có người cho rằng đó là một cách gọi văn hoa như kiểu “dây tố lan” trong đàn nguyệt, song cũng có người giải thích rằng: “tứ” là bốn (4 dây), “nguyệt” là đàn nguyệt (mắc dây theo cách mắc dây đàn nguyệt). Một thời gian ngắn sau đó người ta thêm vào “dây tứ nguyệt” một dây số 5 nữa, đó là dây Ré như sự mở rộng bồi thêm một quãng 8 dưới của dây số 3 (Ré). Với tầm âm phù hợp với giọng hát, “dây tứ nguyệt” đàn bài vọng cổ nghe ngọt ngào, mùi mẫn, và nó có thể đàn được tất cả các bài bản tài tử cải lương một cách thoải mái. Thế là guitar phím lõm giành lại vị trí quan trọng trong dàn nhạc mà một thời gian ngắn vừa qua rơi vào octavina. Giai đoạn này nổi lên nhiều danh cầm guitar phím lõm như: Sáu Lời, Ba Lích, Tư Long, Văn Vĩ...

Dây lai - thử nghiệm có giá trị cao cho tới ngày nay

“Dây tứ nguyệt” tuy có nhiều ưu điểm hơn so với tất cả các thử nghiệm, song khi đàn bậc hò Sol cho nam ca thì thế tay vẫn chưa thuận tiện. Vào khoảng năm 1948-1949, để đáp ứng sự đa dạng trong ca diễn của sân khấu cải lương với nhiều loại bài bản và nhiều bậc hò khác nhau, các nghệ sĩ cải lương đã cải tiến “dây tứ nguyệt” thành một loại dây mới gọi là “dây lai”, sự thay đổi của “dây lai” từ “dây tứ nguyệt” đó là dây số 4 - dây Xề (nốt La) được hạ xuống thành Xàng (nốt Sol). “Dây lai” có cấu tạo:

“Dây lai” là sự kế thừa các loại dây Sài Gòn, Rạch Giá, Xề bóp và Tứ nguyệt như sau:

  • Bốn dây số 5, 3, 2, 1: lai “dây tứ nguyệt”
  • Ba dây số:4, 3, 2: lai “dây Rạch Giá”
  • Ba dây số:4, 3, 1: lai “dây Sài Gòn”
  • Hai dây số:4, 1: lai “dây xề bóp”

“Dây lai” có thể xem như hệ thống dây tương đối hoàn chỉnh, nó có khả năng chơi tất cả các bài bản cổ cũng như các bài bản mới, đặc biệt trong sân khấu cải lương, nó có thể đánh hợp âm đệm cho các sáng tác mới như guitar. Sau hệ thống “dây lai”, tuy có nhiều thử nghiệm như “dây Ngân giang”, “dây Bảo Chánh”, “dây bán Ngân giang”, hoặc một số thử nghiệm mắc hệ thống 6 dây, 8 dây - tuy nhiên cho đến nay, đã hơn nửa thế kỷ qua, chưa có một thử nghiệm nào chứng minh là ưu việt hơn “dây lai”. Thời gian dài này cũng là thời gian đã xuất hiện nhiều tay đờn trứ danh của nhạc tài từ cải lương như: Năm Cơ, Bảy Bá, Văn Vĩ, Tư A, Văn Còn, Hai Thơm... Trong đó, nghệ sĩ Văn Vĩ được xem như là “đệ nhất danh cầm guitar phím lõm miền Nam” và các nghệ sĩ Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá được xem là “tam hùng”.