Nhớ về trường Nam Tiểu Học Đakao (1948-1953)

Lâm Vĩnh Thế

Khi Ba tôi mất vào tháng 1-1948, tôi chưa tròn 7 tuổi nên chưa được đi học. Mấy tháng sau đó, vào một buổi sáng, Mẹ tôi dẫn tôi đến một trường tiểu học tư thục rất nhỏ (chỉ có 3 lớp, 1 Lớp Năm, 1 Lớp Tư và 1 Lớp Ba) có tên là Quốc Học để ghi danh cho tôi vào học Lớp Năm. Ngôi trường nhỏ bé này nằm trên đường Legrand de la Liraye (sau năm 1954 được đổi tên thành đường Phan Thanh Giản, và sau năm 1975 lại bị đổi tên một lần nữa thành đường Điện Biên Phủ),[1] gần ngã ba với đường René Vigerie (sau 1954 được đổi tên thành đường Phan Kế Bính, tên này được giữ đến ngày hôm nay). Tôi chỉ học ở trường này độ vài ba tháng để biết đọc, biết viết, và thuộc cửu chương. Ngày tưu trường của năm 1948, tôi chính thức vào học Lớp Năm tai Trường Nam Tiểu Học Đakao nằm trên đường Albert 1er (sau 1954 được đổi tên thành đường Đinh Tiên Hoàng, và tên này cũng được giữ cho đến ngày hôm nay). Tôi đã học tại trường này trong suốt 5 năm của bậc Tiểu Học (1948-1953). Bài viết này cố gắng ghi lại những gì tôi còn nhớ được về thời gian theo học tại Trường Nam Tiểu Học Đakao này.

Vị Trí Của Trường


Sơ đồ vị trí Trường Nam Tiểu Học Đakao trong khu Đakao.

Trường Nam Tiểu Học Đakao chiếm một khoảng đất gần như vuông vức, bao bọc chung quanh bởi 4 con đường:

  • Mặt trước của trường nằm trên đường Albert 1er, từ cổng trường, ngó xéo qua bên kia đường là tiệm Mì Cây Nhản nổi tiếng của khu Đakao.

  • Bên trái là đường Sohier (sau 1954 được đổi tên thành đường Tự Đức, và sau 1975 đổi tên thành đường Nguyễn Văn Thủ).

  • Bên phải là đường Domenjod (sau 1954 được đổi tên thành đường Ngyễn Thành Ý, tên này được giữ cho đến ngày hôm nay).

  • Mặt sau là một con đường nhỏ, không có tên, rất ngắn, đi từ đường Domenjod qua tới đường Sohier, ngó xéo qua hẻm Cây Điệp.

Kiến Trúc và Tổ Chức Của Trường

Toàn bộ kiến trúc của ngôi trường chỉ có một tầng, gồm các dãy nhà cất theo chu vi của mảnh đất, ở giữa là một sân chơi đất hình vuông. Từ ngoài đường Albert 1er ta sẽ đi qua một vòm cổng cao để vào trường. Vừa vào bên trong vòm cổng này, bên tay phải có cửa mở vào văn phòng nhà trường; nếu đi thẳng luôn thì sẽ bước vào sân trường. Dãy nhà nằm ngang ở cuối sân chia làm 2 phần, phần bên tay trái là một gian rộng và trống dùng làm sân chơi cho học sinh khi trời mưa, phần còn lại phía tay phải là hai căn phòng nhỏ dùng làm chổ ở cho gia đình của hai bác lao công của trường, rồi đến các phòng học dành cho các Lớp Năm (hay còn gọi là Lớp Chót; thời đó còn sử dụng tiếng Pháp gọi là Cours Enfantin). Dãy nhà theo hàng dọc bên tay phải dành cho các Lớp Tư (Cours Préparatoire) và Lớp Ba (Cours Élementaire). Dãy nhà theo chiều dọc phía tay trái dành cho các Lớp Nhì (Cours Moyen) và Lớp Nhứt (Cours Supérieur). Dãy nhà nằm ngang, mà ở giữa là vòm cổng vừa mô tả, cũng chia làm 2 phần; phía bên tay phải là văn phòng trường và phòng học của Lớp Tiếp Liên (Cours Certifié); phía tay trái dành làm nhà ở cho ông Hiệu Trưởng và Thầy giáo dạy Lớp Nhứt. Trong suốt thời gian tôi theo học tại đây, Trường Nam Tiểu học Đakao có 2 lớp cho mỗi cầp, trừ cấp Tiếp Liên. Xin nói thêm một chút về Lớp Tiếp Liên này. Lớp Tiếp Liên là một lớp đặc biệt chỉ dành cho các học sinh đã đậu Tiểu-Học Văn Bằng rồi, nhưng sau đó thi không đậu vào các Lớp Đệ Thất của hai Trường Petrus Ký và Gia Long, và không muốn ra tường tư học Lớp Đệ Thất mà muốn học lại cấp Lớp Nhứt thêm một năm nữa để năm sau sẽ cố gắng thi lại một lần nữa vào các lớp Đệ Thất của hai trường Petrus Ký và Gia Long. Tôi thật sự không biết là các trường tiểu học khác ở Sài Gòn lúc đó cũng có Lớp Tiếp Liên này hay không. Riêng Trường Nữ Tiểu Học Đakao thì không có lớp này, nên các nữ sinh cũng được nhận vào Lớp Tiếp Liên của Trường Nam Tiểu Học Đakao. Vì vậy, Lớp Tiếp Liên là lớp duy nhứt của trường có cả nam sinh và nữ sinh. Chị Ba và Anh Tư của tôi cũng đã từng học Lớp Tiếp Liên này, và năm sau đó anh chị mới thi đậu vào trường Gia Long và Petrus Ký. Chính vì vậy, Anh Tư tôi, Anh Lâm Vĩnh Tế, mặc dù lớn hơn tôi 2 tuổi (anh sinh năm 1939), học tiểu học trước tôi 2 năm, nhưng khi vào Trường Petrus Ký, anh chỉ trên tôi một lớp thôi, nhưng Anh được học Chương trình Pháp ở Lớp 1ère Année (niên khóa 1952-1953), năm cuối cùng của chương trình này. Tôi không còn nhớ được tên của cô giáo dạy Lớp Tiếp Liên này, nhưng vẫn còn nhớ cô là một người thấp, nhỏ con, có gương mặt rất đẹp và nghe nói có chồng người Pháp.


Sơ đồ các lớp học Trường Nam Tiểu Học Đakao (1948-1953).

Các Thầy Cô của Trường

Thật rất tiếc tôi không còn nhớ được tên Cô giáo đã dạy tôi ở Lớp Năm A. Qua năm sau, niên khóa 1949-1950, tôi được lên lớp, và được xếp học Lớp Tư A do Thầy Hai phụ trách. Thầy Hai lúc đó đã có tiếng là một thầy thuộc loại “dữ” hay đánh học trò khi học tò phạm lỗi. Thầy Hai người tầm thước trung bình, với đặc điểm là cặp chân mày có nhiều lông dài và đã bạc, mặc dù lúc đó thầy chỉ mới độ trên 40 tuổi thôi. Bọn học trò chúng tôi, dĩ nhiên, là rất sợ thầy, nên trong lớp lúc nào cũng êm ru, rất là kỷ luật. Nhờ vậy bọn tôi học có kết quả rất tốt. Cuối năm đó, bọn tôi được lên lớp Ba hết. Tựu trường niên khóa 1950-1951, tôi lên Lớp Ba A và giáo viên phụ trách lớp tôi là Thầy Diệp. Thầy Diệp lúc đó độ trên dưới 40 tuổi, chiều cao trung bình, người hơi mập, bệ vệ, mặt lúc nào cũng trắng hồng (về sau, lúc ở Đại Học, tôi lại được học với người con trai lớn của Thầy Diệp, đó là Giáo sư Nguyễn Bá Nhẩn, dạy tôi năm thứ ba về môn Địa Lý Kinh Tế). Cuối năm Lớp Ba, học sinh phải đi thi lấy Văn-Bằng Sơ-Đẳng Tiểu-Học. Vì vậy, Thầy Diệp đã dạy bọn tôi rất kỷ về môn Toán và bắt bọn tôi làm bài tập rất nhiều, ngày nào Thầy cũng cho bài về nhà làm, hôm sau đem vô nộp cho Thầy chấm. Thầy cũng bắt bọn tôi học thuộc lòng nhiều bài “récitation” tiếng Pháp. Nhờ vậy, cuối năm đó, tôi đi thi và đã đậu kỳ thi này. Văn-Bằng Sơ-Đẳng Tiểu-Học của tôi, như trong hình bên dưới đây, có ghi rõ ngày của kỳ thi là ngày 19-Juin-1950 và kỳ thi có phần Pháp văn được ghi thêm bằng mực đỏ. Viên chức chính phủ ký tên và đóng dấu phía bên dưới của văn-bằng là cụ Trần Bá Chức, lúc đó là Giám Đốc Sở Học Chánh Nam Việt. (sang thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, cụ Trần Bá Chức đãm nhận chức vụ Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục). Mẹ tôi và các anh chị của tôi rất “mừng cho thằng Út.” Và, với văn-bằng đầu tiên này trong cuộc đời học trò, tôi đương nhiên được lên Lớp Nhì vào ngày tựu trường của niên học kế tiếp, 1950-1951.

Tại Lớp Nhì A, tôi được học với Thầy Ký lúc đó là người lớn tuổi nhứt trong số các thầy cô của Trường Nam Tiểu Học Đakao. Thầy Ký người hơi khòm, có lẽ do lớn tuổi, mang kính cận, tóc đã bạc khá nhiều. Thầy hiền nhưng cũng rất nghiêm và thương học trò; suốt năm Lớp Nhì đó tôi không thấy Thầy đánh một đứa học trò nào cả. Vào đầu niên khóa 1952-1953, tôi lên Lớp Nhứt A do Thầy Phước dạy. Thầy Phước là một người Bắc (duy nhứt tại trường, tất cả các thầy cô còn lại đều là người Nam), tác người cao lớn, mái tóc dợn sóng, lúc nào cũng ăn mặc rất chải chuốt. Vì Lớp Nhứt là lớp cao nhứt của bậc tiểu học, và cuối năm phải dự kỳ thi lấy Tiểu-Học Văn Bằng, Thầy Phước đã dạy bọn tôi rất kỷ hai môn Toán và Quốc Văn, cho làm bài tập rất nhiều. Cuối năm đó, tôi thi đậu Văn Bằng Tiểu Học. Bên dưới đây là hình chụp của Tiểu-Học Văn-Bằng cho thấy rõ ngày thi là ngày 22-6-1953, và viên chức chính phủ ký tên bên dưới của bằng cấp cũng là cụ Trần Bá Chức, Giám Đốc Học Chính Nam Việt, nhưng bằng bày có cả chữ ký của ông Đổng-Lý Văn-Phòng, T.U.N (Thừa Ủy Nhiệm) Thủ Hiến Nam Việt, cụ Trần Văn Trực

Những Chuyện Bên Lề

Nhà trường có hai người lao công lúc đó đều trên 40 tuổi mà bọn học trò chúng tôi không biết tên, chỉ gọi theo thứ, bác lớn tuổi hơn là Bác Chín, còn người nhỏ tuổi hơn thì là Chú Mười. Cả hai bác lại có một vài đặc điểm khiến tôi vẩn còn nhớ cho đến ngày hôm nay. Bác Chín thì người nhỏ con, đôi mắt lúc nào cũng kèm nhèm và hay nháy, có lẽ là một tật bẩm sinh, và, đặc biệt nhứt là cả hai bàn tay bác đều có 6 ngón, với cái ngón thứ sáu nhỏ xíu mọc tòn ten ra từ ngón cái. Bác giữ nhiệm vụ đánh trống lúc bắt đầu vào học và lúc tan trường. Nhiệm vụ thứ nhì của bác là vào đầu mỗi buổi học bác mang một cuốn sổ đi từng lớp cho các thầy cô giáo ghi chép gì đấy và ký tên vào. Vợ chồng bác không có con. Chú Mười thì thân hình tương đối cao lớn, vạm vỡ hơn. Chú Mười có nhiệm vụ làm những công việc nặng nhọc hơn, như quét dọn các hành lang trước các lớp học, hoặc có khi khuân vác, thay đổi bàn ghế trong các lớp học. Điều đặc biệt tôi nhớ về bác này là hai vợ chồng bác có hai đứa con trai được đặt tên rất ngộ và dễ nhớ: đứa lớn tên Tiền và đứa nhỏ tên Bạc. Anh Tiền lớn tuổi hơn tôi nhiều, không có đi học (tôi nghĩ chắc anh đã học xong tiểu học rồi, nhưng vì gia cảnh, anh không được cha mẹ cho đi học bậc trung học) nên phụ giúp công việc cho Chú Mười ở trong trường. Người con nhỏ tên Bạc thì cùng học một lớp với tôi suốt 5 năm tại trường. Hai bà vợ của Bác Chín và Chú Mười cũng phụ với hai ông chồng trong các công việc hàng ngày trong trường khi cần, nhưng công việc chánh yếu của hai bà là buôn bán ngay trong trường để kiếm thêm lợi tức cho gia đình. Mỗi ngày, vào giờ ra chơi, hai bà đều bày hàng ra bán, trong khu vực nhà chơi, cho bọn học trò chúng tôi. Toàn là những món ăn mà bọn tôi rất khoái như là khoai mì chà bông, me ngào, đậu phộng nấu, bánh cam, bánh ít, và, đặc biệt, Bác Mười gái còn có món bún xào với giá, hột vịt chiên xắc chỉ, chan nước mắm ớt. Món bún xào được bọn tôi chiếu cố nhiều nhứt, đứa nào chậm chân thì sẽ không có mua được mà ăn vì Bác Mười gái chỉ làm một chảo nhỏ, đủ bán một buổi thôi.

Thời gian tôi theo học tại Trường Nam Tiểu Học Đakao (1948-1953) là một thời gian có nhiều biến động chính trị lớn trong nước. Cuộc Chiến Tranh Việt-Pháp, khởi sự từ đêm 19-12-1946, đang gây nhiều khó khăn cho Lực Lượng Viễn Chinh Pháp. Chính phủ Pháp bắt buộc phải tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Sau nhiều cuộc điều đình, Cựu Hoàng Bảo Đại đã về nước, vào cuối tháng 4-1949, với cương vị Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam. Tôi vẫn còn nhớ một hôm trong năm học Lớp Ba hay Lớp Nhì, nhà trường phát không cho mỗi học sinh một cuốn tập 50 trang trong đó có một tờ giấy chậm (thời đó bọn học trò chúng tôi đều còn dùng viết mực, lúc đi học trong cặp lúc nào cũng có một bình mực, trên bàn học, ở phía trên luôn luôn có một cái lỗ tròn để cho hoc trò có chổ để bình mực). Ngoài bìa cuốn tập 50 trang đó có in hình Đức Quốc Trưởng Bảo Đại, và trên tờ giấy chậm có in một câu như sau:

“Người Mạt-xít với Hiệp ước Xít-Mạt đã phản bội dân tộc.”

Bọn học trò chúng tôi lúc đó còn nhỏ quá hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của cái câu in trên tờ giấy chậm đó. Bây giờ nhớ lại thì dĩ nhiên là tội hiểu câu nói đó: người Mạt-xít tức là người Cộng sản (Marxist); Hiệp ước Xít-Mạt tức là Hiệp định sơ bộ Pháp-Việt ký ngày 6-3-1946 giữa Hồ Chí Minh và Jean Sainteny. Như vậy, rõ ràng món quà bất ngờ này là công cụ của một chiến dịch tuyên truyền của Chính phủ Quốc Gia Việt Nam chống lại những người Cộng sản, và món quà đó thật ra là nhắm vào phụ huynh của các học sinh.

Thay Lời Kết

Với kết quả tốt vào cuối năm Lớp Nhứt (niên khóa 1952-1953) như đã trình bày bên trên, tôi chính thức kết thúc thời gian học bậc Tiểu Học và vĩnh viễn từ giả ngôi trường Nam Tiểu Học Đakao thân yêu, nơi đã cung cấp cho tôi những kiến thức sơ đẳng để chuẩn bị cho tôi bước vào ngưỡng cửa của bậc Trung Học. Vài tháng sau đó, tôi tham dự kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất của Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký, và, rất may mắn, tôi cũng đậu luôn kỳ thi tuyển này. Mẹ tôi rất mừng và thưởng cho tôi một chiếc xe đạp nhập cảng từ bên Pháp, mua tại một tiệm lớn ở khu Chợ Cũ trên đường Boulevard de la Somme (sau năm 1954 được đổi tên thành Đại lộ Hàm Nghi). Ngày tựu trường niên khóa 1953-1954, tôi chính thức được mang danh hiệu “dân Lycée Petrus Ký.”

__________

GHI CHÚ:

[1] Các thông tin trong bài viết này về việc đổi tên của các con đường trong khu Đakao đã được tham khảo từ sách Sài Gòn – Gia Định xưa: tư liệu & hình ảnh của các tác giả Huỳng Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Nguyễn Đại Phúc, Đỗ Văn Anh và Phạm Thiếu Hương, do Nhà Xuất Bản Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1997, phần Tên đường Thành phố Hồ Chí Minh xưa và nay, tr. 120-155.