Tính tổng hợp hay tinh thần Lục Tỉnh trong di sản của tả quân Lê Văn Duyệt

Lê Công Lý[*]

Tóm tắt

Tả quân Lê Văn Duyệt vốn là đệ nhất trung hưng công thần nhà Nguyễn, nhưng do ngài chính là kết tinh của tinh thần Lục tỉnh bộc trực, mở thoáng tối đa nên sớm bị kết tội oan khốc. Hệ quả là hầu như toàn bộ di sản của ngài đều phải sống trong dân gian và bị dân gian hóa cao độ. Kết quả là ngài trở thành Phúc thần của đất Lục tỉnh và trở lại đúng bản chất vốn có của mình: Là biểu tượng cao nhất của tinh thần Lục tỉnh.

Từ khóa: Tả quân, Lê Văn Duyệt, lăng Ông, Lục tỉnh.

1. Từ đệ nhất công thần đến đại oan án

Trong số các vị trung hưng công thần nhà Nguyễn, Tả quân Lê Văn Duyệt phải kể vào hàng đệ nhất, vì ông theo phò chúa Nguyễn Ánh từ lúc mới 17 tuổi, cùng chúa vào sinh ra tử, từng quản từ cung quyến cho đến chính trị, quân sự và ngoại giao, cùng chúa mông trần khắp góc bể chân trời đến tận Xiêm quốc. Đặc biệt, ông có công quyết định thắng lợi trong trận thủy chiến Thị Nại (1801), góp phần khống chế và triệt hạ thành Quy Nhơn, đầu não của của Tây Sơn.

Đến khi đất nước thống nhất (1802), ông lại có công dẹp loạn khắp cả trong Nam ngoài Bắc. Ông biết cách để thể hiện uy danh của triều đình khiến lân bang đương thời phải nể phục, gọi ông là Phó vương; đồng thời các sắc dân trong hạt cũng đều phục tùng, khiến xã hội ổn định.

Đặc biệt, ông chủ trương cởi mở về ngoại giao và giao thương quốc tế, tạo điều kiện cho ngoại kiều và đạo Thiên chúa hoạt động, nên dưới thời ông lãnh đạo Gia Định thành, Lục tỉnh mà nhất là đất Sài Gòn – Chợ Lớn trở thành nơi hội tụ của nhiều nguồn tài lực và vật lực nên có điều kiện phát triển.

Ngoài tài năng về chính trị, quân sự và kinh tế, ngoại giao, ông còn là người say mê và nâng đỡ các loại hình nghệ thuật dân tộc như hát bội, chọi gà và các trò thao diễn, dã ngoại, v.v.

Chính vì vậy mà người dân Lục tỉnh đương thời và cả sau khi ngài tạ thế đều dành cho ngài một thứ tình cảm đặc biệt, vừa trân quý, vừa kính sợ. Dân gian vì thế chẳng những không dám gọi tên riêng ngài, mà ngay cả họ của ngài hay thậm chí cả chức tước ngài cũng trở thành nỗi kiêng kị tự nhiên của dân chúng. Họ chỉ dám gọi ngài bằng Ông hoặc Ông Lớn.

Từ Ông vốn phiếm chỉ, nhưng ở đất Lục tỉnh xưa mà nhất là ở Gia Định, Ông lại trở thành tên riêng chỉ ngài Tả quân Lê Văn Duyệt. Do đó, nói lăng Ông hay miếu Thượng công (Ông Lớn) thì ai cũng biết là chỉ ngài Tả quân. Có thể biến một danh từ chung như thế thành danh từ riêng thì đủ biết ngài có sức ảnh hưởng trong dân chúng tới mức nào!

Ngoài ra, về phía triều đình, vua Gia Long cũng hết mực tin dùng và ân sủng ngài Tả quân, nên mới giao chức Tổng trấn Gia Định thành, cai quản toàn cõi Gia Định, vốn là mảnh đất trung hưng của nhà Nguyễn (đương thời Gia Định gồm cả Nam Bộ ngày nay)[1]. Tổ phụ và thân mẫu ngài, nhờ đó cũng được truy phong chức tước cao quý[2].

Mặc dù giữa ngài và vua Minh Mạng vốn có hiềm khích lớn nhưng khi vua vừa mới nối ngôi đã tiếp tục bổ nhiệm ngài Tả quân tiếp tục giữ chức Tổng trấn Gia Định thành cho đến lúc ngài qua đời. Khi mất (1832) ngài được vua “Truy tặng Tá vận công thần, Đặc tiến Tráng võ tướng quân, Tả quân Đô thống phủ, Chưởng phủ sự, Thái bảo, Quận công, thuỵ Oai Nghị. Ban cho 10 cây gấm màu, 10 tấm nhiễu màu, 3.000 quan tiền, trước hãy ban một tuần tế, đến ngày an táng lại cho một tuần tế nữa”[3].

Có lẽ chính vì vậy mà thi hài ông không theo thông lệ chôn cất ở quê nhà ở Định Tường mà được mai táng trên gò đất ở phía bắc thành Phiên An, lưng dựa vào gò đất cao, mặt nhìn về phía rạch Thị Nghè và thành Phiên An, tức tọa lạc tại trung tâm của đất Gia Định. Sử sách nhà Nguyễn không miêu tả rõ lăng mộ ngài đương thời có quy mô thế nào, nhưng ngày nay (2022) chỉ căn cứ vào diện tích hiện tồn lên đến 18,500m2 ngay giữa nội thành cũng đủ biết quy mô đương thời lớn đến mức nào.

Tuy nhiên, ngay sau khi ngày tạ thế (1832), vua Minh Mạng vốn có hiềm khích lớn với ngài, cộng với sự dèm pha ganh tị của các đại thần đương triều mà nhất là hành động phản nghịch của con nuôi ngài là Lê Văn Khôi, kéo theo cả Lục tỉnh chống lại triều đình cùng với viện binh Xiêm La, khiến quan quân triều đình phải mất đến 3 năm (1833 – 1835) mới dẹp được, hậu quả đó làm liên lụy cực kì nghiêm trọng đến thanh danh và hậu sự của Tả quân.

Hậu quả đau lòng là, từ địa vị của bậc đệ nhất công thần, ngài bị triều thần ra sức vạch tội, mà chủ yếu là thêu dệt và thổi phồng: “Có 7 tội đáng chém[4]; 2 tội đáng xử thắt cổ chết[5]; 1 tội đáng phải sung quân (tự tiện bắt biền binh đóng thuyền riêng). Duy sự biến loạn ở Phiên An, thực Duyệt là ng­ười đứng đầu gây vạ, chiếu theo luật mưu phản, nên khép tội lăng trì. Song Duyệt đã trước chịu tội âm rồi, thì xin truy đoạt bằng sắc, và bổ áo quan, phanh thây ra để tỏ sự răn dạy rõ ràng. Còn những cáo sắc phong tặng cho đời cụ, đời ông và bố mẹ của Duyệt đều thu lại cả. Các mồ mả tiên nhân có chỗ nào tiến lạm trái phép thì đều huỷ bỏ đi. Các con em và vợ cả vợ lẽ của Duyệt đều xử tội có phân biệt, tài sản đều tịch thu”[6].

Từ đó, vua Minh Mạng xuống lệnh: “Lê Văn Duyệt đếm tội cũng không kể hết, nói đến đau lòng; dù bổ áo quan mà phanh thây cũng không oan. Song nghĩ: hắn chết đã lâu, tr­ước chịu tội âm rồi, lại đã truy đoạt quan t­ước, còn nắm xư­ơng khô trong mả, nay cũng chẳng thèm gia hình. Vậy sai Đốc phủ Gia Định lập tức san mồ mả thành đất phẳng và dựng cái bia đá ở trên khắc 8 chữ lớn: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Chỗ hoạn quan lộng quyền là Lê Văn Duyệt chịu tội chết), để nêu rõ tội danh ở sau khi chết, mà làm tỏ sáng phép n­ước về sau này, và để làm gư­ơng răn cho những kẻ quyền gian muôn đời”[7]. Thêm vào đó, những người cháu ngài có tham gia làm phản đều lập tức bị xử tử, những con cháu khác bị tội trảm giam hậu. Riêng phu nhân của Tả quân là bà Đỗ Thị Phận lại được tha do ngài vốn xuất thân thái giám, theo lí thì không thể có quan hệ vợ chồng được.

Coi như đến đây, hầu như toàn bộ gia tộc ngài đều bị tội liên lụy, tất cả các chức tước đều bị thu hồi. Tuy nhiên, đó là hành động về phía triều đình, mà nguyên nhân sâu xa chủ yếu là vì vua Minh Mạng đang trên đà xây dựng nhà nước quân chủ tập quyền trong thế phòng thủ trước các thế lực bên ngoài mà chủ yếu là phương Tây, trong khi thế lực của Tả quân Lê Văn Duyệt chính là cầu nối với phương Tây, là trở lực lớn nhất trong con mắt của triều đình. Sự việc vua Minh Mạng cho phá thành Phiên An đồ sộ để xây lại thành Phụng nhỏ và thấp hơn nhiều chính là bằng chứng cho chủ trương tập quyền phong kiến bất chấp tất cả[8]. Hơn nữa, trên đà củng cố bộ máy tôn ti quan liêu của nhà Nguyễn thì lực lượng của Tả quân với cá tính Lục tỉnh bộc trực, cởi mở tối đa, dám nghĩ dám làm như vậy sẽ trở thành cái gai trong mắt của không chỉ vua Minh Mạng mà của cả các đại thần ở trung ương.

Nhưng điều đáng nói là, triều đình càng phũ phàng đối với di sản của Tả quân bao nhiêu thì dân Lục tỉnh mà chủ yếu là dân Sài Gòn – Chợ Lớn lại trân quý và gìn giữ nó bấy nhiêu, bởi ngài chính là kết tinh của cá tính Lục tỉnh ở vùng đất mới này.

2. Tính tổng hợp và tinh thần Lục tỉnh trong di sản của Tả quân Lê Văn Duyệt

Nam Kì chính là cái nôi trung hưng của nhà Nguyễn, đồng thời là quê ngoại của vua Thiệu Thị và Tự Đức, nên thực tế có một thứ tình cảm đặc biệt giữa các vua đầu triều Nguyễn với vùng đất này.

Đặc biệt, dân Lục tỉnh vô cùng yêu mến các chúa Nguyễn, những người đã mở đường máu và đỡ đầu cho họ có được sự nghiệp nơi vùng đất mới này. Chính vì vậy mà xưa nay có rất nhiều vở tuồng, bài hát, chuyện dân gian kể về các chúa Nguyễn. Đánh trúng tình cảm này nên đầu thế kỉ XX, Tân Dân Tử cho ra đời hai bộ tiểu thuyết nổi tiếng Gia Long tẩu quốc (1929) và Gia Long phục quốc (1932), được dân Lục tỉnh nhiệt tình hưởng ứng và truyền tụng. Rồi đến lượt mình, hai bộ tiểu thuyết này lại có tác dụng phổ cập các câu chuyện về chúa Nguyễn Ánh, cộng với óc sáng tạo hào sảng có sẵn của người dân Lục tỉnh, làm nên vô số chuyện dã sử mới[9].

Điều đáng nói là, càng có tình cảm với các chúa Nguyễn bao nhiêu thì dân Lục tỉnh lại càng yêu mến các bậc trung hưng công thần hết lòng phò tá ngài bấy nhiêu, như: Đỗ Thanh Nhơn, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, v.v. Trong số đó, Tả quân Lê Văn Duyệt do có thời gian phò tá chúa Nguyễn Ánh/ vua Gia Long lâu nhất và đã từng lập được nhiều chiến công quyết định nên được dân Lục tỉnh có phần trọng vọng hơn. Chính điều đó cộng với hậu quả của “đại án Lê Văn Duyệt” khiến di sản của Tả quân càng bị triều định hủy hoại bao nhiêu thì lại càng được dân Lục tỉnh trân quý gìn giữ bấy nhiêu. Bởi vậy mà có một thực tế oái oăm là: Di sản của vị đệ nhất công thần lại phải sống trong dân gian và thậm chí bị dân gian hóa rất nhiều.

2.1. Tính tổng hợp trong kiến trúc lăng miếu

Như đã nêu ở phần trên, ngay sau sự biến thành Phiên An (1833 – 1835), cùng với số phận ngôi thành đồ sộ này, lăng mộ Tả quân cũng bị phá hủy hoàn toàn. Đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) nhân lời tâu của Đông Các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn về việc xin ủy lạo cho yên ủi hậu duệ còn sót lại của ba vị trung hưng công thần hàng đầu bị án oan tiền triều là Nguyễn Văn Thành, Lê Chất và Lê Văn Duyệt, vua mới cho truy tầm ra cháu nội của Tả quân là Lê Văn Điển[10], cho làm chư quân cai đội.

Đến năm Tự Đức thứ hai (1849), nhân có dịch bệnh ở kinh thành Huế, đình thần gồm 32 vị làm sớ ngụ ý nói dịch bệnh đó là do oan hồn của Tả quân gây nên, xin rửa tội cho ngài để giải trừ dịch bệnh. Vua chuẩn cho dẹp cái bia 8 chữ kể tội và xiềng xích mộ Tả quân đi, đồng thời cho cháu nội của Tả quân (bấy lâu lẫn trốn) tên là Lê Văn Thi[11] từ quê nhà ở thôn Long Hưng (tổng Thuận Bình, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường[12]) lên Gia Định để tự lo sửa sang mồ mả ngài và phu nhân[13]. Đồng thời, nhân lúc thực dân Pháp vừa mới chiếm thành Phiên An, còn chưa đánh rộng ra, vua Tự Đức đã ban cấp 16 mẫu ruộng phía trước và hai bên khu vực lăng Ông để làm tự điền, lấy hoa lợi lo cúng tế Tả quân[14]. Ngoài ra, 32 mẫu ruộng hương hỏa của gia tộc ngài ở quê hương Long Hưng bị tịch thu cũng được triều đình trả lại cho hậu duệ còn sót lại của ngài.

Quả không phải dễ dàng mà đại án của Tả quân chỉ sau 14 năm đã được triều đình xóa “trắng án” nhanh như thế, nếu không có dư luận về hồn ma bóng quế kêu gào thống thiết suốt từ Gia Định ra đến kinh thành Huế. Tiếng kêu gào thảm thiết đó không gì khác chính là của người dân Lục tỉnh, đã làm lay động và thức tỉnh lương tri của vua và toàn bộ triều thần nhà Nguyễn về một đại án oan khiên ngút trời dẫn đến hậu quả vô cùng khủng khiếp.

Nhưng phép vua không thể dễ dàng quay ngoắt 180 độ nhanh như vậy, nên phần trùng tu mồ mả của Tả quân không thể do triều đình hay quan địa phương làm, mà buộc phải giao cho cháu chắt ngài tự làm.

Đồng thời, khi vừa mới qua cơn thịnh nộ của triều đình, nên cháu chắt ngài còn sót lại chắc chắn cũng không thể và không dám xây dựng lăng mộ ngài quá bề thế được. Hơn nữa, khi triều Nguyễn vừa thay đổi thái độ và chuẩn bị yên ủi di sản của ngài được chẳng bao lâu thì xảy thực dân Pháp đánh chiếm Gia Định (1859) và cả Lục tỉnh (1867), khiến triều đình không còn cơ hội đích thân sửa sai và trùng tu lăng mộ ngài nữa, mà trách nhiệm đó buộc phải giao lại không ai khác chính là người dân Sài Gòn – Chợ Lớn. Đây cũng chính là nguồn gốc của tính dân gian và tổng hợp trong quần thể di sản lăng mộ ngài.

Thật vậy, trải qua công cuộc “bình định” của thực dân Pháp nửa sau thế kỉ XIX, mãi đến đầu thế kỉ XX, Hội Thượng công quý tế mới được thành lập để chăm lo trùng tu lăng miếu ngài[15].

Năm 1925, trùng tu, mở rộng chánh điện và hậu cung. Năm 1937, trùng tu, xây dựng thêm tiền điện, đông lang và tây lang. Năm 1948, xây vòng thành bao quanh miếu. Năm 1949, xây khách đường và cổng tam quan. Năm 1954, xây đỉnh Hòa Bình. Năm 1964, xây cất nhà kho (nhà hát tuồng ngày nay) và mái che đỉnh Hòa Bình. Năm 1973, xây thêm chánh điện mới. Năm 1994, xây dựng hàng rào xung quanh khu lăng mộ[16].

Chính vì trải qua quá nhiều lần trung tu xây dựng, qua nhiều thời kì, nhiều chế độ chính trị như vậy nên kiến trúc và tín ngưỡng của khu lăng mộ cũng mang tính tổng hợp. Chẳng hạn, cách bố trí 3 nóc nhà (tiền điện, trung điện và chánh điện) theo lối xếp đọi truyền thống của đình Nam Bộ, nhưng hệ thống khung sườn tiền điện và trung điện lại theo kiểu nhà rường truyền thống Việt Nam. Vách và cửa tiền điện được thiết kế theo kiểu “thượng song hạ bản” truyền thống Nam Bộ. Trong khi đó, cổng tam quan lại mang phong cách hiện đại, vừa truyền thống vừa pha tạp kiến trúc Gothic, trong khi các giếng trời (thiên tỉnh) và bờ nóc được trang trí theo các motif ông Nhật – bà Nguyệt, mặt dựng đầu hồi đắp nổi motif Bát tiên quá hải theo phong cách Hoa.

Đó là chưa kể nhiều đồ án trang trí mang tính tổng hợp và đặc biệt là có sự đóng góp tài vật của đủ mọi thành phần, từ người Việt đến người Hoa, từ quan Ta cho đến quan Tây.

Đặc biệt, xung quanh lăng mộ ngài có nhiều cây thốt nốt cổ thụ vốn là biểu tượng của văn hóa Khmer miền Lục tỉnh.

2.2. Tính dân gian trong tín ngưỡng Tả quân

Lăng mộ Tả quân Lê Văn Duyệt xưa nay có rất nhiều tên gọi, mà chủ yếu là tên gọi dân gian như: lăng Ông, lăng Ông Bà Chiểu, lăng Ông Lớn, Thượng công miếu, v.v. Riêng Hoa kiều ở Chợ Lớn gọi ngài là Phò Mã gia gia 駙馬爺爺và gọi lăng miếu ngài là Phò Mã miếu 駙馬廟. Mỗi tên gọi này ứng với từng cộng đồng chủ thể nhìn về lăng mộ Tả quân.

Đặc biệt, do sinh thời Tả quân chủ trương cho tự do thương mại nên giới thương nhân, nhất là Hoa kiều xem ngài như phúc thần nghề nghiệp của họ. Hiện ở lăng Ông có rất nhiều hoành phi và vãn chương do Hoa kiều tiến cúng với các lời tri ân ngài như: THẦN ÂN TÍ HỰU – Phò mã gia gia huệ tồn, chúng đệ tử kính phụng; HỘ NGÃ QUẦN KIỀU – Quý mùi niên Lê tướng quân linh giám; TRI NGÃ TRỢ NGÃ – Gia Định tỉnh Lê công phò mã gia kỉ niệm, v.v.

Ngôi miếu đã trải qua nhiều đợt xây dựng, mỗi đợt có thể cho tòng tự thêm vị này vị khác, do dân sự từ nhiều nguồn, gồm cả quan Ta lẫn quan Tây [17] và thương gia Hoa kiều, có người một lòng hướng về cựu trào, cũng có người hồ hỡi chào đón tân trào như trường hợp bia đá của Khâm sai Bắc Kì Hoàng Cao Khải hiện tồn ở sân miếu.

Tuy nhiên, các vị được thờ chính thức trong miếu Tả quân, ngoài ngài ở chính giữa ra, nơi hữu ban còn có Nam Kì Kinh lược sứ Phan Thanh Giản. Riêng ở tả ban xưa nay được biết đến là thờ bài vị Hậu quân Tổng trấn Bắc thành Lê Chất, nhưng gần đây lại có ý kiến rằng tả ban thờ ngài Tả doanh Đô thống chế lãnh Bắc thành Phó tổng trấn Lê Văn Phong, tức em ruột Tả quân.

Sở dĩ có sự lấn cấn này là bởi cả hai vị (Lê Chất và Lê Văn Phong) đều họ Lê, mà bài vị chỉ ghi họ, không ghi tên húy; hơn nữa, cả hai người đều từng cùng lúc có chức vụ cao ở Bắc thành thời Gia Long: Ngài Lê Chất làm Tổng trấn, ngài Lê Văn Phong làm Phó tổng trấn. Đồng thời cả hai vị này đều có mối quan hệ thân thiết với Tả quân lúc sinh tiền: Một người là em ruột, một người từng là bạn chiến đấu, cùng vào sinh ra tử và đặc biệt nhất là cùng chịu chung “án oan dậy đất tối trời” sau khi tạ thế.

Theo chúng tôi, cả hai thuyết nói trên đều đúng. Bởi lẽ, như đã nói ở phần trên, lăng mộ Tả quân được trùng tu qua rất nhiều đợt, bởi nhiều thành phần dân sự. Đầu tiên phải kể đến cháu nội ngài là Lê Văn Thi với lần trùng tu đầu tiên năm 1849. Ông Thi đồng thời cũng là cháu nội ruột của ngài Lê Văn Phong, nên việc đưa bài vị ngài Lê Văn Phong vào thờ bên trái Tả quân là điều dễ hiểu. Hiện nay tại bàn tả ban trong chánh điện Tả quân vẫn còn bài vị của ngài Lê Văn Phong ghi rõ 左營都統制領北城副縂鎮姓黎神位Tả doanh Đô thống chế lãnh Bắc thành Phó tổng trấn tánh Lê thần vị[18] chính là bằng chứng. Đồng thời, trong tất cả bài văn tế tại lăng miếu Tả quân từ xưa tới nay, sau khi cung thỉnh Chưởng Tả quân Bình Tây đại tướng quân quận công tánh Lê thần vị (tức ngài Lê Văn Duyệt), đều có cung thỉnh Tả doanh Đô thống chế lãnh Bắc thành Phó tổng trấn tánh Lê thần vị (tức ngài Lê Văn Phong) thậm chí trước cả Tiền Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Lễ bộ Thượng thơ Phan công Lương Khê chi thần vị (tức ngài Phan Thanh Giản)[19].

Tuy nhiên, hiện nay tại bàn tả ban ở tiền điện và trung điện của miếu Tả quân lại có bài vị ghi bằng chữ quốc ngữ Đức Quận công Thiếu phó Lê Chất (1769 – 1826), Tổng trấn Bắc thành. Riêng tại tả ban ở trung điện còn có thêm bài vị bằng chữ Nho 郡公後軍都統制姓黎質領北城縂鎮之神位Quận công Hậu quân Đô thống chế tánh Lê Chất lãnh Bắc thành tổng trấn chi thần vị. Như vậy, thật khó có thể nói ở tả ban thờ ngài Lê Văn Phong chứ không phải Lê Chất hoặc ngược lại, mà phải công nhận cả hai ngài Lê Văn Phong và Lê Chất đều được thờ tại tả ban trong miếu Tả quân. Đó cũng chính là bằng chứng thú vị về tính tổng hợp cao độ trong hoạt động tín ngưỡng ở lăng miếu Tả quân xưa nay.


Hình 1: Bài vị Quận công Hậu quân Đô thống chế tánh Lê Chất lãnh Bắc thành tổng trấn chi thần vị tại bàn tả ban trung điện miếu Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Lê Công Lý.

Riêng về sắc phong, trong khi tại lăng miếu Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức có hàng chục sắc phong thì xưa nay lăng miếu Tả quân chưa từng được sắc phong nào[20].

Tuy nhiên, năm 1943 thôn Tân Bình Điền, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công (nay là xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) có thỉnh được sắc của vua Bảo Đại phong cho vị thần có tên 黎文易 Lê Văn Diệc[21] với nội dung như sau:“Sắc Gò Công tỉnh, Hòa Lạc Hạ tổng, Tân Bình Điền thôn, phụng sự Tả quân Lê Văn Diệc chi thần, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa Cảnh mạng, miễn niệm thần hưu, trứ phong vi Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần. Chuẩn kì phụng sự; thứ cơ, thần kì tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!

Bảo Đại thập thất niên, thập nguyệt, sơ thập nhật”.

(Sắc mạng chi bảo)

Nghĩa:

Sắc cho thôn Tân Bình Điền, tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công, thờ phụng Tả quân Lê Văn Diệc[22] tôn thần, linh ứng đã rõ. Nay ta tiếp nối, lãnh sứ mạng lớn, liên miên nghĩ đến ân huệ cho thần, nên phong làm Dực bảo Trung hưng Linh phò chi thần. Chuẩn cho thờ phụng, ngõ hầu thần phù hộ bảo vệ dân đen của ta. Phải kính đấy!

Ngày 10 tháng 10 năm Bảo Đại thứ 17 (9/9/1943).

(Ấn: “Sắc mạng chi bảo”).


Hình 2: Cổng đình Tân Điền, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, nơi lưu giữ sắc thần Lê Văn Diệc. Ảnh: Lê Công Lý.

Câu hỏi đặt ra là, vị thần Lê Văn Diệc黎文易được ghi tên trong sắc có phải là tả quân Lê Văn Duyệt hay là vị thần nào khác?

Xét câu đối tại chánh điện ngôi đình này (“Tả quân anh linh phò ấp nội;/ Nam cung tráng lệ lại thần ân”) và nội dung trong bài Văn tế Đàn cả của đình Tân Điền xưng “đình thần Lê Văn Duyệt” và “Cung thỉnh Tả quân Lê Văn Duyệt tôn thần”[23] cũng đủ cho thấy người dân trong thôn tin tưởng đây chính là vị thần Tả quân Lê Văn Duyệt, chẳng qua do trên tờ tâu xin thỉnh sắc viết chữ quốc ngữ sai chính tả (Diệc thay vì Duyệt), khiến các quan ở Lễ Bộ vốn không phải người Lục tỉnh không biết ý dân làng muốn thỉnh sắc tả quân Lê Văn Duyệt.

Cũng có thuyết cho rằng 易Diệc tức là Dịch, vậy Tả quân Lê Văn Diệc cũng tức là Tả quân Lê Văn Dịch[24], tức vị thần có khả năng tiêu trừ bệnh dịch trong lúc điều kiện thuốc men của người dân còn rất hạn chế.

Nói cách khác, từ địa vị đệ nhất trung hưng công thần nhà Nguyễn, Tả quân Lê Văn Duyệt đã được dân gian hóa cao độ, trở thành vị phúc thần phù hộ thôn xóm. Chính vì vậy mà thần chỉ được phong Hạ đẳng và nội dung sắc phong chỉ dùng mĩ tự “Linh phò chi thần”, tức vị thần có công bảo trợ cộng đồng dân cư nhưng lí lịch còn mơ hồ[25], trong khi từ năm Khải Định thứ 9 (1924), tức trước đó 19 năm, vua đã sắc phong cho Tả quân bậc thượng đẳng thần với mĩ tự Trác vĩ Dực bảo Trung hưng, thờ tại quê hương tằng tổ ngài ở xã Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

3.Tả quân trở thành Phúc thần đất Gia Định

Sống trong lòng dân, trở thành phúc thần đất Gia Định, thành khắc tinh của những kẻ gian tà (các vụ tranh chấp dân sự không ngả ngũ ngày trước thường được trình trước lăng miếu Tả quân để thề độc). Thậm chí, theo Sơn Nam, thời thực dân, quan tòa “cho phép và đến chứng kiến cho người tranh tụng vào miếu thề vặn cổ gà, nếu họ muốn. Tả quân phán xét thay cho viên chánh án”[26].

Trong hoàn cảnh bị ngoại bang đô hộ, ảnh hưởng của triều đình hầu như không còn trên đất Lục tỉnh, thì lăng Ông lại trở thành biểu tượng của cựu trào với tất cả tình cảm thắm thiết của dân Lục tỉnh hướng về nguồn cội cha ông. Đặc biệt là vào các dịp lễ tết, lòng người hay hồi tưởng về tổ tiên ông bà, thì lăng Ông lại trở thành điểm hành hương không thể thiếu: “Đêm giao thừa, sau khi cúng ông bà, đốt pháo, không đi hái lộc ở lăng Ông thì đi đâu bây giờ?[27].

Chính vì vậy mà trên tạp chí Tri Tân năm 1943, Nguyễn Triệu đã đăng một loạt 7 kì liên tiếp về “Tả quân Lê Văn Duyệt” với lời kết như sau: “Đền thờ ở Gia Định đồ sộ, sầm uất ở giữa châu thành. Đền thờ ấy đã trở nên trung tâm điểm cho các thiện nam tín nữ khắp Lục tỉnh và miền Chợ Lớn – Sài Gòn lui tới đèn nhang hương khói. Nhất là đêm giao thừa, năm nào cũng vậy, ở đây có lẽ còn náo nhiệt hơn là chùa Trấn Võ hay đền Ngọc Sơn ở Hà Thành”[28].

Như vậy, vượt lên thân phận của vị đệ nhất trung hưng công thần nhà Nguyễn, nhất là nạn nhân của vụ đại án oan nổi tiếng lịch sử, Tả quân Lê Văn Duyệt từ lâu đã trở thành vị thần thực sự sống trong lòng dân Lục tỉnh, bởi không ai khác, chính ngài là kết tinh của tinh thần nhân dân Lục tỉnh: quả cảm, hào hiệp và bao dung.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

  1. Bảo tàng Cách mạng TP.HCM (1998), Di tích Lịch sử văn hóa TP.HCM, Nxb Trẻ, TP.HCM.

  2. Bùi Thị Ngọc Trang (2004), Lăng Lê Văn Duyệt: nghệ thuật kiến trúc – trang trí – lễ hội, Nxb Tổng hợp TP.HCM.

  3. Huỳnh Công Thạnh (1958), Quan hôn tang tế (Tôi chép để tôi xem), bản Ronéo.

  4. Nguyễn Hữu Hiếu (2002), Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM.

  5. Nguyễn Triệu (1943), Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 – 1832), kì 7, tạp chí Tri Tân, số 107, 12/8/1943.

  6. Nhiều tác giả (2008), Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ, Nxb Văn hóa Sài Gòn.

  7. Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821-1909, bản dịch 2003& 2004), Đại Nam thực lục, tập 3&4, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.

  8. Quốc sử quán triều Nguyễn (1852, tái bản 1997), Đại Nam liệt truyện chính biên, Sơ tập, Nxb Thuận Hóa, Huế.

  9. Sơn Nam (2009), Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM.

  10. Trương Vĩnh Ký (1885, tái bản 1997), Kí ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb Trẻ, TP.HCM.

_________________

CHÚ THÍCH:

[*] Tiền Giang. ĐT: 0909.533484.

[1] Đương thời Gia Định thành còn kiêm quản cả vùng Bình Thuận.

[2] Các mộ bia hiện tồn tại Tiền Giang ghi nhận: tổ phụ ngài được truy tặng Quang Tấn Chiêu Nghị tướng quân, Cai cơ Lê hầu; thân phụ ngài được truy tặng Võ Huân tướng quân, Khâm sai Chưởng cơ tặng Thống chế Lê hầu; mẫu thân ngài được truy tặng Khâm sai Chưởng cơ Lê hầu chánh thất Nguyễn phu nhân.

[3] Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821-1909, bản dịch 2003), Đại Nam thực lục, tập 3, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.354.

[4]

  1. Sai người riêng của mình sang Diến Điện, kết ngoại giao ngầm;
  2. Xin đ­ưa thuyền Anh Cát Lợi đến thành Gia Định để tỏ mình có quyền;
  3. Xin giết Thị vệ Trần Văn Tình để khoá miệng ng­ười khác;
  4. Dâng sớ chống lại mệnh vua, cố xin cho viên quan đã bổ thụ đi nơi khác được lư­u lại và điều 1 viên quan đi làm việc khác khi đã có chiếu chỉ tuyên triệu;
  5. Kết bè đảng, xin cho Lê Chất đ­ược thêm tuổi thọ;
  6. Dấu riêng những giấy đóng sẵn ấn ngự bảo;
  7. Gọi mộ tiên nhân là lăng; đối với ng­ời tự xư­ng là .

[5] Cố xin dung nạp sứ giả Diến Điện để hòng bào chữa điều mình đã sai trái, là một. Nói với người ta về việc xin đư­ợc thơ tiên giáng bút có câu “Trần Kiều” và “Hoàng Bào”, là hai.

[6] Quốc sử Quán triều Nguyễn (1821-1909, bản dịch 2004), Đại Nam thực lục, tập 4, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.816.

[7] Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.817.

[8] Chính vì thành Phụng nhỏ và thấp nên năm 1859, thực dân Pháp dễ dàng triệt hạ để làm bàn đạp chiếm cả Nam Kì lục tỉnh.

[9] Cf. Nguyễn Hữu Hiếu (2002), Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM.

[10] Tả quân không có con ruột, nên nhận Lê Văn Yên/ Yến 黎文燕(con của em ruột ngài là Lê Văn Phong) làm con. Lê Văn Điển là con của Lê Văn Yến, coi như cháu nội Tả quân.

[11] Theo Sơn Nam trong Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian (1989), người cháu này tên Lê Văn Thi, là con của Lê Văn Phong và “ngày nay ở lăng Ông vẫn còn bài vị thờ Lê Văn Thi làm tiền hiền”. Trong Sơn Nam (2009), Đình miếu và lễ hội dân gian miền Nam, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr.151.

[12] Nay thuộc xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang.

[13] Quốc sử quán triều Nguyễn (1852, tái bản 1997), Đại Nam liệt truyện chính biên, Sơ tập, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.436 - 437.

[14] Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian, Sđd, tr152.

[15] Trong Kí ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận (1885) của Trương Vĩnh Ký không kể đến lăng Tả quân mà lại có nhắc đến mộ ông Tả dinh Lê Văn Phong, em ruột ngài (Nguyễn Đình Đầu dịch, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr.32). Điều này chứng tỏ đương thời lăng mộ Tả quân còn chưa được trùng tu đáng kể.

[16] Bảo tàng Cách mạng TP.HCM (1998), Di tích Lịch sử văn hóa TP.HCM, Nxb Trẻ, TP.HCM, tr.238.

[17] Trong văn bia của Kinh lược Bắc Kì Hoàng Cao Khải có ca ngợi quan Tây đã chiếu cố lăng Ông: “Phần mộ Công được rào sắt bồn phía chung quanh, kẻ đi đường phải tránh lối... Nước Đại Pháp tưởng nghĩ đến công lao của Công mà biểu lộ ý tôn kính như thế”. Bản dịch của Lý Việt Dũng trong Nhiều tác giả (2008), Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam Bộ, Nxb Văn hóa Sài Gòn, tr.158.

[18] Cả hai ngài đều họ Lê, nhưng ngài Lê Chất giữ chức Tổng trấn Bắc thành, còn ngài Lê Văn Phong giữ chức Phó tổng trấn Bắc thành.

[19] Cf. Huỳnh Công Thạnh (1958), Quan hôn tang tế (Tôi chép để tôi xem), bản Ronéo. Ông Huỳnh Công Thạnh chính là thành viên Ban Quý tế lăng Ông từ năm 1937. Đến các nhiệm kì Ban Quý tế 1971 – 1973 và 1973 – 1975, ông Huỳnh Công Thạnh là Hội trưởng.

[20] Gần đây Ban quản trị lăng miếu Tả quân có chụp các sắc phong muộn (thời Duy Tân, Khải Định) của ngài tại Huế và Quảng Ngãi về làm bản sao thờ tại trung điện. Riêng Thư mục Thần tích thần sắc (1996) có ghi nhận sắc Tả quân Lê Văn Duyệt ở thôn Bình Hòa, tỉnh Gia Định (1938) nhưng nay không biết tông tích.

[21] Tư liệu riêng của NNC.Trương Ngọc Tường. Nhân đây xin chân thành cám ơn NNC. Trương Ngọc Tường.

[22] Chữ易vốn âm là Dịch, nhưng ngữ âm Lục tỉnh xưa quen đọc là Diệc.

[23] “Duy. Tuế thứ Quý Tị niên, kiến Quý Tị sóc, Nhâm Thìn thời lương thần. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tiền Giang tỉnh, Gò Công Đông huyện, Tân Điền xã, Bắc Nhất ấp, đình thần Lê Văn Duyệt. Chánh chủ Nguyễn Văn Tơ, phó chủ Nguyễn Văn Cánh, Võ Văn Lư đồng bổn thôn bổn hội nam nữ đại tiểu đẳng phụng cúng. Cẩn dĩ cang lạp, hương đăng trà quả. Cảm chiêu tế vu: Cung thỉnh Tả quân Lê Văn Duyệt tôn thần, tả ban Bạch Mã tôn thần, Tiên thánh đế quân, Thần nông Hậu tắc thị…”.

[24] Thực ra, chữ Dịch nghĩa là bệnh dịch viết là 疫, nhưng do người dân không biết chữ Nho mà chỉ nói bằng miệng nên lẫn lộn.

[25] Chiếu theo khoản 3 trong 5 khoản quy định năm Thành Thái thứ 2 (1890): ‘Những thần hiệu chưa rõ ràng nhưng tỏ ra linh ứng thì phong Linh phò chi thần’.

[26] Sơn Nam, Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian, Sđd, tr.172.

[27] Sơn Nam, Lăng Ông Bà Chiểu và lễ hội văn hóa dân gian, Sđd, tr.121.

[28] Nguyễn Triệu (1943), Tả quân Lê Văn Duyệt (1763 – 1832), kì 7, tạp chí Tri Tân, số 107, 12/8/1943.