Văn Thánh Miếu – Di tích lịch sử văn hóa kiến trúc tiêu biểu của Vĩnh Long

  Mekong Delta Explorer

Đến Vĩnh Long, thành phố bên bờ sông Cổ Chiên thơ mộng, du khách sẽ được tham quan rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng. Một trong số đó là Văn Thánh Miếu là một công trình kiến trúc tiêu biểu còn sót lại từ thời Nguyễn sau khi quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Nơi đây được mệnh danh là “Quốc Tử Giám của phương Nam”, lưu giữ biết bao câu chuyện quý giá về tinh thần hiếu học của cha ông ta thời xưa.

Văn Thánh miếu Vĩnh Long đặt tại làng Long Hồ, tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long, phía Đông Nam thành Vĩnh Long nay thuộc phường 4, thành phố Vĩnh Long. Đi du lịch Vĩnh Long muốn ghé thăm Văn Thánh Miếu, từ trung tâm thành phố Vĩnh Long, bạn theo đường Trần Phú chạy ven dòng sông Long Hồ, chỉ một đoạn ngắn khoảng 2km là đến nơi.


Một góc Văn Thánh Miếu.

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long là một trong ba Văn Thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam Bộ. Hai Văn Thánh Miếu khác nằm ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và đất Gia Định xưa. Công trình được khởi công năm 1864 và hoàn thành năm 1866 do Đốc học Nguyễn Thông khởi xướng, thờ Khổng Tử và các học trò của Ngài. Tuy trên danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất đây là một tụ điểm hoạt động văn hóa đề cao các bậc tiền hiền và giáo dục lòng yêu nước.

Khi Văn Thánh Miếu được xây dựng hoàn tất. Hội Văn Thánh miếu ra đời đảm trách quản lý, thờ phượng. Triều đình Huế hướng dẫn điển lễ tế tự và cấp 20 miếu phu trông nom Văn Thánh Miếu. Nơi đây trở thành trung tâm văn hoá của khu vực miền Tây Nam kỳ. Các sĩ phu, tao nhân mặc khách qui tụ về đây đàm đạo thơ phú, luận bàn thế sự.

Năm 1867, khi chiếm xong Vĩnh Long thực dân Pháp phá hoại các công trình văn hoá của nhà Nguyễn để lại và có ý định huỷ hoại Văn Thánh Miếu. Thực hiện di huấn của cụ Phan Thanh Giản, ông bá hộ Trương Ngọc Lang (tức bá hộ Nọn) tìm nhiều biện pháp để bảo vệ Văn Thánh Miếu – di sản văn hoá của vùng đất Vĩnh Long.

Sau khi chiếm Vĩnh Long, bọn thực dân Pháp lấy cớ thiếu gỗ xây dựng Dinh tham biện (tỉnh trưởng) định phá Văn Thánh miếu. Lúc đó ông Bá hộ Trương Ngọc Lang (người Minh Hương) được đồng bào đề cử đứng ra tranh thủ với quân viễn chinh giữ lại công trình văn hóa này. Rồi từ đó đến nay, Văn Thánh miếu Vĩnh Long được tu bổ vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963, 1994, 2006 và năm 2007.

Trải qua bao thời gian biến cố lịch sử, công trình đã trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên bản, và đã được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia năm 1991.

Cổng tam quan uy nghi hướng ra dòng sông tĩnh lặng, được xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái, tuy đơn giản nhưng mỹ thuật, trên hai trụ có chạm đôi liễn thanh tao.


Cổng Tam Quan.

Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Hai bên là hai hàng sao cao vút có cùng niên đại với ngôi Thánh Miếu. Hai hàng cây cao thẳng tắp tạo cho khuôn viên vườn cảnh và khu di tích một bề sâu và không khí uy nghi trầm mặc lạ lùng. Trên con đường đó, giữa hoa lá đan xen, khách có thể chiêm ngưỡng ba tấm bia đá đã phôi pha với thời gian.


Hai hàng cây cổ thụ cao vút.

Trước cổng là tấm bia ghi văn tài của cụ Phan Thanh Giản, mặt trước nêu lý do dựng miếu, xưng tụng công đức Thánh Nhân và triều đình, mặt sau dương danh những người có công. Tổng cộng trong văn miếu có ba tấm bia mang giá trị ghi dấu các thời kỳ lịch sử gắn với Văn Miếu. Ngoài bia Phan Thanh Giản còn có bia ghi việc trùng tu miếu năm 1903, bia ghi công bà Trương Thị Loan (con gái ông Trương Ngọc Lang) đã có công hiến đất làm hoa lợi hương hỏa.


Tấm bia đá giá trị.

Khổng Thánh Miếu trước kia đơn sơ, cột cây mái ngói trên nền đất, năm 1903 mới được thay bằng cột gỗ căm xe, lót gạch tàu, lợp ngói đại và ngói ống. Miếu thờ Đức Khổng Tử có nhiều cặp liễn đối và hoành phi mang giá trị lịch sử văn hoá và cho thấy lòng hiếu học của dân chúng Nam kỳ.


Điện Đại Thành.

Chính điện làm theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Tượng đức Khổng Tử được đặt thờ ở giữa, hai bên là bốn vị cao đồ. Ngoài ra, bàn thờ bên tả hữu còn thờ cúng 12 vị học sĩ cao đồ khác. Bên ngoài hai ngôi miếu nhỏ (Tả vu, Hữu vu) được xây dựng làm nơi tưởng nhớ đến 72 vị học trò danh tiếng của Khổng Tử.


Ngôi miếu nơi thờ Thất thập nhị hiền.

Trong khuôn viên Văn Thánh Miếu còn có ao sen và một công trình kiến trúc nhỏ nằm bên phải lối vào là Tụy Văn Lâu (còn gọi là Văn Xương Các).


Tụy Văn Lâu.

Văn Xương Các nằm ngay bên phải lối vào khu di tích, hai bên có hai khẩu thần công. Những khẩu súng cổ này từ năm 1921 đã được đặt tại cầu tàu (trước viện Bảo tàng Vĩnh Long hiện nay). Năm 1937 mới mang tới Văn Thánh Miếu và năm 1960 được đặt uy nghi trên bệ xây.


Khẩu thần công.

Văn Xương Các xây theo kiểu trùng thềm điệp ốc. Trên gác là nơi cất sách và thờ Văn Xương Đế Quân, một vị tinh quân chủ quản việc thi cử học hành. Tầng dưới, gian giữa là nơi văn nhân thi ngồi đàm đạo, phía sau là khám thờ chạm trổ tinh vi, trong đặt hai bài vị, có câu đối ca tụng hai sĩ tử đứng đầu đất Gia Định là Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản.


Văn Xương Các xây theo kiểu trùng thềm điệp ốc.

Hàng năm tại điện Đại Thành có các lễ cúng Xuân Đinh và Thu Đinh, tại Tụy Văn Lâu có lễ vía cụ Phan Thanh Giãn vào các ngày 4 và 5 tháng Bảy âm lịch, lễ cúng vọng các trung thần liệt tử vào các ngày 12 và 13 tháng Mười âm lịch. Vào dịp diễn ra lễ hội, Văn Thánh Miếu đón đông đảo du khách thập phương về tham dự.


Vào dịp diễn ra lễ hội, rất đông du khách thập phương về tham dự.

Ghé thăm ngôi miếu mái ngói rêu phong cổ kính, ai cũng cảm nhận bầu không khí trầm mặc phủ kín không gian và có dịp tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân.