“Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” – bài hát đậm chất dân ca Nam Bộ

Thanh Sơn được mệnh danh là “nhạc sĩ của dòng nhạc dân ca quê hương Nam Bộ” và bài hát “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” chính là một minh chứng rõ ràng nhất cho tài năng của vị nhạc sĩ miền Tây này.

Nhạc sĩ Thanh Sơn (1940 – 2012) tên thật là Lê Văn Thiện, sinh năm 1940 tại tỉnh Sóc Trăng. Ông có nhiều sáng tác được đông đảo khán thính giả đón nhận: Nhật ký đời tôi, Trả lại thời gian, Mùa hoa anh đào, Đoản xuân ca, Hồn quê, Hoa tím người xưa… Những ca khúc về một số địa danh trên khắp ba miền đất nước: Non nước hữu tình (miền Bắc), Trở lại thành phố sương mù (Tây Nguyên), Thương về cố đô, Đôi lời gửi Huế (miền Trung), Quê hương 3 miền,…

Lắng nghe những sáng tác của ông, chúng ta sẽ cảm nhận được sự giản dị, chân chất, đồng thời là tình cảm thiết tha đối với quê hương, con người Nam Bộ và rộng hơn là tình yêu đất nước cao đẹp của người nhạc sĩ đáng kính này. Về đề tài quê hương và con người Nam Bộ, ông có nhiều tác phẩm thân quen với mọi người dân như Sóc Sờ Bai Sóc Trăng, Hành trình trên đất phù sa, Áo mới Cà Mau, Yêu cô gái Bạc Liêu, Hương lúa Hậu Giang, Chiều mưa Kiên Giang, Tình em Tháp Mười, Điệu Lâm Thôn Trà Vinh, Áo trắng Gò Công, Cần Thơ… Có thể khẳng định những sáng tác của ông đều in dấu ấn sâu đậm đối với con người 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Sinh ra tại quê hương Sóc Trăng, nhạc sĩ Thanh Sơn với lòng yêu quý tất cả những gì thuộc về nguồn cội. Bằng ca từ giản dị nhưng cũng không kém phần điêu luyện, ông đã viết nên một khúc hát dân ca đậm đà về nơi chôn nhau cắt rốn của mình, đó chính là bài Sóc Sờ Bai Sóc Trăng.


Một góc thành phố Sóc Trăng về đêm. Nguồn: wikipedia.


Mở đầu khúc hát là những ca từ với nhịp điệu hào hứng như muốn giới thiệu với cô bác gần xa về miền quê mà tác giả sinh ra, “người dân quê tôi Sóc Trăng”. Và ở mỗi người dân Sóc Trăng cũng có những đức tính khá giống với người miền Tây nói chung, đó là sự chịu thương, chịu khó, cần cù, “dầm mưa dãi nắng”. Con người nơi đây bám đất, bám ruộng, trồng trọt và chăn nuôi để tạo nên những hạt ngọc trời, những bát cơm thơm ngon, trắng ngần. Đồng thời, người Sóc Trăng thật thà, dễ mến, hiếu khách, sống hòa đồng và hăng say lao động để tạo nên những giá trị vật chất, tinh thần cho đời.

“Người dân quê tôi Sóc Trăng
Đã bao đời dầm mưa dãi nắng
Đổi lấy chén cơm thơm ngọt
Như sữa mẹ mát ngọt đời con”

Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Theo bài viết “Nét độc đáo của ngôi chùa Khmer cổ ở Sóc Trăng” của tác giả Trịnh Công Lý thì tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh’leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là “xứ”, “cõi”, Kh’leang là “kho”, “vựa”, “chỗ chứa bạc”. Srok Kh’leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là “Sốc-Kha-Lang” rồi sau đó thành Sóc Trăng.(*)

Lắng nghe bài hát này để thấy được sự am hiểu của tác giả về quê hương nơi ông sinh ra. Sóc Trăng với một nền văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt mà có thể gọi là “văn hoá xứ giồng”. Vùng đất là nơi sông Hậu đổ vào biển Đông tại hai cửa Định An và Trần Đề. Sóc Trăng được bồi đắp từ phù sa màu mỡ của sông Hậu cộng với nguồn nước và mối lợi từ sông Nguyệt (sông Maspero), làm cho mảnh đất này trù phú, cây trái thơm ngọt mang đặc trưng của miền cửa Nam sông Hậu mà nhạc sĩ Thanh Sơn gọi là “cửa ngọt phù sa”. Đặc biệt sông Nguyệt, con sông tọa lạc tại thành phố Sóc Trăng chảy theo ba hướng, là nơi diễn ra nhiều lễ hội đặc sắc, từ lâu đã trở thành biểu tượng của người dân nơi đây.

“Sông quê tôi đổ về ba ngã
Cây trái ngọt cửa dòng phù sa”

Tác giả như muốn đưa người nghe đến với những địa danh nổi tiếng của Sóc Trăng. Đầu tiên là Trường Khánh, là nơi có “người bạn Hoa” của nhạc sĩ Thanh Sơn. Về thực tế thì đây là một xã thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, địa bàn cư trú của khá nhiều người Hoa. Người nhạc sĩ cũng nói lên đôi nét về văn hóa của vùng này bằng câu “tùa chế tùa hia, úa tá lư thìa” – một câu nói xuất phát từ ngôn ngữ của người Hoa. Theo cách gọi của người Hoa thì “chế” là chị còn “hia” là anh, toàn câu nói như muốn mời gọi du khách thập phương đến với vùng đất Sóc Trăng, nơi có món bánh pía nổi tiếng gần xa (sản phẩm mang đậm dấu ấn của đồng bào người Hoa Nam Bộ).

“Đường qua Trường Khánh có người bạn Hoa
Tùa chế tùa hia, úa tá lư thìa”

Tiếp theo, tác giả dìu dắt chúng ta về Đại Tâm, nơi có “người bạn Khmer” của ông. Địa danh Đại Tâm là một xã thuộc huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Xã này nổi tiếng với hai món bánh cống và bánh bò nướng ngói thơm lừng. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với các món ăn mà còn được biết đến bởi chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu) – ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và khác lạ so với các chùa Phật giáo tại Nam Bộ.

Đến với những ca từ tiếp theo của khúc hát, quý thính giả sẽ được hiểu thêm đôi nét văn hóa Nam Bộ. Đại Tâm là vùng đất có nhiều đồng bào Khmer sinh cơ lập nghiệp từ lâu đời, người Khmer có văn hóa vô cùng độc đáo, điều đó được thể hiện qua nghệ thuật dù kê. Đây là một trong ba loại hình nghệ thuật kịch hát nổi tiếng của người Khmer được tác giả nhắc đến gồm rô băm, dù kêdì kê. Bên cạnh đó là điệu múa vô cùng hấp dẫn – múa lâm thôn thường xuất hiện trong những ngày sinh hoạt văn nghệ của người Khmer.

Nghe đi nghe lại bài hát này, tôi cứ thắc mắc hoài về câu “sóc sờ bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi”.Và vì thế tôi tra cứu mạng: sóc sờ bai theo tiếng Khmer có nghĩa là tỉnh, vậy sóc sờ bai Sóc Trăng tương đương là tỉnh Sóc Trăng. Còn sóc sờ bai bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi: Sóc Trăng đây rồi, còn đi đâu nữa anh (em), đi đâu nữa anh (em) ơi... Tuy nhiên, kết quả này làm cho tôi chưa vừa ý so với những gì tôi được học về văn hóa người Khmer. Và rồi tôi hỏi vài người bạn Khmer để họ giải đáp giúp tôi: Sóc Sờ Bai được hiểu theo hai nghĩa (Thứ nhất Sóc là phum, sóc - đơn vị tổ chức sinh sống của người Khmer, còn Sờ Bai là tên một phum, sóc ở Sóc Trăng; Thứ hai, sờ bai có nghĩa là vui vẻ, nên cả câu là sóc vui vẻ của người Sóc Trăng), tâu na bòn (ở đâu vậy), tâu na bòn ơi (đi đâu vậy anh). Qua tìm hiểu, tôi tạm kết luận: Sóc Sờ Bai là một sóc (giống với xóm làng) của người Khmer tại Sóc Trăng và “Sóc Sờ Bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi” là lời mời gọi mọi người đến với nơi đây.

“Về Đại Tâm thăm người bạn Khmer
Nghe hát dù kê và điệu múa lâm thôn
Sóc sờ bai, bòn,
Tâu na bòn,
Tâu na bòn ơi”

Nhạc sĩ Thanh Sơn tuy sinh ra tại Sóc Trăng nhưng do bối cảnh lịch sử đất nước và niềm đam mê sáng tác âm nhạc nên ông phải xa quê nhà và phải đi khắp mọi miền đất nước. Trái tim của người nhạc sĩ luôn hướng về quê hương, hướng về quê cha đất tổ. Ca từ và giai điệu lắng đọng cuối bài hát làm chúng ta ngẹn ngào về tình cảm của những con người xa quê. Câu nói của nhạc sĩ Thanh Sơn như một “chân lý cuộc sống” đối với mỗi người chúng ta “dù đi bốn biển năm châu, xa quê rồi mới hiểu lòng đau”.

“Về đây quê hương Sóc Trăng
Lũy tre làng hàng dừa rợp bóng
Dù đi bốn biển năm châu
Xa quê rồi mới hiểu lòng đau”

Đây là một sáng tác mang đậm nét văn hóa vùng miền, cụ thể là viết về Sóc Trăng, một tỉnh của mảnh đất Nam Bộ. Ngay ở cái tên Sóc Sờ Bai Sóc Trăng, chúng ta cũng đã thấy được điều đó. Bài hát là sự gắn kết tình cảm giữa các dân tộc anh em Kinh, Hoa, Khmer trên mảnh đất Nam Bộ hiền hòa, giàu tình người, giàu những điệu lý dân ca. Giai điệu trữ tình hào hứng nhưng không kém phần xúc động, ca từ chắt lọc, cộng với giọng hát ngọt ngào của nữ ca sĩ Giáng Tiên, hy vọng sẽ giúp cho quý khán thính giả gần xa có được những giây phút thư giản thật ý nghĩa.

Trong những ngày lễ lớn cùa bà con Sóc Trăng nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung, đặc biệt là dịp Tết Chol Chnam Thmay (Tết cổ truyền hay Lễ đón chào năm mới của người Khmer Nam Bộ) mọi người được sum họp, quây quần bên nhau. Và mỗi lần ngang qua các phum sóc, tôi lại được nghe đi nghe lại bài hát này. Việc có thêm bài hát Sóc Sờ Bai Sóc Trăng làm nhạc nền cho các buổi sinh hoạt thì tin chắc không khí vui chơi của bà con sẽ càng vui tươi, hào hứng hơn bội phần.

__________________

(*) Tham khảo tại dulichsoctrang.org

Nghe bài hát Sóc Sờ Bai Sóc Trăng tại đây