Ký ức Sài Gòn – Chợ Lớn xưa

Đô thị Sài Gòn với hơn 300 năm phát triển đã và đang chứa đựng một quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và quý giá, đặc biệt trong không gian của một đô thị sông nước – văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã làm thay đổi bộ mặt quy hoạch và kiến trúc đô thị Sài Gòn.

Hiện tượng xâm hại di sản đô thị có thể thấy qua việc một số công trình di sản bị tháo dỡ cho dự án mới (chẳng hạn, dãy nhà xưởng có tuổi thọ trăm năm dọc kênh Tàu Hủ, rạch Bến Nghé đã hy sinh cho sự hình thành đại lộ Đông Tây). Do đó, tính chất bối cảnh của di sản đô thị phần nào bị rạn vỡ từ chính mức độ tương phản giữa kiến trúc cũ – mới và lai tạp. Cho đến năm 2012, thành phố đã xếp hạng 139 di tích (trong đó có 30 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, 47 kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố và 57 công trình đã được nghiên cứu lập hồ sơ xếp hạng). Nhìn chung, hướng bảo tồn đô thị có giá trị di sản của thành phố chủ yếu vẫn dựa trên khung pháp lý cứng như: Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch Đô thị, Luật Di sản và các văn bản liên quan; song quá trình áp dụng thực tế còn nhiều bất cập và chậm trễ, dẫn đến sự “biến mất” nhiều giá trị vốn có và làm thay đổi cảnh quan kiến trúc trong một thời gian ngắn (trường hợp: ụ tàu Ba Son, trường Lê Quý Đôn, cụm Nhà khách Chính phủ số 1 Lý Thái Tổ,…).

Vì thế, nghiên cứu và tìm kiếm lại hình ảnh Sài Gòn – Chợ Lớn xưa qua “ký ức” cộng đồng và cá nhân sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về (giá trị) di sản văn hóa vùng đất đặc trưng Nam Bộ; đồng thời, cung cấp thêm cơ sở cho thành phố trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc đô thị giai đoạn sắp tới.

Hình ảnh Sài Gòn – Chợ Lớn qua ký ức cộng đồng


Thành phố Sài Gòn năm 1920 (PADDI, 2015).

Trên tinh thần của Maurice Halbwachs (1992), “ký ức tập thể” (collective memory) được xác định là một ký ức hay nhiều ký ức được tập hợp lại bởi một nhóm (cộng đồng) về những đặc điểm nổi bật thuộc về văn hóa (cultural significance) gắn kết với “nơi chốn” qua không gian và thời gian. Những gì trong ký ức (bộ nhớ) được cha ông tích tụ tự nhiên và chuyển giao cho các thế hệ tiếp nối. Thực tiễn đối với những người gắn bó đủ lâu với Sài Gòn, họ mong muốn hình ảnh Sài Gòn vốn có được trở lại (1) từ trong suy nghĩ, (2) để hồi tưởng quá khứ về cuộc sống từng trải ở những nơi chốn cụ thể – như một hiện tượng “hoài cổ” trong xã hội. Thời gian qua, nguồn di sản văn hóa thành phố đang bị phân tán và thiếu sự gắn kết để có thể phục dựng lại phần nào hồn vía Sài Gòn – Chợ Lớn một thời, bởi nhiều bàn luận khó dứt giữa “bảo tồn và phát triển”.

Theo dòng lịch sử, Sài Gòn – Chợ Lớn hình thành trên vùng đất hoang sơ được chuyển đổi và cải tạo bởi người Khơ-me, để rồi trở thành vùng đất trù phú trên các khu vực đất cao. Sau đó, người Việt đến mở rộng phạm vi và khai khẩn xuống phía Nam vào cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17. Từ khi hai trạm thuế quan được lập tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobey (Bến Nghé), nơi đây đã cư tụ thêm nhiều thành phần (nông dân, người giàu- nghèo, tù nhân, quan quân…) người Việt từ miền Trung đến để: (1) sinh sống – làm ăn – buôn bán; (2) tránh những hà khắc phong kiến; (3) những cuộc tranh giành nội bộ. Nhiều người di cư đến đây đều có điểm chung: “Thích” đương đầu với thử thách để kiến tạo cuộc sống mới cũng như, làm giàu trên khu vực được khai khẩn. Khi kết tạo thành nhóm, họ làm việc và giúp đỡ nhau với tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” trong mọi hoạt động. Cho nên, họ (được xem như người Sài Gòn gốc) là những con người cởi mở và đoàn kết vượt qua khó khăn.

Sau khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đặt chân tới vùng đất này (năm 1698) và lập ra phủ Gia Định, những giao thoa và tiếp biến văn hóa dưới triều Nguyễn tạo nên một Sài Gòn – Chợ Lớn đặc trưng bản địa. Thêm nữa, cộng đồng duy trì nguyên tắc “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, “làm chơi ăn thật” và “cứ làm” để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhìn chung, những người bản địa luôn năng động, sáng tạo và cởi mở, thực tế và có cách ăn nói khá tự do.

Với Sài Gòn, một số công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu như: Dinh Norodom xưa (nay là dinh Thống Nhất), Dinh Xã Tây – Hotel de Ville (nay là trụ sở UBND), Tòa án Nhân dân thành phố; Dinh Thống đốc Nam Kỳ (nay bảo tàng); Bưu điện trung tâm, Chùa Giác Lâm, Chùa Ông và chợ Lớn… là nơi lưu giữ đầy ắp kỷ niệm trong ký ức với nhiều câu chuyện thú vị. Hơn nữa, nhiều công trình tín ngưỡng (nhà thờ Đức Bà), văn hóa (nhà hát thành phố – Nouveau Theatre), giáo dục (trường Lê Quý Đôn, Chasseloup Laubac; trường Nguyễn Thị Minh Khai) và bệnh viện (Nhi đồng 2, từng là bệnh viện quân đội Pháp) đang nắm giữ một phần hơi thở – “hồn cốt của Sài Gòn”. Thú vị hơn, nhiều chi tiết của Sài Gòn – Chợ Lớn còn lưu lại ở những góc không gian cụ thể. Một vài nơi như thế vẫn thường được nhắc đến một cách nuối tiếc:

  • Trung tâm thương mại Eden, góc Đồng Khởi và Lê Lợi – nơi có rạp chiếu phim hiện đại, cửa hàng cà phê Tây và cung cấp thông tin nóng thời cuộc trong thời kỳ Việt Nam cộng hòa. Nay đã mất một cách đáng tiếc;
  • Trung tâm thương mại Tax, xây dựng năm 1880 tại ngã tư Nguyễn Huệ và Lê Lợi – từng là nơi bán hàng hóa tiêu dùng có tiếng Sài Thành và tồn tại 134 năm;
  • Tòa nhà Crystal palace – nơi chốn dành cho các thế hệ nghệ sỹ, tại góc đường Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Trương Công Định và Lê Thánh Tôn, đã không còn tồn tại nữa;
  • Hàng cây cổ thụ di sản trước Nhà hát thành phố và dọc đường Tôn Đức Thắng…

Tiếp đến, các chợ truyền thống là những hình ảnh thân thuộc với cộng đồng. Ngôi chợ mang dấu ấn quan trọng nhất đó là chợ Bến Thành được xây dựng năm 1914 bởi chính quyền thuộc địa, chợ Lớn xưa (nay là chợ Bình Tây, tên gọi khác: chợ Lớn mới). Ngoài ra, hình ảnh thành phố được “ký ức hóa” qua hệ cây xanh – mặt nước xưa như: kênh Cây Cầm, Chợ Vải, rạch Thị Nghè, Cầu Sấu, bến Nghé (Chinois), Xóm Dầu ở Sài Gòn. Còn ở Chợ Lớn, đó là rạch Chợ Lớn, Lò Gốm và Ông Bưởng; kênh Tàu Hũ, Hàng Bàng…

Ký ức về hình thái và cấu trúc đô thị xưa

Đô thị Sài Gòn xưa có lẽ đã được định hình rõ từ khi thành Bát Quái xây dựng bởi triều Nguyễn. Theo ghi chép, thành tồn tại trong khoảng thời gian 1790 – 1835 trên nền đất khu làng Tân Khai trước kia và được cấu tạo bởi: 8 cửa (cổng) và các con đường Tây Bắc – Đông Nam, ba lớp tường thành bảo vệ bằng đá bên trong (chiều cao: 6,344m); hào nước rộng ở giữa (rộng: 75,525m, sâu: 6,821m) và thành đất dốc thoải ra bên ngoài (chu vi: 3.280m, độ sâu 118m).

Ngày nay, ranh giới thành Bát Quái xưa được xác định theo các đường Đinh Tiên Hoàng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Thánh Tôn và Nguyễn Đình Chiểu (Quận 1). Trên bản đồ Gia Định 1815 của Trần Văn Học, khu vực Thành định hình bởi những con đường tạo hình vuông. Trên cơ sở mạng lưới đường hướng tâm như: Đường thiên lý xưa nhất (xây dựng năm 1815) đi miền Trung (tỉnh Thừa Thiên Huế) – nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai; đi miền Tây (Campuchia) – nay là đường Cách Mạng Tháng Tám; lên phía Bắc (tỉnh Đồng Nai) – nay là đường Hai Bà Trưng và xuống phía Nam – nay là đường Nguyễn Trãi.

Hơn nữa, hệ thống mặt nước sông ngòi, kênh rạch tự nhiên như sông Sài Gòn (Tân Bình, Bến Nghé xưa), rạch Bến Nghé (Chinois), Thị Nghè, Cầu Sấu và kênh Chợ Vải và Cây Cầm đã tạo nên Sài Gòn – Chợ Lớn, một thành phố “ngã ba sông” (hay) thành phố “sông nước” đầy quyến rũ và hấp dẫn. Cấu trúc này duy trì đến khi thành Phụng được xây dựng vào năm 1836, để rồi trở thành niềm cảm hứng cho các nhà quy hoạch công binh người Pháp (Le Brun 1795, De Larclause 1859 và Koffyn 1862) thay đổi thành phố “Quân Thành phong kiến” thành một Paris Châu Á sau đó.

Thời kỳ thuộc địa (1858-1954), Việt Nam bị chia thành 3 vùng (phía Bắc: Tonkin, miền Trung: An Nam, phía Nam: Cochin – China) trên cơ sở khác biệt về khí hậu và địa hình. Cuối thế kỷ 19, đất nước sử dụng hai bộ luật: (1) người Pháp đối với Tonkin và Cochin-China; (2) triều Nguyễn đối với An Nam. Người Pháp đã áp dụng chính sách riêng biệt đối với miền Nam bởi họ coi thành phố song sinh Sài Gòn – Chợ Lớn như một lãnh thổ Pháp quốc mà chính họ khai phá. Chính sách này, một mặt, trợ giúp nhà cầm quyền Pháp khai thác triệt để vùng đất, nguồn lực (tài nguyên thiên nhiên và nhân lực), kinh doanh – buôn bán và giá trị truyền thống văn hóa khu vực. Mặt khác, việc “khai thác thuộc địa” đã tác động sâu sắc đến văn hóa – xã hội bản địa; và thiết kế đô thị tại các đô thị cũng như công trình kiến trúc về sau. Đây chính là sự áp đặt nền kiến trúc và quy hoạch phương Tây, giao thoa với kiến trúc bản địa dưới thời kỳ Pháp thuộc.

Từ năm 1870, một trong những công việc quan trọng để cụ thể hóa chủ trương khai thác thuộc địa của người Pháp sau khi chiếm Sài Gòn là hoạch định lại Sài Gòn – Chợ Lớn nhằm phục vụ đế chế mới của Pháp trên nguyên tắc “chủ nghĩa tự do” – Chính quyền thuộc địa muốn Sài Gòn trở thành một Paris cho Pháp định cư lâu dài và khai thác kinh tế khu vực Nam Kỳ. Vì thế, hình ảnh Paris (giai đoạn 1853- 1882) tại Pháp dưới thời Napoleon đệ tam, đã truyền cảm hứng cho các nhà cầm quyền thuộc địa và nhà quy hoạch trong việc lập nên một đô thị Tây phương ở Nam Kỳ như kỳ vọng.

Tư duy về “thành phố tư sản” được chuyển tải vào cấu trúc đô thị tại khu đất cao (high-ground) phía Đông TP Sài Gòn (nay là quận 1) và một phần phía Bắc của TP Chợ Lớn (nay là quận 5 và 10, phía Bắc đường Hồng Bàng) qua thiết kế của Le Brun (1795) và De Larclause (1859). Với lối quy hoạch thực dụng, TP song sinh được kết nối chặt trẽ, dường như thành 1 thể thống nhất, thông qua mạng giao thông Đông – Tây (đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Minh Khai – Hùng Vương – Hồng Bàng, đường 3-2 ngày nay). Bản quy hoạch tổng thể cuối cùng đã lồng ghép đầy đủ các đặc điểm địa hình tự nhiên, mạng giao thông và trục không gian gốc của thành Bát Quái và thành Phụng để hình thành trung tâm chính trị (nay là đường Lê Duẩn) – hành chính (đường Nguyễn Huệ) – thương mại (đường Đồng Khởi) mới, đã được thực hiện. Trung tâm này liên kết chặt chẽ với thành Phụng qua đại lộ cảnh quan Norodom với dinh Toàn quyền phía Tây, doanh trại quân đội phía Đông đã tăng cường sức mạnh và sự hiện diện chính quyền quân sự Pháp tại Đông Dương từ những ngày đầu.

TP Sài Gòn ngày đó được chia thành năm khu chức năng (hình 2): (1) chính trị và hành chính; (2) dịch vụ công cộng ở Trung tâm; (3) thương mại ở phía Nam; (4) biệt thự và dân cư ở phía Bắc; (5) doanh trại quân sự phía Đông. Mỗi khu vực đều được thiết kế đầy đủ các thành phần đô thị với các đại lộ, công trình khối lớn và địa danh được đặt theo tên những sự kiện lịch sử và con người cụ thể. Ví dụ: dinh và đại lộ Norodom đánh dấu mối quan hệ bang giao giữa Pháp và Campuchia; các con phố đặt tên chỉ huy người Pháp như Catinat (đường Đồng Khởi), Paul Balnchy (đường Hai Bà Trưng), Charner (đường Nguyễn Huệ) và đại lộ De La Somme (tên trận chiến trong thế chiến II- nay là đường Lê Lợi) và nhiều nơi khác nữa.

Bằng hình thức thể hiện sáng tạo, về mặt thị giác, đối với các nơi chốn và tuân thủ theo trật tự sắp đặt như tại các đô thị cổ điển Pháp, Sài Gòn mang tính biểu tượng Tây phương tráng lệ hơn TP Chợ Lớn (đa phần người Hoa) tại thời điểm đó: Các đại lộ và con đường lớn, các góc phố tạo bởi các công trình khối lớn làm điểm nhấn tại khu chức năng (dinh Norodom, nhà thờ Đức Bà, dinh Gia Long và chợ Bến Thành chẳng hạn). Tất cả các đại lộ và con đường lớn đều có dải cây xanh và khoảng đệm (lùi) đủ lớn, tạo nên nét đặc trưng của thành phố cho đến ngày nay.

Thay cho lời kết

Ký ức (collective memory) về các nơi chốn của Sài Gòn – Chợ Lớn xưa là nguồn di sản phi vật thể trường tồn trong cộng đồng và được nhận biết qua các hoạt động văn hóa “hoài cổ” gần đây. Hiện tượng này ngày càng gia tăng mà thiếu sự kết nối, hàng loạt di sản vật thể (thương xá Tax, hàng cây và các công trình di sản khác) đã và đang dần bị thay thế bởi các dự án phát triển mới trong quận 1, trung tâm thành phố. Trước nguy cơ đánh mất đi hình ảnh đô thị song sinh, các nhà quản lý đô thị, hơn ai hết, cần nhận thức rõ “sự mất mát quá khứ” để sớm xây dựng và đưa thêm các khung bảo tồn công trình di sản còn lại. Bảo vệ và bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn sẽ giúp tạo nên nét đặc trưng riêng biệt, đồng thời, giúp cho TP HCM phát triển ngày càng bền vững hơn.

________________

Tài liệu tham khảo:

  • Ngô Minh Hùng và William Logan (2015-2017)., Nghiên cứu về Bảo tồn Di sản thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh dịch chuyển, tại đại học Deakin, Úc.

  • Nguyễn Vĩnh Nguyên (2015)., Sài Gòn tứ hải gia huynh đệ. Người lao động online. Internet: nld.com.vn.

  • Sơn Nam (2014)., Đất Gia Định- Bến Nghé và Người Sài Gòn. NXB Trẻ.

  • Sơn Nam (2014)., Sài Gòn xua- Ấn tượng 300 năm và Tiếp cận với đồng bằng song Cửu Long. NXB Trẻ.

  • Ngô Minh Hùng (2014)., Bảo tồn môi trường di sản. Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Tp HCM.

  • The Australia ICOMOS (2013)., The Burra Charter 2013- Places of Cultural Significance. ICOMOS online. Internet: Australia.icomoc.org

  • Sài Gòn Xưa và Nay (2013)., Nhà xuất bản Hồng Đức, Hà Nội, Việt Nam.

  • Tôn Nữ Quỳnh Trân, Trương Hoàng Trương (2012)., Viết thêm về Quy hoạch Coffyn 1862. Hội thảo về Phát triển không gian đô thị Sài Gòn- Tp. HCM. Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh. Việt Nam.

  • CAND (2012)., Chậm trễ bảo tồn, di sản kiến trúc đô thị bị xâm hại. Công An Nhân dân online. Internet: cand.com.vn

  • TNO (2012)., Di sản đô thị TP. HCM đang bị xâm hại. Thanh Niên online. Internet: thanhnien.com.vn

  • Maurice Halbwachs (1992)., On Collective Memory. University of Chicago Press. USA.

  • Vương Hồn Sển (1960)., Sài Gòn năm xưa. Cơ sở báo chi và xuất bản Tự do. Việt Nam.

  • Trịnh Hoài Đức (1972)., Gia Định Thanh Thông-Chí. NXB Nha Văn hóa.