Trang Thế Hy, người không bào chế thuốc giảm đau

Trong đôi mắt vốn đã rất buồn vẫn tràn đầy điều gì đó, như một lời vô ngôn: Cuộc sống này vốn đã rất tạm bợ…


Nhà văn Trang Thế Hy (Nguồn: Internet)

Có thể bạn quan tâm

Trên tay tôi là tập sách Nợ nước mắt & những truyện ngắn khác của nhà văn Trang Thế Hy. Sách được in vào năm 2001, số lượng rất khiêm tốn: chỉ 500 bản. Ở trang cuối sách còn ghi rõ: người làm bìa và trình bày là họa sĩ Nguyễn Việt Hải, người sửa bản in là nhà thơ Ý Nhi (khi đó đang là giám đốc văn phòng phía nam của Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Ở trang đầu mỗi truyện đều có tranh minh họa của các họa sĩ: Hoàng Trầm, Lê Thanh Trừ, Nguyễn Trung, Việt Hải, Hoàng Tường, Ca Lê Thắng… Nó có cả một bản đính chính gồm 20 lỗi mo rát, bộc lộ sự chăm chút tới mức tối đa của những người làm sách. Vẫn còn một người dù tên không xuất hiện nhưng anh đã đóng góp rất nhiều công sức vào việc ra đời tập sách: nhà thơ Chim Trắng. Tập hợp bài vở, vận động tài chính, mời người trình bày, vẽ tranh, lo các thủ tục in..., tất cả những việc để làm nên tập sách không hề được tác giả hay biết, bởi ông đã lặng lẽ rút lui khỏi đất Sài Gòn trước đó khá lâu.

Ra mắt vào năm 2001, khi chất lượng sách in thua kém nhiều so với hiện nay, vậy mà tập truyện của Trang Thế Hy nhìn rất sang trọng, trang nhã từ ngoài bìa cho đến phần ruột, không hề thua kém sách bây giờ. Sách có bìa lót và giấy in loại tốt, trình bày rất chuẩn. Bìa một là ảnh chân dung của nhà văn, rất đúng thần thái. Nhưng chính bức ảnh Trang Thế Hy mặt buồn rười rượi này đã bị những người phát hành đặt câu hỏi: “Mặt ổng buồn thiu vậy làm sao bán được sách?”.

18 truyện ngắn trong tập được sắp xếp theo thứ tự thời gian sáng tác: xưa nhất là Nợ nước mắt viết tháng 2.1977 và mới nhất là Hai người nhìn mưa dầm viết tháng 10.1993. Một khoảng cách dài mười sáu năm. Đó là mười sáu năm rất quan trọng của đời văn Trang Thế Hy, khi ông vẫn còn gượng vui góp mặt ở Sài-Gòn-thời-thanh-niên của mình, chưa “đi chỗ khác chơi” bằng cách lui về với cây cỏ ở quê hương Bến Tre.

Với chỉ 500 bản in dù các truyện trong tập đều hay và rất tiêu biểu cho phong cách của Trang Thế Hy, có vẻ tập sách này không thực sự chú trọng việc kinh doanh. Như thể mục đích của nó chỉ nhằm đánh dấu một chặng đường sáng tác của Trang Thế Hy, nhắc người đọc đừng quên một cái tên, một tài năng. Bằng tình thương yêu trân trọng cộng với nỗi xót xa dành cho một tài năng có thể đang bị ai đó “quên lãng” (sic), những bè bạn yêu quý Trang Thế Hy đã nghĩ đến việc cần làm nhất cho ông: một tập sách xứng đáng với ông, cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nhà thơ Chim Trắng, đồng hương Bến Tre, biết rõ cuộc đời khá gập ghềnh của người đàn anh, đã bàn với nhà thơ Ý Nhi cách để làm vui Trang Thế Hy khi ông đã tự loại mình khỏi chốn đông-mà-không-vui. Trang Thế Hy đã in nhiều thơ và truyện ngắn dưới các bút danh khác nhau khi còn hoạt động bí mật trong nội đô Sài Gòn trước 1975. Ông đã từng bị bắt, bị tù, và lý lịch ấy khiến sau 1975, ông hầu như được xếp vào danh sách bị lãng quên, cho dù chắc chắn ông là một trong những nhà văn tài ba nhất của đất Nam Bộ.

Khi vừa trình làng, Nợ nước mắt & những truyện ngắn khác đã được đón nhận trân trọng, bằng giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Và nhờ món tiền thưởng khiêm tốn, tác giả đã sửa sang lại mái hiên của ngôi nhà nhỏ trong vườn quê Bến Tre, biến nó thành chỗ uống trà, cụng ly, tụ tập tâm tình cho tất cả các loại khách đường xa về xứ dừa thăm nhà văn quê kiểng.

Trang Thế Hy đã tạo nên một nghịch lý thú vị: khi ông rời chốn kinh kỳ về sống ở quê xa thì rất nhiều người lại tìm đến cùng ông. Nó trái ngược hẳn với câu “Bần cư trung thị vô nhân vấn/ Phú tại thâm sơn hữu khách tầm”. Ngôi nhà nhỏ của ông đã đón rất nhiều khách văn trong và ngoài nước và những bạn đọc nhiều thế hệ, khiến nó trở nên nổi tiếng ở Bến Tre.

Truyện ngắn đặc biệt nhất trong tập sách có ghi thời gian ở trang cuối: Sài Gòn 1963/ TP.HCM 1991: hai mươi tám năm. Rõ là, Người bào chế thuốc giảm đau đã được bổ sung thêm thắt sau hai mươi tám năm được khai sinh.

“Cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới… Đương nhiên đó là một ước vọng tuyệt đẹp. Cho đến nay, cái thời của thần tượng sụp đổ, hy vọng biến thành ảo vọng, nó vẫn cứ còn là điểm tựa của số đông người đau khổ. Nhưng nếu thử đặt ra câu hỏi: Cái thế giới thời ông Đốt quăng ra lời tiên tri ấy đẹp hơn hay xấu hơn so với cái thế giới hôm nay của chúng ta?... Hãy nhìn cái cách con người ăn ở với nhau… Phần tôi, tôi nhìn ông Đốt như một người bào chế thuốc giảm đau ở cấp bậc lão tổ…”.

“…Trong y học, khi thuốc giảm đau gây tác hại thì đó là lỗi của người sử dung thuốc… Trong nghệ thuật, người nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về bào chế phẩm của mình. Bào chế theo một công thức nào đó, thuốc giảm đau trong nghệ thuật sẽ tiếp tay cho nhà cai trị nào mị dân…”.


Đó là những lời lẽ trao đổi trong cuộc trò chuyện của hai người, một đàn ông và một đàn bà mới gặp lại sau hai mươi tám năm. Cô gái điếm năm nào giờ trở thành “cô giáo kiêm đầy tớ” trong gia đình của một nhà thơ “có tiền, có chức phận, được tin cậy nhờ tư tưởng lạc quan”, còn người đàn ông làm thơ từng tự nhận “mình là nỗi đau, mình không phải là thầy thuốc” vẫn không có gì thay đổi, vẫn tiếp tục là “nỗi đau” chứ không bao giờ là Người bào chế thuốc giảm đau.

*
*    *

Năm 2007, khi đoàn bốn người gồm nhà thơ Chim Trắng, nhà thơ Ý Nhi, nhà thơ Nguyễn Bảo Chân và tôi về Bến Tre trên chiếc xe nhà do chính anh Chim Trắng cầm lái, nhà văn Trang Thế Hy chạy xe đạp ra tận con lộ trải nhựa để đón khách. Ở tuổi tám mươi ba, ông gầy nhưng vẫn còn nhanh nhẹn. Đôi mắt buồn như biểu tượng của ông vẫn ánh lên những tia sắc bén, hóm hỉnh. Ngồi quanh chiếc bàn đá với vài món nhắm dân dã, mọi người không nói gì nhiều. Lan tỏa chung quanh là một không khí tịch mịch từ khu vườn không được chăm sóc kỹ. Có một người buôn cây kiểng đang đi từng nhà để tìm mua thứ cây gì đó đang được thương lái thu gom. Những đám dừa nước trong vườn nhà ông vẫn chĩa lên trời những tàu lá xanh bén ngọt của mình. Lúc chia tay, xe chạy, nhìn thấy Trang Thế Hy đang đứng trước sân nhà mới gầy guộc khắc khoải làm sao…

Năm 2014, khi một đoàn đông vui hơn mười người lại về Bến Tre, sức khỏe của nhà văn Trang Thế Hy đã kém lắm. Ông phải ngồi xe lăn và khi cần di chuyển trong khoảng không gian hẹp phải có người bồng. Tuy vậy, khi ngồi vào bàn ông vẫn cầm cốc rượu vang lên để cụng ly cùng vui với khách. Trong đôi mắt vốn đã rất buồn vẫn tràn đầy điều gì đó, như một lời vô ngôn: Cuộc sống này vốn đã rất tạm bợ…

Ngôi nhà nhỏ của ông đã được sửa sang, tươm tất hơn hẳn so với trước đó. Nhà vẫn chưa dọn xong, hãy còn sách của ông đang bỏ đống dưới đất. Bức chân dung Trang Thế Hy do họa sĩ Nguyễn Trung vẽ đã thay cho tấm bảng mừng thượng thọ tám mươi tuổi của ông từ năm 2004. Nhiều ảnh chụp được phóng to treo ở tường phòng khách, như lời chào thay cho chủ nhân. Hôm đó cũng là ngày Nhà xuất bản Trẻ xuống ký kết tác quyền trọn đời với ông, và 4 tập sách đầu tiên đã cùng lúc ra mắt bạn đọc.

Ngày 8.12.2015, ra đi ở tuổi chín mươi hai, nhà văn Trang Thế Hy đã đại thọ so với vóc dáng luôn có vẻ không được khỏe của ông. Ông đã lên đường, đi gặp lại người đồng hương chung nghiệp cầm bút Chim Trắng và chàng họa sĩ bạc mệnh đã ra đi quá sớm Việt Hải. Văn giới và người đọc cả nước nghe tin buồn đều không giấu được sự tiếc thương cho một tài văn, một nhân cách. Trang Thế Hy ra đi, nhưng tác phẩm và cốt cách của ông thì mãi còn ở lại. Và những “bào chế phẩm” mà ông luôn thực hiện với tối đa tâm huyết và trách nhiệm nghệ sĩ, chắc chắn sẽ còn đó, sẽ là phần không thể thiếu trong tài sản tinh thần của người Việt, cả bây giờ lẫn sau này…

Cầu mong anh linh của nhà văn sớm siêu sanh nơi An Lạc…