Khi thầy giáo Mỹ hỏi học sinh Việt về cuộc chiến

Không có nghiên cứu thấu đáo từ gốc rễ sâu xa thì xem ra, tình trạng học sinh từ chối chọn thi môn Lịch sử trong những năm tới vẫn chưa thể giải quyết.

Theo báo chí đưa tin, trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có trường thậm chí không có học sinh nào đăng ký thi môn Lịch sử. Điều này khiến chúng ta nhớ lại cách đây mấy năm, dư luận không khỏi băn khoăn trước kết quả hàng ngàn điểm 0 môn sử trong kỳ thi đại học.

Sự quay lưng của học sinh trung học với môn học quan trọng này cho thấy đã đến lúc phải nghiêm túc đổi mới cách dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông.

“Nếu là học sinh, tôi cũng chán”

Một người bạn của tôi có con học lớp 5 mới đây mở sách giáo khoa Lịch sử lớp 5 tập 2 đã choáng váng. Chỉ trong 15 dòng chữ của trang sách mô tả về chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (12 ngày đêm đánh B52 ở Hà Nội vào năm 1972) đã có tới 15 loại con số và các dữ kiện lịch sử khác nhau mà cháu phải học thuộc cho kỳ thi.

Đó là số ngày, giờ, lượng máy bay tham gia chiến dịch bắn phá, tải trọng của các máy bay, số phi công, số nạn nhân, số ngôi nhà bị phá hủy, số máy bay bị bắn rơi… Tính sơ sơ những con số mà mỗi học sinh lớp 5 phải thuộc cho một kỳ thi cho riêng môn Sử thì ngay cả người lớn cũng chẳng dễ gì nhớ nổi.


Điều gì khiến các em quay lưng với môn sử. Tranh minh họa: Sa tế

Nếu chỉ tập trung vào các con số quá chi tiết như vậy, xem ra sẽ khiến các học sinh nhỏ tuổi bị lúng túng. Thay vì được tìm hiểu vì sao dân quân Hà Nội khi đó với khí tài yếu hơn lại có thể bắn rơi các “pháo đài bay”, các cháu sẽ rơi vào cảnh học nhồi dẫn đến quên nhanh.

Và đương nhiên, nếu ngay từ những năm cấp 1 mà học sinh đã không hứng thú với môn học này thì lên các cấp cao hơn, các em sẽ ngán và nản thôi. Ngay cả giáo sư sử học Phan Huy Lê trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo chí gần đây cũng phải nói rằng, “Nếu tôi là học sinh, tôi cũng sẽ chán”.

“Lịch sử rất thú vị”

Trên một tờ báo Việt Nam, thầy James Underwood, giảng viên môn lịch sử tại Anh với 20 năm kinh nghiệm chia sẻ, chương trình giảng dạy môn Sử tại các trường ở Anh rất linh hoạt.

Học sinh từ 14 đến 18 tuổi mới chú trọng đến các kỳ thi, còn trước tuổi đó các em được tự do tìm tòi. Mặc dù có chương trình khung quốc gia nhưng nó không chi tiết, cứng nhắc. Ví dụ, chương trình quốc gia nói rằng: “Trẻ nên được học về các sự kiện và con người nổi bật trong thế kỷ 20” thì cũng không quy định cụ thể là bao nhiêu người, bao nhiêu sự kiện cũng như tên người và tên sự kiện nào. Điều đó có nghĩa là nếu một giáo viên quan tâm đến nhân vật, sự kiện nào hoặc trường học đó ở địa phương có liên hệ gần gũi với nhân vật, sự kiện đó thì có thể đưa vào chương trình giảng dạy của mình.

Chương trình quốc gia cũng không quy định cứng về thời lượng, phương pháp cho từng chủ đề. Chẳng hạn, khi tôi dạy cho học sinh 11, 12 tuổi. Ông nói thêm, “chúng tôi đã bỏ ra vài tuần chỉ để quan sát những người sống trong một lâu đài gần thị trấn của chúng tôi, phân tích và thấu hiểu cuộc sống của họ. Ở một lớp khác, các em được học về những người lính trong thế chiến thứ nhất. Có nhiều buổi học, chúng tôi dành thời gian để phân tích nhật ký, bài thơ, các bức thư tình của họ.”

Đó là chuyện nước Anh. Câu chuyện khác tôi được nghe từ một học sinh lớp 10 đang du học tại Mỹ kể. Ngày đầu tại lớp học lịch sử, thầy giáo hỏi cháu đến từ đâu. Khi biết cháu là người Việt Nam, thầy liền giao đề tài: “Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Mỹ đã đổ vào chiến tranh Việt Nam 141 tỷ USD từ 1965-1974 và kết quả là thua cuộc. Bạn nghĩ gì về điều này?”. Cháu có một tháng để đọc sách và tìm kiếm mọi dữ liệu lịch sử cần thiết để hoàn thành bài viết của mình.

“Đây là lần đầu tiên cháu phát hiện ra môn Lịch sử rất thú vị. thầy giáo đã cho cháu không gian để suy nghĩ, khám phá, tìm tòi và được nói lên ý kiến độc lập của mình”, cháu kể.

Và sau một tháng đọc sách, cháu đã tự tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị từ nhiều góc nhìn khác nhau. Từ đó cháu đã đưa ra quan điểm riêng của mình thể hiện bằng bài viết.

Rõ ràng, đây là một cách học đã giúp cháu nhớ những chi tiết quan trọng mà trước đó nếu có ép thì cũng chỉ thuộc bài kiểu học vẹt chứ không nhập tâm.

Đổi mới vô ích nếu chỉ đối phó

Trở lại với cách dạy khô khan, cứng nhắc ở Việt Nam. Còn nhớ giáo sư Phan Huy Lê đã nói thẳng thế này, “không phải môn sử không đủ hấp dẫn. Tôi cho rằng với cách dạy, với chương trình và sách giáo khoa hiện nay thì học sinh chán sử là tất yếu. Chương trình nặng kiến thức, sách giáo khoa dày đặc sự kiện, vừa thừa vừa thiếu, phương pháp dạy truyền thụ một chiều, thiếu sinh động, đòi hỏi học thuộc”.

Ông nói thêm, “tuổi trẻ đầy năng động, đầy sức sống, rõ ràng các em không chấp nhận được… Trong một mức độ nào đó, thái độ không thích sử, bày tỏ sự không đồng tình với nội dung và phương pháp dạy hiện nay, theo tôi là tích cực. Nó cho thấy sự chủ động của tuổi trẻ và đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách dạy và học sử.”

Trước thực tế các em học sinh quay lưng với môn lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cố gắng soạn thảo một đề án nhằm thay đổi cách dạy và học môn học quan trọng này. Tuy nhiên, nếu đề án này chỉ làm đối phó, không có nghiên cứu thấu đáo từ gốc rễ sâu xa thì xem ra, tình trạng học sinh từ chối chọn thi môn Lịch sử trong những năm tới vẫn chưa thể giải quyết.