Tác giả Phan Văn Trị trong dòng văn học yêu nước chống Pháp và trong chương trình, sách giáo khoa trung học môn Quốc văn ở miền Nam trước 1975

Nguyễn Công Lý


Khu đền thờ và mộ Phan Văn Trị (nguồn: Wikipedia).

Tóm tắt

Phan Văn Trị là một nhà Nho yêu nước trong phong trào chống Pháp ở Nam kỳ hồi nửa cuối thế kỷ XIX. Sáng tác văn chương của ông chủ yếu là thơ được viết bằng chữ Nôm, thấm đậm lòng yêu nước nồng nàn, vạch trần bản chất của bọn tay sai bán nước, nhất là qua cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường.

Trong chương trình môn Quốc văn (Việt văn) bậc Trung học Đệ nhất cấp, thơ Phan Văn Trị có một vị trí đáng kể trong chương trình lớp Đệ tứ (lớp 9), mà từ năm 1971 trở về trước, tác giả này nằm trong chương trình thi Trung học Đệ nhất cấp.

Bài viết này sẽ giới thiệu về Phan Văn Trị và thơ văn của ông trong chương trình Quốc văn (Việt văn) như vừa nêu với những phân tích, đánh giá cụ thể.

Từ khóa: Phan Văn Trị; Thơ Phan Văn Trị; môn Quốc văn (Việt văn); chương trình và sách giáo khoa; miền Nam Việt Nam.

1. Bàn thêm về tiểu sử và hành trạng của Phan Văn Trị

Về năm sinh và năm mất của Phan Văn Trị, trước đây, trong các sách văn học sử và sách giáo khoa môn Văn của các tác giả như Dương Quảng Hàm, Phạm Thế Ngũ, Đỗ Văn Tú, Tạ Ký, Thẩm Thệ Hà đều ghi “không rõ năm sinh, năm mất”[1].

Về quê quán, có nhiều tài liệu ghi chép không nhất quán về nơi sinh của ông: (1) làng Hưng Thịnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long[2]; (2) làng Hạnh Thông, tỉnh Gia Định[3]; (3) làng Thanh Hồng, tỉnh Gia Định[4]; (4) huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre[5]. Như vậy quê quán và năm sinh chính xác của ông là như thế nào?

Căn cứ vào ghi chép của Cao Xuân Dục trong sách Quốc triều Hương khoa lục thì Phan Văn Trị thi đỗ Cử nhân tại trường Gia Định khoa Kỷ Dậu 1849 niên hiệu Tự Đức thứ 3 lúc ông 20 tuổi (theo âm lịch)[6], người làng Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (sau đổi thành tỉnh Vĩnh Long, địa phận này hiện nay là xã Phú Thạnh Đông[7], huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre)[8]. Từ đó suy ra, Phan Văn Trị sinh năm Canh Dần 1830. Còn làng Hạnh Thông, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ là nhà người thân, nơi ông ở trọ học nhiều năm, chứ không phải là nơi sinh như có một vài tài liệu đã chép.

Có tài liệu cho biết ông xuất thân trong một gia đình nghiệp võ. Thân phụ là Chưởng tiền dinh Đô thống chế Phan Văn Tần; cụ tổ là Phan Văn Triệu, một võ tướng thuộc hàng khai quốc công thần đời Gia Long, được liệt thờ ở Miếu trung hưng của triều Nguyễn[9].

Dù đỗ đạt nhưng ông không ra làm quan, mà chỉ ở nhà dạy học, xướng họa thơ văn với các trí thức Gia Định ở Bạch Mai thi xã[10] để tỏ chí, bộc lộ nỗi niềm về nhân tình thế thái, về quê hương đất nước.

Khi Pháp xâm lược nước ta, năm 1859 Sài Gòn – Gia Định thất thủ, sau đó Phan Văn Trị chủ trương ‘tị địa’, ông lánh nạn về sinh sống, mở trường dạy học, bốc thuốc chữa bệnh tại làng Bình Cách (nay thuộc thành phố Tân An, tỉnh Long An), rồi về vùng tị địa Vĩnh Thanh (nay là tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Bến Tre), cuối cùng về sống và dạy học ở làng Nhơn Ái (nay là xã Nhơn Ái), huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ cho đến cuối đời. Ông mất ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất (tức ngày 22 tháng 6 năm 1910) trong một ngôi nhà lá, hiện mộ phần của ông còn ở nơi này, nằm trên đất của gia đình ông Cai tổng - nhà thơ Lê Quang Chiểu.

Về văn chương, Phan Văn Trị sáng tác chủ yếu là thơ và phần lớn là thơ xướng họa với các sĩ phu yêu nước bấy giờ như Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa, Lê Quang Chiểu…, trong đó nhiều nhất là họa thơ Tôn Thọ Tường để đả kích ông này theo Tây. Thơ của ông hiện còn gần trăm bài thơ cách luật, một vài câu đối và một bài phú: Gia Định thất thủ phú.

Tư liệu cho biết Phan Văn Trị là người tính tình vui vẻ, dễ dãi với mọi người và dễ hòa đồng, từ nhỏ nổi tiếng là người thông minh, ứng đối giỏi, ứng tác nhanh. Thông qua các giai thoại, người đọc hôm nay sẽ thấy rõ điều vừa nêu. Chẳng hạn, có lần người bạn giễu cợt bảo ông làm thơ về ‘tứ khoái”, ông mỉm cười rồi đọc ngay hai câu lục bát “Cơm Phiếu mẫu, gối Trần Đoàn/ Ngửa nghiêng loan phụng, nhẹ nhàng nương long”. Chỉ với hai câu gồm mười bốn tiếng mà nêu được đủ bốn cái khoái của người đời, qua những từ ngữ hàm súc, mang tính bác học, giàu điển tích, đồng thời cũng rất trang nhã. Hay như trong một bữa rượu nọ, tiệc tàn, có người ra vế đối “Sắc nan”, ông đối lại ngay “Dung dị”. Mọi người không hiểu, bảo ông đối lại. Ông nói “thì tôi đã đối rồi đó thôi: Dung dị”. Bấy giờ mọi người mới vỡ lẽ và ngợi khen. “Dung dị” có nghĩa là “dễ dàng”, mọi người tưởng là ông bảo vế đối vừa ra là dễ dàng quá, chẳng khó gì, nên mới hối thúc ông đối lại. “Sắc” đối với “dung”, “nan” đối với “dị” thì chuẩn và chính xác vô cùng. Lần khác, trong bữa tiệc, có người ăn quýt, gặp được trái quýt ngọt nên buộc miệng khen “Quýt ngọt”. Ông liền gắp miếng chả bỏ vào miệng và nói “Chả ngon”. Vế đối thật cân chỉnh. Đồng thời vế đối còn có ẩn ý. “Quýt ngọt” còn có ý là “lường quỵt khéo”; và “chả ngon” còn có nghĩa là “chẳng ngon lành gì”, “chẳng đáng gì”. Một chuyện khác, chuyện ứng tác thơ theo lệnh của quan Tổng đốc Trần Bá Lộc. Có lần Trần Bá Lộc đi kinh lý qua Vĩnh Long, nghe danh tiếng Phan Văn Trị nên quan cho lính gọi ông đến với ý định trừng trị thái độ ương ngạnh của ông. Quan Tổng đốc buộc ông phải ứng khẩu một bài thơ. Ông xin đầu bài, lập tức Bá Lộc buông lời thô lỗ: “Cục cứt!”. Cử Trị liền ứng tác ngay một bài thất ngôn tứ tuyệt với niêm luật rất cân chỉnh và đầy ngụ ý:

Đương cơn lộn xộn ló đầu ra,
Người thấy, ai mà chẳng sợ va.
Cậy thế, khom lưng ngồi dưới đít,
Biết đâu sắp bị chó liền tha.

Bài thơ ứng tác đã miêu tả rất thực một hiện tượng rất đúng mà đầu đề đã ra, nhưng ngẫm kỹ thì nhiều ẩn ý, với sự châm biếm mỉa mai tên Việt gian làm tay sai cho thực dân. Hắn lợi dụng tình thế đất nước bị xâm lược, ra phò Tây, bợ đỡ Tây, rồi mượn cái uy quyền của thực dân để hù dọa, áp bức đồng bào. Hắn biết đâu rằng việc làm của hắn sẽ lãnh hậu quả, bị quả báo, y như con người ta vừa bài tiết xong thì chó liền chạy tới tha đi mất! Nghe xong bài thơ, tên quan Tổng đốc cảm thấy xấu hổ nên sai lính đuổi Cử Trị về!

Qua bài thơ ứng tác, người đọc còn cảm nhận được chất Nho phong sĩ khí tuyệt đẹp của trí thức chân chính ở Nam kỳ lúc bấy giờ.

2. Thơ Phan Văn Trị trong dòng văn học yêu nước chống Pháp ở Nam kỳ hồi nửa cuối thế kỷ XIX

Phan Văn Trị là con dân Nam kỳ, mang cái cốt cách sĩ khí của Nam kỳ, là một trong những sĩ phu yêu nước tiêu biểu của Nam kỳ lục tỉnh lục tỉnh hồi đầu chống thực dân Pháp xâm lược vào nửa cuối thế kỷ XIX, trong một giai đoạn lịch sử “đau thương khổ nhục mà anh dũng vĩ đại”[11]. Muốn hiểu rõ giá trị thơ văn cùng vị trí của Phan Văn Trị có lẽ nên đặt thơ văn của ông trong dòng văn học yêu nước chống Pháp ở Nam kỳ giai đoạn này.

Có thể nêu ra đây những tên tuổi nổi tiếng trong dòng văn học yêu nước chống Pháp ở Nam kỳ nửa cuối thế kỷ XIX như Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Hữu Huân, Trần Thiện Chính, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông, Học Lạc, Nhiêu Tâm, v.v.. Trong đó, Nguyễn Đình Chiểu là “ngọn cờ đầu”, là “ngôi sao càng nhìn càng thấy sáng”[12], là “người đã đưa văn học một vùng miền địa phương hòa nhập và tiến kịp với nhịp đập của văn học cả nước”[13].

Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) quê ở làng Bình Thủy, huyện Vĩnh Định, tỉnh An Giang (làng này nay thuộc Thành phố Cần Thơ). Ông đỗ Giải nguyên khoa thi Hương ở Gia Định năm 1835, từng làm Tri huyện Trà Vinh. Về tác phẩm, ông có viết vở tuồng Kim Thạch kỳ duyên, hai bài văn tế vợ và tế con gái, một số bài thơ Đường luật tứ tuyệt và bát cú.

Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883) người làng Tân Hội, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định. Ông đỗ Cử nhân năm 1931, làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh An Giang có để lại một số bài thơ Nôm Đường luật thất ngôn bát cú mang ngụ ý chống Pháp và bọn tay sai.

Nguyễn Hữu Huân (1816?-1875) người làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), đỗ Giải nguyên khoa thi năm 1852 tại trường Gia Định, từng làm Giáo thụ phủ Kiến An, tỉnh Định Tường, trong lúc đang giữ chức quan, ông mộ quân nghĩa dũng chống Pháp với nhiệm vụ Phó quản đạo. Sau hàng ước 1862, ông không tuân lệnh bãi binh của triều đình, ông cùng Võ Duy Dương hoạt động chống Pháp trong phong trào của Trương Định. Ông bị Pháp bắt và xử tử (ông tự cắn lưỡi chết, nên bọn Pháp tức giận chặt đầu ông) tại quê nhà ngày 19 tháng 5, dương lịch là tháng 6 năm 1875. Ông có sáng tác thơ văn chữ Hán và chữ Nôm nhưng hiện thất lạc gần hết.

Trần Thiện Chính (1822-1874) tự Tử Mẫn, hiệu Trừng Giang, quê ở huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc tỉnh Bình Dương), đỗ Cử nhân năm 1843, là bạn thơ với Nguyễn Thông, làm quan đến chức Thị lang bộ Binh, kiêm Hộ lý Tuần phủ Ninh Bình. Tác phẩm có Trừng Giang thi văn tập, Nam hành thi thảo, Bắc chinh thi thảo, Trần Tử Mẫn Công thi tập.

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) sinh ở làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Ông đỗ Tú tài khoa thi năm 1843. Tác phẩm gồm ba truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp; văn tế có Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh (Tế Lục tỉnh sĩ dân trận vong văn); thơ Nôm có Điếu Trương Định (12 bài), Điếu Phan Tòng (10 bài), Chạy Tây (Chạy giặc), Ngựa Tiêu sương, Từ biệt cố nhân, Than đạo

Nguyễn Thông (1827-1894) người huyện Tân Thịnh, tỉnh Gia Định, đỗ Cử nhân khoa Kỷ Dậu 1849 tại trường Gia Định. Ông từng trải qua các chức vụ: Huấn đạo huyện Phong Phú tỉnh An Giang, Đốc học Vĩnh Long, Bố chánh Quảng Ngãi, Tư nghiệp Quốc tử giám, Bố chánh Bình Thuận. Tác phẩm có Ngọa du sào tập, Kỳ Xuyên văn sao, gồm những bài thơ, những bài văn chữ Hán và các bài điều trần về những vấn đề quốc kế dân sinh.

Hồ Huân Nghiệp (?-?) tham gia chống Pháp dưới ngọn cờ nghĩa của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định. Ông bị Pháp bắt, lúc sắp hành hình, ông rửa mặt, khăn áo chỉnh tề, ung dung đọc bài thất ngôn tứ tuyệt chữ Hán “Lâm hình thời tác” (Làm trước giờ bị chém).

Nguyễn Văn Lạc (Học Lạc) (1842-1915) người làng Mỹ Chánh, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) có để lại một số bài thơ Nôm theo thể Đường luật tứ tuyệt, bát cú với giọng điệu trào phúng giễu cợt các chức sắc làng xã (hương lý) và bọn người làm tay sai cho thực dân.

Đỗ Minh Tâm (Nhiêu Tâm) có một số thơ Nôm trào phúng chế giễu bọn hương lý và những người làm tay sai cho Tây.

Trên đây là giới thiệu một số tác giả tiêu biểu của dòng văn học yêu nước chống Pháp ở Nam kỳ nửa cuối thế kỷ XIX. Riêng với Phan Văn Trị thì ông không có tập thơ riêng, có thể ông sáng tác, ứng tác nhiều nhưng bị thất lạc gần hết, chỉ còn khoảng trăm bài như ở mục trước có nêu. Dù Phan Văn Trị không trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu chống Pháp như Trương Định, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp…, cũng không làm quân sư hay tham mưu cho cuộc khởi nghĩa như Nguyễn Đình Chiểu, nhưng qua thơ hiện còn, có thể khẳng định ông là chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ, dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu, là người có lòng yêu quê hương đất nước thiết tha, lòng căm thù bọn thực dân cướp nước, ghét bọn tay sai bán nước, bợ đỡ thực dân, và chế giễu vua quan triều đình nhu nhược lần lượt cắt đất cho giặc để cầu hòa.

Những bài thơ thất ngôn bát cú đầy ngụ ý được ông viết trước khi Pháp xâm lược như Cối xay, Quán nước, Hột lúa, Con mèo, Con rận, Cào cào, Con cóc, Thợ may, Ông Táo, Quán nước, Câu cá… một số thơ xướng họa với các thi hữu ở Bạch Mai thi xã nhằm bày tỏ chí hướng; thì số còn lại được làm sau khi Pháp xâm lược, nhất là lúc ba tỉnh miền Đông Nam kỳ bị mất (1862) rồi tiếp theo là ba tỉnh miền Tây bị chiếm đóng (1874), như bài phú Gia Định thất thủ phú, bài thơ Cảm tác, mười bài liên hoàn Cảm hoài… bày tỏ nỗi lòng trước cảnh nước mất nhà tan. Tất cả đều là những bài thơ bộc lộ lòng yêu nước, lòng căm thù bọn Tây cướp nước, giận ghét bọn tay sai theo bợ đỡ Tây, mà nhiều nhất là những bài thơ họa lại thơ của Tôn Thọ Tường, chẳng hạn như Tôn phu nhân quy Thục, Mười bài liên hoàn Tự thuật, Từ Thứ quy Tào…

Xin đọc lại vài bài để thấy được tấm lòng của nhà thơ đối với quê hương đất nước.

Năm 1859, Pháp tấn công vào Sài Gòn – Gia Định, dù quân đội triều đình nhà Nguyễn chống trả quyết liệt nhưng cũng không thể nào giữ được thành trì trước vũ khí mạnh mẽ của giặc, lập tức Gia Định bị rơi vào tay thực dân Pháp. Nhìn cảnh nước mất nhà tan, quê hương bị thay đổi xáo trộn nhiều bởi ‘loài tinh chiên’, ‘quân mọi rợ’, nên Phan Văn Trị ngậm ngùi, xót thương và đau đớn, cảm khái viết bài Gia Định thất thủ phú theo thể phú Đường luật, mà theo tôi về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, bài phú này với bút pháp chững chạc, xứng đáng là một trong những bài văn hay, nhưng không hiểu sao trong bộ Tinh tuyển Văn học Việt Nam và bộ Tổng tập Văn học Việt Nam lại không tuyển bài này vào, nên xin phép được chép lại đầy đủ trọn vẹn ở đây:

Thương thay đất Gia Định; Tiếc thay đất Gia Định.
Vực hóa nên cồn; Đất bằng dậy sóng.
Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt bến Trâu; Dây thép giăng nhấp nhoáng đất ngàn trùng, ngả siêu thành Phụng.
Bờ cõi phân chia khác mặt, trông ra như quáng như mờ; Non sông dời đổi họa mi, tưởng tới dường si dường tủng.
Lớp cũ tàn, lớp mới mọc, dọc ngang xe ngựa đất gò bằng; Dấu trước lấp, dấu sau bồi, tan nát chợ nhà trời sấm động.
Inh ỏi súng rền kinh cửa Bắc, hãi hùng trăm họ đứt câu ca; Tò te kèn thổi tối trời Nam, ngơ ngác năm canh không tiếng trống.
Hào kiệt tìm phương lánh mặt, sa cơ giá hạc lúc hư kinh; Anh hùng kiếm chốn ẩn thân, sút thế nước cờ cơn lúng túng.
Tới Bến Thành trải qua Chợ Đũi, loài tinh chiên loạn xạ biết bao nhiêu; Nơi Chợ Lớn sắp đến Cầu Kho, quân mọi rợ lẫy lừng khôn xiết những.
Tầu Bà Nghè cùng nơi Chợ Quán, quỷ hung tàn đắc ý vênh râu; Chùa Cầm Thảo trải tới Cây Mai, Phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng.
Nơi nơi nổi xóm mới nhà Tây; Chốn chốn lập đồn canh ụ súng.
Ngậm ngùi thay ba bốn làng Gò Vấp, cây cỏ khô thân thế đều khô; Đau xót lẽ mười tám thôn Vườn Trầu, hoa trái rụng người đời cũng rụng.
Mấy dặm Gò Đen, Rạch Kiếng, ngọn lửa thiêu sự nghiệp sạch không; Đòi nơi Rạch Lá, Gò Công, trận gió quét cửa nhà trống rỗng.
Tiếng kêu oan, oan này bởi nước, hồn nhân dân biết dựa vào đâu; Thân liều chết, chết cũng vì vua, xương nghĩa sĩ chất đà lên đống.
Sông núi đào, mồ xiêu mả lạc, thương thay người thác chẳng an hồn; Đường sá đắp, cửa nát nhà tan, cực bấy kẻ cồn không nổi sóng.
Sau trước vầy đoàn xâm lược, dân ta đòi bữa đòi suy; Đêm ngày ỏi tiếng Lang sa, thế nó càng ngày càng lộng.
Cờ Thành Thang sao không thấy phất, bỏ liều con đỏ trước chông gai; Áo Vũ Vương sao chẳng thấy gây, nỡ để dân đen trong bùn vũng.
Đầu Trung Nguyên tóc hãy còn dài, ơn này nhờ có Bá, học Xuân Thu xin chớ biếm Hoàn Công; Tay tả nhẫm áo kia khỏi mặc, việc ấy bởi vì ai, đọc Luận Ngữ chớ sao chê Quản Trọng.
Bóng xế dặm ngàn trông man mác, nước non này ai thấy cũng buồn; Trời chiều chim chóc nhảy lăng xăng, tình cảnh ấy lòng nào chẳng động.
Ta nay nhân cảm với cuộc đời; Vậy nên tả một bài để chúng
.[14]

Năm 1867, thành Vĩnh Long thất thủ. Đây là dấu hiệu để mấy năm sau, ba tỉnh miền Tây Nam kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) tiếp tục rơi vào tay Pháp, Phan Văn Trị cảm khái thốt ra lời thơ đau đớn trước sự bất lực của triều đình Tự Đức:

Cảm tác[15]
Tò te kèn thổi tiếng dăm ba,
Nghe lọt vào tai dạ xót xa.
Uốn khúc sông Rồng mù mịt khói,
Vắng hoe thành Phụng ủ sầu hoa.
Tan nhà căm nỗi câu ly hận,
Cắt đất thương thay cuộc giảng hòa.
Gió bụi đòi cơn xiêu ngã cỏ,
Ngậm ngùi hết nói nỗi quan ta
.[16]

Mười bài thơ liên hoàn có nhan đề là Cảm hoài cũng mang một tâm sự như thế, đó là tâm sự của một sĩ phu yêu nước, nhiệt thành muốn cứu nước nhưng bất lực trước hoàn cảnh, triều đình thì nhu nhược cắt đất cầu hòa, một số bạn bè thì quên cả Nho phong sĩ khí, vì danh lợi mà ra hợp tác với giặc, nhìn cảnh ấy, ông phẫn uất lắm, chỉ biết gởi gắm nỗi niềm vào mấy câu chữ, ít nhiều mong ước có bậc anh hùng xuất hiện để cứu nước. Sau đây là bài mở đầu của chùm thơ mười bài liên hoàn:

Cõi Nam chung hưởng hội[17] thanh bình,
Trời đất gây nên cuộc chiến tranh.
Xe ngựa nhộn nhàng
[18], xe ngựa khách,
Nước non vun quén, nước non mình.
Những trang dụng thế đành ngơ mặt,
Mấy kẻ
[19] trung quân nỡ phụ tình.
Bao thuở đem về cơ nhất thống,
Nghìn thu bia tạc đấng trung trinh
.[20]

Phan Văn Trị không chỉ làm thơ để tỏ lòng căm thù quân xâm lược, thương cảm cảnh nước mất nhà tan, mà ông còn làm thơ để vạch mặt bản chất của bọn người làm tay sai cho giặc, chạy theo bợ đỡ Tây để được vinh thân phì gia. Thơ của Phan Văn Trị viết về nội dung này, nổi tiếng nhất là cuộc bút chiến với Tôn Thọ Tường.

Tôn Thọ Tường (1825-1877) quê ở huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, vốn là thi hữu với Phan Văn Trị, là người chủ trương và đồng sáng lập Bạch Mai thi xã. Mấy lần thi Hương bị hỏng, nhờ có cha làm quan nên ông xin được tập ấm. Triều đình cho tập ấm bên võ quan, nên ông không nhận, từ đó bất mãn. Khi Pháp chiếm Sài Gòn – Gia Định, mời ông ra làm quan, ông liền ra hợp tác, mặc cho bạn bè thân hữu can ngăn. Khi Tôn ra làm việc cho Pháp, có sáng tác nhiều bài thơ đầy ngụ ý nhằm biện minh cho việc làm của mình, thông qua các bài như chùm thơ Tự thuật mười bài liên hoàn, Tôn phu nhân quy Thục, Từ Thứ quy Tào, Vịnh Thúy Kiều, v.v.. Phan Văn Trị là người đầu tiên họa lại, sau đó, một số sĩ phu yêu nước như Huỳnh Mẫn Đạt, Bùi Hữu Nghĩa và phú hào như Cai tổng Lê Quang Chiểu cũng có thơ họa lại. Sau đây, xin được giới thiệu một số bài trong số mấy chục bài mà Phan Văn Trị đã họa lại thơ Tôn Thọ Tường.

Bài Tự thuật (số 1) Tôn Thọ Tường cho rằng ba tỉnh miền Đông vẫn còn chứ không mất, ông ca ngợi sức mạnh và vũ khí hiện đại của Tây và khuyên các nhà Nho hãy chấm dứt đả kích ông, đừng thày lay nữa, rồi ông gọi họ là ‘đàn con trẻ’:

Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây,
Trời đất chi xui đến nỗi này.
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo,
Mây tuôn đen kịt khói tàu bay.
Xăng văng chậm tính thương đòi chỗ,
Khấp khởi riêng lo biết những ngày.
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc,
Khuyên đàn con trẻ khéo thày lay
.

Phan Văn Trị lập tức họa đáp lại, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá không hề lay chuyển, dù quê hương đã bị giặc đốt phá nhiều nơi, và ông khuyên Tôn đừng dựa vào Tây, đừng mượn hơi Tây mà hù dọa bạn bè, đồng bào:

Hơn thua chưa quyết đó cùng đây,
Chẳng đã nên ta phải thế này.
Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy,
Cồn Rồng dù mặc muội tro bay.
Nuôi muông giết thỏ còn chờ thuở,
Bủa lưới săn nai cũng có ngày.
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ,
Lòng ta gan đá há lung lay
.[21]

Bài Tôn phu nhân quy Thục, Tôn Thọ Tường ví mình như Tôn phu nhân trọn đạo Tam tòng, trong đó có “xuất giá tòng phu” và ông cho rằng thà mất lòng bạn bè mà được lòng với Pháp thì vẫn hơn:

Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng,
Ngàn năm
[22] rạng tiết gái Giang Đông.
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc,
Về Hán trau tria mảnh má hồng.
Son phấn thà đem dày gió bụi,
Đá vàng chi để thẹn non sông.
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn,
Thà mất lòng anh đặng bụng chồng
.

Phan Văn Trị họa lại với lời lẽ thẳng thừng, không khoan nhượng khi lên án Tôn làm tay sai cho giặc:

Cài trâm sửa trấp[23] vẹn câu tòng,
Mặt giã trời chiều biệt cõi Đông.
Ngút tỏa vầng Ngô un sắt trắng
[24],
Duyên về đất Thục đượm màu hồng.
Hai vai tơ tóc bền trời đất,
Một gánh cương thường nặng núi sông.
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết,
Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng
.[25]

Hứng chịu quá nhiều búa rìu dư luận xã hội và sự công kích của các sĩ phu từng là bạn bè ngâm vịnh nên cuối cùng Tôn Thọ Tường đành chấp nhận đầu hàng. Bài Từ Thứ quy Tào đã ngầm thể hiện sự thua cuộc này. Trong bài thơ, Tôn Thọ Tường cho rằng mình làm việc cho Tây là sự bất đắc dĩ chẳng khác nào Từ Thứ ngậm ngùi bỏ Hán mà về với Tào là vì chữ Hiếu với mẹ. Theo Tôn, nước Nam còn nhiều bậc anh tài làm rường cột cho nước nhà, còn ông chẳng qua chỉ là một cây còi cọc có ích gì, thôi thì đành chịu mang tiếng là “khôn Lưu mà dại Ngụy” vậy. Từ đây, ông mong muốn được yên thân, rủ bỏ việc đời:

Thảo đâu dám sánh kẻ cày voi[26],
Muối xát lòng ai nấy mặn mòi.
Giúp Hán hãy nhiều trang cột cả
[27],
Về Tào chi sá một cây còi.
Bâng khuâng nhớ mẹ khôn nâng chén,
Bát ngát thương vua biếng giở roi
[28].
Chẳng đặng khôn Lưu thà dại Ngụy
[29],
Thân này xin gác ngoại vòng thoi
.[30]

Nhưng Phan Văn Trị vẫn chưa chịu buông tha. Ông họa lại bài này ngay tức thì, đồng thời còn viết thêm một bài khác, bài Vịnh hát bội, để họa nguyên vận bài Từ Thứ quy Tào. Theo Phan, một khi nước đã mất, vua quan đi theo Tây thì chẳng khác nào vai tuồng dù hình thức mão áo có sặc sỡ nhưng bên trong thực chất nếu không bị ‘ghẻ ruồi’ thì cũng ‘lác voi’, chẳng khác nào trò hề (Vịnh hát bội). Còn đây là bài họa lại bài Từ Thứ quy Tào của Phan, ở đó Phan hỏi Tôn lời hứa của ông có đáng giá không?:

Quả bị trên đầu nhát búa voi,
Kinh luân đâu nữa để khoe mòi.
Xăng văng ruổi Ngụy mây ùn đám,
Dáo dác xa Lưu gió thổi còi.
Đất Hứa nhớ than sa giọt tủi,
Thành Tương mến chúa nhẹ tay roi.
Về Tào miệng ngậm như bình kín,
Trân trọng lời vàng đáng mấy thoi
.[31]

Sau đó, ông Tôn còn làm bài thơ Vịnh Thúy Kiều để nói thân phận của ông lúc này chẳng khác gì Thúy Kiều, và lập tức cụ Phan họa lại, đem Thúy Kiều ra mắng, trách Kiều sao không học nàng Đề Oanh mà lại tham vàng của họ Mã để phụ bạc chàng Kim. Sau bài xướng họa này là kết thúc cuộc bút chiến.

Rõ ràng rằng, trong văn học Nam kỳ nửa cuối thế kỷ XIX thì thơ văn của Phan Văn Trị thuộc khunh hướng văn học yêu nước chống thực dân xâm lược, thể hiện qua nhiều tác phẩm nói về cảnh quê hương tan nát, bị đổi thay xáo trộn bởi ngoại bang, căm giận bọn cướp nước, lên án đả kích bọn tay sai bán nước, bọn nịnh Tây, làm việc cho Tây để được vinh thân phì gia. Thơ văn của ông có một vị trí xứng đáng trong dòng văn học yêu nước chống Pháp xâm lược ở Nam kỳ nửa cuối thế kỷ XIX.

3. Thơ Phan Văn Trị trong chương trình và sách giáo khoa môn Quốc văn (Việt văn) bậc Trung học ở miền Nam Việt Nam trước 1975

Trong chương trình khung và sách giáo khoa môn Quốc văn ở miền Nam Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975, tác giả Phan Văn Trị được đưa vào giảng dạy ở chương trình lớp Đệ Tứ (lớp 9) Trung học Đệ nhất cấp, và là một trong những tác giả có trong chương trình thi để lấy văn bằng Trung học Đệ nhất cấp. Hồi ấy, khi biên soạn sách giáo khoa, các soạn giả căn cứ vào chương trình khung mà biên soạn bài học. Ngoài những tác phẩm/ bài thơ, bài văn bắt buộc có ghi ở chương trình khung, thì soạn giả có thể lựa chọn một số thơ văn với những gợi ý, định hướng cụ thể để đưa vào phần đọc thêm hay phần mở rộng nâng cao. Ở lớp Đệ Tứ (lớp 9) chương trình khung của Bộ Giáo dục ở miền Nam quy định dạy và học những nội dung sau:

I. Văn xuôi (Kim văn):

- Văn nghị luận của Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Phan Chu Trinh (tác giả, giảng văn một vài bài).

- Trích các bài nghị luận trong các tạp chí: Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Tri Tân, Thanh Nghị, Tao Đàn, v.v.. như của các tác giả Nguyễn Bá Học, Nguyễn Văn Ngọc, Phan Kế Bính, Dương Minh, Lương Khải Siêu, Phan Sào Nam, Nguyễn Khắc Hiếu, Hoa Bằng, Thu Giang, Phan Khôi, Trần Thanh Mại, Dương Quảng Hàm, Ngô Đức Kế, Đinh Gia Trinh, Trúc Khê Ngô Văn Triện, Trần Thanh Hiệp.

II. Văn vần (Cổ văn):

Trích giảng thơ: Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.

III. Văn thể: Hát nói.

IV. Văn học sử: Đại cương về văn học sử Việt Nam từ khởi thủy đến hiện kim.

Đi vào chi tiết cụ thể với tác giả Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị thì:

+ Theo sách Việt Nam thi văn trích giảng của Tạ Ký (dành cho lớp Đệ Tứ), thì sẽ dạy và học những nội dung sau về Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị:

I. Thời đại.

II. Tiểu sử Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị.

III. Trích giảng: 1. Tôn phu nhân quy Thục (bài xướng, bài họa); 2. Tự thuật (bài 1, bài xướng, bài họa); 3. Từ Thứ quy Tào (Tôn Thọ Tường).

IV. Lược kết về Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị: Giới thiệu cuộc bút chiến; Chí hướng (Tôn Thọ Tường – Phan Văn Trị); Tâm sự (Tôn Thọ Tường – Phan Văn Trị); Kết luận.

V. Bài đọc thêm: 1. Thân thế nàng Kiều (Tôn Thọ Tường); 2. Đĩ già đi tu (Tôn Thọ Tường); 3. Vịnh hát bội (Phan Văn Trị họa nguyên vận bài Từ Thứ quy Tào của Tôn Thọ Tường); 4. Ngư ông (Phan Văn Trị); 5. Mười bài liên hoàn Tự thuật (Tôn Thọ Tường xướng, Phan Văn Trị họa).

+ Theo sách Giảng văn lớp Đệ Tứ (lớp 9) của Xuân Tước và Thẩm Thệ Hà (Ban Tu thư Sống Mới) thì sẽ dạy và học những nội dung sau:

- Tiểu sử Tôn Thọ Tường.

- Trích giảng: Từ Thứ quy Tào.

- Phụ trích: Tôn phu nhân quy Thục; Tự thuật (bài 1); Thân thế nàng Kiều.

- Tiểu sử Phan Văn Trị.

- Trích giảng: Họa bài Tôn phu nhân quy Thục của Tôn Thọ Tường.

- Phụ trích: Họa bài Tự thuật (bài 1) của Tôn Thọ Tường; Câu cá (bài 2, Phan Văn Trị)

- Cuộc bút chiến giữa nhóm Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường.

- Bài khảo sát: Vịnh chùa Cây Mai (Tôn Thọ Tường); Lai kinh thọ tội (Tôn Thọ Tường); Tự thuật (Tôn Thọ Tường. Bài này không thuộc về Mười bài liên hoàn Tự thuật); Cảm hoài (Phan Văn Trị); Câu cá (bài 1, Phan Văn Trị); Tự thuật (bài 5, Phan Văn Trị họa).

- Đọc thêm: Mười bài liên hoàn Tự thuật (Tôn Thọ Tường xướng, Phan Văn Trị họa).

+ Theo sách Giảng văn lớp Đệ Tứ (lớp 9) của Đỗ Văn Tú, Khai Trí xuất bản, thì sẽ dạy và học như sau:

- Tiểu sử Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị.

- Trích giảng: Tôn phu nhân quy Thục (bài xướng của Tôn Thọ Tường, bài họa của Phan Văn Trị); Từ Thứ quy Tào (bài xướng của Tôn Thọ Tường, bài họa của Phan Văn Trị).

- Đọc thêm: Mười bài liên hoàn Tự thuật (Tôn Thọ Tường xướng, Phan Văn Trị họa).

- Cuộc bút chiến giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị.

Như vậy thơ của Phan Văn Trị trong chương trình và sách giáo khoa được dạy và học trong thế đối sánh với thơ của Tôn Thọ Tường, chủ yếu là những bài thơ họa lại, đặc biệt là cả ba cuốn sách giáo khoa môn Quốc văn lớp Đệ Tứ như đã nêu trên đều nhấn mạnh đến cuộc bút chiến giữa hai nhà thơ.

4. Nhận xét chung

Trước năm 1945, trong chương trình giáo dục Pháp – Việt, ở các bộ sách giáo khoa dành cho Ban Trung học như cuốn Việt Nam văn học sử yếu, tác giả Dương Quảng Hàm có nhắc đến Phan Văn Trị tuy còn rất sơ lược khi giới thiệu về Tôn Thọ Tường và có vài dòng nói về cuộc bút chiến[32]. Còn trong Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm đã trích 05 bài thơ của Tôn Thọ Tường (Đi sứ nước Pháp, Tôn phu nhân quy Thục, Tự thuật (bài 1, bài 9), Thân thế nàng Kiều; trong khi đó chỉ trích 03 bài thơ của Phan Văn Trị: Họa bài Tôn phu nhân quy Thục; Họa bài Tự thuật (bài 1, bài 9)[33]. Dù còn sơ lược nhưng việc nhà giáo Dương Quảng Hàm đã giới thiệu như trên ít nhiều cũng cho chúng ta thấy vị trí của Phan Văn Trị trong lịch sử văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX.

Còn trong chương trình môn Quốc văn bậc Trung học ở miền Nam trước 1975 thì tác giả Phan Văn Trị, như đã giới thiệu ở trên được học chung với tác giả Tôn Thọ Tường qua các bài thơ xướng họa là chủ yếu, bên cạnh còn học vài bài thơ nói lên nỗi niềm tâm sự của ông đối với đất nước, như bài Câu cá (1 và 2), bài Cảm hoài

Từ năm học 1970-1971 trở về trước, cùng với các tác giả khác như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương thì Phan Văn Trị là một trong những tác giả trọng tâm của chương trình học và thi để lấy văn bằng Trung học Đệ nhất cấp. Từ năm học 1971-1972 trở về sau đến 1975 dù bỏ thi Trung học Đệ nhất cấp, nhưng Phan Văn Trị vẫn là một trong những tác giả chính trong chương trình trọng tâm lớp Đệ Tứ (lớp 9) để thi học kỳ (thi lục cá nguyệt).

Khi học hai tác giả này, các thầy cô giáo bộ môn thường cho thuyết trình giữa hai lớp Đệ Tứ (lớp 9) trong khối, hoặc giữa hai nhóm trong một lớp: một nhóm/ lớp đứng về phía về Tôn Thọ Tường, còn nhóm/lớp kia thì đứng về phía Phan Văn Trị. Buổi thuyết trình văn học này, dù đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng tôi còn nhớ như in. Hồi ấy, trường Trung học nơi tôi học có 4 lớp Đệ Tứ, môn Văn có hai thầy cô giáo dạy. Cô giáo thì dạy hai lớp Đệ Tứ 1 và Đệ Tứ 3; còn thầy giáo thì dạy lớp Đệ Tứ 2 và Đệ Tứ 4. Tôi học lớp Đệ Tứ 2. Thầy giáo cho hai lớp bốc thăm. Lớp Đệ Tứ 2 chúng tôi bốc thăm trúng Phan Văn Trị, và dĩ nhiên lớp Đệ Tứ 4 phải thuyết trình về Tôn Thọ Tường. Hai lớp có hai tuần để chuẩn bị bài thuyết trình. Tôi có vinh dự là được lớp cử và thầy giáo đồng ý cho làm đại diện lớp Đệ Tứ 2 để thuyết trình về thơ Phan Văn Trị, còn bạn Phạm Văn Tân là đại diện của lớp Đệ Tứ 4 lên thuyết trình về thơ Tôn Thọ Tường. Hôm ấy, hai lớp là hai phe. Sau khi hai đại diện của hai lớp trình bày bài thuyết trình xong (khoảng 30 phút) thì cả hai lớp thi nhau tranh luận, nêu câu hỏi, để phe bên kia trả lời. Buổi thuyết trình hôm ấy diễn ra rất hào hứng, hai bên tranh luận rất sôi nổi, có lúc gay gắt, cay cú. Dĩ nhiên là phe đại diện cho Phan Văn Trị có lợi thế hơn, bởi đứng về phía dân tộc, yêu nước, chính nghĩa để công kích phe đại diện Tôn Thọ Tường làm tay sai cho thực dân, dù Tôn Thọ Tường là người châm ngòi cho cuộc bút chiến, mà ban đầu ông tỏ ra đắc chí ở cái thế thượng phong. Buổi thuyết trình diễn ra suốt trong bốn tiết học không nghỉ giải lao giữa giờ, dù tiếng chuông báo hiệu hết giờ học đã reo nhưng các bạn của hai lớp vẫn muốn tranh luận tiếp tục, buộc thầy giáo phải ra lệnh dừng lại. Thầy dành khoảng mười phút để nhận xét, đánh giá buổi thuyết trình và tổng kết về cuộc bút chiến giữa Tôn Thọ Tường và Phan Văn Trị.

Trong chương trình môn Văn bậc Trung học ở miền Nam trước 1975 các thầy cô bộ môn thường dành 2 tiết cho mỗi tháng để học sinh thuyết trình về một chủ đề văn học, phân tích một tác phẩm văn học hay giới thiệu một tác giả nào đó. Và dĩ nhiên để có buổi thuyết trình theo tổ học tập diễn ra thì hai tuần trước đó, thầy cô đã nêu đề tài để cả lớp chuẩn bị. Theo tôi, chính những giờ thuyết trình này tập cho học sinh có thói quen và hình thành kỹ năng tự học, tự nghiên cứu; kỹ năng diễn thuyết trước đám đông, nói trước công chúng; và hình thành kỹ năng làm việc theo nhóm. Những giờ học như thế là rất thiết thực và bổ ích. Rất tiếc là trong chương trình môn Văn bậc Trung học sau năm 1975 đến nay lại không có giờ thuyết trình văn học như thế này!

Tất cả thơ văn Phan Văn Trị hiện còn đều được viết bằng chữ Nôm theo thể tứ tuyệt hoặc bát cú Đường luật, phần lớn là lối thất ngôn. Mấy chục bài thơ họa lại thơ Tôn Thọ Tường đều là những bài làm theo thể thất ngôn bát cú Đường luật; còn bài phú Gia Định thất thủ phú là bài phú Đường luật (phú cận thể) được viết bằng chữ Nôm. Về thơ văn chữ Hán, Phan Văn Trị chỉ để lại một vài câu đối và một bài thơ nói về chuyện ăn thịt rùa mà giai thoại có kể lại nhằm bày tỏ sự bất bình, phản đối vua Tự Đức đã cắt đất cho giặc để cầu hòa!

Nhận xét đánh giá về Phan Văn Trị, trong công trình Việt Nam văn học sử yếu, Dương Quảng Hàm đã xếp Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường vào khuynh hướng về chủ nghĩa quốc gia, ông viết:

“Các việc biến cố ở nước ta về hạ bán thế kỷ XIX (nhất là việc can thiệp của nước Pháp) đã kích thích các sĩ phu lúc bấy giờ, nhân đó các nhà ấy viết ra nhiều thơ văn để thuật lại các việc đã xảy ra, hoặc phẩm bình các nhân vật đương thời, hoặc biểu lộ cái cảm tưởng đối với thời cục.”[34]; “Bấy giờ các sĩ phu trong Nam chia làm hai phái: một phái muốn cộng tác với người Pháp và chịu ra làm quan, đứng đầu phái ấy là Tôn Thọ Tường; một phái theo chủ nghĩa “trung thần bất sự nhị quân” không chịu ra giúp việc “Tân trào”, đứng đầu phái này là Phan Văn Trị. Hai ông lại có tài làm thơ, nên thường ngâm vịnh để tỏ ý chí của mình mà hễ một bên làm ra bài nào, là bên kia liền làm bài họa lại để phản đối. Nhờ cuộc bút chiến ấy, nay ta được biết tâm sự, chí hướng của đám văn thân trong Nam kỳ lúc bấy giờ. Trong cuộc bút chiến ấy, đặc sắc nhất là mười bài thơ liên hoàn nhan là Tự thuật của Tôn Thọ Tường cùng mười bài họa lại của Phan Văn Trị và bài Tôn phu nhân quy Thục cũng vừa bài xướng vừa bài họa.”[35]

Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây, Tôn Thọ Tường là người hợp tác, làm quan cho Pháp, còn Phan Văn Trị là người chống Pháp. Công trình Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm là sách giáo khoa chính thức dành cho ban Trung học dưới thời Pháp thuộc, học và thi lấy bằng Tú tài Pháp - Việt bản xứ. Việc đưa tác giả Phan Văn Trị vào chương trình học (dù chưa nhiều) đã là cả một vấn đề. Hơn nữa, tác giả công trình đã có những nhận xét khách quan, trung lập, không khen chê, thật minh bạch và khoa học, với vài gợi mở đúng hướng về cuộc bút chiến. Điều đó chứng tỏ bản lĩnh cứng cỏi và tấm lòng nhân ái cùng tầm nhìn rộng mở của tác giả công trình này. Thật đáng quý biết bao!

Trong Việt Nam thi văn trích giảng, Tạ Ký đã nhận xét về Phan Văn Trị như sau:

“Niềm ưu ái của Phan Văn Trị phát sinh từ tấm lòng ái quốc nồng nhiệt của một nhà Nho. Chúng ta xét đến tâm sự người xưa hẳn không thể nào không cùng thông cảm với tác giả. Có lẽ cũng nhờ sự trung chính, sự tin tưởng ấy mà Phan Văn Trị đã giữ được cương thường suốt đời chăng?” (…) “Ta thấy rõ phe Tôn và Phan, mỗi bên đều có một quan niệm sống, một lập trường khác nhau. Điều ấy không lạ vì đó là kết quả tất nhiên của tình trạng xã hội ta lúc bấy giờ. Nhưng dù sao qua thơ văn của Tôn và Phan, ta cũng thấy được một tấm lòng trung chính, vài nét hào hùng, một bộ mặt âu lo vì non nước của các bậc sĩ phu thời đó.”[36]

Có thể có người chưa đồng tình với nhận xét mang tính nước đôi như trên của Tạ Ký. Lời nhận xét đó có thể đúng với Phan Văn Trị, nhưng với Tôn Thọ Tường thì có thể chưa phù hợp, cần xem xét lại.

Trong Giảng văn lớp Chín của Xuân Tước và Thẩm Thệ Hà, các tác giả đã có ý kiến về giá trị của cuộc bút chiến giữa hai ông như sau:

“Nhận xét chung, ta thấy rằng cuộc bút chiến này tuy hình thức là văn nghệ, nhưng nội dung là một cuộc đấu tranh gay go giữa chính nghĩa và phi nghĩa.” (…) “Cuộc bút chiến này không những có giá trị về mặt văn học mà còn có giá trị về mặt lịch sử nữa vậy.”[37]

Trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, Tập 4A , tại chương II Văn học yêu nước chống Pháp do Lê Trí Viễn viết với dung lượng gần 27 trang (tr.19 – tr.45), thơ văn yêu nước của Phan Văn Trị chỉ được điểm qua một vài câu với bài Vịnh hát bội “Khi đã đầu hàng thì bọn vua tôi ấy tất nhiên đi vào con đường làm tay sai cho giặc.” (…) “chẳng khác gì những vai trò sặc sỡ xiêm áo mà toàn thân thì đầy “ghẻ ruồi”, “lác voi” (Vịnh hát bội – Phan Văn Trị)”[38]. Thơ văn yêu nước chống Pháp của Phan Văn Trị hiện còn không phải là ít, nhưng rất tiếc là giáo trình này chỉ nhắc đến hai chi tiết trong một bài thơ chứ không trích dẫn, dù tôi vẫn biết rằng với chương giới thiệu khái quát thì khi viết cần phải có sức nén thông tin, ở đây không thể trách cứ ai được, trong khi đó, cũng tại chương này hai tác giả Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Quang Bích được nhắc đến và trích dẫn thơ văn rất nhiều lần, bên cạnh hai tác giả này còn được viết riêng ở hai chương tiếp theo (chương III và chương IV) của bộ giáo trình!

Nguyễn Lộc trong giáo trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, tại chương Khái quát về văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX, mục các khuynh hướng văn học, đã xếp Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Quang Bích… thuộc khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp (tr.51) và xếp Tôn Thọ Tường, Hoàng Cao Khải, Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Của… thuộc khuynh hướng văn học nô dịch (tr.53). Trong chương Khuynh hướng văn học yêu nước chống Pháp, tác giả giáo trình có mấy lần nhắc đến Phan Văn Trị “giai đoạn nổ ra cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt giữa Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường” (tr.61); ghi lại câu chuyện ăn thịt rùa qua bài thơ chữ Hán ngũ ngôn tứ cú của Phan Văn Trị “Trảm càn đức chi đầu, Ẩm càn đức chi huyết, Phanh càn đức chi thi, Thực càn đức chi nhục” (tr.62). Đặc biệt tại mục III của chương này “Cuộc đấu tranh của văn học yêu nước chống tư tưởng đầu hàng thỏa hiệp”, tác giả nhiều lần dẫn thơ của Phan Văn Trị họa lại thơ của Tôn Thọ Tường nhằm công kích, vạch trần bản chất tay sai của ông ta. Đây là cuộc đấu tranh tư tưởng trong xã hội, đồng thời là cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn học với những phân tích và dẫn chứng thơ cụ thể trong cuộc bút chiến này (từ tr.87 đến tr.94), để đi đến khẳng định cuộc đấu tranh này là cuộc đấu tranh có quy mô đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà, và có tác dụng rất lớn:

“Cuộc đấu tranh tư tưởng của Phan Văn Trị và các sĩ phu yêu nước Nam bộ chống lại Tôn Thọ Tường có tác dụng không những làm cho hàng ngũ bọn tay sai bị cô lập, mà còn thức tỉnh được những người còn mơ hồ về lẽ phải trái, thực hư lúc bấy giờ. Đây là cuộc đấu tranh tư tưởng có quy mô đầu tiên trong lịch sử văn học ta. Từ đầu thế kỷ XX trở đi, sẽ còn nổ ra nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng khác trong văn học, xoay quanh những vấn đề văn học, nhưng thực chất những cuộc đấu tranh này cũng giống như cuộc đấu tranh tư tưởng trong văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX, nghĩa là những cuộc đấu tranh chính trị dùng văn học làm bãi chiến trường. Mối quan hệ mật thiết giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh văn học, có thể coi là một đặc điểm trong sự phát triển của văn học ta trong suốt thời kỳ chống lại ách thống trị của thực dân Pháp.”[39]

Trong Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 15, các soạn giả giới thiệu tiểu sử, hành trạng của Phan Văn Trị, khẳng định thái độ của nhà Nho này đối với thực dân và bọn tay sai: “Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, không thấy ông tham gia vào phong trào nào cụ thể, chỉ thấy thái độ ông đối với quân cướp nước và tay sai là rõ.”[40]

Còn trong Tinh tuyển văn học Việt Nam, Tập 6, đã nhận định:

“Khi thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ, ông cương quyết đứng về phía nhân dân chống Pháp và phản đối nhà Nguyễn đầu hàng. Ông căm ghét nhất bọn sĩ phu như Tôn Thọ Tường, cúi đầu làm tay sai cho giặc, phản lại Tổ quốc, phản lại nhân dân. Ông đại diện cho những sĩ phu yêu nước, lấy văn thơ vạch mặt hèn nhát, phản bội của chúng; ông nổi tiếng nhất trong cuộc bút chiến chống tên phản bội Tôn Thọ Tường. Hầu hết thơ của ông đều ngụ ý yêu nước chống ngoại xâm. Phan Văn Trị là bạn của Nguyễn Đình Chiểu và Bùi Hữu Nghĩa.”[41]

Từ điển Văn học bộ mới có nhận định:

“Khi thực dân Pháp xâm lược Nam kỳ, ông là một trong những người chủ trương kháng chiến và hăng hái đứng về phía nhân dân chống giặc. Ông thường cùng bạn bè tâm huyết bàn bạc việc nước; là một trong những sĩ phu đề xướng phong trào tỵ địa, được đông đảo sĩ phu Nam kỳ lúc đó hưởng ứng, gây cho địch nhiều khó khăn trong việc ổn định nền thống trị của chúng. Phan Văn Trị là bạn tâm giao với Nguyễn Đình Chiểu; cả hai ông đều dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu chống Pháp.”[42] Và “Trong cuộc họa thơ chống Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị đã lôi cuốn được đông đảo sĩ phu Nam kỳ vào cuộc bút chiến: Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt…; ông cũng đã cảm hóa được những người lầm đướng lạc lối, như Lê Quang Chiểu, trở về với chính nghĩa. Cuộc chiến đấu bằng thơ của Phan Văn Trị và các nhà thơ yêu nước có hậu thuẫn mạnh mẽ của dư luận nhân dân yêu nước.”[43]

Qua việc dẫn lại những nhận xét, đánh giá về Phan Văn Trị và thơ văn của ông như trên, có thể khẳng định trong dòng văn học yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược hồi nửa cuối thế kỷ XIX ở Nam kỳ, cùng với ngọn cờ đầu Nguyễn Đình Chiểu thì Phan Văn Trị là một trong vài nhà thơ yêu nước tiêu biểu và sáng giá của văn học Việt Nam giai đoạn này.

Trong chương trình môn Quốc văn (Việt văn/ Giảng văn) ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, tác giả Phan Văn Trị có một vị trí xứng đáng, trọng tâm trong chương trình học và thi Trung học Đệ nhất cấp. Trong khí đó trong chương trình môn Ngữ văn hiện nay ở Trung học cơ sở và nhất là Trung học phổ thông thì tác giả này chỉ được nhắc đến trong bài giới thiệu khái quát về văn học sử giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX ở lớp 11, còn về giảng văn và đọc thêm thì không có trích giảng bài thơ nào của ông. Thiết nghĩ những người lãnh đạo ngành Giáo dục và những chuyên gia biên soạn chương trình khung và biên soạn sách giáo khoa môn Ngữ văn bậc Trung học cần suy nghĩ về việc này. Nên chăng cần gấp rút bổ sung đưa thơ Phan Văn Trị vào học trong chương trình môn Ngữ văn lớp Chín và lớp Mười một!

Sài Gòn, đầu mùa mưa tháng 6 năm 2020

__________________

Tài liệu tham khảo

  • Ca Văn Thỉnh – Bảo Định Giang (giới thiệu, biên soạn): Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX. NXB Văn học. Hà Nội. tái bản 1977.

  • Cao Xuân Dục: Quốc triều Hương khoa lục. Bản dịch của Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm. NXB Tổng hợp TP. HCM. 1993.

  • Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. In lần thứ bảy. Sài Gòn. 1960.

  • Dương Quảng Hàm: Việt Nam thi văn hợp tuyển. Bộ Giáo dục, Trung tâm Học liệu xuất bản. In lần thứ chín. Sài Gòn. 1968.

  • Đỗ Đức Hiểu – Nguyễn Huệ Chi – Phùng Văn Tửu – Trần Hữu Tá (chủ biên): Từ điển văn học bộ mới. Mục từ ‘Phan Văn Trị’ do Lê Chí Dũng biên soạn. NXB Thế giới. Hà Nội. 2004.

  • Đỗ Văn Tú: Giảng văn lớp Đệ tứ (lớp 9). Khai Trí xuất bản. Sài Gòn. 1970.

  • Hoàng Hữu Yên (chủ biên): Tinh tuyển văn học Việt Nam. Tập 6. NXB KHXH. Hà Nội. 2004.

  • Lãng Nhân: Giai thoại làng nho (toàn tập). Nam Chi tùng thư. Sài Gòn. Tái bản. 1972.

  • Lê Tiến Dũng: “Ngòi bút chiến đấu của Phan Văn Trị”. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, số 398, ra ngày 13/9/1985.

  • Lê Trí Viễn – Phan Côn – Nguyễn Đình Chú – Huỳnh Lý – Lê Hoài Nam: Lịch sử văn học Việt Nam, Tập 4A. Tủ sách Đại học Sư phạm. NXB Giáo dục. Hà Nội. in lần thứ 4. 1976.

  • Lê Trí Viễn (chủ biên): Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 15. Có chỉnh lý và bổ sung. NXB KHXH. Hà Nội. 2000.

  • Nhất Tâm: Phan Văn Trị. NXB Tân Việt. Sài Gòn. 1965.

  • Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. NXB Đại học và THCN. Hà Nội. Tái bản. 1976.

  • Nguyễn Thanh: “Phan Văn Trị - mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu”. Tuần báo Văn nghệ. Hội Nhà văn Việt Nam. Mục: Chân dung văn nghệ sĩ. Số ra ngày 25/7/2016.

  • Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên. Tập 2. Văn học lịch triều. Quốc học tùng thư - Phạm Thế xuất bản. Sài Gòn, 1961-1965.

  • Phước Cảnh: “Phan Văn Trị (1830-1910)”. Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Số 64, ra ngày 01/9/2008, Phật lịch 2552.

  • Tạ Ký: Việt Nam thi văn trích giảng. NXB Khoa học. Sài Gòn. 1960.

  • Xuân Tước - Thẩm Thệ Hà: Giảng văn lớp Chín. Sống Mới xuất bản. Sài Gòn. In lần thứ sáu. 1972.

__________________

Thông tin về tác giả:

Nguyễn Công Lý, PGS.TS. Giảng viên Cao cấp Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM. Điện thoại : 0905156830.

Địa chỉ Email: lynguyencong@hcmussh.edu.vn; nguyencongly54@yahoo.com.vn

__________________

[1] Xin xem ở tài liệu tham khảo: Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu; Phạm Thế Ngũ: Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 2, Văn học lịch triều: Quốc văn; Đỗ Văn Tú: Giảng văn lớp Chín; Thẩm Thệ Hà: Giảng văn lớp Chín; Tạ Ký: Việt Nam thi văn trích giảng.

[2] Thẩm Thệ Hà: Giảng văn lớp Chín; Lê Trí Viễn (chủ biên): Tổng tập văn học Việt Nam, tập 15.

[3] Thẩm Thệ Hà: Giảng văn lớp Chín; Hoàng Hữu Yên (chủ biên): Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 6.

[4] Nhất Tâm: Phan Văn Trị. NXB Tân Việt. Sài Gòn. 1965.

[5] Nguyễn Thanh, “Phan Văn Trị - mãnh liệt ngòi bút thơ tranh đấu”. Văn nghệ. Hội Nhà văn Việt Nam. Chân dung văn nghệ sĩ. Số ra ngày 25/7/2016.

[6] Khoa thi này là khoa đặc biệt chỉ tổ chức cho trường Gia Định thi, các trường thi khác thì tổ chức vào năm sau tức năm Canh Tuất 1850, vì lúc này đang có dịch bệnh lớn. Khoa này trường Gia Định lấy đỗ 17 Cử nhân, Phan Văn Trị đỗ thứ 10, Nguyễn Thông (Nguyễn Thái Thông) đỗ thứ 2 (Á nguyên).

[7] Có tài liệu ghi là xã Thuận Phú Đông, huyện Giồng Trôm, như trang https://www.thivien.net/Phan-V%C4%83n-Tr%E1%BB%8B/author-SiS4Pr8vJo_5NyyNgBk8aQ

[8] Theo quy chế thi đời Nguyễn, trước kỳ thi Hương khoảng dăm ba tháng, những sĩ tử trúng cách trong kỳ Khảo hạch của tỉnh thì đủ điều kiện ghi tên tham dự kỳ thi Hương, thí sinh phải chuẩn bị các quyển thi để quan sở tại tập hợp gởi lên Bộ Lễ. Trong quyển thi có ghi tên tuổi, quê quán, cung khai tam đại, mà sau này khi biên soạn Quốc triều Hương khoa lục, cụ Cao Xuân Dục giữ chức Đông các Đại học sĩ kiêm Tổng tài Quốc sử quán đã căn cứ vào lời cung khai này mà ghi chép lại. Cho nên, năm sinh và quê quán của những người được chép trong sách này, trong đó có Phan Văn Trị là hoàn toàn chính xác.

[9] Phước Cảnh: “Phan Văn Trị (1830-1910)”. Tạp chí Văn hóa Phật giáo. Số 64 (01/9/2008 Phật lịch 2552).

[10] Bạch Mai thi xã được thành lập năm 1856 bởi các sĩ phu Nho học Nam kỳ bấy giờ là Tôn Thọ Tường, Phan Hiển Đạo, Phan Văn Trị, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu… trụ sở đặt tại chùa An Tôn, một ngôi chùa cổ, là danh thắng của vùng Gia Định, chùa tọa lạc nơi gò đất cao có trồng nhiều mai, nên dân gian gọi là gò Cây Mai và chùa Cây Mai, nay nằm trên đường Hồng Bàng, quận 11, TP.HCM.

[11] Chữ dùng của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi nói về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam kỳ lúc bấy giờ.

[12] Đánh giá của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một bài viết về cụ Đồ Chiểu.

[13] Đánh giá của GS.NGND. Nguyễn Đình Chú trong các bài viết về thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, trong đó có sách giáo khoa Văn học lớp 11, tập 1.

[14] Dẫn theo: Lãng Nhân: Giai thoại làng Nho toàn tập. In lần thứ hai. Nam Chi tùng thư xuất bản. Sài Gòn. 1972. Tr.817-819.

[15] Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn ký hòa ước Nhâm Tuất nhường ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) cho Pháp. Tiếp theo, năm 1867, Pháp tấn công Vĩnh Long, Phan Thanh Giản thấy không thể chống cự lại được nên đầu hàng, dâng thành cho Pháp. Phan Văn Trị cảm khái viết bài thơ này. Trong Tổng tập Văn học Việt Nam, Tập 15, trang 183, ghi nhan đề là ‘Mất Vĩnh Long’; còn trong Giai thoại làng Nho, trang 519, Lãng Nhân ghi nhan đề là Vĩnh Long thất thủ.

[16] Theo Tinh tuyển Văn học Việt Nam. Tập 6. Hoàng Hữu Yên chủ biên. NXB KHXH. Hà Nội. 2004. Trang 540.

[17] Lãng Nhân trong Giai thoại làng Nho ghi là “cuộc”. Tr.520.

[18] Lãng Nhân trong Giai thoại làng Nho ghi là “rộn ràng”. Tr.520.

[19] Lãng Nhân trong Giai thoại làng Nho ghi là “”. Tr.520.

[20] Dẫn theo: Lê Trí Viễn chủ biên: Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 15. NXH KHXH, tái bản. 2000. Tr.180.

[21] Dẫn theo: Lê Trí Viễn chủ biên: Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 15. NXH KHXH, tái bản. 2000. Tr.168.

[22] Có bản chép “ngàn thu” như Tinh tuyển văn học Việt Nam, Tập 6, tr.541; Việt Nam thi văn trích giảng, tr.161; Giai thại làng Nho, tr.531.

[23] Có bản chép “sửa áo” như Giai thại làng Nho, tr.532; Tinh tuyển văn học Việt Nam, Tập 6, tr.544; Việt Nam thi văn trích giảng, tr.162.

[24] Có bản chép: “Khói tỏa vùng Ngô xen thức bạc” (Tinh tuyển văn học Việt Nam, tr.544) “Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng” (Việt Nam thi văn trích giảng, tr.162).

[25] Dẫn theo: Lê Trí Viễn chủ biên: Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 15. NXH KHXH, tái bản. 2000. Tr.179,180.

[26] Có bản chép: “Hiếu đâu dám sánh kẻ cày voi” (Việt Nam thi văn trích giảng, tr.166).

[27] Có bản chép: “Ở Hán hãy còn nhiều cột cả” (Việt Nam thi văn trích giảng, tr.166; Giai thại làng Nho, tr.532).

[28] Có bản chép: “Bịn rịn thương vua biếng giở roi” (Việt Nam thi văn trích giảng, tr.166); “Bịn rịn trông vua biếng giở roi” (Giai thại làng Nho, tr.532).

[29] Có bản chép: “Chẳng đặng khôn Lưu đành dại Ngụy” (Việt Nam thi văn trích giảng, tr.166; Giai thại làng Nho, tr.533).

[30] Dẫn theo: Lê Trí Viễn chủ biên: Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 15. NXH KHXH, tái bản. 2000. Tr.178.

[31] Dẫn theo: Lê Trí Viễn chủ biên: Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 15. NXH KHXH, tái bản. 2000. Tr.178, 179.

[32] Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. In lần thứ bảy. Sài Gòn. 1960. Trang 378-379.

[33] Dương Quảng Hàm: Việt Nam thi văn hợp tuyển. Bộ Giáo dục, Trung tâm Học liệu xuất bản. In lần thứ chín. Sài Gòn. 1968. Trang 163-166.

[34] Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. In lần thứ bảy. Sài Gòn. 1960. Trang 378.

[35] Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu. Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản. In lần thứ bảy. Sài Gòn. 1960. Trang 378, 379.

[36] Tạ Ký: Việt Nam thi văn trích giảng. NXB Khoa học. Sài Gòn. 1960. Trang 173.

[37] Xuân Tước - Thẩm Thệ Hà: Giảng văn lớp Chín. Sống Mới xuất bản. Sài Gòn. In lần thứ sáu. 1972. Trang 150.

[38] Lê Trí Viễn – Phan Côn – Nguyễn Đình Chú – Huỳnh Lý – Lê Hoài Nam: Lịch sử văn học Việt Nam, Tập 4A. Tủ sách Đại học Sư phạm. NXB Giáo dục. Hà Nội. in lần thứ 4. 1976. Trang 26.

[39] Nguyễn Lộc: Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX. NXB Đại học và THCN. Hà Nội. Tái bản. 1976, Tr.94.

[40] Lê Trí Viễn (chủ biên): Tổng tập văn học Việt Nam. Tập 15. Có chỉnh lý và bổ sung. NXB KHXH. Hà Nội. 2000. Trang 167.

[41] Hoàng Hữu Yên (chủ biên): Tinh tuyển văn học Việt Nam. Tập 6. NXB KHXH. Hà Nội. 2004. Trang 539.

[42] Đỗ Đức Hiểu – Nguyễn Huệ Chi – Phùng Văn Tửu – Trần Hữu Tá (chủ biên): Từ điển văn học bộ mới. Mục từ ‘Phan Văn Trị’ do Lê Chí Dũng biên soạn. NXB Thế giới. Hà Nội. 2004. Trang 1402.

[43] Đỗ Đức Hiểu – Nguyễn Huệ Chi – Phùng Văn Tửu – Trần Hữu Tá (chủ biên): Từ điển văn học bộ mới. Mục từ ‘Phan Văn Trị’ do Lê Chí Dũng biên soạn. NXB Thế giới. Hà Nội. 2004. Trang 1403.