Cải lương không chết!

Nguyễn Gia Việt

Mình thương cải lương như thương người Nam Kỳ mình, nên cải lương sống hoài mà cô Thanh Nga vẫn mãi mãi!

Một bạn gì đó, hình như Bình Bồng Bột gì đó nói bậy về bà Dương Vân Nga, không quan tâm, nhưng lại chú ý khi thực hiện chương trình “Trăm năm sân khấu” rồi nói: “Tôi thấy đời sống của cải lương tương đối ngắn ngủi. Chẳng hạn cô Thanh Nga sống một đời rất ngắn”.

Một câu mất lịch sự mà có mòi vô văn hóa.

Nghe xong biết bạn này 100% hông phải người Miền Nam gốc rồi, chí ít nói giọng Nam nhưng đẻ ra và uống nước ở đâu đó lớn lên.

Nói ra không phân biệt vùng miền, tại vì bạn không hiểu một chút gì về cải lương mặc dầu bạn làm show cải lương.

Hiện tượng Bình Bồng Bột điển hình cho thói ăn cơm hớt giành giựt bắt chước không tới của một số người, cứ thấy người Miền Nam làm gì thì làm theo, bắt chước từng đề tài, từng chữ, từng dấu chấm phết để rồi lòi chành té búa đủ thứ chuyện. Cái mùi Nam Kỳ không ai bắt chước đặng.

Có một câu chuyện giai thoại về cải lương như sau:

“Tháng 2/1972 ông LD[1] khi thảo luận với nhà văn Vũ Ngọc P[2] hỏi:

- Anh giải thích cho tôi tại sao ở Nam Bộ họ thích cải lương?

Vũ Ngọc P trả lời:

- Đất Nam Bộ chính thức khai phá thời Chúa Nguyễn Hoàng. Người Bắc và Trung vào mở đất mới nên có câu thơ: – Từ thủa mang gươm đi mở nước / Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

Xa quê lại sống hòa hợp với người Chăm, người Khmer cũng tha hương nên có lời ca buồn như khóc.

Ông LD: “Anh nói thật chí lý”.

Ông Vũ Ngọc P không hiểu gì về cải lương.

Nó khó lắm đó nghe hôn! Muốn làm người Miền Nam phải thương Miền Nam đã, lòng thành và hồn vía.

Không thương, không có tình cảm, không có lớn lên, không có gắn bó xóm làng Miền Nam, không có vui buồn hờn oán tơi tả, không hửi cứt trâu cứt bò Miền Nam, không có hửi mùi nước cống, mùi kinh Nhiêu Lộc, Kinh Tàu Hủ, Kinh Đôi. . . thì không thể cảm cái mùi của Miền Nam.

“Ầu ơ..... ơi!
Chiều chiều chim vịt kêu chiều
Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”.

Không lớn lên với cái chợ Miền Nam sao có thể hiểu:

“Chợ chiều nhiều khế, ế chanh
Nhiều con gái tốt nên anh chàng ràng
Chàng ràng như ếch hai hang
Như chim hai ổ, như nàng hai nơi”.

Đất sanh ra người, tình cũng từ người, mọi thứ là tình, đó là tình thương xứ sở.

Người Miền Nam thẳng thuốm, bộc trực, không vòng vo tam quốc, hàn lâm văn hoa, mỹ miều, không thích lấy lông gà làm lịnh tiễn, không thích mượn hoa cúng Phật, nói ra là dứt khoát, sát rạt, thẳng thừng, sống biết nhìn người, nhiều sự chia sẻ, thương yêu đồng loại. Nhưng người Miền Nam không có dám mất lịch sự nhận xét một loại hình nghệ thuật vùng miền nổi tiếng là “ngắn ngủi, cô Thanh Nga sống một đời rất ngắn”.

Không hiểu gì về người Miền Nam, cũng hông hiểu cải lương.

Nói về cải lương thì người Miền Nam có thể nói tôi thích tân nhạc, tôi ít nghe cải lương vì nó giả quá, đào kép nói chưa hết câu cái hát, rồi chết mà còn ca mấy câu, nhưng tôi ca ngợi và hãnh diện vì cải lương.

Trẻ chúng ta ít nghe cải lương, nghe nhạc vàng không hà. Nhưng ai cũng trân trọng cải lương, nhứt là cải lương xưa nghe rất hay, có bài bản, tuồng tích, lớp lang rõ rệt.

Khi đã 30 tuổi bạn sẽ nghe thường những tuồng cải lương hay, tìm những điệu xưa, những bài lý.

Có những tuồng cải lương hay, nói về đạo lý, về những cách sống mà ông bà mình muốn truyền cho con cháu. Có những bài tân cổ hay không có lời nào tả xiết.

Có những lúc đi xa, người Miền Nam đi xa ngoái về quê nhà mình trước nhứt là cải lương, nghe câu vọng cổ, nghe một câu xuống xề, một câu lý là rơi nước mắt liền.

Nhớ đoạn ngâm của Thanh Nga trong “Bên cầu dệt lụa”:

“Gió lạnh cắt như dao
Không biết thương người thiếu áo
Từng ngọn cắt thịt da
Cắt lạnh cả tâm tình”.

Người ta nhớ, người ta thèm riết những cái có khi đã mất từ xưa rồi.

Đi quá trời đi, Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Cao Lãnh... đôi lúc dừng chân nghỉ mệt bên lề đường uống chai nước thì vọng xa xa nghe một câu vọng cổ vang lại làm lòng mình muốn quíu, thấy ấm áp, thấy bớt mệt, thấy an toàn, có cảm giác nhà mình đã gần đâu đây rồi, mẹ ta cũng gần đâu đây nè!

Có những người cả đời chưa nghe hết một tuồng cải lương, có thể họ không ưa cải lương. Nhưng đi xa, nghe một câu cải lương họ rơi nước mắt lộp độp liền, rồi biết xuống xề, biết nào là Bình Bán Vắn, Văn Thiên Tường, Nam Ai... nữa.

“Hò ơ!
Quê người một tối nhá nhem
Ai ca vọng cổ
Hò... ơ!
Nghe câu vọng cổ tái tê cõi lòng”.

Có những cái nghĩ là tầm thường, nhỏ xíu nhưng khi nhớ tới thì lòng dạ chịu không nổi.

Từng yêu người Vĩnh Long, từng ôm ấp những gì của Vĩnh Long trong lòng, từng vui buồn cười khóc với đất này. Hàng chục năm sau cứ mỗi khi xe chạy ngang cầu Mỹ Thuận thì tự dưng trong đầu hiện ra một câu cải lương, rồi tự lẩm bẩm... ca cải lương:

“Trưa nào ngồi vá áo cho thằng Hồ với con An, tôi cũng nghe văng vẵng tiếng người hàng xóm hát ru con, ầu ơ gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé, ầu ơ, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ, nghe tủi phận mình làm lẽ lệ trào tuôn…”.

Trời đất ơi! Thương muốn khóc rồi nè, lấy tay chấm chấm nước mắt rồi đó nhen.

“Hồi đó tôi đã đi tìm mình khắp tỉnh Vĩnh Long, ôi sông dài có thấy đâu tăm cá, mà trời cao cũng vắng bặt tin hồng”.

Ngậm ngùi muốn khóc!

Chiều nhá nhem, ngoài lộ xa tiếng xe chộn rộn cuối ngày, dòng người hối hả.

Gần Tết trời se se mà lại có sương mù, nó làm người ta bồi hồi dữ lắm, có chút nôn, có chút khắc khoải rất dễ mủi lòng.

Đạp xe ngang một đám ruộng vừa đập xong còn thơm mùi lúa chín, rơm rạ, từ nhà ai vang ra một điệu cải lương tăng tăng tẳng tẳng, tiếng ca bay xa qua mấy khoảnh ruộng, bay cái rột ra không gian chiều đã nhá nhem tối.

“Ôi tiếng hát lên cao cho ngàn sao, cho trời khuya cũng khóc
Lệ của đêm hay sương mà gieo ngàn giọt tơ vương
Lời ru nào trong đêm, làm trăng khuya cũng như ngậm sầu
Tình yêu nào không mang, ngàn đau thương đắng cay một đời”.

Cải lương có mấy chục bài lý mà bài nào cũng mùi, cũng làm người ta phải thổn thức, động lòng mỗi khi nghe.

Nó gợi ta nhớ bờ đê gốc rạ, cái nhà, cái hàng rào, là ông bà tổ tiên của ta, lúc ta còn nhỏ xíu, những lúc xưa thiệt xưa, xưa tới nổi ta không còn hình dung ra đặng.

Cải lương ăn vô máu của người Nam Kỳ từ lúc mới sanh ra đời. Cải lương xưa hay lắm chớ bộ!

Đời cải lương dài lắm bậu ơi! khi mà nó đã là tim là máu của người Miền Nam. Nó không chỉ là cải lương, là ca hát đào kép, nó là di sản, là niềm tự hào, là liêm sỉ của Miền Nam.

Tại vì người ta ép cải lương gánh chánh trị tuyên truyền, rồi lớp đào kép nay hát không có nét riêng, thầy tuồng quá tệ, rồi đào kép có danh nghệ sĩ này nọ dựa chánh quyền làm toàn trò bá láp. Thành ra cải lương như chiếc ghe trước sóng lớn.

Nhưng bảo đảm cải lương không chết.

Cải lương sau 1975 chết hả? cải lương giờ teo héo hả? Không chết đâu. Cô Thanh Nga dầu đã mất mấy chục năm, nhưng cô vẫn sống mãi trong lòng người Miền Nam, trong lịch sử bi hùng của Miền Nam.

Ai thích cải lương Miền Nam mình biết rõ Thanh Tâm là một trong những giải thưởng cao quý nhứt của cải lương, ai đoạt giải này đều là những nghệ sĩ cải lương thượng thừa về ca diễn.

Nghệ sĩ Thanh Nga lãnh giải đầu tiên năm 1958, lúc đó bà mới 17 tuổi. (Thanh Tâm cuối cùng là 1967 với Mỹ Châu).

Thanh Nga là cô đào đẹp, nhưng nhìn kỹ lại thì đẹp không phải là xuất sắc, da cổ ngâm đen, miệng cười hơi hô.

Nhưng cô Thanh Nga có cái duyên trời cho, nói kiểu Nam Kỳ là ngội lắm, đôi mắt biết nói, mái tóc thề đen nhánh dài chí eo, cô nói cái giọng Nam Kỳ rặc, kiểu con nhà tiểu thư yểu điệu, tay chưn dịu nhiễu, hiền thục, đoan trang.

Cái giọng Thanh Nga riêng, hay, có bản sắc, buồn dịu vợi, nhưng soi kỹ lại đi, giọng yếu lắm, lên cao yếu xìu, có chổ lại phát âm đớt đớt dù cái đớt đó là đặc điểm riêng chết người của Thanh Nga.

Thanh Nga có đặc điểm riêng, Thanh Nga có duyên, Thanh Nga là nữ hoàng sân khấu một thời không có phiên bản thứ nhì.

Đến khi Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm năm 1958 gánh hát Thanh Minh mới đổi tên là Thanh Minh - Thanh Nga.

Thanh Nga là nghệ sĩ cải lương hàng đầu của Sài Gòn ngày đó, mỗi đêm diễn khi cô xuất hiện thì khách và người hâm mộ chen nhau đông bể rạp, có vô số người bỏ tiền bao dàn, bao rạp.

Nữ nghệ sĩ Thanh Nga là một trường hợp rất đặc biệt trong làng cải lương Lục Tỉnh chúng ta, cô vừa đẹp vừa hát hay diễn giỏi, vừa có duyên, vừa là con bà bầu gánh hát.

Chừng khoảng 23h30 đêm 26/11/1978, cô đào thượng hạng Thanh Nga đã bị sát hại trên xe hơi ngay trước cửa nhà mình trên đường Ngô Tùng Châu (Lê Thị Riêng) sau đêm diễn “Thái hậu Dương Vân Nga”.

Người nghệ sĩ ngừng lại ở tuổi 36 xuân xanh và từ đó bước vào huyền thoại.

Đến nay thiên hạ bán tín bán nghi cũng chưa rõ cái chết của nghệ sĩ Thanh Nga là ở dạng nào dù đã có kết luận chánh thức là bị cướp, bắt cóc.

Nhưng chỉ phong cho Thanh Nga là nghệ sĩ ưu tú mà không lên NSND thì cũng là cái lạ.

Trong lịch sử nhân loại đã là ái mộ thương mến, là huyền thoại thì thường ngôi sao đó tắt sớm, để lại trong lòng khán giả sự đau thương, nhung nhớ, NS Thanh Nga là như vậy.

Thanh Nga là nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn nhưng hồng nhan bạc mệnh.

Thanh Nga đã đi về nơi rất xa mấy chục năm rồi, nhưng khán giả sành điệu cải lương cứ mỗi khi bật máy nghe lại giọng của cô lại ngậm ngùi lau nước mắt.

Thương một cô đào cải lương, nữ hoàng sân khấu một thời.

Cải lương xưa là tài sản quý của người Lục Tỉnh chúng ta. Nam Kỳ không có gia phả, không lũy tre làng, không lý trưởng, không trưởng tộc, không phân loại ngụ cư nên người Nam Kỳ rộng rãi, thoáng trong suy nghĩ và rất cởi mở, cải lương cũng ra đời và lãnh trọn những đặc tánh đó.

Cải lương phải rộng rãi, không phân biệt, không gò bó, không uốn éo nó mới là cải lương. Chứ cải lương ngày nay thì vòng kim cô, lý luận, chi bộ, đào kép chỉ hát những bài bản đơn giản trống nhạc organ đánh xập xình quay cuồng như con khùng thì ai coi.

Một bà già mà suốt ngày cứ nhét cải lương với rap, với những bài nhạc “câu view” thì ăn dép, ăn chổi chà là phải rồi. Vì nhạc ngũ cung mới giao duyên với cải lương được.

Khán giả Miền Nam xưa phản ứng tầm bậy bằng cách la lên: “ Xuống mau đi mẹ!”.

Ông bà mình đã dạy cho con cháu kiến thức và đạo đức song song, trong đó đề cao tinh thần nhơn văn, dân tộc và lòng trắc ẩn của mỗi con người.

Cải lương là tiến bộ mà nó bị thụt lùi thì ai thèm coi.

Nhơn bản là cái gốc làm người. Nhơn bản là lấy con người làm gốc, tôn trọng giá trị của con người, đề cao con người. Khai phóng là mở rộng lòng ra, nhìn về phía trước nhẹ nhàng.

Sự giáo dục dạy con người Nam Kỳ biết lòng tự trọng, làm những gì không mắc cỡ. Một người có giáo dục, có nhơn cách sẽ là một công dân tốt, có tình yêu quê hương đất nước, sống liêm sỉ.

Cải lương có liêm sỉ của nó nên người Miền Nam ôm nó vào lòng.

Người Nam Kỳ biết buồn tủi, biết rơi lệ khi khói nhang hoang tàn lạnh ngắt trên bàn thờ ông bà mình, biết buồn khi thấy cải lương ngày nay xập xình màu mè phát ngán.

“Ôi tiếng ca chứa đựng nghĩa tình Phương Nam
Ôi tiếng ca gói trọn tấm lòng thuỷ chung
Buổi ấy ra đi tưởng ngàn năm lẻ đôi én nhạn
Hôm nay quay về xin cùng nhau nối câu sum vầy”.

Hãy biết buồn, biết tự ái, biết đau thương, biết thương nhau vì như vậy bạn hãy còn lương tri của một người Nam Kỳ biết nhận ra cái đau của xứ sở mình.


Thanh Nga
(1942–1978)

_________________

NKLT Chú thích:

[1] Lê Duẩn.

[2] Vũ Ngọc Phan.