Thư trả lời GS Nguyễn Thuyết Phong

Nguyễn Lê-Tuyên – Nguyễn Đức Hiệp

Lời giới thiệu

Chúng tôi nhận được bài “phỏng vấn” Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong Thử “giải mã” câu chuyện “Vũ khúc Đông dương”, do nhà nhạc học Trần Quang Hải gửi đến. Chúng tôi nhận thấy có lẽ GS Phong đã không đọc hoặc bỏ qua các chi tiết trong bài viết nghiên cứu Hát bội, Đờn ca Tài tử và sự hình thành Cải lương cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đã đăng trong Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 1 và số 2 năm 2013. Trong bài viết phản hồi này, chúng tôi phải trình bày lại bài viết nghiên cứu, việc phát hiện sự kiện Cléo de Mérode múa với ban nhạc Việt Nam tại Hội chợ thế giới Paris 1900 và việc bổ túc bản ký âm Vũ khúc Đông dương do nhà nhạc học người Pháp Julien Tiersot ghi lại.

SỰ THẬT và HỌC THUẬT

Đầu tiên, chúng tôi nhận thấy trái lại với lời tuyên bố của chính ông trong việc đi tìm “sự thật” và “tranh luận” “học thuật”, GS Phong có lẽ đã không tham khảo kiểm chứng trước khi trả lời “phỏng vấn”(!) Bài viết nghiên cứu Hát bội, Đờn ca Tài tử và sự hình thành Cải lương cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 của Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển cũng được đăng lại trên rất nhiều trang mạng khác như: Diễn Đàn (Pháp), Đờn ca tài tử, Văn chương Việt, Nam kỳ lục tỉnh, Cổ nhạc Việt Nam, vv. Bài nghiên cứu có từ tháng 1 năm 2013, nhưng lại không tạo ra sự “báo động”, “choáng ngợp đến độ sửng sốt” cho GS Phong. Nói chung, bài “phỏng vấn” của ông dựa theo chi tiết của phương tiện thông tin đại chúng, không tham khảo trích dẫn từ bài nghiên cứu mà lại “phê bình” về “học thuật” của chúng tôi. Đây là một điều phản khoa học và rất khó hiểu!

NGHIÊM TÚC, TRÁCH NHIỆM VÀ TÔN TRỌNG

Chúng tôi có bài nghiên cứu nghiêm túc từ trước với nhiều tư liệu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh, việc gán ép chúng tôi “trợ lực” và “mượn danh” là không hợp lý và… không nên. Thông tin về bản ký âm Vũ khúc Đông dương được đăng trên nhiều cơ quan truyền thông khác nhau, trong đó có việc chúng tôi đã thông báo cho một số chuyên gia trước khi công bố báo chí. Vấn đề bài báo Vietnam News là một sự hiểu lầm ngoài ý muốn. Phóng viên đã có thư khẳng định với những cá nhân có liên hệ rằng chúng tôi và cả Vietnam News không hề có mục đích như GS Phong đã nêu ra. Bài báo cũng được chỉnh sửa lập tức. Đây là thái độ có trách nhiệm của chúng tôi và Ban biên tập của Vietnam News. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, mọi sự thật đều được đưa ra ánh sáng. Không biết tại sao GS đưa ra cách suy diễn về “trợ lực” và “mượn danh” vào bài phỏng vấn có tính cách học thuật? Nếu cố ý để gây ra thiệt hại danh dự người khác là một thái độ phản khoa học, thiếu tôn trọng và phải có trách nhiệm chỉnh sửa.

GS Phong có nhắc đến việc Nguyễn Lê Tuyên là một “nhạc sỹ guitar Rock” (sic). Chúng tôi cũng không biết GS đưa vào tranh luận học thuật với mục đích gì ? Dù sao, điều này cũng chứng tỏ GS đã không kiểm chứng thông tin! Lê Tuyên là giảng viên âm nhạc chính quy, đã từng giữ chức vụ Uỷ viên Ban Sáng tạo Nghệ thuật và Phó Giám đốc Nghệ thuật của Liên hoan Âm nhạc Gillawarna của Bộ Giáo dục New South Wales Australia. Lê Tuyên hiện nay là Teaching Fellow của Đại học Quốc gia Úc. Nguyễn Đức Hiệp là nhà khoa học Bộ Môi trường New South Wales và đã có nhiều bài nghiên cứu về khoa học và văn hoá Việt Nam. Chúng tôi đến với âm nhạc cổ truyền Việt Nam bằng một niềm say mê, nghiêm túc và trân trọng. Chúng tôi giữ tôn trọng và yêu cầu GS cũng có thái độ nghiêm túc và tôn trọng!

“SỰ QUA LOA VÀ MÙ MỜ VỀ KIẾN THỨC TOÀN DIỆN CỦA PARIS EXPOSITION UNIVERSELLE”?

GS Phong đã cho rằng chúng tôi “chưa đọc”, “không biết”, “cũng không biết”, “qua loa và mù mờ về kiến thức toàn diện của các sự kiện Exposition Universelle” (sic). Rất khó hiểu GS dựa vào đâu để nói như vậy! Những phát biểu này của GS Phong là sai sự thật! Có lẽ vì không tìm hiểu bài nghiên cứu của chúng tôi! Sự thật là chúng tôi đã trích dẫn rất nhiều tài liệu về Exposition 1889, 1900, 1906, vv, trong bài nghiên cứu Hát bội, Đờn ca Tài tử và sự hình thành Cải lương cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20! Chúng tôi đã trình bày một số đoạn ký âm nhạc Hát bội của Tiersot tại Hội chợ Thế giới Paris năm 1889; cùng với việc nhạc sỹ Debussy thưởng lãm và sử dụng nhạc Hát bội Việt Nam trong một số sáng tác cho Piano. Đây là vài thí dụ trích từ bài nghiên cứu:


Hinh 1: Giai điệu trình bày bằng đàn Gáo do Tiersot ký âm.

“…Debussy và một số nhạc sĩ, nhà phê bình, ký giả, đã so sánh tuồng Roi de Duong với vở opera Ring des Nibelungen của Wagner và nhạc hát bội chói tai với tiếng trống kinh hoàng với nhạc Wagner, hay là Esclarmonde của Massenet trong thời điểm lúc đó đã và đang diễn ở Pháp. ”

“Tiersot đã ký âm các giai điệu của đàn gáo mà Debussy đã thưởng thức tại buổi trình diễn…”

“…Michael Schmitz đã minh họa những ảnh hưởng của nhạc Hát Bội trong tác phẩm Pour les Quatres viết cho đàn Piano. Sự đối thoại tiết tấu giữa tay phải và tay trái trong tác phẩm này tương tự như phong cách song tấu của nhạc cụ Việt Nam mà Debussy đã nghe tại Exposition 1889…”

“Schmitz cho rằng sự thay đổi đột ngột về âm sắc và tốc độ âm nhạc để thể hiện các yếu tố tình tiết thay đổi trong Hát Bội cũng đã được Debussy sử dụng ngay trong phần đầu tác phẩm. Tiết tấu của trống và giai điệu của Đàn Gáo được giới thiệu vào khoảng khuôn nhịp 20-57. Schmitz tin rằng Debussy cũng có cảm hứng từ các bộ điệu của Hát Bội khi sáng tác tác phẩm này..”

CLÉO DE MÉRODE VÀ BAN NHẠC VIỆT NAM TẠI HỘI CHỢ PARIS 1900


Hình 2: Cảnh cô Cléo de Mérode nhảy vũ điệu Cam Bốt dựa theo câu truyện truyền thuyết ‘Chiếc nhẫn kỳ diệu’ theo tiếng ca và nhạc tài tử ở Nhà hát Đông Dương. (Nguồn: Le Panorama, nouvelle série, n° 20. RV-936986).

Nếu không có bằng chứng, chúng tôi sẽ rất tán thành “việc gán ép múa Cao Miên với nhạc Việt là không có cơ sở”; cũng sẽ có sự “suy luận” giống như của GS Phong rằng hình chụp chung trên sân khấu “có thể hiểu là phô trương tất cả nghệ sĩ Đông dương tham gia Hội chợ”(sic). Tuy nhiên, chúng tôi đã có bằng chứng để công bố việc Cléo de Mérode múa với ban nhạc Việt Nam tại Hội chợ Thế giới Paris 1900 trong bài nghiên cứu từ tháng 1 năm 2013! Chúng tôi xin trích lại từ bài nghiên cứu:

1. Nhà báo và nhà phê bình nghệ thuật, ông Arthur Pougin, đã đến Théâtre Indo-chinois (Nhà hát Đông Dương) ở Trocadéro trong khuôn viên của Hội chợ thế giới Paris 1900 để xem một xuất trình diễn và ông đã mô tả như sau:[1]

Cléo de Mérode…mặc dầu cô ta đẹp, cô ta chỉ là một người An Nam nhuộm giả tạo, một người An Nam hàng lậu, mà sự kỳ lạ ngoại lai chỉ có thể cho một ảo tưởng tương đối…Sáu thiếu nữ và mười thanh niên vào và yên lặng ngồi xuống đất, đối mặt với khán giả, làm thành hai hàng, hàng đầu là các thiếu nữ, và thanh niên ở hàng sau. Tất cả đều có dụng cụ âm nhạc, mà tất cả họ vừa chơi vừa hát, hợp thành một bản hòa tấu.

2. Maurice Talmeyr đã viết chi tiết hơn về ban nhạc tài tử trong buổi trình diễn ở Nhà Hát Đông Dương:[2]

“…Ánh sáng đèn điện phủ khắp đoàn vũ công, những đồ trang sức vàng mạ, những đồ sơn mài, đồ trang trí, những gương mắt đánh sáp mơ ảo của các nhạc công ngồi xổm, với âm nhạc nhè nhẹ, lanh lảnh, và hơi nhôn nhốt chua, vang âm, lên, cuồn cuộn theo điệu múa, cuộn lẫn nhau như một họa tiết Joli (vignette Joli), có một chút tính chất trẻ con. Toàn bộ tập hợp này rất dễ chịu. Nhưng minh tinh Cam Bốt nào mà tôi thấy nhảy múa trước mắt tôi trong cảnh trí Đông Dương này?… Cô Cléo de Mérode!”

3. Báo Sân khấu Nghệ thuật Le Monde Artiste ngày 14/10/1900 cho biết như sau:

“Ở nhà hát Đông Dương – Do đoàn hát người An Nam ở Nhà hát Đông Dương là đoàn duy nhất không muốn rời Hội chợ trước khi bế mạc, đó hiển nhiên tại vì đoàn thu hút khán giả nhiều nhất. Đúng thật là ở nhà hát này và với âm nhạc lanh lảnh của ban nhạc này, cô Cléo de Mérode đã nhảy theo tiếng nhạc qua các bước chân của cô một cách chậm rãi mơ mộng”[3]

4. Với tư cách là một nhà nhạc học, Tiersot đã không nhắc gì đến cô Cleo de Merode, có lẽ vì điều này đã được nhắc đến ở rất nhiều nơi khác. Tuy nhiên, Tiersot đã ghi chép về sự kết hợp giữa nhạc cụ, giọng ca và điệu múa: (phần này trích Đờn ca tài tử tại Hội chợ Thế giới Paris 1900 của Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp, sẽ đăng vào tháng 10)

Các nhạc cụ này cùng nhau đệm cho điệu múa một cách đồng nhất, mà vẫn giữ sự độc lập của từng nhạc cụ.

…Các nhạc cụ đàn dây bè trầm gẩy tách tiếng đi theo giọng ca để tạo ra một Chủ âm thay phiên với một Át âm cùng một tiết tấu với bè trên; phần trên này; nó được trình tấu bởi các nhạc cụ trong trẻo, đặc biệt là đàn Cò (violon 2 dây) mà âm thanh có phần chua chát, nhưng lại rất sắc sảo, đã cho tiếng hát một sự rung cảm rất đặc biệt. Cuối vũ điệu, tiếng của các cô hòa chung để tăng gấp đôi giọng ca…[4]

Tóm lại, chúng tôi có bằng chứng bằng hình ảnh, tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau để công bố phát hiện cô minh tinh Cleo de Merode đã múa trên tiếng nhạc của ban nhạc Việt Nam tại Hội chợ 1900. Thật ra còn rất nhiều tài liệu khác nhắc đến sự kiện này nhưng chúng tôi thấy không cần thiết phải bàn thêm. Xin nhắc lại, bài nghiên cứu này đã được đăng từ tháng 1 năm 2013, nhưng lại không tạo ra sự “báo động”, “choáng ngợp đến độ sửng sốt” cho GS Phong!

BAN NHẠC VIỆT NAM Ở PARIS EXPOSITION 1900 LÀ BAN NHẠC GÌ ?

GS Phong đã cho rằng tại Hội chợ Triển lãm 1900, “théâtre (ở đây phải hiểu là “hát bội”) (!) là điểm nổi trội hơn hết.” (sic). Chúng tôi đã nêu ra trong bài nghiên cứu rằng ban nhạc Việt Nam tại Hội chợ Paris 1889 đúng là trình diễn Hát bội. Nhưng tại Hội chợ Paris 1900 có phải cũng trình diễn Hát bội? (Ở đây, chúng tôi mạn phép chú thích cho độc giả rằng théâtre có nghĩa là sân khấu, nhưng cũng có nghĩa là nhà hát). Tiersot đã nêu lên sự khác biệt ở Théâtre Annamite (Nhà hát An Nam) năm 1889 và ở Théâtre Indochinois năm 1900 (Nhà hát Đông duơng) như sau:

1. Sự khác biệt về biên chế của giàn nhạc ở Nhà hát Đông duơng đã được Tiersot mô tả rất chi tiết, ngay cả cách phát âm tiếng Việt cũng được ghi chép cẩn thận đàn ; Teou (Tiêu); Tranh; Kìm; Houyen (Huyền, Độc huyền cầm, đàn Bầu):

Nhưng tại đây tôi cũng còn thấy một cây đàn còn khác lạ lý thú hơn nữa. Đó là một nhạc cụ gồm có một thanh rung mà âm thanh thay đổi độ cao tùy theo ấn vào mạnh hay nhẹ [người dịch: đàn Bầu]… Các nhạc cụ khác của đoàn Hát này, ngoài những đàn violon 2 dây (tên là đàn trong ngôn ngữ của bản xứ), có thêm Sáo (Teou) [người dịch: tiêu] với các nhạc cụ Bộ đàn dây. Nhạc cụ nầy tương tự như đàn Koto của Nhật bản (dây đàn căng trên thân đàn và lên dây theo điệu âm giai Ngũ cung) được gọi là đàn Tranh (nên nhận xét là cây đàn này rất phổ biến ở vùng Viễn đông, nhưng ở các nước khác có tên khác nhau: chúng ta biết ở Trung Quốc có 2 loại đàn này có tên khác nhau Kín và Chế do sự khác biệt về kích thước. Hai đàn dây khác thuộc bộ Luth, một cái to (Kìm), một cái nhỏ (Tan) [người dịch: đàn tam]; còn có đàn harpe một dây (Houyen) [người dịch: độc huyền cầm/ đàn bầu] [5] (tất cả chữ in đậm là của chúng tôi)

2. Biên chế này cũng được Maurice Talmeyr khẳng định:

“…người chơi đàn tranh, hay đàn guitare mười sáu dây, một người chơi đàn kim (kìm), hay đàn guitare bốn dây [người dịch: xưa là 4 dây, ngày nay đàn kìm chỉ có 2 dây], một người chơi đàn co (cò), hay đàn violon hai dây, hai người chơi đàn doc [người dịch: độc huyền cầm/ đàn bầu] hay violon một dây, một người thổi tieu [người dịch: tiêu] hay sáo, một người chơi đàn ty [người dịch: tỳ bà] hay guitare chơi với móng tay, một người chơi liou (?) hay đàn violon có vĩ dài (grand archet), một người chơi đàn tam (người dịch: đàn tam) hay mandoline chơi bằng cách bấm ở đầu một phím lõm (corne)” [6]

3. Tiersot đã ghi ấn tượng đầu tiên của ông về Hát bội năm 1889:

…với tiếng la khóc khủng khiếp, kèm theo một âm thanh địa ngục của trống và nồi niêu rạn nứt. Những tiếng động này là gì?… Nhà hát An Nam! [7]

4. Khác với ấn tượng về Hát bội, Tiersot cho rằng nhạc cụ bộ gõ tại Nhà hát Đông dương năm 1900 là nhẹ nhàng hơn:

“…đây là nhóm nhạc cụ ít ồn ào và âm thanh nhẹ nhàng hơn là các loại trống ghê gớm của Nhà hát An Nam”

5. Thêm vào đó, kỹ thuật hòa tấu và phong cách diễn tấu ngẫu hứng đã được ông Viang trình bày cho Tiersot như sau:

“Các nhạc cụ này cùng nhau đệm cho điệu múa một cách đồng nhất, mà vẫn giữ sự độc lập của từng nhạc cụ…Các nhạc sĩ của tôi không biểu diễn hoàn toàn giống nhau, miễn là trong tổng thể, mọi người bắt đầu cùng một lúc và ngừng lại chổ chuyển hòa âm, tất cả hoàn hảo, trong khi người nhạc sĩ biến tấu giai điệu tự do theo ý họ. Như vậy trong cách hòa tấu chung vẫn có những ngẫu hứng cá nhân;… Cũng nên thêm vào là các nhạc cụ không chơi cùng một lúc mà theo thứ tư vai trò.” (phần này trích Đờn ca tài tử tại Hội chợ Thế giới Paris 1900 của Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp, sẽ đăng vào tháng 10)

Tiersot đã ghi lại: “Trưởng đoàn, Ông Viang và các nhạc công, từ Saigon đến…”. Để tìm hiểu về ban nhạc Việt Nam tại Nhà hát Đông dương năm 1900, chúng tôi đã nhìn lại bối cảnh lịch sử và sự phát triển âm nhạc cổ truyền ở Nam bộ. Vương Hồng Sển ghi trong Hồi ký 50 năm mê hát là vào thế kỷ 19 “tại các điểm Nam kỳ không có dàn đờn cổ nhạc Việt, chỉ có dàn nhạc Lễ”.[8] Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm thì “Dàn nhạc Lễ gồm hai nhóm nhạc gọi là Phe Văn và Phe Võ, Phe Văn gồm những nhạc cụ dây kéo vào trống lễ… Và, đã dần hình thành một dàn đờn không chỉ dành trong lễ bái trong những dịp quan – hôn – tang tế mà còn chơi trong nhiều dịp khác, đó là ‘nhóm nhạc đờn cây’. Nhóm nhạc đờn cây này có thể đã bỏ bớt bộ trống nhạc (của dàn nhạc Lễ), thêm vào những nhạc khí dây gẩy khác như đàn kìm (nguyệt), đàn tranh, ống tiêu… ”.[9]

Cũng theo TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm: “Đó là khoảng ba thập niên cuối của thế kỷ XIX…những nhóm ‘nhạc đờn cây’ càng lúc càng được ưa chuộng… đã lan tràn, trở thành phổ biển khắp Nam bộ và được những người trong giới gọi là Đờn – ca Tài tử”. Với sự miêu tả của Tiersot về sự khác biệt ở Nhà hát An Nam 1889 và Nhà hát Đông duơng 1900, cùng với các ghi chép của Pougin va Talmeyr; cộng vào bối cảnh lịch sử và phát triển âm nhạc ở Nam bộ theo Vương Hồng Sển và TS Nguyễn thị Mỹ Liêm, chúng tôi thấy “phải hiểu théâtre là Hát bội”(!) không thuyết phục. Chúng tôi đã suy luận đây không thể là ban nhạc Hát bội, nhưng rất phù hợp với sự hình thành của ban nhạc Tài tử ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

BẢN KÝ ÂM CỦA JULIEN TIERSOT


Hình 3: Bản Nhạc tài tử “Danse de L’Indo-chine” (Vũ điệu Đông dương) của Julien Tiersot ký âm (Nguồn: Julien Tersot. Notes d’Ethnographie Musicale. Paris: Libraire Fischbachee, 1905).

Chúng tôi phải nhấn mạnh về trọng tâm nghiên cứu là đưa ra một cái nhìn tổng quan về ban nhạc Tài tử trình diễn với Cléo de Mérode tại Hội chợ Thế giới 1900. Bản ký âm Vũ khúc Đông duơng của nhà nhạc học Julien Tiersot là hệ quả và sự bổ xung tài liệu để tìm hiểu ban nhạc Tài tử Việt Nam đã trình diễn ra sao. Tiersot đã ghi lại theo ông Viang, trưởng đoàn nhạc Tài tử: “…giai điệu của bản này là nền tảng cho bài bản âm nhạc ở Nhà hát Đông dương”. Do đó, bản ký âm có thể cho thấy những giai điệu được ban nhạc Tài tử Việt Nam trình diễn tại Hội chợ 1900. Trong bài Đờn ca tài tử ở Hội chợ Thế giới Paris 1900 (đã gửi từ tháng 5), chúng tôi có trình bày về bối cảnh lịch sử của Hội chợ; về sắc lệnh của Toàn quyền Đông dương Paul Doumer, việc xây dựng Nhà hát Đông dương ở Paris; sự quan tâm đến Nhạc Tài tử Việt Nam của các nhà nghiên cứu và dư luận ở Pháp cũng như khán giả quốc tế tham dự Hội chợ Thế giới Paris 1900; các ghi chép của Tiersot về buổi gặp gỡ với ông Viang cùng với bản ký âm để độc giả có cái nhìn tổng quan về sự kiện.

Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, các sách về nhạc Tài tử được in đầu tiên ở Việt Nam là năm 1907.[10] Nếu xét về niên đại, bản ký âm Vũ khúc Đông dương là sớm hơn hai năm. Nhưng nếu xét về ký âm Phương Tây thì sớm hơn nhiều. Chúng tôi không hề cho rằng Vũ khúc Đông duơng là bài Tài tử cổ nhất, chỉ là bản ký âm Phương Tây cổ nhất, được xuất bản năm 1905, phát hiện vào thời điểm tháng 4 năm 2013. Chúng tôi ngạc nhiên về suy luận cho đây là bản Tài tử cổ nhất. Nếu bàn về học thuật, không thể suy luận bài ký âm cổ nhất là bản nhạc Tài tử cổ nhất. Thí dụ, không thể cho rằng các bài bản trong sách Bản đờn tranh của Phụng Hoàng San xuất bản năm 1907 là xưa hơn các bài bản trong sách Lục tài tử in năm 1911, chỉ là được in trước hoặc sau. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng đã thấy tài liệu của bà Judith Gautier in năm 1900 nhưng không có đủ bằng chứng để suy luận nên đã không đưa vào bài viết nghiên cứu. Chúng tôi mong GS sẽ viết bài nghiên cứu về “bản ký âm Nhạc Tài tử” của Gautier!

Nhà nhạc học Tiersot tốt nghiệp và giảng dạy ở Conservatoire de Paris. Ông không chỉ ký âm nhạc Việt Nam mà đã ghi lại nhạc Nhật bản, Trung Quốc, vv. Công trình của ông về Nhạc dân gian Pháp đã được giải Prix Brodin năm 1845. Bản ký âm của ông còn thô sơ, có rất nhiều thiếu xót sai lac, không thể phản ảnh chính xác bài bản của nhạc Tài tử. Tuy vậy, tài liệu này cho thấy một số vết tích về nhạc Tài tử và phương pháp ký âm của một nhà nhạc học Tây Phương đầu thế kỷ 20. Trong bài nghiên cứu, chúng tôi có đặt giả thuyết rằng bản này có thể chứa đựng nhiều giai điệu khác nhau vì Tiersot sử dụng rất nhiều nhóm vạch nhịp kép (||). Trong đó có thể có những giai điệu đã bị thất truyền. Đây cũng có thể là một bản sáng tác hay dàn dựng chỉ để phục vụ cho buổi trình diễn tại Nhà hát Đông dương.

Nhận định chuyên môn chính xác như là có bài bản, điệu gì, hơi gì, kỹ thuật tô điểm âm thanh ra sao, vv, đương nhiên phải được xác định từ các học giả và nghệ nhân có kinh nghiệm thâm niên và học thuật uyên bác về nhạc Tài tử. Chúng tôi đã gửi thông báo cho một số nhà nhạc học về sự phát hiện này từ trước cũng vì mục đích đó. Tuy nhiên, nhận định của họ là sự lựa chọn và chuyên môn của từng cá nhân, không ảnh hưởng đến việc phát hiện bản ký âm. Nguyễn Lê Tuyên đã cộng tác với nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền để viết bài nghiên cứu Bản ký âm Nhạc tài tử của Tiersot năm 1900 ở Tạp chỉ Âm nhạc của Viện Âm nhạc. Ông Hiền đã sử dụng phát hiện nầy để chuyển ký âm Phương Tây ra chử Đàn. Ông cũng đưa ra một số nhận định cá nhân về bản ký âm này. Chúng ta nên có thái độ tôn trọng với ý kiến chuyên môn của từng cá nhân.

“NHÀ NGHIÊN CỨU ĐÚNG NGHĨA’’

Sự tự giác trong nghiên cứu và phê bình phải được thể hiện bằng hành động. Với nhiều bằng chứng, chúng tôi đã và tiếp tục trình bày nghiên cứu trên một tạp chí có đăng ký ISSN để tất cả các học giả Việt Nam và thế giới có thể kiểm chứng. Đây là vấn đề chính danh và nghiêm túc. Chúng tôi làm việc mạch lạc và có trình tự rõ ràng. Nghiên cứu nào cũng có thể có thiếu xót, sơ hở hoặc ngay cả sai lầm. Chúng tôi cũng không ngọai lệ, có thể được đồng ý, bị phê bình, hay thậm chí bị bác bỏ. Tuy nhiên, ý kiến trái chiều cũng phải tự giác nghiêm túc với việc tham khảo kiểm chứng, và nên đưa ra những ý kiến xây dựng để làm sáng tỏ vấn đề. Không nên phê bình chỉ bằng phát biểu tuyên bố với báo chí mà nên phản ảnh bằng bài viết nghiêm túc trước. Đây là con đường đi tìm sự thật, rất chông gai nhưng đầy thú vị. Hội đồng Đạo đức Nghiên cứu Nhân văn ở Mỹ và Úc sẽ nghĩ sao về những lời “phê bình” sai lệch, mà lý do là không tham khảo kiểm chứng (!), hoặc chỉ dựa vào thông tin của đại chúng? Thêm vào đó, Hội đồng sẽ nghĩ sao về những điều không liên quan đến học thuật lại được đưa vào bài tranh luận học thuật?

KẾT LUẬN

Với hình ảnh và tư liệu, chúng tôi đã công bố phát hiện Cléo de Mérode trình diễn với ban Nhạc tài tử ở Hội chợ Thế giới Paris 1900 trong bài Hát bội, Đờn ca Tài tử và sự hình thành Cải lương cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đưa ra một cái nhìn tổng quan hơn về sự kiện này trong bài Đờn ca tài tử tại Hội chợ Thế giới Paris 1900; trong đó chúng tôi bổ xung nhiều tài liệu, có bài Vũ khúc Đông dương do Tiersot ghi chép những giai điệu được ban nhạc Tài tử Việt Nam trình diễn tại Hội chợ 1900. Đây không phải là bài Tài tử cổ nhất, mà là bản ký âm Phương Tây có niên đại sớm hơn các tài liệu được in ấn trước đây. Sự phát hiện này vào thời điểm tháng 4 năm 2013.

Chúng tôi hy vọng bài viết này đã làm sáng tỏ mọi việc. Chúng tôi giữ tôn trọng và chỉ tập trung vào vấn đề học thuật. Tuy nhiên chúng tôi đã phải nêu ra một số điểm không phù hợp và không nên đề cập đến trong giới học thuật. Sau bài viết này, chúng tôi mong sẽ chỉ tiếp nhận tranh luận bằng bài viết nghiên cứu nghiêm túc ở một nơi thích hợp hơn.

________________

Tài liệu chú thích

[1] Arthur Pougin. “Le théâtre et les spectacles a l’Exposition Universelle de 1900”. Le Ménestrel, 24/2/1901 (p60-61).

[2] Maurice Talmeyr. La cité du sang: tableaux du siècle passé. Perrin (Paris), 1901

[3] Le Monde Artiste. Illustré. Musique – Théâtre – Beaux-Arts, A40, No.41, 14/10/1900, pp. 647

[4] Julien Tiersot, Notes d’Ethnographie Musicale, Libraire Fischbachee, Paris, 1905.

[5] Julien Tiersot, sách đã dẫn.

[6] Maurice Talmeyr. La cité du sang: tableaux du siècle passé. Perrin (Paris), 1901

[7] Julien Tiersot, Musiques pittoresques. Promenades musicales à l’exposition de 1889. Paris: Librairie Fischbacher, 33 rue de Seine, 1889, Paris, 117 p. Bibliothèque nationale de France, Tolbiac, 8- V- 21753

[8] Vương Hồng Sển, Hồi ký 50 năm mê hát, Năm mươi năm cải lương, Nxb Trẻ, 2007.

[9] Nguyễn, Thị Mỹ Liêm. Góp phần nghiên cứu Đờn ca Tài tử. Hà Nội: Nhà xuất bản âm nhạc, 2011. tr 34.

[10] Nguyễn, Thị Mỹ Liêm, sách đã dẫn.